Sống mòn - Phần VIII

Thứ và San cho việc ép Mô xếp chỗ ăn, chỗ ở cho họ chỉ là chuyện đùa. Không ngờ Mô lại để ý nhiều. Cố nhiên không phải chỉ vì muốn tận tâm với hai cậu mà thôi. Còn vì lợi ích riêng của nó. Nó hỏi họ rất kỹ càng về việc tiền nong…

– Thưa hai cậu, hai cậu định tìm người thổi cơm tháng cho hai cậu thế thì mỗi tháng hai cậu định cho như thế nào?

Thứ nhường việc tính toán ấy cho San. San đã chẳng làm nội trợ mãi rồi đấy ư? Y tất nhiên phải hiểu rõ hơn Thứ, mỗi tháng hai người sẽ tiêu thụ hết mấy đồng bạc gạo, mấy đồng bạc thức ăn, mấy đồng bạc mắm muối, nước non, củi lửa… Y cười bảo:

– Tính thì biết thế nào mà tính? Chúng mình có đi chợ đâu mà biết? Cái ấy thì cứ để thằng Mô nó hỏi bà cụ nhà nó cho.

– Không, hai cậu định cho như thế nào thì cứ bảo, để con còn phải tính…

Mô bảo thế. Và nó nói trắng ra như thế này:

– Chẳng giấu gì hai cậu… Bà con cũng già rồi. Đi xe cát thì kể cũng kiếm ăn được, nhưng vất vả. Giá nhận thổi cơm cho hai cậu được thì con bảo bà con ở nhà cho nhàn thân một chút. Rồi bà con cũng buôn vài thức quà bánh, hoa quả, ra cột đèn ngồi, để kiếm thêm mỗi tháng vài đồng. Miễn sao đủ cho một mình bà con ăn, không phải ăn tiền nhà con đi làm…

Thế nghĩa là bà cụ nhà nó sẽ làm một việc buôn bán đặc. Có lợi thì làm, không có lợi thì cụ đi xe cát. San biết thế thì sẽ xót ruột cho mình lắm, mà rút lại thì không tiện, nên hỏi Thứ:

– Anh nghĩ thế nào?

Thứ nhún vai

– Tùy anh… Tôi biết gì?

Y có vẻ bực mình. Hình như y muốn bảo: “Anh khỏe bới chuyện ta thì bây giờ anh liệu lấy!”… Liệu, tức là từ chối hay trả rẻ, để cho thằng Mô khinh và cười thầm mình trong bụng. Hay là trả thật đắt, cho vừa lòng nó, rồi có buốt ruột thì cố cắn răng lại mà chịu vậy, chẳng còn trách ai được nữa. San làm thì y chịu, Thứ không dự gì vào đấy! Không những thế, Thứ còn có quyền oán San…

San cười nhạt, bảo Mô:

– Tao tưởng bà cụ nhà mày có thể vẫn đi làm cũng chẳng phiền gì.

– Thưa cậu, thế thì ai thổi cơm cho?

– Lúc trưa về… Khi nào nghỉ làm, hãy thổi cơm.

– Nhưng thường thường trưa bà cụ nhà con lại không về, thổi cơm ăn ngay ở bờ sông. Xa thế mà những đi cùng về thì hết ngày chứ còn gì?

– Thế vợ mày?

– Nhà con thì nó về đấy, nhưng về muộn lắm. Vả lại, đi chợ vào lúc nào được? Mà không đi chợ thì lấy đâu ra thức ăn? Mà ngay có gửi được thức ăn cũng không có thì giờ mà nấu nướng.

– Thức ăn thì cần gì? Miễn là có cơm thì được. Chúng tao không đòi thức ăn đâu mà sợ.

– Thưa cậu, cậu thì cậu nghĩ thế, chứ chúng con thì lại phải nghĩ khác. Đã nhận cơm nước cho hai cậu thì phải dọn cho ra hồn một mâm cơm.

– Không ra hồn cũng được. Chúng tao bằng lòng chỉ ăn cơm không thôi kia mà!

– Thưa cậu, thế thì hai cậu cần gì phải đi đâu cho tốn tiền? Hai cậu cứ ở đây. Ở đây cũng có cơm rau chứ gì!

Mô cười, nhưng cái cười chẳng được tươi cho lắm. Khi nói câu vừa rồi, cái cổ nó gân lên. Nó có vẻ nhiếc thầm San: ” Muốn ăn ngon nhưng lại không muốn mất tiền”. San đỏ mặt, hất tay một cái, nói như người giận dỗi.

– Thôi, thế này này… Chẳng nói lôi thôi gì nữa… Lương tao mỗi tháng chỉ có mười hai đồng bạc đấy thôi. Tao đến tiêu hết cả mười hai đồng là cùng thôi, chứ gì?

Mô chẳng nói sao, San ngừng một lúc rồi lại bảo:

– Mỗi tháng mỗi người chúng tao đưa chục bạc. Hai người hai chục bạc.

Mô ngây mặt ra, như nhẩm tính:

– Hai mươi đồng thì tiền nhà đã mất độ bốn đồng rồi… San tiếp thật nhanh:

– Với vài đồng tiêu lặt vặt, nghĩa là còn độ mười bốn đồng tiền ăn cho hai người.

Mô ngẫm nghĩ một lát rồi chợt hỏi:

– Hai cậu định cho mười bốn đồng nguyên tiền ăn có phải không?

– Phải rồi.

– Vâng, biết vậy. Thế thì thế này này. Con nhận thổi cơm thôi, còn mọi thứ nhà cửa, giặt dịa, dầu đèn… mặc hai cậu cả.

– Được rồi, mày cứ lấy mỗi tháng mười bốn đồng còn mặc chúng tao. Nhưng phải tìm cho chúng tao cái nhà.

– Vâng, nhưng ấy là con mới nhận tạm thế thôi, chứ chưa dám nói chắc với hai cậu. Để con còn hỏi lại bà con đã…

Thứ, và có lẽ cả San thầm mong cho bà mẹ vợ nó không bằng lòng nhận. Nhưng hình như mẹ con nhà nó đã bàn đi bàn lại, trù liệu đâu vào đấy cả rồi. Nó chỉ còn đòi cho biết số tiền. Số tiền xét ra có thể nhận được rồi, lập tức nó đi hỏi nhà cho Thứ và San. Ngày hôm sau, nó bảo:

– Con thuê được nhà rồi đấy. Có ba đồng một tháng. Tối hôm nay, mời hai cậu xuống xem.

Cái nhà ở thụt vào mãi trong làng. Từ ngoài đường nhựa có một cái ngõ gạch đi vào. Ngõ vào đến nhà ấy vừa cùng. Nhưng vòng đến sau nhà, một cái ngõ khác trũng hơn, kề một đầu lên cái ngõ kia và chạy sang tận mặt kia làng, vắt hai sợi râu đỏ của nó lên cái sườn xanh rì của một con đê lớn. Cái lối đi bẩn thỉu và rác rưởi! Lẫn rác mục, lá khô phủ trên mặt, dầy đến nỗi người ta đi thấy lún chân. Thứ và San đã đi qua đấy một vài lần, nhưng chưa bao giờ trông thấy cái nhà, có lẽ chỉ vì đến đây họ còn mải chăm chú nhìn mặt đất để tránh những thứ dơ bẩn nhan nhản ở lối đi. Vả lại cái nhà liền sát một cái chuồng ngựa đua to, ở đầu trong. Cái chuồng ngựa với những con ngựa cao lớn, nở nang, chải chuốt và kiêu hãnh như bộ binh phục mới, những con ngựa thở phì phì và đập chân kêu bôm bốp, choán hết cả sự chú ý của người ta. Người ta chỉ trông thấy cái chuồng ngựa mà thôi. Nó nuốt hết cái nhà. Đứng bên ngoài mà trông, ai cũng tưởng cái nhà là một phần chuồng ngựa.

Dừng lại trước cái cổng thấp lè tè đục ngay vào một bức tường sau, Thứ hỏi San:

– Thế ra chỗ này cũng còn một cái nhà ư?

– Tôi cũng không ngờ đấy.

Mô đã vào trước để bảo người ta xích chó. Nó chậm ra. Hai nhà giáo nhìn quanh. Họ có vẻ hơi thất vọng. Nghe lời Mô tán tụng sự sạch sẽ của cái nhà sắp thuê, họ không đòi thấy những cái mà họ đang phải thấy. Đó là những đám cỏ rậm um ở sát chân tường, những vũng nước đen, những chỗ đất phủ rêu nhầy nhầy, những đống rác lù lù, bừa bãi. Một mùi khai khai, khăn khẳn bốc lên. Cả hai người cùng nhun mũi, nhưng chẳng người nào nỡ nói ra. Thứ trầm ngâm bằng cái vẻ quen thuộc của y. San khe khẽ cười vô cớ. Họ rất sợ tỏ ra mình là những người khó tính. Có mỗi tháng ba đồng bạc mà đòi sang trọng làm sao được?

Mãi San mới dám rụt rè nói nhỏ một ý nghĩ của mình:

– Chắc nhiều muỗi lắm?

Y dùng tiếng Pháp. Thứ cũng dùng tiếng Pháp, khẽ nhún vai, đáp lại:

– Có lẽ…

Vừa lúc ấy thì Mô ra:

– Mời hai cậu vào.

Một cái đầu trọc lốc cũng từ sau lưng nó nhô ra.

– Chào hai ông ạ! Mời hai ông vào trong này.

Mô khẽ giới thiệu với Thứ và San:

– Ông chủ.

Vừa kịp, Thứ và San đang lúng túng, không biết nên chào lại người ấy bằng gì cho phải. Y mặc độc mộc trọi một cái quần đùi đen, một cái áo cánh vải ròng rọc, mới cài có hai khuy. Có lẽ thấy khách đến, y mới mặc vội vàng cái áo vào. Y vừa xun xoe mời khách, vừa cài nốt mấy cái khuy trên. Quần áo thì thế mà người da đen thui, nặng nề, cục mịch. Da, có lẽ vì suốt đời cởi trần nên rất loãng, rất thô. Hai mắt kèm nhèm, trán chau chau. Chân đi bình bịch. Thứ và San phải hơi cúi xuống để chui qua cổng. Mới bước vào một cái nhà ngang, mặt trước trông hốc hác như quán chợ. Đó là nhà bếp. Bếp ở liền ngay cạnh cổng. Phía trong còn rộng, nhưng chẳng thấy kê đồ đạc gì, toàn thúng mủng.

Tạt chéo qua một cái sân nhỏ, lát gạch, có tường hoa, bể nước ở bên ngoài, họ tới cửa giữa ngôi nhà chính. Kiểu nhà xây ở quê nghĩa là thế nào cho xong chuyện thì thôi. Không có hàng hiên, ba khoang cửa ở tít mãi ngoài, thành thử một cái hè con cũng không có nữa. Đó là cái lỗi của chủ nhà tham muốn cho cái lòng nhà được rộng. Thứ để ý đến bốn con số “1935” ở trong lòng cái khung vữa hình chữ nhật, ở bên trên cửa giữa. Thì ra cái nhà này, làm cũng chưa lâu lắm. Được cái nền cao, cao hơn sân những hơn một thước tây. Không như cái bếp ở đằng đầu, chỉ cao hơn sân bằng hai hòn gạch đặt lên nhau. Đằng này phải có đến ba cái bậc để cho người ta lên…

Ông chủ cắm đầu, lút cút đi như chạy, huỳnh huỵch chạy vào nhà trước. Thứ và San, vừa đi vừa cố ý nhìn, khoan thai, đủng đỉnh theo sau. Mô bao giờ cũng rất lễ phép khi có người ngoài, rón rén và kính cẩn đi đằng sau hai cậu. Thành thử chủ đã vào nhà tám đời rồi, khách mới tới những bậc lên. Họ cũng chưa lên vội. Ông chủ lại lút cút chạy ra, nói như quát vào tai.

– Mời hai ông vào!… Mời hai ông cứ vào!… Chó xích rồi!…

– Vâng ạ!…

Thứ và San vào nhà. Gian giữa, trừ mấy cái giường thờ, án thư kê ở bên trong, phía ngoài chẳng có gì. Chủ mời khách lại bộ bàn ghế lim kê ở mạn ngoài một gian bên. Một người đàn bà, chắc bà chủ đang ngồi với ba đứa trẻ trên bộ ghế ở mạn trong, mải mốt ẵm đứa nhỏ nhất, đứng lên. San và Thứ cúi chào:

– Bà ạ.

– Cháu không dám ạ! Lạy hai ông!

Bà vội vàng đáp lại. Cái giọng mềm mỏng. Câu chào quá ư lễ phép đối với những người còn trẻ quá, khiến Thứ nhìn bà ta hơi kỹ, tuy vẫn nhanh chóng và kín đáo. Bà khác hẳn chồng. Chẳng đẹp đẽ gì hơn – kể chồng ấy, vợ ấy cũng xứng đôi! – nhưng lại cao ngồng và mảnh khảnh, chứ không trùng trục, vai u, thịt bắp như ông chồng. Nếu ông chồng là một con gấu thì bà chính là một con cò ruồi. Bà giục hai đứa con lớn – đứa năm, sáu tuổi, đứa lên mười, mười một vẫn ngồi yên, hếch mắt lên nhìn hai ông khách mới vào.

– Đứng lên, con!

Và vẫn cái giọng khoan thai ấy, bà bảo chồng:

– Thắp cái đèn lên! Cái đèn búp măng đâu rồi?

Ông chồng gần chúi hẳn người vào gầm bộ ngựa tìm và hỏi toang toang:

– Ơ hay! Cái đèn búp măng đâu rồi? U em!…

Bà tớn tác:

– U em đâu rồi?… Con! Chạy ra bảo u em thắp đèn!… Mau, con!…

Thấy họ rối rít cả lên, hò ổng om sòm mà vẫn không có được một cái đèn, Mô có vẻ ngượng lây. Nó làm như nó cũng về phe với chủ nhà, phe phải tiếp Thứ và San. Nó nháo nhác, nhìn chỗ nọ, chỗ kia. Thói quen nghề nghiệp, nó nóng nảy muốn trông thấy cái đèn ở một chỗ nào, để cầm vội lấy, đem lại bàn, bật diêm thắp hộ. Ông chủ thì vẫn lục sục dưới những gầm bàn, gầm ghế và thỉnh thoảng gọi u em như quát. Bà chủ đã phải hơi gắt tiếng. Thứ vội bảo:

– Thưa ông, thôi ạ!… Còn sáng chán!

Y nhã nhặn thì đúng hơn. Thật ra thì trong nhà đã nhá nhem rồi. Bên ngoài cái cửa sổ sau, màu xanh của bức giậu găng tây dâng lên đến lưng chừng cửa sổ, đã thẫm lại thành đen. Không gian xám tro. Và tít ngoài xa, đằng sau những đám mây loáng thoáng như những mạng nhện đen, trên một nền trời bằng lặng, mấy vết máu đỏ chết, cứ chết dần, đổi sang màu tím thẫm. Trong nhà tối hẳn, bà chủ bực mình, phải ẵm con đi mãi ra phía cửa, chực đi tìm u em, thì u em đã vào. Một vật lù lù, lặng lẽ như một đụn rạ biết đi. Bà chủ hỏi:

– U em đấy à? Đi đâu mà gọi mãi không lên thế? Đèn đâu?

– Đây ạ! Tôi đi mua dầu.

– Hèn nào!… Thắp lên!

Nhưng u em chậm quá. Mô nhanh nhẹn cất lấy và ông chủ lại cất lấy ở tay Mô…

– Cậu đưa tôi!

Ông bật diêm châm đèn. Thứ và San vẫn đứng. Mô nhận ra điều ấy trước nhất. Nó kéo hai cái ghế…

– Mời hai cậu ngồi chơi.

Bà chủ mời theo. Ông chủ cũng hấp tấp mời theo vợ, như quát vào tai khách. Thật tình thì Thứ và San muốn đứng. Bàn, ghế trông cục mịch và không được bóng. Chắc là ít khi dùng đến, ít khi lau chùi, và bụi bám khá nhiều. Đó là những điều mà người ta không thể nói toạc ra. Họ đành cảm ơn và ngồi vậy. Họ vẫn không quên lễ độ, họ xin phép trước. Còn Mô vẫn đứng. Ông chủ thì chỉ chiếc ghế còn bỏ không mời nó.

– Cậu Mô ngồi đây chơi.

Cố nhiên là Mô không dám…

– Ông chủ để mặc con…

Bà chủ hiểu tôn ti trật tự hơn. Bà mời Mô ngồi ghé bên chiếc ngựa. Thứ bảo Mô mới ngồi. Ông chủ nhà nhắc cái tích lên, do dự một thoáng, rồi lại đặt cái tích xuống bàn. Có lẽ ông lưỡng lự, không biết nên cứ mời khách uống nước ấy hay lại gọi đun nước khác. Bà chủ nhắc:

– Anh thằng Học rót nước ra, mời hai ông xơi nước.

Ông chồng rót nhưng vừa rót vừa phàn nàn:

– Nước nguội cả rồi…

Chiếc vòi không chịu chảy. Ông đặt tích xuống bàn, mở vung tích ra xem. Ông nhìn quanh như muốn tìm một cái gì. Chẳng thấy gì, ông lại nhắc tích lên ghé miệng vào vòi ầm ầm thổi. Rồi ông lại rót. Phen này thì vòi nước chảy. Nhưng cũng lịn rịn chậm chậm. Ông lại thổi rồi lại rót, rồi lại thổi. Hai ba lần như thế, chiếc chén nước mới đầy. Ông nhắc một chén đặt trước mặt Thứ và một chén đặt trước mặt San:

– Mời hai ông xơi tạm chén nước nguội.

Ông đưa cho Mô một chén:

– Cậu Mô xơi nước.

Không ai uống. Thứ và San kêu không khát. Mô nhìn hai cậu, tủm tỉm cười. Nó có ý tỏ cho hai cậu biết nó cũng nhận thấy lối rót nước ghê tởm của chủ nhà và những chiếc chén hạng rẻ tiền, trông như cáu bẩn. San và Thứ tảng lờ như không trông thấy nụ cười của nó. Họ nhìn đi, sợ chủ nhà để ý và sinh ngượng. Nhưng ông đã đang thông cái điếu thuốc lào rồi. Ông khẽ nhắc cái bóng đèn lên rồi dóm…

Thứ nói thẳng vào việc ngay:

– Thưa ông, thấy…

Y muốn giữ thể diện cho Mô (ông chủ gọi nó bằng cậu kia mà!… ) và gọi bằng anh nhưng thấy ngượng mồm. Y bèn gọi tên không.

– Thưa ông, thấy Mô nói chuyện ông còn thừa một căn nhà không ở đến, muốn cho thuê…

– Vâng, cậu Mô cũng đã nói chuyện với tôi…

Chủ và khách qua lại với nhau độ mười câu như vậy. Cuộc điều đình kết liễu. Chủ nhà định để lại cho người thuê nhà một gian cạnh của nhà ngoài…

– Nguyên chỗ nhà ngoài này những ba gian. Hai ông ở gian đằng kia. Nhà tôi ở gian đằng này với cái buồng ở đằng này. Còn gian giữa, tôi để giường thờ, nhất định phải để không rồi. Như vậy là đã có gian giữa ngăn đôi biệt tích hẳn ra. Tha hồ rộng rãi mà cũng tiện.

Đã đành! Nhưng San và Thứ vẫn thích ở buồng hơn. Họ viện lẽ rằng đêm phải học khuya, thắp đèn khuya, không muốn vì sáng đèn mà nhà chủ không ngủ được…

– Vâng, thế thì hai ông ở buồng cũng được. Để tôi khuân những đồ đạc của tôi ra.

Nhưng bà chủ chợt nói gì nho nhỏ với chồng. Ông ngần ngừ một chút rồi hỏi lại San và Thứ:

– Hay là hai ông ở nhà ngoài?…

Họ đưa mắt nhìn nhau như để hỏi ý kiến nhau, thì ông chủ đã vội cắt nghĩa thế này:

– Chẳng nói giấu gì hai ông… Nhà có nuôi con lợn, con gà, chuồng lợn ở đằng này, tôi phải ở buồng này để trông coi cho tiện.

– Thưa ông, thế buồng đằng kia.

– Vâng, hay hai ông ở buồng đằng kia?

– Vâng, nếu tiện thì hay lắm.

– Tiện thì tiện lắm. Buồng ấy tôi vẫn bỏ không.

– Thế thì còn gì bằng nữa.

Hai vợ chồng ông chủ nhìn nhau. Trong cái nhìn của họ, Thứ nhận thấy có một vẻ gì như lưỡng lự không đành.

Thứ sinh ngờ. Ông chủ cười cười, bảo:

– Nhưng giá hai ông ở nhà ngoài vẫn hơn cả. Chả gì bằng nói thật. Ở trong buồng thì đến mùa bức, chắc là không được mát.

– Thưa ông, không có cửa sao ạ?

– Có… cũng có hai cửa sổ, nhưng…

Bà chủ như hơi gắt với chồng:

– Thì cứ mời ngay hai ông vào buồng xem. Nếu được thì hai ông ở… Thưa hai ông, cái gì nhà cháu cũng hay nói thật. Ở trong buồng thì không được thoáng như ở nhà ngoài. Nhưng nếu hai ông muốn ở buồng cho tĩnh mịch để xem sách thì xin tùy ý. Còn nhà cháu thì thế nào cũng được. Gian nhà ngoài cũng rồi, buồng cũng rồi. Hai ông ở đâu thì cũng thế thôi. Hai ông ở gian nhà ngoài thì căn buồng ấy bỏ không, chứ đâu có ai thuê, nhà cháu cũng không cho thuê nữa. Vậy mời hai ông vào xem cho cẩn thận. Rồi hai ông định thế nào cũng được. Còn như nhà cháu ép hai ông ở nhà ngoài cũng không dám ép mà bảo hai ông ở trong buồng cũng không dám bảo. Cái ấy thì xin cứ tùy hai ông cả.

Thứ hơi khó chịu. Cái giọng ngọt xớt này thế mà ghê gớm lắm đấy! Y nghĩ vậy. Người đàn bà không được thật thà như người chồng. Y cũng không tốt bụng như chồng. Y không muốn khuyên gì. Đó là một cách giữ kẽ về sau. San và Thứ muốn ở đâu thì ở, nhưng sau này đừng có kêu ca gì hết. Thứ lại càng sinh ngờ vực. San quay sang y, bảo:

– Hay là ta xin phép ông bà vào buồng xem qua xem thế nào?

Ông chủ đã nhanh nhảu đứng lên:

– Vâng, mời hai ông vào xem…

Ông cầm đèn đi trước. Ông đi còn nhanh hơn lúc nãy. Nhưng lần này là cố ý. Ông muốn vào buồng trước một chút để còn sửa soạn. Khi Thứ, San và thằng Mô vào đến buồng, thì ông đã mở tung hai cánh cửa ra rồi. Quả nhiên, cũng hai cái cánh cửa sổ hẳn hoi, một cái ở đằng trước, một cái ở đằng sau. Nhưng chỉ một cái mở được thôi. Cái đằng trước mở thì cũng mở được đấy, nhưng mở ra cũng chẳng ích gì. Nó nhòm thẳng vào bức vách đầu hồi cái nhà lá quay mặt về mặt bếp. Bức vách ấy gần sát cửa sổ trước căn buồng. Trông chướng phè phè. Thành thử mặt sau căn buồng lại có vẻ như là mặt trước… San chỉ cho Thứ mỗi cái lỗ đục mãi tít trên đầu hồi, khẽ bảo:

– Kể thì cũng đủ lối cho không khí ra vào.

Thứ mỉm cười:

– Thừa đủ. Chúng mình có hai người, và xưa nay sẻn không khí mãi, quen rồi.

Mô gõ tay vào bức tường hồi, bàn:

– Giá chỗ này đục một cái cửa sổ nữa thì phải.

– Vâng, kể ra giá đục thêm cái cửa sổ ở chỗ ấy thì đẹp lắm, nhưng tức một cái chỗ này lại liền chuồng ngựa quá.

Ông chủ trả lời như vậy. Rồi ông vội thêm ngay:

– Với lại thế này cũng đủ lắm rồi. Hai cái cửa sổ lại cái cửa ra vào mở ra nhà ngoài. Được cái cửa ra nhà ngoài cũng gần ngay với cái cửa nhà ngoài ra sân…

Tối hôm ấy, lúc Mô lên để mắc màn, nó và Thứ và San lại bàn tán về chuyện thuê nhà, San hỏi:

– Ông ta làm gì thế, hở Mô? Trông cái tướng thế mà giàu!

– Thưa cậu, vợ chồng ông ta chỉ chuyên môn làm đậu.

– Làm đậu phụ bán cho người ta ăn ấy à. Eo ôi! Thế mà người ta cũng dám mua ư?

– Thưa cậu, sao mà không mua ạ?

– Trông cái mắt ông ấy, tao đã đủ ghê chết cha rồi!

Thứ bật cười:

– Ồ, mà không hiểu sao mắt bà ta cũng vậy. Hai vợ chồng cùng toét.

– Thế thì anh trông còn sót đấy. Tôi còn thấy cả u em cũng toét nốt, mới chết người ta chứ! Sao mà họ khéo tìm người thế!

– Khéo rồi chúng mình ở đấy ít lâu cũng sinh toét nốt. Tôi sợ lắm.

Mô có vẻ không bằng lòng họ chế giễu như vậy. Nó cười ngượng nghịu. Và nó bảo:

– Thưa cậu, thế mà nhà cửa nhà ông ta sạch lắm, không mấy nhà được sạch bằng. Con đã xem kỹ lắm rồi. Đừng nói gì đến sân, nhà, ngay cái chuồng lợn nhà ông ta cũng sạch như lau. Mỗi ngày ông ấy đổ nước mấy lần. Cả đến cái chuồng tiêu. Hai cậu chưa biết cái chuồng tiêu nhà ông ấy đấy. Buồn cười lắm. Mỗi lần xong việc, có một cái vung bằng nắp gỗ để đậy lại, cho khỏi có mùi xông lên…

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ