Chiến binh cầu vồng - Chương 29: Kế Hoạch B

Nhờ ngôi làng Edensor và câu chuyện trong Giá như họ có thể lên tiếng, tôi không còn miên man với những cảm xúc tiêu cực, than thân trách phận. Tôi thực sự bỏ lại đằng sau mối tình đầu lãng mạn nảy nở trong chuỗi tháng ngày đi mua phấn.

Đây chính là điều bất ngờ ở trẻ con: khả năng nhanh chóng chữa lành trái tim tan vỡ sau hàng mấy năm trời yêu thương – chính xác là năm năm! À, hóa ra tôi đã phải lòng A Ling từ năm lớp hai cơ đấy, và dẫu rằng chúng tôi chỉ gặp có mỗi một lần thôi nhưng đó là tình yêu. Tuy thế tôi có thể bình phục chỉ trong vòng một tuần, và tất cả nhờ vào một cuốn sách. Kỳ diệu thay. Đôi khi người lớn cần phải mất hàng năm trời mới có thể vá lành trái tim tan nát vì một tình yêu thuần khiết kéo dài chỉ ba tuần. Điều gì khiến con người ta càng lớn thì càng ủy mị vậy nhỉ?

Giờ tôi chỉ nhớ đến A Ling như một kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời mình. Và dẫu bây giờ được chào đón bởi một bàn tay gấu với những móng tay như của con chim kền kền ăn xác chết song tôi vẫn cần mẫn cùng Syahdan đạp xe đi mua phấn vào mỗi buổi sáng thứ Hai.

Mỗi lần đi mua phấn, tôi lại theo quy trình cũ và tận hưởng chuỗi cảm xúc như xưa giữa cái mùi thối ủm của cửa hàng Sinar Harapan. Trong tôi vẫn còn nguyên cảm xúc dành cho mối tình đầu như thể A Ling vẫn chờ tôi ngay đằng sau tấm rèm ốc quen thuộc.

Khi không đi mua phấn, tôi mải mê vùi đầu vào những cuốn sách tâm lý học thực hành về sự phát triển cá nhân và trở nên cuồng tín câu nói gợi nên hoài bão của John Lennon. Sách mở ra cho tôi những cách để nhận ra tài năng của mình – và tôi tin chắc rằng những tài năng đó là viết văn và chơi cầu lông.

Tôi biết thế bởi vì tôi luôn đứng đầu trong các trận đấu cầu lông trong huyện. Ở nhà tôi đầy cúp. Có nhiều cúp đến nỗi mẹ tôi dùng vài cái để ép kiệt nước ra khỏi quần áo trước khi phơi, hay làm cái chặn cửa, hay đỡ hàng rào chỗ quây lũ gà con. Mẹ dùng một cái làm búa đập quả lai. Thậm chí chiếc cúp có đỉnh nhọn từ trận đấu mới nhất còn được ba tôi dùng để gãi lưng nữa.

Tôi luôn chiến thắng những trận long trời lở đất. Thật tội nghiệp; họ tập tành cả mấy tháng trời, sáng sáng ăn trứng lòng đào với jadam và mật ong đắng để tăng lực, nhưng trước tôi họ vẫn trở nên bất lực.

Thỉnh thoảng tôi làm một cú bỏ nhỏ và lộn nhào hai vòng, đánh trả bằng những cú xì mát trời giáng trong lúc vẫn thao thao chuyện trò với khán giả, và vừa lăn tròn trên nền vừa đỡ cầu chính xác không sai một li. Tôi thường giao những cú bóng thẳng giữa hai chân khi quay lưng lại với đối thủ và tôi thường làm thế bằng tay trái.

Trông thấy tôi chơi, đối thủ yếu bóng vía sẽ phát điên lên, và nếu sơ sẩy rơi vào cái bẫy do tôi giăng ra mà nổi tức lên thì họ đã nắm chắc phần thua trong tay. Khán giả hò reo vang dội. Mỗi khi có tôi đấu, chợ vắng tanh quán cà phê đóng cửa, con nít được cho nghỉ học, cu li PN đi làm về sớm, công chức rời sở một lát – nghĩa là nếu trước đó họ đã đến chỗ làm – và những dân biểu chẳng có việc gì làm sẽ đứng đợi sẵn chờ cho đến lúc trận đấu bắt đầu.

“Con cheo cheo tóc xoăn” là biệt danh họ đặt cho tôi. Sân cầu lông gần ủy ban xã rung lên vì tiếng reo hò. Những người không tìm thấy chỗ đứng quanh sân thì leo tít lên mấy cây dừa gần đó để được xem tôi thi đấu.

Tôi nghĩ tất cả những sự thật này đủ để gọi cầu lông – như phân tích trong những cuốn sách về sự phát triển cá nhân – là khả năng vượt trội của tôi.

Đam mê lớn khác của tôi nữa là viết lách. Không có nhiều chứng cớ để xác nhận khả năng đó của tôi, sự đánh giá duy nhất tôi nhận được trong lĩnh vực này là lời bình phẩm của thằng A Kiong rằng những lá thư và bài thơ tôi gởi cho A Ling thường khiến nó cười như ai cù vào nách. Tôi không chắc điều đó có nghĩa là gì – có thể là thật hay hoặc thật dở.

Vậy nên tôi bắt đầu mài giũa hai khả năng này. Tôi luyện tập cầu lông mỗi ngày. Nếu thấy mệt, tôi sẽ nhìn hình John Lennon, với nụ cười mỉm và đôi kiếng tròn, là tôi lấy lại được sự hăng hái.

Như một chuyên gia về phát triển cá nhân giải thích một cá nhân có tính xây dựng phải làm một kế hoạch A và một kế hoạch B.

Kế hoạch A có nghĩa là huy động toàn bộ nội lực để phát triển những khả năng nổi trội của mình – trong trường hợp của tôi, những khả năng này không gì khác ngoài viết lách và cầu lông. Kế hoạch này phải được vạch ra đến từng chi tiết, từ bước một đến khi lên tới đỉnh cao vinh quang. Mối lần đọc kế hoạch này lên tôi lại thấy khó ngủ.

Tôi cực kỳ sung sướng khi có một công thức rõ ràng để vạch ra kế hoạch A cho mình: trở thành một vận động viên cầu lông ai cũng biết đến hoặc là một nhà văn nổi tiếng. Nếu có thể thì cả hai luôn. Nếu không thì một cũng được. Và nếu tôi không thể đạt được cả hai mục tiêu đó thì sao cũng được, thật đấy, miễn là tôi không phải làm nhân viên bưu điện.

Khi quan sát những thành viên trong nhóm Chiến binh Cầu vồng, tôi biết bọn nó cũng có những kế hoạch A đặc biệt.

Chẳng hạn như con Sahara, nó muốn trở thành nhà hoạt động xã hội vì quyền phụ nữ. Ước muốn này của nó đuợc khơi nguồn từ những bất công ghê gớm đối với phụ nữ trong các bộ phim Ấn Độ.

A Kiong muốn trở thành thuyền trưởng. Nó nói đó là do nó thích đi du lịch. Tôi nghi lắm. Chắc nó mơ ước như vậy vì cái mũ thuyền trưởng to tướng đấy thôi. Tôi nghi là nó che cái đầu nhẵn hình hộp của mình bằng chiếc mũ lớn ấy.

Kucai, từ giây phút ý thức được rằng nó có những chất của một chính trị gia – ma mãnh, theo chủ nghĩa dân túy và chẳng biết xấu hổ là gì, cộng thêm cái mồm to và niềm khao khát tranh luận – nó đã ôm ấp một hoài bão thật rõ ràng: trở thành một thành viên trong hội đồng lập pháp Indonesia.

Thật bất ngờ, chẳng dè dặt hay ngượng ngùng gì thằng Syahdan tuyên bố nó muốn trở thành diễn viên. Mà nó thì chẳng có lấy chút xíu khả năng diễn xuất nào cả. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ của lớp, nó thậm chí chẳng diễn nổi vai nào dù được cầm giấy đọc lời thoại vì nó luôn mắc lỗi. Vậy nên Mahar luôn phân cho nó vai đơn giản như hầu quạt cho công chúa chẳng hạn. Thằng Syahdan không cần nói gì trong suốt buổi diễn. Nhiệm vụ duy nhất của nó là quạt cho công chúa bằng cái quạt lông cống. Ngay cả thế mà nó còn thường làm không nổi nữa kia.

Đứa nào cũng thúc thằng Syahdan xem lại ước mơ của mình, nhưng nó không suy chuyển. Nó mặc kệ chúng tôi nhạo báng. Nó muốn trở thành diễn viên, vậy thôi.

“Hoài bão là những lời cầu nguyện, Syahdan,” con nhỏ Sahara khuyên nó. “Nếu Đấng Tối cao nghe thấy lời cầu nguyện của mày, mày có thể tưởng tượng được nền điện ảnh nước nhà sẽ đi tới đâu không?”

Còn với Mahar, nó muốn trở thành một ông đồng tiếng tăm lừng lẫy, được ngay cả những người chống đối nó tôn trọng.

Ước mơ của Samson đơn giản nhất. Nó là đứa bi quan. Nó chỉ muốn làm nhân viên soát vé và bảo vệ rạp hát của làng thôi. Ấy là vì nó thích xem phim và công việc bảo vệ giúp nó thể hiện vẻ nam nhi đại trượng phu. Trong khi đó, thằng Trapani tốt bụng và đẹp trai muốn làm thầy giáo. Và Harun, lúc nào cũng vậy, muốn trở thành thằng Trapani.

Tất cả là nhờ Lintang cả. Nếu không có Lintang, không đứa nào dám mơ gì. Suy nghĩ duy nhất trong đầu chúng tôi – và đầu của mọi đứa con trai sống trên đảo Beliong này – là sau khi học xong tiểu học, hay cùng lắm là cấp hai, chúng tôi sẽ đăng tên vào langkong PN; nói cách khác chúng tôi là những người làm thuê trong tương lai, rồi cả đời quần quật với công việc của những người thợ mỏ, và rồi cuối cùng về làm cu li. Đó là những gì chúng tôi trông thấy xảy ra với cha chúng tôi và ông chúng tôi, hết đời này qua đời khác.

Nhưng Lintang và những khả năng phi thường của nó đã giúp chúng tôi tự tin lên. Nó mở mắt cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể trở thành con người lớn hơn so với chúng tôi từng mơ tới. Nó mang lại niềm khích lệ cho chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi mang đầy khiếm khuyết, hạn chế.

Bản thân Lintang muốn trở thành nhà toán học. Nếu đạt được niềm mơ ước ấy, nó sẽ là nhà toán học người Mã Lai dầu tiên. Thật tuyệt biết mấy! Tôi luôn thấy xúc động tôi khi nghĩ đến điều ấy; tôi âm thầm ủng hộ kế hoạch ấy của Lintang. Vậy nên tôi thường xuyên cầu nguyện cho ước mơ của nó trở thành hiện thực. Giả dụ, chỉ giả dụ thôi, rằng Đấng Tối cao có yêu cầu ai đó hy sinh mơ ước của mình để Lintang có thể đạt được mơ của nó, thì tôi nguyện hy sinh mơ ước của mình ngay.

Lintang đang miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi Học sinh giỏi. Nó ngày càng tỏa sáng. Liệu nó có thể giỏi hơn bọn vốn đã nổi danh với giải Học sinh giỏi cấp quốc gia không? Liệu Lintang có thực sự là thiên tài như chúng tôi đã đặt cả niềm tin vào nó không? Chúng tôi sợ rằng sự ngưỡng mộ chúng tôi dành cho nó chỉ đơn thuần mang tính cục bộ. Chúng tôi hy vọng nó không chỉ là chú gà có tiếng gáy vang xa nhất trong chuồng, là con cá to nhất trong hồ. Liệu nó có là thằng chột làm vua xứ mù?

Nỗi lo lắng của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở. Trường chúng tôi bị tẩy chay, bị cô lập, vậy nên chúng tôi không có một phương cách đo lường nào cũng như chẳng thể biết được rằng thế giới lấp lánh bên ngoài phát triển chóng mặt đến thế nào. Chúng tôi không biết sự tiến bộ của bọn học sinh PN hay trường nhà nước cô thầy cô giáo có trình độ cao, có những cuốn sách hay, giáo cụ trực quan, thư viện và phòng thí nghiệm hiện đại – đó là chưa kể đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ nữa. Chỉ có giải Học sinh giỏi tuần tới đây mới làm khuây nỗi lo lắng và chứng tỏ khả năng thực sự của Lintang. Chúng tôi rất nóng lòng muốn biết sự thật ấy.

Giờ thì, theo như tôi đọc được, một cá nhân tích cực cần có kế hoạch dự phòng được gọi bằng một cái tên rất dài: kế hoạch đối phó với những bất ngờ.

Đây chính là kế hoạch B.

Kế hoạch B được dùng đến khi kế hoạch A thất bại. Quy trình khá đơn giản: nếu anh thất bại, hãy vứt kế hoạch A đi và tìm một tài năng mới. Nếu tìm thấy, hãy làm đúng như quy trình lúc trước đã làm với kế hoạch A. Đây là một phương thức sống siêu đẳng, chắc chắn đây là công trình của những chuyên gia tâm lý học cùng các giáo sư về nguồn nhân lực và các nhà xuất bản sách.

Vấn đề ở đây là, ngoài cầu lông ra, tôi chẳng có tài năng nào khác. Thực ra, tôi cũng có một tài nữa, cái tài mà tôi không thể không tính đến: tài mơ mộng viển vông. Tôi thấy xấu hổ khi thừa nhận điều đó.

Tôi không thông minh như Lintang hay giỏi nghệ thuật như Mahar. Tôi nghĩ rất lâu và rất nhiều mới có thể vạch ra được kế hoạch B. Thật may là sau mấy tuần giam mình trong phòng để suy nghĩ, tôi đã bất ngờ có một nguồn cảm hứng lạ lùng để hình thành nên kế hoạch B của mình.

Cái hay của kế hoạch B là nó không buộc tôi phải vứt bỏ kế hoạch A. Ngay cả các chuyên gia có khi cũng chưa nghĩ xa được như thế. Thực chất là nếu tôi thất bại trong lĩnh vực cầu lông và không thành công với nghiệp văn chương – nếu nhà xuất bản coi tác phẩm của tôi là thứ vớ vẩn – thì tôi sẽ chuyển sang kế hoạch viết một cuốn sách về cầu lông!

Chưa điều gì xảy ra cả, nhưng tôi đã mơ về việc cuốn sách ấy sẽ được đón nhận như thế nào rồi. Bìa sách sẽ in những lời nhận xét có cánh từ một cựu vô địch giải Thomas Cup, “Từ trước tới nay chưa từng có một cuốn sách thể thao nào như thế. Nhà văn đã thực sự hiểu ý nghĩa của cụm từ mens sana in corpore sano[1]”

[1] Mens Sana In corpore sano là một cụm từ Latin, có nghĩa là tinh thần khỏe trong cơ thể tráng kiện.

Một chuyên gia tình yêu nổi tiếng của Jakarta sẽ bình phẩm thế này: Cuốn sách này rất cần cho những người béo phì suốt ngày chỉ biết ngủ.

Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia: “Một cuốn sách thú vị!”

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Indonesia sẽ có một thú nhận gây xúc động: “Tôi đã không đọc sách lâu rồi, rồi cuốn sách này xuất hiện, và cuối cùng tôi đã đọc trở lại!”

Một cựu vô địch giải Uber Cup xinh đẹp sẽ thốt lên một cách lộ liễu thế này: “Đọc cuốn sách này khiến tôi chỉ muốn ôm hôn nhà văn ấy thôi!”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ