Miếng Da Lừa - Chương 2 – Tấm bùa 2

Những kỳ vật mà quang cảnh vừa bày ra cho chàng trai tất cả sự sáng tạo được hiểu biết, gây cho anh lòng chán nản thường xảy ra ở bậc triết gia khi con mắt khoa học nhìn thấu những sáng tạo xa lạ: anh càng hăng hái mong ước chết đi hơn bao giờ hết, và ngồi phịch xuống một chiếc ghế ngà[1], đưa mắt ngơ ngác nhìn qua những ảo ảnh của toàn bộ dĩ vãng đó. Những bức họa rực sáng lên, những đầu Thánh mẫu đồng trinh mỉm cười với anh, và những pho tượng khởi sắc do một cuộc sống giả tạo. Nhờ bóng tối, và do cơn bão tố dấy lên trong đầu óc rã rời của anh, những tác phẩm kia, như chuyển động, nhộn lên và quay cuồng trước mắt anh: các ông phỗng cau có nhìn anh, những nhân vật hình dung trên các bức họa đưa mắt long lanh; những hình thù đó run rẩy, nhảy nhót, rời chỗ nghiêm trang, nhẹ nhàng, duyên dáng hay sỗ sàng, tùy theo phong thái, tính cách và thể chất của chúng. Thật là một cuộc hội ma bí mật tương xứng với những cảnh quái dị mà tiến sĩ Faust thoáng nhìn thấy trên núi Brocken[2]. Nhưng những hiện tượng quang học sinh ra bởi sự mệt mỏi, bởi nhãn lực bị căng không thể làm cho chàng lạ mặt sợ hãi. Những nỗi khủng khiếp của cuộc sống bất lực đối với một tâm hồn quen với những nỗi khủng khiếp của cái chết.

Hơn thế, đồng lõa một cách ngạo nghễ, anh lại còn trợ lực cho những cảnh dị thường của sự kích động tinh thần kia mà những điều kỳ diệu hỗn hợp với những tư tưởng cuối cùng còn đem lại cho anh ý thức về sự tồn tại. Im lặng tràn ngập xung quanh anh đến mức chẳng bao lâu anh phiêu diêu vào một cuộc mơ màng êm dịu với những cảm giác u ám dần dần, từng biến sắc và như ảo thuật, theo ánh ngày cứ mờ dần. Khi một tia sáng sắp từ giã bầu trời lóe lên một ánh đỏ cuối cùng trong cuộc vật lộn với bóng đêm, anh ngẩng đầu, nhìn thấy một bộ xương sáng lờ mờ chỉ ngón tay vào anh, và lắc lư cái sọ ra vẻ nghi hoặc như muốn bảo anh: Những kẻ đã chết chưa muốn tiếp nhận anh! Khi đưa tay lên trán để xua đuổi cơn mê, chàng trai cảm thấy rõ rệt một làn gió mát do một con vật gì lông lá lướt chạm vào má anh, anh rùng mình. Nghe có tiếng đập vào cửa kính âm thầm vang lên, anh chắc rằng một con dơi đã gây nên cái mơn trớn lạnh lùng tương xứng với những ánh mơ hồ của chiều tà khiến anh lờ mờ nhìn thấy những bóng ma vây quanh anh; thế rồi cả cái thế giới tĩnh vật đó nhòa đi trong cùng một màu đen. Đêm rồi, cái giờ chết xộc tới.

Liền đó, qua chừng một lúc, anh chẳng còn cảm giác rõ ràng nào về những vật trần gian, hoặc là vì anh chìm sâu vào một giấc mơ màng, hoặc vì anh chập chờn nửa tỉnh nửa mê do mệt mỏi và do bao nhiêu tâm tư xâu xé lòng anh. Đột nhiên anh tưởng như có một tiếng khủng khiếp gọi anh, và anh giật nảy mình như khi đang giữa cơn mê sảng hầm hập mà bị lăn ùm xuống vực sâu. Anh nhắm mắt lại; những tia sáng rực rỡ lóa mắt anh; anh nhìn thấy giữa bóng đêm lấp lánh một quả cầu đo đỏ mà ở trung tâm là một lão già bé choắt đứng rọi ánh sáng một ngọn đèn vào anh. Anh đã không nghe thấy tiếng lão đến, lão nói, lão cử động. Sự xuất hiện đó có vẻ gì ma thuật. Dù người bạo dạn đến đâu mà bị bất chợt giữa cơn mê như vậy cũng chẳng khỏi run lên trước nhân vật kỳ dị đó dường như từ một chiếc quan tài gần đâu đây chui ra. Vẻ trai trẻ lạ lùng làm ánh lên cặp mắt bất động của thứ yêu ma đó khiến cho chàng lạ mặt không tin ở những tác động siêu nhiên; mặc dầu vậy, trong khoảnh khắc giữa cuộc sống mộng du và cuộc sống thật của anh, anh ở trong trạng thái hoài nghi triết học mà Descartes[3] giới thiệu, và bấy giờ, không cưỡng lại được, anh bị khống chế bởi những ảo giác khó hiểu mà những bí ẩn không được lòng kiêu hãnh của chúng ta chấp nhận hoặc khoa học bất lực của chúng ta không phân tích nổi.

Ta hãy hình dung một lão già bé choắt, khô đét và gầy còm, mình bận một chiếc áo dài nhung đen quanh sườn thắt bằng một chiếc dây lụa to. Trên đầu lão, một chiếc mũ chỏm cũng bằng nhung đen để thò ra hai bên mặt những chùm tóc bạc dài, chiếc mũ căng sát vào đỉnh đầu để bó chặt lấy trán. Chiếc áo dài trùm kín mình như một tấm vải liệm rộng, và không để lộ ra hình thù một con người ngoài khuôn mặt choắt và tái nhợt. Không có cánh tay trơ xương, giống như chiếc gậy trùm mảnh vải, mà lão già giơ lên để rọi hết ánh đèn vào chàng trai, thì bộ mặt kia tưởng như treo lơ lửng trong không. Một chòm râu màu tro và xén nhọn che lấp cằm của nhân vật lạ lùng đó, đầu lão trông giống những đầu người Do Thái mà các nghệ sĩ thường dùng làm mẫu để thể hiện Moïse[4]. Cặp môi lão ta nhợt nhạt quá đến mức phải đặc biệt chú ý mới mô phỏng được đường nét của cái miệng trên bộ mặt trắng bệch. Vầng trán rộng nhăn nheo của lão, đôi má tái xanh và lõm sâu, đôi mắt xanh lục ti hí vẻ khắc nghiệt tàn nhẫn, trụi cả lông mi lẫn lông mày, có thể làm cho chàng lạ mặt tưởng như Người cân vàng của Gérard Dow đang bước ra ngoài khung tranh. Cái sắc sảo pháp quan, lộ ra ở những đường nhăn khúc khuỷu và ở những nếp vòng tròn trên thái dương lão, chứng tỏ lão rất mực lõi đời. Không có thể đánh lừa nổi con người đó hình như có tài chộp được những tư tưởng thầm kín nhất trong đáy lòng người. Phong tục của hết thảy các dân tộc trên trái đất và những triết lý của họ thâu tóm trên bộ mặt lạnh lùng của lão, cũng như những sản vật của toàn cầu được chứa chất trong những kho hàng bụi bặm của lão; dường như anh nhận ra ở đó cái bình thản minh mẫn của một Thượng đế nhìn thấu khắp cả, hay cái năng lực kiêu hãnh của một con người đã lịch lãm sự đời.

Một họa sĩ có thể, bằng hai cách biểu hiện khác nhau và bằng hai nét bút dựa vào bộ mặt đó mà vẽ nên một bức tranh đẹp của đấng cha Bất diệt hay một mặt nhạo cười của Méphistophélès[5] là vì có cả một sức mạnh cao cả trong vầng trán lẫn vẻ nhạo báng nham hiểm trên miệng. Kẻ đó, nếu đã nhờ một quyền lực vô hạn mà khắc phục mọi đau khổ của con người, thì hẳn là đã thủ tiêu mọi lạc thú trần gian. Chàng sắp chết rợn mình mường tượng thấy lão thần kia sống đâu ở một khu vực xa lạ với trần thế, trơ trọi một mình không lạc thú vì lão không còn ảo tưởng; không đau khổ, vì hẳn không còn biết mừng vui. Lão già đứng đó bất động không rung chuyển như một ngôi sao giữa một làn ánh sáng; đôi mắt xanh lục đầy một cái gì như vẻ tinh ma bình thản, dường như soi sáng thế giới tinh thần cũng như ngọn đèn của lão đang soi sáng gian buồng huyền bí này.
Đó là cái cảnh tượng kỳ lạ, nó làm chàng trai sửng sốt lúc anh mở mắt ra sau khi mê man vì những tư tưởng muốn chết và những hình ảnh quái dị. Nếu anh ta ở vào tình trạng như ngây dại, nếu anh trong chốc lát để mình bị chế ngự bởi một niềm tin như lũ trẻ nghe vú em kể chuyện, thì phải quy sự lầm lạc đó vào tấm màn mà những trầm tưởng của anh đã phủ lên cuộc sống và trí tuệ anh, vào sự kích động thần kinh anh, vào tấn kịch tàn bạo mà những cảnh diễn ra vừa gây cho anh những khoái cảm khốc hại chứa đựng trong một viên thuốc phiện.

Cuộc ảo thị đó xảy ra ở Paris, trên đường bờ sông Voltaire, ở thế kỷ mười chín, thời gian và địa điểm ấy không thể có ảo thuật được. Đứng bên cạnh ngôi nhà là nơi mà ông thánh hoài nghi Pháp[6] đã tạ thế, là đồ đệ của Gay Lussac và Arago[7], là kẻ phỉ báng những trò quỷ thuật của bọn cầm quyền, chàng lạ mặt hẳn chỉ tuân theo những cám dỗ của văn thơ mà anh đã thừa nhận uy thế và chúng ta thường ưa thích như để trốn tránh những sự thật nản lòng, như để thách thức quyền lực của Thượng đế. Vì vậy anh run lên trước ánh sáng và lão già đó, lòng anh bối rối vì cái linh cảm khó hiểu về một quyền lực kỳ lạ nào đấy; nhưng mối xúc động đó giống như cái mà tất cả chúng ta đều cảm thấy khi đứng trước mặt Napoléon, hay trước một vị nhân tài năng lỗi lạc, rực rỡ vinh quang nào.

– Ông muốn xem chân dung Đức Chúa Jésus do Raphaël họa chăng? – Lão già nói với chàng trai một cách nhã nhặn, giọng sang sảng và gọn gàng như tiếng kim loại gì đó. Và lão đặt cái đèn lên trên thân một chiếc cột gãy, khiến cho bao nhiêu ánh sáng rọi vào chiếc hòm nâu.

Nghe đến những tên đầy tín ngưỡng của Jésus và Raphaël, chàng trai phác ra một cử chỉ tò mò, mà chắc chắn lão già chờ đợi khi lão làm bật một chiếc lò xo. Bỗng tấm biển bằng gỗ đào hoa tâm trượt theo một đường rãnh, êm lặng ngả xuống và bày ra một bức tranh cho chàng lạ mặt ngưỡng mộ. Nhìn thấy tác phẩm bất hủ đó, anh quên hết những cái kỳ quặc của gian hàng, những biến ảo của cơn mê trở lại thành con người, nhận ra ở lão già một nhân vật bằng xương bằng thịt, sống hẳn hoi, chẳng có gì là ảo tưởng, vì anh trở lại với thế giới thực tại. Vẻ ân cần đằm thắm, cái bình tĩnh dịu dàng của khuôn mặt thần thánh phút chốc tác động tới anh. Một hương thơm nào tự thinh không tỏa xuống làm tiêu tan những giày vò tàn khốc thiêu đốt đến xương tủy anh. Đầu Chúa Cứu thế dường như nhô ra ngoài bóng tối hình dung bằng một nền đen; một vòng hào quang rực sáng chung quanh mớ tóc mà ánh sáng tưởng như từ đó phát ra; dưới trán, dưới da thịt, cả một niềm tin mãnh liệt toát ra từ mỗi nét, qua những làn cảm khí thấm thía: từ cặp môi đỏ thắm vừa vang lên tiếng nói của sự sống, và khách xem tìm trong không cái âm hưởng linh thiêng, anh hỏi ở sự yên lặng những ngụ ý tuyệt diệu, anh lắng nghe tiếng đó trong tương lai, anh tìm nó trong những bài học của quá khứ. Kinh Phúc âm được diễn tả bằng cái bình dị của cặp mắt tôn quý kia trong đó những tâm hồn rối loạn vào ẩn náu; sau hết toàn bộ giáo lĩnh của người bộc lộ ở một nụ cười dịu hiền và lộng lẫy. Nó dường như nói lên lời huấn thị này thâu tóm cả đạo lý: Hãy thương yêu nhau! Bức họa đó giục một lời cầu nguyện, khuyên sự khoan dung, dập tắt lòng vi kỷ, thức dậy những đức hạnh còn nằm yên. Cũng như âm nhạc dễ làm say mê, tác phẩm của Raphaël nhất thiết lôi cuốn anh vào hứng thú của những hồi tưởng và bị chinh phục hoàn toàn, người ta quên mất họa sĩ. Uy lực của ánh sáng lại tác động thêm vào tác phẩm kỳ diệu đó; thỉnh thoảng, dường như cái đầu vươn lên cao xa, vừa áng mây nào đó.

– Tôi đã đắp lên bức tranh này bao nhiêu tiền vàng – lão bán hàng lạnh lùng nói.

– Chà, thế thì phải chết thôi, – chàng trai thốt lên, và bừng khỏi một cơn mê và điều tâm tư cuối cùng đã kẻo anh trở lại cái số mệnh đã định của anh, qua những suy diễn lần lần, rời anh khỏi mối hy vọng cuối cùng mà anh đã bám lấy.

– Ái chà! Té ra ta nghi ngờ anh là có lý! – Lão già vừa đáp vừa nắm lấy hai cổ tay chàng trai, siết chặt bàn tay như một gọng kìm.

Chàng lạ mặt rầu rĩ mỉm cười vì sự lầm lẫn đó và dịu dàng nói:

– Ấy! Thưa cụ, cụ đừng sợ, đó là nói tôi chết chứ không phải cụ… Sao ta chẳng thú thực một việc giả trá vô tội, – anh lại nói sau khi nhìn lão già lo lắng, – tôi vào xem những bảo vật của cụ là để chờ tối đến sẽ đi trẫm mình cho khỏi tai tiếng. Ai mà chẳng tha thứ cho cái thích thú cuối cùng này ở một con người khoa học và văn thơ?

Lão bán hàng đa nghi vừa giường mắt sắc sảo ngắm nghía bộ mặt rầu rĩ của người khách hàng giả hiệu vừa lắng nghe anh nói. Lập tức yên lòng vì giọng nói đau đớn ấy, hay có lẽ qua những nét mặt nhợt nhạt nhìn thấy cái số mệnh bi thảm vừa nãy đã từng làm cho đám khách đánh bạc rợn mình, lão ta buông tay ra; nhưng vì còn chút nghi ngờ nó để lộ ra cái kinh nghiệm của ít ra hàng trăm năm, lão hờ hừng giơ tay về phía một chiếc tủ bát đưa như đế vịn, và vừa cầm lấy một mũi dao nhọn vừa nói:

– Anh có phải là viên chức ngoại ngạch sở ngân khố đã ba năm nay chẳng được tiền thưởng gì không?

Chàng lạ mặt không nhịn được mỉm cười và làm hiệu rằng không.

– Cụ thân sinh anh có quá lời mắng nhiếc anh vì anh đã ra đời không, hay anh đã bị nhục điều gì chăng?

– Nếu tôi muốn chịu nhục thì tôi đã sống.

– Anh có bị huýt sáo ở nhà hát Funambules[8] không, hay anh đã bắt buộc phải làm ra những bài vè tục tĩu để lấy tiền đưa ma tình nhân anh? Hoặc giả anh mắc bệnh tham vàng chăng? Anh muốn trút bỏ ưu phiền đi chăng? Tóm lại điều lầm lạc gì khiến anh phải tự tử?

– Cụ chẳng nên tìm nguyên nhân cái chết của tôi ở những lý do tầm thường, nó xui nên phần lớn các vụ tự sát. Để miễn cho tôi bộc lộ những nỗi đau đớn khôn xiết mà cũng khó diễn tả được bằng tiếng nói con người, tôi chỉ xin nói với cụ rằng tôi đang bị nỗi khổ sâu xa nhất ê chề nhất, cay đắng nhất trong mọi cực khổ. Và, – anh nói thêm bằng một giọng kiêu hãnh tàn nhẫn nó cải chính những lời vừa nói xong – tôi chẳng muốn van xin sự cứu giúp cũng như lời an ủi.

– A ha!- Hai tiếng mà lão già thốt ra đó thay tất cả lời đáp, giống như tiếng kèn kẹt. Rồi lão nói tiếp như sau:

– Chẳng bắt anh van xin tôi, chẳng làm cho anh phải xấu hổ, và chẳng cho anh một đồng centime của Pháp, một đồng parat của phương Đông, một đồng tarain của Sicile, một đồng heller của Đức, dù một đồng xu của thế giới cũ, cho đến một đồng bạc của thế giới mới[9], chẳng tặng anh bất cứ cái gì bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng giấy, bằng phiếu, tôi muốn làm anh trở nên giàu có hơn, quyền thế hơn, và được trọng vọng hơn cả một ông vua lập hiến.

Chàng trai tưởng lão già ngớ ngẩn nên đứng đờ ra không dám trả lời. Anh hãy quay lại đi, – lão già vừa nói vừa đột nhiên vớ lấy chiếc đèn để chiếu ánh sáng lên bức tường đối diện với bức chân dung, – và hãy nhìn MIẾNG DA LỪA này, – lão nói thêm.

Chàng trai vùng dậy tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy bên trên ghế anh ngồi một miếng da lừa treo trên tường, không lớn hơn một tấm da cáo; nhưng, do một hiện tượng thoạt tiên khó hiểu, miếng da đó phóng vào giữa khoảng tối mò ở gian hàng những tia sáng rực rỡ tưởng như của một ngôi sao chổi nhỏ. Chàng trai đa nghi đến gần tấm bùa giả định đó nó sẽ cứu nạn anh, và thầm nói một lời nhạo báng. Tuy nhiên do một sự tò mò chính đáng thúc đẩy, anh cúi xem lần lượt tất cả các khía cạnh, và chẳng bao lâu khám phá ra nguyên nhân thực tế của cái ánh sáng kỳ lạ đó; những hạt cát của tấm da được mài nhẵn kỹ càng quá và đánh bóng quá, những đường sọc dọc ngang của nó sạch sẽ trơn tru quá đến mức những chỗ lồi lõm của tấm da Đông phương đó, giống như những mặt nhỏ của viên ngọc thạch lựu, tạo thành bấy nhiêu tiêu điểm nhỏ phản chiếu ánh sáng rực rỡ. Anh chứng minh bằng toán học nguyên do của hiện tượng đó cho lão già; lão ta, thay lời đáp, mỉm cười một cách hóm hỉnh. Cái nụ cười trịch thượng đó làm cho nhà bác học trẻ tuổi tưởng mình đang bị một trò ảo thuật nào mê hoặc. Anh không muốn mang theo xuống mồ thêm một điều bí ẩn nên vội lật tấm da lại như một đứa trẻ nóng muốn biết những bí ẩn của món đồ chơi mới của nó.

– A ha! – Anh kêu lên, – đây là dấu ấn mà người phương Đông gọi là ấn của Salomon.

– Thế ra anh biết nó? – lão già hỏi, lỗ mũi lão phì hơi ra hai ba lần, cái đó diễn tả nhiều ý hơn cả những lời hùng hồn nhất.

– Ở đời có kẻ nào ngây thơ đến mức tin vào điều ảo tưởng đó không, – Chàng trai kêu lên, vì bị khích bởi nụ cười thầm và đầy nhạo báng chua cay.

– Cụ có biết rằng, – anh nói thêm, những dị đoan của phương Đông đã xác định hình thái thần bí và những tính chất ngoa truyền của cái biểu chương này nó hình dung một uy lực hoang đường? Tôi không nghĩ rằng trong trường hợp này tôi lại bị coi là ngu ngốc hơn khi tôi nói đến những quái vật đầu người mình sư hay mình sư đầu cánh chim ưng, mà sự tồn tại về mặt nào đó có thể thừa nhận một cách khoa học được.

– Anh là một nhà Đông phương học, – lão già đáp, – thì có lẽ anh đọc được lời phán quyết này.

Lão mang chiếc đèn lại gần tấm bùa mà chàng trai đã quay mặt trái lại, và cho anh trông thấy những nét khảm vào cơ cấu của tế bào của tấm da kỳ diệu đó, tưởng như đó là sản phẩm của con vật xưa kia có bộ da ấy.

– Tôi thú thật, – chàng lạ mặt thốt lên, – là tôi không đoán ra phương pháp người ta đã dùng để khảm những chữ này vào da một con lừa sâu đến thế.

Rồi quay ngoắt lại phía những bàn chất đầy kỳ vật, mắt anh dường như muốn tìm cái gì.

– Anh muốn gì? – Lão già hỏi.

– Một vật để cắt miếng tra xem những chừ này là in hay khảm vào. Lão già đưa con dao nhọn cho chàng lạ mặt, anh ta cầm lấy và thử xén tấm da vào chỗ ghi những lời nới: nhưng, khi anh ta cắt ra được một lần da mỏng thì những chữ lại hiện ra rất rõ và y hệt như những chữ in trên bề mặt đến nỗi trong chốc lát, anh tưởng như chưa lấy đi chút gì cả.

– Công nghệ của phương Đông có những bí quyết thật sự riêng biệt của nó, – anh vừa nói vừa ngắm lời phán quyết phương Đông như có vẻ lo lắng.

– Đúng, – lão già đáp, – nên trách cứ vào con người hơn là vào Trời?

Những lời bí mật được sắp đặt theo cách sau đây[10]:

NẾU MI CÓ TA, MI SẼ CÓ HẾT THẢY,

NHƯNG ĐỜI MI SẼ THUỘC VỀ TA, TRỜI ĐÃ ĐỊNH THẾ.

HÃY ƯỚC ĐI, LỜI ƯỚC MI SẼ ĐƯỢC TOẠI,

NHƯNG HÃY CHỈNH LỜI ƯỚC THEO CUỘC ĐỜI MI.

NÓ ĐÂY NÀY. MỖI LẦN UỚC, TA SẼ CO LẠI

NHƯ TUỔI ĐỜI MI VẬY.

MUỐN TA CHĂNG?

CẦM LẤY.

TRỜI CHUẨN CHO MI.

ĐƯỢC RỒI!

– Chà! Anh đọc chữ Phạn thạo đấy, – lão già nói. – Có lẽ anh đã sang Ba Tư hay Bengale[11]?

– Thưa cụ, chưa! – Chàng trai vừa trả lời vừa tò mò sờ nắn miếng da tượng trưng đó nó gần giống như một lá kim loại không dễ uốn.

Lão già lại đặt chiếc đèn lên cột lúc trước và đưa rất nhìn chàng trai với vẻ mỉa mai lạnh lùng như muốn nói: “Thế là hắn không nghĩ tới chết nữa”.

– Phải chăng đây là một chuyện đùa, hay một bí ẩn? Chàng lạ mặt hỏi.

Lão già lắc lư cái đầu và nghiêm nghị nói:

– Tôi không biết trả lời anh thế nào. Tôi đã tặng cái quyền lực kinh khủng của tấm bùa này cho những người tưởng như có nhiều nghị lực hơn anh, – nhưng hết thảy họ đều nhạo báng cái tác động khả nghi của tấm bùa này đối với số mệnh của họ, và không một ai muốn liều mạng ký bản hợp đồng chẳng biết quyền lực nào đã đề ra tai ác như vậy. Tôi cũng nghĩ như họ, tôi đã nghi ngờ, tôi xin chịu, và…

– Và cụ cũng đã không thử xem? – Chàng trai ngắt lời lão để nói.

– Thử, – lão già nói. – Ví như anh đứng trên cột quảng trường Vendôme[12], anh có thử lao mình xuống hay không? Ai có thể hãm dòng đời lại được chăng? Con người bao giờ có thể chia cắt cái chết ra được? Trước khi bước vào phòng này anh đã quyết định sẽ tự tử: nhưng bỗng chốc một điều bí mật làm cho anh bận tâm và làm anh quên việc chết. Chàng trai ạ! Mỗi tuổi đời của anh họ chẳng mang lại cho anh một bí ẩn còn hay hơn cả điều này hay sao? Anh hãy nghe tôi. Tôi đã từng chứng kiến triều đại nhiếp chính vương rối loạn[13]. Cũng như anh, tôi đã sống trong cực khổ, tôi phải đi xin ăn; mặc dầu thế tôi đã sống được tới một trăm lẻ hai tuổi và tôi trở nên triệu phú: bần cùng đã đem lại cho tôi của cải, dốt nát đã dạy dỗ tôi. Tôi sẽ tóm tắt tiết lộ cho anh một bí quyết lớn của đời người: con người tự hủy hoại bằng hai hành động thuộc bản năng, nó làm kiệt quệ nguồn sinh lực. Hai động từ biểu thị tất cả mọi hình thái của hai cái nguyên nhân làm chết người đó là: ước muốn và có thể. Giữa hai phương thức hành động, con người đó còn có một phương thức khác mà các bậc hiền triết giành lấy, và tôi nhờ nó mà được hạnh phúc và trường thọ. Uớc muốn thiêu đốt chúng ta và có thể huỷ diệt chúng ta: nhưng hiểu biết đặt cơ thể yếu ớt của chúng ta vào trạng thái bình tĩnh vĩnh viễn. Như vậy là trong tôi có cái thèm khát hay ước muốn đã bị tư tưởng giết chết; còn sự vận động hay cái có thể được giải quyết bằng sự vận dụng tự nhiên của cơ thể tôi. Tóm lại, tôi đã đặt sự sống của tôi, không phải quả tim nó sẽ tan nát đi, không phải vào cái giác quan nó sẽ mòn nhụt đi, mà vào khối óc nó không hao mòn và sống lâu hơn tất thảy. Chẳng có cái gì thái quá đã xúc phạm đến cả tâm hồn lẫn thể xác tôi. Thế mà tôi đã từng tham quan cả thế giới: bàn chân tôi đã bước lên những ngọn núi cao nhất của châu Á và châu Mỹ, tôi đã học tất cả các ngôn ngữ của loài người và tôi đã sống dưới hết thảy mọi chế độ: tôi đã từng cho một người Trung Hoa vay tiền lấy thân thể của bố hắn làm vật bảo đảm, tôi đã từng ngủ dưới lều của người Ả rập vì tin vào lời nói của hợp đồng ở khắp các thủ phủ châu Âu. Và tôi đã không ngại gửi vàng ở nhà lá của người man rợ, nói tóm lại tôi đã có được tất cả vì tôi đã biết coi khinh tất cả. Cái tham vọng duy nhất của tôi là được xem. Xem, phải chăng đó là hiểu biết? Ồ, hiểu biết, chàng trai ạ, phải chăng đó là hưởng thụ một cách trực quan? Phải chăng đó là khám phá ra ngay bản chất của sự việc và chiếm lĩnh nó về cơ bản. Sự chiếm hữu của cải vật chất rút cục rồi còn để lại cái gì? Một ý niệm. Anh hãy xét xem đẹp biết bao cuộc sống của một người có thể in dấu vết tất cả mọi thực tại vào tư tưởng của mình, đem vào trong tâm hồn mình những cội nguồn của hạnh phúc, từ đó rút ra hàng nghìn khoái lạc tinh thần đã giũ sạch những uế tạp trần tục.

Tư tưởng là chìa khóa của mọi kho tàng, nó đem lại niềm vui của kẻ biển lận mà không đưa tới lo âu của hắn. Vì vậy tôi đã bay lượn bên trên thế gian, ở đó những thú vui của tôi bao giờ cũng là những hưởng thụ trí tuệ. Những hành lạc của tôi là sự thưởng ngắm biển cả, các dân tộc, rừng rú núi non. Tôi đã xem hết thảy, nhưng bình thản, không mỏi mệt; tôi chẳng bao giờ đã thèm muốn cái gì, tôi chờ đón tất thảy; tôi ngao du trong vũ trụ như trong vườn nhà riêng của tôi. Cái mà mọi người gọi là ưu phiền yêu đương, tham vọng, tai nạn, buồn rầu đối với tôi là những ý niệm mà tôi biến thành mơ tưởng; tôi không cảm giác chúng mà là tôi biểu hiện chúng, tôi diễn tả chúng; tôi không để chúng nghiến ngấu cuộc đời tôi mà tôi kịch hóa chúng, tôi phát triển chúng, tôi lấy chúng để mua vui như những tiểu thuyết mà tôi đọc bằng con mắt bên trong. Vì chưa bao giờ làm mỏi mệt cơ thể cho nên tôi vẫn còn đang sung sức; tâm hồn tôi vì được thừa hưởng hết sức lực mà tôi không lạm dụng, cho nên cái đầu này còn được trần thiết đầy đủ hơn những gian hàng của tôi. Ở đây này, – lão vừa nói vừa vỗ vào trán lão, – ở đây có bạc triệu thật sự. Tôi sống những ngày thú vị bằng cách ngước mắt sáng suốt nhìn lại dĩ vãng, tôi hồi tưởng lại những xứ sở toàn vẹn những phong cảnh, những cảnh Đại dương, những hình tượng đẹp theo lịch sử? Tôi có một nội dung tưởng tượng trong đó tôi làm chủ tất cả những người đàn bà mà tôi không có. Tôi thường nhìn lại những cuộc chiến tranh những cuộc cách mạng của các anh và tôi phê phán. Chao ô! Sao mà lại ưa chuộng sự hâm mộ nóng nảy và hời hợt những da thịt nhiều hay ít tươi thắm, những hình thù nhiều hay ít tròn tràn? Sao mà lại ưa chuộng tất cả những tai vạ của ý muốn không đạt, hơn là cái khả năng cao siêu làm hiện diện cả vũ trụ trong con người mình, hơn là cái thú vô ngần chuyển mình mà không bị trói buộc bởi những sợi dây của thời gian cũng như bởi những chướng ngại của không gian, hơn là cái thú bao quát hết thảy, nhìn xem hết thảy, nghiêng mình ở chỗ biên cương thế giới để tra cứu những khu vực khác, để lắng nghe Thượng đế!

– Vật này, – lão vừa cất giọng vang vang nói vừa chỉ miếng Da lừa, – là cả điều có thể và điều ước muôn tập hợp lại. Ở đó là những ý niệm xã hội của anh, những thèm muốn thái quá của anh, những điều phóng túng của anh, những niềm vui giết người, những đau đớn làm cho sống mãnh liệt; là vì điều ác có lẽ chỉ là một thú vui kịch liệt. Ai mà có thể xác định được cái điểm mà khoái lạc trở thành một điều ác và cái điểm mà điều ác đang còn là khoái lạc? Phải chăng những ánh sáng chói lọi nhất của thế giới tinh thần xoa dịu con mắt, thế mà những bóng tối êm ả nhất của thế giới vật chất bao giờ cũng làm cho nó bị tổn thương, chữ Trí năng phải chăng cũng đồng nghĩa với chữ Hiểu biết[14]? Và điên rồ là cái gì, nếu chẳng phải là sự thái quá trong điều ước muốn hay trong điều có thể?
– Thế thì đúng đấy, tôi muốn sống thái quá, – chàng lạ mặt vừa nói vừa nắm lấy miếng da lừa.

– Chàng trai, hãy coi chừng, – lão già thét lớn một cách không ngờ. – Tôi đã từng giải quyết cuộc đời tôi bằng học tập và bằng tư tưởng; nhưng những cái đó cũng đã chẳng nuôi sống tôi được. Tôi không muốn mắc lừa vì một lời tiên tri kiểu Swedenborg[15] cũng như vì tấm bùa phương Đông của cụ, cũng như, thưa cụ, vì những cố gắng nhân từ của cụ để giữ tôi ở lại cái thế giới mà tôi từ nay không thể sống ở đó được nữa.

– Thử xem! – anh vừa nói tiếp vừa siết chặt tấm bùa trong bàn tay run rẩy và nhìn lão già.

– Tôi ước muốn một bữa tiệc lộng lẫy một cách đế vương, một cuộc đánh chén ê hề xứng đáng với thời đại mà, theo người ta nói, tất thảy đều được cải tiến. Ước rằng khách dự tiệc của tôi đều trẻ tuổi, tài trí và không định kiến, vui vẻ đến điên cuồng! Ước rằng rượu uống mỗi lúc càng thêm cay xé, thêm lóng lánh, và đủ sức làm chúng tôi say trong ba ngày. Uớc rằng dạ hội được tô điểm bằng những người đàn bà nồng nhiệt! Tôi ước rằng thần Tửu sắc điên cuồng và gào thét mang chúng tôi đi trên xe tứ mã, vượt biên cương của thế giới, để đổ chúng tôi xuống những bãi biển xa lạ: rằng mọi linh hồn vượt lên trời hay lút xuống bùn; tôi không biết như vậy là chúng thăng hay giáng, cái đó chẳng hề chi! Tóm lại tôi yêu cầu cái uy lực ghê gớm này hãy cô đúc hết mọi lạc thú vào một lạc thú. Thật đấy, tôi cần phải ôm hết mọi thú vui của trời đất trong một cái siết tay cuối cùng đến chết. Vì thế tôi ước mong cả những bài thơ tục cổ xưa sau chén rượu, cả những bài hát làm người chết thức dậy, cả những chiếc hôn liên hồi, những chiếc hôn bất tận vang ồn lên cả Paris như tiếng nổ đám cháy, đánh thức dậy những cặp vợ chồng và thổi bốc lên ở họ lòng nồng nhiệt, nung nấu nó, làm trẻ lại cả những ông lão bảy mươi.

Từ miệng lão già bé choắt, bật ra một tiếng cười, vang vào tai chàng trai điên rồ như tiếng rì rầm của địa ngục, và áp đảo làm cho anh sừng sờ đến mức anh phải im bặt.

– Dễ thường anh tưởng, – lão bán hàng nói, – sàn nhà của tôi bỗng nhiên nứt ra để xuất hiện những chiếc bàn tiệc thịnh soạn và những khách ăn của thế giới bên kia chăng? Không đâu, không, chàng trai ngờ nghệch ạ. Anh đã ký giao kèo, thề là dứt khoát. Bây giờ những ý muốn của anh sẽ được thỏa mãn đầy đủ, nhưng tính mệnh của anh sẽ phải bù lại. Vòng tuổi đời của anh, hình dung bằng miếng da này, sẽ co hẹp lại tùy theo những ước nguyện của anh nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, từ điều ước muốn giản dị nhất cho đến điều phiền toái nhất. Người Brachmane[16] trao cho tôi tấm bùa này xưa kia đã giải thích với tôi rằng giữa số mệnh và những lời ước nguyện của kẻ chiếm hữu có một sự kết hợp bí mật. Điều ước muốn đầu tiên của anh rất tầm thường, tôi cũng có thể thực hiện được; nhưng tôi để việc đó mặc cho những biến diễn của cuộc sống mới của anh. Chung quy anh muốn chết phải không? Chà! Việc tự sát của anh chỉ là khoan lại mà thôi.

Ngạc nhiên và gần như cáu kỉnh vì thấy mình cứ bị lão già lạ lùng đó trêu chọc mãi, dụng ý nửa thương người của lão đã được chứng minh rõ ràng trong lời nhạo cuối cùng đó, chàng lạ mặt kêu lên:

– Thưa cụ, tôi sẽ biết rõ số phận của tôi có thay đổi hay không trong khoảng thời gian tôi vượt hết chiều rộng con đường bờ sông. Nhưng nếu quả thật cụ không chế nhạo một kẻ khốn khổ, thì để trả thù một sự giúp đỡ tai hại đến thế, tôi ước muốn cụ sẽ phải lòng một vũ nữ! Bấy giờ cụ sẽ hiểu hạnh phúc của một sự trụy lạc, và có lẽ cụ sẽ vung tay hoang phí bao nhiêu của cải mà cụ đã giữ gìn rất mực theo kiểu triết nhân.

Anh ta bước ra mà không nghe thấy một tiếng thở dài não ruột của lão già, anh vượt qua các phòng và xuống cầu thang, cậu bé má phính đi theo để định soi đường mà uổng công; anh chạy mau lẹ như một tên ăn trộm bị bắt quả tang. Bị một thứ điên cuồng làm mù quáng, anh không nhận thấy ngay cả tính chất co giãn lạ lùng của miếng Da lừa có trở nên mềm như một chiếc găng tay, cuộn tròn trong bàn tay nóng hầm hập của anh và có thể lọt vào túi áo ngoài mà anh đút vào như một cái máy. Khi lao mình từ cửa hàng ra mặt đường, anh va phải ba chàng trai khoác tay nhau đi.

– Đồ khỉ!

– Đồ ngu!

Đó là những lời đối đáp nhã nhặn mà họ đã trao đổi với nhau.

– Ơ kìa! Raphaël đó mà.

– À tốt quá! Bọn tao tìm mày mãi.

– Sao? Cậu đấy à?

Ba lời thân mật đó tiếp theo tiếng chửi rủa liền khi ánh một chiếc đèn lồng bị gió đung đưa rọi vào mặt đám người ngỡ ngàng ấy.

– Anh bạn ạ, – Chàng trai mà anh suýt nữa làm ngã nói với Raphaël, – anh đi với chúng tôi.

– Có chuyện gì vậy?

– Cứ đi, tôi sẽ vừa đi vừa kể câu chuyện anh nghe.

Do cưỡng bách hay vì thiện ý, Raphaël bị các bạn vây quanh, họ khoác tay anh nhập vào đoàn người vui nhộn, kéo anh về phía Cầu nghệ thuật.

– Anh bạn ạ, – diễn giả nói tiếp – chúng tôi đi tìm kiếm anh từ khoảng một tuần nay. Đến quý khách sạn Saint-Quentin, xin mở ngoặc: tấm biển bất khả di chuyển của nó bày ra những chữ cứ mãi mãi lần lượt hết đen lại đỏ như thời J.J. Rousseau, thì bà Léonarde[17] của anh bảo anh đã về quê từ tháng Sáu. Tuy rằng chúng tôi quả thật chẳng có vẻ những kẻ liên quan đến tiền bạc như mõ tòa, chủ nợ, cảnh vệ thương nghiệp… Mặc dầu Rastignac đã nhang nhác thấy anh đêm trước ở nhà hát Bouffons[18], chúng tôi lấy lại can đảm, và tự khích lòng tự phụ để phát hiện xem anh có đậu trên cây ở đường Champs-Elysées, anh có đi ngủ trọ hai xu ở những nhà tế bần mà kẻ ăn xin ngủ dựa vào những dây căng thẳng, hay hạnh phúc hơn, anh đóng trại ở nơi khuê phòng nào chăng. Chúng tôi chẳng tìm thấy anh đâu, cả ở sổ tù nhà lao Sainte Pélagie lẫn sổ tù nhà lao La Force[19]! Các bộ, viện ca kịch, các nhà tu, tiệm cà phê, thư viện, danh bạ quận trưởng, văn phòng nhà báo, tiệm ăn, phòng diễn viên nhà hát tóm lại tất cả mọi nơi cả xấu lẫn tốt của Paris đều được thăm dò chu đáo, chúng tôi than vãn vì mất một người có đủ thiên tài để người ta tìm kiếm cả ở triều đình lẫn ở nhà lao. Chúng tôi đã bàn nhau phải phong anh như một anh hùng tháng Bảy[20]! Và, cam đoan là chúng tôi thương tiếc anh.

Vừa lúc đó Raphaël cùng các bạn đi qua cầu Nghệ thuật, anh không nghe họ nói và nhìn sông Seine nước gầm reo phản chiếu ánh đèn Paris. Trên con sông này, mà trước đó không lâu anh muốn gieo mình xuống những lời tiên đoán của lão già đã thực hiện, giờ chết của anh đã dứt khoát bị lui chậm lại.

– Và chúng tôi thật sự thương tiếc anh, – người bạn anh vẫn tiếp tục cái luận điệu của y – chẳng là chúng tôi nhập anh vào một kế hoạch với tư cách anh là một con người ưu việt, nghĩa là con người biết đặt mình lên trên hết thảy. Ngày nay tình trạng cái hiến pháp quỷ thuật biến mất dưới chiếc chén ngọc của nhà vua[21] trầm trọng hơn bao giờ hết. Cái nền Quân chủ đê hèn bị nhân dân anh hùng lật đổ là một mụ đàn bà xấu nết mà người ta có thể cười đùa và chè chén với mụ được; nhưng Tổ quốc là một người vợ cáu kỉnh và đức hạnh mà chúng ta dù muốn hay không cũng phải đón nhận những cái vuốt ve có đắn đo. Thế mà, như anh biết đấy, quyền hành đã chuyển từ điện Tuileries[22] sang bọn làm báo, cũng như ngân sách đã đổi khu, đi từ khu phố Saint-Germain sang phố Chaussée-d’Antin[23]. Nhưng có cái điều này mà có lẽ anh chưa biết. Chính quyền, nghĩa là bọn quý tộc ngân hàng và thầy kiện, ngày nay lợi dụng Tổ quốc như xưa kia, bọn thầy tu lợi dụng nền quân chủ, đã cảm thấy sự cần thiết phải mê hoặc nhân dân Pháp hiền lành bằng những lời mới và ý cũ, kiểu như các triết gia của mọi trường phái và các nhân vật cự phách ở mọi thời đại. Vậy thì vấn đề là phải nhồi nhét vào đầu óc chúng ta cái tư tưởng quốc gia dân chủ. bằng cách chứng minh với chúng ta rằng đóng một nghìn hai trăm triệu ba mươi ba centime cho Tổ quốc do các vị này đại điện thì sung sướng hơn là đóng một nghìn mốt triệu lẻ chín centime cho một ông vua, ông ấy xưng ta chứ không xưng chúng ta. Nói tóm lại, một tờ báo trang bị bằng hai ba trăm phiếu một nghìn quan vừa được thành lập với mục đích tạo ra một phe đối lập, nó thỏa mãn những kẻ bất mãn mà chẳng hại đến chính phủ quốc gia của ông Vua công dân[24]. Thế mà, vì chúng ta bất cần cả tự do lẫn chuyên chế, tín ngưỡng lẫn bất tín; đối với chúng ta, Tổ quốc là một thủ đô ở đó mọi ý kiến được giao lưu ở đó ngày nào cũng dẫn tới bữa ăn ngon, kịch hát nhiều, ở đó nhung nhúc những ả gái điếm, những tiệc đêm thấu sáng, những chuyện tình có giờ giấc như xe hàng: Paris mãi mãi sẽ là tổ quốc yêu quý nhất, Tổ quốc của vui chơi, của tự do, của trí tuệ, của gái đẹp, của bầy tôi xấu, của rượu ngon, và ở đó không bao giờ cảm thấy gõ mạnh chiếc quyền trượng vì người ta ở gần những kẻ cầm nó trong tay.

Chúng ta, những tín đồ công khai chính cống của ông thánh Méphistophélès! Chúng ta đã quyết tâm quét sơn lên tinh thần công chúng, đổi áo cho diễn viên, đóng những tấm ván mới cho chiếc quán chính quyền? Bốc thuốc cho đảng viên lập hiến[25], xào nấu lại những đảng viên cộng hòa già, cọ rửa những đảng viên đế chính[26] và tiếp tế cho các phái trung tâm, miễn là cho phép chúng ta được cười in petto[27] từ vua cho đến nhân dân, được sớm chiều không giữ một ý kiến, và được sống một cuộc đời vui kiểu Panurge[28] hay more orientali[29], nằm dài trên những chiếc đệm êm ái. Chúng tôi dành cho anh rường mối của bài vè đế quốc ca và hài hước đó, vì vậy bây giờ chúng tôi dẫn anh tới bữa tiệc của tay sáng lập viên tờ báo đó chiêu đãi, hắn là một chủ nhà băng về vườn, không biết dùng vàng làm gì và muốn biến nó thành trí tuệ. Ở đó anh sẽ được đón tiếp như một người anh em, chúng tôi sẽ giới thiệu anh như ông vua của những khối óc phản kháng không hoảng sợ vì một cái gì, và minh mẫn đến nước phát hiện ra ý đồ của nước Áo, nước Anh hay nước Nga, ngay cả trước khi Nga, Anh hay Áo có những ý đồ gì! Thật đấy, chúng tôi sẽ tôn anh làm bậc chúa tể của những năng lực trí tuệ đã từng cung cấp cho thiên hạ những Mirabeau, những Talleyrand, những Pitt, những Metternich[30], tóm lại hết thảy những tay Crispin[31] táo gan ấy, họ đánh cá với nhau vận mệnh một đế quốc như những kẻ tầm thường đánh cá với nhau cốc rượu anh đào trong ván bài cẩu. Chúng tôi đã ca tụng anh như người bạn dũng mãnh nhất, chưa bao giờ ép mình xiết chặt trong tay thần Hành lạc, con quái vật kỳ lạ mà hết thảy, những con người hùng đều muốn vật lộn với nó!
Chúng tôi quả quyết hẳn rằng nó chưa khuất phục được anh. Tôi mong rằng anh chẳng phụ những lời ca tụng đó. Taillefer, Mạnh Thường Quân[32] của chúng ta, đã hứa vượt hẳn những cuộc hành lạc tẹp nhẹp của những tên Lucullus[33] tiểu yêu hiện đại. Hắn đủ tiền bạc để khoác cái lớn lao cho những chuyện nhỏ bé, cái lịch sự và duyên dáng cho thói hư. Anh có nghe không, Raphaël ? – Diễn giả ngừng lại để hỏi anh.

– Có. – Chàng trai đáp, anh không lạ lùng vì sự thực hiện nhũng lời ước nguyện bằng ngạc nhiên, vì cái cách tiến diễn tự nhiên của những biến cố và mặc dù anh không thế tin vào một phép ma, anh cũng lấy làm kỳ về những ngẫu nhiên của số phận con người.

– Nhưng cậu nói có với chúng tớ sao mà như khi cậu nghĩ đến ông nội cậu chết vậy? – một chàng đi bên cạnh anh nói.

– Ha! – Raphaël tiếp bằng một giọng ngây thơ khiến cho các nhà văn kia, hy vọng của nước Pháp trẻ, phải bật cười, – tôi nghĩ rằng, các bạn ạ, thế là chúng ta sắp trở thành những tay đểu cáng vĩ đại! Cho tới nay chúng ta đã làm chuyện bất kính giữa hai chén rượu, chúng ta đã cân nhắc cuộc đời giữa cơn say, chúng ta đã đánh giá người và vật trong khi tiêu cơm; không mó đến công việc, chúng ta bạo dạn cái mồm; nhưng bây giờ bị miếng sắt nung của chính trị ghi dấu lên mặt, chúng ta sắp bước vào cái nhà ngục lớn đó để cho tiêu tan mọi ảo tưởng của chúng ta. Khi người ta chỉ còn tin ở quỷ sứ thì cho phép được hối tiếc thiên đường của tuổi thanh niên, cái tuổi ngây thơ mà chúng ta thành kính thè lưỡi ra trước một linh mục phúc đức để tiếp nhận thánh thể[34]. A ha! Các bạn hiền ơi, nếu chúng ta đã thích thú biết bao khi phạm những tội đầu tiên, đó là vì chúng ta đã tô điểm chúng bằng sự hối hận và gán cho chúng chất cay, vị đậm; còn như bây giờ…

– Chao ôi! Bây giờ, – người nói thứ nhất tiếp, đối với chúng ta chỉ còn…

– Còn gì? – Một người khác hỏi.

– Tội lỗi.

– Đó là một tiếng có tầm cao bằng chiếc giá treo cổ và chiều sâu bằng sông Seine, Raphaël đáp.

– Ồ! Anh không hiểu lời tôi. Tôi nói những tội chính trị kia. Từ sáng nay tôi chỉ ước ao một cuộc sống, cuộc sống của những kẻ âm mưu nổi loạn. Ngày mai tôi không biết ý ngông cuồng của tôi còn hay không; nhưng buổi chiều nay cuộc sống mờ nhạt của nền văn minh chúng ta, bằng phẳng như rãnh một con đường sắt, làm cho tim tôi chồm lên vì ghê tởm? Tôi đâm mê mệt nhiệt tình đối với những bất hạnh của cuộc chiến bại Mạc Tư Khoa[35] đối với những xúc động của tay Cướp biển đỏ[36] và đối với cuộc sống của những tay buôn lâu. Vì ở Pháp không còn tu sĩ dòng Chartreux[37] nữa, tôi muốn ít ra có một Botany bay[38], một thứ bệnh xá dành cho mình tiểu huân tước Byron. Họ, sau khi đã vò nát cuộc đời như một chiếc khăn sau bừa ăn, họ không còn việc gì khác là thiêu đốt xứ sở của họ, bắn vỡ sọ mình, âm mưu dựng nền cộng hòa, hay yêu cầu chiến tranh…

– Emile ạ, – chàng đi bên cạnh Raphaël sôi nổi nói với người trên kia, – nói thành thực, nếu không có cuộc cách mạng tháng Bảy thì tôi đã đi tu để về sống một cuộc đời muông thú ở tận vùng nông thôn xa xôi nào, và…

– Và hàng ngày cậu sẽ đọc kinh?

– Đúng.

– Cậu là một thằng hợm.

– Thì chúng ta vẫn đọc báo đấy thôi.

– Khá! Đối với một nhà báo. Nhưng cậu hãy im đi, chúng ta đang đi giữa một đám người mua báo. Báo chí, cậu thấy không, đó là tôn giáo của những xã hội hiện đại, và đã có tiến bộ.

– Sao? – Các bậc giáo trưởng không bắt buộc phải tin, cả nhân dân cũng vậy…

Đang chuyện trò như thế, kiểu như những kẻ lương thiện đã từng đọc từ lâu cuốn De Viris illustribus[39] thì họ bước tới một khách sạn ở phố Joubert.

Emile là một nhà báo vì không làm gì cả mà đã lừng danh và còn nhiều hơn những người khác lừng danh vì thành công. Là một nhà phê bình táo bạo, đầy nhiệt tình và cay chua, anh có tất cả những ưu điểm nằm trong nhược điểm của anh. Thật thà và hay nhạo báng, anh luôn luôn châm chọc tận mặt một người bạn mà anh bênh vực một cách can đảm và trung thực khi họ vắng mặt. Anh giễu cợt hết thảy, kể cả tiền đồ của anh. Luôn luôn túng tiền, anh thường như tất cả những người có trình độ nào đó, sống trong một tình trạng nhàn hạ khôn tả, thâu tóm cả một cuốn sách vào một chữ để ném vào mặt những kẻ không biết đặt một chữ vào sách của họ. Hứa hẹn nhiều mà chẳng thực hiện bao giờ, anh biến vận mệnh và danh vọng của anh thành một chiếc gối để ngủ, và như vậy có cơ khi tỉnh dậy thì đã già ở bệnh viện. Vả chăng, là người bạn trung thành cho tới lúc phải lên đoạn đầu đài, huênh hoang trong thói trắng trợn và chất phác như một trẻ em, anh chỉ làm việc một cách tùy hứng hoặc vì túng thiếu.

– Chúng ta sắp dự, như kiểu nói của tiên sinh Alcofribas[40] một bữa chén ê hề vui nhộn, – anh vừa nói với Raphaël vừa chỉ những thùng trồng hoa làm cho cầu thang thơm nức và xanh rờn.

– Tôi ưa những cổng có mái sưởi thật ấm và căng thảm đẹp, Raphaël đáp. – Ở nước Pháp ít khi người ta trang hoàng ngay từ hàng cột trước nhà. ở đây, tôi cảm thấy như sống lại.

– Thế mà ở trên kia chúng ta lại sắp ăn uống vui cười một lần nữa, cậu Raphaël tội nghiệp ạ. – À có điều này. – Emile nói tiếp, – tôi mong rằng chúng ta sẽ là những kẻ chiến thắng và chúng ta sẽ đạp lên tất cả những kẻ đó mà đi. – Rồi bằng một cử chỉ nhạo báng, anh chỉ đám khách đi dự tiệc khi bước vào một phòng khách rực rỡ thếp vàng ánh sáng, ở đó những thanh niên ưu tú nhất của Paris liền đón tiếp họ. Một chàng mới để lộ ra một tài năng mới và bằng tác phẩm đầu tiên đã chọi với những tài danh của nền hội họa thời đế chính. Một chàng khác hôm trước đã táo bạo ném ra một cuốn sách đầy chất hăng tươi, đượm một thứ khinh bạc văn chương. và mở ra cho trường phái hiện đại những con đường mới, phía xa một nghệ sĩ nặn tượng, mặt đầy khắc khổ biểu lộ một thứ thiên tài khoẻ mạnh, đang chuyện trò với một trong những tay nhạo đời phớt lạnh. Họ, tùy lúc, khi thì chẳng muốn thấy ở đâu có những nhân vật xuất chúng, khi thì thừa nhận có ở khắp nơi. Chỗ này, nhà biếm họa hóm hỉnh nhất của chúng ta, mắt ranh mãnh, miệng chua chát, rình đợi những lời châm biếm để diễn tả bằng nét bút chì. Đằng kia, là nhà văn trẻ và táo bạo ấy, hơn ai hết chắt lọc cái tinh hoa của những tư tưởng chính trị, hoặc vừa cổ động vừa giỡn đùa tinh thần của một nhà văn phong phú, đang chuyện trò với nhà thơ nọ mà sách viết sẽ đè bẹp hết thứ những tác phẩm thời nay nếu tài năng của y cũng mãnh hệt như mối căm hờn của y. Cả hai người đều cố gắng không nói sự thật mà cũng không nói dối để tán tỉnh lẫn nhau. Một nhạc sĩ nổi tiếng an ủi bằng âm si bémol và bằng giọng nhạo báng một chàng trai hoạt động chính trị vừa ngã từ trên diễn đàn xuống mà không bị thương. Những tác giả trẻ tuổi thiếu tư tưởng, những nhà văn xuôi đầy chất thơ bên cạnh những nhà thơ nôm na tầm thường. Trông thấy những nhân vật khập khiễng như vậy một đệ tử tội nghiệp của Saint Simon[41] khá ngây thơ đế tin vào học thuyết của mình, mở lòng từ bi ghép họ lại, chắc hẳn muốn biến họ thành tín đồ của mình. Sau hết là hai ba nhà bác học có nhiệm vụ đưa Azote[42] vào câu chuyện, và nhiều nghệ sĩ kịch hoạt kê sẵn sàng kém vào đây những tia sáng ngắn ngủi, giống như tia sáng qua kim cương, không nóng mà cũng không sáng. Một số người ưa nghịch luận, cười thầm những kẻ hoặc khâm phục hoặc coi khinh người và vật, đã thực hành cái chính trị hai mặt để âm mưu chống lại hết thảy mọi chế độ mà không đứng về một phía nào. Tay đa sự, không ngạc nhiên về một cái gì, hỉ mũi giữa một khúc ca ở rạp Bouffons, lớn tiếng hoan hô được mọi người, và nói ngược lại những kẻ đón trước ý của hắn, hắn ở đó, đang tìm cách gán cho mình lời của những người tài trí. Trong đám khách ăn, dăm người có tiền đồ, mươi người sẽ đạt được chút phù vinh nào đó; còn những kẻ khác, họ có thể như mọi kẻ tầm thường tự nhủ cái lời dối trá nổi tiếng của Louis XVII: Đoàn kết và xí xoá[43]. Chủ tiệc có cái vui vẻ tư lự của một người tiêu vào đấy hai nghìn écu: chốc chốc hắn lại sốt ruột đưa mắt nhìn về phía cửa phòng khách, nhắc tên người khách đến muộn. Chẳng bao lâu xuất hiện một người béo lùn được đón tiếp bằng một tiếng ồn ào chiều nịnh, đó là viên quản lý văn khế, ngay sáng hôm đó đã hoàn thành việc thành lập tờ báo. Một gã hầu buồng mặc đồ đen tới mở các cửa vào một phòng ăn rộng, ở đó ai nấy không khách sáo tới nhận chỗ của mình chung quanh một chiếc bàn mênh mông. Trước khi rời phòng khách, Raphaël còn nhìn lại một lần cuối cùng. Quả thật lời ước nguyện của anh đã hoàn toàn được thực hiện: lụa là, vàng son phủ khắp các buồng, những chùm đèn treo mang vô số nến làm lấp lánh cả những chi tiết nho nhất cua những đường diềm thếp vàng trên tường, những nét chạm tinh vi trên đồng hun và những màu rực rỡ của đồ đạc; những bông hoa hiếm có, ở những thùng trồng hoa làm bằng tre có nghệ thuật, tỏa hương dịu dàng; những màn trướng trông thanh nhã không hợm hĩnh; ở hết thảy mọi vật có cái gì như duyên dáng nên thơ, có uy lực tác động đến tư tưởng tượng của một kẻ không xu.

– Mười vạn quan thực lợi là một lời bình luận giáo lý thật đẹp, và giúp ta thi hành đạo đức một cách kỳ diệu! – anh thở dài nói. – Chao ôi! Đúng là đức hạnh của ta chẳng phải là ở việc đi bộ. Đối với ta, thói hư, đó là một gian gác xép, một chiếc áo sờn rách, một chiếc mũ bạc màu đội mùa đông, và những món nợ ở nơi người gác cổng. Chà! Ta muốn sống cảnh giàu sang này một năm. sáu tháng, bất kể? Rồi sau đó sẽ chết. Ít ra thì ta cũng đã tận hưởng, hiểu biết, nghiến ngấu hàng nghìn cuộc đời.

– Ồ! Emile nghe anh nói liền bảo, – cậu coi chiếc xe song mã của một tên trọng mãi là hạnh phúc. Thôi đi, rồi chẳng mấy lúc cậu sẽ chán ngán vì tiền của khi thấy nó tước mất của cậu cái hy vọng làm một con người xuất chúng. Giữa những cái nghèo nàn của cảnh giàu có và những cái giàu có của cảnh nghèo nàn, nghệ sĩ có ngả nghiêng bao giờ? Đối với bọn chúng ta, phải chăng luôn luôn phải có đấu tranh? Vì vậy, cậu hãy chuẩn bị cái dạ dày, nhìn kìa, – anh vừa nói vừa hùng dũng chỉ cái quang cảnh oai nghiêm, rất mực thần thánh và vững lòng mà gian phòng ăn của tên tư bản tự mãn bày ra. – Con người kia, – anh nói tiếp, – thực sự chỉ ra công ky cóp tiền bị cho bọn mình. Phải chăng đó là một giống hải miêu thuộc loại san hô mà các nhà tự nhiên học bỏ quên, và vấn đề là phải khéo léo ép nó trước khi để cho bọn con cháu nó hút mất? Cậu thấy có phong cách gì ở những bức chạm nổi trang hoàng những tường kia không? Rồi những đèn treo, những bức tranh, tất nhiên là sang trọng quá đi? Cứ nghe những kẻ đố kỵ và những kẻ ưa tìm hiểu những lò xo của cuộc đời, thì tay này trong thời kỳ cách mạng dường như đã giết chết một người Đức và vài người nữa, nghe nói là bạn thân nhất của hắn và mẹ người bạn đó. Cậu có thể gán tội ác cho bộ tóc hoa râm của Taillefer đáng kính kia không? Lão ta có vẻ một người thật phúc đức. Thì cậu hãy nhìn đồ bạc kia lóng lánh biết mấy, thế mà mỗi tia sáng đó đối với lão như là một nhát dao găm. Thế đấy! Thì cũng chẳng khác gì tin ở Mahomet[44]. Nếu dư luận công chúng là đúng thì, này đây ba mươi người có tâm huyết và tài năng đang chuẩn bị ăn ruột gan, uống máu một gia đình. Và hai chúng ta, những thanh niên rất mực trong sạch nhiệt tình, chúng ta là kẻ đồng lõa của tội ác kia. Tôi chỉ muốn hỏi nhà tư bản của chúng ta xem hắn có phải là người lương thiện không.

– Chứ làm gì bây giờ – Raphaël thốt lên – để bao giờ hắn say bí tỉ đã; bấy giờ thì chúng ta đã đánh chén rồi.

Chú thích:

[1] Ghế bằng ngà voi xưa chỉ dành cho một số phán quan La Mã.

[2] Brocken: Một ngọn núi miền Nam nước Đức. Theo truyền thuyết trên đỉnh núi có những cuộc hội họp của các mụ phù thủy.
Trong tác phẩm Faust của Goethe, quỷ Méphistophélès dẫn Faoxt tới núi Brocken.

[3] Descartes (1596-1650): Nhà triết học và toán học Pháp nổi tiếng, ông lấy lý trí đối lập với lòng tin tưởng mù quáng, và lấy sự “hoài nghi” làm khởi điểm triết học của ông.

[4] Moïse: Cứu tinh của dân Do Thái.
Theo truyền thuyết Kinh thánh, Moïse đã cứu dân tộc Hébreux (tố tiên người Do Thái) khỏi ách nô lệ của Ai Cập và đưa dân Hébreux qua bể sang vùng Palestine.

[5] Méphistophélès: Tên quỷ sứ trong tác phẩm Faoxt (Faust) của Goethe.

[6] Ám chỉ Voltaire (1694-1778), nhà văn và triết gia Pháp chống lại sự mê hoặc tôn giáo và sự cuồng tín.

[7] Gay Lussac (1778-1850) và Arago (1786-1853) là hai nhà vật lý học, hóa học Pháp nổi tiếng.

[8] Funambules: Một rạp hát nhỏ ở Paris ở đó diễn hề kịch, kịch câm v.v…

[9] Ở đây tác giả dùng một loạt những tên các thứ tiền cũ mới khác nhau của nhiều nước, rất khó dịch.

[10] Trong nguyên văn có bản bằng chữ Phạn kèm theo.

[11] Bengale. Một xứ ở miền Đông Ấn Độ.

[12] Vendôme: Trên quảng trường Văng đôm ỏ Paris, năm 1806 đã dựng nên một cột cao 44 thước để kỷ niệm chiến thắng của Napoléon.

[13] Ở đây nói tới thời vua Louis XV còn nhỏ, Philippe D’Orléan, nhiếp chính ( 1715 -1722).

[14] Nguyên văn dùng chữ sagesse và savoir là những chữ cùng họ, không dịch được, tạm dịch bằng những chữ Hán và chữ Việt đồng nghĩa: Trí năng và hiểu biết.

[15] Swedenborg (1688-1772): Nhà triết học thần bí Thụy Điển chủ trương thông thần học.

[16] Brachmane: Người trong giai cấp Bàlamôn, cao nhất ở Ấn Độ.

[17] Léonarde: Nhân vật bà bõ già trong tiểu thuyết Gần Blas của Le Sage (1668 -1747).

[18] Bouffons: Rạp hát hài kịch ở Paris cũng gọi là rạp Ý Đại Lợi.

[19] Sainte Pélagie và La force: Hai trại giam của Paris thời đó người ta giam những con nợ không trả được nợ.

[20] Đây là nói cuộc Cách mạng tháng Bảy 1830.

[21] Nguyên văn muscade là một quả bóng nhỏ của những người làm trò quỷ thuật, chỗ này ý muốn nói sau Cách mạng tháng Bảy vua Louis -Philip hay vi phạm hiến pháp.

[22] Tuileries: Nơi cung điện nhà vua ở Pháp xưa.

[23] Faubourg Saint Germain và Chaussée d’Antin: Hai khu phố ở Paris, nơi trên tập trung những nhà quý tộc, nơi thứ hai tập trung những nhà tư sản giàu có.

[24] Roi citoyen, đây chỉ vua Louis-Philippe tự xưng là Vua công dân để ra vẻ dân chủ.

[25] Đây nói những đảng phái chính trị hoặc chủ trương nền quân chủ lập hiến hoặc ủng hộ nền đế chính của Napoléon.

[26] Như trên

[27] In Petto (tiếng Ý): cười in petto là cười thầm.

[28] Panurge: Nhân vật truyện Gargantuar và Pantagruel của Rabơle (1494 -1553) nhà văn nước Pháp, tên này đã trở thành danh từ chung có nghĩa là một người vui cười nhạo báng.

[29] Tiếng La tinh: Kiểu phương Đông.

[30] Mirabeau (l749 -1794), Talleyrand (1754 -1833): Hai nhà chính trị lớn nước Pháp. Pitt (1759 -1806): Nhà chính trị Anh – Metternich (1773 -1859): Nhà chính trị Áo.

[31] Crispin: Nhân vật thằng ở khôn ngoan láu cá trong hài
kịch Ý xưa, và kịch của La Sazeu.

[32] Nguyên văn là Amphitryon: Tên một nhân vật thần thoại Hy Lạp trở thành danh từ chung chỉ người hiếu khách, chiêu đãi khách.

[33] Lucullus: Một tướng La Mã, trước Công lịch, nổi tiếng về xa hoa.

[34] Đây là nói ăn bánh thánh trong lễ nhà thờ Giatô.

[35] Đây nói cuộc thất trận của Napoléon ở Mạc Tư Khoa.

[36] Tên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Fenimoreu Cupeu
(1787-1851), đầy chuyện hoang đường.

[37] Tu sĩ dòng thánh Bruno sống trong những xà lim cách xa nhau.

[38] Botany bay: Vịnh của Úc thời đó có thiết lập một trại
giam những tội phạm bị đày biệt xứ của nước Anh.

[39] Tiếng La tinh: Những bậc hiển hách: Tác phẩm của nhà văn Ý Petracce (1304-1347).

[40] Alcofribas: Tên giả của Rabelais, bí danh ghi vào tác phẩm Gacgăngchuya (Gargantuar) và Păngtagruyen (Pantagruel) khi xuất bản năm 1534 (Alcofribas Nassier do những chữ tên Francois Rabelais đảo lộn mà thành).

[41] Saint Simon (1760-1825): Nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp.

[42] Azote: Cho dặm. từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là: Thiếu sự
sống: ở đây ý muốn nói làm cho câu chuyện nhạt nhẽo, mà vui.

[43] Từ lời của Louis XVIII khi được bọn nước ngoài đưa về Pháp tái lập nền quân chủ, ý muốn coi như’ quên đi và xoá bỏ mời chuyện trước, không trả thù những người cách mạng. Nhưng rồi chính y đã nuốt lời nói đó.

[44] Mahomet: Người sáng lập ra Hồi giáo.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ