Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Phần 2 – Chương 3

Một buổi gặp mặt tại địa phương với những bác sỹ phẫu thuật thần kinh tốt nghiệp từ Stanford diễn ra vào cuối tuần đó, và tôi rất mong ngóng cơ hội được nối lại với bản thân tôi trước kia. Dù vậy, việc có mặt ở đó chỉ làm tăng thêm sự đối nghịch trái khoáy về cuộc đời hiện tại của tôi. Tôi bị bao quanh bởi những thành công, khả năng và đam mê, bởi bạn bè và những người đi trước, những người mà cuộc sống đang chạy theo một quỹ đạo không còn là của tôi, những thân thể có thể đứng liên tục trong các ca mổ kéo dài tới tám giờ. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt bên trong bài ca Giáng sinh bị đảo ngược: Victoria đang mở ra một hiện tại hạnh phúc – những khoản tài trợ, những lời mời làm việc, các bài báo được đăng – lẽ ra tôi đang cùng chung hưởng. Bạn bè tôi đang sống trong một tương lai không còn là của tôi: những phần thưởng mới vào nghề, thăng tiến, căn hộ mới.

Không ai hỏi về kế hoạch của tôi, thật nhẹ nhõm bởi tôi chẳng có kế hoạch nào cả. Dù lúc này tôi có thể đi lại mà không cần gậy chống, sự bất định có tính tê liệt vẫn lờ mờ: Đi về phía trước, tôi sẽ là ai, và trong bao lâu? Người vô dụng, nhà khoa học, giáo viên? Nhà đạo đức sinh học? Hay như Emma đã ám chỉ, quay trở lại làm bác sỹ phẫu thuật? Ông bố ở xó nhà? Nhà văn? Tôi có thể và nên là ai? Là một bác sỹ, tôi có chút cảm nhận về những gì các bệnh nhân hiểm nghèo phải đối mặt – và đây chính là thời điểm tôi muốn ở bên họ để cùng khám phá. Chẳng phải căn bệnh hiểm nghèo này là món quà hoàn hảo cho chàng trai trẻ người hằng mong thấu hiểu cái chết hay sao? Có cách nào hiểu được nó tốt hơn việc sống trong nó? Nhưng tôi không chắc mọi chuyện sẽ khó khăn tới mức nào, có biết bao nhiêu dạng địa hình tôi cần phải khám phá, định hình và dừng chân. Tôi thường tưởng tượng rằng công việc của bác sỹ giống như một cái gì đó kết nối hai phần đường ray xe lửa nhằm đảm bảo một chuyến đi suôn sẻ cho bệnh nhân. Tôi chưa từng tính tới việc phải đối mặt với cái chết của bản thân lại có thể mất phương hướng và chệch choạc đến vậy. Tôi nghĩ về chính mình thời trẻ, người có lẽ đã muốn “rèn giũa lương tri nhân loại trong lò luyện tâm hồn của tôi”; giờ đây nhìn vào tâm hồn tôi, dù để tôi rèn giũa lương tri chính mình, cũng chỉ có một thứ công cụ giòn vỡ và một ngọn lửa đầy yếu ớt.

Lạc lối trong mảnh đất hoang vô dạng về sự hữu hạn của đời mình, khi không tìm thấy chút lực kéo nào trong những địa hạt nghiên cứu khoa học, những chu trình phân tử nội tế bào, những đường cong vô tận về thống kê tỉ suất sống sót, tôi bắt đầu đọc lại văn học: Trại Ung thư của Solzhenitsyn, Những kẻ bất hạnh, của B.S. Johnson, Ivan Ilych của Tolstoy, Tâm hồn và Vũ trụ của Nagel, Woolf, Kafka, Montaigne, Frost, Greville, hồi ký của các bệnh nhân ung thư – bất kỳ cái gì của ai đã từng viết về cái chết. Tôi không ngưng tìm kiếm một vốn từ có thể khiến cái chết có nghĩa, để tìm ra cách định nghĩa lại bản thân mình và tiếp tục nhích dần về phía trước. Đặc quyền của trải nghiệm trực tiếp đã dẫn tôi xa rời văn chương và công việc nghiên cứu, nhưng giờ tôi lại cảm thấy để hiểu được những trải nghiệm trực tiếp của bản thân, tôi cần phải dịch ngược chúng thành lời. Hemingway mô tả quá trình này theo cách tương tự: Thu lượm những trải nghiệm phong phú, sau đó lui mình về để suy tư và viết về chúng. Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước.

Và như thế, văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó. Tảng đá hoang mang bất định về tương lại đã nhẹ bớt; ở những nơi tôi đến, hình bóng của cái chết che phủ khiến mọi hành vi đều trở thành vô nghĩa. Tôi nhớ đến khoảnh khắc khi sự bất an tuôn trào bị trấn át, khi cả đại dương vô định tưởng chừng bất khả vượt qua cuối cùng cũng rẽ nước. Tôi thức giấc trong đau đớn, phải đối mặt với một ngày mới nữa. Ngoài bữa sáng, không có kế hoạch nào có vẻ khả thi. Tôi đã nghĩ mình không thể tiếp tục và rồi ngay lập tức, tiếng hồi đáp vang lên trong câu niệm chú của Samual Beckett mà tôi đã từng học thời đại học: Tôi sẽ tiếp tục. Tôi ra khỏi giường, bước thêm một bước, lặp đi lặp lại mẫu câu: “Tôi không thể tiếp tục. Tôi sẽ tiếp tục.”

Sáng hôm đó, tôi đưa ra một quyết định: Sẽ ép buộc bản thân mình quay lại phòng mổ. Tại sao? Bởi vì tôi có thể. Bởi vì đó chính là tôi. Bởi vì tôi phải học cách sống khác, nhìn nhận cái chết như một vị khách không mời nhưng hiểu rằng ngay cả khi tôi phải chết, thì tôi vẫn sẽ sống cho đến lúc thực sự ra đi.

*

Sáu tuần kế tiếp, tôi điều chỉnh chương trình vật lý trị liệu của mình, tập trung vào nâng cao sức lực dành cho việc phẫu thuật: Đứng trong nhiều giờ, thao tác vi thể đối với vật nhỏ, lật úp tay để đặt ốc vít hỗ trợ xương sống.

Thêm một lần chụp CT. Khối u đã co lại một chút nữa. Cùng nhau xem xét những hình ảnh này, Emma nói, “Tôi không biết anh còn bao nhiêu thời gian, những tôi phải nói điều này: Có một bệnh nhân tới trước anh ngày hôm nay đã dùng Tarceva trong bảy năm mà không gặp vấn đề gì cả. Anh vẫn còn con đường dài phải đi trước khi chúng ta có thể an tâm về căn bệnh ung thư này. Nhưng nhìn anh mà nói thì sống thêm mười năm nữa có lẽ không phải là một ý tưởng điên rồ. Anh có thể không làm được vậy, nhưng điều này không hề điên rồ chút nào.”

Đó là một tiên lượng bệnh – không, không phải tiên lượng bệnh, mà là minh chứng. Minh chứng cho quyết định trở lại với phẫu thuật, trở lại với cuộc đời của tôi. Một phần trong tôi hồ hởi trước viễn cảnh mười năm. Một phần khác lại ước gì cô đã nói: “Quay trở lại làm một bác sỹ phẫu thuật thần kinh là hơi điên rồ – anh hãy chọn thứ khác nhẹ nhàng hơn.” Tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng bất chấp mọi chuyện, vài tháng qua mang tới một chút nhẹ nhõm khi tôi không phải gánh vác trách nhiệm nặng nề mà phẫu thuật thần kinh đòi hỏi. Và một phần trong tôi muốn thoát ra khỏi việc đeo vác cái ách này thêm một lần nữa. Phẫu thuật thần kinh thật sự là một công việc khó khăn và không ai có thể chê trách nếu tôi không quay trở lại. (Mọi người thường hỏi liệu đây có phải là Tiếng gọi trong tôi và câu trả lời của tôi luôn là Có. Bạn không thể coi nó là một công việc đơn thuần được, bởi vì nếu nó là một công việc thì sẽ là thứ công việc tồi tệ nhất trên đời này). Vài giáo sư của tôi hùng hồn phản đối ý tưởng tôi quay lại: “Không phải cậu nên dành thời gian cho gia đình sao?” (“Ông thì không hả?” tôi tự hỏi. Tôi quyết định quay trở lại bởi vì công việc này, đối với tôi, thật thiêng liêng). Lucy và tôi vừa leo lên đến đỉnh đồi, lãnh địa của Thung lũng Silicon trải ra dưới chân chúng tôi, nơi đây có những toà nhà mang tên mọi thành tựu công nghệ và y sinh trong suốt những thập kỷ qua. Nhưng cuối cùng, sự bứt rứt muốn được cầm lại khoan mổ đã trở nên quá thôi thúc. Nghĩa vụ đạo đức cũng có sức nặng của riêng nó, mà bất kỳ điều gì có sức nặng thì đều có trọng lượng. Do đó, nghĩa vụ gánh vác trách nhiệm to lớn này đã kéo tôi trở lại phòng mổ. Lucy hoàn toàn ủng hộ.

Tôi gọi cho giám đốc chương trình để thông báo mình đã sẵn sàng quay trở lại. Anh rất xúc động. Victoria và tôi nói về việc làm sao để tôi có thể quay lại và trở lại nhịp độ công việc một cách tốt nhất. Tôi đề xuất có một đồng nghiệp nội trú luôn sẵn sàng túc trực hỗ trợ tôi trong mọi tình huống nếu chẳng may có chuyện gì không ổn xảy ra. Ngoài ra, tôi chỉ có thể xử lý một ca một ngày. Tôi sẽ không quản lý các bệnh nhân ngoài phòng mổ hay bị gọi bất ngờ. Chúng tôi tiến hành một cách thận trong. Khi lịch phòng mổ công bố, tôi được giao một ca phẫu thuật cắt bỏ thuỳ thái dương, một trong những ca mổ yêu thích của tôi. Thông thường chứng động kinh diễn ra do xáo trộn ở hồi hải mã, vốn nằm sâu trong thuỳ thái dương. Việc cắt bỏ hồi hải mã có thể chữa được chứng động kinh, nhưng việc phẫu thuật khá phức tạp, đòi hỏi phải nhẹ nhàng cắt bỏ nó ra khỏi lớp nhu mạc, một màng trong suốt mỏng manh bao phủ não bộ phía bên phải gần cuống não.

Tôi dành cả đêm trước để dò qua các loại sách giáo khoa phẫu thuật, xem lại giải phẫu học và các bước trong ca mổ. Tôi ngủ không yên, mơ màng thấy phần góc nghiêng của đầu, chiếc cưa kéo trên hộp sọ và cách mà ánh sáng phản chiếu trên nhu mạc khi thuỳ thái dương bị cắt bỏ. Tôi ra khỏi giường, mặc áo sơ mi và đeo cà vạt. Tôi đã trả lại tất cả đồng phục mấy tháng trước vì cho rằng mình sẽ không bao giờ cần tới chúng nữa. Tôi tới bệnh viện và thay vào bộ đồ xanh quen thuộc lần đầu tiên trong vòng mười tám tháng. Tôi trò chuyện cùng bệnh nhân để đảm bảo rằng không còn câu hỏi nào sót lại đến phút chót, sau đó bắt đầu quy trình thiết đặt phòng phẫu thuật. Bệnh nhận được luồn ống thở, bác sỹ trực và tôi cọ sạch tay và đã sẵn sàng để bắt đầu. Tôi cầm dao mổ và rạch một đường ngay trên tai, tiến hành một cách chậm rãi, cố gắng đảm bảo mình không quên gì và không phạm sai lầm nào. Dùng dao đốt điện, tôi nhấn sâu đường rạch vào xương, sau đó nhấc phần nắp da lên bằng móc. Mọi thứ cảm thấy thật quen thuộc, ký ức về các cử động ùa về. Tôi nhặt lấy khoan và tạo ra ba lỗ trên hộp sọ. Bác sỹ trực tiêm thêm nước để giữ cho khoan được mát trong khi tôi làm việc. Đổi sang dụng cụ cắt hộp sọ, một chiếc khoan cắt cạnh, tôi nối các lỗ với nhau, giải phóng một phần xương lớn. Nhờ có khe hở, tôi cậy nó ra. Một màng cứng óng ánh bạc nằm đó. Thật may mắn tôi chưa phá huỷ nó bằng khoan; một sai lầm sơ đẳng của người mới vào nghề. Tôi dùng dao sắc để mở màng cứng mà không làm tổn thương tới não. Tiếp tục thành công. Tôi bắt đầu thả mình. Màng cứng được đính tạm ra sau bằng những đường chỉ nhỏ để giữ nó khỏi vướng trong những bước phẫu thuật chính. Bộ não đập nhẹ nhàng và toả sáng lấp lánh. Động mạch Sylvian lớn chạy ngang qua đỉnh thuỳ thái dương, đầy tươi mới. Những xoắn cuộn hồng đào quen thuộc của não bộ như vẫy tay ra hiệu.

Đột nhiên, mắt tôi nhoè đi. Tôi đặt dụng cụ xuống và lui lại. Mảng tối đen lấn rộng hơn, cảm giác chóng mặt ùa tới.

“Xin lỗi,” tôi nói với bác sỹ trực. “Tôi hơi chóng mặt một chút. Tôi nghĩ mình phải nằm nghỉ. Jack, nội trú tập sự của tôi sẽ hoàn thành ca mổ.”

Jack tới nhanh chóng và tôi rút lui. Tôi uống một ngụm nước cam trong phòng nghỉ, nằm trên ghế sofa. Sau hai mươi phút, tôi bắt đầu thấy khá hơn. “Chứng ngấy xỉu do thần kinh tim,” tôi tự thì thào. Hệ thần kinh thực vật làm ngưng tim tạm thời. Hoặc, như nó vẫn thường được biết đến, một trường hợp về các dây thần kinh. Một vấn đề “tân binh”. Đây không phải là cách mà tôi nghĩ mình sẽ quay trở lại với phòng mổ. Tôi tới phòng thay đồ, ném đống đồ bẩn vào máy giặt và mặc vào bộ quần áo thường dân. Lúc ra ngoài, tôi cầm thêm một xấp đồ sạch. Ngày mai sẽ là một ngày tốt đẹp hơn, tôi tự nói với mình.

Quả là thế. Mỗi ca mổ đều có cảm giác quen thuộc như cũ, nhưng tiến hành chậm hơn chút. Vào ngày thứ ba, khi đang cắt bỏ phần đĩa đệm thoái hoá trong cột sống một bệnh nhân, tôi nhìn chằm chằm vào phần đĩa phồng ra, không nhớ chính xác bước tiếp theo là gì. Vị đồng nghiệp theo dõi nhắc tôi lấy ra từng miếng nhỏ bằng kẹp.

“Ừm, tôi biết chúng ta vẫn thường làm vậy,” tôi lẩm bẩm, “nhưng còn một cách khác nữa…”

Tôi ầm ừ thêm hai mươi phút, bộ não lục tìm cách làm tinh tế hơn tôi đã từng học. Ở nấc xương sống kế tiếp, ký ức loé lên như một tia chớp.

“Dụng cụ cobb!” tôi gọi to. “Cái vồ. Kerrison.”

Tôi nạo bỏ toàn bộ phần đĩa trong vòng ba mươi giây.

“Đây là cách tôi thường làm,” tôi nói.

Trong vài tuần tiếp theo, sức khoẻ của tôi tiếp tục cải thiện cùng với sự thành thạo và kỹ thuật cá nhân. Đôi tay tôi học lại cách thao tác các mạch máu nhỏ dưới milimet mà không gây tổn thương, những ngón tay tôi làm phép thuật như chúng từng làm trước kia. Sau một tháng, tôi thực hiền gần như trọn vẹn một ca mổ.

Tôi giới hạn bản thân trong các ca mổ, để lại công việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân, các cuộc gọi đêm và cuối tuần cho Victoria và các bác sỹ nội trú có kinh nghiệm khác. Dù sao thì tôi cũng đã thành thạo các kỹ năng đó, tôi chỉ cần học thêm các sắc thái phức tạp của những ca mổ để cảm thấy trọn vẹn. Tôi kết thúc chuỗi ngày trong nỗi kiệt sức vô tận, cơ bắp nhức nhối, sức khoẻ cải thiện chậm chạp. Sự thực là chẳng có lấy chút niềm vui nào. Thứ khoái lạc nội tâm từng xuất hiện trong các ca mổ nay bỗng biến mất, thay vào đó là lực tập trung sắt đá để vượt qua chứng buồn nôn, sự đau đớn và mệt nhọc. Trở về nhà hằng đêm, tôi nuốt vội từng vốc giảm đau trước khi bò vào giường bên cạnh Lucy, nàng giờ đây cũng đã quay trở lại lịch làm việc. Lucy đang mang bầu ở tam cá nguyệt thứ nhất, em bé dự sinh vào tháng sáu, lúc đó tôi cũng sẽ hoàn thành chương trình nội trú. Chúng tôi giữ tấm ảnh khi bé mới chỉ là một túi phôi, chụp ngay trước khi cấy vào bụng mẹ. (“Con gái có màng tế bào của em đấy,” tôi nhận xét với Lucy). Dù vậy, tôi vẫn kiên tâm khôi phục lại cuộc sống của mình trở lại quỹ đạo trước kia.

Một lần chụp scan nữa sau sáu tháng cho thấy sự ổn định, tôi bắt đầu lại quá trình tìm việc. Với căn bệnh ung thư trong tầm kiểm soát, tôi có thể sẽ có vài năm còn lại. Có vẻ như sự nghiệp mà tôi lao tâm trong nhiều năm để đạt được nay đã quay trở lại trong tầm tay, dù từng có lúc biến mất trong bệnh tật. Tôi gần như đã nghe thấy tiếng kèn trumper vang lên một khúc ca thắng lợi.

*

Trong lần hẹn kế tiếp với Emma, chúng tôi nói chuyện về cuộc đời và chuyện dòng đời sẽ xô đẩy tôi đến đâu. Tôi nhớ lại Henry Adams từng thử so sánh lực khoa học của một động cơ đốt trong với lực tồn tại của Đức mẹ Đồng Trinh. Những câu hỏi về mặt khoa học nay đã được giải đáp, cho phép những câu hỏi về sự tồn tại được phát huy tối đa, dù rằng cả hai đều nằm trong tầm ảnh hưởng của bác sỹ. Gần đây tôi phát hiện ra vị trí bác sỹ phẫu thuật – nhà khoa học ở Stanford – công việc vốn đoan chắc dành cho riêng tôi – nay đã có người thế chỗ khi tôi đau ốm. Tôi rất đau lòng, và nói với cô điều đó.

“Ừm,” cô nói, “thứ bác sỹ – giáo sư này có thể là một cuộc đua thực sự đấy. Nhưng chắc anh đã biết điều đó. Tôi rất tiếc.”

“Tôi cho rằng cái khiến tôi thực sự hứng thú là những dự án khoa học kéo dài tới hai mươi năm. Không có kiểu khung thời gian như vậy, tôi không chắc mình sẽ muốn trở thành một nhà khoa học.” Tôi cố an ủi bản thân. “Chúng ta đâu thể làm được gì mấy trong vài năm đâu?”

“Đúng. Và nhớ rằng là anh đang rất tuyệt. Anh đã quay trở lại công việc. Anh sắp có con. Anh tìm thấy giá trị của mình và điều đó chẳng dễ dàng gì.”

Cuối ngày hôm đó, một trong những giáo sư trẻ, từng là bác sĩ nội trú và là một người bạn thân thiết, chặn tôi lại trên hành lang.

“Này,” cô nói. “Trong buổi họp khoa, mọi người đã thảo luận rất nhiều về việc phải làm gì với anh.”

“Làm gì với tôi à, thế nào?”

“Tôi nghĩ một vài giáo sư lo lắng về khả năng tốt nghiệp của anh.”

Tốt nghiệp chương trình nội trú đòi hỏi hai việc: đáp ứng một danh sách những yêu cầu cấp quốc gia và địa phương (cái này tôi đã hoàn thành) và sự chúc phúc của cả khoa.

“Sao?” tôi nói. “Tôi không có ý tự phụ, nhưng mà tôi là một tay phẫu thuật tốt, tốt như bất kì –”

“Tôi biết. Tôi nghĩ họ có lẽ chỉ muốn thấy anh làm trọn vẹn công việc của một bác sĩ chính. Đó là vì họ thích anh. Nghiêm túc đấy.”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ