Sống mòn - Phần III

Sau khi Đích đi rồi, Thứ sang ở với San. San thuê một căn nhà ở gần trường, mỗi tháng năm đồng. Y mua lại bộ bàn ghế và hai cái giường gỗ tạp, bà chủ bắt của người thuê trước, còn thiếu đâu ba, bốn tháng tiền nhà. Y đem từ nhà quê lên một ít bát đĩa, xanh nồi. Y nghiễm nhiên trở thành một người chủ trọ, thổi cơm tháng cho bốn đứa trẻ người làng lên học ở trường và một cậu học trò trưởng Bưởi. Nhà sáu mạng rồi. Thêm một Thứ nữa là bảy.

Họ ở với nhau như thế được hơn một năm. Nhờ mọi thứ còn rẻ quá, lại đông người gánh góp. Cuộc đời khá yên ổn nếu những đứa trẻ không nhộn quá và San với Quý – cậu học trò trường Bưởi – không hay tranh luận quá. Những đứa trẻ ghét San. Có lẽ vì trông y trẻ quá, người ngắn ngủn, cử chỉ không đúng đắn, y không đủ oai quyền để cai quản chúng. Chúng rất hay chế giễu ngầm y, bướng bỉnh với y. Những lúc Quý đi học vắng, Thứ và San bận rộn với lớp sau, lớp trước ở bên trường, là những lúc mình bốn chúng làm chủ cái nhà. Tha hồ mà làm loạn! Chúng phá phách, tinh nghịch đủ trò. Một cái trò chọc thằng bé con cháu vợ San, có làm cho nó phát khùng, phải chửi lên, rồi vịn vào đấy mà đánh cho cẩn thận, trong khi những đứa khác, trong đó có cả thằng ở, đứng xem, cười và nói khích cho đứa chửi càng già mồm chửi và đứa đánh cứ già tay đánh. Thằng bé bị đáng rất đau, San về cũng không dám nói gì. Kinh nghiệm đã cho nó biết rằng: mách San chỉ bực mình thêm. Bởi vì mỗi lần nó khóc mếu, thưa chú, thì dầu nó phải mười mươi, chú cũng chẳng có cách gì hơn là hậm hực chán rồi mắng cả hai. San, tuy rất ghét, rất giận thằng kia, không muốn tỏ ra mình bênh cháu. Tuy vậy, y có thể vì thế mà mất ăn mất ngủ. Y thường nói bằng cái giọng hằn học nhất của y, bảo Thứ:

– Thằng Lu thật là khốn nạn! Không hiểu sao nó cứ phải bắt nạt thằng bé cháu tôi. Không ngày nào là nó không đánh thằng bé một lần. Tôi đã bảo nó bao nhiêu lần mà nó không nghe. Đối với chúng mình, thì chúng nó là trẻ con cả với nhau, mình có để ý gì. Khổ một nỗi ở đằng nhà vợ tôi có chịu nghĩ như thế cho đâu! Tính trẻ con, ai có lạ gì? Mỗi lần về quê, thằng bé lại khóc khóc, mếu mếu kể lể với mẹ, với bà. Mà tính đàn bà thì cũng lại rứa trẻ con! Thôi thì họ hết đay chì lại trách móc tôi, nhất định cho tôi là hắt hủi, bỏ liều con cháu họ, coi nó không bằng con người khác…

Một lần chúng nó ném nhau. Một hòn đá trúng vào giữa cái đồng hồ bỏ túi của San treo trên tường, làm vỡ kính và hỏng máy. San đem chữa. Nhưng cái đồng hồ đã thành tật mất rồi: cứ thỉnh thoảng, nó lại giở chứng, không chạy nữa. Lại một đồng bạc, đem chữa nữa. San khổ như một đứa trẻ con oặt oèo. Mỗi lần thấy kim đồng hồ đứng lại, y lại giật mình. Dù ngay giữa bữa cơm, y cũng vội vàng buông bát, buông đũa, cầm lấy xem, lên dây, lắc lắc ghé tai nghe. Mặt y tối lại dần. Y mở ra để được biết chắc chắn cái tai nạn của mình hơn. Và khi biết chắc chắn rồi, y thốt ra mấy tiếng run run:

– Lại hỏng rồi!

Đôi mắt nảy lửa của y nhìn lũ trẻ con đang cúi đầu ăn, như muốn đem chúng ra mà giết hết đi. Những thớ thịt trên mặt y co rúm cả vào. Nước mắt ứa ra. Y ấm ức nghẹn ngào, như chực khóc.

Quý thấy thế, thường cười một cách khoan khoái lắm. Y cười rú lên, như cố tình làm cho San phải tức thêm. Hai anh chàng ấy không bao giờ chịu được nhau. Chỉ vì họ giống tính nhau quá quắt. Cả hai cùng ầm ĩ, cùng tự đắc, cùng kiêu ngạo. Họ thi nhau vạch ra những cái dốt của nhau. Thứ nhìn tất cả những trò ấy, thản nhiên và rộng lượng. Y hơn hẳn họ về tuổi, về sức học cũng như về từng trải. Y đặt sự hiếu thắng của mình vào một chỗ xa hơn. Y thấy họ trẻ con. Cậu học trò trưởng Bưởi kia thì đã đành rồi. Nhưng San đã có hai con, y chỉ sinh sau Thứ có hai năm. Thứ hơi buồn cười về một chỗ San có thể đỏ mặt tía tai hay cười rất khoái trá vì một cái tính đố hay một lối ngoắt ngoéo trong một bài ám tả. Thứ hơi thương hại, nghĩ nó học ít, mà cũng chưa được sống…

Và Thứ vui vẻ, hơi ngấm ngầm tự kiêu về mình…

Một hôm, Quý khuân hòm ra xe, đi chỗ khác. Mấy hôm sau, thằng Lu cũng về quê. San nhẹ hẳn người. Y không ngại nói điều ấy ra ngoài miệng. Từ ấy, nhà đỡ nhộn. San có vẻ đứng đắn hẳn lên. Những bữa ăn, y và Thứ nói chuyện với nhau hòa nhã, ôn tồn. Y hỏi Thứ những chỗ học hoặc xem trong sách mà không hiểu. Thứ giảng giải cho y, bàn rộng đến văn chương, các nhà văn, thử cái mộng văn chương xưa cũ của mình, nhắc đến những kỷ niệm Sài Gòn, nói đến dĩ vãng như một người già lão. Y thở dài và bảo:

– Thế nào rồi tôi cũng đi Sài Gòn chuyến nữa. Tôi còn phải đi nhiều. Tôi không thể để tôi mục ra ở cái trường này. Và trong một phút, những mộng xưa lại sôi nổi trong lòng y. Nhưng chừng chỉ sôi nổi lên trong một phút rồi lại chìm ngay. Tiếp theo là sự bình lặng, buồn như một cảnh quạnh hiu. Thứ tê người. Hỡi ôi! Còn gì lại của thời xưa, của cái thời xưa mà mới cách đây độ bốn, năm năm. Y đã sợ sự khó khăn. Y sẽ chẳng bao giờ tự ý rời nổi cái trường này. Cuộc đời ở đây cố nhiên là chẳng đẹp gì, nhưng chắc chắn là y có ăn, có mỗi tháng ít nhiều để giúp ra đình. Đi, là đến những cái chưa thấy đâu, sự bấp bênh, một cuộc đời chưa biết thế nào mà chắc chắn. Y chép miệng:

– Giá chúng mình chưa có vợ con gì cả!…

San cười:

– Tôi bảo anh này! Chúng mình chịu khó ở đây một vài năm. Tôi để học thêm, cố lấy cho được mảnh bằng, hòng có đi cũng dễ xoay hơn. Anh, để cố dành dụm, gây lấy cho vợ anh một cái vốn con con, khả dĩ có thể tự xoay xở, nuôi con. Thế rồi chúng mình đi.

Y bàn như vậy. Thứ thừa hiểu rằng đó chỉ là chuyện bàn suông, bàn để rồi để đấy thôi. Nhưng y cũng dối mình để cố dẹp những bứt rứt của lòng. Y lại vui vẻ nói đến cách sống dễ dãi, và tự do ở Sài Gòn, đến những thằng bạn bạt mạng của y, đến cái mẹo phải dùng để khi đã cậy cục xin xuống làm bồi ở một cái tàu bể rồi, có thể xin thôi việc mà lên ở ngay đất Pháp.

– Lệ làm tàu, anh xuống ở bến nào, thì đến lúc xin thôi việc, người ta sẽ đem anh về trả chỗ bến ấy. Vì thế, nếu không biết mánh khóe, sang đến Pháp rồi, khó lòng mà xin lên đấy được. Đến Mác-xây, tưởng đạt vọng rồi, hăm hở xin lên, thế là bao công trình của anh toi cả: người ta sẽ bắt anh trở lại Sài Gòn rồi mới vất sổ trả anh, mời anh lên đất!…

– Thế thì đến Mác-xây trốn lên chăng?

– Cũng được, nhưng mất sổ. Nghĩa là lúc muốn về không về được. Vả lại cũng có thể bị bắt, bị lôi thôi… Phải thế này: đến Mác-xây, xin đổi tàu. Xin lên ngay ở đây thì không được nhưng xin đổi tàu thì vẫn được, nếu biết tìm một anh nào ở tàu kia muốn chuyển sang tàu mình, thường thường thì phải cho họ một số tiền; để họ bằng lòng đổi: những anh nhà nghề, họ đi tàu nào chả thế? Mình xin đổi sang một cái tàu chạy Mác-xây sang Mỹ chẳng hạn. Thế là đối với cái tàu ấy, mình lên ở Mác-xây. Đến lúc xin lên, người ta sẽ đưa mình về Mác-xây.

Thứ nói như y đã thành thạo về nghề làm tàu bể lắm. San rất phục. Cuộc đời của y nghèo nàn tù túng mãi rồi. Khốn nạn! Đã bao giờ y đi vào Huế, đến Tourane, đến Sài Gòn! Ngay đến Hải Phòng y cũng chưa đến bao giờ. Không có gì để nói, y nói đến ông thầy dạy tối y, đến các bạn cùng học với y. Y nói đến vợ, con. Y nói đến người làng… Và ngày tháng cứ bình lặng trôi đi như vậy, bình lặng và vô sự.

Vô sự lắm. Lũ trẻ, mất đứa cầm đầu bướng bỉnh và ưa khơi chuyện là Lu, trở nên hiền lành. Chúng kính nể San luôn. Chúng ít đùa, ít đánh nhau. Thỉnh thoảng mới có cuộc cãi nhau vặt giữa thằng ở và cháu vợ San. San định yên lòng để nghĩ đến những công việc riêng của mình. Nhưng mà không lâu…

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ