Ma Thổi Đèn - Quyển 1 – Chương 18: Nga thân li văn song ly bích

Trong khu rừng cuối hẻm núi, bỗng vang lên tiếng sấm ì ùng, “uỳnh uỳnh uỳnh”, đang buổi giữa trưa ban ngày ban mặt, bầu không trong vắt, không gợn mây đen, sao tự dưng lại có sấm? Lòng chúng tôi như trầm xuống, khó khăn lắm mới thoát khỏi ngôi mộ cổ đó, giờ lại gặp thứ gì tác quái nữa đây?

Chú ý lắng nghe lần nữa, dường như không giống tiếng sấm lắm, âm thanh mỗi lúc một gần, tựa hồ tiếng loài dã thú nào đó rất lớn, đang lao về phía hẻm núi, bước chân nặng trịch, lúc chạy thân hình nó lại không ngừng húc đổ cây rừng, thoạt nghe có vẻ giống như tiếng sấm dội vang không dứt, trong đó còn vẳng lên cả mấy tiếng chó sủa nữa.

Tôi nghe tiếng chó sủa, mới phát hiện ra chỉ có năm con chó săn nằm dưới đất, ba con ngao đã đi đâu không biết. Vừa nãy sức cùng lực kiệt, cũng chẳng để ý nhìn mấy con chó, có thể chúng tôi lâu không quay lại, bọn chúng đã tự động thay nhau đi kiếm mồi. Không biết lũ chó ngao đang đuổi con gì mà inh ỏi như vậy?

Anh Tử nghe một lúc, rồi cười bảo không có gì đâu, lũ ngao đang đuổi lợn rừng thôi, chúng ta cứ lên trên dốc xem cho vui, lát nữa là có thịt lợn rừng ăn rồi.

Chúng tôi leo lên được nửa cái dốc, đã trông thấy cây lớn trong rừng bị húc đổ liên tiếp, lũ chó săn cũng không ngồi im được nữa, lẳng lặng tản ra thành hình quạt, chặn con lợn rừng lại trong khe núi.

Chỉ thấy một cây thông đỏ ở đầu khe núi gãy rắc làm đôi, phía sau lao vù ra một con lợn rừng to tướng, nếu không phải con lợn rừng này không có cái vòi dài, tôi suýt nữa đã tưởng nó là con voi mới lớn. Con lợn phải hơn năm trăm cân, bờm vừa đen vừa dài, răng nang hai bên mép cong vút lên trên, trông như hai con dao găm, đôi răng nanh này là sự tượng trưng cho giống đực kiêu ngạo, đồng thời cũng chứng tỏ nó là con lợn chúa trong khu rừng này, mình con lợn béo tròn quay, bốn chân vừa ngắn vừa to, bốn vó tung lên, lao vào khe núi như một cơn lốc.

Đằng sau con lợn rừng, ba con chó ngao lớn nhịp nhàng đuổi sát, không bổ tới cũng không lao vào cắn xé, không cách quá xa cũng không đuổi quá gần, một trước ba sau, đều chạy cả vào Dã Nhân câu.

Da lợn rừng so với da tê giác, cũng vào loại một chín một mười, nó ở trong rừng không có việc gì làm lại cọ thân thể béo ịch vào thân cây thông, một là để gãi ngứa, hai là để dính một ít dầu thông lên người, không sợ muỗi hay côn trùng gì đốt. Mùa hè, muỗi trong rừng to bằng con chim sâu, người vùng núi có câu “ba con muỗi, một đĩa thức ăn”, lời ấy chẳng ngoa chút nào, ngay cả trâu bò cũng không chịu được muỗi rừng châm đốt, duy nhất chỉ có lợn rừng không sợ muỗi, da nó như một lớp giáp sắt, muỗi gì cũng không cắn được. Cặp răng nanh và thể trọng nặng nề, chính là bảo bối khiến lợn rừng có thể hoành hành nơi đây, công thủ kiêm toàn tuyệt đối, hổ, gấu người, báo kim tiền cũng không thể làm gì nổi nó.

Nhưng chó ngao được thợ săn nuôi dạy, lại có tuyệt chiêu riêng để đối phó lợn rừng. Thể hình của chó ngao cũng ngang ngửa với con nghé, có điều so với con lợn rừng này, thì vẫn nhỏ hơn nhiều. Ba con ngao định dồn con lợn vào sâu trong hẻm núi rồi mới xử lý, vì trong rừng cây cối um tùm, khó triển khai tấn công, hơn nữa con lợn rừng còn lao hùng hục cứ như một cỗ xe tăng vậy.

Trong Dã nhân câu có một lớp lá rụng cực dày, con lợn chạy chưa được một nửa, vì cơ thể quá nặng, bốn chân đã tụt sâu vào trong lớp lá đó, ba con ngao vây quanh nó, đây cắn một phát kia cắn một phát, làm tiêu hao thể lực và ý chí của con lợn, năm con chó săn còn lại cũng chạy tới bao vây phía ngoài, chúng không dám xông vào tranh công với lũ chó ngao, chỉ đứng một bên làm lâu la sủa ầm ĩ trợ uy mà thôi.

Con lợn rừng to vừa tức vừa cuống, vụng về giãy giụa trong đống lá cây, dốc toàn bộ sức lực nhảy lên, không ngờ đã nhấc được bốn chân lên, nhảy vụt lên trên cao. Đây chính là cơ hội lũ chó ngao chờ đợi từ lâu, khi lợn rừng nhảy lên tới điểm cao nhất, con ngao to nhất cũng nhảy vụt lên, như một viên đạn pháo húc thẳng vào con lợn, dùng sức và góc độ đều hết sức chuẩn xác, khiến lợn rừng bị lật nghiêng, phơi bụng lên trên, rơi bịch xuống lớp cành khô lá nát vừa sâu vừa mềm.

Hai con ngao còn lại đã đợi sẵn thời cơ, không cho con lợn cơ hội lật người, nhảy bổ vào hung hăng cắn xé bụng nó, bụng và phần dưới mông là điểm yếu duy nhất của lợn rừng, lộ ra cho kẻ địch thấy một cái là toi đời, huống hồ kẻ địch của nó lại là lũ chó ngao hung dữ nhanh nhẹn như sư tử, chưa đến ba bốn giây, tim gan phèo phổi của lợn rừng đã bị moi ra hết.

Ba chúng tôi thấy lợn rừng đã đi đời, liền chậm rãi đi xuống, Tuyền béo và tôi thấy ba con ngao phối hợp ăn ý như vậy, lại còn biết vận dụng địa hình, không nén được ý nghĩ muốn ra xoa đầu chúng, tỏ ý khen ngợi, tươi cười hỉ hả bước tới gọi chúng lại.

Nào ngờ cả chó ngao lẫn chó săn đều vòng qua hai bọn tôi, quây cả quanh mình Anh Tử. Anh Tử lấy thịt khô ra cho chúng ăn, lũ chó thấy chủ nhân vui vẻ, cũng vẫy tít đuôi lấy lòng.

Tôi và Tuyền béo bị bỏ mặc một bên chỉ biết đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu nói: “Con mẹ nó, mình hồ hởi đón nó, nó lại dán ngay cái đít thối vào mặt mình.”

Tuyền béo hậm hực bảo: “Nhất này cậu có nhớ Lỗ Tấn nói gì không nhỉ? Ông ấy bảo: nhổ vào mặt chúng mày, lũ chó cậy quyền thế. Loài chó mới có kiểu ấy, mắt chó nhìn người thấp, mặt chó không nhận người, mẹ kiếp, anh em mình chấp với chó làm gì.”

Tuyền béo về lều lấy dao, cuốc chim và súng săn rồi quay lại, cậu ta giúp Anh Tử xẻ thịt lợn, tôi khoác súng săn dắt hai con chó to, ra chỗ chân núi tìm chỗ chôn xác hai đứa trẻ, để chúng khỏi kiếm chúng tôi gây phiền phức nữa.

Anh Tử hỏi: “Anh Nhất đói không? Hay ăn vài miếng rồi hẵng đi!”

Tôi đáp: “Thôi khỏi, cơm ngon đến tối vẫn ngon, lát anh ăn sau, không thể để tối mới đi chôn người chết được, thế ghê lắm!”

Tôi để hai con chó to kéo hai cái xác trẻ con bọc trong áo khoác quân đội bằng nỉ màu vàng, đào một cái hố ở chỗ đầu khe núi mặt hướng ra thảo nguyên. Xẻng công binh của tôi đã đánh rơi trong mộ, dùng cuốc chim đào đất rất tốn sức, mặt trời ngả bóng về tây mới đào được cái hố sâu hơn một mét, tôi đã mệt lử người, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, bụng kêu lục bục liên hồi.

Tôi nhìn cái hố sâu hơn một mét, nghĩ bụng chắc thế là được rồi, trẻ con mà, đào sâu chôn chặt cũng chẳng để làm gì, cơ thể chúng toàn là thủy ngân,cũng chẳng phải lo có mối mọt chuột bọ gặm gì cả.

Vậy là tôi bế hai đứa trẻ ra khỏi áo, rồi lấy hai chiếc khác bọc lại cẩn thận, xếp cho nằm song song dưới hố, chắp tay vái hai vái: “Hai bạn nhỏ cổ đại, rất tiếc cho hai bạn không được sống trong xã hội mới tràn ngập ánh sáng chói lọi của văn minh dân chủ, cũng không nhận được sự quan tâm của xã hội, nhưng ấy là do số phận an bài, hai bạn cũng không nên quá cố chấp. Số có thì sẽ có, số không thì nên quên, ngàn vạn lần không nên tính toán, đều ở trong số định rồi. Người chết rồi, nhập thổ là yên, nhập thổ mà không yên, thì là cương thi. Điều kiện của tôi có hạn, không có quan tài an táng, cũng không có hương đèn cúng tế hai bạn, tôi trở về nhất định sẽ đốt thêm cho hai bạn ít tiền giấy, cầu mong hai bạn sớm về cõi Tây thiên cực lạc, chớ nên quay lại quấy rầy chúng tôi, chúng tôi cũng rất bận, những gì có thể làm được cho hai bạn cũng chỉ có từng đây, người nào tham lam vô độ thì không phải là trẻ ngoan.”

Khấn xong, tôi cùng hai con chó lấp đất vào hố, vài nắm bùn đất đã chôn cất xong hai đứa trẻ xấu số, quay đầu nhìn về phương xa, chỉ thấy tàn dương tựa máu, trong lòng cảm khái muôn trùng.

Thời gian đã không còn sớm, Anh Tử đứng xa xa vẫy tay gọi tôi về, tôi liền dẫn chó về nơi chúng tôi cắm trại, Tuyền béo khuân đến một tảng đá lớn, bịt chặt cái lỗ thông gió mà lũ dơi mặt lợn đã bay ra tấn công ngựa, thịt lợn rừng nướng, còn có cả canh lòng lợn mộc nhĩ nấm hương, mùi dầu thông với mùi thịt quyện vào ập tới mặt, tôi không nhịn nổi liền nhảy tới, lấy dao cắt một miếng thịt cho vào miệng. Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Ăn xong, chúng tôi uống trà Anh Tử nấu, bàn bạc xem làm sao quay về, mất ngựa thồ hành lý, muốn quay trở lại trại Cương Cương thật chẳng dễ dàng, nồi niêu bát đĩa với cả lều trại không thể vác về, da động vật chúng tôi săn được dọc đường chẳng thể mang theo, tổn thất thực là quá lớn. Cuối cùng Anh Tử nghĩ ra một cách, để cho hai con chó về trước đưa thư, gọi người trong làng tổ chức một đội người ngựa tới khai quật căn cứ ngầm của quân Quan Đông luôn, bao nhiêu thứ như vậy không mang về chẳng nhẽ vất đi hết, hơn nữa chó cũng là hướng đạo tốt nhất, có thể dẫn đường cho người trong làng, giờ cứ tìm lấy một nơi an toàn gần đây ở lại trước đã, đợi mọi người đến, rồi cùng chuyển đồ về.

Việc đến nước này, cũng chỉ còn cách như vậy, Tuyền béo chẳng quan tâm chuyện này lắm, cậu ta lại lấy hai miếng ngọc bích ra ngắm, tôi liền mắng: “Tiên sư nhà cậu không được nước mẹ gì cả, chịu nghèo chịu khổ bấy lâu rồi mà giờ không đợi thêm được đến sáng mai à. Đừng có nhìn hai miếng ngọc này nữa, một ngày xem cả trăm lần, cậu không sợ nhìn mãi mòn đi à, từ nay để ở chỗ tôi đi.”

Tuyền béo giơ miếng ngọc trước mắt tôi, vẻ mặt vừa kinh ngạc vừa nghi hoặc: “Nhất này, cậu bảo đây có phải miếng ngọc mình lấy trong mộ ra không? Nhìn này, hình như có chỗ nào đó không ổn thì phải?”

Từ lúc lấy hai miếng ngọc trong mộ ra, tôi chưa lúc nào kịp xem cho kỹ cả. Tuyền béo kinh ngạc đưa miếng ngọc cho tôi: “Màu sắc sao lại thay đổi nữa thế này?” Tôi vươn tay đón lấy hai miếng ngọc xem thật kỹ.

Hai miếng ngọc đều được chạm khắc thành hình con ngài, đủ mọi bộ phận, sống động tự nhiên, trên thân còn có hoa văn trang trí, khắc một loài động vật cổ quái, loài vật này chắc không tồn tại trong thực tế, mập mập, thân thể hao hao giống một con sư tử rất gầy, lại giống giao long không vẩy, còn có móng vuốt và cái đuôi cuộn cong lên, tóm lại là quái dị, có lẽ không phải là động vật, mà là hoa văn mây trời hay sóng nước gì đó.

Thủ công của hoa văn trên thân miếng ngọc không tinh tế tỉ mỉ như thủ công tạo hình, chỉ là vài nét điểm xuyết, có điều tuy thô sơ song lại lột tả được cái thần khí ẩn tàng trong sự giản đơn cổ phác. Đôi khi đơn giản cũng là một nét đẹp.

Nhưng con mẹ nhà nó cũng quái thật, nhớ lúc lấy trong quan tài ra, đôi ngọc bích này màu xanh thắm, vậy mà lúc ở trong căn cứ dưới đất, nó đã thành màu vàng nhạt. Còn giờ đây lại là một sắc vàng sẫm, trong một ngày chuyển màu tới mấy lần, chuyện này là sao chúng tôi chẳng rõ nữa, lẽ nào trên đời này có loại ngọc đổi màu ư? Chúng tôi chẳng hiểu gì về đồ cổ, xem ra chỉ có cách trở về Bắc Kinh tìm Răng Vàng nhờ hắn mở mắt cho vậy.

Kể ra thì hành động đổ đấu lần này, thật đúng là không thuận lợi cho lắm, chưa nói chuyện đường xa vất vả, đầu tiên là ngôi mộ cổ ở vị trí đẹp nhất trong Dã Nhân câu là mộ tướng quân, ai mà ngờ được đồ bồi táng lại ít đến khốn khổ, thứ duy nhất may ra đáng tiền, chính là đôi ngọc bích này, để đem được nó ra suýt nữa ba người đã phải đổi mạng, thực là lên núi vượt biển khó so sánh bao điều gian khó, kề vực giẫm băng chẳng hình dung được nỗi hiểm nguy. Nếu kết quả giám định cho thấy chúng chẳng đáng mấy đồng, chắc tôi phải tìm lấy một chỗ mà đâm đầu chết mất.

Việc này dạy cho tôi một bài học, mộ cổ của quý tộc chưa chắc đã có nhiều đồ bồi táng quý giá, phải tìm hiểu nhiều hơn về bối cảnh văn hóa lẫn bối cảnh lịch sử của mộ, hơn nữa còn phải tận dụng hết khả năng nắm bắt kiến thức giám định đồ cổ, như vậy mới có phương hướng rõ ràng, không bị uổng công.

Tuyền béo lại tỏ ra rất có lòng tin, cậu ta cá với tôi đôi ngọc này chí ít cũng đáng giá hai ba vạn tệ, nói không chừng còn là quốc bảo, thế thì không bán cho bọn Đài Loan, Hồng Kông nữa, trực tiếp hiến tặng Bảo tàng Cố cung, nhà nước hứng lên có khi thưởng cho tám vạn chục vạn chứ chẳng chơi, rồi phân cho hai căn nhà ở Bắc Kinh, lại cho đeo dải hoa đỏ đi khắp cả nước phát biểu báo cáo, đến lúc đó muốn bốc phét thế nào thì bốc phét, xong xuôi các em sinh viên nữ dưới khán đài cảm động đến đầm đìa nước mắt kia, sẽ chạy tới rối rít tặng hoa, đưa thư tình…

Tôi bảo cậu ta đừng có mơ hão, còn đòi đi báo cáo thành tích? Không bắt hai thằng chui vào lò gạch ngồi xổm đã là may lắm rồi đấy. Nhưng nếu đúng như Tuyền béo nói, có thể kiếm được dăm ba vạn gì đó, cũng đã bất ngờ lắm rồi, hai chúng tôi chạy đôn chạy đáo bán băng cát xét, một năm giời, nhiều nhất cũng chỉ được ba bốn nghìn tệ, gặp phải năm xui tháng ế, trừ sinh hoạt phí ra, về cơ bản là chẳng kiếm được đồng nào.

Hai ngày nay tôi không được chợp mắt, ăn no uống đẫy rồi trò chuyện với Anh Tử, Tuyền béo vài câu, là đặt lưng xuống ngủ luôn, dù gì cũng có lũ chó săn trông chừng, chẳng lo thú hoang tấn công. Giấc này tôi ngủ đến trời mờ đất ám, trong mơ tôi trở về với chiến trường xưa mịt mùng khói đạn, bầu trời trận địa toàn là những khuôn mặt của đồng đội tôi, khuôn mặt nào cũng đều rất trẻ, họ chỉ có khuôn mặt mà chẳng có thân thể, những khuôn mặt đều không ngừng nhỏ máu, chầm chậm bay lên trời cao, tôi ở dưới đất gào khóc muốn nắm lấy họ, nhưng chân tay chẳng chịu nghe lời, cứ cứng đơ bất động.

Đêm hôm ấy chẳng có chuyện gì xảy ra, lũ dơi dưới đất không biết đã bỏ đi đâu, xung quanh hoàn toàn không còn dấu vết gì của chúng, có lẽ chúng bị tiếng súng làm cho sợ hãi, đã tìm một hang động mới an cư rồi.

Tôi ngủ một mạch đến trưa mới dậy, Anh Tử đã sai ba con chó săn quay về đưa thư, trên cổ mỗi con đều đeo một túi da nhỏ, bên trong để mảnh giấy Tuyền béo viết, ghi rõ dặn dò người làng mang theo nhiều người ngựa công cụ, tốt nhất là cả thuốc nổ, đến Dã Nhân câu đào các thứ quân Quan Đông bỏ lại.

Trưa ăn ít thịt lợn rừng, dẫn chó săn rời lều trại ra gần lối vào khe núi, chọn một tảng đá lớn khuất gió, dựng lều trại bên dưới, chỗ này nằm ở vùng ranh giới giữa rừng rậm và thảo nguyên, người làng đến sẽ dễ dàng tìm thấy chúng tôi.

Sau đó Anh Tử dắt chó vào rừng tìm rau dại, tôi đào đất chôn chân bếp xuống, rồi đặt nồi đun nước, chúng tôi có mang theo bột mì, Tuyền béo ra tay, gói một bữa bánh chẻo nhân thịt lợn, chúc mừng thắng lợi bước đầu. Tuy lần này có kinh hãi nhưng cũng không đến nỗi nguy hiểm, mà nói thế nào thì nói, ba bọn tôi cũng đâu bị sao, còn ít nhiều cũng thu hoạch được đôi chút, đặc biệt trong căn cứ ngầm của quân Quan Đông có rất nhiều vật tư vật liệu, sẽ rất có ích cho cuộc sống của dân làng, vì điều này cũng đáng nâng dăm cốc rồi.

Cứ như vậy, hàng ngày dắt chó đi săn, liên tục hơn chục ngày, tôi cảm giác mình sắp biến thành thợ săn thực rồi, cuối cùng người trong làng cũng đến, tổng cộng hơn bốn mươi người, do bí thư chi bộ và Kế Toán dẫn đầu. Đàn ông trong làng đều tới núi Tim Trâu làm thuê cả, lần này tới đây gần như toàn đàn bà con gái và trẻ con nhơ nhỡ tuổi, ngựa trong làng không nhiều, tổng cộng không quá mười con, bọn họ thấy bảo có nhiều đồ bỏ sót, sợ ngựa không đủ, nên dắt cả la cả lừa tới, cộng thêm chó săn từng nhà dẫn đi, ồn ào náo nhiệt tiến vào Hắc Phong khẩu.

Mọi người muốn bắt tay vào việc ngay, tôi bảo rằng mọi người phải trèo đèo lội suối, vất vat nhiều rồi, chi bằng nghỉ ngơi một hôm, đợi sáng mai sức lực dồi dào hẵng làm. Với lại cũng không thể làm bừa được, tôi từng làm lính công trình, đành tự đề cử mình làm trưởng đoàn, phân công nhiệm vụ cho mọi người, phải áp dụng vận trù học, đặt ra kế hoạch rồi từng bước thực hiện, không thể làm ăn quấy nhằng như bọn ô hợp được

Cả đám người nháo nhương, vừa hứng khởi lại vừa thấy thích thú, kề vai áp má trò chuyện rì rầm, át hết cả tiếng tôi nói, chẳng ai nghe rõ, cuối cùng đành phải nhờ đến bí thư chi ủy lên quát lớn: “Yên lặng! Yên lặng cả đi nào! Tất cả mọi người nghe cháu tôi nói, lời của nó là lời của tôi, cũng là lời của tổ chức. Bận này làng ta tới đây lượm đồ của bọn Nhật bỏ lại, là nhờ có hai thằng cháu này và con bé Anh Tử, chúng bảo làm sao, ta nghe theo làm vậy!

Tôi nhắc lại một lần nữa, bảo mọi người đi dựng trại bắc nồi, nghỉ ngơi ăn uống, sau đó bàn bạc với bí thư chi ủy và Kế Toán, không có thuốc nổ, muốn đào xuống căn cứ ngầm cũng không quá khó, có thể bắt tay ở chỗ mộ tướng quân, nơi đó rất gần lối đi trong căn cứ, chỉ cần năm người, không đến nửa ngày, là có thể đào thông ngôi mộ bị sụp. Nhưng trong căn cứ có thể có dã thú, điểm này mọi người cần phải chuẩn bị tinh thần, động vật sống dưới lòng đất đều sợ lửa, cần có nhiều đuốc. Phải đặc biệt nhấn mạnh một điều, sau khi xuống đó, không ai được phép tự ý hành động, vũ khí bên trong không được lấy, chỉ lấy những vật tư cần thiết cho sinh hoạt như áo khoác, giày mũi lớn của Nhật, thảm, máy phát điện, dây điện dây cáp, có bao nhiêu chuyển về bấy nhiêu, chuyển xong thì lấp lại, không được để lộ tin tức ra ngoài.

Bí thư chi ủy vỗ ngực đảm bảo: “Thằng cháu cứ yên tâm, chỉ cần mấy người họ đều có đồ, bảo đảm giữ mồm giữ miệng kín bưng. Huống hồ làng ta hẻo lánh, cả năm giời cũng có người lạ nào tới đâu, bận này ta phát tài ngầm rồi.”

Đêm hôm ấy bắc nồi nấu cơm, dựng trại ngơi nghỉ, sớm hôm sau dậy, tôi phân hơn bốn chục người bao gồm các cô các chị và các chú nhóc choai choai thành bốn tốp, tốp thứ nhất là mấy em tuổi nhỏ nhất, Anh Tử dẫn đầu tốp này, vào rừng săn bắn; tốp thứ hai thì ngược lại, toàn là những cô những chị lớn tuổi, Kế Toán quản lý tốp này ở lại trại nấu cơm cho mọi người; tôi và Tuyền béo mỗi người dẫn theo một tốp những chị em trẻ khỏe lần lượt xuống khai quật ngôi mộ tướng quân bị thiêu sụt, bí thư chi ủy làm tổng chỉ huy toàn cục.

Người trong làng đem theo rất nhiều dụng cụ, nào cuốc, nào xẻng, thậm chí có người còn mang theo cả lưỡi cày chẳng biết dùng để làm gì, tôi lại chia tốp mười người của tôi thành hai nhóm, một nhóm đào bới, nhóm kia vận chuyển đất đá đi nơi khác, công việc sắp xếp đâu ra đấy.

Bận bịu cả buổi, đến gần tối mới xong.

Ngày hôm sau, trời vừa bừng sáng, chúng tôi đã đốt đuốc dầu thông, hơn hai mươi người dắt mấy con la men theo đường đi mở ra trên tường ngôi mộ cổ tiến vào khu căn cứ ngầm, chỗ cửa sắt kho Gena, vết tích của cuộc ẩu đả hiện lên thật rõ rệt, con xích hống đã bị xé tan tành, ngoài ra còn có xác mấy con lười đất thảo nguyên, vết máu khô thành màu đỏ sạm, nhìn lại vẫn không khỏi nổi gai ốc.

Nơi đây chắc không còn nguy hiểm gì nữa, hơn nữa chúng tôi mang theo nhiều đuốc thế này, đuốc dầu thông cháy rất lâu, lại không dễ bị gió thổi tắt, cho dù trong căn cứ này còn động vật hung dữ nào nữa, thấy ánh lửa cũng không dám đến xâm phạm.

Bí thư chi ủy thấy có vật tư của quân Nhật bỏ lại nhiều hơn rất nhiều so với dự đoán lạc quan nhất của mình, vui mừng ra mặt, vội vàng gọi mọi người cùng xúm tới lượm đồ, chất từng bó áo khoác, giày dép, vải chống mưa, pin khô, hộp cơm dã chiến lên lưng la lưng ngựa, lũ lượt chuyển ra ngoài.

Làng trong núi sâu, thứ thiếu nhất là chế phẩm công nghiệp, lúc này mọi người đua tranh, ai nấy hồ hởi, cùng hô cùng hò, người người đáp tiếng, dường như quay trở về thời Trung Quốc thực hiện Đại Nhảy vọt năm xưa vậy.

Tôi và Anh Tử lại dẫn theo mấy người đi dò tìm ở bên kia đường hầm, nhìn lên bản đồ, chỗ đó còn có nhà kho to hơn, theo bản đồ mà tìm, cũng không khó kiếm lắm.

Cửa kho đóng rất chặt, phải tìm mấy con ngựa mới kéo được ra, mọi người vào trong thì đều lác hết cả mắt, từng hàng từng hàng một, toàn là súng pháo, từ pháo bắn trên núi, pháo dã chiến, súng phóng lựu kiểu 91, pháo 60 ly, pháo truy kích loại lớn loại nhỏ, lại còn cả đống thùng đạn chất cao như núi, nhìn không ngút mắt.

Xem ra những khẩu pháo này đều được chuẩn bị cho cuộc vận động chiến. Toàn bộ quân đội Nhật, có thể phân thành sáu bộ phận. Quân bản địa, tức là quân đóng ở bốn hòn đảo của Nhật, gồm cả quân đội đóng ở các vùng đất thuộc địa như Đài Loan, Triều Tiên; ngoài ra còn có quân phái sang Trung Quốc, cũng chính là quân xâm lược Trung Quốc đại lục; quân phương Nam, tức là quân đội tác chiến ở các nước Đông Nam Á và Úc; cộng thêm không quân, hải quân và quân Quan Đông đóng ở Mãn Châu và Mông Cổ, cả thảy có sáu quân khu lớn.

Trong đó quân Quan Đông được Thiên Hoàng và đại bản doanh sủng ái nhất, được gọi là tinh anh trong tinh anh, người Nhật coi ba tỉnh miền Đông Trung Quốc còn quý hơn đất đai nước mình, vị trí chiến lược, sản vật phong phú, khoáng sản trong rừng nhiều không kể xiết, còn có thể huy động từ trên xuống dưới, bất cứ lúc nào cũng có thể tấn công Trung Quốc đại lục. Rất lâu về trước, ở Nhật đã có bản tấu Tanaka rất nổi tiếng, trong đó tỏ rõ sự thèm thuồng đối với vùng Đông Bắc Trung Quốc, đến Thế chiến thứ hai, lại nảy ra ý tưởng Tanaka, tức là thà bỏ lãnh thổ, cũng không thể mất Mãn Châu, từ đó có thể thấy người Nhật ham muốn Mãn Châu tới mức nào.

Vậy nên vật tư trang bị của quân Quan Đông, xếp thứ nhất trong toàn bộ lục quân của quân đội Nhật, chỉ có hạm đội liên hợp hải quân mới so bì được. Nhưng dã tâm của chủ nghĩa quân phiệt sớm đã trở thành trò cười trước bánh xe của lịch sử. Chúng tôi cũng chẳng cần khách khí với quân Quan Đông làm gì nữa, hồi trước bọn chúng cũng có khách sáo với chúng tôi đâu, mọi người đều xắn cao tay áo, hô hào chất đống khuân về.

Tôi bảo họ cẩn thận đèn đuốc, không nên để gần hòm đạn, chỗ này mà nổ, thì đừng ai hòng chạy thoát, tất cả sẽ đều bị chôn sống dưới này. Phía sau đống súng pháo, có rất nhiều thùng gỗ lớn, bên trên có in dấu thép màu đỏ, cậy ra xem, toàn bộ đều là máy phát điện cỡ nhỏ, nhưng chẳng cách nào khuân được lên, thứ này nặng quá, ngựa lừa căn bản không thể thồ đi được, đành phải dỡ ra, từ từ chia đợt vác về.

Khuân trọn một ngày mà mới được một phần mấy chục số đồ trong căn cứ, Kế Toán vội vã tính toán, lần này thì phát lớn rồi, dùng không hết còn có thể bán lấy tiền, mấy thứ này cũ một chút, nhưng cũ cũng đáng tiền của cũ chứ.

Lúc ăn cơm tối, bí thư chi ủy tìm tôi, thương lượng một lúc, cứ khuân về thế này cũng chẳng hết được, mấy con ngựa cũng không thồ nổi nhiều đồ như thế, giờ đã sắp hết mùa thu rồi, nếu để lại một đội trông coi, còn lại chở đồ về làng, đường núi khó đi, đi đi về về cũng phải mất đến nửa tháng, đi chưa được hai lượt thì cả ngọn núi đã đóng băng rồi, chi bằng lấp cửa vào căn cứ trước đã, mọi người đều về làng, đợi đến xuân năm sau, quay lại khuân tiếp.

Tôi nghĩ thế cũng phải, rời khỏi Bắc Kinh cũng đã hơn một tháng, cứ ở mãi trong núi cũng không ổn, “sản phẩm” của hành động đổ đấu lần này đã đến lúc nhờ Răng Vàng ra tay, liền tán thành ý kiến của bí thư chi ủy. Tôi và Tuyền béo chắc không thể quay lại cùng mọi người, bèn nhờ ông bí thư sang xuân năm sau, tới Hắc Phong khẩu thì đốt tiền cho hai đứa trẻ kia giùm tôi. Ngoài ra phải nhất thiết nhớ rằng, không được đụng tới súng ống trong căn cứ, những thứ ấy bà con không thể dùng được.

Để hôm sau có thể lên đường, đêm hôm ấy dường như chẳng ai chợp mắt, cả đêm bận rộn chất đồ đạc, đến khi xong xuôi, mặt trời cũng đã mọc, cũng may đêm rồi tuy hơi hỗn loạn, nhưng cũng không có vụ việc gì xảy ra.

Dọc đường chẳng nói chẳng rằng, về tới Trại Cương Cương, cả làng rộn rã như ăn Tết, ai nấy đều gọi những người đàn ông làm công trong núi Tim Trâu trở về, nhà nhà đều làm món miến thịt lợn hầm.

Ngày hôm sau, tôi và Tuyền béo không muốn ở lại lâu hơn, từ giã mọi người, quay trở lại Bắc Kinh sau bao ngày xa cách.

Chúng tôi xuống tàu, chân ướt chân ráo chạy thẳng tới Phan Gia Viên, Răng Vàng vẫn như trước, thô tục hết mức, rặt mùi con buôn, lại hết sức kín kẽ, thực ra trong khu Phan Gia viên này hắn thuộc loại nhà nghề có thâm niên và giàu kinh nghiệm.

Răng Vàng vừa thấy chúng tôi tới, vội gác lại chuyện làm ăn trước mắt, sấn sổ hỏi chúng tôi: “Hai ông anh, sao đi bao lâu giờ mới về? Tôi nhớ hai ông anh chết đi được!”

Tuyền béo bấy giờ định lấy luôn hai miếng ngọc ra cho hắn xem, coi thử rốt cuộc đáng giá bao nhiêu, việc này cứ vướng mắc trong lòng chúng tôi mãi, hôm nay coi như cũng biết được rồi.

Răng Vàng vội đưa mắt ra hiệu, bảo chúng tôi đừng bỏ hàng ra vội: “Anh em mình cứ qua Đông Tử nhỉ, quán dê tái đợt trước ngon đấy, lại yên tĩnh, Phan Gia viên này vàng thau lẫn lộn, người đông, tai mắt cũng lắm, không phải là nơi nói chuyện, ‘minh khí ‘ không để lộ ra ở đây được. Hai ông anh đợi giây lát, tôi xử lý nốt vụ này rồi ta đi.”

“Minh khí” mà Răng Vàng nói ở đây, là từ lóng, đoạn trước đã có nhắc tới, từ này là từ đồng âm đồng nghĩa với từ “minh khí” (tức đồ âm phủ), chữ “minh” ở đây không có ý chỉ đồ cổ thời Minh, mà để chỉ đồ tùy táng, cũng như mấy từ “đồ cổ”, “cổ ngoạn”, thực ra đều là nói nghe cho hay, che giấu tai mắt người đời, cứ kỳ thực xuất xứ của những từ ấy đều có liên quan tới việc “đổ đấu”, hồi trước gọi là “đồ cốt”, “cốt ngoạn” (1), đều là chỉ những di vật sót lại của triều đại trước.

Trong lúc nói chuyện, Răng Vàng đã thanh lý một chiếc “tủ lạnh” đầu thời Thanh và một chiếc ấm trà Tế Hồng kiểu gốm Quan dao thời Ung Chính, chủ mua là một người Tây, dắt theo cả phiên dịch viên tiếng Trung. Thực ra thứ hàng này, cũng có là gì đâu, chỉ là đồ vặt vãnh thôi, cụ thể hắn bán được bao nhiêu, chúng tôi không rõ, nhưng tôi đoán ông Tây kia tám chín phần là bị chém ác.

Giải quyết xong vụ làm ăn, Răng Vàng đếm lại tiền: “Ba hôm không mở hàng, hôm nay vừa mở đã đủ ăn no ba năm. Bọn Tây ngố, mua hai món hàng giả mà cứ như bảo bối ấy, về mà khóc gọi bu đi nhé!” Đếm xong tiền, hắn liền quay đầu lại nói với tôi: “Hồi năm Canh Tý, Liên quân tám nước tiến vào thành Bắc Kinh, vơ vét của giả nào có ít, hôm nay coi như thay trời hành đạo, anh Nhất, thử nói xem tôi làm vậy có lý không?”

Tôi và Tuyền béo giờ đang có việc nhờ hắn, đương nhiên phải dựa theo hắn mà nói, tôi vội dựng ngón tay cái lên khen: “Xưa có Hoắc Nguyên Giáp tỉ võ đánh bại đại lực sĩ nước Nga, nay lại có ông Kim khéo lấy tiền bất nghĩa của người Tây, giành vinh quang cho tổ quốc, cao kiến, quả thực là cao kiến!”

Thu dọn đồ đạc, chúng tôi tới quán nhỏ lần đầu ngồi nói chuyện với nhau, hôm nay Răng Vàng chắc kiếm được kha khá, lại được hai chúng tôi tâng bốc nên hơi phê, vừa nhắm rượu vừa xướng lên hai câu Kinh kịch:” Thằng bồi Tây, ta cầm roi sắt đánh mày đây, hây a hây a hây…”

Tôi nhìn quanh, lúc này không phải là giờ ăn cơm, trong quán vắng tanh vắng ngắt, chỉ có mỗi bàn ở góc của chúng tôi là có khách, nhân viên phục vụ cũng nằm bò ra bàn ngủ gật, hai tay bồi bàn phụ trách châm lửa nồi lẩu thì đang ngồi xổm trước cửa tán gẫu, chẳng ai để ý đến ba chúng tôi cả.

Vậy là tôi bảo Tuyền béo đưa ngọc ra, để Răng Vàng giám định, nhân tiện kể sơ qua chuyến đi Đông Bắc vừa rồi. Răng Vàng xem xét tỉ mẩn, chốc chốc lại đưa lên mũi ngửi, còn le lưỡi liếm, rồi hỏi cặn kẽ chúng tôi về ngôi mộ cổ.

Răng Vàng nói: “Món giám định cổ vật này, tôi cũng biết sơ sơ, chỉ là chút nghề gia truyền thôi, hôm nay để hai bác đây chê cười rồi. Giám định cái thứ này, cũng như bắt mạch trong Đông y vậy, cũng có bốn phép ‘vọng’ (nhìn), ‘văn’ (ngửi), ‘vấn’ (hỏi), ‘thiết’ (bắt), đặc biệt là với đồ ‘minh khí’, bởi minh khí không giống cổ vật thông thường, đồ cổ gia truyền, thường được đem ra lau chùi ngắm nghía, lâu ngày, bề mặt đều nhẵn bóng. Còn minh khí là thứ do đổ đấu mà ra, vẫn luôn được chôn trong mộ cổ, mà mộ cổ lại phân ra làm mộ mới, mộ cũ, mộ dơ, mộ nước, mộ lâu năm. Đầu tiên là ‘vọng’, phải coi xem kiểu dáng và thủ công, hình dạng màu sắc. Tiếp đến là ‘văn’, đây là khâu quan trọng bậc nhất trong việc giám định minh khí, miền Nam có người làm đồ giả, đem thứ đồ dởm ngâm vào hố phân, rãnh nước tiểu để làm cũ, màu sắc quả có cũ thật, còn mùi vị thì khác hoàn toàn, mùi ấy hôi thối hơn nhiều so với ngọc nhét hậu môn của người chết (ngọc cổ nhét trong hậu môn xác chết, tránh âm khí toát ra khiến xác mục rữa), làm như vậy nhìn bề ngoài có vẻ cũ kỹ thật, nhưng ngửi một cái là ra ngay, không bịp được lỗ mũi nhà nghề đâu. Tiếp theo nữa là ‘vấn’, vật này lấy từ đâu, có xuất xứ gì không, người đổ đấu sẽ nói rõ người đó đổ ra từ cái đấu nào, vậy là tôi có thể đoán được hắn nói thật hay là bịa, có gì sơ hở không, từ đây cũng có thể phán đoán giá trị và sự thật giả của món đồ từ một mặt khác. Cuối cùng chính là cầm lên tay để tìm cảm giác, đây là cảnh giới mà chỉ có thể cảm nhận chứ chẳng thể nói thành lời, đồ cổ qua tay tôi nhiều không đếm xuể, hai bàn tay này ấy à, nối liền với tim, đồ cổ đích thực, tức là bảo bối ấy, bất kể nhỏ to nặng nhẹ, tôi dùng tay sờ một cái nắn một cái, là có thể cảm nhận được phân lượng ngay, phân lượng ở đây không phải trọng lượng thực tế của món đồ đâu, tự thân cổ vật có linh tính, cũng có một cảm giác nặng nề chắc chắn tích lũy lại sau trăm ngàn năm, hàng giả có làm giống thế nào đi nữa, cũng không thể tạo ra cảm giác này được.”

Tuyền béo nói: “Ông anh ơi, ông anh nói nhiều như vậy, tôi chẳng hiểu câu nào, ông anh mau nói xem, hai món minh khí này của bọn tôi, đáng giá bao nhiêu nào?”

Răng Vàng cười lên ha hả: “Anh béo sốt ruột rồi đây, vừa nãy tôi lắm mồm rồi, cũng chỉ là có ý tốt, mong rằng hai anh sau này có thể học được nhiều kiến thức giám định cổ vật hơn thôi. Các ngôi mộ lớn ngày xưa, có ngôi nào không tới hàng trăm hàng ngàn món đồ tùy táng, không hiểu biết chút ít về mặt này, về sau cũng khó hành sự phải không? Giờ tôi nói qua về hai món đồ này, tên của chúng thì tôi cũng không biết, ta cứ tạm thời đặt cho nó một cái tên, nhìn bề ngoài có thể gọi là nga thân li văn song ly bích (2), còn về giá trị của nó thì…

Mấy thứ đồ cổ này, làm gì có giá cả nào cố định, đâu phải là đường, là sữa mà bảo bao nhiêu tiền một cân thì bấy nhiêu tiền một cân, giá cả của đồ cổ hết sức tùy ý, chỉ cần có chủ mua, chủ mua chấp nhận món hàng, thì nó đáng tiền. Bằng không hàng có tốt hơn nữa, chẳng ai mua, thì nó cũng chẳng đáng một xu.

Hai món minh khí này, tôi cứ ước chừng cho cái giá gốc, riêng lấy giá trị bản thân của nó ra mà nói, ở trong nước cũng đáng giá khoảng bốn năm vạn tệ, đương nhiên ở hải ngoại chắc chắn còn cao hơn giá này nhiều, nhưng hiện giờ trong nước ta thì giá cả thị trường nó thế. Lúc bán, có chủ mua xứng đáng, còn có thể đưa ra giá cao hơn, điều này thì khó nói, phải xem tình hình lúc ấy thế nào đã. Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Răng Vàng kể trước kia hắn có một người quen, cũng buôn bán ở Phan Gia viên, toàn mấy thứ lặt vặt như ngói, tượng, mũi tên, tiền cổ, con dấu, bút mực, lọ thuốc hít, về sau ông anh này không chơi mấy món ấy nữa, đi Tân Cương bán xác khô, giờ thì phát tài to rồi.

Tuyền béo lấy làm lạ hỏi: “Mẹ, xác khô không phải là bánh tông à? Thứ ấy cũng đáng tiền á?”

Răng Vàng trả lời: “Sai rồi! Trong mắt anh em ta thì nó là xác khô, nhưng ra nước ngoài thì nó là báu vật, theo giá thành ở Bắc Kinh, thì cứ trước thời Minh, nhất loạt hai vạn tệ, đem ra nước ngoài thì giá là một trăm ngàn đô la Mỹ. Ông anh nghĩ xem, bọn Tây chẳng phải thích xem những thứ cổ quái kỳ quặc đó ư? Trong mắt người Tây, đất nước phương Đông cổ lão chúng ta, tràn đầy màu sắc thần bí, chẳng hạn trong Viện Bảo tàng Tự nhiên New York, có dán quảng cáo, hôm nay triển lãm xác ướp mỹ nữ phương Đông thần bí, có chấn động không? Cơn sốt xác ướp này, bắt nguồn từ xác của thiếu nữ Lâu Lan khai quật trong quần thể mộ ở Lâu Lan Tiểu Hà. Kể cả ở nước mình, giờ tìm bừa lấy một chỗ làm triển lãm, cũng khối người xếp hàng tham quan đấy, cái đó gọi là cơ hội kiếm tiền ông anh ạ!”

Tôi và Tuyền béo nghe xong thì liền hiểu ra, gật đầu lia lịa, hóa ra câu chuyện lại lắm lý lắm lẽ như vậy, thật là “đèn có khêu mới tỏ, lời có nói mới rõ”, lại thêm được biết hai miếng ngọc trị giá năm vạn tệ, cảm giác thỏa mãn vô cùng. Nhổ răng trong miệng cọp, cuối cùng cũng chẳng uổng công.

Tôi lại hỏi tiếp: “Anh Kim này, ông anh bảo món minh khí của hai thằng em gọi là ngọc bích gì gfi ấy nhỉ? Sao tên gọi trúc trắc thế?”

Răng Vàng rót đầy cốc bia cho tôi:” Vội gì nào, hôm nay anh em ta còn nhiều thời gian, cứ nghe tôi kể từ từ, cái này gọi là ‘nga thân li văn song ly bích’. Trong nghề buôn đồ cổ của chúng tôi có một quy định thế này, các món đồ không có tên gọi chính thức, thì nhất loạt đặt tên theo đặc điểm của chúng.

Cũng như chuông tết Tăng Hầu Ất nổi tiếng được xếp vào hàng văn vật quốc bảo ấy, trước kia loại nhạc cụ ấy đâu có gọi thế, nhưng cụ thể gọi là gì, thì thời nay đã khó mà khảo chứng được rồi, thế là các bác ngành khảo cổ dựa vào ngôi mộ nó được khai quật và chủng loại của nhạc cụ mà đặt cho cái tên như vậy thôi.

Nga thân li văn song ly bích, cái tên ấy đã miêu tả đủ đặc điểm của hai miếng ngọc này rồi. Nga thân là sao, tạo hình của nó giống như con ngài, miếng ngọc được đổ đấu trong mộ tướng quân nước Kim, thời xưa ngài bay (3) là tượng trưng của người dũng sĩ xả thân quên mình, chẳng phải có câu “ngài bay dập lửa” ấy thôi, có đi không về, biết rằng sẽ chết, mà vẫn khẳng khái ung dung lao vào ngọn lửa.

***

(1): Từ “cổ” (xưa, cũ) đồng âm với từ “cốt” (xương cốt) trong tiếng Hán hiện đại.

(2): Hai miếng ngọc thân hình con ngài hoa văn con ly.

(3): “Ngài bay” tức là con thiêu thân.

Đương nhiên giờ chúng ta đều biết lũ này không nhìn thấy gì, hễ thấy ánh sáng là lao vào, nhưng người xưa lại không cho là vậy, họ vô cùng sùng bái tinh thần của giống ngài này, đã lấy hình dạng của nó để làm một số đồ trang sức, để cho những người lập chiến công hiển hách đeo lên mình, coi như một niềm kiêu hãnh.

Hai anh lại coi tiếp hoa văn trên miếng ngọc này, nó cũng có tên, gọi là “ly văn”, đầu giống sư tử, mình lại giống hổ, kỳ thực đều chẳng phải. Ly là một loài rồng, không có hai sừng trên đầu, những vật có chạm trổ hình con ly đều có tác dụng tránh tà. Cách đây không lâu ở núi Mộc Gia Vân Nam, có đào được một ngôi mộ vương gia thời Minh, chắc hai bác nghe Bình sách (4) đều nghe qua “Đại Minh anh liệt truyện” rồi chứ, Chu Nguyên Chương có một viên đại tướng, họ Mộc tên Anh, ngôi mộ đợt ấy khai quật được chính là mộ của vị Mộc vương gia này, trong mộ cũng tìm được một Phỉ thúy song ly bích, trông cũng giống hai miếng ngọc mà hai bác đổ đấu được đấy, nói theo ngôn ngữ hiện đại thì là một loại huân chương, huy chương quân công gì đó.

Ta lại nói tiếp đến chữ “song”, nghe tên là rõ, chính là một đôi. Ở đây rất coi trọng đấy nhé, thứ trang sức này treo ở hai bên mũ sắt, thế nên nhất định phải là một đôi, nếu chỉ có một miếng thì chẳng đáng giá nữa.

Còn vì sao lại gọi là “ly” (5)? Ấy tức là nói về công nghệ chế tác ra chúng. Ngoài ra giá trị của hai miếng ngọc này, chủ yếu nằm ở giá trị lịch sử và giá trị thưởng thức của chúng, chứ chất liệu thì chẳng quý hiếm mấy. Nguyên liệu này là “đá ngói Càn Hoàng đổi màu” ở vùng Kavkaz, thực ra không phải ngọc, đương nhiên nếu cứ gượng ép quy chúng vào loại ngọc, thì cũng không phải không được. Loại đá ngói Càn Hoàng này giờ rất đáng giá, nhưng hai miếng này cũng không phải là loại thượng phẩm, loại thượng phẩm trong hai mươi tư tiếng đồng hồ sẽ lần lượt đổi thành mười hai màu sắc khác nhau cơ.

À, bên trên còn có chữ, chữ Triện, là tên người, “Quách Hà Mô”, xem ra chủ nhân của đôi ngọc chính là ông ta. Người này hình như là Tả đô giám nguyên soái cuối thời Kim, trong lúc giữ thành, chỉ dùng một cây cung, bắn chết hơn hai trăm binh tướng Mông Cổ, vũ dũng hơn người, cuối cùng tử chiến sa trường, cũng coi như là một vị anh hùng, tương truyền vua Kim phải dùng mười vạn lạng vàng, để đổi lấy thi thể ông ta từ tay người Mông Cổ đấy.

Tôi cảm giác như đang nghe Bình sách vậy, cũng có chỗ nghe hiểu, nhưng không nhiều lắm, Tuyền béo thì mặc chẳng thèm nghe nữa, cứ đổ lần lượt từng đĩa sách bò, thịt dê, thịt gà, rau, nấm vào nồi lẩu, dạo này toàn ăn thịt nướng đâm ra ngấy, giờ lại được ăn thịt dê tái, nhai sướng quai hàm, nên chỉ biết ăn với ăn.

Tôi hỏi Răng Vàng xem gần đây trên thị trường mặt hàng nào đang sốt, bán được nhiều tiền.

Răng Vàng trả lời: “Người Tây gọi nước mình là China, tức đồ sành sứ, có thể nói đồ gốm sứ mãi mãi vẫn là sốt nhất trên thị trường đổ cổ, những loại gốm sứ sản xuất vào thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc, thì ngay đến cả công nghệ tiên tiến thời nay cũng khó sánh được. Ví như sứ Thành Hóa, ông anh đã nghe nói chưa? Đặc biệt là loại sứ màu, đắt khủng khiếp, chẳng cần to tát gì, chỉ một mụn tí xíu như cái chim thằng cu ba tuổi thôi, đem đến Phan Gia viên, cũng phải mười vạn tệ, đều không cần mặc cả gì hết. Ông anh vừa kể trong mộ cổ ở Hắc Phong khẩu đoạn biên giới Trung Mông có nhiều đồ gốm sứ, tiếc là lại không đổ ra, những thứ ấy chắc đều là đồ cuối thời Bắc Tống cả, thật là đáng tiếc lắm. Tôi nói một câu chối tai, mong ông anh đừng phật ý, chứ quả thực lần này ông anh coi như lé mắt rồi, những chiếc bình chiếc chậu hai ông anh không đổ ra ấy, giá tiền còn đắt hơn hai miếng ngọc này nhiều. Cho nên mới bảo con mắt hai ông anh vẫn cần phải rèn luyện nhiều, đợi cơ hội nào đi, bận sau tôi về quê thu dọn ít đồ, ông anh đi theo tôi một phen, xem xem bí quyết nhà nghề, các chuyến sau này, chí ít cũng phải kiếm được mấy trăm vạn.”

Tôi vâng vâng dạ dạ, rồi bảo Răng Vàng: “Thằng em đây cũng có ý ấy, giờ có một ý tưởng hơi bạo dạn thế này, lần sau hai thằng em định đổ cái đấu to hơn, đổ một lần là phải giải quyết xong vấn đề. Cái nghề quật núi mò vàng này, hành sự nơi rừng sâu núi thẳm chẳng bằng ở nội địa, rủi ro lớn quá, cho dù có thêm mấy cái mạng, cũng không chịu đựng được giày vò như thế. thằng em đang chuẩn bị tìm một ngôi mộ lớn có phong thủy thuộc hàng đỉnh để ra tay, có điều việc này không phải trò đùa con nít, trước tiên phải chuẩn bị đầy đủ đã, nếu không sợ rằng không thể ứng phó nổi.”

Răng Vàng hỏi: “Anh Nhất này, anh muốn làm to thật sao? Chọn mục tiêu chưa nhỉ?”

Tôi đáp: “Chưa, tôi đột nhiên nảy ra ý định ấy thôi, mộ lớn mà ở vùng hẻo lánh kiểu ấy cực kỳ khó tìm, vả lại giờ tôi cứ như anh nông dân, ngoài biết xem phong thủy tìm mộ, thì những chuyện lịch sử, khảo cổ, giá trị, giám định… đầu tôi tối như hũ nút, chẳng hiểu cái gì cả, về mục tiêu lựa chọn cũng mù tịt. Cũng không muốn vội hành động ngay, lần hành động vừa rồi, chứng tỏ có hơi hám lợi trước mắt, từ giờ không thể làm những vụ gấp gáp như vậy nữa. Có điều nói đi cũng phải nói lại, tuy lần đi Đông Bắc này không đổ được thứ gì nhiều, nhưng ít nhiều cũng tích lũy được một số kinh nghiệm và tiền vốn, cứ coi là một lần diễn tập đổ đấu đi.” Truyện “Ma Thổi Đèn ”

Răng Vàng trả lời: “Nghe ông anh nói vậy, tôi đột nhiên nhớ đến một chuyện, ở Tân Cương ấy mà…”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ