Ma Thổi Đèn - Quyển 3 – Chương 29: Quỷ thai

Tuyền béo ra tay quá mạnh, hối hận thì đã muộn, nhưng vẫn tự an ủi mình :” Lành hay vụn thì vẫn là ngọc, bên trong chắc vẫn là nó có khác gì đâu?” Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Bên trong hai lớp sáp và ngọc lại có một lớp li e nữa, có lẽ những thứ này đều dùng để chống nước, chống mục. Rốt cuộc bên trong là thứ gì mà phải bảo quản kỹ lưỡng thế này?

Mọi vật trong hang hồ lô đều có trăm ngàn mối dây liên hệ với Hiến vương và vị chủ tế của ông ta. Hiến vương không đích thân chủ trì các cuộc tế lễ quan trọng vì đã có vị chủ tế. Điều này cho thấy họ là một thể chế thống trị có sự rạch ròi giữa chính quyền và tôn giáo, chứ không phải là chính-giáo hợp nhất như vẫn thấy ở các vùng biên cương của Trung Quốc cổ đại.

Li e vốn mềm và chắc, mà lần này Tuyền béo đã rút kinh nghiệm, sợ lại làm vỡ báu vật đáng tiền nên không dám ra tay thô bạo nữa, đành dùng lưỡi xẻng công binh cẩn thận gọt.

Tôi đứng bên nhìn các mảnh ngọc vỡ dưới đất, thấy hơi kỳ lạ, bèn tiện tay nhặt vài mảnh lên xem. Thấy bề mặt mảnh ngọc khắc vân mây chi chít, trong đầu chợt nảy ra ý nghĩ :” Chẳng lẽ đây là đồ luyện trùng thuật khắc các lời nguyền? Bên dưới tầng sáp, vỏ ngọc và lớp li e nhốt các vong hồn vì oán hận mà chết?”

Tôi bảo Tuyền béo tạm dừng lại, đoạn cùng Shirley Dương ngồi xuống xem xét các mảnh ngọc chưa bị vỡ vụn, dùng dao lính dù cạo bỏ lớp sáp phủ ngoài. Trên bề mặt mảnh ngọc lấp lánh hiện ra một số hình vẽ, có rồng hổ bách thú, có núi thần cây thần, có vết tích rõ rệt của tô tem cách điệu, nhất là các đỉnh núi vách núi hiểm trở dựng đứng trông rất thâm nghiêm, mây mù bao phủ, hình như là diễn tả cảnh tượng núi Già Long trong các câu chuyện thần thoại cổ xưa.

Nhưng những hình vẽ tô tem này khác rất xa so với những điều chúng tôi từng biết hoặc nghe nói đến, mang đậm màu sắc của dân tộc thiểu số thời viễn cổ. Trong đó có một số cảnh đi săn ở dưới núi thần, vũ khí những người trong tranh sử dụng hình dáng hết sức đặc biệt, mà nhìn tạo hình không ngờ đều là đồ đá cả.

Quả trứng ngọc này cũng không phải sẵn có trong thiên nhiên, thậm chí cả nguyên liệu cũng không phải là khối ngọc nguyên vẹn, còn có vết ghép rất rõ rệt và đều là ngọc già tuổi. Tôi nói với Shirley Dương và Tuyền béo :”Vật này không phải tầm thường, có lẽ là cổ vật thời đồ đá mới cách đây bốn năm nghìn năm, chưa chắc đã là của Hiến vương. Có lẽ nó là thần khí do dân bản địa ở núi Già Long cung phụng cho sơn thần, chúng ta chớ nên đụng bừa đụng bãi”.

Tuyền béo nói :” Tư lệnh Nhất đừng có vờ vịt qua mặt tôi, đây cũng là chuyên gia bao năm lăn lộn trong giới đồ cổ, được ghi danh ở Phan Gia viên rồi đấy, người ta cũng là nhân vật hàng đầu lẫy lừng ấy chứ. Theo tôi được biết ấy, bốn năm nghìn năm trước, vào thời kỳ đồ đá, loài người còn chưa biết dùng công cụ nào cứng hơn đá ngọc thì sao lại biết gia công chế tác làm ra những hình chạm khắc phức tạp trên ngọc được? Theo tôi, đây đúng là đồ của thằng cha Hiến vương. Chúng ta cứ theo lệ đã nói từ trước, hễ là minh khí của con quỷ già đó thì bưng tất. Ông đừng vẽ chuyện rắc rối đi, khỏi phải tung ra những danh từ kiểu thời kỳ đồ đá gì gì ấy để dọa tôi!”.

Tôi nói với Tuyền béo :” Này tư lệnh Tuyền, thôi chúng ta đừng tranh luận nữa, nên để tham mưu trưởng Shirley nói xem sao, cái cô này lúc nào mà chẳng biết mặt hàng hơn hai chúng ta”.

Tuyền béo gật đầu :” Thế thì để cố vấn Mỹ giám định vậy, nhưng cô ta chỉ biết mặt hàng hơn cậu thôi, so với trình độ của tôi cũng chỉ là một chín một mười …”

Shirley Dương nói :” Chất ngọc này không phải loại thường gặp, tôi cũng không nhận ra được nó thuộc niên đại nào. Nhưng vào thời kỳ đồ đá mới thì đúng là loài người đã nắm được kỹ thuật chế tác đồ ngọc, ở vùng văn hóa Hồng Sơn, trong di chỉ văn hóa cổ Lương Chử ở lưu vực Trường Giang cũng đào được nhiều đồ ngọc rất tinh xảo. Tuy nhiên, vào thời đại còn tương đối nguyên thủy man muội ấy, con người đã làm cách nào có thể chế tác được các đồ ngọc chỉ với những công cụ thô sơ thì giới khảo cổ vẫn chưa thể kết luận được. Đó vẫn là một câu hỏi lớn”.

Vừa nghe nói ” vẫn chưa thể kết luận”, Tuyền béo lập tức không cần giải thích giải thiếc gì hết, cầm xẻng tiếp tục xọc vào lớp li e dày chắc.

Tôi không làm gì được, đành mặc kệ cậu làm vậy. Thực ra tôi cũng rất muốn xem xem trong đó là vật gì, chỉ lo một điều bên trong lại có thứ thần khí nào đó mà dân man di cung phụng ngày trước, lấy ra e sẽ dẫn đến những chuyện khó lường. Suốt chuyến đi chúng tôi đã gặp phải quá nhiều phiền hà, tuy chưa chết nhưng cũng đã ăn đòn nhừ tử, tiêu hao già nửa trang thiết bị và thể lực, nếu lại bị hành xác như thế, dù vào được mộ Hiến vương chỉ e không dễ gì mà ra nổi.

Khi làm những việc kiểu này động tác của Tuyền béo hết sức nhanh gọn, chỉ sau thời gian hút được nửa điếu thuốc lá, cậu ta đã bóc xong lớp li e, thấy bên trong là một cái vò bằng gốm màu xanh xỉn. Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Tôi và Tuyền béo cùng nhấc cái vò ấy ra khỏi lớp li e, rồi thận trọng đặt xuống đất. Cái vò màu xanh, cao chừng 40cm, chỗ phình to nhất có đường kính khoảng 10 cm. Miệng dựng, thân cao, bụng phình, cổ thắt, ba chân tròn thấp choãi ra ngoài, miệng vò hoàn toàn bịt kín, ở phần vai gần miệng có năm mẩu ống ngắn trông rất lạ, giống như cái vòi của ấm rót rượu nhưng miệng bị bịt kín đặc, phần cuống gắn liền với các đường hoa văn hình quả trám, trông rất nổi.

Cái vò có hình dáng giản dị đơn sơ, màu sắc ấm dịu ưa nhìn, chúng tôi không biết nó là vật gì, ngay Shirley Dương cũng không đoán ra. Tuy nhiên khắp xung quanh vò không có ký hiệu gì về trùng thuật, nên chúng tôi đoán rằng có lẽ bên trong không có vật gì độc hại.

Tôi nghĩ đã nhấc nó ra rồi thì đánh liều mở ra xem sao, bèn dùng con dao lính dù nạy bỏ lớp sáp đen gắn ở miệng vò. Lúc này Tuyền béo lại tỏ ra cẩn thận, sợ tôi bất cẩn làm vỡ cái vò, luôn miệng nhắc nhẹ tay, biết đâu bên trong lại có thứ gì tinh xảo hơn, nếu vò vỡ thì chẳng đáng tiền nữa.

Thế rồi tôi cũng đã mở được cái nắp ra. Ba chúng tôi đều rất tò mò, nên cùng xúm lại nhìn vào cái miệng vò bé nhỏ, chỉ thấy bên trong chứa đầy nước trong.

Thấy trong vò toàn là nước trong vắt khác thường, một câu hỏi bỗng hiện lên trong đầu tôi. Cái vò chỉ chứa nước, có cần phải cất giữ bí mật như thế này không?

Shirley Dương e đèn gắn trên mũ không đủ để nhìn cho rõ, bèn bấm đèn pin mắt sói rọi vào nhìn kỹ rồi nói :” Dưới đáy có một vật, là gì thế nhỉ? Ối … là thai nhi hả?”

Tôi và Tuyền béo cũng đã nhìn rõ, dưới đáy nước trong vắt, là một thai nhi nho nhỏ màu xanh biếc. Vì góc nhìn hạn chế, tôi chỉ nhận ra thai nhi ấy to bằng nắm tay, đang nằm co ở đáy vò, đầu ngửa lên cứ như là đang nhìn chúng tôi, nhưng nó còn chưa mở mắt. Trán nó rộng một cách khác thường.

Tại sao trong này lại có thai nhi? Mà nó lại quá bé, tư thế và ngoại hình của nó cũng rất khác với thai nhi của loài người. Tôi lấy làm kinh sợ, rồi lại chăm chú nhìn, bỗng thấy hình như nó mở to mắt ra, chỉ trong khoảnh khắc, dưới ánh nước sóng sánh, như là có hai cái hốc đen mỗi lúc một to ra, muốn nuốt chửng người ta. Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Tôi rùng mình, vội lùi lại một bước, suýt nữa thì ngồi phệt xuống đất. Tôi chỉ vào cái vò rồi hỏi một câu chẳng đâu vào đâu :” Cái quỷ gì trong đó thế?”. Rồi tôi móc ra cái móng lừa đen một cách vô thức.

Shirley Dương hỏi tôi :” Sao anh làm cái trò gì thế? Đang yên lành thế này, ma quỷ đâu ra? Cái thai nhi đó làm bằng ngọc”.

Tôi chỉ lên trời :” Tôi thề với Mao chủ tịch rằng con ma con đó vừa rồi trợn mắt … nhe răng với tôi”. Tôi nhận ra hành động bẽ bàng của mình, bèn bổ sung mấy lời để mọi người thông cảm.

Tuyền béo nói với tôi :” Hay là cậu hoa mắt? Sao chúng ta cùng nhìn mà tôi chẳng thấy gì bất ổn cả?”

Shirley Dương nói :” Có thể do ánh sáng trong nước bị khúc xạ, góc nhìn của anh vừa khéo gặp phải nên mới bị lóa. Nếu chưa tin, anh cứ đổ hết nước trong vò ra, cái thai nhi ấy có phải bằng ngọc không, nhìn là biết ngay”.

Shirley Dương nói nước trong vò trong quá, có thể là một chất lỏng đặc biệt nào đó, đừng đổ ra đất mà nên trút sang một cái bình rỗng, xem xét rõ cái thai nhi màu xanh đã rồi đổ trở lại. Chúng ta chỉ cốt thu thập tin tức về mộ Hiến vương, không nên làm hỏng những cổ vật thần kỳ như thế này.

Tuyền béo cũng bị cái thai nhi ngọc xanh biếc này làm cho hơi hoang mang, liền tạm bỏ qua ý định đem nó về Bắc Kinh, mà phải xem rõ đã rồi tính sau, nếu nó là ngọc thật thì sẽ đem về, nếu nó là vật sống mà đem theo người e rất bất tiện. Thế là thực hiện luôn, trút nước sang một cái bình rỗng, nhưng cái thai nhi lại to hơn cổ vò, không đập vỡ vò không thể lấy nó ra, tuy thế chúng tôi đã nhìn nó rõ hơn rất nhiều.

Nó đúng là một cái thai nhi bằng ngọc, ít ra là nửa người trên rất giống, có thể đếm rõ các ngón tay bé xíu, thậm chí nhìn rõ các mạch máu ở trên trán, chỉ có nửa thân dưới là chưa thành hình.

Không thấy một dấu vết nào là của bàn tay con người chế tác, nó hẳn là thứ sinh ra trong tự nhiên, những tạo vật kỳ lạ trong thế giới tự nhiên quả thật khó mà tưởng tượng ra hết được. Nếu nó không chỉ bé bằng nắm tay chắc ai cũng tưởng nó đúng là một thai nhi đang sống bị người ta dùng tà thuật biến nó thành ngọc.

Lẽ nào đây cũng là một thần khí mà người dân man di ở núi Già Long thời viễn cổ dùng để cung phụng sơn thần?

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ