Giếng Thở Than - Quyển sách kinh bất thường

Ông Davidson qua tuần đầu của tháng Giêng một mình tại một thị trấn ở vùng quê. Nhiều hoàn cảnh phối hợp đã đưa ông vào quá trình diễn biến quyết định này. Họ hàng gần gũi nhất của ông thì ra nước ngoài chơi thể thao, bạn bè sẵn sàng thay thế họ thì bị bệnh truyền nhiễm gì đó. Phải tìm người khác thương tình mà giúp cho ông thôi. “Tuy nhiên” ông nghĩ “ai chẳng có cơ hội cho họ rồi, với lại nhiều lắm ta chỉ phải chống đỡ mấy ngày là cùng, nhân dịp ta có thể bước đầu làm quen với giấy tờ của Leventhorp. Ta cũng có thể dùng thời gian đi tới mấy nơi gần như Caulsford, làm quen hàng xóm láng giềng. Thế nào ta cũng phải xem di tích ngôi nhà Leventhorp và các ngôi mộ trong nhà thờ mới được.”

Ngày đầu đến khách sạn Swan ở Longbridge là một ngày mưa bão, ông chỉ ra đến cửa hàng thuốc lá. Ngày hôm sau tương đối sáng sủa, ông đi Gaulford, có vui hơn một chút, nhưng chẳng đưa lại kết quả gì. Ngày thứ ba quả là một viên ngọc trong những ngày đầu tháng Giêng, trời quá đẹp để mà ở nhà. Chủ khách sạn cho biết một phương thức mà trong mùa hè các khách du lịch thường áp dụng để đi chơi. Đó là đi xe lửa buổi sáng về phía Tây, độ chừng hai trạm ga thôi, rồi xuống, đi bộ ngược trở lại, qua thung lũng Tent, qua Stanford St Thomas và Stanford Magdalene, cả hai đều là những ngôi làng xinh đẹp. Ông chấp nhận kế hoạch này, và giờ đây ông đang ngồi trên chuyến tàu chín giờ bốn mươi lăm phút để tới Kingsbourne Junction, mở bản đồ vùng này ra xem.

Có mỗi một khách đồng hành là một ông già hút tẩu, có vẻ hay chuyện. Thế là ông Davidson, sau khi đưa đẩy vài câu về thời  tiết và trả lời về thời tiết, hỏi ông cụ đi có xa không.

“Không thưa ông, sáng nay tôi đi không xa lắm, tôi tới nơi mà người ta gọi là Kingsbourne Junction, cách đây một ga nữa thôi.”

“Tôi cũng đi đến đó.”

“Thế ạ? Thế ông có biết  gì  về vùng này không?”

“Không. Tôi đi đến đó chỉ để dạo bộ ngược lại tới Longbridge, nhân thể nhìn ngắm cảnh vật đồng quê một chút.”

“Ồ quả vậy, hôm nay đúng là một ngày đẹp trời cho một quý ông đi dạo.”

“Vâng, đúng thế. Sau khi đến Kingsbournce ông còn đi xa không?”

“Không, đến Kingsbourne Junction là gần đến nơi. Tôi đi thăm cô con gái, sống ở Brockstone, từ Kingsbourne Junction đi bộ băng qua cánh đồng khoảng hai dặm. Chắc trên bản đồ có chỉ đấy.

“Để tôi  xem, đây là Kingsbourne…tới Brockstone thì đi ngả nào? Theo hướng Stanford ư? À, đây rồi, Brockstone Court, giữa một công viên. Sao không thấy làng nhỉ?”

“Ông không thấy làng Brockstone được. Ở đấy chỉ có toà nhà đó với nhà thờ nhỏ thôi.”

“Nhà thờ nhỏ? À, có đánh dấu ở đây. Rất gần chỗ toà nhà. Vậy nó cũng ở thuộc toà nhà ấy?”

“Vâng gần lắm, cách mấy  bước chân, thuộc về toà nhà ấy. Con gái tôi là vợ người giữ nhà thờ mà, nó sống ở đó trông nom mọi thứ vì gia đình chủ toà nhà và nhà thờ nhỏ này ở xa mà.”

“Gia đình họ không có ai ở đây ạ?”

“Không, từ ít năm nay. Cụ già quý tộc ở đó khi tôi còn là một đứa trẻ, bà phu nhân sống lâu hơn, đến gần chín mươi tuổi. Bà ấy chết xong thì gia đình về ở Warwickshire, họ để lại cả khu đó, nhưng đại tá Wildman thỉnh thoảng về đi săn, anh chàng Clark là quản lý thì vài tuần về một lần xem tình hình, người trực tiếp coi giữ là chồng con gái tôi.”

“Vậy thế ai sử dụng nhà thờ nhỏ? Dân quanh vùng chăng?”

“Ồ, không, không ai sử dụng cả. Mà có ai đâu? Người quanh vùng thì đi lễ ở nhà thờ Stanford St Thomas, con rể tôi nay đi nhà thờ Kingsbourne, bởi vị quý tộc ở Stanford, ông ta có tay Gregory hát thánh ca khiến nó không thích, con rể tôi bảo là nghe con lừa già hí suốt cả tuần rồi, đến chủ nhật nó muốn nghe cái gì vui hơn.” Đến đây ông già che miệng cười “Đó, con rể tôi nói vậy đấy. Nó bảo là nghe như lừa già kêu…xin thừa nhận là đúng như vậy.”

Ông Davidson cũng cười rất tự nhiên, bụng nghĩ Brockstone và nhà thờ nhỏ có thể nằm trong chuyến đi bộ của mình được. Bản đồ chỉ ra rằng từ Brockstone có thể đi xuyên qua thung lũng được Tent rất dễ dàng nếu theo đường Brockstone – Longbridge.  Vì vậy chuyện vui với câu nói dí dỏm của anh con rể qua rồi, ông lại nhớ tới nhiệm vụ của mình, khẳng định cả Brockstone và nhà thờ nhỏ đều thuộc diện “di tích cổ”, ông già lại sẵn sàng đưa ông đi tới nơi ấy và con gái ông cũng vui lòng đưa ông đi thăm thú mọi nơi.

“Nhưng chẳng có gì nhiều đâu ông ạ. Như hồi gia đình họ còn sống ở đây, các tấm gương đã được bọc lại, tranh, màn, thảm gấp lại hết. Tuy nhiên, ông vẫn có thể xem được ít nhiều, vì con gái tôi thỉnh thoảng lại phải lật ra xem có bị nhậy cắn không.”

“Cám ơn ông, tôi cũng chẳng cần xem những thứ đó lắm, chỉ cần cô ấy đưa tôi đi thăm bên trong nhà thờ nhỏ, thế thôi.”

“Ồ, thế thì được quá đi chứ, vì nó có chìa khoá mở, thỉnh thoảng vẫn vào quét bụi mà. Phải nói một nhà thờ nhỏ rất đẹp. Con rể tôi bảo là nó rất thích nhà thờ ấy. Nếu không phải nghe Gregory hát thánh ca. “Tôi nghe con lừa già hí cả tuần rồi…” đúng thế”. Ông cụ lại mỉm cười.

Đường băng qua cánh đồng để tới Brockstone rất tuyệt, đa phần nằm ở vùng cao nhất trong khu, cảnh trí nhìn rộng, xung quanh nào những dãy núi, đồng cỏ, cánh đồng đã cày, nào rừng cây xanh thẳm, tận cùng khá đột ngột về phía bên phải nơi cao nguyên nhìn xuống thung lũng là một con sông lớn ở mạn Tây. Cánh đồng cuối cùng mà họ đi qua có các bụi cây thấp vây quanh, chẳng mấy chốc họ đi xuống con đường nhỏ khá dốc. Brockstone như nằm lọt vào trong một thung lũng hẹp. Rồi không lâu sau vừa thoáng nhìn thấy những ống khói lò sưởi bằng đá không còn tỏa khói và những mái nhà lợp đá phiến ngay dưới chân, họ nhận ra mình đang chùi giày vào cửa sau của Brockstone Court, mấy con chó nằm đâu không biết sủa ầm lên, bà Porter vội vàng chạy ra quát chúng im rồi chào cha và ông khách, mời họ vào nhà.

 

Dĩ nhiên ông Davidson được dẫn đi thăm các phòng ốc của toà nhà, cho dù nó hoàn toàn không được sử dụng. Tranh, thảm, rèm, đồ đạc đêu được bọc kín hoặc cất vào một chỗ, như cụ Avery nói. Sự khâm phục của ông bạn chúng ta chỉ nằm ở chỗ diện tích rộng lớn của các căn phòng và một trần nhà có vẻ do một hoạ sĩ từ London tản cư về năm xảy ra trận dịch lớn vẽ cảnh chiến thắng của công lý và thất  bại của nổi loạn. Trần nhà này được ông Davidson chiêm ngưỡng không giấu giếm. Những bức chân dung của Cromwell, Ireton, Bradshaw, Peters và nhiều người khác nữa, đang quằn quại trong dằn vặt được thể hiện một cách kỹ lưỡng, chứng tỏ có ý đồ rõ ràng vì vẽ mất nhiều công phu.

“Phu nhân Sadleir cho vẽ các chân dung này đấy ạ, cũng là người cho xây nhà thờ nhỏ. Họ nói bà là người đầu tiên lên London dự buổi khiêu vũ trên nấm mồ của Crownwell” ông Avery bảo rồi vui vui nói thêm “Tôi cho là bà ta được hả dạ chút ít, nhưng chẳng biết còn ai muốn trả tiền vé khứ hồi đi London để làm mỗi việc đó thôi không, con rể tôi cũng bảo vậy. Bản thân nó chắc gì đã chịu mất tiền để làm việc ấy. Mary ạ, cha vừa kể với quý ông đây về chuyện Henry, chồng con, nói về Gregory hát thánh ca ở nhà thờ Stanford, hai người cười mãi.”

“Ha! Ha! Đúng là chúng tôi cười mãi.” Ông Davidson lại cố tỏ ra công bằng với câu đùa của người trông coi nhà thờ nhỏ. “Nhưng nếu như bà Porter định chỉ cho tôi xem ngôi nhà thờ nhỏ ta phải làm ngay, bởi ngày ngắn lắm, tôi phải trở về Longbridge trước khi trời tối.”

Ngay cả nếu như Brockstone Court không được in trong tờ Đời Sống nông thôn (theo tôi thì không), tôi  cũng không có ý định nêu ra những đặc sắc của nó ở đây, nhưng về ngôi nhà thờ nhỏ này, thì thế nào tôi cũng phải nói một đôi lời. Nó ở cách toà nhà chừng một trăm mét, có nghĩa trang riêng với các cây bao quanh. Nó được xây bằng đá trên chiều dài hơn hai mét, theo kiểu Gô tích, kiểu giữa thế kỷ mười bảy. Nhìn chung giống như những nhà thờ nhỏ của Đại học Oxford, trừ có một thánh đường riêng, giống như một nhà thờ giáo khu, và một mái vòm kỳ kỳ trên có tháp chuông ở góc Tây nam.

Cửa Tây mở ra, ông Davidson thốt lên một tiếng kêu kinh ngạc vì nội thất đầy đủ và phong phú của nó. Vách ngăn, bàn kinh, chỗ ngồi, kính, tất cả đều cùng một thời kỳ, càng đi sâu vào gian giữa giáo đường và nhìn thấy hộp đựng đàn organ – có các ống mạ vàng – ở hành lang phía Tây, ông càng thấy mãn nguyện. Các cửa sổ gian giữa giáo đường đều sơn gia huy, trong thánh đường còn có các bức tượng, kiểu thường thấy ở các công trình điêu khắc chàng Abbey Dore, Lord Scudamore.

Nhưng đây không phải là chỗ để ta nhìn lại về khảo cổ học.

Trong khi ông Davidson bận ngắm nghía tàn dư của cây đàn organ (theo tôi chắc thuộc một trong các nhà Dallam), ông già Avery cũng vào thánh đường, nhắc các miếng vải che bụi khỏi các tấm nệm bằng nhung xanh trên các bàn cầu kinh lên. Đây hẳn là chỗ gia đình ngồi đọc kinh.

Ông Davidson nghe ông già nói với giọng khe khẽ mang vẻ bí mật ngạc nhiên “Mary, tất cả các sách kinh lại mở ra rồi này!”

Câu trả lời có vẻ càu nhàu đúng hơn là lấy làm lạ “Chà, con chẳng bao giờ mở ra cả!”

Bà Porter đi đến chỗ cha đứng, họ thì thào với nhau. Ông Davidson thấy rõ họ bàn bạc chuyện gì đó không bình thường, nên xuống cầu thang hành lang bên trái với họ. Trong thánh đường không có gì lộn xộn cả, sạch sẽ và đẹp đẽ nữa là đàng khác, nhưng tám quyển kinh khổ hai nằm trên nệm của bàn cầu kinh đều mở ra.

Bà Porter hơi sợ “Ai nhỉ? Chỉ có con là có chìa khoá thôi, và chỉ có mỗi một cửa ra vào ta vừa đi qua, cửa sổ đều có then chắn, cha ạ, con thật không thích chuyện này tí nào!”

“Chuyện gì vậy, thưa bà Porter?” Ông Davidson hỏi.

“Không ạ, không có chuyện gì lớn, chỉ là mấy quyển sách kinh này, lần nào vào quét dọn tôi cũng đều gấp chúng lại rồi lấy khăn che bụi phủ lên, theo đúng lời ông Clark bảo từ hồi đầu tôi đến đây, ấy thế mà lần sau lại thấy chúng mở ra, và vẫn đúng vào trang ấy – mà như tôi đã nói, làm gì có ai vào được đây vì cửa ra vào và cửa sổ đều đóng. Với lại ai vào đây một mình chắc cũng thấy ghê ghê, tôi thì vốn dạn dĩ quen nên mới không cảm thấy vậy – hay là chuột? Chẳng lẽ chuột lại làm việc ấy thưa ông?”

“Kể cũng lạ, chắc không phải chuột. Bà nói lúc nào cũng mở ra cùng một trang à?”

“Vâng, đúng chỗ ấy, vào đúng cái bài Thánh ca ấy, lúc đầu tôi không để ý, sau có chỗ dòng in đỏ, tôi mới đâm ra chú ý.”

Ông Davidson đi dọc các ghế ngồi cầu kinh nhìn vào các quyển sách kinh để mở. Đúng là chúng cùng mở ở trang có bài thánh ca số sáu, trên đầu ngay giữa con số và chữ Deus Laudum – ngợi ca Chúa Trời là mục “Để cho ngày 25 tháng Tư.” Tuy không hiểu biết cặn kẽ lịch sử của sách kinh thông thường nhưng ông cũng thấy đoạn này rất kỳ quặc, hoàn toàn không được quyền đưa thêm vào nguyên  bản. và dù cho ông nhớ 25 tháng Tư là ngày Thánh Mark, ông không hình dung được đoạn Thánh ca dữ dằn này liên quan gì đến ngày lễ trên. Ông liền lật thêm mấy trang nhỏ nữa, và hiểu rằng những việc như vậy cần sự chính xác tuyệt đối, ông để mười phút chép lại từng dòng một. Ngày tháng là năm 1653, nhà in Anthony Cadmas. Ông tiếp tục giở xem những bài thánh ca thích hợp cho từng ngày. Phải, thêm vào đó lại còn cái câu khó hiểu “Cho ngày 25 tháng Tư, bài thánh ca 109.” Một chuyên gia hẳn nghĩ đến nhiều điểm cần làm sáng tỏ, nhưng nhà sưu tầm đồ cổ của chúng ta không phải chuyên gia, ông cầm sách lên, thấy đóng bìa da xanh lơ, có cùng hình gia huy in trên kính cửa sổ.

Cuối cùng ông hỏi bà Porter “Bao lâu bà thấy nó mở ra một lần?” “Thưa ông, thật rất khó nói, chỉ biết đã nhiều lần rồi. Cha ạ, cha có nhớ lần đầu con nói với cha là khi nào không?”

“Có, con ạ, cách đây năm năm cha đến thăm con vào kỳ lễ Michaelmas (lễ thánh Michael), con vào uống trà, bảo “Cha, sách kinh nằm trên nệm dưới tấm che bụi bàn cầu kinh lại mở ra rồi.” Và cha hoàn toàn không hiểu con nói gì, cha hỏi “Sách nào?” Henry, con rể tôi ấy mà, bảo “Làm sao có ai vào được, có mỗi một cửa vào mà ta khoá, cầm chìa đây cơ mà, trong khi cửa sổ nào cũng có thanh chặn, thôi được, để lần này chính tay tôi đặt sách xem có mở ra nữa không.” Nhưng nó vẫn cứ mở, và đã năm năm rồi, con ạ. Anh Clark xem ra chẳng chú tâm gì đến chuyện ấy, nhưng anh ta có sống ở đây đâu, có phải việc của anh ta là đến phủi bụi đồ đạc vào một chiều tối tăm nào đó đâu!”

“Bà Porter, mỗi lần vào quét dọn bà còn thấy gì lạ nữa không?” Ông Davidson hỏi thêm.

“Không ạ, thưa ông” bà Porter nói “nhưng có điều là tôi cảm thấy cứ như có ai ngồi ở đó, bên trong vách ngăn ấy, và nhìn tôi suốt trong giờ tôi phủi bụi các ghế cầu kinh và quét hành lang. Nhưng tôi không trông thấy gì hơn ngoài tôi, như một câu tục ngữ, không còn gì tệ hơn thế nữa. Hy vọng là vậy.”

 

Trong cuộc trò chuyện tiếp theo sau đó (không kéo dài bao nhiêu), chẳng ai thêm thắt được gì cho trường hợp này cả. Chia tay thân ái với ông Avery và con gái ông ta, ông Davidson đi bộ tám dặm. Thung lũng bé xiu Brockstone chẳng mấy chốc dẫn ông ra thung lũng lớn hơn, thung lũng Tent, rồi đến Stanford St Thomas, đến đây ông nghỉ ngơi khoẻ khoắn hẳn lên. Ta chẳng cần đi theo ông suốt dọc đường tới Longbridge làm gì. Nhưng lúc thay tất xuống dưới nhà ăn tối, bỗng ông thốt lên “Hiện tượng quái quỷ thật!” bây giờ ông mới thấy lạ thêm. Đợt sách kinh xuất bản năm 1653, bảy năm trước thời kỳ khôi phục chế độ quân chủ Anh (1660), năm năm trước khi Cromwell [1]chết, tức là khi sử dụng cuốn sách này, chỉ nói riêng chuyện đó ra, đã đủ phạm tội hình sự. Phải là tay bạo gan mới dám đề tên và ngày tháng vào trên trang sách nhỏ. Ông Davidson nghĩ, có lẽ đó không phải tên ông ta, trong thời buổi khó khăn tên nhà xuất bản thường là tên giả.

Tối hôm đó, đứng trong khách sạn Swan thăm hỏi về giờ tàu chạy, ông chợt thấy một chiếc xe hơi đậu ngay trước cửa, một người đàn ông bé nhỏ, mặc áo lông bước ra, đứng trên bậc tam cấp chỉ chỏ, xổ ra vài tiếng với âm sắc ngoại lai với người lái xe. Vào đến khách sạn, ông ta để lộ ra bộ tóc đen, khuôn mặt xanh tái, chòm râu nhỏ, một kính kẹp mũi gọng  vàng, nhìn chung hóa ra trông cũng sạch sẽ gọn gàng. Sau đó hắn lên phòng, tới bữa cơm chiều, ông Davidson mới gặp lại. Và chỉ có hai người tại phòng ăn tối đó nên người lạ mặt dễ dàng tìm cách bắt chuyện với ông Davidson, hắn tỏ ra sốt sắng muốn biết vì sao ông Davidson đến cái vùng này vào mùa này.

“Ông có thể cho biết từ đây đến Arlington bao xa không?” một trong những câu hỏi kế tiếp của hắn đã làm lộ ra một phần kế hoạch của hắn, bởi ông Davidson nhớ lại có nhìn thấy ở nhà ga tấm quảng cáo sắp bán đấu gia tại Arlington Hall các đồ đạc cũ, tranh ảnh, sách. Hẳn đó phải là một tay buôn bán ở London.

Ông bèn đáp “Tôi không biết vì tôi chưa bao giờ đến đấy. Có lẽ nó nằm cách Kingsbourne chưa đến mười hai dặm. Tôi thấy sắp có buổi bán đấu giá đồ cũ ở đó thì phải.”

Người kia nhìn ông dò hỏi, ông bèn cười to lên “Không đâu,” ông làm như trả lời câu hỏi của hắn “tôi không phải là người canh tranh với ông đâu, ngày mai tôi đã đi khỏi nơi này rồi.”

Thế là không khí dịu đi liền, tay đi buôn hàng, tên là Hamberger, thừa nhận hắn quan tâm đến sách, và nghĩ rất có thể tìm thấy ở những thư viện vùng quê mùa cố giả này thứ gì đó bù lại cho chuyến du hành. Vì hắn ta nói “Dân Anh chúng ta vốn có biệt tài thu thập của hiếm từ những nơi không thể ngờ được. Đúng không thưa ông?”

Suốt buổi tối, hắn tỏ ra quan tâm đến đề tài những thứ hắn và nhiều người khác đã tìm được. Hắn bảo “Sau cuộc bán đấu giá, tôi sẽ tranh thủ đi khắp vùng này một chút, ông có thể bảo tôi chỗn nào hay hay không?”

Nhưng ông Davidson, mặc dù có nhìn thấy mấy hòm sách được khóa chặt ở Brockstone Court, không lộ ý định của mình. Ông không thích thằng cha này chút nào. Hôm sau trong khi ngồi trên tàu, ông chợt thấy loé ra chút ánh sáng về những bí ẩn hôm qua. Vô tình mở quyển lịch mua cho năm mới, ông nhìn ra điều đáng chú ý của ngày 25 tháng Tư, đó là “ngày Thánh Mark, ngày sinh của Oliver Cromwell, năm 1599.” Đó, cái đó, cùng với trần nhà có vẽ trên đó, xem ra giải thích được khá nhiều. Hình ảnh phu nhân Sadlier trở nên thực thể hơn trong trí tưởng tượng của ông Davidson, một người mà tình yêu đối với Nhà thờ và Đức vua đã dần dần nhường chỗ cho sự căm ghét khôn cùng đối với quyền lực – thứ quyền lực đã làm kẻ này phải im lặng cũng như đã chém chết kẻ kia. Bà và một số ít người như bà đã tiến hành buổi lễ nhà thờ ác nghiệt và kỳ quặc nào để ăn mừng trong cái thung lũng xa xôi hẻo lánh hết năm này sang năm khác? Bà đã làm thế nào để trốn tránh chính quyền đương thời? Và một lần nữa, việc kiên trì giở trang sách kinh ra chẳng phải là điều đồng nhất đến kỳ lạ có tính cách bà, theo như ông biết sao? Thật hay biết mấy nếu như vào ngày 25 tháng Tư có người nào đó ở gần Brockstone đến nhìn vào trong nhà thờ nhỏ xem trong lễ diễn ra những gì. Nghĩ đến đó ông chợt liên hệ đến bản thân mình, tại sao người đó không phải là ông kia chứ? Ông với một người bạn đồng tâm nhất trí nào đó. Ý ông đã quyết.

Vì không biết gì về việc in cuốn sách kinh, ông định bụng phải làm cho sáng tỏ mà không nói rõ lý do cho ai biết. Tôi xin nói ngay là công việc này hoàn toàn không kết quả. Một nhà văn đầu thế kỷ mười chín, một nhà văn có lối nói chuyện khá sóng gió và khoa trương về sách, cho biết đã nghe nói tới việc in ra cuốn sách kinh chống Cromwell vào giữa thời kỳ khối thịnh vượng chung. Nhưng ông ta cũng cho biết chưa bao giờ nhìn thấy bản in ấy, thành ra không ai tin. Đi sâu vào vấn đề, ông Davidson nhận thấy có thể lời nhà văn nói dựa trên cơ sở thư từ qua lại với ai đó sống gần Longbridge, thông tin về quyển sách  kinh Brockstone là từ đó mà ra.

Tháng ngày trôi qua, đã đến ngày lễ Thánh Mark, không có gì cản trở việc đi Brockstone của ông Davidson với một người bạn mà ông đã thuyết phục đi cùng với mình, riêng với người này thì ông thố lộ điều bí ẩn. Vẫn chuyến tàu chín giờ bốn mươi lăm phút sáng đưa họ tới Kingsbourne, vẫn cánh đồng cũ đưa họ tới Brockstone. Nhưng hôm nay họ dừng chân dọc đường nhiều lần để hái hoa anh thảo vàng. Cánh rừng xa xa và vùng cao nguyên những cày bừa hôm nay có màu sắc khác, và trong các bụi cây nhỏ, như lời bà Porter “Lúc nào cũng có những con chim duyên dáng khiến ta không sao tập trung tư tưởng được.”

Bà ta nhận ra ông Davidson ngay, và sẵn sàng đưa họ vào trong nhà thờ nhỏ. Ông khách mới, ông Witham cũng sửng sốt vì vẻ phong phú và hoàn chỉnh trong nhà thờ như ông Davidson lần trước, “Có lẽ trong cả nước Anh chỉ có một ngôi nhà thờ nhỏ như thế này” ông nói.

“Bà Porter, sách vẫn bị mở ra chứ?” Ông Davidson hỏi khi họ đi lên giữa giáo đường.

“Trời, vẫn vậy, thưa ông” bà Porter vừa nói vừa lật những tấm khăn che  bụi lên “Đây, ông  xem, ồ, nhưng chúng đóng lại đây này. À, ra là tại tôi, tuần trước tôi thấy chúng gấp lại sau khi quý ông ấy chụp ảnh chiếc cửa sổ phía Đông, tôi có kiểm tra lại các khăn phủ bụi trước khi đóng cửa, và vì có ru băng sẵn đó, tôi buộc chúng lại luôn. Bây giờ tôi mới nhớ ra tại sao từ trước tôi chẳng buộc luôn ru băng vào xem thử nó có mở ra nữa không nếu có thì cứ thử làm như vậy một vài lần xem sao.”

Tong lúc đó hai người đàn ông bận xem những quyển sách, ông Davidson bảo:

“Bà Porter ạ, tôi xin lỗi chứ có gì nhầm lẫn ở đây. Không phải những quyển sách  cũ.”

Chẳng cần nói nhiều về những tiếng kêu mà bà Porter thốt lên, tiếng mọi người hỏi dồn dập. Sự thể là thế nào? Hồi tháng Giêng, có một quý ông tới thăm nhà thờ nhỏ và có vẻ suy nghĩ rất lung, ông ta nói mùa xuân sẽ trở lại chụp vài kiểu ảnh. Chỉ một tuần trước đây, ông ấy quay lại cùng với xe hơi, mang theo một hộp nặng đựng những tấm kính dương bản, bà khóa ông khách lại trong nhà thờ vì ông ta có nói đến sự nổ, bà sợ hư hại, nhưng, không phải là nổ, mà hình như cái đèn chiếu chạy các tấm dương bản, chạy lâu lắm, đến hàng tiếng đồng hồ, rồi bà đến, cho ông ta ra, ông ta lên xe đi, mang theo cái hộp cùng mọi thứ rồi đưa bà tấm danh thiếp. Trời ơi! Ai dám nghĩ đến một chuyện như thế này! Hắn đã đổi các quyển sách  và mang chúng đi mất!”

“Trông hắn ta như thế nào?”

“Trời ơi, người nhỏ bé, tóc đen, kính gọng vàng – chẳng biết có phải vàng thật không, đôi lúc tôi nghĩ không phải là một người quý tộc thật sự, người Anh thực sự, ấy nhưng nói tiếng Anh thạo, có tên tuổi trên danh thiếp hẳn hoi.”

“Bà cho xem tấm danh thiếp được không? Vâng, T.W. Henderson, địa chỉ đâu đó gần Bristol. Vậy là, bà Porter, rõ ràng là cái gã Henderson này, gã tự gọi, đã xách đi mất của bà tám quyển sách kinh rồi đặt lại vào đó tám quyển sách khác cùng cỡ. Xin bà hãy nghe tôi nói đây. Bà phải kể ngay với chồng bà, nhưng cả bà lẫn ông chồng đừng hé môi với ai. Bà cho tôi địa chỉ ông quản lý Clark đi, tôi sẽ viết thư cho ông ta kể chính xác chuyện gì xảy ra, đó không phải lỗi tại bà, nhưng bà phải giữ kín chuyện này, bà có biết vì sao không? Vì thằng cha ăn cắp sách sẽ bán tống bán tháo chúng đi – xin nói với bà là đáng giá rất nhiều tiền đấy ạ – cách duy nhất ta tìm lại được chúng là đi tìm khắp nơi  trong im lặng mà không nói gì.”

Nhắc đi nhắc lại ý này dưới nhiều hình thức, họ đã thuyết phục được bà Porter nhất thiết phải im lặng, duy nhất được nói với ông cụ Avery vì cụ sắp tới thăm. Bà Porter bảo “Với cha tôi thì không sợ, cụ không phải là người hay chuyện.”

Theo kinh nghiệm của ông Davidson thì cụ không giống vậy, nhưng quanh Brockstone có hàng xóm láng giềng nào đâu mà kháo chuyện, với lại cụ Avery phải hiểu rằng ngồi lê đôi mách chuyện này sẽ khiến cho vợ chồng Porter phải đi tìm chỗ làm khác.

Câu hỏi cuối cùng là cái tay gọi là Henderson kia có ai đi cùng không? “Không, khi đến đây thì không, hắn tự lái lấy xe, còn đồ đạc ấy ạ, để tôi xem, có đèn chiếu, hộp kính dương bản rong xe, khi tôi giúp đưa vào nhà thờ, và ra xe chỉ có vậy. Khổ quá, giá mà tôi biết! Khi hắn ta lái xe qua dưới cây thủy tùng bên cạnh nhà thờ thì tôi trông thấy có một cái gói trắng, dài, nằm trên nóc xe, lúc hắn đến tôi không thấy nó. Hắn ta ngồi ghế trước, ghế sau chỉ có mấy cái hộp. Thưa ông, ông nghĩ tên thật hắn ta không phải Henderson ạ? Trời ơi, thật là kinh khủng! Nhưng hãy tưởng tượng người bước vào nhà thờ này với ý đồ ấy rồi ta sẽ gặp chuyện rắc rối như thế nào, yên làm sao được!”

Họ bỏ lại bà Porter đang khóc lóc. Trên đường về, hai người bàn tính làm cách nào tốt nhất để để mắt tới các cuộc bán đấu giá có thể sẽ tổ chức sắp tới đây. Vừa rồi thằng cha Henderson – Homberger (có lẽ đây cũng chẳng phải tên thật của hắn) hẳn đã làm công việc sau: mang đúng số sách kinh xuống Brockstoen, tức là những quyển sao chép từ các nhà thờ nhỏ trường Đại học hoặc đại loại như vậy, đem về đóng lại, trông bên ngoài giống quyển thật, rồi đưa xuống thay thế. Một tuần trôi qua không thấy thông cáo gì về chuyện mất cắp. Tất nhiên hẳn phải mất một thời gian tìm hiểu xem những quyển kinh đó quý hiếm như thế nào, và rồi cuối cùng cẩn thận “đưa chúng vào đúng nơi đúng chốn”. Riêng hai ông Davidson và ông Witham là những người hiểu biết nhiều về thế giới sách, họ hoàn toàn có thể vạch ra một chiến lược truy nguyên đến nơi đến chốn, duy họ có điểm yếu không ai biết cái tên mà thằng cha Henderson – Homberger sử dụng trong kinh doanh là gì. Nhưng rồi sẽ có nhiều cách để giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên tất cả những kế hoạch trên tỏ ra không cần thiết.

 

Chúng ta được đưa tới một công sở ở London cũng ngày 25 tháng Tư ấy. Trong một căn phòng đóng kín lúc chiều hôm, có hai thanh tra cảnh sát, một người gác cửa, một thư ký trẻ măng, hai người sau mặt tái xanh có vẻ bồn chồn, ngồi trên hai ghế dựa và đang bị hỏi cung.

“Anh nói anh vào làm cho hãng của ông Poschwitz này bao lâu rồi? Sáu tháng? Công việc làm ăn của ông ta là gì? Đi dự các cuộc bán đấu giá tại nhiều miền trong nước rồi đem về những gói sách.Ông ta có cửa hiệu không? Không? Đem sách đến chỗ này, chỗ kia, đôi khi đến các nhà sưu tầm tư nhân. Được rồi. bây giờ, gần đây nhất ông ta đi đâu? Nói cho đúng một tuần trước đây? Có nói với anh là đi đâu không? Không. Chỉ nói là sáng hôm sau khởi hành từ nhà riêng và không có mặt ở cơ quan, nghĩa là ở đây chứ gì? Phải không nào? Trong hai ngày, sau đó anh sẽ đến làm việc như thường lệ. Nhà riêng ở đâu? À, đây, địa chỉ, đường Norwood. Được. Còn gia đình? Không ở trong nước này? Rồi. Từ khi ông ta về nhà, anh thấy biết những gì? Về nhà hôm thứ Ba. Hôm nay thứ Bảy. Có đem theo sách không? Một gói to. Để ở đâu? Trong két sắt. Anh có chìa khoá không? À thôi, không cần, nó đang mở. Khi về đến nhà trông ông ta thế nào? Vui vẻ? Nhưng trông là lạ thế nào ấy – ý anh định nói gì? Tưởng ông ta ốm, ông ta bảo thế ư? Ông nói có mùi kinh tởm trong mũi không làm sao hết được, bảo anh phải cho ông  biết trước ai muốn gặp ông. Sự thể khác với mọi ngày? Và đều như vậy. Suốt một ngày thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu? Đi ra ngoài nhiều lần. Nói là tới Bảo tàng Quốc gia. Vẫn thường đến đó do công việc làm ăn. Đi đi lại lại rất nhiều trong phòng cơ quan mỗi khi về. Có ai đến trong mấy ngày vừa rồi không? Nhất là khi ông ta đi ra ngoài? Có ai gặp ông ta ở nhà không? Ông Collinson? Ông Collinson là ai? Khách hàng quen biết, biết địa chỉ không? Được, anh sẽ đưa địa chỉ đó cho chúng tôi. Anh rời hãng Poschswitz lúc mười hai giờ về nhà? Có ai trông thấy anh không? Ông gác cửa hả? Thôi được rồi. Bây giờ anh về nhà đợi chúng tôi gọi.”

“Nào, bây giờ đến ông, ông gác cửa – tên ông là Watkins, phải không? Ông khai cho, và nói chậm chứ, để chúng tôi còn ghi.”

“Tôi trực ở đây muộn hơn bình thường theo đề nghị của ông Poshwitz, ông ra lệnh gọi cơm trưa đưa vào phòng. Tôi ngồi trong sảnh từ lúc mười một giờ ba mươi phút, và nhìn thấy ông Bligh (thư ký) đi về lúc mười hai giờ. Sau đó thì không ai đến cả trừ những người mang cơm trưa, đến lúc một giờ chiều, về sau năm phút. Buổi chiều ngồi chờ mãi phát chán, tôi lên tầng trên xem thế nào. Cửa ngoài dẫn vào phòng mở, tôi tới cánh cửa đẩy, bằng kính, ở chỗ này. Ông Poshwitz đứng sau bàn đang hút một điếu xì gà, rồi ông đặt điếu xì gà lên mặt lò sưởi, lấy từ trong chùm chìa khoá một cái chìa, đi đến két sắt. Tôi gõ vào tấm kính, định hỏi ông có cần tôi đem cái khay thức ăn đi không, nhưng ông không chú ý, đang tập trung vào cánh cửa két sắt. Ông mở cửa tủ ra, cúi đầu vào trong có vẻ như nhấc ra một gói nặng từ đáy tủ. Và đúng lúc đó, thưa ông, tôi nhìn thấy một cuộn to cao đến một mét rưỡi, toàn vải falnen trắng cũ rách, rơi uỵch từ đâu xuống không biết, ngay cạnh cái tủ sắt, sát vào hai vai ông Poshwitz, ông đang cúi xuống, bèn đứng thẳng dậy, kêu lên một tiếng, hai tay vẫn đặt trên cái gói. Tôi nghĩ các ông không tin lời tôi nói, nhưng quả là sự thực như tôi đang đứng ở đây vậy, cái cuộn trắng đó đầu trên là một mặt người. Các ông chắc không thể ngạc nhiên hơn tôi, vì tôi đã nhìn thấy nhiều thứ trên đời. Xin tả để ông nghe, màu da mặt giống như màu tường này, (tường vẽ màu đất bằng màu keo) dưới có thắt một dải băng, đôi mắt khô khốc tựa như hai con nhện nằm trong lỗ. Tóc ư? Không thấy tóc, vì vải flanen che kín đầu. Tôi nhìn rõ lắm, nhớ như in một bức ảnh chứ không phải nhìn qua loa đâu. Cả cái tảng đó đổ vào vai ông Poschwitz, mặt nó giấu vào trong cổ ông đấy, cái vết thương tích ấy – giống hệt con chồn săn được con thỏ. Ông Poschwitz ngã lăn quay ra, dĩ nhiên tôi xông vào cửa, nhưng các ông biết, cửa khóa bên trong, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là rung chuông ầm ĩ lên gọi tất cả mọi người. Bác sĩ ngoại khoa đến và cảnh sát các ông đến, đó, các ông biết tất cả rồi đó. Nếu các ông không hỏi gì thêm hôm nay thì tôi xin về nhà vì câu chuyện này làm tôi đảo lộn hết cả người lên.”

“Được!” một trong hai viên thanh tra nói. Và khi còn lại hai người “Thế nào?” Viên thanh tra kia hỏi, và chờ một lát “Bác sĩ ngoại khoa báo cáo thế nào?” “Anh có đấy thôi.” “Phải. Tác dụng trên máu giống như bị rắn cắn, loại rắn độc nhất ấy. Tôi mừng cho ông ta là cái chết đến tức thì, trông ông ta kinh quá. Dĩ nhiên ta không thể giữ Watkins được, ta biết tất cả về ông ta rồi còn gì. Còn cái tủ két sắt bây giờ thì sao nhỉ?”

“Tốt nhất, chúng ta nên xem lại nó lần nữa, với lại chúng ta đã mở cái gói ấy ra đâu, cái gói mà ông ta bận rộn để lấy ra, đúng vào lúc bị chết ấy.”

“Phải, này, nhớ cẩn thận vào, có thể có rắn ở trong ấy đấy. Soi đèn vào các góc trong ấy xem sao. Này, trong ấy đựng được cả một người thấp bé đấy, nhưng vấn đề thông khí thì sao nhỉ?”

“Có thể là” viên thanh tra kia vừa khảo sát cái két sắt bằng đèn pin vừa chậm rãi nói “Có lẽ chẳng cần thông khí lắm. Từ trong này hơi ấm toả ra. Trời ạ! Cứ như một cái vòm để đồ trong ngân hàng. Nhưng sao bụi tung mù mịt ra khắp phòng như thế này? Hay là từ trong két ra? Cửa tủ mở mà. Anh bưng cái gói này ra chỗ khác thì nó sẽ hết bụi, đúng không? Kìa, anh làm gì vậy?”

“Làm gì? Cũng như mọi trường hợp khác thôi chứ làm gì? Một trong những bí ẩn của London đây, theo như những gì tôi nhìn thấy. không thể hiểu được vì sao một cái hộp của ông thợ ảnh trong đầy những quyển kinh cổ khổ lớn lại khiến ta cần phải đi xa hơn nữa? Vì cái gói của anh trong toàn sách kinh cả mà?”

Viên thanh tra nói vậy là lẽ tự nhiên nhưng hơi vội vàng. Những gì kể trên kia rõ ràng là cơ sở phong phú cho cả một vụ tố tụng, và khi hai ông Davidson và Witham đến khai báo với Scotland Yard thì mọi việc được chắp nối thành một chu trình hoàn hảo.

Bà Porter nhẹ cả mình khi chủ nhà Brockstone không có ý định đặt lại các cuốn kinh nguyên gốc vào chỗ cũ, họ đặt chúng trong một két sắt ở ngân hàng trên tỉnh. Cảnh sát có cách riêng để báo chí không lôi vụ này ra, nếu không, những lời làm chứng của Watkins thế nào chẳng làm dấy lên nhiều đầu đề giật gân cho báo chí.

 

Chú thích :

[1] Cromwell – chính khách Anh (1485 – 1540) bộ trưởng tài chính Anh (1533) thư  ký  của vua Henri VIII (1534) người gây dựng lên phong trào cải cách Anh và đã bị chặt đầu.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ