Ma Thổi Đèn - Quyển 6 – Chương 13: Thủy thần pháo Kumbhira

Con tàu ba cột buồm kiểu cổ bị nước ùa vào, cuối cùng cũng chìm xuống. Trên mặt biển, đàn cá mập đông lúc nhúc bơi lượn vòng, bị mùi máu tanh quyến rũ, trở nên hưng phấn kích động, lao tới húc “cục cục” liên hồi vào thân tàu bằng gỗ. Tôi cuống cuồng leo lên đỉnh cột buồm, không ngờ trúng lúc thân tàu lại lắc mạnh, phần vừa chìm xuống nước đột nhiên nhô lên. Trong sương mù, chỉ nghe trong khoang tàu phát ra một âm thanh vang dội rất khủng khiếp, như tiếng rồng gầm.

Áo quần tôi ướt sũng nước biển, gió bên tai thổi vù vù. Con tàu dập dềnh chao lắc dữ dội, tôi ôm chặt cột buồm không dám buông tay, nghe thấy động tĩnh bên dưới, trong lòng thầm than không ổn: chẳng trách con tàu đã bị nước vào này vẫn không chìm xuống, thì ra là dưới biển có thứ nâng nó lên. Thứ này phải to chừng nào mới làm vậy được? Chẳng lẽ máu trong khoang tàu là của nó sao?

Nghĩ tới đây, mồ hôi lạnh bắt thần túa ra, chỉ biết thầm kêu khổ, tim đập thình thịch. Bất thình lình, trước mắt hoa lên, đeo mình trên đỉnh cột buồm, tôi đã trông thấy trong màn sương có ánh đèn chớp chớp. Thì ra, Shirley Dương đang chỉ huy Nguyễn Hắc điều khiển tàu Chĩa Ba rẽ sóng đi tới. Tôi cả mừng, tuy không rõ bọn họ lần theo âm thanh mà đến hay là theo dấu đàn cá mập đang bao vây con tàu này, chỉ cần kịp thời quay lại là tôi đã cám ơn trời đất lắm lắm rồi.

Con tàu cổ xưa nghiêng ngả, cột buồm lung lay như sắp đổ nhào. Lúc tàu Chĩa Ba hiện trong sương mù, khoảng cách giữa hai bên đã rất gần rồi, mắt thấy hai con tàu sẽ lại lướt qua nhau trong sương, tôi thầm nhủ có leo xuống chắc cũng không kịp, bèn tính toán khoảng cách giữa hai tàu, quyết định mạo hiểm nhảy một cú năm ăn năm thua. Nhân lúc thân tàu lắc lư đổ về phía tàu Chĩa Ba, tôi dứt khoát phi thân rời cột buồm, thân thể rơi xuống theo góc chênh chếch, lướt qua mặt biển đầy cá mập, bổ tới chiếc xuồng cứu sinh bằng cao su buộc bên mạn tàu Chĩa Ba.

Có điều thân tàu liên tục dập dềnh nổi trôi theo sóng, nào phải mục tiêu cố định, thời cơ và khoảng cách đã được tính toán thỏa đáng chỉ trong chớp mắt đã nảy sinh biến hóa, tôi không rơi xuống xuồng cứu sinh như dự định ban đầu mà hụt mất nửa bước, hướng thẳng xuống mặt biển. Trong tiếng kêu kinh hãi của bọn Tuyền béo và Shirley Dương, tôi giơ cả hai tay gắng hết sức chồm về phía trước, rốt cuộc cũng tóm được sợi dây thừng cố định ở dưới đáy xuồng cứu sinh, thân thể đeo lơ lửng, nhưng hai chân đã chạm mặt nước rồi.

Sợi thừng cọ vào tay tôi đau rát như lửa đốt, nhưng trong lòng tôi hiểu rất rõ, dù gãy tay, cũng quyết không được buông, buông tay là thành mồi cho cá mập ngay. Tôi uốn mình, dồn sức vào hông, định bám vào xuồng cứu sinh leo lên, đột nhiên cảm thấy dưới chân có thứ gì đó húc vào. Thì ra, cá mập lúc nhúc vây quanh con tàu ba cột buồm đông quá, trong lúc bất cẩn tôi đã giẫm phải một con. Cũng chẳng rõ đã giẫm phải chỗ nào trên mình nó, nhưng dã tính hung hăng khát máu cùng với sức mạnh hừng hực trong cơ thể nó thì tôi cảm nhận được rõ rệt lạ thường.

Tôi giật mình kinh hoảng, tóc gáy dựng ngược hết cả lên, trong tích tắc toàn thân như có dòng điện chạy qua, chẳng kịp cúi nhìn con cá mập dưới chân, vận hết sức cố leo lên tàu. Nhưng tâm càng rối thì tay chân càng cuống, lúc ấy may có bọn Tuyền béo ở bên trên đưa gậy móc câu ra cho tôi bám, rồi hợp lực kéo lên, tôi mới thuận đà leo lên được xuồng cứu sinh bằng cao su.

Shirley Dương đưa tay kéo tôi lên tàu, miệng khẽ gắt: “Cái anh Nhất này đúng là thật liều hết chỗ nói, cao như vậy mà cũng dám nhảy à? Anh chán sống rồi chắc?” Tôi vẫn chưa định thần nổi sau cơn kinh hồn bạt vía, nghĩ lại cũng rùng mình, cảm giác toàn thân trên dưới đều ướt sũng, chẳng phân biệt được là nước biển hay là mồ hôi túa ra nữa. Nhưng sợ mấy thì cũng không thể gục ngã, tôi còn định nói vài câu giành lấy chút thể diện với cả bọn nữa.

Lúc này, Minh Thúc mới từ trong khoang bò ra ngoài boong tàu. Chắc lão ta uống say quá, giờ vẫn chưa được tỉnh táo cho lắm. Có điều, vừa ngước mắt thấy con tàu ba cột buồm tựa như cái bóng trắng đung đưa lướt qua sát sạt, sắc mặt Minh Thúc đột nhiên tái mét như gặp ma quỷ. Lão cũng không dài lời thừa thãi, chỉ kêu ầm lên: “Đây là… huyết thuyền. Mau… mau kéo pháo ra. Chuẩn bị đạn pháo.”

Tôi nghe Minh Thúc đột nhiên kêu lên, thầm nhủ có lẽ lão ta biết lai lịch của con tàu thần bí kia, nhưng sự việc trước mắt khẩn cấp hơn, tạm thời cũng không cần phải giải thích kỹ càng. Nghĩ đoạn, tôi bèn tập hợp người trên tàu nhanh chóng bố trí thủy thần pháo Kumbhira, chuẩn bị pháo kích con tàu ma. Hành động được triển khai cực kỳ mau mắn. Khoang tàu tuy chật hẹp nhưng tất cả mọi người đều đã sẵn sàng, trong tình huống khẩn cấp vẫn phân chia phối hợp đâu ra đấy. Ai nấy đều hiểu rõ, một đám người nếu ô hợp như nắm cát khô lại muốn mạo hiểm tiến vào vùng biển vực xoáy San Hô thì hết sức phi thực tế. Những lúc rảnh rỗi, tôi và Tuyền béo, cùng Cổ Thái, Đa Linh đều được Shirley Dương tiến hành huấn luyện quân sự hóa theo tiêu chuẩn hải quân. Bởi lẽ, đi tàu trên biển không giống như trên đất liền, năng lực của một người khó mà chống chọi được sóng gió bão táp, nên toàn thể thành viên trên tàu nhất định phải hợp thành một chỉnh thể thống nhất. Một khi xảy ra sự cố, hoặc đối mặt với nguy cơ, phải cùng nhau ra sức hợp lực tác chiến, mới có thể hòa nguy thành an được. Tàu của chúng tôi tổng cộng chỉ có bảy người, thành ra mỗi người phải kiêm đến mấy việc, toàn là những trách nhiệm quan trọng không thể khuyết thiếu.

Mệnh lệnh vừa được phát ra, cả bọn tức tốc ai vào việc nấy như đã được sắp xếp trong những lần diễn luyện trước đây. Tôi và Tuyền béo xuống khoang điều chỉnh nòng pháo, nhắm chuẩn mục tiêu, Cổ Thái với Đa Linh mở hòm đạn mang đạn pháo đến, còn Shirley Dương thì thông qua hệ thống truyền âm ra chỉ thị cho Nguyễn Hắc điều chỉnh hướng lái, để họng pháo có góc bắn.

Mấy giây sau, thủy thần pháo trên tàu Chĩa Ba đã sẵn sàng nã đạn. Sương mù vẫn dày đặc, hai con tàu lướt qua nhau lần thứ ba, con tàu kiểu cổ sũng máu đang từ từ biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi. Shirley Dương không ngừng thông báo phương vị, góc độ và vận tốc của tàu, thuyền trưởng Nguyễn Hắc tuy sợ con tàu ma, nhưng việc can hệ đến tính mạng, đành liều một phen lấy hết dũng khí quay mũi tàu, tăng tốc lao đến gần mé đuôi tàu ba cột buồm.

Minh Thúc ở trong khoang tàu hoa chân múa tay chỉ huy bát nháo hết cả lên, tôi và Tuyền béo đã chuẩn bị khai pháo, ai nấy đều nín thở chờ tàu Chĩa Ba tiến vào vị trí xạ kích thích hợp nhất. Tranh thủ một thoáng chờ đợi ấy, tôi hỏi Minh Thúc: “Con tàu ba cột buồm dùng giấy bìa trắng bít kín cửa khoang, bên trong toàn là máu, rốt cuộc nó là cái gì vậy?”

Minh Thúc quệt quệt mồ hôi túa ra to như hạt đậu trên trán: “Mẹ cha nhà các chú, cũng may Minh Thúc tôi kịp thời phát hiện, là U Linh huyết thuyền để đánh tiêu đấy, nếu không bắn đạn pháo cho chìm xuống đáy biển, không khéo còn gặp phiền phức to lắm đấy.”

Thì ra ở mạn duyên hải Nam Dương cũng có tập tục tương tự như phong tục thả tàu đuổi ôn thần xua ôn dịch, gọi là tục “đánh tiêu”. Điểm khác biệt là, trong khoang tàu đi “đánh tiêu” không đặt xác người chết, mà đặt một loại hải thú thể hình to lớn. Ở biển Nam Dương có một loài động vật đặc biệt, hình dáng từa tựa con ba ba, gọi là con “luồn cát”. Cái tên “luồn cát” này là do dân chài đặt cho, còn danh xưng khoa học của nó thì không rõ là gì. Hình dạng con này trông như con ba ba mà không phải ba ba, có yếm nhưng không có chân, lưng màu xanh đen, bụng có vằn trắng lớn, bình thường chủ yếu sống ở vùng biển nông, vùi thân trong cát. Chúng thường hay quẫy mình gây sóng gió, làm lật tàu bè nhỏ, ngư dân căm hận lắm. Đôi khi có con “luồn cát” bò lên bờ bị mắc cạn không trở về biển được, ngư dân nào phát hiện ra liền lập tức đi thông báo cho những người khác, mang xích sắt ra gông lại bắt sống. Đại phàm, nếu bắt được giống này, lại gặp đúng thời gian tế bái Long thần, người ta sẽ tu bổ một con tàu cá cũ bỏ đi đã lâu, rồi cắt tiết con “luồn cát” bỏ vào trong khoang tàu. Kế đó, mới dùng giấy bồi, lưới cá phong kín con tàu cũ đó, dắt ra vùng biển sâu, để mặc cho trôi theo dòng nước.

Biển Nam Hải nhiều sóng dữ, xưa nay là nơi gió bão hoành hành, loại tàu kiểu này quá nửa đều không chắc chắn, sau khi được kéo ra vùng biển sâu, trôi nổi chẳng được mấy chốc sẽ bị sóng gió đánh chìm, con “luồn cát” cũng theo đó mà chôn thây nơi đáy biển. Những loài cá dữ hay giao long thuồng luồng ở vùng nước sâu cực kỳ khoái thịt con “luồn cát”, sẽ ào ào nhao đến phá vỡ tàu, tranh nhau giằng xé con “luồn cát” đến lúc nào chỉ còn cái vỏ không mới thôi. Ngư dân tin dưới đáy biển có “rồng”, thờ phụng làm hải thần, tập tục này của họ chính là một hành vi tế bái hải thần, cầu mong Long vương bảo hộ cho mặt biển được sóng yên gió lặng.

Nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt, giống “luồn cát” quá chừng dai sức, lại còn trì độn kềnh càng da thô thịt dày, không biết đau đớn là gì, bị ngư dân lấy giáo đâm cho máu túa ra như suối mà không chết, vẫn còn sức phá tàu lặn xuống biển. Bên ngoài tàu “đánh tiêu” có phủ thêm lưới cá, chính là để phòng bị nó giằng thoát ra được. Con tàu ba cột buồm chúng tôi đụng phải này có rất nhiều điểm đặc trưng rõ rệt, nếu là hạng thủy thủ sành sỏi biết được duyên cớ bên trong, thoáng nhìn sẽ lập tức biết ngay đây chính là tàu “đánh tiêu” chở con “luồn cát” tế cho Long vương gia. Bởi một là nó không có tàu kéo, hai là tàu kéo cũng không thể vào vùng biển bốn bề đầy rẫy hiểm nguy này được. Rõ ràng, nó đã bị thả ở ngoài khơi xa, tại mấy hôm nay mặt biển không có sóng lớn, thời tiết đẹp đến bất ngờ nên mẫi vãn chưa bị nhấn chìm, rồi không hiểu sao lại trôi dạt đến vùng phụ cận vực xoáy San Hô này.

Con tàu ấy tuy đã bị vào nước, nhưng mãi không chìm, cứ đung đưa chao đảo theo làn sóng, còn ba lần bốn lượt húc vào tàu của chúng tôi, rõ ràng là có nguyên nhân của nó. Con người Minh Thúc này tuy không đáng tin cậy lắm, nhưng lão ta đã chạy tàu khắp mạn Nam Dương, kinh nghiệm đi biển phong phú vô cùng, lại từng gặp vô số những chuyện kỳ quái trên biển, thoạt nhìn đã biết ngay có chuyện chẳng lành: rất có khả năng con “luồn cát” vẫn chưa chết hẳn, đã phá vỡ đáy tàu, nhưng vì thể hình lớn quá nên bị kẹt trong khoang không ra được. Cái giống này khỏe cực kỳ, có thể chở cả trái núi, nhưng lại không xuống nước sâu được, hẳn là nó muốn tìm thứ gì đó trên mặt biển húc cho cái khung tàu mắc trên thân mình văng ra, mới cứ bám chằng chằng theo tàu Chĩa Ba như âm hồn bất tán vậy.

Tầm nhìn trong sương mù rất thấp, tàu của chúng tôi không dám chạy quá nhanh, chứ không đã bị con quái kia húc phải rồi. Tuy hai bên tàu Chĩa Ba đều ốp các tấm đồng bảo vệ, song cũng chẳng thể bảo đảm tuyệt đối. Chết người nhất là máu chảy ra đã thu hút cả đàn cá mập lớn, chẳng may lại dụ cả quái vật dưới vùng biển sâu mò đến, lúc ấy thì mới gọi là lật sông lật biển. Minh Thúc từng gặp sự việc tương tự, đến giờ nhớ lại vẫn còn chưa hết sợ, lúc này bị tôi hỏi, lập tức nói vắn tắt cho cả bọn biết tình hình nguy hiểm đến nhường nào.

Giống “luồn cát” chỉ sống ở một số quần đảo và vùng biển có hoàn cảnh tự nhiên đặc thù, nên tập tục “đánh tiêu” tế Long vương cũng rất hiếm gặp, đừng nói là tôi với Tuyền béo chưa từng nghe nói đến, đến cả dân đi biển dạn dày kinh nghiệm như Nguyễn Hắc cũng không hề biết. Chỉ có đám gian thương xưa nay vẫn chạy tàu buôn lậu ở vùng biển xa, đương đầu với sóng to gió lớn liên tục như lão Minh Thúc kia họa hoằn mới biết đến.

Có điều, tôi và Tuyền béo chẳng tin chuyện này cho lắm. Mắt thấy con tàu ba cột buồm kia đã từ góc chết dịch dần vào tầm bắn của thủy thần pháo, Tuyền béo vẫn không kìm được hỏi Minh Thúc: “Bác nói thật hay đùa thế, cúng cho Long vương xơi ấy à? Dưới biển có rồng thật á? Thế thì Long cũng có phải còn cả binh tôm tướng cá với đại tướng quân rùa đen múa chùy như trong phim Tây Du ký không?”

Minh Thúc dán mắt vào con tàu kia, như chỉ sợ lỡ mất thời cơ khai pháo, cắn cảu đáp lời Tuyền béo: “Cậu có bị lẫn không hả? Trông thấy Long vương gia rồi mà còn đứng đây nói chuyện với cậu được chắc? Muốn biết thì tự xuống đấy mà xem. Con tàu kia mà không chìm, sớm muộn gì cũng dụ lũ quái vật dưới biển sâu lên, đợi đến lúc ấy thì quá muộn. Con tàu này của chúng ta, nhanh thì cũng nhanh thật đấy, nhưng chắc chắn chả thoát được đâu… nhanh lên… nổ pháo đi…” Trong tiếng hét của Minh Thúc, tàu của chúng tôi và con tàu đầy máu me kia lại ở vào vị trí song song với nhau, khoảng cách chỉ tầm mười lăm mười sáu mét. Đây chính là thời cơ thích hợp nhất để sử dụng thủy thần pháo Kumbhira. Vì tầm bắn quá gần, thậm chí không cần phải tính toán đến các yếu tố đại loại như lực giật của thân pháo và điểm rơi của đường parabol…, gần như chỉ cần chĩa nòng pháo sang mà nã là được.

Thủy thần pháo Kumbhira được thiết kế cải tiến từ loại súng pháo có thể di chuyển trên tàu biển thời xưa, được đặt tên theo tên thủy thần Ấn Độ Kumbhira[27]. Sở dĩ được cải tiến từ súng pháo cỡ nhỏ kiểu cũ, là bởi, mục đích sử dụng chủ yếu của loại thủy thần pháo này không phải là sát thương. Trên tàu, ngoài vai trò là vũ khí ra, thủy thần pháo còn có rất nhiều tác dụng khác, hơn nữa đạn pháo kiểu cũ dễ cải tiến, tùy theo yêu cầu cụ thể, rất dễ chế tạo ra các loại đạn pháo khác nhau cho nhiều mục đích.

Khẩu thủy thần pháo này hao hao “tân pháo” thời cổ đại, có điều “tân pháo” thân ngắn mà thô, phải bắn theo góc cao trên bốn mươi lăm độ, đạn bay theo đường parabol. Thời xưa “tân pháo” còn có tên tục là “hổ ngồi” hay “pháo gà đồng”[28], đều là theo hình dạng mà đặt tên. Còn ở các nước xung quanh như Nhật Bản, Lưu Cầu thì gọi loại pháo này là “Khúc xạ pháo”. Thủy thần pháo phát xạ theo nguyên lý gần như tương tự “tân pháo” nhưng có cấu tạo đường kính nhỏ hơn nhiều, thân pháo dài hơn, góc xạ kích có thể hạ thấp xuống. Nếu cùng lúc có ba pháo thủ, được huấn luyện bài bản, phối hợp nhịp nhàng, tốc độ nhồi đạn và xạ kích sẽ tăng lên rất nhiều.

Thủy thần pháo này dùng được nhiều loại đạn. Trong đó, có một loại gọi là đạn tử mẫu cấu tạo rất đặc biệt, đạn mẹ rỗng lòng, bên trong nhồi thuốc nổ và hạt chì, lại chia làm hai phần trước sau, có thể nổ bung trên không. Sau khi đạn mẹ nổ, đạn con bắn ra khắp bốn phía, trùm lên một diện tích rất rộng. Bên trong đạn con lại nhồi bột chế từ tảo biển Bala nghiền nát. Tảo biển Bala là loài thực vật kỳ dị ở Ấn Độ Dương, xưa nay vạn vật có tương sinh thời cũng có tương khắc, phàm là những loài cá kình cá voi dưới biển sâu, đại đa phần rất sợ thứ tảo này. Nếu gặp phải những giống cá lớn quẫy sóng làm lật tàu, có thể dùng loại đạn này tạm thời ép chúng lặn xuống đáy sâu.

Còn một loại nữa gọi là khai hoa đạn. Đạn này cũng chia làm hai tầng, chất liệu cấu tạo gồm đồng và thép. Sau khi bắn ra, đạn nổ thành các mảnh nhỏ, uy lực rất lớn, là loại đạn pháo tấn công, chuyên dùng để bắn đá ngầm và các công trình ven biển. Các loại đạn khác còn có đạn đặc ruột, bên trong là chì đặc, bên ngoài bọc gang thép, có thể bắn xuyên tường, chuyên dùng để tấn công các tàu giáp sắt của hải tặc; đạn nhỏ thì nổ ngay bên trong họng pháo, bắn tung tóe, phạm vi rộng nhưng không thể bắn xa… Và còn rất nhiều, rất nhiều loại khác nữa. Chính vì có nhiều công dụng khác nhau như vậy, loại thủy thần pháo được người Anh phát minh đầu tiên, về sau sử dụng hết sức rộng rãi ở Nam Dương, xứng đáng với danh xưng thần hộ vệ của tàu biển.

Con tàu ba cột buồm vừa chập chờn vào tầm bắn của thủy thần pháo, Minh Thúc cuống lên giục chúng tôi khai hỏa. Tôi bảo Cổ Thái ôm một quả đạn tử mẫu nhồi vào nòng súng, rồi dùng hệ thống ống đồng truyền âm dặn Nguyễn Hắc cố gắng giữ tốc độ tàu ổn định, sau đó mới vẫy tay phát tín hiệu. Tuyền béo châm dây dẫn hỏa, khói trắng khét lẹt bốc lên kèm một tràng tiếng “xèo xèo”, nòng pháo lóe ánh lửa, quả đạn pháo đã đâm lút vào thân con tàu kia. Liền sau đó, lại nghe thấy tiếng những hạt nhỏ bên trong viên đạn mẹ va vào nhau, nổ bùng tung tóe, bột tảo biển Bala phun mờ mịt, rải kín khắp bên trên, bên trong khoang tàu.

Tôi vốn định chỉ huy hội Tuyền béo tiếp tục pháo kích, nhưng thứ tảo biển Bala này không ngờ lại cực kỳ hiệu quả. Con “luồn cát” bên trong tàu ba cột buồm bị bức ép, tuy không quen lặn xuống nước sâu, cũng buộc lòng phải tạm trốn xuống phía dưới. Cả lũ cá mập ngửi thấy mùi máu tanh mò đến kia cũng vội vã tản đi.

Con tàu ba cột buồm ma quái chìm xuống, thân tàu vốn đã yếu ớt lập tức vỡ tan tành vì sức ép của nước, chỉ còn lại tầng tầng lớp lớp lưới cá bọc lấy một vật màu xanh đen to tướng lùi lũi lặn dần, máu nhuộm đỏ lòm một vùng mặt biển. Con “luồn cát” to như trái núi nhỏ màu xanh đen đang chảy máu xối xả, lại mất đi con tàu gỗ che chắn, chìm xuống đáy biển ắt không tránh được bị lũ cá dữ vây công, hoặc chết hoặc sống mà thoát được, cách gì cũng không uy hiếp chúng tôi được nữa.

Mấy người trong khoang tàu đồng thanh hoan hô vang dậy. Tôi nói với Minh Thúc: “Những năm bốn mươi thì dựa vào chiến đấu, năm năm mươi trở đi phải nhờ khẩu hiệu, năm sáu mươi thì nhớ khổ nhớ nghèo, năm bảy mươi sống bằng phê phán đấu tố, đến thập niên tám mươi như chúng ta bây giờ, chúng ta phải dựa vào biện pháp mới sống được. Biện pháp, chính là chiến thuật đấy. Tôi thấy từ giờ trở đi, chỉ cần linh hoạt vận dụng chiến thuật này, chúng ta nhất định có thể thuận lợi mò được ngọc quý và Tần Vương Chiếu Cốt kính.”

Minh Thúc vẫn đang quệt mồ hôi vã ra, vừa nãy lão đúng là được một phen bở vía, xuýt xoa nói: “Cũng may đấy, cũng may đấy, nếu dằng dai nữa, Long vương dưới ấy mò lên thì chúng ta có nhiều biện pháp mấy cũng toi thôi. Đại nạn không chết ắt có phúc về sau, lần này tôi nom đúng là có ăn rồi.”

Tuyền béo làu bàu chửi: “Long vương cái rắm, tôi với cậu Nhất đây chẳng phải mới nghe chuyện kiểu đó một hai lần đâu nhé. Chẳng lần nào gặp được rồng thật cả, với lại, dẫu dưới biển có rồng thật đi nữa, thì sợ con mẹ gì nó chứ? Người ta chết vì tiền tài, tiền tài là cái gì? Tiền tài là chân lý chứ còn là cái gì? Ông mày đây đi tìm chân lý, chết còn chẳng sợ, lại sợ rồng sợ rắn chắc?”

Chúng tôi đang xôn xao tranh luận, chợt nghe từ hệ thống truyền âm vang lên tiếng Shirley Dương gọi toàn bộ mọi người hỏa tốc lên boong tàu tập hợp. Cơn sóng này chưa qua cơn sóng khác đã ập đến, chúng tôi thấy lại có chuyện, nào dám chần chừ, vội nối đuôi nhau leo lên boong tàu. Sương mù trên mặt biển giờ đã loãng đi nhiều, nhưng vẫn chưa tan hẳn. Shirley Dương đang ngẩng nhìn trời, thấy chúng tôi chạy tới, chỉ tay lên bầu không nói: “Các anh nghe xem đó là âm thanh gì vậy?”

Tôi ngẩng nhìn bầu không vẫn mờ sương, nghiêng tai lắng nghe, quả nhiên thấy loảng xoảng như có những phiến kim loại đang va đập vào nhau, không làm được, lẩm bẩm tự hỏi: “Tiếng gì thế nhỉ?” Âm thanh càng lúc càng lớn, một cái bóng đen khổng lồ từ từ hiện rõ đường nét trong màn sương trên cao. Minh Thúc kinh hoảng ngồi phịch xuống sàn tàu, chỉ há mồm kêu lên được một tiếng: “Cá!”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ