Thứ Hai, ngày 15 tháng Mười
Mấy ngày qua, mỗi lần thức dậy vào buổi sáng, Asakawa lại thầm mong mọi chuyện sẽ chỉ là giấc mơ. Gã gọi điện đến cửa hiệu cho thuê xe gần nhà để báo với họ rằng gã sẽ tới đó đúng vào giờ đã hẹn hôm qua. Vậy là hôm qua gã có đặt xe thật. Nghĩa là hiện thực vẫn liền mạch nối tiếp nhau.
Quả là cần phải có một phương tiện di chuyển nếu muốn đến tận nơi để truy tìm nguồn phát sóng. Rất khó có thể gây ảnh hưởng được tới sóng truyền hình chỉ với những máy vô tuyến thông thường nên đó hẳn phải là một loại thiết bị đã được cải tiến bởi một chuyên gia. Chắc chắn cường độ sóng phải rất mạnh vì hình ảnh không hề bị ngắt quãng.
Nếu có nhiều thông tin hơn, Asakawa hoàn toàn có thể xác định được khu vực chịu ảnh hưởng của sóng và tìm ra được vị trí trạm phát, nhưng căn cứ duy nhất mà gã có chỉ là việc chiếc ti vi trong ngôi biệt thự B-4 ở Villa Log Cabin đã bắt được sóng. Gã chẳng còn phương pháp nào khác là lấy chỗ đó làm tâm điểm rồi vừa kiểm tra địa hình vừa tìm như tìm rận. Gã không dự liệu được sẽ mất bao lâu nên nhét tạm số quần áo đủ thay trong ba ngày vào túi. Ba ngày… chẳng cần mang hơn thế làm gì.
Shizu không hề đả động tới cuốn băng mỗi khi hai người giáp mặt nhau. Tối qua, không nghĩ ngay ra được một câu nói dối khả dĩ, Asakawa đành lấp lửng về “cái chết sau một tuần” rồi dỗ dành Shizu đi ngủ. Shizu, tất nhiên chẳng dám làm cho ra nhẽ, vì hẳn là cô cũng mong muốn một tình huống lấp lửng như thế.
Không tấn công chồng bằng những câu hỏi như mọi lần, Shizu chìm trong một sự im lặng lạ lùng, có vẻ như cô đang suy luận theo cách thức riêng của mình. Chẳng ai biết cô đã tìm thấy lời giải thích nào chưa nhưng dường như, cảm giác bất an vẫn còn đó. Cô tỏ ra quá đỗi mẫn cảm với những tiếng động bên ngoài, tới mức đã mấy lần cô bật người dậy trong khi theo dõi bộ phim truyền hình nhiều tập phát vào buổi sáng.
– Cấm em không được nói đến chuyện này nữa. Ngay cả anh cũng không thể trả lời được tại sao, em hiểu chưa. Nhưng anh sẽ lo liệu.
Asakawa chẳng biết nói thế nào khác để trấn an Shizu. Gã nhất quyết không được tỏ ra mềm yếu trước mặt vợ.
Chuông điện thoại reo đúng vào lúc Asakawa định ra khỏi nhà. Ryuji gọi.
– Tớ vừa có một phát hiện khá lý thú đây. Kiểu gì cũng phải hỏi ý kiến cậu. – Giọng Ryuji có vẻ hơi phấn khích.
– Điện thoại không được à? Mình phải đi thuê xe bây giờ.
– Thuê xe làm gì?
– Thì chính cậu bảo mình đi tìm trạm phát sóng còn gì!
– Nhớ rồi. Nhưng mà thôi, dẹp việc đó lại đã, mau tới đây đi. Chưa biết chừng cậu không phải tìm cột ăng-ten ấy nữa đâu. Vì rất có thể giả định của chúng ta bị chệch hướng.
Asakawa vẫn quyết định thuê xe rồi mới tới chỗ Ryuji để phòng trường hợp nếu cần phải đi Pacific Land Nam Hakone thì gã có thể đi thẳng từ nhà Ryuji.
Sau khi đậu xe lên vỉa hè, Asakawa vội vã gõ cửa phòng Ryuji.
– Vào đi! Không khoá đâu.
Asakawa đẩy mạnh cánh cửa rồi lao sầm sầm qua bếp.
– Cậu tìm thấy gì rồi? – Asakawa dồn dập hỏi.
– Làm gì mà nhóng lên thế.
Ryuji vẫn ngồi xếp bằng, tròn mắt nhìn gã.
– Tìm thấy gì rồi thì nói mau lên!
– Bình tĩnh đã nào.
– Cậu nói xem, mình có thể bình tĩnh được không!
Ryuji im lặng một lát. Thế rồi, y từ tốn nói.
– Có chuyện gì rồi à?
Asakawa ngồi bệt xuống căn phòng mười mét vuông rồi nắm chặt hai đầu gối trong lòng bàn tay.
– Vợ mình… vợ mình và con gái mình xem cuộn băng đó rồi.
– Việc này, gay go đây.
Ryuji không rời mắt khỏi Asakawa và chờ cho gã bình tĩnh trở lại. Thế rồi trong lúc đó, y hắt hơi một cái rõ to, hỉ mũi đánh toẹt rồi vắt nước mũi.
– Thế cậu có muốn cứu vợ và con cậu không?
Asakawa gật đầu như một đứa trẻ.
– Vậy thì càng phải lạnh cái đầu. Tớ sẽ không đưa ra kết luận trước. Sẽ chỉ có các bằng chứng. Việc của cậu là nói cho tớ biết cậu nhận thấy điều gì từ mỗi bằng chứng ấy. Được chưa nào? Vì vậy, cậu chớ nên mất bình tĩnh.
– Mình hiểu. – Asakawa ngoan ngoãn chấp thuận.
Asakawa vừa khóc trước mặt Ryuji. Gã đã trút lên Ryuji toàn bộ những xúc cảm mất tự chủ mà gã không thể bộc lộ trước Shizu.
Asakawa lau mặt xong và quay trở lại thì Ryuji đưa cho gã một tờ giấy chuyên dùng để viết báo cáo. Trên đó chỉ đơn giản là một bảng liệt kê.
1) Giới thiệu – 83 giây [0] – Trừu tượng
2) Màu đỏ chảy ra – 49 giây [0] – Trừu tượng
3) Núi Mihara – 55 giây [11] – Hiện thực
4) Núi Mihara phun trào – 32 giây [6] – Hiện thực
5) Chữ Yama – 56 giây [0] – Trừu tượng
6) Con xúc xắc – 103 giây [0] – Trừu tượng
7) Bà già – 111 giây [0] – Trừu tượng
8) Đứa trẻ sơ sinh – 125 giây [33] – Hiện thực
9) Vô số những khuôn mặt – 117 giây [0] – Trừu tượng
10) Chiếc ti vi cũ – 141 giây [35] – Hiện thực
11) Khuôn mặt người đàn ông – 186 giây [44] – Hiện thực
12) Cảnh kết – 132 giây [0] – Trừu tượng
Nhìn vào đó, gã có thể hiểu được phần nào. Bảng liệt kê chia đoạn phim trong băng thành từng phân cảnh.
– Tối qua bất chợt nghĩ ra nên tớ mới lập thành bảng này. Cậu hiểu ý nghĩa của nó đúng không nào? Đoạn phim được ghép từ mười hai phân cảnh. Tớ đã đánh dấu và đặt tên cho từng cảnh một. Đằng sau tên cảnh là khoảng thời gian diễn ra cảnh đó. Cậu để ý nhé, chữ số tiếp theo trong ngoặc vuông là số lần màn hình bị tối đen.
Nét mặt Asakawa đầy vẻ hồ nghi.
– Tối qua, khi cậu về rồi, tớ đã thử kiểm tra các cảnh khác ngoài cảnh đứa bé xem có bị hiện tượng đen màn hình hay không. Cậu thấy đấy, đây là kết quả: chúng xuất hiện trong những cảnh 3), 4), 8), 10), 11).
– Thế còn trừu tượng và hiện thực là sao?
– Ta có thể chia mười hai phân cảnh này thành hai nhóm lớn. Những cảnh trừu tượng mà ta có thể gọi là những cảnh tưởng tượng vì chúng chỉ tồn tại ở trong đầu, và những cảnh hiện thực mà ta có thể nhìn được bằng mắt thường vì chúng tồn tại thật. Tớ phân loại ra như thế.
Nói đoạn, Ryuji ngừng một lát.
– Thế nào, cậu có nhận xét gì không?
– Phải rồi, nhìn thấy màn hình chỉ bị đen trong những cảnh hiện thực.
– Đúng đấy. Trước tiên, cậu phải ghi nhớ kỹ điểm đó.
– Này Ryuji, cậu dẹp cái trò sốt ruột ấy đi rồi nói ngay cho mình biết nó có ý nghĩa gì được không?
– Cậu đừng vội. Việc đưa ra kết luận trước sẽ làm cho trực giác trở nên trì độn. Bằng trực giác, tớ đã đi đến một kết luận. Nhưng một khi đã khăng khăng tin như vậy thì dù cho mọi hiện tượng có xoay đổi cậu cũng sẽ cố tìm cách biện bạch cho nó. Ngay trong lĩnh vực điều tra tội phạm cũng vậy phải không nào? Nếu ngay từ đầu cậu tin rằng thằng đó khả nghi thì mọi chứng cứ đều là để chứng minh nó khả nghi. Tớ muốn cậu kiểm chứng cái kết luận của tớ. Nghĩa là, tớ muốn biết cậu có cùng linh cảm với tớ từ những sự việc này hay không.
– Hiểu rồi, cậu tiếp tục đi.
– Bây giờ, cậu hãy nhớ lại cái cảm giác lúc xem cuộn băng và kết hợp với một thực tế là màn hình chỉ bị đen ở những phân cảnh hiện thực. Về cảnh đứa bé thì như tớ đã nói hôm qua. Thế còn những cảnh khác thì sao? Ví dụ như cảnh có rất nhiều mặt người này?
Ryuji lấy điều khiển từ xa bật lại cảnh đó.
– Nhìn kỹ những bộ mặt này nhé.
Vài chục khuôn mặt bị gắn chặt vào tường dần dần lui lại phía sau rồi nhân lên hàng trăm, hàng ngàn cái. Nếu nhìn kỹ từng cái sẽ thấy chúng có nét gì đó khác với những bộ mặt người.
– Cảm giác thế nào? – Ryuji hỏi.
– Cứ như bọn chúng đang chửi mình là đồ dối trá, đồ lừa đảo vậy.
– Thực ra tớ cũng có cảm giác giống cậu, à không, có lẽ là gần như cậu.
Asakawa tập trung toàn bộ thần kinh để tìm ra cái kết luận mà thực tế này sẽ dẫn tới. Ryuji đang đợi một câu trả lời rõ ràng của gã.
– Sao? – Ryuji hỏi.
Asakawa lắc đầu.
– Chịu thôi, chẳng nảy ra được điều gì hết.
– Hẳn là cậu sẽ nảy ra cái điều mà tớ đang nghĩ nếu có nhiều thời gian để chiêm nghiệm hơn nữa. Cậu nghe này, cả cậu và tớ đều tưởng tượng những hình ảnh này được ghi lại bởi máy quay phim, nói cách khác là qua ống kính của một cái máy, phải không nào?
– Chẳng lẽ không phải thế?
– Thế cái màn đen che phủ màn hình trong tích tắc này là gì?
Ryuji cho chạy từng khung hình có những đoạn phim bị đen. Liên tục có những đoạn như thế kéo dài từ ba đến bốn khung hình. Độ dài của một khung hình bằng một phần ba mươi giây, vì vậy mỗi đoạn bị đen tương đương với 0,1 giây.
– Tại sao chúng lại chỉ xuất hiện trong những cảnh có thật mà không phải những cảnh tưởng tượng? Cậu nhìn kỹ đi, đâu phải toàn bộ màn hình đều bị đen.
Asakawa ghé sát mặt lại màn hình. Quả thực nó không phải là một màu đen đặc. Có cái gì như những vết lấm tấm màu trắng mờ nhạt trên đó.
– Cái bóng mờ đó chính là dư ảnh. Vì vậy, khi xem những cảnh này, ta có cảm giác sống động như chính mình là người trong cuộc.
Ryuji chớp mắt một cái rất mạnh trước mặt Asakawa… Màn đen? Màn đen? Hả?
– Không lẽ, đó là cái chớp mắt? – Asakawa lẩm bẩm.
– Đúng thế, còn là gì khác được nữa nào? Sẽ rất logic nếu cho rằng như vậy. Con người không những có thể nhìn trực tiếp sự vật bằng mắt mà còn có thể hình dung ra chúng ở trong tâm trí. Khi tưởng tượng, vật thể không đi qua võng mạc nên không xuất hiện những lần chớp mắt. Tuy nhiên, với những cảnh vật nhìn bằng mắt trong thực tế, hình ảnh được tạo thành bởi cường độ mạnh yếu của ánh sáng phản chiếu lên võng mạc. Những lúc như thế, để tránh cho võng mạc khỏi bị khô, chúng ta thường chớp mắt một cách vô thức. Màn đen đó chính là khoảng thời gian mi mắt nhắm lại.
Cảm giác buồn nôn lại ập đến. Lần đầu tiên khi xem xong, Asakawa đã phải lao vào toilet, vậy mà lúc này cơn ớn lạnh còn dữ dội hơn nhiều. Kẻ nào đó đã ám vào người mình! Ý nghĩ ấy xâm chiếm gã. Những hình ảnh này không phải do máy móc, mà do mắt, tai, mũi, miệng và cảm giác trên da, nghĩa là toàn bộ các giác quan của một con người ghi lại. Có một cái bóng đã nhập vào các giác quan của gã. Chính nó gây ra cái ớn lạnh và cơn rùng mình không thể ngăn lại được này. Gã đã xem đoạn băng bằng cùng ánh mắt với một dị thể trong người gã.
Lau mãi, lau mãi mà mồ hôi trên trán gã vẫn chảy ra.
– Cậu biết không, tuy mỗi người mỗi khác song số lần chớp mắt trung bình trong một phút của nam là hai mươi còn của nữ là mười lăm. Vì vậy, rất có thể đây là hình ảnh do một phụ nữ ghi lại.
Asakawa không nghe thấy gì nữa.
– Hơ hơ, cậu sao vậy? Trông cái mặt như chết rồi thế kia. – Ryuji cười. – Này, lạc quan lên chút. Chúng ta tiến thêm được một bước rồi còn gì. Nếu quả là những hình ảnh ấy được ghi lại bởi các giác quan của một nhân vật nào đó, thì hẳn là nội dung câu thần chú phải có mối quan hệ với ý muốn của kẻ ấy. Tóm lại, nhân vật này muốn chúng ta làm một điều gì đó.
Khả năng tư duy của gã hiện thời tê liệt. Tiếng nói của Ryuji tuy có bay tới tai gã nhưng ý nghĩa của nó không thể lọt được vào đầu gã.
– Vậy là trước mắt những việc cần làm đã rõ ràng. Chúng ta sẽ phải tìm cho ra nhân vật này. Và phải tìm hiểu xem sinh thời…, ờ, vì chắc là không còn sống, kẻ đó mong muốn điều gì. Đó là câu thần chú cho sự sống sót của cậu và tớ.
Ryuji nháy mắt cho Asakawa như muốn nói: cậu thấy tớ thế nào?
Chiếc xe Asakawa lái vừa ra khỏi xa lộ Keihin số 3 và lao về phía nam trên con đường nối Yokohama-Yokosuka. Ryuji đang ngả lưng ghế và ngủ ngon lành bên cạnh gã. Đã gần hai giờ chiều, vậy mà Asakawa không hề thấy đói.
Asakawa rụt lại bàn tay đang định đánh thức Ryuji dậy. Đích đến vẫn còn ở phía trước. Ryuji chỉ bảo gã đi Kamakura mà không giải thích gì hơn, gã cũng không biết là cần phải đến chỗ nào. Không rõ phải đi đâu và để làm gì luôn khiến thần kinh của người giữ lái căng thẳng. Trong lúc vội vã nhét hành lý vào túi, Ryuji bảo sẽ giải thích cụ thể khi vào trong xe, vậy mà vừa mới lên xe, y chỉ kịp nói: “Đêm qua tớ không ngủ nên bao giờ đến Kamakura hẵng đánh thức tớ dậy”, rồi lập tức ngủ mất.
Họ rời đường Yokohama-Yokosuka ở Asahina rồi chạy khoảng năm cây số nữa theo phố Kanazawa thì đến trước ga Kamakura. Ryuji đã làm một giấc hơn hai tiếng đồng hồ.
– Này, tới rồi.
Bị Asakawa lay vai, Ryuji vươn người, lấy mu tay dụi mắt rồi lắc lắc cái mặt như một con mèo.
– … Làm mất cả giấc mơ đẹp của tớ.
– Làm gì tiếp đây?
Ryuji nhỏm người dậy, ngó ra ngoài cửa kính để kiểm tra xem mình đang ở đâu.
– Cứ đi theo con đường này, rẽ trái ở cổng chính vào đền thờ Hachiman rồi dừng lại.
Nói đoạn Ryuji cười hề hề: “Tớ phải mơ tiếp đây”, rồi lại định ngả người nằm xuống.
– Này, đến đó chẳng mất tới năm phút, còn có thời gian cho cậu ngủ sao? Mau giải thích cho mình nghe xem nào.
– Cứ tới rồi khắc biết.
Ryuji ghếch đầu gối lên táp-lô và lại chìm vào giấc ngủ.
Asakawa rẽ trái rồi dừng lại. Ngay trước mặt gã là một ngôi nhà tư hai tầng cũ kỹ có đề dòng chữ nhỏ “Kỷ niệm Đường
Miura Tetsuzo”.
– Cậu cho xe vào bãi đậu đằng kia.
Không biết Ryuji đã he hé mở mắt từ lúc nào. Bộ mặt y đầy vẻ mãn nguyện và lỗ mũi đang nở ra như thể đánh hơi thấy một mùi hương nào đó.
– Hề hề, ơn trời, thế nào mà tớ lại mơ tiếp được.
– Cậu mơ thấy gì? – Asakawa vừa bẻ lái vừa hỏi.
– Cậu biết rồi còn gì, tớ mơ thấy tớ đang bay trên trời. Tớ khoái nhất là được mơ thấy mình đang bay. – Ryuji khoái trá khịt mũi rồi liếm mép.
Ngôi nhà với cái tên Kỷ niệm Đường Miura Tetsuzo vắng hoe. Toàn bộ không gian rộng chừng ba mươi ba mét vuông dưới tầng một được trang trí bởi những bức ảnh và thư tịch được lồng trong khung hoặc đặt trong hòm kính, ở bức tường chính giữa là tiểu sử của nhân vật có cái tên Miura Tetsuzo. Đọc qua một lượt, cuối cùng Asakawa cũng biết được nhân vật ấy là người như thế nào.
– Xin lỗi, có ai ở nhà không ạ? – Ryuji gọi với vào trong. Không có tiếng trả lời.
Miura Tetsuzo, sau khi thôi làm giáo sư tại trường đại học Y., đã mất ở tuổi bảy mươi hai cách đây hai năm. Chuyên môn là vật lý lý thuyết nhưng ông ta đặc biệt am hiểu về vật lý chất đặc và cơ học thống kê. Tuy nhiên, toà nhà này không phải được dựng lên để tôn vinh những thành tựu trong lĩnh vực chuyên ngành của ông ta là vật lý, cho dù nó khá nhỏ. Mà là cho sự giải mã những hiện tượng phi thường một cách khoa học. Trong tiểu sử có viết: lý thuyết của ông đã gây nên sự chú ý của thế giới, nhưng tất nhiên, chắc đó chỉ là một phần rất nhỏ. Bằng chứng là từ trước đến nay, Asakawa chưa một lần nghe thấy danh tiếng của ông ta. Vậy thì cái lý thuyết mà ông ta phát hiện là gì? Asakawa đi tìm câu trả lời trên những bức tường và các hòm kính. “… ý nghĩ hàm chứa năng lượng và nguồn năng lượng ấy…” Gã đọc tới đó thì từ bên trong vọng ra tiếng bước chân chạy xuống cầu thang. Một người đàn ông ngoại tứ tuần với hàng ria mép mở cánh cửa trượt ra và xuất hiện. Làm theo Ryuji đang cầm danh thiếp và tiến lại gần người đàn ông, Asakawa cũng rút danh thiếp của mình từ túi áo ngực.
– Chào anh, tôi là Takayama, hiện đang giảng dạy tại đại học K.
Giọng điệu của Ryuji khác hẳn với khi nói chuyện với Asakawa. Gã thấy cái lối giả lả của Ryuji thật ngộ. Asakawa cũng đưa danh thiếp ra. Hết nhìn chiếc này tới chiếc kia, một của giảng viên đại học và một của phóng viên tạp chí, khuôn mặt người đàn ông lộ vẻ hơi khó chịu. Anh ta nhíu mày vì tấm danh thiếp của Asakawa.
– Nếu không phiền, chúng tôi có thể thỉnh giáo anh một vài việc được không ạ.
– Số là hồi giáo sư Miura còn sống, tôi có vinh hạnh được gặp giáo sư một lần.
Không hiểu sao câu nói đó lại khiến nét mặt người đàn ông giãn ra, anh ta đem tới ba chiếc ghế gấp rồi xếp chúng quay mặt vào nhau.
– Vậy à? Các anh ngồi đi.
– Cách đây chừng ba năm, tính ra là đúng một năm trước khi giáo sư qua đời, tôi quyết định đến thỉnh chuyện giáo sư nhân một lần nhà trường đánh tiếng hỏi xem tôi có muốn dạy môn phương pháp luận khoa học hay không…
– Ở ngôi nhà này?
– Vâng, qua sự giới thiệu của giáo sư Takatsuka…
Cuối cùng thì người đàn ông cũng nở một nụ cười khi nghe nhắc đến tên giáo sư Takatsuka, vì điểm chung giữa họ đã rõ ràng.
Hẳn là anh ta đang nghĩ: hai người này cùng phe với mình, chắc không phải những kẻ đến để công kích…
– Tôi tên là Miura Tetsuaki, xin thứ lỗi cho sự khiếm nhã vừa rồi. Cũng xin lỗi vì danh thiếp của tôi vừa mới hết…
– Nói vậy thì anh là…
– Vâng, tôi chính là đứa con kém cỏi của ông.
– Vậy sao, ồ, tôi không hề nghĩ là giáo sư lại có một đứa con giỏi giang như thế…
Asakawa phải cố nén để khỏi phì cười vì cái cách Ryuji gọi một người hơn họ đến mười tuổi là “một đứa con giỏi giang”.
Miura Tetsuaki giới thiệu sơ qua về kỷ niệm đường của cha mình, rằng các học trò của ông đã góp sức biến ngôi nhà mà ông để lại thành một kỷ niệm đường và phân loại các tài liệu thu thập được. Còn về phần mình, anh ta nói với một vẻ pha chút tự trào rằng, anh ta đã không đi theo con đường nghiên cứu mà người bố mong đợi, mà lại bỏ tiền ra xây dựng và kinh doanh một khách sạn nhỏ trên cùng miếng đất với ngôi kỷ niệm đường.
– Tóm lại là tôi đang lợi dụng danh tiếng và mảnh đất ông cụ để lại, vì thế tôi buộc phải tự gọi mình là một đứa con kém cỏi.
Tetsuaki nói vậy rồi cười thẹn thùng. Khách sạn của anh ta thường phục vụ cho những chuyến đi xa của đám học sinh cấp ba. Khách trọ hầu hết là thành viên các câu lạc bộ khoa học như câu lạc bộ vật lý, sinh vật, trong số đó còn có cả những cái tên như Hội Nghiên cứu Siêu tâm lý học. Mà chỗ nghỉ trọ của bọn học trò thì cần một chút danh nghĩa. Vì thế, Kỷ niệm Đường Miura Tetsuzo chính là miếng mồi câu bóng bẩy thu hút những đoàn học sinh cấp ba tới nghỉ.
– Chuyện là thế này anh ạ. – Ryuji sửa lại tư thế ngồi và tìm cách đưa câu chuyện trở về quỹ đạo.
– Ấy chết, tôi xin lỗi vì cứ huyên thuyên những chuyện không đâu… Vậy tôi có thể giúp gì được các anh?
Như thế đủ thấy Tetsuaki chẳng có chút tài năng nào của một nhà khoa học. Nhìn nghiêng, nét mặt lộ đầy vẻ khinh bỉ của Ryuji tuồng như muốn nói: cái thái độ vuốt đuôi kiểu con buôn hợp với thằng cha này lắm.
– Chẳng là chúng tôi đang đi tìm một nhân vật.
– Là ai vậy?
– Chúng tôi chưa biết, chính vì thế nên chúng tôi mới tới đây.
– Ái chà, như vậy nghĩa là…, à, anh cứ nói tiếp đi…
Tetsuaki nhíu mày bối rối như thể giục khéo Ryuji trình bày câu chuyện một cách dễ hiểu hơn.
– Tôi không dám chắc chắn nhân vật này còn sống hay đã chết. Chỉ biết rõ một điều rằng, kẻ đó sở hữu một sức mạnh mà người thường không thể nào có được.
Nói đến đây Ryuji ngừng một hơi và nhìn xoáy vào Tetsuaki. Dường như ngay lập tức Tetsuaki hiểu ra rằng, “sức mạnh mà người thường không thể nào có được” nghĩa là gì.
– Giáo sư Miura là nhà sưu tập hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực này. Trước đây, tôi có nghe giáo sư nói rằng, bằng mạng lưới riêng của mình, giáo sư đã lập danh sách những người có khả năng thần bí trên toàn nước Nhật và vẫn còn cất giữ những tài liệu đó.
Mặt Tetsuaki sầm lại. Anh ta nghĩ bụng: không phải bọn người này đến để nhờ mình tìm cho họ một nhân vật trong đống tài liệu ấy đấy chứ?
– Vâng, tất nhiên là các tập hồ sơ vẫn còn được lưu giữ. Nhưng, phần lớn bọn họ là những kẻ lừa đảo, vả lại khối lượng hồ sơ không phải là nhỏ.
Tetsuaki chợt rùng mình khi hình dung tới việc phải lật giở đám hồ sơ ấy một lần nữa. Mười mấy học trò của ông đã phải mất vài tháng mới phân loại xong. Cũng bởi theo di nguyện của người quá cố, họ đã giữ lại cả những tài liệu không đủ căn cứ thành thử mới lên tới con số khổng lồ như vậy.
– Ồ, chúng tôi đâu dám phiền anh như thế. Nếu anh cho phép, hai chúng tôi sẽ tự mình tìm lấy.
– Chúng nằm trong kho trên tầng hai, trước tiên mời các anh lên xem.
Tetsuaki đứng dậy. Bọn họ chưa biết chúng nhiều thế nào nên dám nói vậy, chứ chỉ cần thấy cái giá sách la liệt những thứ ấy thì không nản mới lạ. Tetsuaki vừa nghĩ như vậy vừa đưa hai người lên tầng hai.
Trần nhà của căn phòng đó khá cao, sát bức tường đối diện với lối lên cầu thang là hai hàng giá sách bảy tầng được kê cạnh nhau. Có bốn mươi tập tài liệu trong mỗi quyển kẹp hồ sơ, mà nhìn qua cũng tính được có đến vài nghìn quyển… Chẳng biết Ryuji ra sao chứ mặt Asakawa thì không còn giọt máu.
… Đốt thời giờ vào đống hồ sơ này thì chỉ còn nước chết mục trong cái nhà kho tối tăm này mà thôi.
Thế rồi, gã kêu thầm trong bụng: “Không còn cách nào khác nữa sao?”
– Xin phép anh cho chúng tôi xem qua một chút. – Ryuji thản nhiên nói.
– Xin mời, các anh cứ tự nhiên…
Mặc dù đã hơi chán nản, Tetsuaki vẫn đứng nán lại quan sát hai người một lúc vì tò mò muốn biết rốt cuộc họ đang định tìm kiếm cái gì, thế nhưng đến nước này thì quả thực anh ta ngán ngẩm quá rồi.
– Tôi xin phép vì còn có chút việc. – Nói vậy rồi anh ta rời chỗ.
Khi chỉ còn hai người, Asakawa hỏi Ryuji.
– Này, cậu giải thích xem chuyện là như thế nào.
Giọng Asakawa hơi ồm ồm vì phải ngẩng cổ lên để nhìn cái giá xếp đầy hồ sơ. Kể từ lúc bước vào kỷ niệm đường, đây là lần đầu tiên gã cất tiếng. Các tập hồ sơ được xếp theo năm, ngày tháng ghi trên những miếng bìa gáy bắt đầu từ năm 1956 và kết thúc vào năm 1988. Năm 1988, chính là năm tiến sỹ Miura qua đời. Cái chết đã khép lại công cuộc sưu tầm suốt ba mươi hai năm trời của ông.
– Không còn thời gian, chúng ta vừa tìm vừa nói chuyện. Tớ sẽ tìm từ năm 1956 trở đi, còn cậu bắt đầu cho tớ từ năm 1960.
Asakawa rút bừa một quyển ra và thử giở mấy tờ. Trang nào cũng có ít nhất một bức ảnh và một mẩu giấy ghi lại vài dòng chú thích đơn giản, địa chỉ và danh tính.
– Cậu bảo mình tìm, nhưng tìm cái gì bây giờ?
– Nhớ chú ý tên và địa chỉ. Nhặt ra những người nào là nữ sống trên đảo Izu Oshima.
– Sao phải là nữ? – Asakawa chau mày khó hiểu.
– Thế theo cậu thì câu nói: “sang năm cháu sẽ sinh con” của bà già ấy là để nói với ai?
Đúng là đàn ông không đẻ được con.
Dẹp mọi chuyện khác sang bên, hai người bắt đầu tìm kiếm. Vừa lặp đi lặp lại một thao tác đơn điệu, Ryuji vừa cắt nghĩa cho câu hỏi của Asakawa rằng tại sao lại có những tập hồ sơ này.
Bước vào những năm năm mươi, với mối quan tâm lớn tới hiện tượng siêu tự nhiên, tiến sỹ Miura bắt đầu tiến hành những thí nghiệm siêu năng lực, tuy nhiên các kết quả thiếu tính ổn định đã khiến một học thuyết khoa học chưa thể ra đời. Ngay cả đối với khả năng thấu thị, sự thiếu ổn định như vậy cũng thường xuyên xảy ra, khi trình diễn trước mắt công chúng, người ta bỗng nhiên không thể thực hiện được cái khả năng mà mới đó còn làm được. Mọi chuyện cho thấy rằng cần phải có một sức tập trung không nhỏ để phát huy những khả năng này. Tuy nhiên, điều mà tiến sỹ Miura đòi hỏi là một nhân vật có thể phát huy những khả năng đó ở mọi lúc và ở mọi nơi. Ông hiểu rằng nếu thất bại trước mặt đám đông, bản thân ông sẽ không tránh khỏi bị gọi là một tên lừa đảo. Vì vậy, tin chắc rằng vẫn còn tiềm ẩn những người có năng lực siêu nhiên trên thế giới, ông đã quyết định đi tìm họ. Vấn đề là cần phải tìm bằng phương pháp nào? Tất nhiên, không thể kiểm chứng khả năng thấu thị, khả năng tiên tri, năng lực viễn khiển bằng cách gặp mặt từng người một. Vậy là ông nảy ra một sáng kiến: ông gửi một tấm phim được niêm phong cẩn mật tới những nhân vật được cho là có khả năng này, yêu cầu họ dùng ý nghĩ của mình để in lên đó một hình vẽ mà ông chỉ định rồi gửi lại cho ông trong trạng thái vẫn dán kín. Với cách ấy, ông có thể kiểm tra được khả năng của ngay cả những người ở cách ông rất xa. Hơn nữa, chụp ảnh bằng ý nghĩ là một khả năng khá cơ bản, người có khả năng này thường đồng thời có khả năng tiên tri hoặc thấu thị. Năm 1956, tiến sỹ Miura bắt đầu chiêu mộ rộng rãi những người có khả năng đặc biệt từ khắp nước với sự giúp sức của các học trò đang làm việc tại các nhà xuất bản và toà soạn báo. Khi nghe thấy tin đồn về những người có khả năng này thông qua mạng lưới của mình, các học trò sẽ báo cáo lại cho ông. Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng phương pháp ấy cho thấy số người có khả năng thực sự chỉ chiếm chưa quá một phần mười, còn lại phần lớn các tấm phim đều bị bóc ra và đánh tráo một cách khéo léo. Ông quyết định tiêu huỷ ngay tại chỗ những tấm phim được xác định là bịp bợm và cố gắng giữ lại những tấm phim chưa thể kiểm chứng rõ ràng. Kết quả là đã hình thành nên một bộ sưu tập không thể quản lý nổi như thế này. Sau đó, cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng và sự gia tăng về số lượng học trò, mạng lưới của ông mỗi ngày một hoàn thiện hơn, các số liệu liên tục dày theo năm tháng cho tới khi tiến sỹ qua đời.
– Ra vậy… – Asakawa lẩm bẩm. – Mình hiểu ý nghĩa của bộ sưu tập này rồi. Nhưng làm sao cậu biết được trong đó có cái kẻ mà chúng ta đang tìm kiếm?
– Ai bảo cậu là tớ khẳng định như thế. Tớ chỉ nói là rất có thể thôi. Nghe này, cậu hiểu một kẻ làm được những điều như vậy là thế nào không? Ừ thì cũng có vài ba kẻ có thể chụp ảnh bằng ý nghĩ. Nhưng một kẻ có thể đưa hình ảnh vào trong bóng hình ti vi mà không dùng bất cứ thiết bị nào thì quả là hiếm. Đó là một siêu siêu năng lực cậu hiểu chưa? Một kẻ có khả năng như vậy cho dù có sống một cách hết sức bình thường cũng không thể tránh khỏi sự chú ý của xung quanh. Tớ không nghĩ là mạng lưới của tiến sỹ Miura lại có thể bỏ qua một đối tượng lù lù trước mắt như vậy được.
… Vậy là có cơ may. Ngay cả Asakawa cũng thừa nhận điều này. Gã cảm thấy những ngón tay đang lật giở hồ sơ trở nên mạnh mẽ hơn.
– Nhưng tại sao mình lại phải lục tìm từ những tệp hồ sơ năm 1960? – Bất chợt nhớ ra, Asakawa ngẩng đầu lên hỏi.
– Cậu còn nhớ chiếc ti vi trong đoạn băng ấy chứ? Nó là một chiếc ti vi đời cũ, thuộc thế hệ sơ khai của máy truyền hình, khoảng những năm năm mươi tới đầu sáu mươi.
– Thế thì sao? Chả giải quyết được vấn đề gì…
– Cậu thật rầy rà, chẳng phải tớ đã nói rằng đó là vấn đề cơ may hay sao?
Asakawa tự nhắc nhở mình rằng suốt từ lúc nãy tới giờ gã đã quá nóng ruột. Nhưng như thế cũng hợp lẽ. Thời gian không còn nhiều nữa, lại phải lục lọi đống hồ sơ khổng lồ này nữa, như thế mà bình tĩnh được mới là lạ.
Đúng lúc ấy, dòng chữ “Izu Oshima” đập vào mắt gã.
– Ái chà, đây rồi!
Tiếng kêu của gã như thể vừa tóm cổ được một con ma. Ryuji giật mình quay lại ngó vào tập hồ sơ.
… Motomachi, Izu Oshima. Tsuchida Teruko. 37 tuổi. Bưu ấn đề ngày 14 tháng Hai năm 1960. Một bức ảnh đơn sắc có hình tia chớp chạy sáng trắng trên nền đen. Phần chú thích ghi: “Đây là kết quả nhận được khi gửi đi yêu cầu dùng ý nghĩ để chụp hình chữ thập. Không có dấu vết đánh tráo.”
– Cậu thấy sao? – Asakawa phấn khích lắc lư người trong lúc chờ đợi phản ứng của Ryuji.
– … Không phải là không có khả năng. Trước mắt, cậu cứ ghi lại địa chỉ và họ tên cái đã.
Chỉ nói có vậy rồi Ryuji lại quay trở về với tập hồ sơ của mình. Tuy đã phấn chấn hơn vì ngay lập tức phát hiện ra một đối tượng đầy hứa hẹn song Asakawa cũng không khỏi bất mãn trước phản ứng lạnh nhạt của Ryuji.
Đã hai giờ đồng hồ trôi qua. Kể từ lúc đó họ không còn phát hiện thêm một phụ nữ nào có nguồn gốc từ đảo Izu Oshima nữa. Địa chỉ của người gửi phần lớn là ở Tokyo hoặc những khu vực ven vùng Kanto. Tetsuaki xuất hiện với hai ly trà, trước khi bỏ đi, anh ta còn để lại mấy câu hàm ý mỉa mai. Đã hai tiếng đồng hồ mà chưa giải quyết hết chỗ tư liệu của một năm, bàn tay hai người mỗi lúc một uể oải hơn.
Đã tìm xong năm 1960. Trước khi chuyển sang năm 1961, Asakawa đưa mắt qua phía Ryuji. Y đang ngồi xếp bằng và gục mặt xuống tập hồ sơ mở rộng mà không hề nhúc nhích. Hắn lại ngủ rồi, nghĩ vậy Asakawa vừa định đưa tay ra thì có tiếng y rên lên đầy thảm thiết.
– Đói chết mất. Này, mua hộ tớ hộp cơm với trà Ô Long về đây được không? Nhân tiện đặt luôn một phòng ở Le Petite Pension Soleil đêm nay nhé.
– Cái quái quỷ gì vậy.
– Là khách sạn của thằng cha lúc nãy ấy mà.
– Ai chả biết, nhưng tại sao lại phải ngủ với cậu cơ chứ…
– Cậu không thích à?
– Nhưng mình không có thời gian, mình không thể ung dung ngủ lại khách sạn lúc này được.
– Ừ, thì cứ cho là cậu đã tìm thấy người đàn bà đó rồi đi, nhưng cậu định đi Oshima ngay bây giờ chắc? Hôm nay phải nằm lại đây thôi. Tốt hơn hết là đánh một giấc thật đẫy cho lại sức cái đã.
Asakawa cảm thấy không còn gì ghê tởm hơn khi phải ở chung khách sạn với Ryuji, nhưng đành vậy, gã chạy đi mua cơm, nói với Miura Tetsuaki rằng họ sẽ nghỉ lại đêm nay, rồi ngồi nhai cơm hộp và uống trà Ô Long với Ryuji. Bảy giờ tối, hai người tạm nghỉ tay.
Hai cánh tay và bả vai mỏi nhừ. Asakawa gỡ kính ra cho khỏi nhức mắt. Bù lại, gã gí sát mặt vào tập hồ sơ rồi lần tìm như thể đang liếm chúng. Việc tập trung thần kinh cao độ để không sơ sểnh bỏ qua bất cứ chi tiết nào càng khiến gã mệt mỏi hơn.
Chín giờ tối. Giữa căn phòng lặng ngắt bỗng vang lên tiếng kêu thất thanh của Ryuji.
– Tìm được rồi. Hoá ra nó nằm ở đây.
Bị thu hút, Asakawa ngồi xuống cạnh Ryuji và đeo lại kính lên mắt.
… Sashikichi, Izu Oshima. Yamamura Sadako. Mười tuổi. Bưu ấn trên bì thư đề ngày 29 tháng Tám năm 1956. Cùng với một tấm ảnh có chữ Yama màu trắng nổi lên trên nền đen là lời chú thích: “Đây là kết quả nhận được khi gửi đi yêu cầu dùng ý nghĩ để chụp tên mình lên phim. Khẳng định tấm phim hoàn toàn là thật.”
Asakawa nhận ra con chữ ấy.
– Đúng… đúng là nó. – Giọng gã run lên.
Trong đoạn băng, cảnh phim có chữ Yama diễn ra ngay sau cảnh phun trào của núi lửa Mihara. Và ở cảnh thứ mười, chữ Sada đã hiện lên trong chiếc ti vi đời cũ. Mà tên đứa bé gái này lại là Yamamura Sadako.
– Cậu nghĩ sao? – Ryuji hỏi.
– Đúng là nó rồi, không sai được.
Cuối cùng thì những tia hy vọng cũng được nhen lên. Biết đâu vẫn còn kịp, ý nghĩ ấy bất chợt thoáng qua trong óc gã.