Không Gia Đình - Chương 2 – Người cha nuôi

Tôi lại gần định ôm hôn ông, nhưng ông lấy đầu gậy ngăn tôi lại và hỏi:

– Đứa này là đứa nào?

– Cu Rêmi đấy.

– Bà có bảo tôi là …

– Có. Nhưng không phải, vì …

– A! Không phải, không phải.

Ông giơ cao gậy, tiến lại phia tôi, tự nhiên tôi lùi lại.

Tôi đã làm gì? Tôi có lỗi gì? Tại sao lại có sự nhạt nhẽo khi tôi định đến hôn ông? Tôi không kịp suy nghĩ về việc đó, nó rối bời trong óc tôi, thì đã nghe ông nói:

– Nhà này cũng ăn lễ “Tuần chay”. Tốt lắm. Tôi đang đói bụng đây. Có gì ăn bữa tối không?

– Tôi đang làm bánh tráng.

– Bánh tráng, biết rồi. Nhưng không phải thứ đồ ăn dành cho một người đã đi bộ hơn mười dặm đường.

– Vì nhà chẳng có gì. Mà tôi không biết ông về.

– Thế nào? Không còn gì? Không có gì ăn tối à? Ông nhìn xung quanh, rồi nói:

– Bơ kia thôi!

Rồi ông ngước mắt lên trần nhìn chỗ treo mỡ xưa nay, nhưng đã lâu cái móc vẫn để trơ và dưới xà ngang có treo lơ thơ mấy nhánh tỏi và hành. Ông lấy gậy chọc mấy nhánh hành xuống và nói:

– Hành đây thôi. Độ năm, sáu củ và một chút bơ là đủ làm súp rồi. Bà hãy bỏ bánh ra, cho hành vào chảo phi thơm.

Lấy bánh ở chảo ra! Mẹ tôi không cưỡng lại. Trái lại, mẹ tôi răm rắp làm theo ý ông. Còn ông ngồi tót tren ghế dài cạnh lò sưởi. Tôi không dám ra khỏi chỗ mà cái đầu gậy của ông đã đẩy tôi đến. Tựa vào cạnh bàn, tôi đứng nhìn ông. Ông trạc năm mươi tuổi, mặt phù, tướng người nghiệt ngã, đầu hơi vẹo do thương tích gây nên. Hình thù đó làm tôi khiếp sợ.

Mệ tôi lại đặt chảo lên bếp. Ông nói:

– Làm súp bằng tí bơ thế thôi à?

Nói xong, ông tự cầm đĩa đổ cả cục bơ vào chảo. Thế là hết bơ và cũng hết theo cả bánh rán. Vào lúc khác thì chắc chắn tôi rất xúc động về tai họa đó, nhưng lúc ấy tôi không tưởng gì đến bánh rán, bánh sữa, mà chỉ nghĩ một điều là cái người có vẻ phũ phàng kia lại là cha tôi.

Cha ta, cha ta! Tôi lẩm bẩm tiếng đó trong mồm, như một cái máy. Ngày thường tôi không bao giờ tự hỏi để định rõ thế nào là một người cha. Tôi chỉ mường tượng cha là một người mẹ có tiếng nói ồm ồm mà thôi. Đến bây giờ, nhìn người cha tự trên trời rơi xuống kia, tôi đâm ra đau đớn, sợ hãi.

Tôi muốn đến hôn ông; ông đã cầm gậy ngăn tôi lại. Tại sao thế? Mẹ tôi không bao giờ gạt tôi ra khi tôi đến hôn người, mà còn bế tôi lên và ôm chặt vào lòng nữa. Chợt ông bảo tôi:

– Sao mày cứ đứng như tượng thế, rét lắm à? Ra dọn đĩa lên bàn đi.

Tôi vội vang tuân lệnh. Súp đã nấu xong. Mẹ tôi múc ra các đĩa.

Ông liền rời góc lò sưởi đến bàn, ngồi vào bàn ăn, thỉnh thoảng dừng lại để nhìn tôi. Tôi bối rối và lo quá đến nỗi không nuốt được. Tôi cũng nhìn ông, nhưng nhìn trộm thôi, mỗi lần gặp mắt ông, tôi lại cúi mặt xuống.

Chợt ông giơ thìa về phía tôi và hỏi:

– Thằng này ngày thường vẫn ăn hơn hôm nay chứ?

– Nó vẫn ăn được.

– Mặc xác nó. Nếu nó ăn ít đi thì càng tốt.

Tôi chẳng buồn nói gì. Mẹ tôi cũng chẳng hơn gì tôi. Bà lẳng lặng đi quanh bàn, chăm chú hầu chồng. Ông lại hỏi tôi:

– Thế mày không đói à?

– Không.

– Vậy đi ngủ đi. Cố ngủ ngay đi, nếu không, tao cáu tiêt.

Mẹ tôi đưa mắt cho tôi, ngụ ý bảo phải nghe lời, không được phụng phịu. Nhưng sự dặn dò đó vô ích, vì tôi không nghĩ đến việc chống đối.

Cũng như nhiều nhà khác của người dân quê, căn bếp nhà tôi vừa là chỗ đun nấu, vừa là chỗ để ngủ. Gần lò bếp để những thứ dùng vào việc ăn: bàn, chạn, thùng đựng bánh. Đầu kia là tấm ghế nhựa. Một góc là chỗ mẹ tôi nằm. Góc đối diện là giường tôi ngủ có che tấm rèm đỏ. Tôi vội cởi áo ngoài và đi nằm. Còn ngủ, lại là một chuyện khác. Mệnh lệnh không thể bắt người ta ngủ được, người ta chỉ có thể ngủ được khi nào buồn ngủ và trong lòng yên tĩnh.

Thế mà, tôi không buồn ngủ, lòng tôi không yên, thì bảo rằng chợp mắt làm sao được? Hơn thế nữa tôi còn bứt rứt, buồn khổ. Người ấy là cha tôi à? Tại sao lại hắt hủi tôi như thế. Quay mặt vào tường, tôi cố xua đuổi những ý nghĩ đó trong đầu để ngủ đi theo lệnh của ông ta. Nhưng vô hiệu. Không những không ngủ được mà tôi lại càng thấy tỉnh táo hơn.

Một lúc khá lâu, tôi cũng không ước đoán được là bao nhiêu, tôi thấy có người đến gần giường tôi. Chân kéo lê, bước chậm chạp và nặng nề. Tôi biết ngay không phải là mẹ tôi. Một luồng hơi nóng thoáng qua tóc tôi. Rồi có tiếng hỏi:

– Mày ngủ chưa?

Tôi không trả lời, vì những tiếng “tao cáu tiết” còn văng vẳng bên tai tôi.

Mẹ tôi nói:

– Nó ngủ rồi. Tính nó thế, hễ nằm xuống là ngủ ngay. Ông cứ nói đi không sợ nó nghe thấy đâu.

Đáng lẽ tôi phải nói là tôi còn thức, nhưng tôi không dám, vì người ta đã ra lệnh cho tôi ngủ, mà tôi không ngủ là tôi có lỗi.

Mẹ tôi bắt đầu hỏi:

– Việc kiện của ông đã đi đến đâu rồi?

– Thua rồi! Các quan tòa quả quyết rằng tôi có lỗi đứng dưới giàn giáo và người chủ thầu không phải đền gì.

Nói xong, ông đấm mạnh xuống bàn và văng những lời thô tục. Ông nói:

– Kiện thua, tiền mất, chân què, cùng khốn. Đã thế, về đây lại còn trông thây thằng bé con. Tại sao bà lại không làm theo lời tôi bảo?

– Vì tôi không thể làm được.

– Bà không thể đưa nó đến trại trẻ rơi?

– Tôi không nỡ đem cho một đứa trẻ tôi đã nuôi bằng sữa của tôi và tôi yêu.

– Nhưng không phải con đẻ của bà.

– Mãi sau, tôi cũng định làm theo ông, nhưng lúc đó nó lại ốm.

– Ốm?

– Phải, nó ốm. Không phải là lúc đem nó đến trại trẻ rơi để giết nó. Phải không?

– Thế khi nó đã khỏi?

– Nó không khỏi ngay. Hết bệnh ấy lại đến bệnh khác. Nó ho, ho như xé ruột gan! ấy, chính vì bệnh đó mà thằng Nicolai nhà ta mất đấy. Nếu tôi đem thằng Rêmi ra tỉnh, tất nó cũng chết nốt.

– Nhưng về sau?

– Năm tháng qua. Tôi đã có công đợi đến ngày đó, thì tôi tưởng đợi ít nữa cũng chẳng sao.

– Hiện giờ nó bao nhiêu tuổi?

– Tám tuổi.

– Vậy thì năm nay lên tám, nó sẽ phải đi đến chỗ mà ngày trước người ta định cho nó.

– Ông ơi! Ông đừng làm thế.

– Đừng làm thế? Ai cấm tôi được? Bà tưởng nhà ta có thể giữ nó suốt đời?

Một lúc yên lặng. Tôi có thể thở được. Vì lúc này, nỗi cảm xúc đưa lên đến tận cổ, làm tôi nghẹt thở. Giây lát sau, mẹ tôi lại cất tiếng:

– Pari đã làm thay đổi tính nết ông nhiều quá! Trước khi đi Pari, ông có nói với tôi như thế đâu?

– Có lẽ. Nhưng điều đích xác nhất là nếu Pari đã cải hóa tôi thì nó cũng đã bẻ què chân tôi. Bây giờ kiếm ăn thế nào được để nuôi tôi và nuôi bà? Nhà ta hết tiền rồi. Bò cũng bán rồi. Khi ta không còn gì để ăn, ta có còn nên nuôi một đứa trẻ không phải là con ta nữa hay không?

– Nó là con tôi.

– Không phải con bà, mà cũng chẳng phải con tôi. Không phải con trẻ nhà quê. Tôi đã ngắm kỹ lúc nó ăn cơm: nó gầy gò, lẻo khẻo, không có bắp tay, không có bắp chân.

– Đó là đứa trẻ đẹp nhất vùng này.

– Đẹp. Tôi không cãi. Nhưng phải mạnh mẽ. Nó có thể mài cái đẹp ra ăn được không? Nó là đứa trẻ tỉnh thành. Những trẻ tỉnh thành ở đây ta không cần đến.

– Tôi nói rằng nó là một đứa trẻ ngoan. Nó thông minh và có ý nghĩa. Nó sẽ làm việc cho ta.

– Trong khi chờ đợi, ta phải làm việc cho nó. Bà trông thân hình tôi, tôi không thể làm gì được nữa.

– Nếu cha mẹ nó đến đòi, ông sẽ ăn nói làm sao?

– Cha mẹ nó à? Không biết nó có cha mẹ không? Nếu có, người ta đã đi tìm rồi, đi tìm từ tám năm nay rồi còn gì. A! Tôi đã dại dột tưởng rằng một ngày kia, cha mẹ nó sẽ tìm, đến chuộc nó và trả công nuôi nó. Tôi chỉ là một thằng khờ, thằng xuẩn. Chỉ vì nó được bọc trong những cái tã viền ren, những cái tã đẹp đó không có nghĩa là cha mẹ nó sẽ đến tìm nó. Có lẽ họ đã chết rồi.

– Nếu họ còn sống, một ngày nào họ sẽ đến hỏi ta. Tôi yên trí rằng thế nào họ cũng đến.

– Ồ! Đàn bà hay nói bướng! Muốn cái gì cứ muốn giữ khư khư.

– Nếu họ đến thực?

– Tôi cho nó vào trại trẻ rơi. Vắn tắt có thế thôi. Việc đó cũng làm cho tôi buồn, nhưng bắt buộc phải làm. Sáng mai tôi dẫn nó đến nhà xã trưởng. Bây giờ tôi đến thăm bác Phrăngxoa. Khoảng một tiếng tôi sẽ về.

Cánh cửa mở ra rồi đóng lại. Ông Bacbơranh đã đi chơi. Bây giờ, tôi ngồi nhổm dậy, gọi luôn:

– Mẹ ơi!

Bà chạy đến bên giường tôi:

– Mẹ có để cho con vào trại trẻ rơi không?

– Không, Rêmi của mẹ ạ. Không đâu!

Rồi bà hôn tôi và ôm chặt tôi vào lòng. Sự âu yếm đó làm cho tôi vững dạ thêm. Tôi không khóc nũa. Bà dịu dàng hỏi tôi:

– Thế con không ngủ à?

– Không phải lỗi tại con.

– Mẹ có mắng con đâu. Vậy con đã nghe được tất cả những lời của ông Giêrôm.

– Vâng, mẹ không đẻ ra con, mà ông ấy cũng không phải cha con.

Tôi nói những câu đó không cùng một giọng, vì tôi thất vọng biết bà không phải là mẹ tôi, nhưng tôi rất sung sướng có phần hãnh diện, thây ông ấy không phải là cha tôi, vì có sự tương phản trong tình cảm của tôi, nó lộ ra trong tiếng nói. Nhưng mẹ tôi không tỏ vẻ gì là đã biết tâm trạng của tôi. Mẹ tôi nói:

– Lắm lúc mẹ cũng muốn nói cho con biết sự thật, nhưng con chẳng khác gì con mẹ, nên chẳng lẽ bỗng dưng nói ra. Con ơi! Người mẹ sinh con ra, như con đã nghe thấy, không biết ở đâu. Hiện nay còn sống hay đã chết? Cũng chẳng ai biết. Một buổi sáng kia, ở Pari, khi ông Giêrôm đi làm qua đại lộ Brơtơi, một con đường rộng, hai bên trồng cây, bỗng ông nghe thấy tiếng con trẻ khóc. Những tiếng đó hình như từ một khuôn cửa vòm nọ vọng ra. Lúc đó là tháng Hai. Trời mờ sáng. Ông nhìn chung quanh xem có ai để hỏi, thì ông thấy một người đàn ông ở sau một gốc cây to chạy ra, rồi trốn mất. Chắc hẳn, người đó đợi xem hễ có ai đi qua nhìn thấy đứa trẻ mà hắn đã bỏ ở cửa vườn là hắn trút được gánh nặng. Ông Giêrôm cuống quýt, vì đứa trẻ càng khóc già, hình như nó thấy dịp may đã đến, phải bám lấy, không bỏ lỡ dịp. Trong khi ông Giêrôm đang suy nghĩ không biết làm thế nào thì đám thợ khác cũng đến nơi. Người ta bàn tán, rồi đưa đứa trẻ về sở cảnh binh. Đứa trẻ vẫn cứ khóc hoài. Nó rét chăng? Nhưng ở văn phòng cảnh sát trưởng ấm lắm. Có lẽ nó đói thì đúng hơn. Người ta tìm một bà hàng xóm gần đấy đến cho nó bú. Nó vồ lấy vú. Nó đói thật. Lúc bấy giờ, người ta mới cởi áo nó ra bên lò sưởi. Thì ra là một đứa con trai độ năm, sáu tháng, hồng hào, to mập, trông rất kháu khỉnh. Những tã và khăn bọc đứa bé chứng minh rõ ràng đó là con nhà giàu. Đó là lời giải thích của ông cảnh sát trưởng. Phải làm gì bây giờ? Sau khi đã ghi tất cả những lời khai của ông Giêrôm, tả hình dạng đứa bé cùng những khăn, tã không mang dấu hiệu, ông cảnh sát trưởng bảo: trong những người hiện diện, nếu không ai muốn nhận nó về nuôi, thì ông đưa nó vào trại trẻ rơi. Cha mẹ nó tất nhiên sẽ phải tìm ra nó và sẽ trọng thưởng người đã có công nuôi nấng nó. Ông cảnh sát trưởng nói xong, ông Giêrôm tiến ra xin nó mang về nuôi. Người ta giao nó cho ông ẵm về. Ngày ấy, mẹ cũng có một đứa con trai bằng tuổi con. Nhưng mẹ cũng chẳng ngại nuôi cả hai đứa. Do đó, ta thành mẹ con.

– Ôi! Mẹ ơi!

– Không may đứa con của mẹ nuôi được ba tháng thì mất. Bấy giờ mẹ lại thương con nhiều hơn. Mẹ quên hẳn rằng con không phải là con đẻ. Nhưng khốn nỗi, ông Giêrôm lại không quên như thế. Thấy được ba năm rồi không ai đến tìm con, ông muốn đưa con vào trại trẻ rơi. Con đã nghe tại sao mẹ không nghe lời ông bảo. Tôi vừa nắm chặt lấy mẹ vừa kêu:

– Mẹ ơi! Con không đi trại đâu! Đừng đưa con đi trại trẻ rơi! Con lạy mẹ!

– Không, con ơi! Con không phải đi đâu. Mẹ sẽ thu xếp. Ông Giêrôm không phải là người ác. Coi đó: chỉ vì lo lâm vào cảnh cùng quẫn, vì buồn mà ông sinh ra nóng nảy đó thôi. Mẹ sẽ đi làm. Con cũng sẽ đi làm.

– Vâng, mọi việc đều được, chỉ trừ việc đi trại trẻ rơi.

– Con sẽ không phải đi, nhưng với một điều kiện là con phải đi ngủ ngay. Đừng để ông ấy về trông thấy con còn thức.

Sau khi đã hôn tôi, mẹ nâng đầu tôi lên cho quay mặt vào tường. Tôi không muốn ngủ ngay, nhưng lòng tôi bị xáo động, óc tôi bộn bề quá, nên khó mà thư tâm được, khó mà ngủ được. Như vậy, người rất tốt, rất thương tôi như thế lại không phải là mẹ tôi. Thế thì một người mẹ thật sẽ thế nào? Tốt hơn bà mẹ tôi bây giờ và thương tôi hơn hay sao? Ồ! Không, không thể có được. Nhưng cứ theo óc suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ thì một người cha thế nào cũng không tàn nhẫn như ông Giêrôm và quyết không bao giờ giơ gậy lên và nhìn tôi bằng con mắt lạnh lùng như thế. Ông muốn đem tôi cho trại trẻ rơi. Liệu mẹ tôi có thể giữ được không? Mà trại trẻ rơi là cái gì?

Trong làng có hai đứa trẻ mà người ta thường gọi là “trẻ trại”. Mỗi đứa đeo một chiếc lắc bằng chì có khắc chữ số ở cổ. Chúng ăn mặc rách rưới và bẩn thỉu. Trẻ con trong làng thường chế giễu, đánh đập chúng. Có đứa độc ác hơn, xua đuổi chúng như những con chó lạc để nô đùa, cũng bởi những con chó lạc không có người che chở. Chao ôi! Tôi không muốn như những đứa trẻ đó. Tôi không muốn có số đeo ở cổ, tôi không muốn có những đứa trẻ chạy theo tôi và kêu: “Vào trại đi! Vào trại đi!”.

Nghĩ tới đó, tôi phát rét lên, hai hàm răng run cầm cập. Tôi không ngủ được. Mà ông Giêrôm cũng sắp về. May sao, ông không về đúng giờ hẹn. Và cái ngủ đã đến với tôi trước khi ông về.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ