Bạn Đắt Giá Bao Nhiêu? - Chương 32: Rốt cuộc việc khéo ăn nói quan trọng tới mức nào?

Tôi có một cô bạn học chung suốt mười mấy năm, tạm gọi cô ấy là F đi. F có nhân phẩm cực tốt, tâm địa lương thiện, chân thành trượng nghĩa với bạn bè, bình thường cũng rất hay giúp đỡ người khác, nhưng cô ấy có một khuyết điểm chí mạng: Không khéo ăn nói.

 

Lúc đi học trung học xa nhà, tôi bất cẩn bị trộm mất năm trăm tệ, đây là tiền sinh hoạt hơn một tháng của tôi, thời đó không thuận tiện như bây giờ là chỉ cần chuyển khoản một phút sẽ nhận được tiền ngay. Khi ấy tôi còn không có thẻ ngân hàng, nhanh nhất cũng phải hai ngày cha mẹ mới gửi được tiền cho tôi.

 

Tôi nói với F bằng vẻ tội nghiệp:

 

“Bạn thân yêu ơi, tớ gặp nạn rồi, mấy ngày này tớ phải nhờ cậy vào cậu.”

 

F tức giận lườm tôi:

 

“Đáng đời cậu, ai bảo cậu bất cẩn như thế, tớ còn thấy cậu bị trộm vậy là ít đấy, bị trộm thêm vài lần cậu mới nhớ được.”

 

Lúc đó tôi phiền muộn vô cùng, thời ấy năm trăm tệ với tôi là một khoản tiền cực lớn, lòng tôi đang đau tới rỉ máu, rất hi vọng cô ấy có thể an ủi tôi, nhưng F không những không an ủi mà còn xát muối lên vết thương của tôi.

 

Trong lúc tôi đang nằm trên bàn mà than thở, F bèn đưa cho tôi một bát mì hải sản, nói:

 

“Có tớ ở đây, cậu không chết đói được đâu, mau ăn đi!”

 

Và thế là tôi vừa băn khoăn vừa cảm kích ăn bát mì hải sản kia, nói thực bình thường chính F cũng không dám ăn món ấy đâu.

 

Trong những năm đi làm, có lần tôi theo lãnh đạo ra ngoài làm việc, tình cờ F ở cửa ngân hàng, tôi vội giới thiệu cho cô ấy đây là lãnh đạo của tôi, hi vọng cô ấy có thể giữ thể diện cho tôi, nhưng F chẳng hề do dự mà nói với lãnh đạo tôi:

 

“Ôi chao, lãnh đạo ạ, tôi rất đồng cảm với anh, lại đi tuyển Tình Tình nhà tôi vào làm việc, cậu ấy vừa cẩu thả vừa nhõng nhẽo, lại còn xấu tính nữa, sao lại tuyển cậu ấy vào làm thế?

 

Lãnh đạo bèn dùng ánh mắt hỏi dò tôi, ý nói:

 

“Đây là kẻ thù của em à?”

 

Tôi chỉ muốn đào lỗ mà chui vào, vội nói với lãnh đạo:

 

“Đúng vậy, bạn trai cậu ấy thay lòng đổi dạ chuyển sang yêu em, nên cậu ấy mới hận em như vậy.”

 

Sau đó nhân lúc F chưa kịp phản ứng, tôi vội đưa lãnh đạo rời khỏi hiện trường.

 

Những sự việc tương tự như thế diễn ra rất nhiều lần trong suốt mười mấy năm qua, nhiều lúc bực quá tôi cũng nghĩ: Sau này không chơi với cô ấy nữa, suốt ngày bị cô ấy làm cho khó xử, đúng là như tra tấn!

 

Nhưng khi cuốn sách đầu tiên của tôi xuất bản, F lập tức mua hai mươi cuốn tặng cho bạn bè người thân:

 

“Mọi người cùng ủng hộ nhé, có rảnh thì mua ủng hộ mấy cuốn.”

 

Thời điểm ấy, cô ấy vừa vay tiền mua nhà, mẹ lại mắc bệnh nặng, kinh tế rất túng thiếu, dù chỉ mua một quyển thì tôi cũng sẽ ghi nhận tình cảm của cô ấy. Còn có lần, tôi bất cẩn lạc đường, lại không bắt được taxi, F bèn lặn lội suốt hơn một tiếng để tới đón tôi. Bởi vậy cô ấy chính là một người khiến tôi vừa yêu vừa hận, không bao giờ giữ thể diện cho tôi, nhưng lại thật lòng đối tốt với tôi.

 

Tôi từng ảo tưởng vô số lần rằng, nếu F khéo ăn nói một chút thì cô ấy sẽ hoàn mỹ biết bao, quả thực là một người ai gặp cũng phải quý. Tôi cũng từng chân thành nhắc nhở cô ấy nên thay đổi cách thức nói chuyện, nhưng thường bị cô ấy mắng lại:

 

“Từ bé bà đây đã như thế rồi, sao hả, bây giờ đại tiểu thư ngày càng khó chiều, không chịu được nữa à? Không chịu được thì tuyệt giao đi!”

 

Đúng là rất nhiều lần tôi giận tới mức muốn tuyệt giao, nhưng nghĩ tới việc cô ấy từng đối xử rất tốt với tôi, tôi lại không ngừng thuyết phục bản thân:

 

“Ai cũng có khuyết điểm, bản thân mình cũng có khuyết điểm, F chỉ không khéo ăn nói mà thôi, dù sao cũng hơn những kẻ miệng nam mô bụng bồ dao găm, đúng không?”

 

Thế là chúng tôi qua lại suốt mười mấy năm, dưới tác động của cô ấy, sức chịu đựng của tôi ngày một tăng cao.

 

Hồi đi học, khuyết điểm này của F cũng không mang lại quá nhiều phiền phức cho cô ấy, cùng lắm là cô ấy có ít bạn mà thôi. Nhưng khi đi làm, vấn đề bắt đầu lộ rõ.

 

F làm việc rất chăm chỉ, nhưng vì không khéo ăn nói nên thường xuyên đắc tội đồng nghiệp, ở công ty cô ấy gần như không có bạn bè. Nhưng mấy năm trôi qua, cô ấy cũng được thăng cấp thành một quản lý nhỏ. Sau đó trong bộ phận có một nhân viên mới vừa ra trường được phân thành cấp dưới của F, cô bé đó vừa khéo nói vừa giỏi làm, được mọi người trong bộ phận hết sức quý mến, đến F cũng rất quý cô bé ấy, đích thân chỉ dạy nhiều điều.

 

Một năm sau,trong bộ phận có trống vị trí chủ nhiệm, F nghĩ mình là người có tư cách nhất, nhưng không ngờ từ lãnh đạo tới đồng nghiệp, ai nấy đều bỏ qua cô ấy mà ủng hộ cô bé kia ngồi vào vị trí đó.

 

F rất buồn phiền, cô ấy than thở với tôi mọi chuyện không như ý ở chốn văn phòng, chua xót nói với tôi:

 

“Tớ thiệt thòi ở khoản không khéo ăn nói, nếu không vị trí chủ nhiệm chắc chắn là của tớ. Cô ta hơn tớ ở điểm nào chứ? Chẳng qua là dẻo miệng hơn, giỏi nịnh bợ lãnh đạo hơn tớ thôi.”

 

Lần đầu tiên tôi nghiêm túc nói với cô ấy chuyện này:

 

“Thật lòng mà nói, cậu thấy cô bé ấy chỉ biết nịnh bợ mà không có năng lực gì sao?”

 

F miễn cưỡng đáp:

 

“Năng lực thì cũng có, nhưng tớ cũng đâu kém cô ta.”

 

“Nếu hai người có năng lực sàn sàn mà người ta lại khéo ăn nói hơn, được mọi người quý mến thì tại sao lãnh đạo không chọn cô ta mà lại chọn cậu? Nếu là cậu thì cậu có đề bạt một người thường khiến mình bực bội không?”

 

F phiền muộn một thời gian, rồi cũng dần chấp nhận sự thật này, thầm nghĩ dù sao mình cũng là người dẫn dắt cô bé kia, mình lại làm lâu năm hơn cô ta, có lẽ mình cũng sẽ không thiệt thòi nhiều. Nhưng F đã lầm, từ khi cô bé kia thành chủ nhiệm, thái độ với F kém xa lúc trước. Có lần F nghe thấy cô ta nói với người khác trong nhà vệ sinh:

 

” Đúng là chị ta đã dạy tớ vài thứ, nhưng một năm qua tớ nhẫn nhịn cũng rất cực khổ, nhiều lần tớ rất muốn cãi nhau với chị ta.”

 

Chuyện này khiến F khá sốc, nhưng việc khiến F thực sự cảm nhận được những thiệt thòi khi không khéo ăn nói, ấy là trong hôn nhân gia đình.

 

Chồng F có một anh trai sinh đôi, hai người kết hôn cùng năm nhưng mẹ chồng chỉ thích dâu cả, mà không thích F, theo lời F thì là:

 

“Mẹ anh ấy có chuyện tớ đều góp tiền góp công, chị ta chỉ biết nịnh nọt bà cụ, nhưng tớ làm nhiều như vậy mà bà cụ lại vờ như không thấy, gặp mặt chỉ ân cần hỏi han, trò chuyện với chị ta, chẳng để ý đến tớ.”

 

Tôi tin rằng F đã hi sinh rất nhiều cho mẹ chồng, nhưng tôi cũng hiểu tại sao mẹ chồng cô ấy lại quý dâu cả hơn, thử hỏi, có ai lại không thích trò chuyện với một người khéo ăn khéo nói?

 

Bên cạnh chúng ta luôn có nhiều ví dụ như vậy: Có người hi sinh rất nhiều nhưng lại không thể nhận lại lòng cảm kích và sự đền đáp tương xứng. Có người chỉ nói dăm ba câu mà đã được ngàn vạn yêu chiều, những người ở trường hợp đầu thấy rất khó hiểu: Sao bọn họ lại ngốc thế chứ, tôi chân thành như vậy mà bọn họ đều không nhận ra, cô ta chỉ nói vài lời xuôi tai mà bọn họ đã sung sướng vui vẻ rồi.

 

Thế nhưng hiện thực tàn khốc vậy đấy, trên thế giới này, người giỏi ăn nói sẽ luôn chiếm ưu thế.

 

Về sau F nói với tôi, cô ấy định đi học một khóa giao tiếp, học cách ứng xử của người khác. Tuy F tỉnh ngộ khá muộn nhưng cuối cùng cũng tỉnh ngộ rồi.

 

Có vài người luôn co rằng không khéo ăn nói là biểu hiện của sự thẳng thắn chính trực, khéo ăn nói là tiểu nhân dối trá,song thực ra đó chỉ là suy nghĩ của mình bạn mà thôi. Thức tế thì rất nhiều người khéo ăn nói đều không phải hạng tiểu nhân dối trá, bọn họ cũng thật lòng đối với bạn bè người thân, luôn cư xử với mọi người bằng sự đáng yêu và dễ mến của mình, cố gắng để mọi người tiếp xúc cùng họ đều vui vẻ và thoải mái.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ