Chiến binh cầu vồng - Chương 48: Đừng Bỏ Cuộc

Trường chúng tôi vẫn đứng vững vài năm sau khi chúng tôi ra trường. Câu nói Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước thì nhất định làm bạn mạnh mẽ hơn đã được trường tôi nhiều lần chứng minh.

Nhìn lại chúng tôi đi: Chúng tôi đã tiếp tục tồn tại dẫu những lời đe dọa của ông Samadikun hung dữ đến đâu, chúng tôi đẩy lùi được những cái máy xúc muốn xóa sổ ngôi trường, và chúng tôi vẫn sống sót trước những khó khăn về tiền bạc đe dọa hằng ngày. Nhưng trên tất cả, chúng tôi vẫn đứng vững trước những khó khăn cận kề nhất: sự đe dọa từ chính bản thân chúng tôi, đó là thiếu tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục, và tự ti.

Chúng tôi tự ti ghê gớm, là hậu quả do bị một tập đoàn thâm nhập vào mọi ngóc ngách cuộc sống chúng tôi, phân biệt đối xử có hệ thống và bỏ mặc hàng năm trời. Áp lực đó khiến chúng tôi không dám đua tranh và không dám ước mơ. Nhưng hai người bạn đặc biệt của chúng tôi – Mahar và Lintang – đã giúp chúng tôi có được dũng khí, và hai thầy cô của chúng tôi – cô Mus và thầy Harfan – là những người bảo vệ giúp chúng tôi ngẩng cao đầu dù khó khăn đến đâu đi nữa.

Thế nhưng, cuối cùng thì, trường chúng tôi rốt cuộc cũng mất. Chúng tôi khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa thực dụng.

Giáo dục hiện hành không còn giữ quan điểm về học tập như thầy Harfan trước đây nữa – kiến thức, chính là chân giá trị, và giáo dục chính là sự ca tụng Đấng Tạo Hóa. Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh. Trường học ngày nay không còn là nơi để xây dựng nhân cách, mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và quyền lực.

Vì thế mà không có cha mẹ nào muốn đưa con đến học ngôi trường làng Muhammadiyah nữa. Ngôi trường đổ nghiêng hơn. Cây cột thiêng mà chính thầy Harfan đã mang về ngày đầu tiên dựng trường ấy – cây cột chúng tôi đã khắc chiều cao của mình lên đó ấy – đã nghiêng tới mức không làm sao có thể dựng lên được nữa.

Một buổi tối buồn, sau cơn mưa, dải cầu vòng bảy màu xuất hiện trên bầu trời, bắt đầu từ thượng nguồn sông Mirang, rồi cong xuống bên trên rừng đước gần cầu Linggang. Lúc cầu vồng xuất hiện, cây cột nghiêng nghiêng xuống thêm chút nữa, rồi đổ. Một ngôi trường huyền thoại gần 120 tuổi đã ngã xuống chẳng ai hay biết. Cùng với nó, sân khấu diễn ra vở kịch tuổi thơ Chiến binh Cầu vồng cũng sụp đổ. Ngày hôm sau, người ta thấy ngôi trường nằm dài ra đất hệt một con thú bị thương nặng.

Sau khi trường tôi sập do bị gió giật mạnh, cô Mus tạm ngưng việc dạy, dành toàn bộ thời gian may quần áo cho khách. Nhưng dạy học mới là nghề cô thực tâm mong muốn. Tôi chưa từng thấy một ai yêu nghề như cô Mus và tôi cũng chưa từng thấy ai vui với nghề như cô. Sau này cô quyết định đi dạy lại và trở thành giáo viên tại một trường tiểu học nhà nước. Tuy thế, cô Mus thừa nhận rằng cô vẫn không bao giờ gặp được học sinh nào siêu phàm hơn Lintang và Mahar.

Bụng tôi quặn lên bởi cố nén cơn cười khi trông thấy anh cu li cố hết sức tha cả đám hàng hóa bên ngoài cửa hàng Sinar Perkasa. Cậu đi khệnh khạng hệt một con đười ươi, như khi tôi đá vào háng cậu trong vụ liên quan đến bệnh thần kinh số năm ấy: kích cho ngực nở bằng hai nửa trái banh tennis.

Nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhận ra cậu ngay. Samson thực sự không bao giờ muốn làm xấu hình ảnh bậc đại trượng phu của cậu. Cậu cố gắng hết sức để tha hết ngần ấy hàng đến chiếc xe tải nhỏ rồi chất cả vào thùng xe.

Samson nhận tiền từ người phụ nữ chủ xe béo núc. Cậu cảm ơn, gật đầu hết sức lễ độ, rồi quay trở lại cửa hàng. Cậu đưa tiền đó cho người chủ cửa hàng rồi người này xòe nắm tiền huơ huơ lên hàng hóa để lấy hên. Cô vợ ông chủ lắc đầu. Tôi ngay lập tức nhận ra người chủ cửa hàng nhờ hình dạng cái đầu của anh ta: cái đầu của A Kiong vẫn hình hộp thế.

Tuy nhiên, cậu vẫn tốt số hơn tôi. Ít ra cậu còn có vợ. Thật ra, vợ của A Kiong chính là Sahara – kình địch thời đi học của cậu.

Cứ hễ có thời gian là Samson, A Kiong và Sahara lại đi thăm Harun.

Harun lại kể câu chuyện về con mèo tam thể sinh được ba con mèo con – cũng tam thể – vào ngày thứ ba của tháng. Cũng như trước đây, Sahara lại lắng nghe hết sức chăm chú và toàn tâm toàn ý. Nếu lúc trước Harun là một đứa trẻ nhốt trong cơ thể một người lớn thì giờ cậu là một người lớn bị nhốt trong tâm trí một đứa trẻ.

Harun cũng đều đặn đến thăm Trapani khi Trapani ra viện Zaal Batu. Cậu đạp xe đến nhà Trapani cách đó bốn mươi cây số, vào mỗi chiều thứ Sáu. Cậu luôn khởi hành lúc ba giờ.

Ước vọng của Harun vẫn không thay đổi chút nào, cậu vẫn còn muốn trở thành Trapani khi cậu lớn lên. Nhiều lần, Harun buồn vì giấc mơ không thành của mình, tôi nghĩ vì Trapani là một người lớn và Harun thì đã già rồi. Mãi tôi mới hiểu ra điều này, song tôi cũng không hoàn toàn chắc chắn. Ấy thật là một vấn đề hóc búa.

Nếu xem xét hoàn cảnh của chúng tôi bây giờ, thì những hoài bão trở thành giáo viên của tôi, hoài bão của Harun, của Trapani và ước mơ trở thành nhà toán học của Lintang đều bị vỡ tan. Và rõ ràng A Kiong đã quên rằng cậu từng mơ được đội lên cái đầu hình hộp của mình chiểc mũ thuyền trưởng, và vợ cậu – Sahara – cũng không trở thành người đấu tranh cho nữ quyền.

Buồn nhất, theo tôi nghĩ, là Samson. Cậu thậm chí không thể trở thành một nhân viên xé vé ở rạp chiếu phim nữa. Cậu luôn là người bi quan nhất trong số chúng tôi. Ở đâu tôi cũng thấy người kém may mắn nhất trên thế giới là người bi quan.

Trong khi đó, Syahdan vẫn đeo đuổi ước mơ làm diễn viên nhưng cậu chỉ được xếp vào hạng bèo bọt ở Jakarta. Cậu đã gia nhập một nhóm ca kịch nhưng ở Indonesia người ta hiếm khi xem ca kịch. Có vẻ Syahdan đã lạc mất đâu đó ở Jakarta. Chúng tôi không còn nghe gì về cậu nữa.

Còn Mahar, cậu cũng không bao giờ từ bỏ ước mơ không thực của mình là trở thành một pháp sư thanh sạch. Nhưng cũng như trước đây, cậu không suy nghĩ nhiều về chuyện như thế. Cậu vẫn tin rằng tương lai do Thượng đế quyết định và cậu thành tâm chờ đợi số phận luân hồi của cậu. Hơn nữa, cậu đang bận rộn với việc sáng chế món đồ chơi truyền thống cho trẻ em: lá cây pinang hantu mà chúng tôi đã từng chơi trong mùa mưa.

Flo, thành viên gia nhập Chiến binh Cầu Vồng sau cùng, không bao giờ khép lại ước mơ của mình. Sau này chúng tôi được biết cô cưới người thu ngân ngân hàng BRI, cũng là thành viên hội Soceiteit de Limpai giờ đã giải tán. (Sau hành trình đến đảo Hải tặc rồi nhận được thông điệp buồn cười từ Tuk Bayan Tula, Mahar, với tư cách thủ lĩnh đã đình chỉ toàn bộ hoạt động của Soceiteit.)

Trong suốt thời đi học của đội Chiến binh Cầu Vồng, Kucai luôn đứng bét mỗi khi nhận bảng điểm. Cậu luôn bị chúng tôi bêu riếu vì cái tội điểm kém. Cậu liên tục nhận ngỗng – điểm hai – cho môn toán. Liên tục nhận dơi – điểm ba – cho các môn khoa học tự nhiên. Cậu và Harun luôn xếp bét lớp. Nhưng hay nhìn cậu bây giờ đi – cậu, người chúng tôi cho là dốt nhất – là tín đồ của thánh Muhammad duy nhất trong lớp tôi đạt được ước mơ của mình.

Kucai là người quảng giao, ngay từ khi còn nhỏ cậu đã hiểu rất rõ văn hóa của chúng tôi và cách hệ thống giá trị của xã hội chúng tôi vận hành. Nếu một người theo chủ nghĩa dân túy đủ mánh khóe để trở thành phụ mẫu của dân thì anh ta có cơ may thành công trong lĩnh vực chính trị. Vậy nên ngay từ đầu, Kucai kiên quyết giữ những phẩm chất nổi trội nhất: người theo chủ nghĩa dân túy, người tranh cãi áp đảo, biết tuốt, và không biết xấu hổ. Cuối cùng, cậu trở thành ứng cử viên cho một đảng chính trị và rồi thành công trong kế hoạch A khi giành được ghế trong Quốc hội. Vậy thì ai là người tài giỏi đích thực? Lintang hay Kucai? Lintang, người luôn đứng đầu lớp, hay Kucai, đứa đứng bét?

Khi Kucai được bầu làm dân biểu, cậu khao chúng tôi tại một quán cà phê. Rồi cậu cảm ơn chúng tôi, đặc biệt là Lintang, người thật sự khơi gợi khát khao nơi cậu. Mặt cậu húp lên vì cố nén nước mắt.

“Lintang, cảm ơn vì nhờ cậu mà tớ mới có ngày hôm nay,” Kucai nói với giọng chính trị gia hạng ba của cậu.

Mắt cậu ậng nước. Cậu nhìn Lintang buồn bã, nhưng mắt lại dán chặt lên Harun.

Cứ nhìn vào thực tế thì không thể nói trước được tương lai của những thành viên đội Chiến binh Cầu Vồng là như thế nào. Nhưng chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã có cơ hội được học tại ngôi trường nghèo khó của chúng tôi với hai người thầy cô phi thường, những người đã giúp chúng tôi biết giá trị của giáo dục, say mê học tập và tận hưởng niềm vui được cắp sách tới trường.

Chúng tôi nhận ra rằng con người chúng tôi hôm nay đã được hình thành từ thời tiểu học. Nhưng bài học quý giá nhất từ những năm tháng diệu kỳ đó là bài học mà thầy Harfan đã dạy cho chúng tôi, và tôi có thể nhìn thấy trên tất thảy những khuôn mặt của thành viên đội Chiến binh Cầu Vồng. Chúng tôi đã thấm nhuần tinh thần cho hết sức mình, chứ không phải nhận hết sức mình. Chúng tôi luôn biết ơn bài học ấy, ngay cả trong nghèo túng. Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất và tâm hồn phong phú, một thứ gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thật sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn được gọi là trường học.

Tôi cảm thấy mình thật may vì đã tiếp tục được học tại một đất nước cách xa đất nước mình, sau đó tôi còn đi du lịch bụi nhiều nơi khác nữa. Đi đến đâu tôi cũng tìm hiểu xem thử người ta giao tiếp với nhau trong một hệ thống đặc thù như thế nào, và người ta nhìn nhận cuộc sống của mình như thế nào. Tôi thích cái nghề không chính thức của mình – người quan sát cuộc sống.

Tôi gặp gỡ lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau. Tôi hỏi họ về lẽ sống. Tôi thấy có người tìm kiếm bình yên trong cuộc đời này bằng việc sống theo lối rày đây mai đó. Tôi cũng thấy có người hành hương đến Mecca, Ấn Độ, Bethlehem và Himalaya, tìm kiếm bình yên trong tâm hồn bằng cách hy sinh bản thân hoàn toàn cho một tín ngưỡng nào đó. Thậm chí tôi hay gặp những người mạo hiểm tìm kiếm bản thân mình trong tuyệt vọng, để rồi đôi khi cảnh sát lại phải đi tìm họ.

Tôi cố rút ra một kết luận từ tất cả những trải nghiệm đó. Tuy thế, rõ ràng là tôi không cần phải đi đâu xa; tôi không cần phải chế ngự thế giới hay gặp nhiều người. Kết luận cuối cùng, lẽ sống tôi tin tưởng, là một triết lý đơn giản tôi rút ra được từ những năm tháng không bao giờ quên tại trường tiểu học Muhammadiyah mà cuối cùng đã ngã xuống vì một cơn gió lớn.

Lẽ sống cũng đơn giản như chính ngôi trường khiêm nhường ấy. Số phận, nỗ lực và định mệnh như ba ngọn núi xanh nâng niu lòng nhân ái và đu đưa vỗ về chúng. Những ngọn núi ấy cùng nhau tạo nên tương lai, song ít ai hiểu được làm thế nào mà chúng có thể tương hợp với nhau như vậy. Những ai thất bại trong một khía cạnh nào đó của cuộc sống đổ hết lỗi cho Thượng đế. Họ thấy nếu họ nghèo, đó là vì Thượng đế bắt số họ phải như thế. Những ai đã mệt mỏi vì luôn phải gồng mình lên thì buông xuôi, đợi bàn tay định mệnh thay đổi số phận. Những ai không muốn làm việc cực nhọc thì chấp nhận số phận vì họ tin là nó không thể thay đổi – xét cho cùng, mọi thứ đều được định trước cả rồi, hay họ tin như thế. Do vậy mà vòng tròn của cái xâu cứ bao vây trong sự uể oải biếng nhác. Nhưng điều tôi biết chắc từ những năm tháng học tại ngôi trường nghèo khổ ấy là một cuộc sống làm lụng vất vả cũng giống như lấy trái từ trong một cái giỏ mà hai mắt đều bị bịt. Dù cuối cùng ta lấy được trái gì thì ít nhất ta cũng đã có trái. Trong khi đó, cuộc sống không phải làm lụng vất vả thì cũng giống như tìm một con mèo đen trong căn phòng tối om với hai mắt nhắm tịt, mà con mèo thì không có ở đấy.

Tôi tin chân lý này là điều khiến tôi luôn muốn học và muốn làm việc thật nhiều. Tôi tin rằng chính niềm tin của tôi, chứ không phải do tôi là một sinh viên sáng dạ, đã giúp tôi hoàn thành việc học ở châu Âu. Tôi trở về Indonesia và làm việc cho một công ty viễn thông.

Khi tôi đang làm việc ở công ty năm 2004, một cơn sóng thần đổ ập vào Aceh. Hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Tôi đăng tên làm tình nguyện viên ở Aceh ba tuần.

Trên đường ra sân bay Aceh sau khi xong việc, tôi trông thấy một cô gái quấn jilbab. Cô đứng trên vệ đường cầm băng rôn. Đằng sau cô là một ngôi trường đã bị sóng thần phá hủy. Trên băng rôn có dòng chữ: Cố lên, đừng bỏ học nhé.

Tôi sửng sốt. Cô gái ấy có thể là một cô giáo lắm chứ, một cô giáo đang cố tập trung đám trò nhỏ còn lại của mình sau thảm họa. Tôi thấy mình cố nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến cảnh tượng ấy. Tôi xúc động bởi cái sức mạnh nơi cô, và lúc đó tôi lại nhớ đến một cô giáo – người đã có lần bảo tôi rằng đối với cô mất một đứa học trò cũng chẳng khác nào mất một nửa linh hồn.

Rồi tôi nhớ đến lời hứa xưa kia của mình – lời hứa năm lớp sáu khi tôi trông thấy cô Mus băng qua sân trường, đội trên đầu tàu lá chuối dưới trời mưa. Tận sâu trái tim nhỏ bé của tôi lúc ấy, tôi hứa sẽ viết một cuốn sách về cô Mus. Cuốn sách sẽ là món quà tôi dành cho cô, bằng chứng rằng tôi thực sự trân trọng và đánh giá cao tất cả những gì cô đã làm cho chúng tôi.

Hai ngày sau, ở Bandung, tôi đi làm về và bắt đầu viết cuốn sách. Những ngày sau đó, tôi khúc khích cười, xúc động, bực bội và khóc nức nở lúc nửa đêm – một mình. Tôi say sưa viết cho đến lúc nhìn lại đã thấy được 600 trang.

Cuối cùng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi viết một vài dòng trên trang đầu cuốn sách: Dành tặng cho thầy cô của tôi, cô Muslimah Hafsari và thầy Harfan Effendy Noor, và mười người bạn thời thơ ấu của tôi, những thành viên đội Chiến binh Cầu vồng. Tôi đặt tên cho cuốn sách là Chiến binh Cầu Vồng.

Setiap warga negara

berhak mendapat pendidikan

(Un dang-Undang Dasar Republik Indonesia, Pasal 33)

Mọi công dân đều có quyền học hành

(Hiến pháp Nước Cộng hòa Indonesia, Điều 33)

Hết

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ