Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Phần 2 – Chương 2

Tôi bắt đầu nhận ra rằng việc đến thật gần với sự hữu hạn của cuộc đời đã thay đổi mọi thứ và cũng không thay đổi gì cả. Trước khi căn bệnh ung thư được phát hiện, tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết, tôi chỉ không biết là bao giờ. Sau chẩn đoán, tôi vẫn biết rằng một ngày tôi sẽ chết và cũng vẫn không biết là bao giờ. Nhưng giờ đây tôi biết là sẽ sớm thôi. Đây không phải là một vấn đề khoa học. Thực tế của cái chết làm rối loạn hết thảy. Vậy nhưng cũng không còn con đường sống nào khác.

Rất chậm rãi màn sương mù về kiến thức y học đang dần tan – ít nhất giờ đây tôi có đủ thông tin để có thể đào sâu vào các nghiên cứu khoa học. Dù rằng các con số khá mù mờ, việc trong người mang đột biến EGFR, tính trung bình ra thì có vẻ như kéo dài thêm một năm sống sót và đi kèm với khả năng sống lâu hơn; còn nếu không mang đột biến này thì bệnh nhân có tới 80 phần trăm nguy cơ chết trong vòng hai năm. Làm rõ được phần đời còn lại của tôi sẽ là cả một quá trình đây.

Ngày hôm sau, Lucy và tôi tới ngân hàng tinh trùng để bảo quản các giao tử và xem xét các lựa chọn. Chúng tôi vẫn thường mong sẽ sinh con khi tôi kết thúc chương trình nội trú, nhưng giờ đây… Thuốc trị ung thư có thể có những tác động chưa biết tới tinh trùng, do đó để bảo quản khả năng có con, chúng tôi phải trữ đông tinh trùng trước khi tôi bắt đầu trị liệu. Một người phụ nữ trẻ giới thiệu cho chúng tôi hàng loạt các phương án chi trả và lựa chọn đối với việc lưu trữ cùng với các hình thức quy định hợp pháp về quyền sở hữu. Trên bàn cô là vô số tờ rơi sặc sỡ về các chương trình cuộc chơi cho những người trẻ tuổi bị mắc bệnh ung thư: nhóm diễn kịch ứng tác23, nhóm A cappella24, những đêm nhạc sống25, vân vân. Tôi ghen tị với khuôn mặt hạnh phúc của họ vì biết rằng về mặt thống kê thì có lẽ họ đều mắc phải các dạng ung thư dễ chữa trị và có triển vọng sống khả quan. Chỉ 0,0012 phần trăm những người ba mưới sáu tuổi mắc bệnh ung thư. Đúng, tất cả các bệnh nhân ung thư đều không may mắn, nhưng có những loại ung thư này, và có những loại UNG THƯ khác mà người cực kỳ không may thì mắc phải. Khi được đề nghị làm rõ vấn đề xử lý tinh trùng nếu một trong hai chúng tôi “chết đi” – ai sẽ là người sở hữu chúng một cách hợp pháp – nước mắt bắt đầu rơi đầy trên khuôn mặt Lucy.

Từ “hy vọng” xuất hiện trong tiếng Anh khoảng một nghìn năm trước đây, biểu thị sự kết hợp giữa tự tin và tham vọng. Nhưng thứ mà tôi đang ham muốn: sự sống, thì lại không phải là thứ mà tôi dám chắc: cái chết. Khi tôi nói về hy vọng, phải chăng điều tôi thực sự muốn nói là: “Dành một chút cho những ham muốn vô căn cứ?” Không. Những thống kê y tế không chỉ mô tả các con số như tỉ lệ sống trung bình, chúng còn đo sự tự tin của chúng ta vào các con số bằng các công cụ như mức độ đáng tin, khoảng tin cậy và giới hạn tin tưởng. Do đó điều tôi thực sự muốn nói là: “Dành một chút cho kết quả không chắc chắn về mặt thống kê nhưng vẫn có vẻ đáng tin – khả năng sống sót nằm trên khoảng tin cậy 95 phần trăm?” Đó có phải chính là hy vọng? Liệu chúng ta có nên chia đường cong thành các khúc đoạn cuộc sống từ “bị hạ gục” tới “bi quan” tới “có vẻ thực tế” tới “đầy hi vọng” và tới “hoang tưởng”? Chẳng phải con số chỉ là con số hay sao? Hay là chúng ta đều không cưỡng lại được “hy vọng” rằng mọi bệnh nhân đều nằm trên mức trung bình?

Hóa ra mối quan hệ của tôi với thống kê thay đổi ngay khi tôi trở thành một con số thống kê.

Trong thời gian nội trú, tôi đã ngồi bên vô số bệnh nhân và người thân của họ để nói về những tiên lượng tàn nhẫn. Đây là một trong những công việc quan trọng nhất là bạn làm trong vai trò một bác sĩ. Sẽ dễ dàng hơn nếu bệnh nhân đã chín mươi tư tuổi, đang trong giai đoạn cuối của bệnh mất trí đi kèm với chứng chảy máu não nghiêm trọng. Nhưng với những người như tôi – bệnh nhân ba mươi sáu tuổi chẩn đoán mắc bệnh ung thư nan y – thực sự không có mấy lời dành cho họ.

Lý do bác sĩ không cho bệnh nhân biết những tiên lượng cụ thể không hẳn là vì họ không thể. Chắc chắn rằng nếu mong đợi của bệnh nhân ở đâu đó rất xa ngoài phạm vi có thể – ví như ai đó muốn sống đến 130 tuổi, hay ai đó nghĩ rằng chấm lành trên da là dấu hiệu của cái chết đến gần – bác sĩ sẽ là người được ủy thác để kéo mong đợi của họ trở về khoảng khả thi. Điều bệnh nhân kiếm tìm không phải là mớ kiến thức khoa học mà các bác sĩ giấu mà là tính xác thực về sự sống còn mà họ buộc phải tự tìm ra. Nhấn chìm quá sâu trong các con số thống kê giống như cố gắng giải tỏa cơn khát bằng nước muối vậy. Nỗi lo lắng khi đối mặt với các chết không tìm thấy phương thuốc chữa trị trong xác xuất thống kê.

Khi trở về nhà từ ngân hàng tinh trùng, tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng mình quả thật có trong người dạng đột biến chữa được (EGFR). Hóa trị bị hủy bỏ, thật may mắn, và Tarceva, loại thuốc viên trắng nhỏ trở thành liệu pháp chữa trị cho tôi. Tôi nhanh chóng thấy khỏe hơn. Dù không còn rõ đó là cái gì, những tôi cảm nhận được nó: một giọt hy vọng. Mây mù bao phủ cuộc sống của tôi lùi lại thêm vài centimet nữa, mảnh trời xanh hè hiện rõ hơn. Trong những tuần kế tiếp, khẩu vị của tôi quay trở lại. Tôi tăng cân thêm một chút. Trên người tôi xuất hiện chứng mụn nhọt nghiêm trọng và đặc trưng, thể hiện phản ứng tốt trong cơ thể. Lucy vẫn luôn yêu làn da mịn màng của tôi nhưng giờ đây nó lỗ rỗ và chảy máu không ngừng bởi thuốc làm loãng máu. Bất kỳ phần nào được coi là đẹp trai trong tôi nay đã dần bị tẩy xóa hết — dù rằng thẳng thắn mà nói, tôi hạnh phúc vì mình xấu xí nhưng còn sống. Lucy nói nàng vẫn yêu làn da tôi như cũ, mụn nhọt và mọi thứ. Nhưng nhân diện của chúng ta không chỉ tạo thành từ não bộ, tôi vẫn đang phải sống bởi hiện thân của nó. Chàng trai thuở nào say mê các cuộc đi dạo đường dài, cắm trại và chạy bộ, người thể hiện tình yêu bằng những cái ôm thật chặt, và người thường tung đứa cháu gái cười khúc khích lên cao – người đó đã không còn là tôi nữa. Nhiều nhất thì tôi cũng chỉ có thể đặt mục tiêu trở thành người như vậy một lần nữa.

Ở buổi hẹn hai tuần một lần đầu tiên, cuộc thảo luận của Emma và tôi chuyển dần từ chuyện sức khỏe (“Những vết ngứa thế nào?”) tới các vấn đề mang tính sinh tồn hơn. Phương thức đối diện ung thư truyền thống cũng là một lựa chọn — rằng ai đó nên lui lại, dành thời gian bên gia đình và sống một khoảng thời gian lặng lẽ bình yên.

“Rất nhiều người sau khi được chẩn đoán đã bỏ việc hoàn toàn,” cô nói. “Những người khác thì dồn sức vào nó. Thế nào cũng được cả.”

Tôi đã vạch ra bốn mươi năm sự nghiệp cho bản thân — hai mươi năm đầu là một bác sĩ phẫu thuật kiêm nhà khoa học, hai mươi năm sau là nhà văn. Nhưng giờ đã đến cuối hai mươi năm cuối, tôi không biết mình nên theo đuổi con đường nào nữa.”

“Tôi không thể trả lời anh được,” cô nói. “Tôi chỉ có thể nói là anh có thể quay trở lại phẫu thuật nếu anh muốn, nhưng anh cần phải hiểu được điều gì là quan trọng với chính mình.”

“Nếu tôi có thể mường tượng một chút về việc tôi còn lại bao nhiêu thời gian thì dễ hơn. Nếu tôi có hai năm, tôi sẽ viết. Nếu tôi có mười năm, tôi sẽ quay lại với phẫu thuật và khoa học.”

“Anh biết là tôi không thể đưa ra con số nào mà.”

Đúng, tôi biết. Nói theo điệp khúc lặp đi lặp lại của cô thì việc tìm kiếm giá trị bản thân hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Nhưng một phần trong tôi cảm thấy như cô đang cố trốn tránh trách nhiệm. Tôi cũng chưa từng đưa ra các con số cụ thể cho bệnh nhân của mình, nhưng chẳng phải tôi vẫn luôn có chút cảm giác về việc họ nên làm thế nào hay sao? Nếu không thì làm sao tôi có thể đưa ra những quyết định có tính sống còn cơ chứ? Sau đó tôi nhớ lại những lần tôi phạm sai lầm: lần tôi khuyên một gia đình rút bỏ hỗ trợ sự sống cho con trai họ để rồi hai năm sau đó họ quay lại khoe tôi clip Youtube cậu bé chơi piano và tặng tôi bánh cupcake để cảm ơn tôi vì đã cứu sống cậu.

Những cuộc hẹn với bác sĩ ung thư là quan trọng nhất nhưng không phải là duy nhất trong vô số các cuộc hẹn mới với một loạt các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vì Lucy khá cương quyết, chúng tôi bắt đầu hẹn gặp cả nhà trị liệu cho các cặp đôi, một người có chuyên môn về bệnh nhân ung thư. Ngồi trong văn phòng không cửa sổ của bà trên hai chiếc ghế bành kê sát nhau, Lucy và tôi liệt kê chi tiết những gì mà cuộc sống của chúng tôi trong hiện tại và tương lai đã bị đứt gãy vì bệnh tật, cả nỗi đau vì việc biết và cả không biết về tương lai, sự khó khăn trong việc lên kế hoạch và việc không thể không luôn ở bên nhau vì nhau. Thành thật mà nói, ung thư đã cứu giúp cuộc hôn nhân của chúng tôi.

“Hai người đối mặt với chuyện này tốt hơn hẳn bất kỳ cặp đôi nào mà tôi biết,” nhà trị liệu nói vào cuối buổi nói chuyện. “Tôi không chắc là mình còn có lời khuyên nào cho anh chị.”

Tôi cười khi chúng tôi rời đi – ít nhất thì tôi cũng lại xuất sắc ở một chuyện gì đó. Những năm tháng dành chăm sóc các bệnh nhân nguy kịch đã mang lại trái ngọt! Tôi quay sang Lucy, hy vọng nhìn thấy nụ cười của nàng. Thay vì đó, nàng lắc đầu.

“Anh không thấy sao?” nàng nói, nắm lấy tay tôi. “Nếu chúng ta đã làm tốt nhất rồi, điều đó có nghĩa là chúng ta không thể làm tốt hơn nữa.”

Nếu sức nặng của cái chết không thể nhẹ bớt đi, liệu ít ra nó có thể quen thuộc hơn không?

Khi tôi được chẩn đoán mang bệnh nan y trong người, tôi bắt đầu nhìn thế giới qua hai lăng kính; tôi bắt đầu nhìn cái chết trong cả hai vai trò bác sĩ và bệnh nhân. Là một bác sĩ, tôi biết mình sẽ không tuyên bố “Ung thư là một trận chiến tôi phải chiến thắng!” hay hỏi: “Tại sao lại là tôi?” (Câu trả lời: Tại sao không phải là tôi?) Tôi biết rất nhiều về chăm sóc sức khỏe, những biến chứng và các thuật toán chữa trị. Tôi nhanh chóng học được từ bác sĩ của mình và qua việc tự tìm hiểu rằng gần đây ung thư phổi giai đoạn IV là một căn bệnh mà câu chuyện về nó có thể thay đổi lớn, giống như AIDS ở cuối những năm 1980: Vẫn là căn bệnh chết người nhanh chóng nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các liệu pháp mới nổi có thể mang đến nhiều năm sống sót.

Trong khi quá trình đào tạo để trở thành một bác sĩ và nhà khoa học giúp tôi xử lý số liệu và chấp nhận giới hạn những gì số liệu có thể cho biết về tiên lượng bệnh của tôi, nó lại chẳng giúp gì cho tôi ở vị trí một bệnh nhân. Nó không nói cho Lucy và tôi biết liệu chúng tôi có nên tiếp tục và sinh con, hay việc nuôi dưỡng một cuộc đời mới trong khi cuộc đời tôi đang tan dần có nghĩa gì. Nó cũng không nói cho tôi liệu có nên chiến đấu vì sự nghiệp, để đoạt lại những đam mê tôi đã dồn sức thật lâu để đeo đuổi khi mà không có gì đảm bảo về khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành.

Như những bệnh nhân của mình, tôi phải đối mặt với cái chết và cố gắng hiểu được điều gì khiến cuộc đời mình đáng sống – và tôi cần sự giúp đỡ của Emma. Giằng xé trong vai trò của một bác sĩ và một bệnh nhân, đào sâu trong những thông tin y khoa để tìm kiếm câu trả lời, tôi vùng vẫy một cách khó khăn. Cùng lúc đó, tôi phải đối mặt với cái chết của chính mình, để xây lại cuộc đời cũ – hoặc có lẽ tìm ra một cuộc đời mới.

Phần lớn thời gian trong tuần của tôi không dành cho liệu pháp nhận thức – hành vi mà là vật lý trị liệu. Tôi đã từng gửi hầu hết bệnh nhân của mình tới vật lý trị liệu. Và giờ tôi cảm thấy thật sốc vì độ khó khăn của nó. Là một bác sĩ, bạn có chút ý thức về việc bị ốm là như thế nào nhưng bạn sẽ không thực sự hiểu cho tới khi chính mình trải qua việc đó. Giống như chuyện yêu đương hoặc có con vậy. Bạn không coi trọng cả đống công việc giấy tờ đi kèm với nó, hoặc những thứ vụn vặt. Ví dụ như khi đặt dây truyền tĩnh mạch, bạn thực sự có thể cảm nhận được vị muối lúc họ bắt đầu truyền. Họ nói với tôi rằng điều này xảy ra với tất cả mọi người, nhưng thậm chí sau mười một năm trong ngành Y, tôi chưa từng hiểu.

Trong vật lý trị liệu, tôi thậm chí chưa được nhấc tạ mà mới chỉ cần nhấc chân mình. Kiệt sức và bẽ bàng. Trí não tôi vẫn ổn nhưng tôi không cảm thấy là mình nữa. Cơ thể tôi mong manh và yếu ớt – con người có thể chạy nửa cự ly marathon nay đã là quá vãng – và điều đó nữa, cũng định hình nhân diện của hạn. Chứng đau lưng đến nhức nhối có thể tạo hỉnh nhân diện của hạn; sự kiệt sức và cơn buồn nôn cũng có thể. Karen, bác sĩ vật lý trị liệu của tôi, đã hỏi rằng mục tiêu của tôi là gì. Tôi chọn hai thứ: đạp xe và chạy bộ. Trong tình trạng yếu ớt này, sự quyết tâm vùng lên. Ngày qua ngày tôi duy trì nó và mỗi một chút sức khỏe tăng lên cũng có thể mở rộng ra các vùng trời mới, phiên bản có-khả-năng của tôi. Tôi bắt đầu thêm vào số lần nâng tạ, khối tạ và số phút tập luyện, đẩy mình tới cực điểm nôn ói. Sau hai tháng, tôi có thể ngồi tới ba mươi phút mà không mệt mỏi. Tôi lại có thể ra ngoài ăn tối với bạn bè.

Một buổi chiểu, tôi và Lucy lái xe trên đường Canada Road, điểm đạp xe yêu thích của chúng tôi. (Thường thì chúng tôi đạp xe ở đây, lòng kiêu hãnh ép tôi phải dấn thêm nữa nhưng những quả đồi vẫn là quá sức.) Tôi cố được gần chục kilomet loạng choạng. Thành tích này vẫn còn quá xa so với gần năm chục cây số hồ hởi của mùa hè trước, nhưng ít ra thì tôi cũng đã có thể giữ thăng bằng trên hai bánh.

Đây là thắng lợi hay bại trận?

Tôi bắt đầu mong chờ tới những cuộc gặp cùng Emma. Trong văn phòng của cô, tôi cảm thấy chính mình, như một bản thể. Ngoài văn phòng cô, tôi không còn biết mình là ai nữa. Bởi vì tôi không còn làm việc, tôi không cảm thấy là chính mình, một bác sĩ phẫu thuật, một nhà khoa học – một chàng trai với tương lai rạng rỡ trước mắt. Ở nhà, suy nhược, tôi sợ rằng mình không phải là một người chồng đúng nghĩa đối với Lucy. Tôi đã chuyển từ một chủ thể sang một đối tượng trực tiếp ở mỗi câu nói về cuộc đời mình. Trong triết học thế kỉ XIV, từ bệnh nhân đơn giản có nghĩa là “ đối tượng của hành động,” và tôi cũng cảm thấy mình giống như vậy. Là bác sĩ, tôi là một tác nhân, một nguyên nhân; còn khi là bệnh nhân, tôi đơn giản là một đối tượng cho các sự việc xảy đến. Trong văn phòng của Emma, Lucy và tôi có thể cười đùa, trao đổi vài tiếng lóng của các bác sĩ, tự do nói về hy vọng và ước mơ, cố gắng lắp ráp một kế hoạch để tiến lên phía trước. Sau hai tháng, Emma vẫn mập mờ về bất kỳ một tiên lượng nào và mọi thống kê tôi nhắc đến cô đều gạt đi bằng lời nhắc nhở hãy tập trung vào các giá trị của tôi. Dù cảm thấy không thỏa mãn, ít ra tôi cũng cảm thấy là một ai đó, một con người, chứ không phải là một thứ gì minh họa cho định luật nhiệt động lực học (mọi trật tự đều có xu hướng tiến về entropy tăng, phân rã, v.v…)

Đối mặt với cái chết, nhiều quyết định trở nên gấp gáp, đè nén và không thể trì hoãn. Đứng đầu trong số đó là: Lucy và tôi có nên có con không? Cho dù hôn nhân của chúng tôi đã từng căng thẳng thời điểm cuối nội trú, chúng tôi vẫn còn rất yêu nhau. Mối quan hệ của chúng tôi vẫn có ý nghĩa sâu sắc, cùng nhau thấu hiểu và đồng cảm trong những điều quan trọng của cuộc sống. Nếu tính quan hệ của con người tạo ra nền tảng của ý nghĩa, có vẻ như với chung tôi việc có con sẽ thêm vào một khía cạnh khác cho ý nghĩa đó. Đó là điều mà chúng tôi vẫn thường mong muốn và cả hai đều bị thúc đẩy bởi bản năng để vẫn làm điều đó, để bổ sung thêm một ghế ăn cho chiếc bàn ăn gia đình.

Cả hai chúng tôi đều khao khát trở thành cha mẹ, chúng tôi nghĩ về nhau. Lucy hy vọng tôi có thêm vài năm nữa, nhưng hiểu về tiên lượng bệnh của tôi, nàng cảm thấy việc lựa chọn – liệu có muốn trở thành một người cha trong khoảng thời gian còn lại hay không – phải là lựa chọn của tôi.

“Anh lo sợ hay buồn bã nhất về điều gì?” nàng hỏi tôi trong một đêm trên giường.

“Rời xa em”, tôi nói.

Tôi biết rằng một đứa trẻ có thể mang tới niềm vui cho cả gia đình, và tôi không thể nào chịu được khi mường tượng cảnh Lucy không chồng không con sau khi tôi chết, nhưng tôi cũng cương quyết với lựa chọn cuối cùng phải là của cô ấy: suy cho cùng nàng rất có thể sẽ là người phải nuôi con một mình, và còn phải chăm sóc cho cả hai chúng tôi khi căn bệnh tiến triển.

“Liệu có một đứa con có làm xao nhãng khoảng thời gian chúng ta bên nhau không?” Nàng hỏi. “Liệu anh có nghĩ rằng việc xa lìa con mình sẽ khiến cái chết đau đớn hơn không?”

“Kể cả vậy thì chẳng phải vẫn sẽ rất tuyệt sao?” Tôi nói. Lucy và tôi đều cảm thấy cuộc đời không phải chỉ là né tránh khổ đau.

Nhiều năm trước, khi tôi phát hiện ra rằng Darwin và Nietzsche cùng đồng tình trong một chuyện: tính chất đặc trưng của sinh vật chính là sự dấu tranh. Nếu không có nó, việc mô tả cuộc sống chỉ giống như vẽ hổ không sọc vằn vậy. Sau bao nhiêu năm sống chung với việc tử, tôi đã hiểu rằng cái chết dễ dàng nhất không hẳn là cái chết tốt nhất. Chúng tôi quyết định. Gia đình hai bên đều chúc phúc cho chúng tôi. Chúng tôi quyết định có con. Chúng tôi sẽ tiếp tục sống thay vì chết dần.

Bởi vì số thuốc tôi đang dùng, các biện pháp hỗ trợ sinh sản là cách duy nhất. Do đó chúng tôi tới gặp một chuyên gia ở phòng khám nội tiết sinh sản ở Palo Alto. Cô rất có năng lực và chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng là non kinh nghiệm trong việc điều trị bênh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, trái với bệnh nhân hiếm muộn.

Có nói đều đều, mắt dính trên bảng kẹp giấy tờ.

“Hai người đã thử có con bao lâu rồi?”

“Chúng tôi chưa từng thử.”

“Ồ, dĩ nhiên rồi.”

Cuối cùng cô hỏi, “Trong tình huống của hai người, tôi cho rằng các bạn muốn có thai thật nhanh?”

“Đúng,” Lucy nói. “Chúng tôi muốn bắt đầu ngay lập tức.”

“Vậy tôi cho là các bạn nên bắt đầu với thụ tinh ống nghiệm,” cô nói.

Khi tôi nhắc tới việc chúng tôi muốn hạn chế số phôi thai được tạo ra và bị hủy, cô trông có chút lúng túng. Hầu hết mọi người tới đây đều đặt tính thiết thực lên đầu. Nhưng tôi quyết tâm tránh né tình huống mà sau khi tôi chết, Lucy phải chịu trách nhiệm với nửa tá số phôi mắc kẹt trong một tủ đông nào đó – phần sót lại mang theo bộ gen của cả hai, sự tồn tại cuối cùng của tôi trên trái đất – mà hủy chúng đi thì quá đau đớn, nhưng cũng không thể làm thành một con người trọn vẹn: những tạo tác của công nghệ mà không ai biết nên hiểu thế nào. Sau vài lần thử thụ tinh nhân tạo cấy vào tử cung, rõ ràng là chúng ta có một bậc công nghệ cao hơn: chúng ta sẽ cần tạo ra ít nhất vài phôi thai trong ống nghiệm và cấy vào tử cung cái nào khỏe mạnh nhất. Những phôi khác sẽ chết. Ngay trong cả việc có con ở cuộc sống mới này, cái chết cũng phần.

*

Sáu tuần kể từ lúc bắt đầu chữa trị là đến hẹn cho buổi chụp CT đầu tiên của tôi để xác định tính hiệu lực của Tarceva. Ngay khi tôi ra khỏi máy scan, kỹ thuật viên CT nhìn tôi và nói: “Này bác sỹ, tôi không định nói điều này nhưng có một cái máy tính ở đằng kia nếu anh muốn nhìn một chút.” Tôi tải ảnh lên máy chiếu, gõ vào tên của mình.

Mụn nhọt là một dấu hiệu an lòng. Sức khoẻ của tôi cũng cải thiện tốt dù vẫn bị hạn chế bởi chứng đau lưng và sự đuối sức. Tôi ngồi đó, tự nhủ về những gì Emma đã nói: Chỉ cần khối u phát triển rất nhỏ, miễn chỉ là rất nhỏ thôi, cũng có thể coi là thành công. (Hiển nhiên là cha tôi đã dự đoán rằng tất cả ung thư đều biến mất. “Ảnh chụp của con sẽ sạch bong, Pubby!” ông tuyên bố, gọi tên cún của tôi ở nhà). Tôi lặp lại với chính mình rằng u phát triển nhỏ thôi cũng là tin mừng rồi, nín thở và nhấn chuột. Ảnh hiện rõ trên màn hình. Hai phổi của tôi, vốn đã từng mờ mịt vô số khối u, giờ sáng rõ trừ một nốt chừng một centimet ngay thuỳ bên phải. Tôi có thể nhìn thấy cột sống tôi đang lành dần. Có một giảm sút rõ ràng về số lượng khối u.

Sự nhẹ nhõm tràn khắp người tôi.

Căn bệnh ung thư đã ổn định.

Khi tôi gặp Emma ngày hôm sau, cô vẫn từ chối nhắc đến tiên lượng bệnh, nhưng cô nói: “Anh khá rồi nên từ giờ chúng ra chỉ cần gặp nhau sáu tuần một lần. Lần tới gặp gỡ, chúng ta có thể nói về chuyện cuộc sống của anh sẽ thế nào.” Tôi có thể cảm thấy sự hỗn loạn của những tháng qua lùi xa dần, cảm giác về một trật tự mới ùa đến. Thứ cảm giác co nén về tương lai bắt đầu được thả lỏng.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ