Tôi sinh trưởng trong một gia đình Công giáo mộ đạo, hàng đêm chúng tôi đều cầu nguyện và đọc Kinh. Dù vậy, tôi giống như hầu hết mẫu người khoa học khác, chỉ tin vào những nhận thức vật chất hữu hình về hiện thực, tin vào quan điểm khoa học tuyệt đối có thể đưa đến một lý thuyết siêu hình học trọn vẹn, gạt bỏ đi những khái niệm lỗi thời như linh hồn, Chúa, và những người đàn ông đàn trắng rậm râu mặc áo choàng. Thời thanh niên đôi mươi, tôi đã dành nhiều thời gian xây dựng cái khung cho sự nỗ lực như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng thì vấn đề cũng trở nên rõ ràng: biến khoa học thành người nắm toàn quyền của siêu hình học tức là loại bỏ không chỉ Chúa khỏi thế giới mà còn cả tình yêu, sự thù hận, và lẽ sống – coi một thế giới mà tự thân nó là hiển nhiên không phải thế giới mà chúng ta đang sống. Điều đó không có nghĩa là nếu bạn tin vào ý nghĩa sống, bạn cũng phải tin vào Chúa. Điều đó tức là nếu bạn tin rằng khoa học không chứng tỏ gì về Chúa, bạn sẽ gần như bị bắt buộc phải kết luận rằng khoa học sẽ không chứng tỏ gì về lẽ sống, và do đó bản thân cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả. Nói theo các khác, những luận điệu về sự tồn tại chẳng có vai trò gì, mọi kiến thức đều chỉ là kiến thức khoa học.
Thế nhưng, nghích lý là, các phương pháp khoa học chỉ là sản phẩm của bàn tay con người và do đó không thể vươn tới sự thật vĩnh cửu. Chúng ta xây dựng lý thuyết khoa học để sắp xếp và thao túng thế giới, để quy các hiện tượng thành các đơn vị có thể quản lý được. Khoa học được dựa trên khả năng lặp lại và tính khách quan nó tạo ra. Ngoài việc điều đó hình thành cho khoa học khả năng tạo ra các nhận định về vật chất và năng lượng, nhưng đồng thời cũng khiến các kiến thức khoa học không thể áp dụng được đối với bản chất mang tính bản năng và tồn tại của cuộc sống con người, vốn là độc nhất, chủ quan và không thể dự đoán. Khoa học có thể cung cấp cách hữu dụng nhất để tổ chức các dữ liệu thực nghiệm, lặp đi lặp lại, nhưng quyền năng để làm được điều đó của nó lại được dựa trên sự bất lực trong việc thấu hiểu những mặt chính yếu nhất của con người: hy vọng, sợ hãi, tình yêu, thù hận, vẻ đẹp, ghen tị, tôn sùng, yếu ớt, đấu tranh, chịu đựng, và đức hạnh.
Giữa những đam mê cốt lõi này và lý thuyết khoa học sẽ luôn tồn tại một khoảng cách. Không có hệ tư duy nào chứa được sự trọn vẹn của trải nghiệm con người. Lĩnh vực siêu hình học vẫn là lĩnh vực khám phá (suy cho cùng, thứ mà Ockham nhắc đến là cái này chứ không phải chủ nghĩa vô thần). Và chủ nghĩa vô thần chỉ được chứng minh là đúng dựa trên những cơ sở này mà thôi. Người theo thuyết vô thần đầu tiên khi ấy là vị chỉ huy pháo đài của Graham Greene trong tác phẩm Quyền lực và Vinh Quang, với những thuyết vô thần xuất phát từ sự mặc khải về sự không hiện hữu của Chúa. Chủ nghĩa vô thần thực sự duy nhất phải được dựa trên tầm nhìn tạo ra thế giới. Câu trích dẫn ưa thích của rất nhiều người theo thuyết vô thần từ nhà sinh học Pháp được trao giải Nobel Jacques Monod đều không lột tả được khía cạnh soi sáng này: “Giao ước cổ phân thành nhiều mảnh; con người cuối cùng cũng hiểu được anh ta cô đơn trong cái bao la vô tình của vũ trụ, ở trong đó sự xuất hiện của con người chỉ là ngẫu nhiên.”
Thế nhưng tôi quay lại với những giá trị trung tâm của Thiên Chúa giáo – sự hy sinh, chuộc tội, tha thứ – bởi vì tôi thấy chúng thật hấp dẫn. Có một sự căng thẳng trong Kinh thánh giữa công lý và sự bao dung, giữa Cực Ước và Tân Ước. Và Tân Ước nói rằng bạn sẽ không bao giờ đủ nhân ái: nhân ái là một thứ quan trọng nhất mà bạn sẽ không bao giờ đạt đến. Tôi tin rằng thông điệp chính của Chúa Jesus là lòng nhân ái luôn luôn chiến thắng công lý.
Không chỉ vậy mà có lẽ thông điệp cơ bản của tội ác nguyên thuỷ không phải là “luôn cảm thấy có lỗi”. Có lẽ nó là gì đó giữa những dòng sau: “Chúng ta đều có ý niệm về việc là người tốt có nghĩa là gì, và chúng ta sẽ không phải lúc nào cũng làm được người tốt.” Có lẽ suy cho cùng đó mới là thông điệp của kinh Tân Ước. Thậm chí ngay cả khi bạn có một ý niệm được định nghĩa rõ ràng như Leviticus29, bạn cũng không thể sống theo cách đó. Điều đó không chỉ là bất khả, mà là điên rồ.
Hiển nhiên tôi không thể nói điều gì rõ ràng về Chúa, nhưng hiện thực cơ bản của cuộc sống con người có tính thuyết phục hơn nhiều so với quyết định luận mù quáng. Hơn nữa, không ai, kể cả tôi, công nhận sự mặc khải/soi dẫn có được là nhờ bất kỳ thứ quyền uy tri thức nào. Chúng ta đều là những người có lý trí – soi sáng là không đủ. Thậm chí ngay cả khi Chúa nói gì với chúng ta, chúng ta đều sẽ chỉ coi đó là hoang tưởng.
Rốt cục, tôi tự hỏi, những nhà siêu hình học khát khao làm điều gì?
Từ bỏ?
Gần như vậy.
Vật lộn để tiến tới chữ T in hoa – Truth (Chân lý), nhưng nhận ra nhiệm vụ là bất khả thi – hay dù nếu có thể có được một câu trả lời, thì sự xác minh là không thể.
Cuối cùng, không thể nghi ngờ rằng mỗi chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần bức tranh. Bác sĩ nhìn thấy một phần, bệnh nhân thấy phần thứ hai, kỹ sư phần thứ ba, nhà kinh tế phần thứ tư, người săn ngọc trai phần thứ năm, kẻ nghiện rượu phần thứ sáu, anh thợ cáp phần thứ bảy, bác chăn cừu phần thứ tám, tên ăn xin người Ấn Độ phần thứ chín, mục sư phần thứ mười. Kiến thức của con người sẽ không bao giờ chưa đựng chỉ trong một con người. Nó nảy sinh từ mối quan hệ mà chúng ta tạo ra giữa mỗi con người với nhau và với thế giới, và vẫn không bao giờ hoàn chỉnh. Và Sự thực đến đâu từ đâu đó cao hơn tất thảy mọi thứ, một nơi khá giống như lời mô tả trong bài đọc cuối Chủ nhật ấy:
Cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hân hoan. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” ở đây quả là đúng. Ta gửi các con đến gặt hái những gì các con không làm; kẻ khác đã thay con làm việc đó, và con đến chia phần trái ngọt từ công việc của họ.
Tôi nhảy ra khỏi máy chụp CT. Đã bảy tháng kể từ khi quay lại với phẫu thuật. Đây có lẽ là lần chụp cuối trước khi hoàn thành chương trình nội trú, trước khi trở thành một người cha, trước khi tương lai của tôi thành hiện thực.
“Có muốn xem không bác sĩ?” kỹ thuật viên nói.
“Không phải lúc này”, tôi nói. “Tôi có rất nhiều việc phải làm hôm nay.” Đã sáu giờ tối rồi. Tôi còn phải đi gặp bệnh nhân, sắp xếp lịch phòng mổ cho ngày mai, xem lại phim chụp, đọc các ghi chú lâm sàng cho người khác chép, kiểm tra hậu phẫu thuật và nhiều việc khác. Khoảng tám giờ tối, tôi ngồi trong văn phòng phẫu thuật thần kinh, bên cạnh trạm xem phim chụp X-quang. Tôi bật máy, xem ảnh chụp bệnh nhân của hôm tới – hai ca cột sống đơn giản – và cuối cùng, gõ vào tên tôi. Tôi kéo qua từng ảnh như thể chúng chỉ là một cuốn sách lật mở của trẻ con, so sánh tấm đầu tiên và tấm cuối cùng. Mọi thứ trông y hệt, khối u cũ vẫn duy trì như trước… khoan đã…
Tôi kéo lại ảnh. Nhìn kỹ lần nữa.
Ở đó. Một khối u mới, lớn, lấp kín thùy giữa phải. Nó trông kỳ quái, hệt như một mặt trăng tròn đã gần như vượt ra ngoài đường chân trời. Quay trở lại ảnh cũ, tôi chỉ có thể thấy nhìn ra dấu ấn mờ nhạt nhất của nó, một dấu hiệu ma quái nay đã được đưa ra trọn vẹn đến với thế giới.
Tôi không tức giận cũng không sợ hãi. Đơn giản là thế. Đó là một thực tế về thế giới, giống như khoảng cách từ mặt trời đến trái đất. Tôi lái xe về và nói với Lucy. Đó là đêm thứ Năm và chúng tôi sẽ không gặp Emma cho đến thứ Hai. Lucy và tôi ngồi trong phòng khách, bên cạnh chiếc máy tính để vạch lịch trình cho những bước tiếp theo: làm sinh thiết, xét nghiệm, hóa trị. Phương pháp chữa trị lần này sẽ khó khăn hơn, khả năng sống một cuộc đời dài lâu càng xa hơn nữa. Lại là Eliot: “Nhưng sau lưng trong tiếng gió lạnh tôi nghe / Tiếng lách cách của xương, và tiếng khúc khích từ tai này qua tai khác.” Phẫu thuật thần kinh sẽ là bất khả thi trong vài tuần kế tiếp, có lẽ vài tháng, có lẽ là mãi mãi. Nhưng chúng tôi quyết định rằng mọi chuyện có thể đợi tới thứ Hai sẽ rõ trắng đen. Hôm nay là thứ Năm và tôi đã có kế hoạch phẫu thuật cho ngày mai. Tôi bố trí một ngày cuối cùng trong chương trình nội trú.
Khi ra khỏi xe vào năm giờ hai mươi phút sáng hôm sau tại bệnh viện, tôi hít một hơi thật sâu, ngửi thấy mùi bạch đàn và… đó có phải cây thông? Tôi chưa từng phát hiện ra nó. Tôi gặp nhóm nội trú, tập trung cho phiên làm việc buổi sáng. Chúng tôi xem lại những sự kiện đêm trước, những người mới nhập viện, những bản scan mới, sau đó đi gặp bệnh nhân trước thảo luận M&M (hay hội thảo về tỉ suất bệnh và tử vong) – một buổi họp thường lệ trong đó các bác sĩ phẫu thuật thần kinh cùng nhau xem xét lại sai lầm đã mắc và các ca bị hỏng. Sau đó, tôi dành thêm vài phút với bệnh nhân, ông R. Ông mắc phải một hội chứng hiếm gặp gọi là Gerstmann tại nơi mà khi tôi cắt bỏ khối u não, ông bắt đầu biểu hiện vài dấu hiệu thiếu hụt đặc biệt: mất khả năng viết, gọi tên ngón tay, tính số, phân biệt trái phải. Tôi chỉ gặp trường hợp này một lần khi còn là sinh viên Y khoa tám năm về trước, một trong những bệnh nhân đầu tiên tôi theo dõi trong phẫu thuật thần kinh. Giống như trường hợp năm ấy, ông R tỏ ra khá phơn phơ – tôi tự hỏi liệu đó có phải là một phần hội chứng mà chưa ai từng mô tả trước đó. Dẫu sao thì ông R cũng đang khá dần lên: Khả năng nói đã trở lại gần như bình thường, và kỹ năng tính toán chỉ kém hơn một chút. Ông rất có khả năng sẽ bình phục hoàn toàn.
Buổi sáng trôi qua. Tôi cọ sạch tay cho ca mổ cuối cùng. Đột nhiên khoảnh khắc đó trở nên vĩ đại. Lần cọ rửa cuối sao? Có lẽ vậy. Tôi nhìn dung dịch xà phòng nhỏ giọt qua cánh tay, rơi xuống ống nước. Tôi bước vào phòng mổ, mặc áo phẫu thuật và kiểm tra tấm vải phủ bệnh nhân, đảm bảo mọi góc vải đều gọn gàng ngay ngắn. Tôi muốn ca mổ này phải hoàn hảo. Tôi mở phần da ở phần lưng dưới. Ông là một người đàn ông có tuổi và cột sống đã bị thoái hóa, chèn vào rễ thần kinh dẫn đến các cơn đau đớn. Tôi kéo phần mỡ cho tới khi cân mạc hiện ra và tôi có thể cảm thấy đầu cột sống. Tôi mở cân mạc và cắt bỏ suôn sẻ phần cơ một thành, cho tới khi chỉ có phần cột sống lấp lánh hiện giữa vết thương, sạch sẽ và không dính máu. Bác sĩ trực đi thơ thẩn trong lúc tôi cắt bỏ phiến màng, tường sau của cột sống, nơi xương bị phát triển quá đà cùng dây chằng bên dưới chèn vào dây thần kinh.
“Trông tốt đấy,” anh nói. “Nếu cậu muốn tới buổi hội thảo hôm nay, tôi sẽ cho một đồng nghiệp tới để kết thúc.”
Lưng tôi bắt đầu đau. Tại sao tôi lại không thêm một liều NSAID trước đó cơ chứ? Dù sao thì ca mổ này cũng cần phải kết thúc nhanh chóng. Tôi đã sắp xong rồi.
“Không,” tôi nói. “Tôi muốn hoàn thiện ca này.”
Bác sĩ trực sát trùng và chúng tôi hoàn thành việc cắt bỏ xương thừa. Anh bắt đầu từ phần dây chằng, bên dưới nó là phần màng cứng có chứa dịch xương sống và rễ thần kinh. Lỗi phổ biến nhất ở giai đoạn này là cắt nhầm một lỗ trên màng cứng. Tôi làm việc ở phía đối diện. Nhìn liếc qua, tôi thấy gần dụng cụ của anh ánh lên một tia xanh lam, bắt đầu để lộ ra chút màng cứng.
“Cẩn thận!” tôi nói, đúng lúc đó đầu dụng cụ của anh chạm vào màng cứng. Dòng dịch cột sống tràn vào vết thương. Hơn một năm qua tôi chưa từng bị rò rỉ trong bất kỳ ca mổ nào của mình. Để khắc phục nó cần tới cả giờ.
“Lấy kính hiển vi ra,” tôi nói. “Chúng ta bị rỉ.”
Vào thời điểm chúng tôi kết thúc việc sửa chữa và loại bỏ phần mô mềm biến dạng, lưng tôi nhức nhối. Bác sĩ trực xé găng tay, xin lỗi và nói lời cám ơn, bỏ tôi lại với việc khâu vết mổ. Những lớp mô đính vào nhau ổn thỏa. Tôi bắt đầu khâu da bằng một loại chỉ nylon. Hầu hết các bác sĩ phẫu thuật dùng ghim dập nhưng tôi tin rằng nylon có tỉ lệ nhiễm trùng thấp hơn và chúng tôi sẽ thực hiện lần khâu lại cuối cùng này theo cách của tôi. Lớp da được đính vào nhau một cách hoàn hảo không căng kéo, như thể chưa từng có ca phẫu thuật nào diễn ra.
Tốt. Một điều tốt.
Khi chúng tôi tháo lớp phủ trên người bệnh nhân, y tá phòng mổ, một người tôi chưa từng cộng tác, nói: “Anh trực cuối tuần này sao bác sĩ?”
“Không,” Và có lẽ là không bao giờ nữa.
“Vậy anh còn ca nào hôm nay không?”
“Không,” Và có lẽ là không bao giờ.
“Khỉ thật, à, ý tôi đây là một cái kết vui vẻ! Công việc kết thúc. Tôi thích những cái kết vui vẻ, anh cũng vậy chứ hả?”
“Ừ, ừ, tôi thích những cái kết vui vẻ.”
Tôi ngồi xuống bàn máy tính để nhập vào yêu cầu khi y tá dọn dẹp và bác sĩ gây mê bắt đầu đánh thức bệnh nhân. Tôi đã luôn doạ đùa mọi người rằng khi tôi lãnh đạo, thay vì thứ nhạc pop giàu năng lượng mà mọi người thích bật trong phòng mổ, chúng tôi sẽ chỉ nghe nhạc bossa nova30 thôi. Tôi cho đĩa Getz/Gilbertto31 vào máy radio, những âm thanh nhẹ nhàng, ấn tượng của saxophone tràn ra khắp phòng.
Tôi rời phòng mổ ngay sau đó, thu dọn đồ đạc tôi đã thu thập trong suốt bảy năm làm việc – quần áo dự phòng cho những đêm không về, bàn chải đánh răng, vài bánh xà phòng, sạc điện thoại, đồ ăn nhẹ, mô hình hộp sọ và một bộ sưu tập sách giải phẫu thần kinh, vân vân. Suy nghĩ lại, tôi để lại đống sách. Chúng sẽ hữu ích hơn ở đây.
Trên đường ra bãi đậu xe, một đồng nghiệp tiến đến để hỏi tôi gì đó nhưng máy nhắn tin của anh rung lên. Anh xem và vẫy tay với tôi, quay lưng chạy vào bệnh viện – “tôi sẽ gặp anh sau nhé!” anh hét lên. Nước mắt trào ra khi tôi ngồi lên xe, xoay chìa và lái xe chầm chậm trên đường. Tôi lái về nhà, bước qua cửa trước, treo áo choàng trắng lên và tháo thẻ tên. Tôi tháo pin ra khỏi máy nhắn. Tôi tắm thật lâu. Đêm muộn hôm đó, tôi gọi cho Victoria để nói với cô tôi sẽ không tới vào thứ Hai, và có lẽ là chẳng bao giờ nữa, và sẽ không thể đặt lịch mổ.
“Anh biết đấy, tôi đã liên tục thấy cơn ác mộng rằng ngày này sẽ tới,” cô nói. “Tôi không biết làm thế nào mà anh duy trì được lâu vậy.”
Lucy và tôi gặp Emma vào thứ Hai. Cô khẳng đinh lại kế hoạch mà chúng tôi đã dự tính: sinh thiết phế quản, tìm kiếm dạng đột biến mục tiêu, nếu không thì hóa trị. Lý do thực sự mà tôi ở đó là sự chỉ dẫn của cô. Tôi nói rằng tôi sẽ từ bỏ phẫu thuật thần kinh.
“Được.” cô nói. “Ổn thôi. Anh có thể ngừng phẫu thuật thần kinh nếu anh muốn tập trung vào điều gì đó quan trọng hơn. Nhưng sẽ không phải vì anh bị ốm. Anh không hề ốm hơn so với tuần trước. Đây là một ổ gà trên đường đi, nhưng anh vẫn có thể giữ quỹ đạo hiện tại. Phẫu thuật thần kinh quan trọng với anh.”