Anne Tóc Đỏ Dưới Chái Nhà Xanh - Chương 33: Buổi Hòa Nhạc Ở Khách Sạn

Kiểu gì thì cũng phải mặc cái váy bằng vải phin trắng của cậu nhé, Anne,” Diana khuyên với vẻ dứt khoát.

Chúng đang cùng ở trong căn phòng chái Đông; ngoài trời mới chập choạng tối – cái chập choạng xanh vàng đáng yêu với bầu trời trong xanh không một gợn mây. Một vầng trăng tròn to, đang dần dần chuyển từ màu vàng nhạt sang ánh bạc lấp lánh, lơ lửng trên rừng Ma Ám; không khí tràn ngập những âm thanh mùa hè ngọt ngào – tiếng chim lích chích, gió vi vu, tiếng nói cười xa xa. Nhưng trong phòng Anne rèm đã kéo và đèn đã thắp, vì một cuộc trang điểm quan trọng đang diễn ra.

Chái Đông đã khác nhiều so với cái đêm bốn năm trước, khi Anne cảm nhận sự trống trải của nó len lỏi vào tận xương tủy mang theo cái giá lạnh không hề hiếu khách. Những thay đổi, mà bà Marilla buộc lòng phải nhắm mắt làm ngơ, đã xâm nhập từng bước một cho đến khi căn phòng biến thành một cái tổ xinh xắn đáng yêu mà bất cứ cô thiếu nữ nào cũng khao khát.

Tấm thảm nhung in hình hoa hồng và rèm lụa hồng trong tưởng tượng ngày nào của Anne không bao giờ được thành hiện thực; nhưng những giấc mơ của Anne vẫn sánh bước cùng sự trưởng thành của cô bé và nó chẳng có lí do gì để than van về chúng. Sàn được trải thảm dễ thương, rèm vải muslin màu xanh nhạt đầy nghệ thuật bay bay theo cơn gió lang bạt, mang vẻ mềm mại đến cho khung cửa sổ cao. Tường không treo thảm thêu kim tuyến vàng và bạc mà dán giấy in hoa táo thanh nhã, được tô điểm bằng mấy bức tranh đẹp do cô Allan tặng Anne. Bức tranh của cô Stacy ngự trên một vị trí danh dự và xuất phát từ tình cảm của mình, Anne cảm thấy lúc nào cũng phải có hoa tươi trên cái kệ đặt phía dưới. Tối nay, một cành ly trắng thoang thoảng tỏa hương khắp phòng giống như trong giấc mơ về hương thơm đó. Không có “nội thất bằng gỗ gụ” nhưng có một kệ sách sơn trắng chật ních sách, một ghế bập bênh phủ nệm đan bằng liễu gai, một bàn trang điểm phủ vải muslin trắng, một chiếc gương từng được treo ở phòng ngủ dành cho khách trông hơi cổ kính có khung mạ vàng, trên đỉnh gương hình vòng cung là các hình thần Cupid mập mạp màu hồng và những chùm nho tím, và một chiếc giường trắng thấp.

Anne đang thay quần áo để dự buổi hòa nhạc ở khách sạn White Sands. Khách trọ ở khách sạn tổ chức buổi hòa nhạc này nhằm giúp đỡ bệnh viện Charlottetown và đã săn lùng mọi tài năng nghiệp dư ở các quận xung quanh để mời đến góp sức. Bertha Sampson và Pearl Clay từ dàn đồng ca của nhà thờ Baptist White Sands được mời song ca một bài; Milton Clark từ Newbridge độc tấu violin; Winnie Adella Blair từ Carmody hát một bài ballad Scotland còn Laura Spencer từ Spencervale và Anne Shirley từ Avonlea sẽ ngâm thơ

Như Anne từng nói, đây là “một kỉ nguyên trong đời con bé” và nó rùng mình dễ chịu với niềm phấn khích này. Ông Matthew vui sướng vô ngần bởi niềm kiêu hãnh được thỏa mãn trước vinh dự lớn lao mà Anne của ông được ban tặng và bà Marilla cũng vui không kém, mặc dù bà thà chết chứ không chịu thừa nhận điều này, bà còn nói việc một đám thanh niên tụ tập trong khách sạn mà không người có trách nhiệm nào đi kèm thì chẳng có gì đúng đắn.

Anne cùng Diana đi nhờ trong chiếc xe ngựa hai chỗ của hai anh em Billy và Jane Andrews; một số thanh thiếu niên Avonlea khác cũng sẽ đi. Có một buổi tiệc dành cho khách khứa ngoài thị trấn và sau buổi hòa nhạc sẽ có bữa tối cho các diễn viên.

“Cậu có nghĩ cái váy bằng vải phin đẹp nhất thật không?” Anne lo lắng hỏi. “Mình không nghĩ nó đẹp bằng bộ muslin hoa xanh – và nó chắc hẳn không thời trang lắm.”

“Nhưng nó hợp với cậu hơn nhiều,” Diana nói. “Nó rất mềm, có diềm xếp nếp và bó sát nữa. Cái bằng muslin hơi cứng và làm cậu có vẻ chải chuốt quá. Nhưng bộ bằng vải phin cứ như được dành riêng cho cậu vậy.”

Anne thở dài đầu hàng. Diana đang ngày càng nổi tiếng về khiếu ăn mặc của mình, và rất nhiều người muốn nhận được lời khuyên của con bé về những vấn đề thế này. Trong buổi tối đặc biệt này trông con bé vô cùng xinh xắn trong chiếc váy màu hoa hồng dại đáng yêu, một thứ mà Anne bị cấm vĩnh viễn; nhưng Diana không tham gia vào buổi hòa nhạc nên sự hiện diện của nó không mấy quan trọng. Toàn bộ công sức của con bé đều được dành cho Anne, người mà, nó long trọng tuyên bố rằng vì danh dự của Avonlea nên phải ăn mặc, chải tóc và trang điểm theo thị hiếu của Nữ hoàng.

“Kéo cái diềm xếp ra một chút nữa – đúng thế, đây, để mình thắt dây lưng cho; còn giờ là giày bệt. Mình sẽ tết tóc cậu thành hai búi dày, buộc lưng chừng bằng hai cái nơ trắng to, không, đừng thả mỗi một lọn tóc quăn trước trán – chỉ để phủ lơ thơ thôi. Kiểu tóc của cậu chẳng hợp gì cả, Anne, cô Allan nói cậu trông cứ như Đức Mẹ khi rẽ tóc như thế. Mình sẽ cài bông hồng trắng nhỏ nhắn này ngay dưới tai cậu. Đây là bông duy nhất trong bụi hồng nhà mình đấy, và mình để dành nó cho cậu.”

“Mình có thể đeo chuỗi hạt ngọc trai không?” Anne hỏi. “Tuần trước bác Matthew mua cho mình một chuỗi hạt trên phố, mình biết bác thích mình đeo nó.”

Diana cong môi lên, nghiêng mái đầu đen nhánh sang một bên đánh giá rồi cuối cùng tuyên bố thích chuỗi hạt và đeo nó lên chiếc cổ mảnh mai trắng như sữa của Anne.

“Cậu có nét gì đó rất thanh lịch, Anne,” Diana nói với vẻ ngưỡng mộ không gợn chút ghen tị. “Cậu ngẩng đầu với cái phong thái đó. Mình nghĩ đó là dáng vẻ của cậu. Mình thì cứ lùn tịt. Mình lúc nào cũng sợ chuyện đó, và bây giờ mình biết chuyện đó đúng rồi. À, mình nghĩ mình đành cam chịu thôi.”

“Nhưng cậu có những lúm đồng tiền như thế kia mà,” Anne nói, mỉm cười trìu mến với gương mặt xinh đẹp lanh lợi bên cạnh mình. “Những lúm đồng tiền đáng yêu như những chỗ lõm nhỏ trên lớp kem. Mình từ bỏ mọi hi vọng về lúm đồng tiền rồi. Giấc mơ lúm đồng tiền của mình sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng đã có quá nhiều giấc mơ của mình thành hiện thực rồi nên mình chẳng thể than phiền gì nữa. Giờ mình đã sẵn sàng chưa?”

“Sẵn sàng rồi,” Diana trấn an khi bà Marilla xuất hiện trên ngưỡng cửa, một hình dáng gầy gò với mái tóc dày sợi hoa râm hơn xưa và góc cạnh không hề ít hơn, nhưng khuôn mặt dịu dàng hơn nhiều. “Đến ngắm chuyên gia diễn thuyết của bác cháu mình xem này, bác Marilla. Bạn ấy trông đáng yêu không kìa?”

Bà Marilla phát ra một âm thanh nửa khịt mũi nửa càu nhàu.

“Con bé nhìn gọn gàng và đứng đắn. Ta thích cách để tóc đó. Nhưng ta e con bé sẽ phá hỏng cái váy khi đi trong bụi và sương thế này, nó có vẻ quá mỏng manh cho những buổi tối ẩm ướt thế này. Dù sao vải phin cũng là thứ vải kém tiện dụng nhất trên đời, ta đã nói với Matthew như vậy khi anh ấy mua nó. Nhưng thời buổi này nói gì với Matthew cũng vô ích thôi. Đã qua cái thời anh ấy nghe theo lời khuyên của ta rồi, giờ thì anh ấy cứ thế mà mua cho Anne chẳng thèm cân nhắc gì cả, và đám con buôn ở Carmody biết thừa họ có thể nhét bất cứ thứ gì vào tay anh ấy. Chỉ cần nói với anh ấy là món đó đẹp lắm, thời trang lắm, vậy là Matthew vung tiền mua liền. Cẩn thận đừng để váy vướng vào bánh xe, Anne, mặc áo ấm nữa.”

Rồi bà Marilla bước xuống nhà, hãnh diện nghĩ Anne trông dễ thương đến mức nào với ánh trăng tỏa rạng từ trán tới đỉnh đầu và nuối tiếc vì không thể đích thân đến buổi hòa nhạc nghe cô gái của mình ngâm thơ.

“Không biết trời có quá ẩm ướt đối với cái váy không?” Anne lo lắng hỏi.

“Không hề,” Diana nói, kéo rèm cửa lên. “Đây là một buổi tối hoàn hảo, sẽ chẳng sương siếc gì đâu. Nhìn ánh trăng kìa.”

“Mình rất mừng là cửa sổ phòng mình quay hướng đông về phía mặt trời mọc,” Anne nói, đi đến chỗ Diana. “Thật tuyệt biết bao khi được nhìn bình minh ló dạng qua những ngọn đồi trải dài đó và tỏa sáng qua những ngọn linh sam nhọn. Mỗi buổi sáng đều mới mẻ và mình cảm thấy như được gột sạch tâm hồn trong nắng sớm mai. Ôi, Diana, mình yêu căn phòng nhỏ bé này quá. Mình không biết làm sao có thể chịu được nếu không có nó khi xuống thị trấn tháng tới.”

“Tối nay đừng nhắc đến chuyện cậu ra đi,” Diana năn nỉ. “Mình không muốn nghĩ tới nó, nó làm mình đau khổ mà tối nay mình lại muốn được vui vẻ. Cậu sẽ ngâm bài gì, Anne? Cậu có hồi hộp không?”

“Không chút nào. Mình ngâm thơ trước đông người thường xuyên quá nên giờ không còn cảm giác đó nữa. Mình quyết định sẽ ngâm ‘Lời thề thiếu nữ’. Nó cảm động quá. Laura Spencer sẽ ngâm một bài thơ hài, nhưng mình muốn làm mọi người khóc hơn cười.”

“Vậy cậu sẽ ngâm gì nếu người ta mời cậu trình diễn thêm một lần nữa?”

“Họ sẽ không mơ tưởng tới chuyện mời mình diễn lại đâu,” Anne đùa, mặc dù không phải không có chút hi vọng thầm kín về điều đó và đã vẽ sẵn ra viễn cảnh sẽ kể lại toàn bộ chuyện đó cho ông Matthew nghe ở bàn ăn sáng mai. “Billy và Jane tới rồi kìa – mình nghe tiếng bánh xe. Đi nào.”

Billy Andrews cứ nài Anne lên ngồi ghế trước với anh ta, nên con bé miễn cưỡng nghe theo. Nó thích ngồi sau ngồi sau với lũ con gái hơn nhiều để có thể cười đùa tán chuyện thoải mái. Không có nhiều thứ để cười đùa hay tán chuyện với Billy. Anh ta là một chàng trai chừng hai mươi tuổi, mập mạp, lù đù với gương mặt tròn ngây ngây và có khả năng nói chuyện kém cỏi đến đau lòng. Nhưng anh ta ngưỡng mộ Anne cực độ, và vênh váo tự hào trước viễn cảnh đánh xe đến White Sands với dáng hình mảnh mai, ngồi thẳng lưng đó bên cạnh mình.

Anne vẫn xoay xở để tận hưởng chuyến đi bất chấp mọi chuyện, cho dù cứ phải nói vọng lại phía sau mãi với mấy đứa con gái và thình thoảng nói vài câu cho phải phép với Billy – người cứ nhăn nhăn nhở nhở, cười khúc khích và không bao giờ nghĩ ra được câu trả lời nào mãi đến khi quá trễ. Đó là đêm dành cho sự thích thú. Đường phố đông nghịt xe ngựa, tất cả đều hướng tới khách sạn, tiếng cười trong như bạc vang vọng khắp nơi. Khi họ tới khách sạn thì nơi này là một luồng sáng rực rỡ khắp từ chân lên đến đỉnh. Họ được mấy người phụ nữ trong ủy ban hòa nhạc đón tiếp, một người trong số đó dẫn Anne tới phòng trang điểm của diễn viên lúc này đã chật ních các thành viên của Câu lạc bộ Nhạc giao hưởng Charlottetown mà ở giữa những người đó, Anne đột nhiên cảm thấy ngượng ngùng, sợ hãi và quê mùa. Bộ váy của con bé lúc ở chái Đông trông đẹp đẽ xinh xắn đến vậy giờ lại thật đơn giản xuềnh xoàng – quá đơn giản xuềnh xoàng, con bé nghĩ, giữa tất cả những lụa là, đăng ten lấp lánh sột soạt xung quanh. Làm sao chuỗi hạt ngọc trai của con bé so được với những viên kim cương của quý bà đẫy đà, xinh đẹp bên cạnh? Và bông hồng trắng nhỏ xíu của nó trông tội nghiệp làm sao bên cạnh những bông hoa nhà kính mà những người khác cài! Anne cởi mũ và áo khoác ra, khổ sở lui vào một góc. Nó ước chi mình được trở lại căn phòng trắng ở Chái Nhà Xanh.

Mọi thứ còn tệ hơn nữa trên bục hòa nhạc trong hội trường khách sạn rộng rãi, nơi con bé đang đứng. Ánh điện làm chói mắt nó, mùi nước hoa và tiếng nói chuyện làm nó hoang mang. Con bé chỉ mong sao mình đang đứng lẫn trong đám khán giả dưới kia cùng Diana và Jane, hai đứa dường như đang có khoảng thời gian hay ho. Con bé bị lèn giữa một quý bà đẫy đà mặc váy lụa hồng và một con bé dáng cao vẻ khinh khỉnh mặc váy trắng viền đăng ten. Quý bà đẫy đà thỉnh thoảng quay thẳng đầu lại quan sát Anne qua đôi mắt kính cho đến khi con bé, nhạy cảm sâu sắc với việc bị săm soi như vậy, cảm thấy mình phải hét lớn lên; còn cô nàng váy trắng diềm đăng ten thì cứ toang toác với người bên cạnh về những “đứa nhà quê” và “hoa khôi nông thôn” trong số khán giả, uể oải đoán trước “sự khôi hài” từ những màn trình diễn của các tài năng địa phương trong chương trình. Anne tin rằng mình sẽ ghét con bé mặc váy trắng diềm này cho đến hết đời.

Không may cho Anne, một nhà diễn thuyết chuyên nghiệp đang trọ ở khách sạn và đồng ý lên ngâm thơ. Bà là một phụ nữ mắt đen yểu điệu, mặc chiếc váy len xám lung linh tuyệt đẹp như được dệt từ ánh trăng, đá quý đeo trên cổ và đính trên mái tóc đen nhánh. Bà có giọng nói uyển chuyển tuyệt dịu cùng sức mạnh biểu cảm tuyệt vời; khán giả phát điên với phần trình diễn của bà. Anne, trong khoảng khắc quên cả bản thân lẫn những rắc rối của mình, lắng nghe với ánh mắt lấp lánh niềm vui; nhưng khi màn ngâm thơ kết thúc con bé đột nhiên đưa tay lên che mặt. Nó không thể lên ngâm thơ sau màn trình diễn đó – không bao giờ? Nó từng nghĩ mình có thể ngâm thơ sao? Ôi, giá như nó được trở lại Chái Nhà Xanh!

Ngay thời điểm không thích hợp này, tên con bé được xướng lên. Không hiểu bằng cách nào, Anne – không để ý đến cái giật mình ngạc nhiên có phần tội lỗi của đứa con gái váy trắng diềm đăng ten, và cũng không hiểu được sự ngợi khen kín đáo ngầm ẩn trong đó, nếu cô nàng đó có ý như vậy thật – cũng đứng được lên rồi choáng váng bước về phía trước. Con bé nhợt nhạt đến nỗi Diana và Jane, ở dưới khu vực khán giả, nắm chặt tay nhau trong sự đồng cảm bồn chồn.

Anne là nạn nhân của một cơn choáng ngợp vì sợ hãi sân khấu. Dù hay ngâm thơ trước đông người nhưng con bé chưa từng đối mặt với khán giả nào tầm cỡ thế này nên khung cảnh đó làm tê liệt hoàn toàn năng lượng của nó. Mọi thứ đều quá lạ lẫm, quá rực rỡ và quá choáng váng – những hàng phụ nữ mặc váy dạ tiệc, những gương mặt khó đăm đăm, toàn bộ bầu không khí giàu có và kiểu cách quanh con bé. Rất khác so với những hàng ghế đơn sơ ở câu lạc bộ hùng biện, nơi đông đúc những gương mặt thân thiện đáng mến của bạn bè và hàng xóm. Những người này, con bé nghĩ, sẽ là những nhà phê bình tàn nhẫn. Có lẽ, giống như đứa con gái váy trắng diềm, họ trông chờ một trò giải trí từ những nỗ lực “quê mùa” của con bé. Anne cảm thấy xấu hổ và khổ sở một cách tuyệt vọng, vô phương cứu chữa. Đầu gối nó run lên bần bật, tim đập loạn lên vì kích động, một cơn choáng váng khủng khiếp trùm lên người nó; con bé không thốt nổi lời nào và suýt nữa đã lao ra khỏi sân khấu bất chấp sự nhục nhã mà nó cảm thấy sẽ đeo đẳng cả đời nếu nó làm vậy.

Nhưng đột nhiên, khi cặp mắt mở to sợ hãi của nó quét quanh khán giả, nó thấy Gilbert Blythe ở cuối phòng, đang cúi người về trước với nụ cười trên mặt – một nụ cười mà Anne cảm giác sặc mùi châm chọc và đắc thắng. Thật nó không hề có màu sắc đó. Gilbert chỉ thuần túy cười vì hài lòng với toàn bộ buổi diễn nói chung và vì tác động của dáng hình mảnh mai màu trắng và khuôn mặt thần thánh của Anne nổi bật trên phông nền hình cây cọ nói riêng. Josie Pye, người cậu ta đưa tới, ngồi kế bên, và gương mặt nó thì đích thực toát lên vẻ vừa đắc thắng vừa châm chọc. Nhưng Anne không nhìn thấy Josie và cho dù có thấy thì cũng chẳng quan tâm. Con bé hít một hơi dài, hất đầu kiêu hãnh, lòng can đảm và sự quyết tâm đang rộn lên khắp người nó như cơn sốc điện. Nó sẽ không thất bại trước mặt Gilbert Blythe – cậu ta sẽ không bao giờ có thể cười nó, không bao giờ, không bao giờ! Nỗi sợ hãi và lo lắng của con bé biến mất; nó bắt đầu ngâm thơ, giọng trong trẻo ngọt ngào vọng đến tận góc xa nhất của căn phòng, không hề run rẩy và không lúc nào đứt khoảng. Sự tự chủ của con bé đã được khôi phục hoàn toàn, và để đáp trả giây phút bất lực kinh hoàng kia, con bé ngâm thơ như chưa bao giờ ngâm như thế. Khi con bé kết thúc, những tràng pháo tay chân thành bùng nổ. Anne đang bước về chỗ, mặt đỏ bừng vì thẹn thùng và vui sướng, thì quý bà đẫy đà váy lụa hồng nắm chặt tay nó mà lắc lấy lắc để.

“Cưng ơi, con thật tuyệt,” bà hổn hển. “Ta đã khóc như một đứa trẻ, thật vậy đấy. Kìa, họ đang yêu cầu con diễn lại kìa… họ muốn con trở lại!”

“Ôi, con không đi được đâu,” Anne bối rối nói. “Nhưng… con phải quay lại thôi, nếu không bác Matthew sẽ thất vọng. Bác ấy nói họ sẽ yêu cầu con diễn lại.”

“Vậy thì đừng làm Matthew thất vọng,” người phụ nữ váy hồng vừa cười vừa nói.

Miệng mỉm cười, má ửng hồng, mắt trong veo, Anne bước trở lại ngâm một bài thơ ngắn ngộ nghĩnh, và còn chiếm được tình cảm của khán giả nhiều hơn nữa. Phần còn lại của buổi tối thật là một chiến thắng nhỏ cho con bé.

Khi buổi hòa nhạc kết thúc, người phụ nữ đẫy đà váy hồng – vốn là vợ của một triệu phú Mĩ – dẫn nó đi giới thiệu với mọi người; và ai cũng tử tế với con bé. Nhà diễn thuyết chuyên nghiệp, bà Evans, tới trò chuyện với con bé và bảo nó có giọng nói truyền cảm và “thể hiện” phần trình diễn của mình rất hay. Ngay cả con bé váy trắng diềm đăng ten cũng thoáng tỏ thái độ khen ngợi Anne. Họ dùng bữa tối trong phòng ăn rộng trang trí đẹp đẽ, Diana và Jane cũng được mời vì chúng đi cùng Anne, nhưng Billy thì trốn mất tăm mất dạng vì sợ chết khiếp trước lời mời đó. Tuy nhiên, cậu ta cùng cỗ xe đã đợi sẵn chúng khi mọi chuyện xong xuôi, và ba cô gái vui vẻ bước ra ngoài trời, hòa mình vào ánh trăng sáng trắng, bình yên. Anne thở sâu, ngước mắt lên bầu trời trong vắt đằng sau những rặng linh sam tối sẫm.

Ôi, thật tuyệt vời khi lại được ở ngoài trời giữa sự trong lành và yên tĩnh của buổi tối! Mọi thứ mới hay ho, tĩnh mịch, và tuyệt vời làm sao, với tiếng biển thì thầm xuyên qua không trung và những vách đá tối sẫm ngoài xa trông như những gã khổng lồ dữ tợn đang canh giữ bờ biển bị yểm bùa.

“Đây chẳng phải một khoảng thời gian vô cùng tuyệt diệu sao?” Jane thở dài khi cả nhóm đang trên đường về nhà. “Ước gì mình là một người Mĩ giàu có để có thể nghỉ hè ở khách sạn, đeo nữ trang, mặc váy cổ trễ, ăn kem và salad gà mỗi ngày tốt lành. Mình chắc chắn nó sẽ vui hơn dạy học nhiều. Anne, phần trình diễn của cậu quá tuyệt vời, mặc dù lúc đầu mình đã tưởng cậu sẽ không bao giờ bắt đẩu. Mình nghĩ nó còn hay hơn phần trình diễn của bà Evans nữa.”

“Ôi, không, đừng nói vậy, Jane,” Anne vội nói, “vì nghe ngốc nghếch lắm. Nó không thể hay hơn của bà Evans được, cậu biết đó, vì bà ấy là người chuyên nghiệp còn mình chỉ là một nữ sinh tập tành kể chuyện thôi. Chỉ cần mọi người hơi thích phần kể chuyện của mình là mình đã rất hài lòng rồi.”

“Mình biết một lời khen dành cho cậu, Anne,” Diana nói. “Ít ra mình nghĩ nó hẳn là một lời khen vì giọng ông ta lúc nói câu đó. Dù sao thì cũng có một phần. Có một người Mĩ ngồi ngay sau mình và Jane – chính là người đàn ông trông rất lãng mạn, mắt đen láy và tóc đen như mun đó. Josie Pye nói ông ta là một nghệ sĩ có hạng, và rằng một người họ hàng bên đằng ngoại của cậu ta ở Boston cưới một người từng học chung trường với ông ta. Vậy đấy, chúng mình nghe ông ấy nói – phải không, Jane” – ‘Cô gái đứng trên sân khấu với mái tóc Titian rực rỡ đó là ai vậy? Cô ấy có gương mặt tôi muốn vẽ.’ Vậy đó, Anne. Nhưng tóc Titian nghĩa là gì vậy?”

“Mình đoán nó có nghĩa là tóc đỏ,” Anne bật cười. “Titian là một nghệ sĩ rất nổi tiếng, thích vẽ phụ nữ tóc đỏ.”

“Cậu có thấy tất cả mớ kim cương những quý bà đó đeo không?” Jane thở dài “Chúng đến là lấp lánh. Các cậu không muốn giàu có sao?”

“Chúng ta giàu có đấy chứ,” Anne nói giọng chắc chắn. “Sao nào, chúng ta có mười sáu năm tận hưởng, chúng ta vui vẻ như những bà hoàng và chúng ta ít nhiều đều có trí tưởng tượng. Nhìn mặt biển đằng kia xem, các cậu – tất thảy ánh bạc, bóng tối và hình ảnh tưởng tượng về những thứ mắt thường không nhìn thấy. Chúng ta chẳng thể tận hưởng sự đáng yêu của chúng nữa nếu chúng ta có cả triệu đô la và hàng chuỗi kim cương. Cậu sẽ không đổi chỗ cho bất kì phụ nữ nào trong số đó dù cậu có thể. Cậu có muốn trờ thành con bé váy đăng ten trắng đó và cả đời đeo bộ mặt cáu kỉnh cứ như sinh ra để hếch mũi lên với đời? Hay là quý bà váy hồng, dù tử tế và dễ chịu nhưng mập lùn đến nỗi không nhận ra được dáng vóc gì cả? Hay ngay cả bà Evans, với ánh mắt u sầu đến thế? Bà ấy hẳn từng trải qua những chuyện bất hạnh khủng khiếp nên mới có ánh mắt đó. Bạn biết bạn sẽ không đổi, Jane Andrews!”

“Mình không biết… chính xác,” Jane ngập ngừng nói. “Mình nghĩ kim cương có thể an ủi người ta rất nhiều.”

“Thế đấy, mình không muốn làm bất cứ ai ngoài chính mình, cho dù suốt cả đời mình không được an ủi bằng kim cương,” Anne tuyên bố. “Mình rất hài lòng khi là Anne của Chái Nhà Xanh, với chuỗi hạt ngọt trai của mình. Mình biết bác Matthew đã tặng nó cho mình kèm theo một tình yêu thương sâu sắc mà đám trang sức của Quý Bà Váy Hồng đó không bao giờ có được.”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ