Thép Đã Tôi Thế Đấy - Phần thứ nhất – Chương I

– Những đứa nào đến nhà tao đọc bài trước hôm nghi lễ, đứng dậy!

Người mặc áo dài cố đạo lừ mắt quát học trò. Mặt hắn phị mỡ, cổ đeo cây thập tự to sù.

Cặp mắt ti hí mà dữ nhìn chòng chọc vào sáu đứa trò con, bốn trai và hai gái, vừa đứng nhổm dậy. Mấy đứa trẻ khiếp sợ ngước mắt lấm lét nhìn hắn. Hắn chỉ tay về phía các trò gái, ra lệnh:

– Những con bé kia, cho ngồi xuống.

Mấy trò gái trút hơi thở dài ngồi xuống. Cặp mắt lươn của lão cố Vát-xi-li vẫn nhìn chằm chặp vào mấy đứa trò trai còn đứng đấy:

– Lại gần cha nào, các con ngoan của cha.

Hắn xô ghế, đứng lên, sấn đến chỗ mấy đứa nhỏ đang nép vào nhau.

– Bọn mày đứa nào hút thuốc, hở đồ nhãi?

Cả bốn lí nhí trả lời:

– Thưa cha, chúng con không ai hút thuốc ạ.

Lão cố đỏ mặt tía tai.

– Không hút thuốc à, đồ khốn nạn! Vậy thì đứa nào ném thuốc lá vào bột làm bánh thánh? Không đứa nào hút à? Được, để tao xem. Lật túi ra! Mau lên ! Tao bảo: Lật túi ra!

Ba đứa bắt đầu móc hết đồ lề trong túi bày ra mặt bàn. Lão cố khám từng li từng tí vải lót túi, cố tìm một vết tích thuốc lá còn sót lại. Không thấy gì, lão quay ra hỏi đứa thứ tư, một thằng bé mắt đen mặc áo khoác xám và quần xanh có vá ở đầu gối:

– Còn thằng này, tại sao mày cứ đứng như phỗng thế hả?

Thằng bé, mắt nhìn đầy vẻ căm tức, càu nhàu trả lời: – Thưa cha, quần con không có túi. Và tay nó sờ vào đường chỉ ở nẹp quần.

– À, à mày bảo mày không có túi hả? Mày ngỡ tao không biết đứa nào tinh nghịch làm hỏng bột của tao phải không? Lần này nữa, mày tưởng tao vẫn cứ để cho mày học ở đây đấy chắc? Không, ôn con ơi, việc này tao không để cho mày yên đâu. Hôm nọ, mẹ mày lạy van mãi, tao mới làm phúc không đuổi mày. Nhưng lần này thì hết cách rồi. Cút khỏi lớp!

Và lão tàn nhẫn xách tai đứa bé, tống ra ngoài hiên.

Cả lớp khiếp đảm ngồi im thin thít. Không ai hiểu tại sao thằng Pa-ven con nhà Ca-rơ-sa-ghin lại bị đuổi ra khỏi trường như thế. Chỉ có một mình Xéc-gây con nhà Bơ-ru-giắc, bạn thân của Pa-ven, là đã trông thấy Pa-ven ném dúm thuốc mộc vào bột làm bánh thánh của lão cố, trong bếp nhà lão ta, hôm bọn sáu trò chưa thuộc bài phải đến nhà lão đọc bài đứng đợi lão ta ở đấy.

Pa-ven bị đuổi, ngồi ở bậc cuối thềm lớp học, vẻ mặt suy nghĩ. Về nhà biết nói làm sao bây giờ? Nói thế nào với mẹ được? Mẹ chăm lo cho từng li từng tí mẹ vất vả đầu tắt mặt tối, nấu bếp hầu hạ nhà lão thanh tra sở thuế.

Pa-ven nghẹn ngào trong cổ họng.

“Làm thế nào bây giờ? Chỉ tại lão cố trời đánh kia cả ! Mình không thể nào không tương thuốc lá vào bột của lão ta. Chính Xéc-gây xui mình: “Cứ nhét vào đi cho đáng đời đồ súc vật nhơ bẩn đó”. Thế là mình nhét vào. Xéc-gây thì nó chẳng làm sao đâu, còn mình, chắc chắn là bị đuổi”.

Từ lâu, Pa-ven ghét cay ghét đắng lão cố, mà lão ta thì trù Pa-ven ra mặt. Một hôm vì đánh nhau với thằng Mi-sa Lép-súc, Pa-ven đã bị lão phạt giam ở lớp và không được ăn cơm chiều. Hôm đi phạt, vì không có người trông, sợ nó ngồi một mình trong lớp lại nghịch, lão cố nhét Pa-ven vào lớp học trò lớn, ngồi ở hàng ghế cuối lớp đệ nhị.

Thầy giáo lớp đệ nhị, người bé nhỏ, khô đét, mặc áo vét-tông đen, đang giảng về trái đất và các vì sao trên trời. Pa-ven há miệng ngồi nghe, rất lấy làm lạ. Ra trái đất đã có từ hàng triệu năm nay và các vì sao trên trời hóa ra cũng giống trái đất. Pa-ven thấy kỳ lạ quá, những muốn đứng lên thưa với thầy: “Điều thầy nói thật khác hẳn thánh sử” . Nhưng Pa-ven không dám hỏi, sợ bị phạt.

Pa-ven vốn rất cừ về môn thánh sử, bao giờ cũng được lão cố cho điểm nhất. Cậu thuộc làu làu kinh truyện Sấm truyền cũ và Sấm truyền mới, nhớ hết mọi chuyện trong kinh Sáng-thế-kỷ. Từ hôm nghe thầy giáo giảng ngược hẳn với thánh kinh, Pa-ven không yên dạ một tí nào, định bụng mang chuyện ấy hỏi lại lão cố Vát-xi-li, thì gặp ngay hôm sau học bài về kinh thánh. Lão cố vừa đặt mình xuống ghế là Pa-ven giơ tay liền. Được phép nói, Pa-ven đứng dậy:

– Thưa cha, sao thầy giáo lớp trên nói là trái đất có hàng triệu năm nay mà kinh thánh thì lại dạy Chúa Lời sinh ra trái đất này mới có năm nghìn…

Pa-ven chưa kịp nói hết thì tiếng quát của lão cố đã rít lên ngắt lời:

– Mày nói sao, thằng khốn nạn? Mày học lời Chúa phán truyền như thế đấy phải không?

Và Pa-ven chưa kịp mở miệng thì lão cố đã xông ngay đến, xách hai tai Pa-ven, dập đầu cậu ta vào tường. Một phút sau cậu bé bị đòn đau hết vía và bị vứt ra ngoài hiên.

Về nhà, Pa-ven cũng bị mẹ đánh một trận nên thân.

Hôm sau, mẹ đến trường van nài lão cố, xin được cho Pa-ven lại vào học. Từ hôm ấy, Pa-ven mang lòng căm thù lão cố hết sức. Thù và sợ. Xưa nay cậu không để ai làm nhục mình. Cậu không quên được trận đòn oan ức ấy. Căm giận uất người mà cố nén.

Cậu đã phải chịu nhiều nỗi bực nữa vì lão cố Vát- xi-li: lão thường kiếm cớ rất nhỏ đuổi Pa-ven ra cửa; có khi hàng tuần lễ bắt Pa-ven ngồi ở góc lớp quay mặt vào tường. Lão lại thôi không gọi Pa-ven đọc bài ở lớp. Cho nên, trước ngày nghỉ lễ Phục sinh vừa qua, Pa-ven mới phải nhập bọn với những trò kém đến nhà lão đọc gộp tất cả bài để lấy điểm học kỳ ba tháng. Được dịp, Pa-ven mới nảy ra trò tinh nghịch : ném thuốc lá vào bột làm bánh thánh trong bếp nhà lão ta.

Tuy không ai nhìn thấy, nhưng lão cố vẫn đoán biết ngay đứa nào nghịch rồi.

…Giờ ra chơi, trẻ con ùa ra sân và quây lấy Pa- ven. Pa-ven sa sầm nét mặt, cau mày đứng yên. Xéc- gây ở lại trong lớp: cậu thấy mình cũng có can dự đến chuyện này, song không làm thế nào để cứu bạn được.

Ông đốc Ê-phơ-rê-ma ngó đầu ra cửa sổ. Giọng nói to của ông ta làm Pa-ven giật nảy mình. Ông quát lên:

– Đưa thằng Pa-ven lên đây ngay!

Trống ngực đánh thình thịch, Pa-ven đi lên buồng họp của các thầy giáo.

*

Lão chủ hàng cơm ngoài ga, người đứng tuổi, mặt tái ngắt, mắt lợn luộc, liếc nhìn Pa-ven đứng nép vào bên mẹ.

– Nó lên mấy?

Bà mẹ đáp:

– Cháu mười hai.

– Được, để nó ở lại đây làm. Công nó thì tám rúp một tháng, cộng với ngày nào đi làm thì được cơm nuôi nữa. Cách một ngày làm một ngày, tính mỗi ngày làm hai mươi bốn tiếng liền. Và coi chừng nhất là nó đừng có nảy tính ăn cắp.

Bà mẹ hốt hoảng trả lời:

– Xin ông đừng lo, cháu không có tính tắt mắt đâu ạ. Tôi xin cam đoan với ông như vậy.

– Thôi được. Cho nó vào làm ngay hôm nay.

Nói rồi quay sang phía mụ hầu bàn đứng cạnh, đằng sau quầy rượu, lão ta bảo:

– Mụ Di-na đâu? Dẫn nó vào chỗ rửa bát, nói với con Phơ-rô-xi-a giao cho nó làm thay phần việc của con Gơ-ri-sa.

Mụ bán hàng bỏ con dao đang thái giò sấy xuống, gật đầu ra hiệu cho Pa-ven, rồi bước qua phòng, đi đến cửa ngách vào chỗ rửa bát. Pa-ven đi theo mụ Di-na. Mẹ Pa-ven cũng rảo bước theo con, rỉ tai dặn vội mấy lời:

– Chăm mà làm con nhé! Đừng để mẹ mang tai mang tiếng.

Bà mẹ buồn rầu nhìn theo con, rồi bước ra cửa. Trong buồng rửa bát, công việc tất tả. Trên bàn, đĩa chất đống, dao dĩa ngổn ngang. Những người đàn bà, khăn lau vắt qua vai, lau lau chùi chùi đĩa và dao dĩa.

Một đứa nhỏ tóc rối bờm xờm, không lớn hơn Pa- ven mấy, đang loay hoay đun hai ấm tướng nước.

Gian nhà ngùn ngụt hơi nước từ chậu nước nóng rửa bát đĩa tỏa lên. Thoạt vào, Pa-ven đã không thể nào nhìn rõ được mặt từng người đàn bà đang làm. Cậu ngơ ngác, không biết đứng vào đâu, làm ăn ra sao. Mụ Di-na lại gần một chị rửa bát, kéo vai nói:

– Phơ-rô-xi-a, đây một chú bồi phụ mới vào, thay chân rửa bát của con Gơ-ri-sa. Mày chỉ bảo cho nó làm.

Rồi quay lại phía Pa-ven và chỉ vào người tên gọi là Phơ-rô-xi-a ấy, mụ Di-na nói thêm:

– Con này trông về rửa bát, nó bảo gì mày phải nghe theo.

Dứt lời, mụ Di-na quay gót trở ra ngoài quầy hàng.

– Vâng.

Pa-ven khẽ đáp lại và đưa mắt hỏi Phơ-rô-xi-a. Phơ-rô-xi-a lấy khàn lau mồ hôi trán, nhìn Pa-ven từ đầu đến chân như để tính xem cậu bé làm được gì rồi vừa xắn lại một bên tay ảo đã tuột xuống dưới khuỷu tay, vừa nói với Pa-ven, giọng thanh thanh, dễ nghe:

– Việc của em chẳng có gì khó cả. Em nom thùng nước này, em đun nhỏ lửa, trông sao cho lúc nào thùng nước cũng đầy nước sôi. Em chẻ củi nữa, rồi đến nom thêm cả hai ấm nước chè cũng là việc của em. Sau này khi nào cần thì lau thêm dao dĩa và đi đổ rác. Cũng khối việc, đủ làm bở hơi tai đấy, em ạ.

Phơ-rô-xi-a nói giọng vùng Cô-stơ-rôm hay kéo dài vần a; giọng nói, sắc mặt đỏ hây hây và cái mũi cao nhọn của cô làm Pa-ven cũng thấy vui vui. “Cô này ngó bộ cũng không dữ đâu”; – Pa-ven nghĩ bụng thế, rồi mạnh dạn mở miệng hỏi:

– Cô bảo cháu bây giờ phải làm gì trước?

Cả bếp phì cười. Tiếng cười phá lên làm át cả những lời cuối câu của Pa-ven.

– Ha ha ha!… Phơ-rô-xi-a mới vớ được cháu gọi bằng cô.

– Ha ha!

Chính Phơ-rô-xi-a cười to hơn mọi người. Thì ra hơi nước bốc mù lên làm Pa-ven không trông rõ mặt cô ta. Phơ-rô-xi-a mới xấp xỉ mười tám tuổi thôi.

Ngượng quá, Pa-ven quay hỏi thằng bé cùng làm.

– Bây giờ mình phải làm gì trước, hở cậu?

Nó đã không trả lời, lại trêu Pa-ven thêm:

– Hỏi cô mày ấy, tao biết đâu đấy. Tao có ở đây đâu – Nói rồi, nó chạy ra cửa, vào trong bếp mất.

Một bà rửa bát đã có tuổi lên tiếng:

– Mày lại đây giúp tao một tay lau dĩa. Các người lạ thật, thằng bé nó nói, có gì mà cười. Đây này, giữ lấy.

Bà vừa nói vừa đưa cho Pa-ven chiếc khăn lau.

– Lấy răng cắn một đầu khăn, lấy tay kéo đầu kia ra cho thẳng. Tay này cầm dĩa, cọ đi cọ lại. Cốt nhất đừng để giắt bẩn ở kẽ dĩa. Để giắt bẩn thì khốn đấy, không phải chuyện chơi đâu. Các ông khách ăn họ nhìn kỹ lắm, họ mà thấy dĩa bẩn thì vạ vào thân đấy, con ạ! Bà chủ sẽ cho mày ra khỏi cửa ngay lập tức.

Pa-ven ngạc nhiên:

– Sao lại có bà chủ nữa à? Ở đây chỉ thấy ông chủ nhận cháu vào làm thôi cơ mà.

Bà già rửa bát phì cười:

– Ông chủ ở đây chỉ là một thứ bù nhìn thôi, con ạ. Bà ta mới là chủ đứng đầu trông coi ở đây. Hôm nay bà ta không đến. Mày cứ làm rồi sẽ thấy.

Cửa mở, ba người bồi bàn đi vào, mỗi người bê một chồng đĩa bẩn. Một lão, mặt bạnh vuông, mắt lé, vai rộng, nói bô bô:

– Trong bếp nhanh tay lên chứ! Chuyến tàu trưa sắp đến rồi, mà sao trong này làm rù rờ thế.

Nhìn thấy chú bé Pa-ven, hắn hỏi:

– Đứa nào thế này?

– Em nó mới vào làm. – Phơ-rô-xi-a trả lời.

– À ! Mới vào này – Lão bồi bàn đập bàn tay nặng trịch của hắn lên vai Pa-ven, ẩy cậu về phía mấy lò đun nước, lên giọng: – Nước lúc nào cũng phải có sẵn. Thế mà mày thử trông xem, một lò tắt ngấm, lò kia thì lửa cũng sắp lụi. Hôm nay ông hãy tha cho mày. Mai còn như thế, ông tống vào miệng. Hiểu chưa?

Không nói nửa lời, Pa-ven quay lại lò đun nước. Thế là bắt đầu cuộc đời đi làm. Chưa bao giờ Pa- ven chăm việc như ngày đầu tiên đi làm này. Pa-ven đã hiểu: đây không còn như ở nhà nữa. Ở nhà, mẹ bảo còn có thể không nghe. Chứ ở đây, lão mắt lé nó đã nói trắng ra rồi: không nghe thì nó vả cho vào mặt thật.

Nồi nấu nước chè to phình như cái vại, đổ bồn thùng nước mới gọi là đầy. Không có quạt lò, Pa-ven tháo chiếc giày ống quặp vào ống thông hơi, thổi lửa. Tia lửa từ các lò bay ra tung tóe. Cả ngày cứ quanh quẩn với những xách nước đổ vào nồi, đổ nước rửa bát, trông lò rồi lại tãi mấy khăn ướt lau bát ra hơ trên ấm nước nóng hỏng, làm mọi việc người ta sai. Đêm đã khuya lắm Pa-ven mới lần xuống bếp, người mỏi nhừ.

Bà rửa bát A-ni-xi-a nhìn ra cửa, vừa khuất bóng Pa-ven, chép miệng nói:

– Thằng bé mới lạ chứ! Làm quần quật suốt ngày, tất ta tất tưởi như bị ma vật. Còn bé thế mà đã phải đi làm chắc cũng phải vì thế nào đây.

Phơ-rô-xi-a ngắt lời:

– Thằng bé khá đáo để, làm ăn chẳng phải kèm gì cả.

Mụ Lu-sa bẻ lại:

– Cứ để yên rồi xem, chẳng chán ngay đấy. Đứa nào cũng thế, mới làm bao giờ chẳng chăm…

Đến bảy giờ sáng, Pa-ven mới hết tội khổ sai, người rã rời sau một đêm mất ngủ và chạy đi chạy lại luôn chân. Thằng bé đến đổi ca, dáng người dong dỏng, má bánh đúc, hai con mắt xấc, nhìn thao láo.

Ngó xem đâu vào đấy cả rồi và thấy hai nồi nước vẫn đang nóng sôi, nó thọc tay vào túi quần, chét một bãi nước bọt tướng, nhổ toẹt một cái, rồi trợn lòng trắng mắt lên nhìn Pa-ven, nói giọng trịch thượng:

– Ê thằng nhóc! Sáng mai, sáu giờ đến thay tao.

Pa-ven ngạc nhiên hỏi lại:

– Sao lại sáu? Bảy giờ người ta mới đổi ca cơ mà?

– Người ta khác, mày khác. Tao bảo mày đến sáu giờ thì mày cứ đến sáu giờ. Nếu mày cãi lại tao thì tao đập vỡ mặt mày ra. Liệu hồn, nhóc bọ, mới vào mà đã đòi lên mặt.

Những chị rửa bát đã tan tầm, chăm chú nhìn hai đứa bé cãi nhau. Giọng xấc xược, thái độ ngang ngược của thằng bé kia làm Pa-ven tức đến tận cổ. Cậu tiến lại gần nó, chực giã ngay, song lại ghìm được, sợ ngày đầu đi làm đã lôi thôi thì có khi bị đuổi. Pa-ven sa sầm nét mặt, nén giận nói:

– Này, từ từ chứ, đừng chọc vào tao mà bỏng tay đấy, con ạ! Mai đúng bảy giờ tao mới đến. Còn muốn chơi nhau, tao chẳng lép vế đâu. Muốn thử thì tao chẳng kiêng đâu nhớ.

Thằng kia không ngờ Pa-ven cứng thế, nên chịu lép. Nó sửng sốt nhìn Pa-ven lúc ấy đã nổi gân mặt, rồi lùi lại phía cái chậu, lẩm bẩm:

– Được, rồi xem ai biết tay ai.

Ngày đầu tiên đi làm thế là không xảy ra chuyện gì, Pa-ven yên trí ra về, lòng khoan khoái như một người đã làm đầy đủ bổn phận, có quyền được nghỉ. Bây giờ đi làm rồi, không ai còn dám bảo mình là ăn không ngồi rồi nữa.

Mặt trời ban mai uể oải ló ra khỏi tòa nhà máy cưa. Căn nhà Pa-ven lụp xụp hiện dần ra trong sương sớm. Nhà đây rồi, ngay sau biệt thự nhà của Lê- sinh-ski.

Miệng huýt sáo, chân bước rào, Pa-ven nghĩ thầm: “Mẹ chắc đã dậy rồi và mình thì đi làm về. Thôi thì bị đuổi học thế cũng chẳng khổ lắm. Có được nó cho vào học lại thì cũng đến bị lão cố trời đánh làm mình điêu đứng không sống yên được. Giờ thì ông cóc cần !”

Đang nghĩ lan man thì đến nhà. Pa-ven mở cửa, rồi sực nhớ: “Còn thằng bé tóc hoe kia, mày sẽ biết tay ông, ông nhất định sẽ cho mày vỡ quai hàm”.

Mẹ đang loay hoay đun nước ở sân. Thấy bóng con, bà hỏi một cách lo âu:

– Sao, công việc thế nào con, có khá không?

– Khá lắm, mẹ ạ.

Thấy mẹ như có chuyện gì muốn báo cho mình biết, Pa-ven hiểu ngay: ngó vào cửa sổ mở rộng, cậu đã nhìn thấy cái lưng rộng của A-rơ-chom.

Bối rối, Pa-ven hỏi mẹ:

– Anh A-rơ-chom đã về đấy, hở mẹ?

– Ừ, về tối qua và ở hẳn nhà. Anh con sẽ về làm ở sở đầu máy xe lửa.

Pa-ven mở cửa, không còn đủ tự tin nữa.

Thân hình to lớn ngồi bên bàn, lưng quay về phía Pa-ven, bỗng ngoảnh lại, cặp mắt nghiêm khắc của anh, dưới đôi lông mày đen rậm, nhìn Pa-ven chằm chằm.

– À, tay nghịch thuốc lá đã về đấy à! Chào cậu!

Nói chuyện với anh xem chừng chẳng êm ái chút nào đâu.

Pa-ven nghĩ thầm: “Anh biết tất cả rồi, ông ấy bực lên thể nào cũng tế cho một mẻ. Có khi còn nện cho nữa”.

Pa-ven vẫn hơi sợ anh.

Nhưng A-rơ-chom không có vẻ gì muốn đánh em cả. Ngồi trên ghế đẩu, tay tỳ lên bàn, anh chỉ nhìn em không rời mắt. Cái nhìn không ra vẻ nhạo mà cũng không ra vẻ ghét, Pa-ven không biết đằng nào mà đoán.

Tiếng anh phá không khí yên lặng nặng nề:

– Hình như mày đã học xong cả rồi thì phải, mọi thứ khoa học đều tinh thông, nên bây giờ mày bắt đầu chuyển về khoa rửa bát.

Pa-ven nhìn chằm chặp vào kẽ sàn gỗ, mắt như dán vào mũ một chiếc đinh đâm trồi lên. Nhưng A- rơ-chom đã đứng lên đi vào bếp.

“Lần này thì thoát nạn rồi”, – Pa-ven thở dài nhẹ nhõm.

Đến tối, ba mẹ con ngồi uống nước. Anh A-rơ-chom mới từ tốn hỏi lại câu chuyện xảy ra ở lớp học. Pa- ven kể lại tất cả.

Giọng mẹ buồn rầu:

– Mày còn ít tuổi đã ngỗ ngược thế thì lớn lên làm gì được, hở con? – Rồi mẹ than phiền: – Biết làm sao với nó được? Cả nhà nó chẳng giống tính ai. Trời ơi, con tội, con nợ, nó làm khổ tôi bao nhiêu lần rồi.

Anh A-rơ-chom đẩy cái chén không ra, nói với Pa-ven:

– Nghe anh nói đây, cơ sự đã như thế ta không nhắc đến nữa. Nhưng từ nay em phải thận trọng, nghĩ đến làm ăn, đừng có tơ tưởng đến trò nghịch ngợm. Chịu khó mà làm. Nếu còn lung tung bị đuổi nữa thì tao sẽ sửa cho một trận hết đường chui. Hãy nhớ lấy. Mày làm tội mẹ thế đã đủ rồi. Quỷ quái! Đến đâu là gây sự đến đấy, ở chỗ nào cũng làm mang tai mang tiếng. Bây giờ thì phải thôi hẳn. Nếu làm ăn được, sang năm sẽ xin cho vào học nghề trong sở đầu máy, không có cứ ở trong bếp hàng cơm mãi với đống bát đĩa nhếch thì chẳng đời nào ra hồn con người được. Phải học lấy một nghề. Bây giờ thì còn bé quá, chưa đủ tuổi, một năm nữa sẽ xin cho mày vào, chắc người ta sẽ nhận. Còn tao đã được đổi về đây làm rồi. Mẹ sẽ thôi không đi làm nữa. Không để cho mẹ cứ phải cúi lưng trước những quân khốn nạn ấy mãi. Còn mày phải mở mắt ra, mày phải thành người mới được.

Anh nói xong, đứng dậy, với chiếc áo vắt ở lưng ghế khoác lên người và nói với mẹ:

– Con đi có việc độ một tiếng sẽ về.

Thân hình cao lớn, anh đi qua cửa phải cúi đầu xuống. Ra đến sân, anh nói vọng vào:

– Tao có mang về cho mày con dao và đôi giày. Nói mẹ đưa cho.

Hàng cơm nhà ga dọn hàng suốt ngày đêm, không lúc nào nghỉ.

Ga này có đường xe lửa đi sáu ngả. Nhà ga lúc nào cũng chật ních người, chỉ yên tĩnh độ hai, ba tiếng ban đêm, giữa hai chuyến tàu. Hàng trăm chuyến tàu quân sự tránh nhau ở đây, từ mặt trận về, hoặc đi ra mặt trận. Từ ngoài ấy, tàu chở về những con người tàn phế, thương tật đầy mình. Ra mặt trận, thì nó lại đưa đi lớp lớp thịt tươi mặc binh phục xám, những người lính không tên không tuổi.

Pa-ven làm ở hàng cơm này đã hai năm ròng. Xó bếp và chỗ rửa bát, đó là tất cả những gì Pa-ven đã thấy trong hai năm trời nay. Trong hầm rộng này, hơn hai chục người làm lụng bận tíu tít cả ngày. Mươi người bồi bàn chạy đi chạy lại từ ngoài hàng vào bếp.

Lương Pa-ven bây giờ không phải là tám rúp nữa, mà lên mười rúp rồi. Hai năm đi làm, người lớn lên, chắc ra, và nếm mùi đủ thứ công việc. Làm chân phụ bếp, người bị khói hun nửa năm trời, rồi lại bị tống ra làm chân rửa bát. Lão bếp chủ đuổi Pa-ven ra. Lão ta rất có quyền thế, chẳng ưa gì thằng bé cứng đầu cứng cổ mà lão cho là nó có thể lấy dao ghè vào răng lão, nếu lão động đến người nó. Pa-ven chỉ được cái dai sức làm quần quật, chứ không cũng bị tống ra cửa từ lâu rồi. Pa-ven làm không biết mệt, về mặt làm ăn chịu khó thì không ai bì kịp được.

Đến giờ khách ăn đông thì Pa-ven làm hăng ra trò. Hàng chồng khay bát đĩa trên tay, cứ ba chân bốn cẳng nhảy hàng bốn, năm bậc thang một, từ dưới chỗ rửa bát lên bếp, rồi lại từ bếp xuống chỗ rửa bát.

Đêm đến, khách ăn vãn, bọn bồi bàn tụ tập nhau ở dưới nhà, vào gian buồng xép cạnh bếp. Chúng thò cỗ bài ra, chơi canh bạc lớn, sát phạt nhau chí tử. Nhiều lần Pa-ven trông thấy chúng xỉa ra hàng đống giấy bạc. Pa-ven trông thấy chúng có nhiều tiền như thế chẳng lấy làm lạ. Pa-ven biết mỗi tên bồi bàn ấy vớ được mỗi ngày ba bốn chục bạc “tiền diêm thuốc” khách cho, người dăm hào, kẻ một đồng. Có tiền là chúng rượu, chè, cờ bạc. Pa-ven thấy rất ghét bọn chúng. Cậu nghĩ: “Quân khốn nạn! Anh A-rơ-chom mình, thợ nguội hạng nhất, mà cũng chỉ có bốn mươi tám rúp một tháng; mình thì mười rúp. Đồ chó chỉ có việc bày bàn mà vớ bở thế! Sẵn tiền lại nốc rượu hay nướng vào bài bạc”.

Pa-ven xem bọn bồi bàn cũng như bọn chủ hàng, là lũ người xa lạ đáng ghét. “Bọn chó má ấy ở đây thì làm đầy tớ, cúi luồn thiên hạ, nhưng vợ con chúng nó ra phố thì phè phỡn như bọn nhà giàu?”. Đôi khi chúng dắt vợ con đến, con chúng nó diện đồng phục học trò trung học, vợ chúng nó béo phị mỡ. Pa-ven nghĩ thầm: “Mấy thằng sắp bàn cho người ta ăn, có khi còn nhiều tiền hơn khách hàng chúng hầu đấy!”. Pa-ven cũng chẳng lạ gì nữa, cả những chuyện thường xảy ra ban đêm trong các xó bếp, và các buồng xép hàng cơm. Không người đàn bà rửa bát, hay đơm món ăn nào còn làm lâu được, nếu dám từ chối không chịu bán thân lấy vài đồng rúp cho bất cứ kẻ nào có quyền thế ở đây.

Pa-ven đã nhìn sâu vào cặn đáy cuộc đời. Cậu thấy như mình nhìn vào một cái hố bẩn, mùi bùn đen cặn bã bốc lên trong khi cậu đang tuổi khao khát những chuyện mới lạ, những chuyện chưa từng biết đến. A- rơ-chom không làm thế nào xin cho Pa-ven vào học việc trong sở đầu máy xe lửa được. Người ta không lấy trẻ dưới mười lăm tuổi. Pa-ven thì chờ mong ngày thoát khỏi hàng cơm. Tòa nhà đồ sộ của sở đầu máy bằng đá ám khói thật có sức hấp dẫn đối với Pa-ven.

Pa-ven thường theo anh đi kiểm tra các toa tàu.

Cậu cố tìm ra việc làm giúp anh. Từ khi Phơ-rô-xi-a bị đuổi đi, cuộc đời càng buồn tẻ. Vắng mặt người con gái lúc nào cũng vui cũng cười, Pa-ven càng cảm thấy sâu sắc thêm tình thân giữa cậu và Phơ-rô-xi-a khăng khít biết nhường nào. Mỗi sáng, vào buồng rửa bát, không thấy Phơ-rô-xi- a, mà chỉ nghe toàn những lời la, tiếng chửi của những mụ tản cư mới vào làm, Pa-ven cảm thấy sao mà trống trải, cô đơn quá.

Vào giờ vãn việc lúc đêm khuya, Pa-ven xếp nốt củi vào lò và ngồi xổm trước cửa bếp, chớp mắt nhìn ngọn lửa, hơi ấm dễ chịu. Trong buồng rửa bát chẳng còn ai. Bất giác Pa-ven lại nghĩ đến chuyện Phơ-rô- xi-a. Cái cảnh trông thấy hôm trước, hôm nay nhớ lại rõ mồn một.

Hôm ấy cũng vào giờ này. Đêm khuya, Pa-ven lần cầu thang xuống bếp. Đến chỗ ngoặt, Pa-ven tò mò leo lên đống củi để ngó vào buồng xép xem bọn đánh bạc. Canh bạc đang gay go. Dê-li-va-nốp ngồi cầm cái, đang cay cú, mặt đỏ nhừ.

Có tiếng chân người ở cầu thang. Pa-ven quay lại: lão bồi bàn mắt lé Pơ-rô-khô-sơ-ca từ trên đi xuống. Pa ven vội vàng chui xuống gầm cầu thang chờ cho lão đi khuất vào bếp.

Pơ-rô-khô-sơ-ca đã đi khỏi chỗ ngoặt, Pa-ven nhìn thấy rõ cái lưng rộng và cái đầu to của hắn. Trên cầu thang còn có tiếng chân nhẹ của ai chạy gấp: tiếng ai quen quen:

– Bác Pơ-rô-khô-sơ-ca, cho tôi hỏi tí!

Pơ-rô-khô-sơ-ca dừng chân, quay lại, ngước mắt lên, miệng càu nhàu:

– Hỏi gì?

Tiếng chân trên cầu thang bước xuống nữa, Pa- ven nhận ra Phơ-rô-xi-a. Phơ-rô-xi-a nắm lấy tay áo lão bồi bàn, giọng thất thanh, hổn hển:

– Bác Pơ-rô-khô-sơ-ca, tiền lão quan hai đưa cho bác đâu cả rồi?

Pơ-rô-khô-sơ-ca giật tay lại, sừng sộ:

– Cái gì? Tiền à? Thế tao không đưa cho mày là gì?

– Nhưng hắn đưa cho bác những ba trăm cơ mà?

Phơ-rô-xi-a, nghẹn ngào, giọng nói run lên bần bật. Pơ-rô-khô-sơ-ca cười gằn:

– Mày nói sao, ba trăm à? Thưa bà, thế bà định xơi cả ba trăm sao? Bà không thấy là đồ rửa bát mà đòi cả ba trăm thì hơi đắt một tí hay sao? Tao cho mày năm chục là phúc rồi. Mày tưởng ngủ với mày khoái lắm đấy. Lắm bà lớn lịch sự hơn mày nhiều, lại có học hẳn hoi cũng chẳng dám đòi bằng ấy. Mày phải cảm ơn tao mới phải, ngủ một đêm với người ta mà lại còn được xơi năm chục nữa. Đừng tưởng tao là thằng ngốc. Thôi, tao thí cho thêm độ hai chục nữa. Chỉ có thế thôi, con ạ ! Nếu mày không là đồ ngốc, thì cứ thế mà làm ăn, tao sẽ che chở cho.

Nói xong, lão bồi bàn quay phắt đi, chuồn vào bếp.

– Đồ ba que, đồ khốn nạn! – Phơ-rô-xi-a chửi vào mặt nó, và gục đầu lên đống củi khóc nức nở.

Tâm hồn Pa-ven bàng hoàng, xáo động không sao tả xiết. Đứng trong bóng tối nghe hết câu chuyện, và thấy Phơ-rô-xi-a khóc nấc, đầu đập vào thanh củi, tay ghì chặt lấy cột thang sắt, Pa-ven không để lộ ra mình đứng ở đó. Một ý nghĩ rất rõ nảy ra trong óc Pa-ven: “Cả Phơ-rô-xi-a nữa cũng bị chúng bắt làm tiền, bọn khốn nạn! Phơ-rô-xi-a ! Phơ-rô-xi-a ơi !”. Từ đấy lòng căm ghét của Pa-ven đối với lão bồi bàn càng lắng sâu xuống mãnh liệt thêm, mà chung quanh càng trở nên ghê tởm, đáng thù ghét: “Mình khỏe thì mình nện chết thằng súc sinh ấy ngay. Tiếc thay mình không to khỏe như anh A-rơ-chom?”.

Tia lửa trong lò bốc lên và tắt đi, lập lòe, cuồn cuộn thành hình xoáy ốc xanh lơ, ngọn lửa rung rung lóe đỏ lên; nhìn lửa, Pa-ven cảm thấy như có ai thè lưỡi ra chế nhạo mình.

Gian nhà yên lặng, chỉ có tiếng củi nổ lép bép và tiếng rỏ giọt đều đều ở vòi nước.

Bếp vắng ngắt, không một ai; bếp chủ và các bếp phụ đã vào buồng móc áo nằm ngủ rồi. Yên tĩnh được ba tiếng đồng hồ. Vào giờ này, chú phụ bếp Cơ-lim- ca thường lên chơi với Pa-ven. Nó treo cái xoong cuối cùng đã đánh bóng nhoáng, rồi chùi tay, nhảy lên với Pa-ven. Đến nơi, nó thấy Pa-ven đang ngồi xổm trước lò để ngỏ. Bóng Cơ-lim-ca lù lù trên tường. Pa- ven nhận ra ngay cái bóng người đầu rối bù này. Cậu không ngoảnh lại, nói với Cơ-lim-ca:

– Ngồi xuống đây, Cơ-lim-ca !

Cơ-lim-ca leo lên đống củi nằm, nhìn Pa-ven đang lặng lẽ ngồi, vừa nói vừa cười:

– Cậu làm phù thủy gọi lửa lên đấy à?

Cơ lim-ca thôi cười ngay, vì thấy đôi mắt sáng to của bạn buồn rầu rời đống lửa quay ra nhìn mình. Trong đôi mắt bạn, lần đầu tiên Cơ-lim-ca thấy chứa đựng một nỗi buồn u uất.

– Pa-ven ơi! Hôm nay trông cậu thế nào ấy…

Lặng một lát, Cơ-lim-ca hỏi tiếp:

– Có chuyện gì thế, hở Pa-ven?

Pa-ven đứng dậy, lại ngồi bên bạn, giọng nói khe khẽ:

– Chẳng có chuyện gì cả. Mình chỉ thấy chán ngấy cuộc đời này lắm, Cơ-lim-ca ạ !

Đôi bàn tay Pa-ven vẫn để thõng trên đầu gối bỗng nắm chặt lại. Cơ-lim-ca chống khuỷu tay nhổm lên hỏi tiếp:

– Hôm nay cậu gặp chuyện gì mà sinh ra chán vậy?

– Nào phải mãi đến nay mới sinh ra chán đâu! Ngay từ hôm mới vào làm là mình đã chán rồi. Cậu thử nghĩ xem. Mình còng lưng làm như lạc đà, mà đứa nào thích miệng, thích tay cũng mắng với vả vào răng mình được.. Bị đánh, bị mắng, chẳng ai bênh mình. Bọn chủ thuê tớ và cậu đến đây làm, thế mà bất cứ đứa nào có thế lực ở đây cũng có quyền đánh chúng mình. Mình chạy ba chân bốn cẳng, làm bở hơi tai rồi, mà không thể nào vừa ý tất cả mọi đứa được. Mình đã cố làm để không ai kêu được, vậy mà vẫn có lúc chậm chân chưa kịp hầu đứa nào, thì bị nó nện cho ngay…

Cơ lim-ca sợ quá, can bạn:

– Nói khẽ chứ mày, khẽ chứ không lỡ có đứa nào vào nghe thấy.

Pa-ven chồm lên:

– Nghe thấy thì đã sao? Đứa nào có nghe thấy tao cũng cóc sợ, đằng nào tao cũng đi khỏi đây cơ mà, thà đi quét tuyết ngoài đường sắt, còn hơn chúi đầu trong xó nhà mồ này ăn ở với quân đểu giả. Thằng nào túi cũng đẫy bạc. Chúng nó coi chúng mình như trâu, như chó. Con gái ở đây thì chúng muốn làm gì cũng được. Nếu gặp người nào tử tế cưỡng lại thì chúng nó tống ngay ra cửa. Mà họ ra cửa thì mày bảo họ biết đi đâu được? Bọn chúng nó tính thâm thật: khi cho đàn bà vào làm, chúng chọn toàn người tản cư, không cửa không nhà, chết đói đến nơi cả. Họ vào làm cốt kiếm lấy mẩu bánh qua ngày, Ở đây, ít ra cũng còn có ăn. Cho nên chúng nó bắt họ làm gì họ cũng phải làm…

Pa-ven nói, giọng đầy phẫn nộ đến nỗi làm Cơ- lim-ca sợ có người nghe hết chuyện, phải nhảy xuống đóng cửa lại. Pa-ven vẫn nói như trút hết nỗi uất ức trong lòng:

– Còn đằng ấy, Cơ-lim-ca ạ, chúng nó nện cậu mà cậu cứ im thin thít. Tớ không hiểu sao cậu lại im được như thế.

Pa-ven mệt quá, ngồi phịch xuống ghế đẩu bên bàn, hai tay ôm lấy đầu, dáng điệu mệt lả. Cơ-lim- ca đùn củi vào lò và cũng ngồi lại gần bàn. Cậu hỏi Pa-ven:

– Đêm nay ta không đọc gì à?

Pa-ven trả lời:

– Không có sách. Hàng sách đóng cửa rồi.

Cơ lim-ca ngạc nhiên:

– Sao? Hôm nay là ngày lễ à?

Pa-ven đáp:

– Cảnh sát đã tóm người bán sách đi rồi. Nghe đâu bọn chúng tìm thấy có cái gì ở nhà ông ta.

– Chúng bắt ông ta rồi à? Vì sao vậy?

– Tớ nghe người ta nói ông ta bị bắt vì chuyện chính trị.

Càng sửng sốt, Cơ-lim-ca nhìn Pa-ven:

– Chính trị nghĩa là gì hở cậu?

Pa-ven nhún vai nói:

– Trời biết được! Nghe người ta nói hình như ai chống Nga hoàng thì gọi là chính trị thì phải.

Cơ-lim-ca giật nảy mình sợ sệt:

– Thế có người dám chống Nga hoàng cơ à?

Pa-ven đáp:

– Mình chẳng biết nữa.

Hai người đang nói chuyện thì cửa mở, mụ Gơ-la- sa, mặt còn ngái ngủ, bước vào buồng rửa bát:

– Lũ nhóc chúng mày sao chưa đi ngủ? Tàu chưa đến, có thể nhắm mắt được một tiếng đấy. Pa-ven, đi ngủ thôi, để tao trông lửa cho.

Chuyện bất ngờ xảy ra, kết thúc quãng đời đi làm ở hàng cơm của Pa-ven sớm hơn cậu ta đã tưởng.

Vào một ngày tháng Giêng giá rét, Pa-ven vừa tan tầm đã định về, nhưng thằng bé làm thay vẫn chưa chịu đến cho. Pa-ven đến trình mụ chủ xin về, nhưng mụ ta không cho về. Mặc dù mệt lử, Pa-ven vẫn phải làm liền hôm nữa thay cho thằng bé kia. Tối đến thì đã kiệt sức. Trong lúc nghỉ đêm, Pa-ven còn phải xách nước đổ đầy mấy nồi và đun sôi cho kịp chuyến tàu ba giờ sáng.

Pa-ven mở vòi, nước tắc không chảy. Rồi quên không khóa máy lại, Pa-ven ngả lưng trên đống củi, và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Mấy phút sau, nước lên ùng ục trong vòi, nước chảy đầy cả mặt thùng chứa nước, tràn ra sàn buồng rửa bát vào lúc này thường rất vắng vẻ không có ai. Nước cứ chảy mãi, lênh láng, ngập sàn, rồi theo kẽ cửa rỉ ra ngoài các phòng khác. Nước như suối chảy ngầm dưới những bọc hàng và va-li của hành khách lúc ấy đang ngủ. Không ai biết, mãi đến lúc nước làm ướt sũng một người khách ngủ dưới đất, người này choàng tỉnh dậy, la lên. Mọi người thức dậy, người nào người ấy nháo nhào chạy bổ đến chỗ hành lý của mình. Nhốn nháo cả lên.

Nước vẫn cứ chảy ập vào.

Pơ-rô-khô-sơ-ca đang dọn bàn ăn bên phòng thứ hai, thấy khách kêu náo động, vội nhảy qua những vũng nước, ba chân bốn cẳng chạy ra, đùng đùng mở toang cửa. Nước từ lâu bị cửa chắn ứ lại được dịp chảy ồ vào phòng như thác lũ.

Tiếng kêu la nổi lên càng dữ dội. Các bồi bàn trực nhật chạy ùa vào buồng rửa bát. Pơ-rô-khô-sơ-ca nhảy bổ tới Pa-ven còn đang ngủ say. Hắn đấm đá như mưa lên đầu thằng bé; Pa-ven tối mày tối mặt, người đau nhừ.

Bị đòn giữa lúc còn đang ngái ngủ. Pa-ven không hiểu đầu đuôi ra sao. Mắt nảy đom đóm, người nhừ đòn đau nhức nhối, cậu thất thểu lê gót về nhà.

Sáng hôm sau, A-rơ-chơm đi làm về thấy em đau, anh sa sầm nét mặt và cau mày, hỏi Pa-ven về câu chuyện đêm qua.

Pa-ven kể lại tất cả, A-rơ-chom hỏi:

– Đứa nào đánh mày?

– Lão Pơ-rô-khô-sơ-ca.

– Thôi được. Nằm yên đấy.

A-rơ-chom lấy áo da khoác lên người, chẳng nói chẳng rằng đi ra khỏi nhà.

*

Một người thợ lạ mặt đến hàng cơm nhà ga hỏi mụ Gơ-la-sa:

– Tôi muốn gặp bác bồi bàn Pơ-rô-khô-sơ-ca.

Mụ trả lời:

– Ông đợi bác ấy một tí, bác ấy sắp về đấy.

Người lạ mặt to lớn đứng dựa lưng ngáng lấy khung cửa:

– Được tôi đứng đợi đây.

Pơ-rô-khô-sơ-ca bê một chồng bát đĩa cao ngất, lấy chân ẩy cửa bước vào buồng rửa bát.

– Kìa, bác ta về kia!

A-rơ-chom tiến đến, bàn tay nặng như chì của anh túm lấy vai lão bồi bàn, nhìn thẳng vào mắt hắn, hỏi:

– Tại sao mày lại đánh thằng Pa-ven em tao?

Lão bồi bàn cố gỡ tay A-rơ-chom ra, nhưng một quả đấm trời giáng đánh hắn ngã lăn xuống sàn nhà.

Hắn lóp ngóp định bò dậy thì một quả đấm nữa, ghê hơn, làm hắn nằm chết gí như đóng đinh xuống sàn. Các mụ rửa bát hốt hoảng, vội lánh xa.

A-rơ-chom quay gót, thản nhiên bước ra cửa, Pơ- rô-khô-sơ-ca mặt đầm đìa máu, đau quá, nằm giãy trên sàn.

Tối hôm ấy, ở nhà chờ mãi không thấy A-rơ-chom đi làm về. Mẹ đi hỏi thăm: thì ra A-rơ-chom bị bắt giam ở bóp rồi.

Sáu ngày sau, A-rơ-chom được tha về nhà. Lúc ấy, mẹ đã ngủ rồi, A-rơ-chom đến bên giường Pa-ven nằm và trìu mến hỏi:

– Em có đỡ không?

Nói rồi, anh ngồi xuống cạnh Pa-ven: “Em đừng buồn, ở đời còn nhiều nỗi cay cực hơn thế nữa cơ, em ạ !”. Im lặng một lát, A-rơ-chom nói thêm: “Không sao cả em sẽ đi làm ở nhà máy điện. Anh đã xin cho em. Em vào đấy làm học lấy một nghề”.

Hai bàn tay Pa-ven siết chặt lấy bàn tay to tướng của anh.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ