Giếng Thở Than - Một chuyện ở Trường học

Hai người đàn ông ngồi trong phòng hút thuốc lá, nói chuyện với nhau về những ngày học ở trường tư thục.

“Ở trường chúng tôi ấy mà” A. nói “chúng tôi có một vết chân ma trên cầu thang. Ồ, cũng chẳng có gì thuyết phục lắm. Chỉ là vết một chiếc giày, với một ngón chân, nếu như tôi nhớ đúng. Cầu thang bằng đá. Tôi chưa bao giờ nghe chuyện gì như thế. Nghĩ lại kể cũng kỳ thật. sao người ta lại cứ bịa ra thế nhỉ?”

“Với học trò thì chẳng biết thế nào mà nói. Chúng có huyền thoại của chúng. Này, có thể là đề tài cho anh đó. Truyện Dân Gian ở các trường tư thục.”

“Phải, nhưng cũng chẳng nhiều lắm đâu. Nếu cứ nghiên cứu riêng chủ đề ma chẳng hạn, anh sẽ thấy những chuyện mà bọn học trò trường tư kể cho nhau nghe hầu hết là những chuyện cô đọng lại từ các truyện trong sách cả thôi”

“Những sách bây giờ như là của Strand và Peanut đều rút ra từ nơi khác cả”

“Còn nghi ngờ gì nữa, thời tôi thì những chuyện đó không có và không được nghĩ đến như vậy đâu. Để tôi xem có nhớ một số chất liệu cho chuyện ma mà người ta hay kể không nhé. Trước hết, có ngôi nhà, trong  có một phòng mà một nhóm người tình nguyện ở qua đêm, sáng hôm sau người nào cũng được tìm thấy đang quỳ trong một góc, chỉ kịp nói mỗi một câu “Tôi đã nhìn thấy nó” là lăn đùng ra chết”

“Có phải ngôi nhà ở Berkeley Square không?”

“Đúng đấy. Lại có một người nghe tiếng động ở ngoài hành lang, mở cửa ra thấy một người đang bò bằng cả chân tiến lại phía mình, một con mắt lủng loẳng trên mặt. Ngoài ra…để tôi nghĩ đã. À, phải rồi! Căn phòng trong có một người đàn ông chết trên giường, trán có in hình móng ngựa và trên sàn nhà còn nhiều hình móng ngựa khác, chẳng hiểu tại sao lại còn có một bà đến đêm đóng cửa phòng đi ngủ – ở trong một ngôi nhà lạ – nghe tiếng nói khe khẽ vẳng ra từ những tấm màn che giường “Nào ta đóng cửa lại đi! Cùng thức đêm nay”. Không chuyện nào trong số đó đưa đến giải thích hay kết luận nào cả. Chẳng hiểu những chuyện ấy bây giờ có còn hay không?”

“Ồ, vẫn có đấy – các tạp chí còn thêm thắt vào nữa, như tôi đã nói. Thế ông đã bao giờ nghe nói có một con ma thật sự tại một trường tư thục chưa nhỉ? Tôi cho là chưa, chưa ai ngoài tôi vô tình gặp chuyện đó”.

“Theo như anh nói thì mỗi mình anh gặp chuyện đó thôi chứ gì?”

“Tôi cũng không biết. Nhưng trong đầu tôi vẫn nhớ nguyên câu chuyện xảy ra ba mươi năm về trước, tôi không biết giải thích ra sao”

“Trường tôi ở gần London, đó là một toà nhà rộng, lối cổ, một toà nhà màu trắng, chung quanh là đất đai rất rộng. Vườn có những cây tuyết tùng cao to như người ta thường thấy trong nhiều khu vườn cổ ở thung lũng Thames, ba bốn khu đất dùng làm sân chơi cho chúng tôi và có những cây du từ lâu đời. Theo tôi đây là một nơi rất hấp dẫn, nhưng bọn học trò con trai mấy khi thừa nhận trường chúng chỉ có những thứ tàm tạm!”

“Tôi đến trường vào tháng Chín, không sau năm 1870 bao lâu, trong số hoặc trò đến học cùng ngày với tôi có một cậu người vùng cao nguyên, tôi sẽ gọi tên là Mc Leod. Chẳng cần mất thì giờ mô tả làm gì, chỉ biết tôi rất thân với cậu ta, cậu ta chẳng có gì đặc biệt nhưng hợp với tôi”

“Trường to, có từ 120 đến 130 học sinh theo quy định vì vậy cần khá nhiều thầy giáo, và các thầy giáo thường thay đổi luôn”

“Vào một học kỳ nào đó – thứ ba hoặc thứ tư – của tuần, một thầy giáo mới được chuyển đến, tên là Sampson, người dong dỏng, mập mạp, nước da trắng nhợt với bộ râu đen. Chúng tôi thích thầy lắm. Thầy đã du lịch nhiều nơi, thầy kể chúng tôi nghe nhiều chuyện vui trong những buổi đi dạo, ai cũng mong được đi gần thầy để nghe cho rõ. Tôi còn nhớ – suốt từ đó đến nay, bây giờ tôi mới nhớ lại – thầy có một vật rất duyên trên sợi dây đồng hồ làm tôi chú ý. Thầy cho tôi xem: nó như một đồng vàng Byzantine, một bên có đắp nổi hình một ông vua nào đó, một bên do dùng nhiều đã nhẵn thín, chính thầy tự khắc lên đó mấy chữ tên đầu của mình: G.W.S., cùng với ngày tháng 24-7-1865. Tôi còn nhớ rõ lắm, thầy bảo là kiếm được ở Constanthinople, cỡ bằng đồng florine hoặc to hơn. Chuyện kỳ quặc đó là như thế này. Thầy Sampson dạy tôi ngữ pháp La tinh. Một phương pháp thầy ưa chuộng – có lẽ phương pháp đó rất tốt – là cho chúng tôi tự đặt một câu minh hoạ quy luật về ngữ pháp thầy vừa dạy. Dĩ nhiên đây cũng lại là dịp cho những học sinh dốt có cơ hội láo xược – biết bao chuyện như vậy đã xảy ra ở các trường. Nhưng Sampson rất nghiêm, chúng tôi không dám chơi nhả. Hôm ấy thầy dạy chúng tôi chia động từ “nhớ” tiếng La tinh, thầy ra lệnh cho chúng tôi mỗi người tự đặt một câu với động từ memini – nhớ. “Tôi nhớ” chẳng hạn. Hầu hết chúng tôi đặt những câu đơn giản. “Tôi còn nhớ cha tôi”, “Nó nhớ lại quyển sách của nó” hoặc đại loại như vậy, chẳng hay ho gì như thế, phải nói rất nhiều đứa đặt câu “Tôi nhớ quyển sách của tôi”, vân vân, nhưng cậu bạn của tôi là Leod thì lại cố nghĩ một câu gì phức tạp hơn thế. Hầu hết bọn tôi chỉ muốn làm cho xong để còn làm việc khác, do đó có đứa đá vào chân cậu ta ở dưới gầm bàn, tôi ngồi gần cậu ta thì thúc vào cậu ta và thì thầm vào tai cậu ta “nhanh nhanh lên”. Nhưng cậu ta làm như không để ý. Nhìn vào tờ giấy thấy cậu ta chưa viết được cầu nào. Tôi lại hích mạnh hơn trước, trách cứ cậu ta thật nặng nề vì đã để chúng tôi phải chờ. Quả nhiên có tác dụng. Cậu ta giật mình bừng tỉnh và ngoáy mấy chữ thật nhanh lên giấy rồi nộp cho thầy. Vì là người nộp bài cuối cùng hoặc gần thế mà Sampson có một số điều thành phố nói với những học sinh đã viết meminiscimus patri meo – tôi thật nhớ cha tôi – và một số điểm nữa. Chuông điểm mười hai giờ trước khi đến bài của Mc Leod. McLeod phải đợi đến sau mới được thầy chữa cho bài cậu đã viết. Ra ngoài tôi chờ cậu ta, mãi lâu cậu ta mới ra và tôi đoán có lủng củng gì đó. “Này”, tôi hỏi “thế cậu bị làm sao vậy?” “Ồ, mình không biết, chẳng vấn đề gì lớn nhưng Sampson có vẻ ớn mình lắm” “Cậu lại làm chuyện dại dột chứ gì?” “Đâu nào, mình viết nghiêm chỉnh, này nhé, nó như thế này, có thuộc cách Genitive [1] ở trong câu memento putei inter quattuor taxos. “Sao cậu viết vớ vẩn thế! Sao lại đưa câu đó ra? Nó nghĩa là gì vậy?” “Đó mới là chỗ buồn cười” McLeod bảo “mình cũng có biết chắc nó nghĩa gì đâu. Tự nhiên nghĩ ra thế là mình viết vào. Mình cứ tưởng là hiểu nghĩa nó bởi trước khi viết xuống giấy có một hình ảnh hiện ra trong óc mình. Mình nghe nó nghĩa là “Hãy nhớ đến cái giếng ở giữa bốn…”. Này, có loại cây gì màu thẫm có quả dâu đỏ ở trên ấy nhỉ?” “Tần bì núi ấy à?” “Mình chưa nghe thấy bao giờ” McLeod nói “À, để mình bảo cậu, cây thủy tùng!” “Được rồi, nhưng thầy Sampson bảo thế nào?” “Rất lạ. Đọc xong câu ấy, thầy đứng lên, đi đến bệ lò sưởi đứng im một lúc không quay lại rồi mới nói rất nhẹ nhàng “Em nói thế có nghĩa là thế nào?”,  mình nói với thầy mình nghĩ gì, chỉ có điều không nhớ cái chỗ  ấy tên là gì mà thôi, sau đó thầy muốn biết tại sao mình lại viết câu đó ra, mình đành phải nói cái gì đó. Sau đó thầy không nói đến chuyện đó nữa mà hỏi mình đến đây từ bao giờ, gia đình mình sống ở đâu, những thứ đại loại như vậy, cuối cùng mình đi ra, nhưng trông thầy thấy khác hắn đi”.

“Tôi không nhớ sau đó hai chúng tôi còn nói gì với nhau về chuyện này nữa không. Hôm sau McLeod ốm, hình như bị cảm lạnh, phải nằm trong giường một tuần hoặc hơn một tuần mới đi học lại được. Một tháng trôi qua không có gì xảy ra. Thầy Sampson có thực sự chột dạ như McLeod nghĩ không, ông ta không hề để lộ ra. Phần tôi thì đến bây giờ tôi dám chắc, dĩ nhiên, có vấn đề gì kỳ quặc trong quá khứ của ông ta rồi. Tuy nhiên, tôi sẽ không giả vờ như là bọn trẻ con học trò chúng tôi đã đủ sắc sảo để đoán ra một việc như thế”

“Lại còn một sự kiện cùng loại giống như sự kiện cuối cùng tôi kể cho anh nghe. Từ sau lần đó thì học sinh lớp chúng tôi phải làm nhiều thí dụ để minh họa các quy luật về ngữ pháp nữa nhưng không xảy ra tranh luận nào trừ trường hợp chúng tôi sai. Cuối cùng đến một ngày chúng tôi phải học đến mục ‘Câu có điều kiện, thật là một mục khó nhớ và ảm đạm của ngữ pháp, chúng tôi phải đặt một câu có điều kiện thể hiện hậu quả trong tương lai. Chúng tôi làm bài, chẳng biết sai hay đúng, ai cũng nộp bài và Sampson bắt đầu xem bài của chúng tôi. Vừa để mắt xuống thầy đứng phắt dậy, một tiếng nghẹn ngào trong cổ sau đó thầy chạy vụt ra ngoài qua cửa ngách cạnh bàn thầy giáo. Chúng tôi ngồi im độ một hai phút và rồi biết là không đúng nhưng chúng tôi vẫn cứ đứng dậy, lên bàn thầy ngó tập giấy nộp bài. Tôi nghĩ có đứa nào viết bậy bạ do đó Sampson bỏ chạy đi báo cáo. Nhưng các tờ giấy còn nguyên, thầy không cầm theo khi chạy ra. Trang giấy trên cùng viết mực đỏ – không trò nào dùng mực đỏ – cũng không phải chữ bất kỳ ai trong lớp. Tất cả đều nhìn vào đó – kể cả McLeod và tôi – và thế không phải chữ chúng tôi. Tôi bèn đếm số tờ giấy, có 17 tất cả mà chỉ có 16 học trò. Tôi nhét luôn tờ thừa đó vào cặp và giữ mãi đến tận bây giờ. Chắc ai muốn biết trên đó viết gì. Đơn giản thôi, phải nói chẳng có gì gây tổn hại:

“Si tu non veneris ad me, ego veniam ad te” nghĩa là “nếu anh không đến tôi, tôi sẽ đến anh”.

“Anh cho tôi xem tờ giấy được không?” Người nghe chuyện hỏi.

“Được thôi, nhưng nó lại có vấn đề kỳ quặc thế này. Chiều hôm đó tôi lấy tờ giấy từ trong cái tủ có khoá và dám chắc là chinh tờ đó vì có vết tay tôi trên đó mà – thì không còn vết tích gì của dòng chữ nữa. Tôi vẫn giữ nó mãi và từ đó dùng không biết bao nhiêu thử nghiệm xem có phải mực dùng là mực hoá học không, nhưng tuyệt đôi không có kết quả”.

“Thế, đó là về chuyện tờ giấy. Nửa giờ sau Sampson trở vào, thầy nói thầy khó ở, chúng tôi có thể về. Thầy bước tới bàn giấy một cách hăm hở và liếc nhìn vào tờ giấy trên cùng. Tôi nghĩ thầy cho là mình nằm mơ vì dỉ nhiên không thấy thầy hỏi gì cả”

“Hôm ấy chúng tôi chỉ phải học có một buổi, hôm sau nữa Sampson đi dạy học như bình thường. Đêm đó xảy ra sự kiện cuối cùng của câu chuyện”.

“Chúng tôi – tôi và McLeod – ngủ trong phòng ngủ của ký túc xá nằm thẳng góc với toà nhà chính. Sampson ngủ trong toà nhà chính ở tầng hai. Đêm trăng tròn, sáng rực rỡ. Vào một lúc không biết chính xác mấy giờ, khoảng giữa một đến hai giờ sáng, có ai lay tôi dậy. Đó là McLeod và cậu ta ở trong một trạng thái tinh thần mới hay ho chứ. “Dậy, dậy!” cậu ta nói “Dậy xem, có tên cướp đột nhập vào cửa sổ của Sampson kìa!” Nói thành tiếng được một lúc tôi bảo ngay “Sao không gọi to lên đánh thức mọi người dậy?” “Không, không, mình không dám chắc đó là gì. Đừng cãi vã nữa, dậy nhìn xem”. Dĩ nhiên tôi thức dậy nhìn ra ngoài và cũng dĩ nhiên là chẳng thấy ai cả. Tôi tức cả mình, mắng McLeod một trận – chỏ có điều tôi không hiểu tại sao, tôi cảm thấy hình như có cái gì đó không bình thường – một cái gi đó mà tôi mừng đã không phải một mình đối phó (chúng tôi vẫn đứng bên cửa sổ nhìn ra, và ngay khi có thể tôi hỏi McLeod đã nhìn và nghe thấy gì”

“Tôi không nghe thấy gì cả” cậu ta bảo, “nhưng độ dăm phút trước khi đánh thức cậu dậy, tôi cũng đứng ở đây và nhìn ra như thế này này, thì thấy một người đang ngồi hay quỳ ở ngưỡng cửa sổ của Sampson ấy, nhìn vào bên trong như đang vẫy gọi Sampson” “Loại người như thế nào?” McLeod nói quanh:

“Tôi không biết, nhưng chỉ có thể nói với cậu một điều là hắn rất gầy và người hắn sũng nước, và” đến đây cậu nhìn quanh rồi thì thào như thê không muốn nghe thấy chính tiếng mình nói nữa, “mình không tin đó là một người còn sống!”

“Chúng tôi còn thì thầm với nhau một lúc nữa, cuối cùng vào giường. Suốt thời gian đó trong phòng ngủ không có ai động cựa. Tôi nghĩ chúng tôi có chợp mắt một lúc nhưng hôm sau rất phờ phạc.

“Và ngày hôm sau không thấy ông Sampson đâu. Không tìm thấy ở đâu hết và suốt từ đó đến nay không ai lần ra dấu vết. Nghĩ lại thì điều quái lạ nhất là cả McLeod lẫn tôi không ai hở với một người thứ ba về những gì chúng tôi nhìn thấy. Dĩ nhiên chẳng ai hỏi, giả sử có người hỏi tôi cũng tin chúng tôi không trả lời. Chúng tôi không nói được lên lời vì chuyện này”

“Đó, câu chuyện của tôi đó” Người kể chuyện nói “Câu chuyện duy nhất về ma gắn với trường học mà tôi biết, tuy nhiên tôi nghĩ đây vẫn chỉ là một sự mon men tiến tới gần với chuyện ma liên quan đến học đường mà thôi.

 

Phần kết của câu chuyện này được coi là hết sức theo lối cổ truyền, thế nhưng có nó, và nó phải ra như thế.

Không chỉ có một người được nghe câu chuyện này. Vào cuối năm ấy hay năm sau cũng chẳng rõ nữa, một người trong số những người được nghe chuyện, tới sống ở một ngôi nhà thôn quê ở Ireland.

Một buổi tối, chủ nhà dốc cái ngăn kéo toàn những thứ linh tinh ra trong phòng hút thuốc lá. Chợt ông ta đặt tay lên một cái hộp.

“Này anh, anh vốn hiểu biết về các đồ cổ, xem giùm tôi cái gì đây”.

Bạn tôi mở cái hộp ra và thấy một sợi dây vàng rất mảnh, trên có một cái gì đó. Ông ta thoáng nhìn vật đó rồi giương mục kỉnh lên để nhìn cho rõ.

“Lịch sử của nó thế nào hả ông?” Ông ta hỏi. Chú nhà đáp “Khá kỳ. Ông biết đám thủy tùng dày đặc ngoài bụi cây kia chứ? Cách đây một hai năm chúng tôi khơi lại cái giếng vẫn nằm trong khoảng rừng ấy, ông biết chúng tôi tìm thấy cái gì không?”

“Một xác người ư?” khách hỏi với cảm giác bồn chồn kỳ lạ.

“Đúng đấy. Nhưng còn hơn thế nữa. Với tất cả mọi ý nghĩa của từ này: chúng tôi tìm thấy hai”.

“Trời ơi! Hai! Có cái gì chứng tỏ họ đến đây bằng cách nào? Vật này tìm thấy cùng với họ chăng?”

“Đúng. Nằm lẫn trong mảnh quần áo rách còn lại trên xác hai người. Chuyện không rõ thế nào nhưng chắc là chuyện không hay. Cánh tay một thây người ôm chặt quanh người kia. Họ phải chết hơn ba mươi năm nay rồi, trước khi chúng tôi đến ở ngôi nhà này. Chúng tôi lấp ngay cái giếng đi, chắc ông cũng cho là nên như vậy. Ông có nhìn rõ trên mặt đồng tiền khắc chữ gì không?”

“Có. Tôi nhìn ra được” Bạn tôi nói, giơ nó ra chỗ sáng (mặc dù ông ta đọc lên chẳng khó khăn gì) “hình như là G.W.S.24-7-1865”

 

Chú thích :

[1] Một trong các cách của ngữ pháp La tinh

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ