Chiến binh cầu vồng - Chương 8: Bệnh Thần Kinh Số 5

Năm tháng trôi qua, bọn tôi lớn dần lên lúc nào chẳng rõ. Ngôi trường đáng thương của chúng tôi vẫn cũ kỹ như ngày nào; nhưng không vì thế mà sức quyến rũ từ nó giảm đi; trái lại, ngày một tăng thêm.

Trải qua bao nhiêu thử thách và vất vả, chúng tôi dần thân thiết như anh em một nhà và hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc.

Syahdan. Nó là đứa có vóc dáng nhỏ nhất lớp nhưng ăn thì thôi khỏi nói, không đứa nào ăn nhiều bằng. Nó không bao giờ từ chối đồ ăn. Cứ như thể cái mồm của nó chẳng thể nào phân biệt đồ nổi đồ nào ngon đồ nào dở vậy; nó tọng tất. Dù vậy, nó vẫn cứ loắt choắt – chẳng rõ thức ăn biến đi đằng nào chứ?

Ngồi cùng bàn với Syahdan là A Kiong danh giá, hơi bất bình thường. Chỉ Đức Allah mới biết điều gì khiến cha nó – A Liong, một người sùng đạo Khổng – đưa đứa con trai duy nhất của mình vào học tại một trường của người theo đạo Hồi. Hẳn là do nhà nó – một gia đình Phúc Kiến – quá nghèo.

Tuy nhiên, khi trông thấy A Kiong, bất kỳ ai cũng sẽ hiểu được tại sao nó lại có duyên với ngôi trường này. Nó có vẻ ngoài ma chê quỷ hờn. Trông nó giống hệt Frankenstein. Gương mặt nó to đùng trông như cái hộp, tóc tai thì xù lên tua tủa như lông nhím. Mắt nó xếch ngược lên như hai lưỡi kiếm, còn lông mày thì gần như trụi lủi. Mồm hô răng vẩu. Chỉ thoạt nhìn khuôn mặt nó thôi là bất kỳ giáo viên nào cũng sẽ có cảm giác thất vọng não nề khi tưởng tượng phải nhồi hàng mớ kiến thức vào cái đầu có hình dạng như cái hộp nhôm hình vuông đó của nó.

Ngạc nhiên thay, cái đầu hộp của A Kiong nhanh chóng hấp thụ kiến thức, trong khi hóa ra cái đứa có vẻ sáng sủa, thân thiện, dễ mến – đứa ngồi ngay đằng trước nó, luôn gục gặc đầu có vẻ như biết tuốt trong suốt tiết học ấy, thằng Kucai – lại chẳng sáng dạ mấy.

Kucai hơi xui xẻo; nó bị suy dinh dưỡng trầm trọng lúc còn bé – đến nỗi giờ mắt nó phải chịu hậu quả nặng nề. Mắt nó không thể nhìn đúng hướng được, vậy nên mỗi khi nói nó nghĩ nó nhìn vào người đang nói cùng nó, nhưng mắt nó lại liếc sang bên trái khoảng 20 độ.

Với tất cả những tố chất khác gộp lại – cơ hội, tự cho mình là trung tâm, một chút tinh quái – cộng với thái độ ta đây biết-tuốt, không biết xấu hổ và có khuynh hướng chủ nghĩa dân túy, nó hội đủ mọi yêu cầu cần thiết để trở thành một chính trị gia. Vì lẽ đó, chúng tôi nhất trí bầu nó làm lớp trưởng.

Làm lớp trưởng chẳng phải là chuyện chơi. Nó phải giữ chúng tôi im lặng, nhưng nó thì không thể ngậm mồm lại được.

Một ngày,trong giờ Đạo đức, cô Mus trích dẫn lời của Khalifa Umar Khatab, một trong những tông đồ của nhà tiên tri Muhammad, “Bất kỳ ai được cử làm lãnh đạo mà nhận bất cứ thứ gì ngoài tiền lương thì bị xem là phạm tội lừa đảo.”

Cô Mus rõ ràng rất bất bình với tình trạng tham nhũng tại đất nước Indonesia này.

“Và hãy nhớ rằng những người lãnh đạo sẽ được thưởng phạt công minh ở thế giới bên kia.”

Cả lớp sửng sốt ngồi im thin thít, nhưng ai cũng thấy thằng Kucai run lẩy bẩy. Là lớp trưởng, nó lo lắng về chuyện bị xử phạt ở thế giới bên kia vì những hành động nó đã làm khi còn sống, đó là chưa kể nó chẳng hề thật tâm muốn trông chừng chúng tôi mà chỉ làm rất chi miễn cưỡng. Nó không thể cố được nữa. Nó đứng lên và phát biểu hết sức mỉa mai: “Thưa cô, cô phải biết rằng không có gì có thể khiến những đứa con nhà cu li này ngồi yên được mà! Boreck hành động cứ như bệnh nhân tâm thần ấy. Sahara và A Kiong thì đánh nhau suốt. Em lúc nào cũng bị đau đầu. Harun chẳng làm gì cứ ngủ luôn. Còn Ikal, Masya Allah – Lạy đấng Allah, thưa cô, hẳn quỷ Sa tăng đã mang nó đến đây hay sao ấy!”

Kucai tốt hơn nhiều so với những nhà lãnh đạo khác của Indonesia ấy chứ. Trong khi họ lén lút bôi nhọ thanh danh người khác, Kucai dám nói thẳng vào mặt chúng tôi như thế kia mà.

“Em không cố được nữa đâu ạ. Em muốn ta bầu lại lớp trưởng khác!” nó nói, giọng như muốn khóc đến nơi. Hàng mấy năm trời thất vọng chồng chất giờ như có dịp bùng nổ. Nó gần như thở không ra hơi khi thể hiện nỗi bực dọc trong tiếng nói uất nghẹn. Nó nhìn chằm chằm về phía cô Mus, nhưng ánh mắt lại đậu xuống tấm áp phích Cơn mưa tiền của Rhoma Irama.

Cô Mus sững cả người. Trước nay chưa từng có chuyện một học sinh dám đứng lên phản đối thẳng thừng như thế. Cô nghĩ một lát, và cố gắng giữ nét mặt bình thường. Cô yêu cầu chúng tôi viết tên lớp trưởng mới trên một mảnh giấy và gấp đôi nó lại. “Theo nguyên tắc dân chủ, các em có quyền bầu cử và sự lựa chọn của các em phải tuyệt đối giữ bí mật.”

Kucai cười rạng rỡ. Nó tin rằng nó đã được đối xử công bằng và tin chắc rằng sau ngần ấy năm mong mỏi thôi chức lớp trưởng, sự chịu đựng của nó rốt cuộc đã được giải thoát.

Chúng tôi gấp đôi mảnh giấy và trao lại cho cô Mus. Bầu không khí căng thẳng bao trùm suốt thời gian kiểm phiếu. Chúng tôi xôn xao đoán già đoán non – ai sẽ là lớp trưởng lớp chúng tôi nhỉ? Cô Mus mở tấm phiếu đầu tiên và đọc cái tên bên trong. “Boreck!” cô đọc to.

Mặt thằng Boreck đỏ bừng. Kucai nhảy loi choi hí ha hí hửng – chính nó bỏ phiếu cho thằng Boreck chứ ai.

“Phiếu số hai,” cô Mus đọc, “Kucai.”

Lần này thằng Boreck nhảy cẫng lên và tới lượt thằng Kucai đỏ bừng mặt.

“Phiếu số ba… Kucai!”

Kucai cười cay đắng.

“Phiếu số bốn… Kucai!”

“Phiếu số năm… Kucai!”

Và cứ thế cho đến phiếu số chín.

Kucai như phát điên. Nó cáu tiết thằng Boreck quá đỗi, thằng đó người rung lên bần bật vì cố nín cười. Kucai cố gắng trừng trừng nhìn thằng Boreck, nhưng ánh mắt nó không chịu nghe lời, cứ đậu xuống thằng Trapani.

Chỉ có chín lá phiếu vì Harun không biết viết. Nhưng cô Mus vẫn tôn trọng quyền lợi chính trị của nó. Cô đưa mắt sang Harun. Harun ngoác mồm cười đồng lõa, để lộ mấy cái răng dài vàng khè và hét lên chói tai, “Kucai!”

Thằng Kucai rũ người xuống, chấp nhận thất bại.

Ngồi tít trong góc là hoàng tử của chúng tôi, Trapani. Nó ưa nhìn như một chú chim cinenen kelabu, và nó là đứa mang lại may mắn cho bọn tôi. Nó là một đứa hoàn hảo với khuôn mặt điển trai nhất, kiểu con trai mà bọn con gái phải lòng ngay cái nhìn đầu tiên. Tóc nó, quần nó, dây lưng nó, tất nó, đôi giày tinh tươm của nó, tất thảy luôn không một chút vết bẩn và không chê vào đâu được. Người nó cũng tỏa ra mùi dễ chịu. Thậm chí áo sơ mi của nó cũng còn đủ cả cúc.

Trapani không nói nếu không thấy cần thiết, và khi nó nói, những lời thốt ra được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng không chê vào đâu được. Nó là đứa có nhân cách tốt, một công dân trẻ đầy triển vọng – hình mẫu của Dasa Dharma Pramuka – một Hướng đạo sinh triển vọng. Nó muốn sau này khi lớn lên sẽ làm giáo viên và dạy học tại những vùng xa xôi hẻo lánh để giúp cải thiện nền giáo dục và điều kiện sống cho cư dân Mã Lai – một khát vọng thật cao quý. Mọi thứ trong cuộc sống của Trapani dường như đều chịu ảnh hưởng từ bài hát Wajib Belajar, một bài hát về trận chiến chống mù chữ của tác giả R.N. Sutarmas.

Trapani rất gần gũi với mẹ nó. Không đề tài nào đối với nó thú vị hơn những chuyện liên quan đến mẹ nó, có lẽ bởi vì trong số sáu đứa con, nó là đứa con trai duy nhất.

Sahara, đứa con gái duy nhất trong lớp, hệt một con két – cương quyết và thẳng thừng. Rất khó thuyết phục được nó và cũng không dễ gì khiến nó cảm kích. Một tính cách nổi trội nữa của nó là tính chân thật – nó chẳng nói dối bao giờ. Ngay cả khi sắp bước trên một tấm ván mỏng bắc qua biển lửa và lúc ấy chỉ cần nói dối là có thể cứu được mạng thì nó cũng ngậm chặt miệng, không thèm nói dối.

Sahara và A Kiong luôn đối đầu nhau. Bọn nó đánh nhau rất dữ, rồi làm hòa, rồi lại đánh nhau. Cứ như thể chúng sinh ra là để xung khắc với nhau vậy. Có lần, Trapani đang nói về một cuốn sách hay, Tenggelamnya Kapal Van Der Wijik – Tàu chìm Van De Wijik – một tác phẩm văn học huyền thoại của Buya Hamka.

“Tao cũng đọc sách đó rồi,” A Kiong nói vẻ ngạo mạn. “Xin lỗi, nhưng tao không để tâm đến nó mấy. Có quá nhiều tên và địa danh, tao thấy khó mà nhớ tất.”

Sahara, đứa đánh giá cực cao những tác phẩm văn chương đích thực, thấy bị đụng chạm. Nó hét tướng lên, “Masya Allah! Lạy đáng Allah! A Kiong, sao mày dám nói về tác phẩm văn chương theo kiểu ấy thế? Vậy nếu Buya mà viết một cuốn sách có tên Một đứa con trai xấu xa ăn cắp dưa chuột thì chắc là phù hợp cho cái gu văn chương của mày đấy hẳn.”

Cả bọn chúng tôi phá lên cười nắc nẻ, thậm chí bò lăn ra sàn, ôm lấy bụng mà cười.

Nhưng mặt khác, Sahara rất ân cần với Harun.

Harun cư xử tốt với tất cả mọi người, trầm tính, và có nụ cười dễ dãi, hoàn toàn mù tịt chẳng hiểu bài gì ráo. Giờ người ta gọi đó là hội chứng Down. Khi cô Mus dạy, Harun ngồi ngay ngắn trật tự với nụ cười thường trực trên môi.

Tiết học nào cũng vậy, dù cho chúng tôi học gì đi nữa, Harun cũng giơ tay lên một lần và hỏi một câu giống nhau, suốt cả năm như vậy, từ năm này đến năm khác, “Thưa cô, khi nào mình được nghỉ lễ Lebaran?”

“Ngay thôi, Harun, sắp rồi,” cô Mus trả lời nhẹ nhàng hết lần này đến lần khác, hàng ngàn lần như vậy, quanh năm, hết năm này đến năm khác. Rồi Harun vỗ tay.

Trong suốt giờ ra chơi buổi chiều, Sahara và Harun luôn ngồi cùng nhau bên dưới cây filicium. Hai đứa nó có chung một sợi dây liên hệ tình cảm độc nhất vô nhị giống như tình bạn lạ lùng giữa con chuột và con voi vậy. Harun say sưa kể chuyện về con mèo tam thể của cậu để ba đứa con vào ngày thứ ba của tháng. Sahara ngồi kiên nhẫn lắng nghe, ngay cả khi Harun ngày nào cũng kể độc mỗi chuyện ấy, hết lần này đến lần khác, hàng ngàn lần, quanh năm, hết năm này đến năm khác.

Con số ba quả thực là con số thiêng liêng đối với Harun. Cậu liên hệ mọi thứ với số ba. Cậu xin cô Mus dạy cho mình viết con số đó, và sau ba năm miệt mài rốt cuộc cậu cũng đã làm được. Tất cả các bìa sách của cậu mau chóng đầy những con số ba to tướng, đẹp và đầy màu sắc. Cậu bị ma ám bởi con số ba. Cậu thường bứt mấy cái cúc ra khỏi cái áo đang mặc cho đến khi chỉ còn lại ba cúc. Cậu đeo ba lớp tất. Cậu có ba kiểu cặp, và trong mỗi cặp cậu luôn mang theo ba chai xì dầu. Thậm chí cậu có những ba cái lược chải đầu. Khi chúng tôi hỏi sao cậu lại thích số ba đến vậy, cậu suy nghĩ mất một lúc rồi trả lời có vẻ rất hiểu biết, cứ như trưởng thôn đang khuyên răn dân làng làm điều tốt vậy. “Bạn tôi ơi,” cậu nói giọng biết tuốt, “Đức Allah thích những con số lẻ mà.”

Tôi thường săm soi khuôn mặt Harun để cố tìm thấy điều gì đang ẩn chứa trong đầu cậu. Cậu nhoẻn miệng cười mỗi khi thấy tôi như vậy. Do nhận thức được mình là học sinh lớn tuổi nhất lớp nên cậu thường quan tâm đến chúng tôi, như thể chúng tôi là những đứa em trai em gái của cậu vậy. Có nhiều lúc sự quan tâm của cậu khiến chúng tôi rất cảm động: Một lần, rất bất ngờ, cậu mang đến trường một cái gói rất to và cho chúng tôi mỗi đứa một củ khoai môn luộc. Đứa nào cũng có một củ. Riêng cậu có ba. Cách hành xử của cậu rất người lớn, nhưng thực ra cậu chỉ là một đứa trẻ núp trong vóc dáng người lớn.

Đứa con trai thứ tám, hiệp sĩ danh dự của chúng tôi trong bộ áo giáp sáng lóa, là Boreck.

Mới đầu nó chỉ là một học sinh bình thường thôi. Cách hành xử của nó cũng chẳng có gì đặc biệt. Thế nhưng cái cơ duyên nhặt được một cái chai chứa sản phẩm mọc tóc sản xuất ở đâu đó trên bán đảo Ả Rập đã mãi mãi thay đổi cuộc đời nó.

Trên cái chai ấy có hình một ông mặc quần sịp đỏ chói, thân hình cao to lực lưỡng và lông lá như con đười ươi.

Từ đó trở đi, Boreck không quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài việc làm sao cơ bắp của nó phát triển. Nhờ làm việc nặng nhọc và tập luyện thường xuyên, nó đã đạt được ý nguyện và được bạn bè gọi là Samson, một danh hiệu cao quý mà nó rất lấy làm hãnh diện.

Chuyện này quả là kỳ cục, nhưng ít nhất Samson đã tìm thấy cái tôi của nó lúc còn rất nhỏ tuổi và biết đích xác nó muốn gì sau này; nó không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu. Nó đã bỏ qua được giai đoạn tìm kiếm bản thân – giai đoạn người ta vẫn còn thiếu tin tưởng vào bản thân cho đến khi trưởng thành hơn. Có những người không bao giờ tìm thấy bản thân mình và cứ thế đi hết cuộc đời như bao người khác. Samson hơn họ.

Nó ám ảnh với việc luyện tập sao cho cơ thể cường tráng và phát rồ lên với hình ảnh một bậc đại trượng phu. Một ngày, nó dụ dỗ tôi và tôi không cưỡng nổi tò mò. Tôi không hiểu bằng cách nào mà nó biết được bí quyết tập luyện cơ ngực nữa.

“Đừng tiết lộ cho đứa nào đấy nhé!” Nó vừa thì thào vừa đưa mắt nhìn xung quanh trông chừng. Nó nắm chặt tay tôi lôi đi và chúng tôi chạy đến bên cái kho bỏ trống đằng sau trường. Nó lôi trong cặp ra một trái banh tennis đã bị chẻ làm đôi.

“Nếu mày muốn ngực nở như tao, thì đây là bí quyết!”

Nó lại thì thào, ngay cả khi biết chắc chẳng có bóng dáng đứa nào quanh đây. Tôi nhìn hai nửa trái banh ngạc nhiên và nhủ thầm trong bụng: Hóa ra bí quyết để có cơ thể cường tráng chỉ nằm trong trái banh tennis này đây! Thật là một phát hiện lớn lao.

“Cởi áo ra đi!” Samson ra lệnh.

Nó sẽ làm gì mình nhỉ?

“Để tao giúp mày thành một người đàn ông đích thực!”

Nét mặt nó cho thấy nó không hiểu tại sao mọi người không dùng phương cách này – phương cách để nhanh chóng trở thành người có vóc dáng hoàn hảo.

Tôi lưỡng lự, nhưng không có lựa chọn nào khác. Tôi cởi cúc áo.

“Nhanh lên nào.”

Bất thình lình, thằng Samson ấn mạnh hai nửa trái banh tennis vào ngực tôi. Tôi bật người ra phía sau và suýt nữa ngã bổ chửng. Nó hành động bất ngờ quá nên tôi mất thế và vô phương chống đỡ, lưng tôi áp chặt vào mấy tấm ván gỗ. Tệ hơn nữa là thằng Samson to lớn hơn tôi rất nhiều và khỏe như một cu li. Tôi cố vùng ra khỏi nó.

Và tôi sực hiểu. Samson tin rằng hai nửa trái banh tennis có chức năng tương tự như cái vật lạ kỳ gắn tay cầm bằng gỗ và ống giác cao su thường dùng để thông hầm cầu. Trong cái đầu điên khùng của Samson, nó nghĩ nó có thể dùng hai nửa trái banh tennis để thúc cho cơ ngực nở nang. Còn chưa kịp ý thức được gì, tôi đã bị tra tấn đã đời bằng cái dụng cụ hút ngực làm từ hai nửa trái banh tennis.

Tôi cảm thấy cơ thể mình bị hút hết sức sống – tim, gan, phổi, lá lách, máu và toàn bộ mọi thứ trong dạ dày nữa – bởi hai nửa trái banh tennis quái quỷ đó. Mắt tôi như thể sắp vọt ra khỏi hai hốc mắt. Cổ họng tôi như có bàn tay ai đó bóp chẹt lấy, tôi không nói ra tiếng được. Tôi ra hiệu cho thằng Samson dừng cái trò đó lại.

“Chưa tới giờ mà – mày phải điểm danh và đọc tên cha mẹ xong thì mới có kết quả được!”

Điểm danh và đọc tên cha mẹ ư? Ôi trời ơi! Chết tiệt!

Điểm danh và đọc tên cha mẹ là một trò ngớ ngẩn của bọn tôi – trong một khoảng thời gian quy định phải gọi tên đầy đủ của mọi thành viên trong lớp và cả cha mẹ đứa đó nữa. Chẳng hạn: Trapani Ihsan Jamari Nursidik, con trai của Zainuddin Ilham Jamari Nursidik. Hay Harun Ardhli Ramadhan Hasani Burhan, con trai của Syamsul Hazana Ramadhan Hasani Burhan. Tôi đã không chịu nổi cái thứ đang rút hết sức sống từ cơ thể tôi rồi mà nó lại còn bảo tôi gọi tên mấy đứa trong lớp mới lại tên cha mẹ bọn nó nữa. Tên người Mã Lai có ngắn đâu chứ!

Samson không mảy may để tâm đến điều đó. Tôi là một con cá bị mắc kẹt trong lưới. Hơi thở tôi đang cạn dần. Sức hút của hai nửa trái banh như những vết chích chết người của cả bầy ong. Cả thân hình tôi như đang rung lên bần bật. Hai chân tôi đạp quáng quàng xung quanh trong tuyệt vọng. Cơn đau ấy cứ như thể không bao giờ kết thúc vậy.

Rồi, bất thình lình, một trong những tấm ván đằng sau lưng tôi rơi xuống và tôi có thể tập trung sức mạnh.

Không chần chừ lấy một phút giây nào, tôi dồn hết chỗ sức còn lại trong người, co chân tống một cú như trời giáng vào chính giữa háng nó – giống như khi võ sĩ quyền Anh Nhật Bản Antonio Inoki tấn công Muhammad Ali bằng một cú ti tiện trong cuộc chạm trán năm 1976.

Samson rú lên và rên rỉ như một con ong bị mắc trong lọ thủy tinh. Tôi thoát ra được vòng kiềm tỏa của nó, chạy biến đi. Phát minh luyện tập thể hình đích thực đó bay vào không trung trước khi từ từ rơi xuống đống rơm. Tôi lén quay lại nhìn trộm thì chàng lực sĩ Hercules của chúng ta đổ nhào, ôm lấy hai chân trước khi ngã bịch xuống đất.

Mất mấy ngày, trên ngực tôi hằn hai dấu tròn đỏ bầm không chịu tan, dấu vết của sự ngu ngốc không thể nào tin nổi.

Mẹ tôi gạn hỏi về hai cái dấu ấy, và tôi muốn bịa ra chuyện gì đó nhưng không được. Trong những bài học đạo đức được học vào mỗi ngày thứ Sáu, có bài dạy rằng chúng tôi không được phép nói dối cha mẹ, đặc biệt là mẹ.

Tôi buộc phải để lộ sự ngu ngốc của mình ra. Mấy ông anh trai và cha cười đến rung cả người lên. Và rồi, lần đầu tiên tôi nghe mẹ tôi nói một mớ lý thuyết phức tạp nào đó về chứng bệnh liên quan đến thần kinh.

“Có bốn mươi tư loại bệnh liên quan đến thần kinh không bình thường,” bà vừa nói với giọng như thể mình là một chuyên gia về bệnh tâm thần vừa lấy thuốc lá, lá trầu không và những thứ khác trong chiếc hộp tròn nhỏ, vò cả ngần ấy thứ thành một cục tròn be bé và bắt đầu nhai bỏm bẻm.

“Con số càng nhỏ thì bệnh càng nguy kịch,” bà nói, lắc đầu liên tục trong khi mắt chăm chăm nhìn tôi như thể tôi là một con bệnh ở bệnh viện tâm thần vậy.

“Khi người ta mất trí và trần truồng đi vẩn vơ trên đường, đó là lúc bệnh nặng nhất, bệnh thần kinh số 1. Mẹ nghĩ việc con làm với hai nửa trái banh tennis ấy có thể xếp vào bệnh thần kinh số 5. Khá nghiêm trọng đấy, Ilka! Con nên cẩn thận – nếu con không tư duy theo cách thông thường, bệnh sẽ nặng thêm lên đó nghe không!”

Vào một sáng khác, lúc mười giờ, đàn sáo đá lẽ ra đã bay đến ríu rít rồi. Nhưng sáng nay không gian thật im lìm. Tôi mỉm cười một mình khi nghĩ về những điểm đặc trưng của mấy đứa bạn chung lớp. Hầu hết chúng tôi đến trường trong tình trạng berkaki ayam, nói nôm na là chân chim, tức là không giày dép gì sất. Những đứa không chân chim thì mang đôi giày quá khổ. Cha mẹ nghèo khó của chúng tôi cố tình mua những đôi giày thật rộng để chúng tôi có thể mang chúng ít nhất được hai năm. Khi chúng vừa chân thì cũng là lúc tơi tả cả rồi.

Người Mã Lai tin rằng định mệnh là một sinh vật, và chúng tôi là mười miếng mồi của định mệnh. Chúng tôi giống như những động vật thân mềm nhỏ bé bám vào nhau để tự bảo vệ mình khỏi những đợt sóng dập dồn trong đại dương tri thức. Cô Mus là gà mái mẹ của bọn tôi. Tôi nhìn vào khuôn mặt của những đứa bạn tôi, từng đứa một: Harun với nụ cười ngờ nghệch, Trapani bô trai, Syahdan nhỏ bé, Kucai vênh váo, Sahara quạu quọ, A Kiong khờ khạo và đứa con trai thứ tám, Samson, ngồi như một bức tượng Ganesha[1]. Và đứa nào là đứa con trai thứ chín và mười? Lintang và Mahar. Câu chuyện của hai tụi nó là gì? Ấy là hai đứa nhỏ tuổi và thực sự đặc biệt. Nên cần phải có một chương đặc biệt để kể về những chuyện của hai đứa ấy.

[1] Vị thần mình người đầu voi trong Hindu giáo.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ