Ma Thổi Đèn - Quyển 6 – Chương 18: Xuống biển dò Nam Long

Ngoại vi vùng vực xoáy San Hô là rặng đá ngầm chằng chịt, tựa như một vách chắn thiên nhiên khổng lồ. Khi nước triều rút xuống mức thấp nhất, dải đá ngầm sẽ hiện lên một nửa, nước triều dâng lên thì hoàn toàn chìm xuống mặt nước, ngăn cản đường đi của những kẻ dòm ngó kho báu bên trong. Tàu lớn thì không qua nổi, thuyền nhỏ có qua cũng chẳng làm được gì, vì vậy vùng biển phía sau rặng đá ngầm này cho đến nay vẫn còn là một khu vực thần bí đối với thế nhân[34]. Minh Thúc và Nguyễn Hắc đều là hạng sói biển lão làng, hiểu được thông điệp của sóng và gió, có thể điều khiển tàu Chĩa Ba lợi dụng nước triều vượt qua tầng tầng lớp lớp đá ngầm. Nhưng hiềm nỗi, một khi lọt vào vùng biển này, la bàn và các thiết bị định vị đều mất tác dụng, dòng biển và hướng gió cũng cực kỳ phức tạp khó xác định rõ, muốn vượt qua khu vực đá ngầm dài mấy hải lý này trong tình trạng không biết phương hướng, thực sự còn khó hơn lên trời, chẳng khác nào bắt một vận động viên chạy cự ly ngắn ưu tú bịt mắt tham gia thi chạy vượt rào vậy, dù không ngã chổng mông lên trời thì cũng chạy vòng vòng tại chỗ, vĩnh viễn chẳng thể nào chạy đến đích được.

Bởi lẽ đó, hy vọng của cả bọn đều gửi gắm vào thuật Ban Sơn Phân Giáp của tổ sư Ban Sơn đạo nhân để lại. Chỉ cần biết được phương hướng để tham chiếu, đợi khi nước triều dâng lên là có thể vượt qua rặng đá ngầm tiến vào vực xoáy San Hô mò ngọc được rồi. Trước ánh mắt nhìn chằm chằm của chúng tôi, chỉ thấy Shirley Dương ung dung chậm rãi lấy ra mấy món đồ khác nhau. Trước tiên, cô mở cái tráp gỗ ra, bên trong tráp gỗ là một bình thủy tinh bọc vóc đỏ, thân bình trong suốt, bụng phình to, mỏng như cánh ve. Bên trong bình là nước sạch và một viên thuốc, nước trong veo, nên nhìn viên thuốc to bằng móng tay út trông rất nổi bật. Bọn Minh Thúc, Tuyền béo đều không biết đó là thứ gì, cảm thấy hết sức mù mờ khó hiểu.

Shirley Dương lại lấy ra một cái vại sành đen sì, bên trong đựng nước sạch, nuôi mấy con cá nhỏ. Mấy con cá dài bằng ngón tay, đầu rất to, thân đỏ rực như lửa, bộ dạng trông quái dị vô cùng, đang bơi lội rất hoan hỉ trong vại sành. Chỉ thấy Shirley Dương cẩn thận vớt ra một con cá, thả vào bình thủy tinh, sau đó đặt bình vào tráp, lấy vóc đỏ quấn lại để cố định. Con cá nhỏ bơi vòng quanh viên thuốc nọ vài vòng, rồi bắt đầu đẩy nó sang một phía, bất luận nước trong bình có dập dềnh dao động thế nào, vẫn ra sức đẩy viên thuốc về một hướng cố định.

Cả bọn đều trố mắt ra nhìn, nhìn bộ dạng xem chừng người nào người nấy đều muốn hỏi thế này là thế nào, tôi bèn giải thích: “Đây chính là Ti thiên ngư của Ban Sơn đạo nhân. Cá này đẩy Thái Âm hoàn về hướng nào, thì đó chính là hướng chính Đông, lần nào cũng ứng nghiệm hết. Tuy ngẩng đầu không thấy sao Bắc Đẩu, nhưng cúi đầu có thể xem Ti thiên ngư, có nó chỉ rõ phương vị cho chúng ta, các vị còn lo lắng điều gì nữa không?”

Ban Sơn đạo nhân từng ở miền duyên hải Giang Chiết một thời gian dài, không ngừng tìm kiếm Mộc Trần châu trong các mộ cổ ở khắp nơi, cũng có ý vượt biển tránh họa từ lời nguyền Động quỷ không đáy, đồng thời tìm kiếm tiên sơn linh được trên biển, trải bao năm tháng, đã sáng tạo ra một bộ phương thuật, người đời sau gọi là Ban Sơn Phân Giáp. Trong bộ kỳ thuật này, không chỉ có phương pháp tìm kiếm và khai quật mộ cổ, mà bao gồm cả những pháp môn và bí phương về sự sinh khắc biến hóa của vạn vật vạn tượng nữa.

Con người phàm làm việc gì, cũng đều phải dựa vào cảm giác phương hướng. Chỉ nói riêng trùng đạo phong thủy, những nhân tố quan trọng nhất như “long, sa, huyệt, thủy” đều không thể tách rời khỏi một “hướng” nhất định. Không có phương hướng chỉ dẫn, thì cũng vô phương tiến hành phân kim định huyệt. Thuở ban đầu, con người dựa vào mặt trăng, mặt trời và tinh tú để xác định phương vị, về sau lại phát minh ra la bàn dạng đơn giản, rồi dần dần tiến hóa lên thành loại xe chỉ Nam[35] chính xác hơn. Đến thời Minh, khi phái Phong thủy Hình Thế tông hình thành hoàn thiện, loại la bàn phong thủy chuyên dùng để xem đất tìm long mạch cũng theo đó mà hoàn thiện tối đa. La bàn có ghi rõ âm dương thái cực, ngũ hành bát quái, hà đồ lạc thư, cửu tinh, nhị thập bát tú, hai mươi bốn tiết khí, mười hai cung, hai mươi bốn núi, sáu mươi long mạch… ít nhất cũng phải có ba tầng hoặc hơn, nhiều khi lên đến hơn bốn chục tầng. Trên la bàn, quan trọng nhất là ba kim “chính, phùng, trung”.

Nguyên lý định vị của la bàn cổ đại không thể tách rời với từ trường mặt đất, người thời xưa cho rằng, kim la bàn và từ trường là đạo mẹ con. Nếu trong một số trường hợp đặc thù, la bàn mất hiệu lực thì chỉ còn cách dùng đến Ti thiên ngư. Phương pháp sử dụng loại cá này được giấu trong mộ Ngu Vương, vốn đã thất truyền trên thế gian, Ban Sơn đạo nhân cũng là tình cờ nên mới có được. Còn “Thái Âm hoàn”, kỳ thực chính là loại thuốc chống thối rữa ngậm bên trong miệng chủ mộ. Loại thuốc này tập hợp tinh khí của Thái Âm, người chết ngậm trong miệng, thì dù có phơi dưới ánh nắng mấy tháng cũng không bị thối rữa mục nát, cho đến khi khí âm trong viên thuốc tan hết thì mới hết tác dụng. Thời Tần Hán, thuật luyện đơn rất thịnh, nhưng từ thời Tống trở đi thì bắt đầu suy bại, phương pháp phối chế loại đơn hoàn này cũng theo đó mà thất truyền, không thể tìm lại được nữa.

Ban Sơn đạo nhân dùng nước thuốc đặc chế ngâm tẩm, có thể khiến Thái Âm hoàn tích tụ khí âm. Mặt trăng thuộc Thái Âm, đặt viên thuốc trong bình thủy tinh, là mô phỏng trăng sáng trên trời. Ti thiên ngư thấy trăng sáng, thì nhất định sẽ từ phía Tây bơi tới, đầu cá hướng về phía Đông hấp nạp tinh hoa của Thái Âm, đây là thuộc tính trời sinh của chúng, không chịu ảnh hưởng của bất cứ nhân tố nào bên ngoài, đầu cá luôn luôn hướng về phía Đông. Nếu là giống Ti thiên ngư to như con thuyền, gặp lúc trăng sáng nhất thì còn tỏa sáng tranh quang với ánh trăng nữa. Có điều, đây chỉ là một truyền thuyết ghi lại trong mộ Ngu Vương mà thôi. Thời nay, con Ti thiên ngư to nhất có thể tìm được cũng chỉ dài bằng ngón tay trỏ là cùng. Khi la bàn mất tác dụng, trăng sao bị mây mù che khuất, sử dụng Ti thiên ngư tham chiếu phương hướng tuy không phải là chuẩn xác trăm phần trăm, nhưng cũng tuyệt đối không đến nỗi để tàu phải đi vòng vòng rồi lạc phương hướng giữa biển khơi.

Ngoài ra, Shirley Dương còn có Khôi tinh bàn phụ trợ. Đây cũng là bảo khí do Ban Sơn đạo nhân đào được từ mộ Ngu Vương thời cổ đại, công dụng tương tự như một Quan tinh bàn trong thuật phong thủy, không bị ảnh hưởng của khí hậu, từ trường mặt đất và điện từ. Người xưa cho rằng, thiên địa nhân là một chỉnh thể, có thể dựa vào sự biến hóa ảo diệu của các dòng khí chảy giữa núi non sông ngòi để xem xét sao trời, thăm dò mạch đất và ngược lại. Tuy Ban Sơn đạo nhân không thông thạo việc xem sao trời, dò địa mạch cho lắm, nhưng cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật của tôi lại ghi chép rất kỹ về những lẽ nhiệm mầu này. Có Ti thiên ngư và Khôi tinh bàn, chúng tôi cơ hồ như được khai thiên nhãn, điều khiển tàu Chĩa Ba ra vào vực xoáy San Hô, thực cũng không còn khó khăn nhiều mấy.

Cả bọn nghe giải thích về công dụng của Ti thiên ngư và Khôi tinh bàn, đều kích động đến nỗi không biết phải nói gì, không ngờ chướng ngại tưởng chừng như không thể vượt qua ấy đã được cổ nhân nghĩ cách phá giải từ mấy trăm năm trước. Tuy khoa học kỹ thuật hiện đại ngày càng phát triển, nhưng cũng không thể không thừa nhận, nếu quá dựa dẫm vào khoa học kỹ thuật và các trang thiết bị, ở một phương diện nào đó, sẽ khiến người ta thoái hóa phần nào. Có điều, những chuyện này tốt nhất nên để cho mấy bác triết gia suy ngẫm, giờ đây, kho báu lớn nhất ở Nam Hải, cơ hồ như đã ở gần ngay trước mắt chúng nhân, chỉ đưa tay ra là chạm tới được. Tiền tài phú quý sắp ngập đầu đến nơi, còn ai tốn thời giờ lo lắng về mâu thuẫn giữa tiến bộ của xã hội và sự thoái hóa của con người nữa chứ.

Không bao lâu sau, liền nghe thấy phía xa vẳng lại tiếng sóng dữ cuồn cuộn, nước biển dâng trào, chỉ trong chớp mắt đã ngập cả rặng đá ngầm. Có bí thuật Ban Sơn Trấn Hải trợ giúp, tàu Chĩa Ba của chúng tôi dễ dàng cưỡi gió lướt sóng vượt qua rặng đá ngầm, chỉ thấy mặt biển phía trước xuất hiện một ráng mây màu sắc rực rỡ. Những người chạy tàu trên biển gọi thứ này là “núi tiên”. Núi tiên ở đây không phải để chỉ những đỉnh núi đá trồi lên mặt biển, mà chính là chỉ hiện tượng ráng mây sà xuống sát mặt biển. Những người quen đi tàu biển trông thấy cảnh tượng đặc biệt này, đều cho là điềm cực tốt.

Ở đằng xa thì thấy trên mặt biển có ráng mây che phủ, tàu đến gần lại không thấy đâu nữa, đoán chừng, có lẽ tại đáy biển có hai dãy núi quây lại, hải khí nồng đậm bốc lên, gặp không khí liền trở nên mông lung biến ảo. Cũng bởi hôm nay trời nhiều mây, bằng không ánh mặt trời chiếu vào, ở đây ắt hẳn sẽ xuất hiện ảo ảnh hải thị thần lâu trong truyền thuyết. Xem lại Ti thiên ngư và Khôi tinh bàn, thì thấy nơi này đại khái đã là khu vực có âm hỏa tiềm tàng của mạch Nam Long rồi.

Long mạch trong thiên hạ có Nam Long, Bắc Long và Trung Long. Bắc Long và Trung Long phát xuất từ núi Côn Luân tuy ổn định vững vàng, nghìn đời không suy suyển, nhưng duy chỉ có Nam Long là khí thế lớn nhất. Có điều, Nam Long hành tung phiêu hốt, vương khí không đủ, long mạch có đầu mà không có đuôi. Nam Long khởi phát từ núi Nga My, chạy song song với Trường Giang, rồi từ núi Hải Diêm – Chiết Giang đâm xuống biển, chạy ngoằn ngoèo qua eo biển giữa Triều Tiên và Nhật Bản, không biết kết cục thế nào, có thể nói là thần long thấy đầu mà chẳng thấy đuôi. Nếu không phải bậc chí thánh chí hiền, tuyệt đối không nên xây mộ ở mạch Nam Long này. Vùng biển vực xoáy San Hô ở Nam Hải cũng thuộc dư mạch của Nam Long, hình thế kỳ quái, thiên hạ hiếm thấy.

Có điều, đây chỉ là phán đoán sơ bộ, còn phải xác nhận thêm một bước nữa, sau đó mới sử dụng chuông lặn xuống nước trinh sát. Tôi bảo Minh Thúc dừng tàu, lấy gạo trắng và dầu đã chuẩn bị từ trước, lần lượt đổ xuống biển, chỉ thấy gạo trắng không chìm, dầu không nổi, đây chính là dấu hiệu được ghi trong sách cổ, nếu bên dưới có âm hỏa long hỏa gì, thì chắc chính là ở chỗ này đây. Kế đó, chúng tôi lại thăm dò mực nước nông sâu, thấy khoảng chưa đến bảy chục mét, bèn thả cục chì có gắn phao nổi xuống để định vị.

Tiếp sau đấy, cả bọn lập tức tụ tập trên boong tàu hội ý, thảo luận phương án hành động. Khu vực này gần như có thể coi là vùng trung tâm của vực xoáy San Hô rồi, trước mắt thì mọi việc đều thuận lợi, nhưng tình hình ở đây thế nào thì chẳng ai rõ được, có tìm được con tàu đắm hay không cũng vẫn là một ẩn số. Chúng tôi thống nhất kể từ giờ trở đi, nhất thiết phải tăng cường giới bị, cẩn thận gấp đôi, đi bước nào là chắc bước đó. Để không phải lưu lại chốn thị phi nguy hiểm này quá lâu, cả bọn quyết định nhân lúc sóng gió không lớn lắm, lập tức triển khai hành động, trước tiên xuống nước trinh sát, tìm kiếm vị trí của tàu đắm và ngọc trai Nam Hải, sau khi nắm được địa hình đáy biển rồi mới tùy cơ ứng biến, sắp xếp nhiệm vụ cho mỗi người.

Trên tàu chỉ có hai cái chuông lặn, mỗi cái chứa được một người, cuối cùng quyết định để tôi và Nguyễn Hắc xuống nước trinh sát. Nguyễn Hắc đã từng xuống nước mò ngọc, rất thông thuộc những việc này, vì vậy để ông ta xuống nước hỗ trợ cho tôi là thích hợp nhất. Sau khi sắp xếp xong xuôi, Tuyền béo dẫn bọn Cổ Thái và Đa Linh chuẩn bị chuông lặn, kiểm tra lại xem trang thiết bị có ổn định không.

Trước khi xuống nước, Shirley Dương dặn dò tôi: “Tuy chúng ta đã tiến vào vực xoáy San Hô, nhưng sự việc diễn ra quá thuận lợi, ngược lại khiến tôi không thể yên tâm. Nghe giáo sư Trần nói, hải nhãn trong vực xoáy San Hô này chính là Quy Khư vẫn được nhắc đến trong truyền thuyết xưa. Tương truyền, nước của tất cả sông hồ biển trên đời này cuối cùng đều đổ vào Quy Khư, nước chảy không bao giờ ngừng, vậy mà Quy Khư thủy chung cũng không đáy. Chuyện này xuất hiện rất nhiều lần trong các sách cổ, người chạy tàu nào cũng biết trên đời này có một hải nhãn như thế. Nhưng anh xem, mặt biển bốn bề trải ra tít tắp, đâu có thấy xoáy nước hay hải nhãn nào đâu? Đương nhiên, Quy Khư dù sao cũng chỉ là một truyền thuyết, chỉ mong là tôi đã quá lo nghĩ thôi. Có điều, sau khi anh xuống nước, vẫn phải hết sức cẩn thận, không được hành sự lỗ mãng.”

Tôi gật đầu nhận lời, dẫu sao thì chuông lặn cũng cực kỳ kiên cố, nếu dưới đáy biển có xảy ra chuyện gì bất trắc, ít nhất cũng đảm bảo cho người trinh sát có thể an toàn rút lui.

Bị óc hiếu kỳ mãnh liệt thôi thúc, tôi nôn nóng lặn xuống xem xét tình hình đáy biển, nên chỉ nói vài câu với Shirley Dương, rồi vội vàng chui vào trong chuông lặn bọn Tuyền béo đã chuẩn bị xong xuôi.

Chuông lặn đúc bằng đồng, bít kín, có thể lặn xuống độ sâu tối đa năm mươi lăm mét, bốn phía có cửa sổ quan sát, được lắp thiết bị chiếu sáng chuyên dụng có tên là “Con mắt của Poseidon” phát sáng cực mạnh, bên trong có gắn hệ thống điện thoại để liên lạc với chỉ huy trên boong tàu. Tuy đã có ống thông khí nối liền với hệ thống bơm trên tàu, nhưng chúng tôi vẫn mang theo bình dưỡng khí xuống để đề phòng bất trắc.

Tôi chui vào chuông lặn chuẩn bị xong xuôi, bèn vẫy tay ra hiệu với những người còn lại trên boong. Chiếc chuông lặn nước bắt đầu từ từ hạ xuống, lúc ở trên mặt biển vẫn chưa thấy gì, nhưng sau khi chuông đồng chìm xuống đáy nước, lập tức cảm giác chịu áp lực mạnh dấy lên, nỗi sợ bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài theo đó cũng bùng lên tự đáy lòng. Tôi gắng hết sức tập trung chú ý quan sát cảnh vật ngoài cửa sổ, tìm mọi cách để phân tán nỗi bất an khó xua đuổi hoàn toàn đó.

Tuy nói là chỉ lặn xuống sâu hơn năm chục mét, nhưng quá trình này diễn ra cực kỳ chậm chạp, tôi vừa nhìn nước biển bên ngoài ô cửa kính quan sát, vừa thầm đếm tiếng khí thể thoát ra cách quãng từ hệ thống van xả khí trong khoang đồng. Đếm đến mười lăm thì chuông lặn cũng được thả hết dây. Đương là ban ngày, nhưng trời nhiều mây, tầm nhìn xa dưới mặt nước chỉ ở mức độ vừa phải hoặc thấp hơn. Có điều, từ độ sâu hai mươi mét, xung quanh càng lúc càng tối đen, tạp chất trong nước biển nhiều hơn, tầm nhìn xa giảm xuống nhanh chóng, cũng may là bên trong bên ngoài khoang đồng này đều có thiết bị chiếu sáng. Trước tiên, tôi tìm vị trí chuông lặn của Nguyễn Hắc, giơ ngón tay cái lên với ông ta, biểu thị mọi việc đều bình thường. Nguyễn Hắc cũng ra dấu hồi đáp lại như vậy.

Tiếp sau đó, chúng tôi sử dụng “con mắt của Poseidon” chiếu sáng, bắt đầu trinh sát địa hình dưới đáy biển, rồi thông qua hệ thống điện thoại báo cáo tình hình với những người ở trên tàu. Vùng biển thần bí tương truyền có u linh ẩn hiện này, từ từ lộ ra diện mạo chân thực dưới ánh đèn. Mấy chục mét sâu dưới mặt nước, là một khu rừng đáy biển, xung quanh có núi non bao bọc, giữa vùng địa hình nhấp nhô trùng điệp ấy có một rãnh biển sâu thăm thẳm, bên trong chốc chốc lại cuộn lên những xoáy nước quái dị, chiếu đèn xuống cũng không thấy đáy. Sâu bên dưới, dường như có vật gì đó đen đúa thò đầu thò đuôi ra, nhưng không nhìn rõ là thứ gì, lũ cá dưới biển đều không dám lại gần.

Trong khu rừng san hô bên rìa khe vực ấy, có rất nhiều cây cao đến mấy chục mét, cực kỳ dị thường, gần như trong suốt giống đồi mồi. Đồi mồi, còn gọi là độc mồi, trên lưng có mười ba phiến giáp xếp chồng lên nhau như ngói úp, màu vàng nhạt hơi ngả sang đen, có đốm đen, lớp giáp này sau khi gia công sẽ trở nên mềm dẻo, dùng để chế tác các đồ trang sức quý giá. Những cây to dưới đáy biển ấy, màu sắc và hình dạng đều rất giống đồi mồi, ốc và trai lớn bám chi chít, con nhỏ nhất cũng phải to bằng cái thớt. Mỗi khi vỏ trai mở hé, dường như có ánh sáng như ánh trăng lấp lóa từ bên trong, khiến các loài thủy tộc chen nhau vây lại.

Tôi nuốt ực một ngụm nước bọt, thầm nhủ dưới đáy biển quả nhiên có ngọc quý, xem ra chuyến này không uổng công rồi. Nhưng ở xung quanh đấy lại không thấy xác con tàu Mariana đâu cả, đừng nói là không có con tàu đắm ấy, toàn bộ những nơi trong tầm nhìn của chúng tôi, chẳng có bóng dáng một con tàu đắm nào cả. Tôi đoán, nếu nghĩa địa tàu đắm trong truyền thuyết là có thực, thì chỉ có khả năng nằm dưới vực sâu trong rừng san hô. Nếu tàu Mariana chìm xuống đó, nếu độ sâu vượt quá hai trăm mét, với năng lực của chúng tôi thực không có cách nào để trục vớt.

Nghĩ tới đây, tôi ngoảnh lại nhìn xuống khe sâu bên dưới qua cửa sổ quan sát, không ngờ, vừa mới quay đầu, liền thấy một con cá to đại tướng toàn thân sần sùi chẳng biết đã xuất hiện bên cạnh chuông lặn nước từ lúc nào. Nó quẫy đuôi, quật cho khoang tàu lặn bằng đồng của tôi một cú trời giáng, làm bên trong khoang tàu ầm vang những tiếng đinh tai nhức óc. Tôi lảo đảo ngã nhào, đèn chiếu sáng bên ngoài lập tức tắt ngúm. Con cá ấy quật đuôi một cú, rồi lại vòng ngược trở lại, há ngoác miệng hung hăng lao đến, tựa hồ muốn nuốt chửng luôn cả cái chuông lặn.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ