Sống mòn - Phần V

Thứ thấy lòng nhẹ bỗng… Mỗi buổi chiều thứ Bảy, Thứ thấy lòng nhẹ bỗng. Không những chỉ vì ngày hôm sau được nghỉ. Còn vì tối hôm ấy và cả ngày hôm sau không phải trông thấy Oanh cau có và nghe Oanh gắt gỏng. Oanh về nhà riêng. San cũng đi học tối rồi. Còn mình Thứ ở nhà. Y chẳng phải làm gì. Y muốn chiều thứ Bảy phải là chiều nghỉ ngơi hoàn toàn. Y bảo Mô không cần phải thắp đèn. Y đem cái ghế mây ra sân gác, ngồi một cái, gác chân một cái, nhìn sao. Mô biết rằng những lúc như lúc ấy, Thứ sẵn lòng nghe chuyện của nó. Bởi vậy nó cũng ra sân gác đứng.

Mô là loong toong nhà trường. Gọi thế cho oai. Thật ra thì nó cũng chỉ là một thằng nhỏ, công mỗi tháng một đồng. Nó làm đủ các việc của một thằng nhỏ, con sen: gánh nước, đi chợ, thổi nấu ăn, giặt quần áo… thêm những việc quét trường, đổ mực, và tắm gội cho bốn, năm trẻ, cháu của Oanh hoặc em của Đích. Những đứa trẻ gọi nó bằng anh. Nó gọi chúng bằng em. Và những khi chúng không ngoan, Mô không ngần ngại quát mắng chúng om sòm, có khi đánh nữa. Oanh có biết cũng chỉ lờ đi, hay lại khuyến khích thế. Một là vì Oanh muốn dùng nó để trị lũ trẻ con. Hai là vì Oanh sợ nó. Đúng như vậy, Oanh sợ nó, tuy sa sả với nó suốt ngày. Chỉ vì nó khỏe, thật thà, được việc, công lại rẻ. Oanh biết rằng công việc này, không có nó, không xong: còn nó, nó chẳng cần gì Oanh lắm. Nó thừa biết rằng: ở với Oanh, nó chỉ thiệt nhiều; sức nó làm đâu cũng kiếm nổi công mỗi tháng hai, ba đồng bạc. Các bạn máy nước của nó, thằng nào cũng coi nó như kẻ đàn anh. Thế mà thằng nào cũng kiếm được công cao hơn nó. Như vậy thì cớ gì mà nó phải bám lấy Oanh? Có lẽ bởi thói quen. Nó ở với Oanh mãi, quen rồi. Thật ra thì dù không bằng lòng với hiện cảnh của mình, cũng không mấy người dám mạnh bạo tìm những cuộc đổi thay. Cái chưa biết bao giờ cũng làm cho người ta sợ. Mô không hiểu thế. Nó không rõ tận lòng của nó. Nó lân la bảo Thứ:

– Con nể bà Chánh với cậu Đích nhiều nên con mới ở đây chứ những như cô giáo thì mấy con cũng không chịu ở. Lúc bắt đầu cho con lên đây, bà Chánh bảo: “Cậu không tìm được người ở, anh chịu khó lên cơm nước cho cậu, trông coi các em giúp bà”. Con nể lời bà Chánh nên mới lên đây, chứ cũng thừa biết đi làm thằng nhỏ thì có ra gì? Tuy bây giờ được mỗi tháng một đồng, nhưng sau này cuốc không hay, cày không biết, về nhà quê, làm gì ăn được? Mà chẳng lẽ suốt đời đi ở. Lắm lúc con muốn thôi phắt, về nhà quê học làm ruộng cho quen. Nhưng lại nghĩ rằng: lúc cậu Đích ra đi, cậu có dặn con: “Mô cứ chịu khó ở đây với cô, trông các em cho cậu, rồi cậu tìm việc cho mà làm hay cậu cấp vốn cho mà buôn bán”. Con cũng chẳng mong gì cậu Đích tìm việc hay cấp vốn cho con. Nhưng bây giờ cậu Đích không ở nhà mà con thôi không chịu ở nữa, thì lúc cậu Đích về, không biết đấy là đâu, cứ thế bảo tại con chứ không phải vì cô giáo…

Thứ về hùa với nó:

– Tao cũng vậy. Nếu không vướng cậu Đích thì tao đã thôi dạy học cho cô mày từ lâu rồi.

Nói xong, Thứ hơi ngường ngượng. Y lơ mơ nhận ra sự hèn nhát của y: y tự coi mình với Mô là đồng thuyền để được cảm tình của nó. Y lảng sang truyện khác.

– Mày đã vay được tiền cưới vợ chưa?

Mô toét miệng cười:

– Thưa cậu, rồi. Con nói mãi, cô giáo mới cho vay được bốn đồng. Cô giáo chỉ sợ con vay rồi quỵt, đi làm cho nhà khác. Thưa cậu, con nghèo thì nghèo thật, nhưng bốn đồng bạc có ăn được suốt đời đâu, mà làm thế cho tiếng để đời. Xưa nay con có phải là người lừa lật đâu?

– Không phải thế. Cô giáo không sợ mày lừa lật, nhưng không muốn cho mày lấy vợ, sợ mày lấy vợ rồi, bận bịu vợ con, không tưởng gì đến công việc nữa.

– Thưa cậu, cô giáo bảo với cậu thế à?

Thứ gật đầu. Bởi vì đó là sự thật. Một hôm, Oanh đã đem việc Mô lấy vợ nói với Thứ. Thứ không ngỏ ý gì. Nhưng Oanh thì Oanh bảo: “Nó làm được mỗi tháng có một đồng, nuôi vợ nuôi con làm sao được? Không có vợ con, nó còn ở với mình. Có vợ rồi, bận vào thân, thế nào nó cũng toe hoe sinh chuyện này chuyện khác. Vả lại nó chưa có vợ, mình muốn mắng nó thế nào thì mắng. Nó có vợ rồi, thành người lớn, mắng nó thì nó thẹn, mà chính mình cũng ngượng… “. Thứ đã phải ngấm ngầm ghê sợ cho sự tính toán thấu đáo của người đàn bà nham hiểm ấy. Y càng ghét nhưng cho rằng Oanh đã bàn bạc với y tức là tin cẩn ở y, y không nỡ đem cả chuyện ấy nói cho Mô rõ. Tuy vậy, Mô cũng đã lấy làm bất bình lắm rồi. Nó bĩu môi và bảo:

– Không cho con vay cũng chả xong. Mà con cũng chẳng dám nói dối gì cậu! Chỗ tiền ấy con cũng chẳng vay viếc gì. Trừ vào công của con, nhất định con không chịu. Có cả cậu biết đấy: hồi cậu Đích còn ở nhà, cậu Đích bảo cho con thu số tiền mực của học trò. Mua mực pha cho chúng nó viết, còn thừa đồng nào, cho con cả. Thế mà cô giáo có cho con thu tháng nào đâu? Cô giáo thu mấy năm rồi. Chỗ lãi ấy, bốn đồng còn là ít. Bây giờ có cho con bốn đồng, cô giáo cũng không mất gì.

Thứ hỏi:

– Có bốn đồng mà mày cũng cưới được vợ à?

Mô lại toét mồm ra cười.

– Cậu tính cưới xin gì! Hai đằng cùng nghèo cả, lấy gì mà bầy vẽ ra được nữa? Con đưa cho bà cụ chục bạc để bà cụ sửa một mâm cỗ cúng ông cụ và mua ít cau chia cho những chỗ quen thuộc để nhà con khỏi mang tiếng là theo không.

– Đưa những chục bạc kia à? Thế sao mày vừa bảo mày vay có bốn đồng?

– Vâng, của con có bốn đồng, còn thì là của nhà con nó giúi cho con.

– Ngỡ là gì. Thế thì ra ngỗng ông lại tết ông.

– Vâng, kể thì giá con chẳng có đồng nào cũng được. Nhà con nó cứ xui chỉ đưa cho bà cụ sáu đồng thôi. Nhưng chẳng lẽ con lại không chịu bỏ ra đồng nào. Như vậy thì tồi quá.

– Thôi thế chắc cô ả ăn phải bả cu cậu rồi!

Mô để bật ra mấy tiếng cười sung sướng và tự đắc. Nó không thể nhịn kể lể về vợ nó:

– Thưa cậu, con nghĩ cũng phải duyên, phải số làm sao, chứ không thì sao con nó say con thế này: hôm nọ con đi xem bói, người ta bảo con rằng số con sát vợ, phải lấy đến ba đời vợ mới xong. Con nghĩ thương nhà con nó hiền lành mà chỉ có một mẹ một con, sợ nó chết thì bà cụ chẳng còn vơ víu vào đâu được, nên định không lấy nó nữa kẻo nhỡ nó chết thật thì tội nghiệp. Con vừa mới nói thế mà nó đã khóc như cha chết, một giờ đêm, nó còn bắt bà cụ đi với nó lên tận trường tìm con. Nó lại ngờ con thay lòng đổi dạ thế nào. Con bảo nó thì nó nhất định bảo: “Sống chết là mệnh giời, thương yêu nhau thì cứ lấy nhau, chẳng cần gì cả”.

Thứ gật đầu một cái, như khi đọc sách gặp được một tư tưởng đúng. Y trở nên nghĩ ngợi. Hồi y còn học ở thành chung, một người đàn bà đã nói với y thế này về đứa con gái lão loong toong của nhà trường: “Con ấy xấu thế mà cũng có amour kia à?”. Câu nói ngẩn ngơ đã khiến y bẻ lại ngay. Nhưng y bẻ, có lẽ cũng chỉ vì thích cái lý thôi. Nếu y thật thà thì y phải nhận rằng: khi nói đến tình yêu, chính y cũng chỉ nghĩ đến những học sinh, những sinh viên, những thanh niên trí thức, những thiếu nữ nhí nhảnh hoặc u buồn, dịu dàng hay sắc sảo, như thế nào cũng phải đẹp và thanh lịch. Một đôi khi người ta cũng có thể nghĩ đến gái nhảy, cô đầu bởi vì gái nhảy, cô đầu cũng còn biết tân thời, đánh phấn, tô môi, sức nước hoa. Nếu là một cô gái quê thì tất phải là: một cô gái quê mắt bồ câu, má lúm đồng tiền, đẹp một cách mộc mạc, ngây thơ. Nhưng làm thế nào mà tưởng tượng được rằng những thằng nhỏ, những con sen, những anh phu đổ rác, những chị phu hồ, những con người lam lũ và dốt nát, rách rưới và đen thui, phần nhiều bẩn thỉu, hôi hám, thô kệch, xấu xí… Làm thế nào mà tưởng tượng được rằng những con người mà ta đã quen coi như dưới hẳn chúng ta, gần hàng súc vật, mà cũng có thể yêu một cách cao và đẹp. Ấy thế mà cao và đẹp biết bao là cái tình của vợ chồng Mô đối với nhau. Chúng hy sinh tuy chưa bao giờ nghe nói đến chữ hy sinh. Kẻ thì biết hy sinh cái hạnh phúc được lấy người yêu, chỉ vì nghĩ đến người yêu. Kẻ thì biết khinh hẳn sự sống của mình để mà yêu, có lẽ vì cũng lờ mờ nhận thấy rằng tình yêu còn đáng quý gấp mười lần sự sống. Còn một cái tình yêu nào mạnh và đẹp hơn thế nữa.

Mô vẫn kể. Nó kể bằng một cái giọng ngắc ngứ, lúng túng, ấp úng, có khi ngượng nghịu, vì e thẹn và sung sướng. Nhưng Thứ hiểu chuyện của nó một cách rất rõ ràng. Chỉ vì những lời nói của Mô được tô điểm thêm bằng những kỷ niệm của y. Chính y cũng đã được nghe câu chuyện của vợ chồng Mô đối đáp với nhau đêm hôm ấy.

Một đêm trời lạnh đã khá khuya, bởi vì San đã thôi học, đi nằm. Y lách người vào chăn đem theo một chút lạnh vào. Thứ đã sắp ngủ, nhưng bị hơi lạnh làm tỉnh dậy. Và y chợt để ý đến những tiếng gọi rụt rè dưới cửa:

– Anh Mô ơi!… Anh Mô!…

Tiếng con gái. San huých khuỷu tay và cạnh sườn y một cái và khẽ nói:

– Anh có nghe thấy gì không?

Y lại hích San để tỏ rằng mình có biết. San bảo:

– Nhân tình thằng Mô đấy. Lặng im, xem chúng nó làm gì, làm gì lúc đêm khuya khoắt thế này?

Thứ thấy lòng rộn rạo. Bên tai y, hơi thở phì phò của San cũng mất hẳn đều đặn, trở nên mạnh hơn và dồn dập. Nhưng ở nhà dưới, Mô vẫn ngủ mệt, hay cố tình làm ra thế? Nó không thưa. Tiếng người con gái gọi to hơn, khẩn khoản hơn:

– Anh Mô ơi! Anh Mô ơi! Sao anh tệ thế?

San véo vào tai Thứ một cái thật đau. Anh chàng ấy nhiều thú tính, thường không kìm nén nổi sự bồng bột đột nhiên của lòng mình. Thứ điềm tĩnh hơn, kín đáo hơn. Y muốn cù bạn nhưng lại sợ Mô biết trên gác có người còn thức, nên cố nhịn. Y ra hiệu cho San đừng động đậy. Nhưng Mô vẫn tảng lờ như không nghe tiếng nhân tình gọi. Người nhân tình phát khóc…

– Anh Mô ơi! Sao anh tệ thế, anh Mô?

Mô đành vùng dậy, ý chừng nó không còn gan được nữa. Chỉ nghe tiếng ú ớ giả vờ của nó, Thứ cũng thừa hiểu không phải mãi đến lúc ấy nó mới biết có người gọi nó. Nó không thưa trước, có lẽ chỉ vì lúc này còn bối rối, chưa tìm ra cách đối phó. Nó làm như vừa mới giật mình thức giấc:

– Ai?… Ai thế?

– Tôi đây. Sao anh tệ thế, anh Mô!

– A! Cô Hà đấy à? Gì thế? Tôi ngủ mê, chẳng nghe thấy gì.

Câu chữa mình chỉ tố cáo thêm. Người con gái mỉa:

– Tôi biết rồi! Ngủ! Chẳng nghe thấy gì!

Mô cười một cách rất hiền lành:

– Thật đấy! Ai nói dối!

– Anh ra đây tôi hỏi cái này một tí.

– Hỏi gì?

Cái then gỗ kêu lọc cọc. Tiếng vặn cái quả nắm sắt. Rồi cái cánh cửa bị kéo vào, sát xuống thềm gạch kêu lạch xạch. Mô nhắc lại, khẽ hơn và dịu dàng hơn:

– Hỏi gì?

Người nhân tình sụt sịt:

– Sao anh tệ thế, anh Mô?

– Tệ làm sao?

Người con gái nói những gì nho nhỏ. Thứ không nghe rõ. Chỉ biết là thị khóc. Mô nói to hơn:

– Tôi có ý gì thì tôi chết bằng này tuổi. Nội tôi có dám chê cô cái nết gì hay là đứng núi này trông núi nọ thì có giời vật chết! Nhưng tôi xem bói, mấy ông thầy cùng bảo tôi sát vợ. Cô lấy tôi, nhỡ cô chết thì… ?

– Cho chết! Xin cho ngay rằng chết tôi cũng bằng lòng.

– Cô đã vậy nhưng còn bà cụ. Giá bà cụ được đôi ba người con thì mình còn dám nghĩ liều. Nhưng bà cụ chỉ được có mình cô. Nếu phải ông giời ông ấy bắt cái số tôi như vậy thật, cô cứ nhất định lấy tôi mà nhỡ có thế nào thì bà cụ trông cậy vào ai? Thật tôi cũng không chắc gì tôi có thể thay cô mà phụng dưỡng mẹ già. Đã đành rằng cứ như cái lòng của tôi cũng có thể nghĩ được thế nọ, thế kia, nhưng biết rằng ông giời ông ấy có cho mình nghĩ hay không? Tình cảnh tôi nó bó buộc lắm.

– Anh không phải nghĩ xa xôi thế. Sống chết đã có giời, anh ạ! Mình không biết đâu mà liệu được. Tôi chỉ sợ anh nghe người ta mà…

– Không! Tôi có nghe ai thì tôi chết! Mà cũng chẳng ai nói gì cả, tôi chỉ nghĩ rằng.

Nó luẩn quẩn nhắc lại những điều đã nói về số mệnh, về cái cảnh nhà cô ả chỉ có một con một mẹ, về cảnh nghèo của nó. Cô ả cũng nhắc lại những lời đã nói của cô. Rồi cô rưng rức khóc. Chắc là Mô bối rối, nó lặng im một lúc, rồi nó xua tình nhân rối rít:

– Thôi được! Cứ về đi!… Khuya rồi, về đi! Về đi rồi mai tôi xuống đấy.

Phần thì cô ả còn dùng dằng chưa nỡ dứt. Nhưng giữa lúc ấy, tiếng một bà già léo xéo:

– Hà! Thôi về đi!… Về!… Về ngay, không mày chết với tao bây giờ!

Tiếng nói run run và như thiếu sức. Giọng tuy gắt gỏng mà tiếng vẫn không vang lên được, nó cứ âm âm trong lồng ngực. Dường như cái ngực yếu ớt quá, óp ép quá, chỉ đẩy ra được một luồng hơi yếu ớt… Cái thứ tiếng già nua ấy, trong đêm khuya vắng lặng, có một vẻ gì buồn lắm. Thứ đã lặng người đi như thấy cả một nỗi cô đơn đang rót vào lòng. Tiếng guốc của bà già vang lên và nhỏ dần đi. Thứ hình dung ra bóng một người con gái bước chân nặng trĩu, vừa đi vừa lau nước mắt, lủi thủi theo sau. Sao mà buồn thế!…

Lúc này đây, y cũng buồn. Mô đang sung sướng nói về vợ nó với y. Nó nhắc cho y nhớ đến những phút sung sướng đã qua, đến vợ con, đến gia đình. Y ngước mắt nhìn một ngôi sao, ngậm ngùi tưởng tượng ra vợ y đang ôm con, ngồi ở ngưỡng cửa, lặng lẽ và buồn rầu như đá Vọng Phu. Mô thấy y lơ đãng, ngừng lại không nói nữa. Y không nhận thấy, bởi vì đã khá lâu, y không còn để ý đến chuyện nó nói. Nó ngập ngừng nhìn y trong bóng mờ mờ tối và ngạc nhiên nghe tiếng y thở dài…

Tần ngần một thoáng rồi Mô bỗng hỏi:

– Thưa cậu, cậu đi lâu thế này, có nhớ mợ với em ở nhà quê không ạ?

Giá có ánh sáng thì Mô đã nhận thấy Thứ hơi đỏ mặt. Nhưng y làm bộ tàn nhẫn bảo:

– Nhớ cái cóc khô gì? Tao không như mày.

Mô lại hi hí cười, cái cười hiền lành của nó.

– Thưa cậu, con tưởng ai chả thế? Ai chả thương vợ, thương con?

– Tao chẳng thương xót gì!

– Cậu nói thế đấy chứ…

– Thật đấy…

– Thế thì tại ở đây cậu đã có cô Tư rồi.

Mô cười to hơn, Thứ cũng cười, nhưng cái cười lặng lẽ và chua chát. Tư là một cô gái mới lớn lên tóc bỏ lơi, răng trắng muốt, đôi mắt to và đen lay láy thường mở rộng, nhìn vào lớp của y. Những lúc ấy, thường thường y mất tự nhiên. Tiếng y đang gắt gỏng với học trò bỗng nhỏ đi. Mặt y đang cau có bỗng dạn ra, ngượng nghịu. Y đứng khuất đi, để ở ngoài không trông thấy. Nhưng cũng có hôm Tư đến lúc học trò đang cặm cụi làm bài. Lớp học rất im, Thứ được ngồi không. Những lúc ấy, khi Tư không chú ý nhìn vào, y được dịp ngắm nghía cô bằng đôi mắt buồn rầu của một kẻ thương tiếc một cái gì đã lỡ. Cái gì? Có lẽ y đang tiếc cái lúc y còn là một cậu con trai, cái lúc y còn có thể được một nữ học sinh vào hạng Tư yêu, nhưng y đã chẳng làm gì để được yêu, mà bây giờ thì cái thời ấy đã qua rồi. Mặt y đã nghiêm trang, trán y đã lo âu. Môi y đã ít cười, và nụ cười cũng chẳng còn tươi như trước. Chao ôi! Như vậy đó, trước sau chỉ cách nhau có sáu bẩy năm. Nhưng mà biết bao nhiêu sự thay đổi! Y đã già đi, đã xấu đi nhiều. Y đã có vợ, có con. Y là một ông giáo khổ trường tư. Y mặc những quần áo rẻ tiền, xộc xệch và đã bạc màu. Y không đẹp trai, không trẻ, không diện sang, không danh giá, không giàu. Đến sức khỏe cũng không! Tương lai đã đóng lại trước mắt y. Và y biết chẳng bao giờ nữa, y còn được một thiếu nữ trẻ đẹp, tươi tắn như Tư để ý. Chẳng bao giờ nữa! Cái thời tuổi trẻ ngắn ngủi của y đã qua rồi, qua chẳng có ích gì cho y cả. Chỉ có thế thôi, nhưng cái ý nghĩ thật buồn. Và nhiều khi nước mắt y rỉ ra lúc nào, y cũng không hay nữa. Một hôm, do một sự tình cờ, y biết được tên Tư. Y sung sướng như nhặt được một bức thư của một người mà mình vẫn thầm yêu. Biết được một cái tên để mà nhắc nhở, dù chỉ nhắc nhở suông thôi, cũng chả đem lại cho lòng y được một chút gì êm ái đó ư. Thứ nhắc đến cái tên Tư nhiều quá chăng? Chẳng bao lâu từ San đến Oanh, đến Mô, đến bọn học trò nhà và cả đến học trò trường đều yên trí rằng Tư là nhân tình của Thứ. Oanh cho biết rằng gặp Tư trên xe điện, y đã cố tìm cách nói cho Tư hiểu y với Thứ là chỗ người nhà, để cho Tư khỏi ngờ vực. Một thằng học trò, chẳng biết vì trông lầm hay tinh nghịch, quả quyết với anh em rằng nó đã trông thấy Thứ đi với cô áo tím vẫn đứng đợi xe ở trước cửa trường. Thế là việc Thứ tằng tịu với Tư đã là việc hiển nhiên! Có ai hỏi Thứ thì Thứ chỉ vừa chối vừa cười, cốt ý để cho người ta tin rằng có. Nhưng sự thật thì chua chát biết bao! Thứ chưa hề dám nói một câu nào với Tư. Nói thế nào? Chưa bao giờ y dám đến gần Tư. Y chỉ nhìn Tư xa xa và lặng lẽ mà thôi. Nhìn để mà buồn, để chua chát nghĩ rằng những người đàn bà đẹp cũng như những miếng ăn ngon, những bộ cánh sang, những căn nhà rộng rãi thoáng đãng đã chẳng bao giờ đến tay y. Y xấu, y nghèo, y ngờ nghệch, vụng về. Y chỉ là một anh giáo khổ trường tư, lương kém lương những anh bồi khách sạn to. Ông bà y là những người nhà quê ngu hèn, bất cứ ai cũng có thể cưỡi lên đầu, phải khúm núm với cả từ thằng lính lệ trở đi. Cha y là một người buôn bán nhỏ ở một chợ tỉnh lỵ tồi tàn, vào tòa sứ nộp môn bài cũng thấy run. Nhờ sự học thức, y đã nhích lên được một chút bên trên giai cấp của y. Nhưng hơn ngàn kiếp nô lệ vẫn còn đè lên trái tim y. Y không thể cất đầu y được. Y đã cố bảo y rằng: y cũng có học, cũng thông minh không kém gì những ông ký, ông phán, những thanh niên nhà giàu vào trạc tuổi y. Hơn thế nữa, y lại biết trọng nhân cách và có những ước vọng cao, nghĩa là y chẳng có một cái gì đáng để cho người ta khinh, y đã cố bảo y rằng có quyền nhìn thẳng vào mặt người ta mà chẳng thẹn thùng, y vẫn thấy nhút nhát và sợ sệt. Y ngấm ngầm đau khổ vì mình quá hạ mình như vậy. Y nhát gái lạ lùng! Y theo họ cách hàng chục thước tây. Theo để nhìn trộm cái lưng, cái gáy, cái đầu của người ta. Chỉ thế thôi. Nếu người ta quay lại nhìn y thì y vội nhìn ra chỗ khác, làm bộ mặt nghiêm trang. Luôn qua nhà một cô gái đến ba lần y đã thấy ngượng rồi. Chưa bao giờ dám bước chân vào một cửa hàng để vờ mua một thứ gì. Chưa bao giờ y dám đưa một lá thư. Chưa bao giờ y dám tán ai. Y lấy làm sao những bọn như Mô lại bắt tình với nhau một cách nhạy và chóng vánh như thế ấy. Thật dễ dàng hết sức.

Một buổi chiều, Mô quẩy đôi thùng đi ra máy nước. Thứ vừa ăn cơm xong, mồm ngậm một cái tăm, ra đứng tếu ở vệ đường. Mô đã trông thấy Hà ở ngoài máy nước một vài lần. Nó nhăn nhở, hất hàm:

– À! Người chị em!… Không đi à?…

Hà ngấm nguẩy, lườm Mô. Nhưng rồi tự nhiên Hà lại toét môi cười. Mô đắc chí, cười khanh khách. Hà cũng bật cười to và đỏ mặt:

– Rõ thối nhà anh lắm!

– Sao mà thối? Chỗ bạn máy nước với nhau, tôi hỏi thế đã sao chưa?

– Ai khiến hỏi: Y!

– Thì thôi! Hì… hì… hì!

Mô đi. Hà lướt nhìn theo. Mô nghĩ bụng: “Nước đây!”. Nó vừa đi vừa cười tủm tỉm. Lấy mãi mới được một gánh nước, rồi nó chạy về. Cô ả không còn đứng ở vệ đường. Nhưng nhìn vào trong ngõ, Mô thấy cô ả lấm lét nhìn ra, nó lại toét môi cười: “Nước đây!”.

Chiều hôm sau, lúc đi gánh nước, Mô lại gặp cô ả ẵm một đứa bé ra đứng ở bờ đường. Nó lại chào. Cô ả lại cười. Luôn mấy chiều như vậy. Tự nhiên thành lệ, cứ giờ ấy là Mô phải ra đi. Hôm nào không đi được tất nóng lòng sốt ruột, không đánh vỡ cái nọ thì đánh vỡ cái kia. Mà không đi gặp Hà thì chán ngơ chán ngắt. Trời đột nhiên như u ám lại.

Một hôm, Mô vừa lấy xong hai thùng nước của nó, tự nhiên có tiếng gọi léo nhéo ở ngoài.

– Anh Mô ơi, hộ tôi một thùng với, anh Mô!

Những tiếng phản đối nhao nhao:

– Hộ cái gì! Chúng tôi còn đang đứng chờ đây!…

Mô trố mắt nhìn. Thì ra Hà, Hà đang cố giơ chiếc thùng của nó vào. Bọn đứng ngoài đẩy ra và gắt gỏng:

– Có muốn tôi bẹp mẹ cái thùng của chị không?

– Làm gì thế?

– Làm cái chơi!

Mô vội quát to:

– Nhờ anh em một tí! Nhà tôi đấy!

Nó gạt phăng tay chúng ra, cầm lấy cái thùng của Hà đưa vào. Chúng vốn nể Mô. Chúng chịu nhường cho Hà:

– À, ra thế! Chị Mô đấy hở? Chào chị ạ!

Chúng châu đầu vào tận mặt Hà mà cười cười, nói nói, Hà phụng phịu, bật cười:

– Ô hay! Các anh làm gì thế?

Mô tủm tỉm cười:

– Các anh đừng làm nhà tôi nó thẹn.

Nó rút cái quả nắm bằng đồng. Nước rít lên ở bên trong máy rồi bật chảy ồ ồ, sủi bọt. Mô kêu lên:

– Đây rồi! Xách ra!…

Hà đặt nốt chiếc thùng nữa. Tiện tay!

Một anh con trai đứng gần Hà, sỗ sàng:

– Tiện tay!… Anh Mô ạ, tiện tay anh hộ cô ấy luôn cái nữa!

Bọn con trai cười rú lên. Hà đỏ mặt nhưng vẫn tủm tỉm cười. Bọn con gái, nhất là mấy chị vú đã hơi đứng tuổi, thì lườm nguýt, hầm hầm, càu nhàu. Hà nhấc đòn gánh lên vai, ve vẩy đi trước. Mô cũng vội nhắc đòn gánh lên vai, ve vẩy theo sau. Những cuộc hẹn hò đã bắt đầu. Chúng gặp nhau trên đường Quần Ngựa, ngồi thủ thỉ với nhau bên vệ đường, trong bóng tối một cây to. Chỉ mấy lần như thế, chúng đã biết rõ cả tình cảnh của nhau. Chúng tính ngay đến chuyện vợ chồng. Mô thú thật không có tiền để cưới. Thì Hà cũng chẳng cần gì sự ấy. Nó cũng nghèo. Mẹ con vốn phiêu bạt đến chỗ này kiếm ăn. Con đi làm ở sở ương Cây, mỗi tháng sáu đồng. Mẹ đi xe cát, được mỗi ngày vài ba hào chỉ. Ở đây, không còn phải như ở nhà quê. Chẳng còn ai biết ra nguồn gốc chúng ra sao. Chúng không còn sợ mang tiếng với ai. Ai đếm xỉa gì đến chúng? Vậy thì Hà lấy chồng theo cũng được. Các bạn nó đều thế cả. Hạng chúng nó mà cứ đòi lấy chồng cưới xin tử tế thì đến nước phải chết già mất thôi… Hà dắt Mô về nhà. Bà mẹ cũng nghĩ như con. Vả lại bà thấy Mô cũng dễ thương. Nhưng bà cũng cẩn thận đòi Mô phải cho bà về quê nó, xem nhà cửa. Không thế thì ít ra Mô cũng phải mời mẹ nó lên chơi để hai bà nói chuyện với nhau. Hai điều ấy cùng khó cho Mô cả. Đi lại tốn tiền. Vả lại nó không ưa gì mẹ và rất ghét hai anh. Nó không cần họ dự vào việc riêng của chúng nó. Nghĩa là nó không chiều ý bà mẹ Hà. Nhưng nó cũng không trả lời rõ ràng. Nó chỉ thôi đi lại. Cố nhiên là Hà khóc. Hà khóc sưng húp mắt không chịu đi làm, Hà không chịu ăn cơm. Bà mẹ chửi. Nhưng chửi chán, chẳng ăn thua, bà cũng sinh sốt ruột. Bà bảo Hà:

– Thôi được! Mày muốn theo không nó thì tao cho theo không nó. Sau có khổ đừng há miệng ra mà trách. Tối hôm nay, mày lên bảo nó xuống đây, tao bảo.

Hà vùng vằng, dỗi:

– Tôi không bảo được! Mặc kệ người ta!

– Thì mày cũng phải để tao hỏi han nó xem sao chứ? Hôm nọ tao bảo nó đưa tao về nhà quê là có ý xem nhà cửa nó ra sao, nó đã vợ con gì chưa, mẹ nó có bằng lòng cho nó lấy mày không? Thế là tao cẩn thận cho mày chứ ngăn cấm gì mày? Nó chẳng giả lời tao ra măng ra rươi thế nào, mà từ hôm ấy đến hôm nay mất mặt, thì tao biết làm sao được! Cho rằng nó chưa để tao về nhà nó hay mời mẹ nó lên, thì nó cũng phải nói ra đầu, ra đũa chứ! Không có lẽ tao phải đi van nó cho nó lấy mày? Nó bỏ mày là tại nó, chứ tao làm gì nó? Tao rẽ duyên, rẽ kiếp gì mà mày khóc với tao?

Hà nghe ra. Nó chẳng nói gì, nhưng tối hôm ấy lên đi tìm Mô, năn nỉ khuyên nó xuống, Mô chịu xuống. Bà mẹ phân trần các lẽ. Mô cúi đầu nghe, tay mân mê mẩu tăm xỉa rồi, nhặt được ở trên giường. Bà cụ thật chẳng có ý gì làm khó dễ cho Mô. Bà cũng thương Mô. Về phần Mô, Mô cũng muốn làm thế nào kia! Nhưng ông giời bó buộc Mô, Mô nghèo quá, Mô không biết nghĩ làm sao được… Giọng nói của Mô cũng như nét mặt của Mô, rất thật thà. Bà cụ bảo:

– Anh nghèo thì mẹ con tôi cũng hết nói là giàu. Cảnh anh với chúng tôi thì cũng rứa như nhau. Tôi cũng biết, bắt anh cưới thì anh cũng chẳng lấy tiền đâu mà cưới. Nhưng người ta, dầu ai thì cũng vậy, con cũng phải có bố, uống nước nhớ nguồn, thầy con Hà chẳng may chết đi rồi, anh lấy em, người sống đã chẳng được gì, mà người chết cũng lại thành suông hết thì cũng cực. Anh phải liệu cho tôi một vài đồng, để tôi kiếm bát cơm, bát canh, cúng cho thầy con Hà, gọi là cũng nhớ đến cái công thầy nó sinh ra nó. Thế rồi anh cứ đi lại đây cho vui cũng được. Nhà tôi đơn người cũng muốn anh chạy đi, chạy lại cho vui. Nhưng vợ chồng phải bảo ban nhau, cố dè sẻn, cố dành dụm lấy một số tiền, chẳng cưới được, thì cũng phải đưa nhau về nhà quê một chuyến cho bố mẹ, anh em trông thấy, chứ không thể cứ ngấm ngầm mãi được…

Thế nghĩa là bà cụ cũng hết dạ thương Mô rồi vậy. Mô không nên phụ lòng tử tế của người ta. Vả lại Hà khóc lóc nhiều, Mô cũng ái ngại, thường thường Hà giúi cho nó mấy đồng. Nó vay chủ mấy đồng. Bà cụ sửa soạn một mâm cỗ cúng ông cụ, rồi ba mẹ con ăn uống với nhau. Rồi từ đấy, tối tối Mô về nhà vợ ngủ. Chúng đã lấy nhau chính thức.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ