Chiến binh cầu vồng - Chương 7: Lời Hứa Đầu Tiên Của Lintang

Các nhà thực vật học thường trồng cây filicium để mời gọi chim chóc kép về. Những cây này quanh năm xanh tốt, chẳng cần biết tới mùa nào với mùa nào. Bọn két đuôi dài lộng lẫy thường tụ tập về đây, và trước khi tấn công cây filicium, những con chim xanh màu lá dễ thương ấy thoạt đầu sẽ ngó nghiêng xung quanh từ trên mấy nhánh cây ganitri cao chót vót đằng sau ngôi trường, thám sát tình hình xem liệu có đối thủ hay kẻ thù nào hay không. Thế rồi, vút một cái, lũ chim phàm ăn ấy lao bổ xuống chọc mấy cái mỏ sắc như dao vào đám quả nhỏ xíu của cây filicium. Trong lúc mổ lấy mổ để chỗ quả ấy, chúng không ngớt lúc lắc cái đầu sang hai bên với vẻ cảnh giác. Bài học đạo đức số 3: Nếu bạn rực rỡ và lộng lẫy như một chú chim két, bạn sẽ không thể nào có một cuộc sống yên bình.

Sau đó cả bầy sáo đá sẽ kéo nhau đến nhập vào lũ két, bọn đến sau này ung dung chén quả vì vẻ ngoài của chúng chẳng có gì đáng thu hút cả. Không có kẻ thù ăn thịt lẫn con người. Chúng điềm nhiên chén chỗ quả chín mà bọn két trong lúc ăn vội ăn vàng còn để sót lại, rồi cứ thế ị ra khi thấy buồn – ngay cả khi mồm còn đầy thức ăn. Bọn chim nhỏ béo tròn béo trục, bụng no kềnh quả chín, ríu rít chuyền hết cành này đến cành khác.

Chiều đến, một vài con chim chích bông màu xám tro rón rén sà xuống mấy nhánh cây filicium. Từ tốn và xinh xắn, chúng mổ mấy con sâu đang bò trên cây, không vội vã như bọn két, và rồi bay đi, cũng lặng lẽ như lúc đến.

Hệt bọn chim ấy, ngày của chúng tôi luôn xoay quanh cây filicium. Cái cây ấy là nhân chứng cho những sự kiện kịch tính xảy ra trong suốt thời kỳ thơ ấu của chúng tôi. Chúng tôi xây những ngôi nhà cây trên mấy cái nhánh. Chúng tôi nấp đằng sau những tán lá khi chơi trò trốn tìm. Trên thân cây chúng tôi khắc những tuyên thệ tình bạn vĩnh cửu. Dưới gốc cây chằng chịt rễ, chúng tôi ngồi thành vòng tròn nghe cô Mus kể chuyện về Robin Hood. Và dưới bóng râm, chúng tôi chơi trò nhảy cừu, diễn kịch, nô giỡn, la hét, hát hò, học bài và cãi vã.

Đối với chúng tôi, trường học luôn mang lại nhiều điều mới mẻ. Tôi thường nghe nói trẻ con không thích đi học. Tôi chẳng hiểu lý do tại sao, bởi vì mặc dù trường tôi cũ kỹ thật đấy nhưng từ ngày đầu tiên đi học bọn tôi đã thích mê đi rồi. Cô Mus và thầy Harfan đã khiến chúng tôi yêu thích ngôi trường, và hơn thế nữa, mang đến cho chúng tôi niềm ham mê học tập, trau giồi kiến thức. Lúc tan trường, chúng tôi phụng phịu chẳng muốn về nhà. Khi được cô giao về nhà mười bài tập, chúng tôi đòi hai mươi. Chủ nhật chưa tới chúng tôi đã nóng lòng đợi đến thứ Hai.

Cả tuần đầu tiên, chúng tôi không đụng đến một cuốn sách.

Cô Mus và thầy Harfan kể chuyện suốt ngày. Chúng tôi say sưa hàng giờ với những câu chuyện thần kỳ từ những miền đất xa xôi dạy chúng tôi cách vượt qua thăng trầm cuộc sống và những bài học đạo đức trong Nghìn lẻ một đêm. Những câu chuyện đi vào tâm khảm chúng tôi và dạy chúng tôi biết thông cảm sẻ chia với người khác.

Thế rồi, ngày đầu tiên của tuần thứ hai đến.

Tôi đến trường thật sớm. Tôi nóng lòng muốn gặp cô Mus và thầy Harfan. Tôi tròn mắt kinh ngạc khi mở cửa lớp. Một con bò cái lờ đờ uể oải đang đứng nép vào một góc, ở góc đối diện thằng Lintang đang điềm nhiên ngồi. Nhà nó ở xa nhất, dẫu vậy bao giờ nó cũng là người đến sớm lớp nhất.

Vào cái ngày hạnh phúc đó, sau khi tập hát bài Rukun Iman, Sáu đức tin – một bài hát tuyệt hay, rủi thay vẫn chưa rõ tác giả là ai – cô Mus dạy chúng tôi các chữ cái A, B, C, D và E. Cả lớp đồng thanh đọc theo cô hết sức hào hứng.

Tuần kế tiếp đó, chúng tôi dần dần học bảy chữ cái đầu tiên, từ A đến G.

“Bảy chữ cái một tuần nhé,” cô Mus nói.

“Vậy trong một tháng các em sẽ biết hết bảng chữ cái, tiếp sau đó ta sẽ tập viết.”

Tuần thứ ba, tôi vui không thể tưởng, vì tôi đã phát hiện thêm những chữ cái mới lạ nữa, như O, Q và V. Tôi chỉ thấy những chữ cái mới ấy xuất hiện rất thường xuyên trong những câu tiếng Indonesia thôi. Sao dân tôi lại chọn dùng những chữ cái mà dân người ta hiếm khi dùng thế không biết. Chỉ là để khiến cuộc sống chúng tôi khó khăn hơn chứ sao nữa. Khi tôi thở dài trong lúc nghĩ đến chuyện đó, đứa ngồi cạnh tôi giơ tay.

“Thưa cô,” nó gọi to giọng hào hứng.

Cô Mus nhìn nó, “Chuyện gì thế Lintang?”

“Em muốn nhận tờ đơn hôm nhập học ấy, được không cô? Em muốn điền nó.”

Cô Mus cười, “Từ từ đã, Lintang. Ta chỉ mới học chữ cái thôi mà. Sau này khi lên lớp hai, em sẽ được học viết, rồi em sẽ điền vào mẫu ấy, đâu có muộn.”

Cái đứa đến từ miền biển đứng lên, “Em muốn điền ngay bây giờ, thưa cô. Em đã hứa với cha em thế rồi.”

Cả lớp giật mình. Cô Mus ngần ngừ, “Em có thể điền bây giờ được à?”

“Vâng ạ, thưa cô,” Lintang dõng dạc đáp.

Mặc dù Lintang kiên quyết rằng nó có thể, cô Mus vẫn không tin lắm. Cô mở ngăn kéo bàn, lấy tờ đơn ra và bước xuống bên Lintang. Chúng tôi đứng hết cả dậy và xúm xít quanh nó.

Cô Mus đặt tờ đơn lên bàn trước mặt nó. Lintang lấy cây giữ bút giắt sau tai, cắn cắn đầu bút, rồi bắt đầu viết. Khi cô quan sát những ngón tay gầy guộc cáu ghét của nó cố đi những nét thành hình một chữ cái, tôi thấy cô Mus sững người lại. Thật chậm nhưng chắc chắn, nó gạch một nét ngang trên chữ t và dấu chấm trên đầu chữ i trong tên của mình để hoàn thành tờ đơn – theo lối chữ thảo cơ đấy!

Họ và tên học sinh:…Lintang Samudera Basara…

Họ và tên cha mẹ:…Syhbani Maulana Basara…

Chúng tôi chỉ có thể trố mắt ra nhìn nó – Lintang viết được rồi, và nó còn viết tốt nữa là đằng khác! Cô Mus cũng ngạc nhiên không kém, cô cứ nhìn trân trân vào Lintang như thể nó là một viên ngọc trai sáng lóa trong một con trai miệng đang hé mở. Một lát sau, cô thốt lên giọng gần như thầm thì, “Subhanallah, trời đất ơi, Lintang, tạ ơn đấng Allah, tạ ơn đấng Allah…”

Lintang đã điền xong tờ đơn, và nở một nụ cười nhẹ nhõm, nó trao lại cho cô Mus. Ngày hôm đó chúng tôi thậm chí đi học chưa được tròn một tháng, nhưng Lintang đã có thể hoàn thành được lời hứa đầu tiên của nó – bảo vệ danh dự cho cha mình.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ