Chiến binh cầu vồng - Chương 30: Lời Hứa Thứ Hai Của Lintang

Thế là chúng tôi đã có mặt ở đó, trong một căn phòng hình bán nguyệt huyên náo tại một tòa nhà mang phong cách art deco. Chúng tôi dúi cả vào một góc: Sahara, Lintang và tôi.

Lại một tình huống khiến thanh thế của chúng tôi như ngàn cân treo sợi tóc: giải Học sinh giỏi. Chúng tôi mất hết tinh thần sau khi trông thấy bọn học sinh trường nhà nước và trường PN mang theo những cuốn sách mà chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Bìa sách dày và bóng loáng. Hẳn là đắt tiền lắm.

Rủi ro ở đây còn cao hơn cái lần tham gia lễ hội hóa trang. Cuộc thi Học sinh giỏi là một đấu trường công khai để thể hiện sự thông minh, hay, nếu anh kém may mắn, sự ngu dốt không thể tưởng tượng của anh sẽ bị phơi ra trước bàn dân thiên hạ. Tôi, Sahara và Lintang sẽ chịu tất cả xui rủi đó. Chúng tôi là đội F trong cuộc tỉ thí này. Sẽ như thế nào nếu chúng tôi không thể trả lời câu hỏi mà trở về nhà với điểm 0 tròn trĩnh? Chắc là phải bẽ mặt lắm! À, vấn đề thua về sự tự tin nữa chứ. Đây là vấn đề cốt yếu cho những ai cố gắng giành phần thắng trong khi bản thân lại xuất phát từ những môi trường bị cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội.

Chúng tôi đã phải cùng cô Mus nỗ lực hết sức để chuẩn bị. Cô đặt cả hy vọng vào cuộc thi này, nhiều hơn cả dịp lễ hội hóa trang nữa. Cô đã sưu tập những bài toán mẫu và cần mẫn luyện tập cho chúng tôi từ sáng đến tối. Đối với cô, chiến thắng trong cuộc thi này là cách tốt nhất để thuyết phục ông Samadikun không khai tử trường chúng tôi.

Thật không may, dù cô Mus có cố gắng lên tinh thần cho chúng tôi đến thế nào đi nữa, cố khuyên nhủ thuyết phục và trấn an chúng tôi thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn cứ cảm thấy khiếp sợ. Những cuốn sách dày cộp bọc bìa bóng loáng trong tay bọn trường PN khiến cho tất cả bao nhiêu tuần học hành miệt mài và những ghi nhớ trong đầu bỗng chốc biến mất tăm. Chúng tôi chẳng nghĩ ra được điều gì cả.

Tôi cố mường tượng cảnh mình ngồi thiền giữa một cánh đồng cỏ xanh mướt ở một nơi bình yên nhất: Edensor. Bình thường thì tôi luôn bình tĩnh lại nhờ hình ảnh tưởng tượng đó. Nhưng lần này nó chẳng giúp được gì. Chúng tôi ngồi ở cái bàn lớn, đẹp làm bằng gỗ cây dái ngựa, sỡ vào mát lạnh cả tay. Căn phòng chật ních cổ động viên từ các trường đến. Ba chúng tôi ngồi co người lại. Cổ động viên áp đảo đương nhiên là của trường PN rồi. Có đến hàng trăm đứa và bọn nó mặc những chiếc sơ mi đặc biệt in trên lưng dòng chữ nghe rất kêu: Vidi, vici – Tôi đến, tôi trông thấy, tôi chinh phục. Câu nói đầy tham vọng của Julius Caesar. Thế cũng đủ để làm nhụt chí đối thủ rồi.

Thí sinh tham dự cuộc thi Học sinh giỏi được chọn từ những học sinh giỏi nhất theo những tiêu chuẩn rất khắt khe. Năm nay, bọn nó được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và khoa học hơn mọi năm nhờ một thầy giáo trẻ nổi tiếng thông minh. Thầy giáo tài giỏi này đã mô phỏng cuộc thi có đầy đủ mọi thứ giống như cuộc thi thật: chuông, ban giám khảo, đồng hồ tính giờ, và nhiều câu hỏi có thể được hỏi. Đó là một thầy giáo mới. Thầy đã từng làm việc tại phòng nghiên cứu và phát triển của một tổ chức đa quốc gia. Thầy được mời về dạy tại trường PN với mức lương ngất ngưởng và lời hứa hẹn được cấp học bổng để được học lên thạc sĩ và tiến sĩ. Thầy đã tốt nghiệp cum laude[2] khoa Toán và Khoa học Tự nhiên tại một trường đại học quốc gia danh tiếng. Năm nay, thầy được bầu chọn là giáo viên giỏi của tỉnh chúng tôi. Thầy dạy môn vật lý, và mọi người gọi thầy là Cử nhân Zulfikar. Gọi thế để cho biết thầy đã có bằng Cử nhân rồi.

[2] Hạng ưu

Dẫn đầu nhóm cổ động viên cho chúng tôi là Mahar và Flo. Chẳng có mấy đứa, nhưng tất thảy đều rất hăng hái. Tụi nó mang hai lá cờ trường Muhammadiyah và nhiều thứ khác thường thấy các fan hâm mộ bóng đá mang theo. Học sinh trường PN xem Flo là đứa phản bội nên đứa nào cũng găm vào nó những ánh nhìn hình viên đạn. Tuy nhiên, giống như Lintang, con nhỏ Flo cóc thèm để ý. Cho dù gần như chắc chắn bọn trường PN sẽ khiến cho chúng tôi bẽ mặt, con nhỏ Flo vẫn không suy chuyển, nó vẫn một lòng một dạ cổ vũ cho ngôi trường của nó, trường tiểu học Muhammadiyah.

Trong nhóm cổ vũ cho chúng tôi còn có thằng Trapani và mẹ nó. Hai mẹ con nắm tay nhau. Tôi trông thấy bọn con gái thì thào vào tai nhau, cười rúc rích trong lúc cứ mải đưa mắt nhìn thằng Trapani. Nó càng lớn càng đẹp trai. Cao, mảnh khảnh, nước da trắng sáng và mái tóc đen dày. Nó có đôi mắt giống như hai quả óc chó còn xanh: trầm tĩnh, dịu dàng và sâu thẳm.

Thực ra, thằng Trapani cũng được chọn vào đội thi đấu. Tổng số điểm của nó cao hơn của con nhỏ Sahara, nhưng điểm Địa lý lại thấp hơn. Cơ cấu thế mạnh của đội chúng tôi như sau: Lintang ôm trọn môn Toán, Khoa học tự nhiên và tiếng Anh; tôi khá giỏi về môn Giáo dục công dân, Lịch sử đạo Hồi, Luật Hồi giáo, tương đối ở môn tiếng Indonesia; hai đứa tôi yếu môn Địa lý, và chuyên gia trong lĩnh vực này không ai khác hơn là con nhỏ Sahara. Do vậy mà, vì lợi ích của đội nhà, thằng Trapani sẵn lòng nhường cho con nhỏ Sahara quyền có mặt trong đội. Nó là đứa đẹp cả người lẫn nết.

Cô Mus đánh giá cao sự nhường nhịn của Trapani và cho phép nó treo bất kỳ tấm ảnh nào nó thích lên lớp. Trapani chớp ngay cơ may ngọt ngào này và treo tấm ảnh cưới cũ của cha mẹ nó chụp tại hiệu ảnh Seruni Salo Manggar. Ấy là một tấm ảnh đen trắng tao nhã.

Cũng giống y như thế, có lẽ để giúp mình mạnh mẽ hơn, Lintang mang theo một tấm ảnh chụp cha mẹ nó đựng cạnh nhau khi họ vẫn còn là một cặp vợ chồng son. Cô dâu và chú rể, mẹ và cha Lintang, bị lèn vào giữa hai cái bình to tổ bố đầy hoa nhựa đủ màu sắc. Phông nền tấm ảnh là một bức tường giấy dán: một cánh đồng cỏ, một chiếc xe ô tô mui kín giữa một gia đình mặt mày hớn hở, và những cái cây gì đấy có lá đỏ nhìn rất lạ. Giống nơi nào đó ở châu Âu thì phải.

“Cố lên Ikal,” Trapani động viên tôi.

Lintang mở cái túi mây của nó ra, nhìn vào ảnh cưới cha mẹ, rồi nhét vào lại trong túi, và ngồi yên như cũ.

Tôi không thể ngừng quạt. Không phải vì nóng, mà do tim tôi đang đập loạn lên sợ hãi. Chưa một ngôi trường làng nào từng thắng giải này; ấy là một vinh dự đáng thèm muốn.

Mới tờ mờ sáng sau buổi cầu kinh subuh, một chiếc xe tải không mui đưa chúng tôi đến Tangjong Pandan. Lintang im lặng. Cha mẹ và cả hai đứa em gái cũng đi theo. Đây là lần đầu tiên cả nhà nó đi xa như thế.

Sahara ngồi giữa. Lintang và tôi ngồi hai bên. Lintang tới chồm người về phía trước trông có vẻ lờ phờ. Nó cảm thấy thua kém, nhụt chí và ngượng ngùng trong một môi trường hoàn toàn xa lạ thế này. Trông nó như hết hơi, giống một người mang toàn bộ gánh nặng bảo vệ thanh danh của chúng tôi vậy. Thỉnh thoảng nó đưa mắt nhìn xuống cha mẹ và hai đứa em gái quần áo cũ sờn đang ngồi túm tụm góc nhìn khung cảnh huyên náo xung quanh với ánh mắt bối rối, lúng túng.

“Cứ tự tin lên! Điều quan trọng là phải nghe thật chăm chú, nhấn nút thật nhanh và trả lời chính xác!” tôi nói để khích lệ Lintang và Sahara. Hình như bọn nó không để ý gì đến lời khích lệ của tôi.

Lintang và Sahara cứ ngồi ngẩn ra như thế. Tôi trông thấy những đứa đội khác đang bắt đầu thử những cái đằng truớc chúng. Sahara được phân công nhiệm vụ nhấn nút cho đội chúng tôi và đã tập luyện rất nhiều, ấy thế mà giờ nó còn chẳng thể nhấc ngón tay đến gần cái nút. Một nỗi sợ hãi xâm chiếm khiến nó như tê liệt cả người. Tiếng chuông phát ra từ những cái nút đó và tiếng micro khiến chúng tôi khiếp hãi. Chúng tôi chả chịu thử gì cả. Chúng tôi đã thua thậm chí trước cả khi trận đấu bắt đầu. Những cổ động viên cho đội trường Muhammadiyah đọc được sự sợ hãi nơi chúng tôi và họ cũng đâm lo ngay ngáy.

Bầu không khí càng trở nên căng thẳng khi trưởng ban giám khảo đứng lên tự giới thiệu và tuyên bố bắt đầu cuộc thi. Ngực tôi đập thình thịch, mặt con nhỏ Sahara tái mét, còn Lintang vẫn im như thóc.

Tôi không có dũng khí đối mặt với khán giả. Thậm chí cô Mus và thầy Harfan cũng không đủ dũng khí đối mặt với chúng tôi. Thầy Harfan cúi đầu. Có lẽ thầy đặt quá nhiều mong mỏi vào chúng tôi nên giờ thầy đâm ra thất vọng khi trông thấy chúng tôi xuống tinh thần thê thảm vậy. Cô Mus nhìn về phía đèn lớn treo giữa phòng, trông giống hệt một con bạch tuộc chúa. Đối với hai con người ấy, cuộc thi này là sự kiện quan trọng nhất trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Đây là cơ hội duy nhất để họ có thể chứng minh cho ông Samadikun thấy, và sự kiện này đặt họ ở lằn ranh được – mất. Lintang cũng mang một gánh nặng tương tự.

Không lâu sau, một người yêu cầu khán giả trật tự để cô có thể đọc câu hỏi. Khoảnh khắc của sự thật đã đến. Tất cả những thí sinh tập trung cao độ, chuẩn bị lắng nghe câu hỏi và bấm chuông kịp lúc. Thật căng thẳng.

Câu hỏi đầu tiên vang lên khắp phòng.

“Bà là người Pháp, giữa huyền thoại và hiện thực…”

Reng! Reng! Rengggg!

Ngay cả khi câu hỏi vẫn chưa được đọc hết. Thí sinh nào đó đã nhấn chuông sớm. Ai nấy đều giật bắn mình. Sahara và tôi vô cùng hồi hộp khi thấy một cánh tay thô ráp vừa mới đưa ra nhấn nút chuông trước mặt chúng tôi với tốc độ nhanh như chớp – cánh tay của Lintang!

“Đội F!” người phụ nữ đọc câu vừa rồi gọi.

“Jeanne d’Arc, thung lũng sông Loire, Pháp!” Lintang trả lời rành mạch, không vấp, không ngắc ngứ, và bằng một giọng mũi Pháp đặc trưng không thể tin nổi.

“Một trăm điểm!” một ông ngồi ở vị trí giám khảo hô to trong khi thằng Lintang được cổ động viên đội trường Muhammadiyah hoan hô vang dội. Cô kia lại tiếp tục.

“Câu hỏi số 2: Dùng phương pháp tích phân để tính diện tích của miền bị chặn bởi hàm y và x trong đó y bằng 2x và x bằng 5.”

Không chút chần chừ, Lintang lại nhấn chuông thật và trả lời dõng dạc, “Các cận của tích phân là 5 và 0, và 2x trừ x nhân dx bằng 12,5.”

Không thể tin nổi! Không chút do dự, không hề viết ra giấy thậm chí không một chút vấp.

“Một trăm!” vị giám khảo lại hô to.

Ông là một huyền thoại của giải Học sinh giỏi. Suốt nhiều năm ông được phân công nhiệm vụ đặc biệt giữ đáp án và hô to một trăm cho câu trả lời đúng và trừ một trăm cho câu trả lời sai. Nhìn miệng ông hô một trăm trông rất kịch tính, như miệng con cá vàng. Nhiều người đến xẹm cuộc thi Học sinh giỏi chỉ để trông thấy ông hô một trăm.

Cổ động viên đội tôi hò hét và vỗ tay rào rào.

“Câu hỏi số ba: Tính diện tích trong miền lấy tích phân của 3 và 0 cho hàm sáu cộng x trừ x bình phương.”

Lintang nhắm mắt lại một chốc, như nó vẫn thường làm ở lớp mỗi khi cô Mus đưa ra câu hỏi. Không đầy bảy giây sau, nó hét lên, “Mười ba phảy năm!”

“Một trăm!”

Nhanh như cắt, không chần chừ, không lưỡng lự.

Khán giả sửng sốt. Những thí sinh khác sững sờ như thể bị bò bùa mê. Cô Mus chuyển lên ngồi phía trước. Nét lo lắng trên mặt cô biến mất. Cô rầm rầm khấn, “Subhanalla, subhanallah, lạy Đức Alla…”

Cha mẹ Lintang hãnh diện khi trông thấy còn trai mình trả lời thật xuất sắc.

Cô kia tiếp tục đọc câu hỏi.

Thằng Lintang ẵm trọn các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên. Những câu hỏi ở lĩnh vực khác bị các đội khác giành điểm, nhất là đội trường PN. Vòng một kết thúc. Chúng tôi dẫn đầu.

Vòng hai, đối thủ của chúng tôi dần dần nhích đến điểm gần ngang bằng với chúng tôi. Đã vậy con nhỏ Sahara và tôi còn trả lời mấy câu sai nữa, thế là mất đứt bao nhiêu là điểm. Vòng hai kết thúc và tình hình trở nên căng thẳng hơn khi sắp đến vòng thi quyết định.

Vòng ba, đội trường nhà nước bị loại. Thật là một tình huống đáng ngại – đội PN, toàn những đứa thông minh ngang ngửa thằng Lintang, đã đuổi kịp điểm số chúng tôi; thậm chí còn vượt qua vài lần nữa.

Mỗi lần một đứa trong đội PN trả lời đúng, hàng trăm cổ động viên reo hò vang dội. Khi đội tôi trả lời đúng cũng vậy. Thật lạ, nhưng có lẽ là vì đội của bọn nó không có cơ hội thắng nên cổ động viên của trường công đã quay sang ủng hộ đội tôi. Toàn bộ số cổ động viên lên đến 1.000 và gần như chia đều cho cả hai đội. Tất cả đều hoan hỉ khi đội mình cổ vũ trả lời đúng một câu hỏi. Người vui nhất là Harun. Cậu ấy vui như hội. Tôi thấy cậu vỗ tay không ngớt và cố vũ đến khản giọng, nhưng cậu chả hề nhìn chúng tôi. Cậu nhìn ra ngoài cửa sổ. Hình như cậu cổ vũ cho một nhóm cô gái đang chơi kasti ngoài sân hay sao ấy.

Vòng chung kết. Đội trường PN và đội chúng tôi đuổi sát điểm nhau, lúc thì chúng tôi hơn lúc thì đội PN hơn, như những đợt sóng vỗ. Chênh lệch điểm giữa hai đội lúc nào cũng là 100. Cuộc thi đã tiến đến thời điểm quyết định: Một câu trả lời đúng sẽ quyết định người thắng cuộc, một câu trả lời sai kéo theo hậu quả khôn lường.

Tình huống trở nên gay cấn hơn khi điểm số giữa hai đội cứ suýt soát nhau như thế và lúc này chỉ còn năm câu hỏi, điểm chúng tôi ghi được là 1.600 trong khi đội PN là 1.700. Chúng tôi phải giành cơ hội để ngang điểm, nhưng khi cô kia đọc câu hỏi, “Pleng Chard Thai là…”

Chắc như đinh đóng cột, tôi nhất nút và la lớn, “Quốc ca Trung Hoa!”

Và tôi đã trả lời sai.

“Trừ một trăm điểm!”

Mọi người rủa xả tôi. Thật ngu không chịu nổi. Nghe cái tên đã biết là của Thái Lan rồi mà. Nhưng vì A Ling, tất cả mọi cụm từ có ba từ, ví dụ Njoo Xian Ling, đều khiến tôi cứ thế nghĩ về Trung Hoa – như một cái máy.

Sự xuẩn ngốc đó khiến đội tôi lâm vào tình huống nguy hiểm. Tệ hơn nữa, đội PN đã trả lời đúng một câu hỏi về phát hiện khoa học trong di truyền học. Những kiến thức như thế, trên ti vi hay những tạp chí khoa học mới nhất, là những kiến thức chúng tôi không có cơ hội tiếp cận nên đâu có biết.

Thế nên chúng tôi mất cơ hội cho hai câu hỏi, 200 điểm. Trong suốt cả trận đấu rất ít khi chúng tôi thua trường PN số điểm tương tự. Những đối thủ đến từ trường nhà nước chỉ có thể ngồi thộn ra, mặt đứa nào cũng đầy âu lo.Cổ động viên của chúng tôi hồi hộp đến nín thở.

Sự thất bại nhảy múa trước mặt chúng tôi. Đáng buồn thật. Sự giỏi giang của Lintang bị sự kém cỏi của Sahara và tôi làm cho lu mờ – nhất là tôi. Sahara và tôi đã không xứng đáng với niềm mong mỏi của cô Mus, đã không trả lời đúng những câu hỏi nằm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Tôi thấy mình có lỗi quá thể. Sahara giận tôi lắm. Nó ghé miệng vào tai tôi giận dữ, “Boi, nghe đây! Nếu có câu hỏi nào về địa lý nữa, đừng có mà nhanh nhảu đoảng nữa đấy! Ngậm mồm lại và coi chừng đó!”

Con nhỏ Sahara quả là đứa chẳng nể nang, cứ thế thẳng đuột.

“Đó là hậu quả của việc giao nhiệm vụ cho một đứa không có chuyên môn! Đợi xem hậu quả thảm khốc nhé!”

Đáng nể thật! Ngay cả trong tình cảnh căng thẳng như thế này – lúc mà đội chúng tôi sắp thua đến nơi – mà con nhỏ Sahara vẫn có thể trích dẫn lời dạy của Muhammad, và vẫn còn cãi cọ cho được – đây quả thực là sở thích của nó. Ý nó muốn nói nó mới là chuyên gia về địa lý, và bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến dân số một nước, sản phẩm nông nghiệp và quốc ca chỉ nên để mỗi nó trả lời thôi. Sự giận dữ của nó chẳng để làm gì cả; Sahara thúc cùi chỏ vào mạn sườn tôi, giành quyền trả lời câu hỏi kế tiếp.

“Quốc ca Brunei Darussalam là gì?”

Reng!

“Đội F!”

“Allah Peliharalah Sultan!”

“Một trăm đi…i…i…iểm!”

Nhưng chúng tôi vẫn còn thua đội PN 100 điểm.

Câu hỏi thứ tư trong số năm câu hỏi cuối cùng về một người có tên Ernest Rutherford.

“Người đàn ông gốc New Zealand này đã có đóng góp gì cho khoa học?”

“Ông là người tiên phong trong việc phân chia hạt nhân ra thành các hạt nhỏ hơn,” Lintang điềm đạm trả lời.

“Một trăm điểm!”

Cổ động viên của chúng tôi hứng khởi trở lại khi điểm sá bây giờ đã ngang nhau. 1.800 – 1.800. Sự hồi hộp lên đến đỉnh điểm khi chỉ còn một câu hỏi cuối cùng. Mọi người rời chỗ ngồi của mình chen cả lên đằng trước. Trông cô Mus và thầy Harfan như đang lầm rầm cầu nguyện. Thậm chí người đọc câu hỏi cũng thấy căng thẳng.

“Các em hãy nghe cho kỹ nhé. Đây là câu hỏi cuối cùng.” Giọng cô nghe run run.

“Một phát minh khoa học liên quan đến những quan niệm về màu sắc đầu thế kỷ mười sáu đã khởi xướng nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực quang học. Vào lúc đó, nhiều nhà khoa học tin rằng màu sắc đó được là nhờ sự hòa trộn giữa ánh sáng và bóng tối, một ý kiến hóa ra không đúng. Lỗi này được chứng minh bằng cách phản chiếu ánh sáng lên thấu kính lõm…”

Reng! Reng! Reng! Lintang hét lên. “Vân tròn Newton!”

Người đọc câu hỏi nở nụ cười hài lòng. Cô ấy nãy giờ vẫn âm thầm đứng về phía đội chúng tôi. Người hô một trăm điểm cùng cười sung sướng. Khuôn miệng cá vàng của ông hô to, “Một trăm đi…i…i…iểm!”

Các cổ động viên đội chúng tôi hò hét nhảy cẫng lên vì vui sướng. Chúng tôi thắng. Tôi không thể tin được điều đó – trường làng Muhammadiyah của chúng tôi thắng. Tôi ôm lấy Lintang. Nó đưa cả hai tay lên cao. Chúng tôi cứ thể nhảy trong niềm vui tưng bừng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chúng tôi đang đắm mình trong niềm vui chiến thắng thì nghe thấy có ai đó la lớn từ dãy bên dưới: “Thưa giám khảo! Thưa trưởng ban giám khảo! Tôi cho rằng câu hỏi và câu trả lời đều sai cả!”

Mọi người im bặt nhìn cả về phía sau. Người vừa la lớn đó đứng lên bước xăm xăm về phía trước với dáng điệu giận dữ. Ô, thì ra là Cử nhân Zulfikar, giáo viên dạy giỏi môn vật lý của trường PN. Ôi không! Có chuyện rồi. Con nhỏ Sahara và tôi xịu mặt xuống, nhưng Lintang vẫn điềm tĩnh. Khi bước lên tới phía trước, ông thầy đó đứng chống nạnh rất ư trịch thượng rồi bắt đầu thao thao:

“Thí nghiệm với những thấu kính lõm không chứng minh được điều gì cho bài phê bình về thuyết màu sắc liên quan đến ánh sáng và bóng tối trước đây cả. Sự hiểu biết liên quan đến việc tạo ra màu sắc không phải là một vấn đề thuộc quang học, trừ phi ban giảm khảo muốn bất đồng với Descartes. Quang học và quang phổ màu sắc là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong tình huống mập mờ này, chúng ta đối mặt với ba khả năng: câu hỏi sai, câu trả lời sai, hay câu hỏi và câu trả lời thiếu cơ sở, không theo ngữ cảnh!”

Ôi trời! Lời bình phẩm này quả là vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi; quá lạ lẫm và cao siêu. Cứ giống như một buổi bảo vệ luận án thạc sĩ trước ba vị giáo sư phản biện vậy. Nhưng chẳng phải lời nói của vị giáo viên giỏi kia mang hàm ý chê bai hay sao? Và thầy thật thông minh khi khiến ban giám khảo phải nao núng bằng cách trích dẫn quan điểm của Descartes. Ai dám bất đồng ý kiến với chuyên gia học huyền thoại đó cơ chứ?

Hy vọng Lintang có ý kiến phản hồi. Nếu nó không làm được vậy, chúng tôi chấm dứt ở đây. Tôi lo ngay ngáy nhưng chẳng biết làm gì.

Thầy Harfan ngơ ngác. Cô Mus bối rối, mặt cô tái nhợt như có một con bồ câu bằng vàng vừa mới tuột khỏi tay cô. Nếu không phải vì ông thầy Zulfikar đó, chúng tôi đã thắng rồi. Rõ ràng cô Mus muốn bảo vệ chúng tôi, nhưng cũng rõ ràng là kiến thức về vật lý của cô thua xa ông thầy Zulfikar ấy.

Tôi nhìn con nhỏ Sahara. Nó nhanh chóng quay mặt đi như thể nó chưa từng gặp tôi và Lintang vậy. Khán giả và ban giám khảo khựng lại bởi ý kiến phản đối có vẻ như rất thông minh ấy. Chẳng ai phản hồi được khi mà gần như không ai biết thầy đó nói về điều gì. Nhưng phải có người nào đó cứu chúng tôi thoát khỏi tình huống đó chứ. Trưởng ban giám khảo đứng lên. Lintang vẫn điềm tĩnh và còn cười nữa; nó thấy rất thư thái.

“Cảm ơn về ý kiến phản đối rất hay của thầy. Tôi chỉ có thể nói rằng lĩnh vực của tôi là giáo dục đạo đức Pancasila… “

Thầy Zylfukar lầm bầm gì đó. Thầy ta cảm thấy mình thắng thế. Nhìn mắt thầy có thể thấy thầy muốn chứng tỏ rằng mình đã từng đọc Principia của Isaac Newton, thầy cũng đặt mua dài hạn các tạp chí vật lý quốc tế, và rằng thầy là một con chuột phòng thí nghiệm với kinh nghiệm đầy mình. Thầy là một cử nhân mới tốt nghiệp ngạo mạn cho rằng mình biết tuốt. Bài diễn văn của thầy được chêm vào nhiều câu trích dẫn và thuật ngữ khoa học không đáng tin cậy nhằm để khoe mẽ. Nhưng giờ thì tôi đảm bảo rằng thầy sẽ phải uống một viên APC thôi, viên thuốc đắng nghét được người dân Mã Lai vùng xa xôi nghèo khổ dùng để trị bách bệnh ấy.

Vì đã tin chắc đội trường mình sẽ thắng, thầy Zulfikar, không thể cưỡng lại được mong muốn hạ giá trị chúng tôi, đã chuyển từ ngạo mạn sang thô lỗ.

“Có lẽ các học sinh trường Muhammadiyah này hoặc ban giám khảo sẽ vui lòng giải thích một chút về thuyết Descartes về hiện tượng màu sắc chăng?”

Thầy đó đi quá xa mất rồi! Không ai ngờ được chuyện dó. Thầy Zulfîkar muốn làm mất thể diện chúng tôi và làm mất uy tín ban giám khảo. Thầy đó tin rằng không ai trong chúng tôi biết về Descartes, và như thế thì sẽ phải hủy câu hỏi đó hoặc chứng tỏ rằng câu trả lời chúng tôi là sai. Và nếu câu trả lời của chúng tôi sai thì chúng tôi sẽ mất 100 điểm và trường PN sẽ thắng. Điều khiến chúng tôi thấy tổn thương nhất là cái lối thầy đó nói trường Muhammadiyah, cố tình nhấn mạnh để nhắc mọi người nhớ rằng trường chúng tôi chỉ là một trường tầm thường chẳng có gì nổi trội hết.

Tôi không hiểu những lý thuyết về quang học, nhưng tôi biết một chút về lịch sử của việc phát hiện ra màu sắc. Tôi từng đọc một câu chuyện, và tôi biết rằng Descartes làm thí nghiệm với các lăng kính và những tờ giấy để thử màu, không liên quan đến quang học. Chính Newton mới là bậc thầy về quang học. Thầy Zulfikar rõ ràng là người tự cao tự đại già mồm già miệng cố trấn áp mọi người bằng cách tạo ấn tượng ta đây là người hiểu biết nhiều nhất về lý thuyết màu sắc. Tôi giận lắm và muốn phản đối thầy Zulfikar nhưng kiến thức của tôi lại có hạn.

Cách hành xử của thầy Zulfikar là một vấn đề muôn thuở của Indonesia: những người có học thức lòng vòng nói tới nói lui với những thuật ngữ to tát và lý thuyết cao siêu chẳng phải vì sự tiến bộ khoa học, mà là vì muốn khoe mẽ với những người ít nổi và không thể tìm ra lời lẽ để tranh luận. Những trí thức thích trấn áp và cho ta đây hiểu biết hơn người, như cách thầy Zulfikar thể hiện, nhan nhản khắp nơi. Những người kiểu như thế chỉ là trí thức rởm; những nhà khoa học rởm ngạo mạn khống chế những cộng đồng người không được học hành đến nơi đến chốn hòng tự tâng bốc bản thân lên và làm đầy túi mình.

Tôi nhìn Lintang, cầu cho nó trợ giúp nếu tôi có đứng lên phản đối sự quá đáng của thầy Zulfikar. Tôi thực sự cần nó hỗ trợ. Nhưng sẽ thế nào nếu hóa ra tôi là người sai? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị tấn công dồn dập? À, nguy cơ cao đấy. Có thể tôi sẽ nhục nhã hơn thì có. Đây là vấn đề muôn thuở của những người như tôi – người không có kiến thức đầy đủ. Do vậy mà trong tôi đang giằng co hai thái cực một là mong muốn được lên tiếng phản đối, hai là lưỡng lự không dám. Nhưng tôi thấy giận vì trường mình bị xúc phạm, và tôi cũng tức phát điên khi biết rằng ông thầy Zulfîkar đã dẫn chứng nhà khoa học Descartes một cách sai lầm chỉ để đáp ứng cho lợi ích của riêng thầy.

Thấy tôi giận, Lintang nhoẻn miệng cười. Một nụ cười thật bình yên. Tôi biết, như thường lệ, nó thấu được suy nghĩ của tôi. Nó đáp lại cái nhìn chăm chăm của tôi bằng một ánh nhìn mềm mỏng như thể muốn nói, Bình tĩnh nào thằng em. Để thằng anh lo vụ này. Nó vẫn rất điềm tĩnh. Con nhỏ Sahara và tôi thu người lại; hai đứa tôi như muốn núp dưới vòng tay che chở của người bạn vốn là bậc thầy về trí thức – người biết tuốt và không hề nao núng cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa.

Khi nghe câu thách đố đầy khiêu khích của thầy Zulfikar, trưởng ban giám khảo hít một hơi thật sâu. Ông nhìn quanh các đồng nghiệp mình, những thành viên khác trong hội đồng giám khảo. Ai cũng lắc đầu có ý bảo họ không thể đấu trí tay đôi với thầy Zulfikar.

“Tôi xin lỗi, thầy giáo trẻ. Thay mặt ban giám khảo, tôi phải nói rằng chúng tôi không có đủ kiến thức về lĩnh vực ấy.”

Lời lẽ ông thật khiêm tốn, ông giáo già tội nghiệp ấy. Ông là giáo viên kỳ cựu có trái tim nhân hậu, được mọi người tôn trọng vì hàng mấy chục năm tận tụy với sự nghiệp giáo dục ở Belitong. Trông ông ngượng ngùng và tuyệt vọng, ông đưa ánh nhìn về phía đội chúng tôi, đội F. Lintang mỉm cười và khẽ gật đầu. Thật bất ngờ, trưởng ban giám khảo lên tiếng, “Nhưng học sinh đến từ trường Muhammadiyah này có thể giúp.”

Căn phòng im phăng phắc, ai nấy đều chìm trong lo lắng và mọi người trở nên bực bội hơn khi thầy Zulfikar bồi thêm một lời bình phẩm tàn nhẫn nữa.

“Tôi hy vọng lời phản biện của em ấy chính xác được những câu trả lời lúc nãy!”

Thầy đó lại đi quá xa nữa rồi! Thầy đó đã cố tình khiêu khích Lintang, và lần này Lintang không thể không có phản ứng gì. Nó đứng lên nói.

“Thưa thầy, nếu thầy phản đối vì câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi thì may ra lời phản đối của thầy có thể chấp nhận được. Nhưng ban giám khảo đã hỏi một câu hỏi và câu trả lời đó đã được viết trên giấy trắng mực đen hẳn hoi và được cô đọc câu hỏi đọc to lên nữa. Em dám chắc rằng vân tròn Newton được viết ở đây, và câu trả lời của đội em là vân tròn Newton. Thế có nghĩa là đội em xứng đáng nhận 100 điểm. Cho dù nó không đúng ngữ cảnh thì cùng chỉ có nghĩa là ban giám khảo đã hỏi một câu hỏi đúng nhưng chỉ là do cách diễn đạt chưa thật thích đáng thôi.”

Thầy Zulfikar vẫn không chịu thừa nhận chuyện đó.

“Nói cách khác, câu hỏi sai vì những đội khác trông đợi một câu trả lời khác!”

Lintang bác đi, “Chẳng có gì sai ở đây cả ngoại trừ thầy, thưa thầy, thầy đã coi thường bản chất của thuyết vân tròn Newton và muốn hạ thấp điểm của đội em vì tính nhỏ mọn tầm thường.”

Thầy Zulfikar bực mình và nổi đóa. Khán phòng lại như sôi lên. Thầy nhào lên phía trước.

“À, nếu thế thì em hãy giải thích cho tôi nghe bản chất của học thuyết đó đi! Đội của em đạt điểm chỉ vì ăn may thôi, còn thì chẳng biết gì ráo!”

Ôi trời, thật chẳng còn gì để nói nữa. Con nhỏ Sahara cau mặt lại. Sau một lúc ngơ ngác, giờ nó đã trở lại là một con báo, hai hàng chân mày của nó chau lại vào nhau. Đám đông và ban giám khảo sửng sốt, ai nấy miệng há cả ra kinh sợ trước trận tranh cãi khoa học đang hồi cao trào diễn ra trước mắt. Họ thậm chí không thể xen vào được. Đây là một vấn đề ngoài tầm hiểu biết của họ.

Nghe từ vân tròn lặp đi lặp lại nhiều lần, Lintang vẫn tỉnh bơ như không. Rồi nó nhìn chăm chăm vào mẹ nó đang hoang mang ngồi nơi góc phòng. Mặt nó sưng lên, ngực phập phồng. Trông như thể nó đang mang trên người một gánh nặng to tướng vậy. Tôi lập tức hiểu rõ phản ứng của nó. Vấn đề về vân tròn Newton chắc chắn gợi cho nó nhớ lại chuyện nó buộc phải bán chiếc nhẫn cưới của mẹ nó để có thể tiếp tục đến trường. Có thể thấy rõ là nó đang tức điên lên. Cuộc tranh luận với thầy Zulfikar đã trở thành vấn đề cá nhân đối với Lintang, và đây là cách phản ứng của một nhân tài đang cơn cáu tiết:

“Bản chất ở đây là rõ ràng Newton đã chỉ đúng những sai sót trong cảc hoc thuyết về màu sắc của Descartes, Aristotle, và sau này là Robert Hooke! Ba người này nghĩ rằng màu có những quang phổ riêng biệt. Thông qua thấu kính lõm, mà sau này khai sinh ra định lý vân tròn, Newton đã chứng minh rằng màu sắc nằm dọc theo một quang phổ liên tục và quang phổ đó không được tạo ra bởi những đặc tính thủy tinh, mà là đặc tính cơ bản của ánh sáng!”

Thầy Zulfíkar kinh ngạc! Khán giả chẳng hiểu mô tê gì về thuyết quang học, thậm chí ngay cả gật đầu họ cũng không thể gật. Tôi sung sướng quá. Linh cảm của tôi đã đúng! Tôi muốn nhảy ra khỏi ghế, đứng trên cái bàn trước mặt mà hét tướng lên: Các bạn có biết ai đây không? Đây là Lintang Samudra Basara con trai của Syahbani Maulana Basara, một học sinh thông minh xuất chúng và là người ngồi cùng bàn với tớ đấy! Nào mọi người hãy làm quen với cậu ấy đi!”

Lintang vẫn chưa thôi.

“Newton cho rằng, trừ phi thầy, thưa thầy, thầy muốn nghi ngờ một bản thảo về khoa học đã được chứng minh cách đây 500 năm, rằng tỷ trọng của những phân tử trong suốt quyết định hạt mà chúng phản xạ. Đó là mối liên hệ giữa độ dày của tầng khí quyển và quang học theo định lý về vân tròn màu sắc. Tất cả điều này có thể chỉ được xem xét dưới cái nhìn của quang học. Thưa thầy, làm sao thầy có thể cho rằng những vấn đề này không hề có liên quan gì đến nhau?”

Thầy Zulfikar lảo đảo như muốn quỵ xuống, mặt xanh xám. Thầy ngồi phịch xuống một chiếc ghế, người như thể không còn xương. Dường như thầy chẳng còn biết nói gì. Đôi kính trễ xuống sóng mũi gãy trông thật thảm hại. Thầy nhận ra rằng việc mù quáng sa vào cuộc khẩu chiến về một điều thầy không nắm vững lắm chỉ tổ khiến sự xuẩn ngốc của thầy lòi ra trước cặp mắt sáng ngời của những người như Lintang mà thôi. Vậy nên thầy vẫy khăn trắng đầu hàng; Lintang đã đánh gục thầy. Lintang đã buộc thầy phải nuốt chửng một viên APC đắng nghét mà không chiêu ngụm nước nào, và viên thuốc chữa bách bệnh đó mắc kẹt ngay cổ họng thầy.

Các cổ động viên cho đội chúng tôi nhảy vòng quanh như một bầy khỉ đang cơn khoái chí vì lời tranh luận vừa rồi của Lintang đã mặc nhiên giữ vững vị trí vô địch của chúng tôi trong giải Học sinh giỏi năm nay, một giải thưởng hàng mấy chục năm qua trường chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy. Ấy là một thành tích mà không ai có thể hình dung rằng chúng tôi sẽ đạt được.

Cô Mus giật lá cờ trường Muhammadiayh từ tay con nhỏ Flo. Cô vẫy rối rít. Mắt cô ngời sáng. Miệng cô mấp máy subhanalla, subhanalla, lạy Đức Alla.

Tôi lại ôm chầm lấy Lintang lần nữa. Tôi chúc mừng nó vì đã có công lớn trong chiến thắng của chúng tôi, và đặc biệt là đã hoàn thành lời hứa thứ hai của mình – lời hứa với mẹ – là sẽ giành được giải thưởng Học sinh giỏi để đáp lại sự hy sinh của mẹ, vì mẹ đã cho bán chiếc nhẫn cưới để nó tiếp tục đi học.

Khi Lintang giơ cúp chiến thắng lến cao, người hùng đầu tiên của chúng tôi, Harun, huýt gió như cao bồi gọi lũ bò về nhà. Harun xúc động bởi chiến thắng của Lintang nhưng cậu ấy lại chúc mừng Trapani. Dù cho Lintang có giỏi đến cách mấy, cậu ấy vẫn cứ thần tượng mỗi một Trapani; đó là người cậu ấy muốn trở thành. Trong lúc đó, bà Frischa, hiệu trưởng trường PN, ngồi trên một chiếc ghế to tuớng, quạt lấy quạt để hòng xua đi cái nóng. Bà ngồi cựa quậy không yên, vẻ mặt thất thần như thể tâm trí đang ở tận đâu đâu.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ