Bạn Đắt Giá Bao Nhiêu? - Chương 40: Vì sao chúng ta lại giữ khoảng cách với họ?

G nói với tôi: “Về sau, ngoài bạn học cũ hoặc đồng nghiệp cũ cực kỳ thân thiết, anh sẽ giữ khoảng cách với tất cả bạn bè cũ, và đặt những năm tháng đã qua vào trong hồi ức.”

 

Tiên sinh G hơn tôi 6 tuổi, chúng tôi quen nhau từ rất lâu rồi. Khi đó tôi vừa đi làm, lương không cao, còn anh ấy là trợ lý, lương thưởng cũng thường thường. Nhưng chí hướng của tiên sinh G rất lớn, anh ấy nói không quan tâm lương cao hay thấp, quan trọng là học được điều gì, bởi vì sớm muộn anh cũng rời công ty để khởi nghiệp.

 

Năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới, rất nhiều người muốn khởi nghiệp đều tạm thời gác lại dự định của mình, chờ tới khi tình hình khá hơn rồi mới tính bước tiếp theo. Song tiên sinh G lại kiên quyết nghỉ việc để tới Quảng Châu. Lúc đó đến tôi còn thấy anh quá liều lĩnh, đợi thêm một thời gian thì sẽ chắc chắn hơn, nhưng anh ấy đã hạ quyết tâm rồi.

 

Một ngày trước khi đi, anh mời tôi và vài người bạn khác đi ăn cơm, trong bữa cơm anh nghiêm túc nói với tôi:

 

“Sau này ở xa nhau, chắc sẽ có ít cơ hội gặp mặt, nhưng anh mong chúng ta sẽ là bạn bè suốt đời, dù là khi bần cùng hay khi phú quý.”

 

Mấy năm sau, tiên sinh G nỗ lực làm việc ở Quảng Châu, cuối cùng cũng có thành tựu nhất định, nhưng vì nóng lòng phát triển nên trong một lần hợp tác lớn, anh bị công ty đối tác lừa gạt, tổn thất mấy chục triệu tệ, đối tác bỏ trốn ra nước ngoài, anh ấy không tìm được chúng, cuối cùng đành bán hết nhà cửa xe cộ để trả nợ. Lần khởi nghiệp đầu tiên đã thất bại như vậy đấy.

 

Sau đó anh ấy rút kinh nghiệm xương máu, quay về Chiết Giang, thông qua quan hệ với ngân hàng để vay một khoản tiền, bắt đầu khởi nghiệp về ngành đồ chơi trẻ em.

 

Rút kinh nghiệm từ lần khởi nghiệp đầu tiên, anh ấy thận trọng kinh doanh xưởng đồ chơi trẻ em của mình, mấy năm sau, doanh nghiệp dần trở nên nổi tiếng, hiện giờ đồ chơi của công ty anh đã xuất khẩu sang tận Châu Âu.

 

Dạo trước, ông xã tôi mua đồ chơi cho cháu trai từ Italia, kết quả lại phát hiện ra là “Made in China”, tiên sinh G xem thử liền cười ha ha, đắc ý nói với chúng tôi đây là đồ chơi do công ty mình sản xuất.

 

Tiên sinh G có thành công ngày hôm nay ngoài việc cực kỳ chăm chỉ nỗ lực, thì chủ yếu là vì anh ấy rất trọng tình cảm, nhớ tình xưa. Bây giờ anh ấy lại nói muốn giữ khoảng cách với những người bạn cũ, tôi đoán rằng hẳn là đã xảy ra chuyện gì đó.

 

Anh kể từ khi sự nghiệp phất lên, anh thường xuyên nhận được điện thoại của bạn học hoặc đồng nghiệp cũ đã lâu không liên lạc, mở đầu câu chuyện luôn là:

 

“Tổng Giám đốc G đấy à, còn nhớ tôi không? Hay giờ phát đạt rồi nên không biết tôi là ai nữa?”

 

Mỗi lần nghe được những lời tương tự, anh đều thấy rất ngột ngạt, như có áp lực từ thứ gọi là “Tình xưa” phả vào mặt.

 

Anh giải thích:

 

“Không biết em có hiểu được cảm giác đó không, bình thường chúng ta cũng hay trêu đùa nhau như vậy, nhưng khi thốt ra từ miệng một vài người, anh sẽ thấy vừa chua chát vừa khó chịu. Sau đó bọn họ sẽ đề nghị anh giúp chuyện gì đó, nếu anh từ chối thì chính là không nể tình xưa.”

 

Tôi hiểu tiên sinh G muốn biểu đạt điều gì, trên thế gian này, ngoài hành vi áp đặt đạo đức, còn có một cụm từ gọi là “áp đặt tình cảm”. Sống trên đời, không ai trong chúng ta hi vọng người khác nói mình là kẻ bạc bẽo vô tình.

 

Suốt một năm nay, anh ấy cứ vướng vào vòng luẩn quẩn ấy không thể thoát ra, thế rồi một buổi họp mặt bạn bè gần đây đã thúc đẩy anh ấy quyết định giữ khoảng cách với những con người kia. Hai tháng trước, một bạn học thời cấp 3 đề nghị tổ chức họp mặt liên hoan, rất nhiều người hưởng ứng, cuối cùng họ quyết định tới chơi ở một làng du lịch, mỗi người phải gộp khoảng một ngàn tệ, ngày họp mặt sẽ thu tiền.

 

Người tổ chức cố ý gọi điện cho tiên sinh G, dặn anh ấy nhất định phải tham gia, bây giờ trong tất cả bạn bè thì anh là người thành đạt nhất, không đến là không nể mặt bạn cũ. Vì khó từ chối thịnh tình nên anh đã lùi ngày công tác Nhật Bản được lên kế hoạch từ trước để tham dự họp mặt với bạn học.

 

Lúc nộp tiền, không biết ai nói:

 

“Tổng Giám đốc G,bây giờ cậu là ông chủ lớn rồi, buổi hôm nay để cậu mời đi, cho chúng tớ hưởng xái một chút.”

 

Anh cũng hào phóng nói:

 

“Không thành vấn đề, hôm nay cứ để tớ lo, mời bạn cũ ăn cơm là vinh hạnh của tớ.”

 

Khi anh ấy đang định đưa thẻ tín dụng cho người tổ chức thì bỗng có người nói:

 

“Tuy chúng ta không giàu như G nhưng tiền để tham dự họp lớp vẫn còn, cớ sao phải kiếm chút lời mọn như thế?”

 

Thế là tiên sinh G mời cũng không được, không mời cũng chẳng xong, vô cùng bối rối. Cuối cùng lớp trưởng quyết định chấp hành theo phương án cũ, để mọi người cùng không khó xử thì mọi chi tiêu đều chia đều.

 

Tiên sinh G cảm khái với tôi:

 

“Nhưng nguyên nhân chính khiến anh không muốn tham gia họp lớp nữa, ấy là anh nhận ra anh và họ đã không còn là người của một thế giới, không thể trò chuyện với nhau. Phái nữ tán gẫu thì toàn nói về con cái, than phiền về mẹ chồng; phái nam thì hoặc là khoác lác, hoặc là khoe khoang mình được lãnh đạo xem trọng thế nào, không thì cũng oán trách bản thân có tài mà không gặp thời, rồi hỏi anh nên làm gì để giàu lên nhanh chóng. Anh rất muốn trò chuyện với một vài người, nhưng họ lại nghĩ trò chuyện với anh có vẻ như ‘thấy sang bắt quàng làm họ’, chỉ chào hỏi khách sáo rồi ngồi cách anh rất xa. Sau đó anh liền mượn cớ có việc bận rồi ra về từ sớm.”

 

Nhưng điều khiến tiên sinh G bất ngờ chính là, sau buổi họp mặt ấy, có người gọi điện cho anh ấy vay tiền, lại có người muốn người nhà vào làm trong công ty anh ấy, ai cũng nói: “Bạn bè với nhau cả, giúp đỡ một chút không khó đâu nhỉ?”

 

Tiên sinh G xem xét rồi giúp một hai người, còn lại đều từ chối, dù sao đã vươn tới vị trí ngày hôm nay, anh ấy vẫn phân biệt được giữa tình nghĩa và thực tế. Người bị từ chối đương nhiên không vui, đi rêu rao khắp nơi rằng anh không nể mặt bạn cũ, chuyện dễ như trở bàn tay mà cũng không chịu giúp.

 

Tôi rất thông cảm cho tiên sinh G, giúp một hai lần đúng là không có vấn đề gì, nhưng nếu phải giúp quá nhiều người thì làm sao mà lo hết được?

 

Kết quả cuối cùng chính là ngày càng xa cách với những người đó. Nhưng không giống với những người bình thường, người thành đạt một khi tỏ ra xa cách với bạn cũ nữa, ắt là sẽ phải chịu chỉ trích.

 

Trong cuộc sống, tôi thường xuyên nghe được người ta trách móc bạn cũ:

 

“Thôi đừng nhắc tới anh ta nữa, anh ta thì sướng rồi, nào thèm để ý chúng tôi? Tầm mắt của người ta cao lắm!”

 

Trên thế gian này có một logic không bằng luôn tồn tại: Trong một nhóm người có một người nổi bật nhất, thường sẽ xảy ra hai hiện tượng sau, người nổi bật kia sẽ ngày càng xa lánh những người còn lại, hoặc là những người còn lại sẽ ngày càng xa lánh người nổi bật kia. Con người ở hiện tượng đầu thường bị lên án là kẻ bội tình bạc nghĩa, còn những người ở hiện tượng sau lại được khen ngợi là tự tin thanh cao.

 

Nhưng thế gian này cũng rất công bằng, khi bạn bị xa lánh hoặc xa lánh những người kia, sẽ có bạn bè tri kỷ mới bước vào cuộc sống của bạn, trở thành những người có cùng tư tưởng và tiếng nói chung với bạn.

 

Xa lánh những người bạn cũ cũng không phải vì coi thường hay khinh rẻ họ, nhiều khi không phải cố tình xa lánh, mà là thế giới của chúng ta đã không còn giống nhau. Khi ai đó tám chuyện với bạn về thị phi của người khác, bạn chỉ thấy vô vị, trong đầu toàn nghĩ tới việc làm thế nào để hoàn thiện bản thân; khi ai đó than thở với bạn công việc không tốt, bạn chỉ thấy than thở thì có ích gì, trong đầu toàn nghĩ tới việc làm sao để hoàn thành mục tiêu của mình.

 

Người ta không hiểu thế giới của bạn, bạn cũng lạ lẫm với thế giới của người ta, dần dần, hai người ngày một xa cách, cho tới khi mỗi người chỉ còn là hồi ức của đối phương, dù bạn rất muốn hàn gắn thì cũng không thể nữa rồi.

 

Mới đây thôi, tôi có hẹn với một cô bạn đã lâu không gặp, tôi vui vẻ tới nơi hẹn. Chúng tôi đã từng trò chuyện với nhau thâu đêm suốt sáng, là những người quan trọng trong cuộc sống của nhau.

 

Nhưng buổi hẹn lần này không thể khiến tôi tìm về cảm giác ngày xưa. Khi trò chuyện, cô ấy không ngừng kể với tôi về đứa con sáu tuổi, đương nhiên tôi biết người mẹ nào cũng muốn nói về những điểm đáng yêu và thú vị của con cái mình,tôi cũng vui vẻ nghe cô ấy kể một vài chuyện của bé, nhưng lâu rồi không gặp, tôi mong cô ấy có thể tâm sự về cuộc sống hiện tại, về sở thích và lý tưởng của cô ấy, con cái có thể là một đề tài trong đó, nhưng không nên là toàn bộ.

 

Tôi cố gắng đổi đề tài, nhưng chưa tới hai câu, chủ đề của cô ấy lại quay về con cái. Cuối cùng, cô ấy hài lòng nói với tôi:

 

“Bạn thân à, mau sinh con đi, rồi tớ sẽ dạy cho cậu cách để nuôi con vừa béo vừa khỏe, tới lúc ấy, ngày nào bọn mình cũng có thể tâm sự về con cái.”

 

Tôi không đáp lại mà mỉm cười cáo từ. Khi bước ra ngoài, tôi bỗng thấy phiền muộn, thế giới của chúng tôi đã không còn giống nhau, cũng không bao giờ trở về được nữa.

 

Mối quan hệ giữa người với người thực ra chính là sự gặp gỡ bề mặt tư tưởng. Những người có thể giao du với nhau lâu dài, thì đều có thể bước vào thế giới tinh thần của đối phương. Cũng có những người đã từng bước vào thế giới của nhau, nhưng vì hoàn cảnh và cuộc sống khác biệt, lại dần tách rời khỏi thế giờ của đối phương.

 

Người đã đi xa, trở thành hồi ức của chúng ta; người vừa mới tới, trở thành cuộc sống của chúng ta.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ