Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Phần 1 – Chương 6

Năm thứ hai đào tạo, bạn sẽ là người đầu tiên phải tới phòng cấp cứu. Vài bệnh nhân bạn không thể cứu. Số khác lại có thể. Lần đầu tiên đẩy nhanh một bệnh nhân hôn mê từ phòng cấp cứu sang phòng mổ, tôi đã hút sạch máu trong sọ anh ta, nhìn anh tỉnh dậy, bắt đầu nói chuyện với người nhà và phàn nàn về vết rạch trên đầu. Tôi bị lạc trong một tình trạng ngây ngất, lòng vòng quanh bệnh viện tận đến 2 giờ sáng mà không biết mình đang ở đâu. Mất tới bốn mươi lăm phút tôi mới có thể tìm đường ra.

Thời gian biểu rút cạn sức lực. Là những bác sĩ nội trú, chúng tôi phải làm việc tới một trăm giờ mỗi tuần. Dù quy định chỉ là tối đa tám mươi tám giờ nhưng luôn có nhiều việc chồng chất hơn. Mắt tôi giàn giụa, mạch đập dồn dập trên đầu, tôi nốc xuống từng ngụm nước tăng lực vào lúc 2 giờ sáng. Lúc làm việc tôi có thể duy trì được, nhưng ngay khi rời khỏi bệnh viện, sự kiệt sức tấn công. Tôi loạng choạng qua chỗ đậu xe, thường chợp mắt một chút trước quãng thời gian 15 phút lái xe về nhà.

Không phải bác sĩ nội trú nào cũng có thể chịu đựng được áp lực. Một người bạn của tôi đơn giản là không chịu nổi việc bị quy tội và quy trách nhiệm. Anh là một bác sĩ phẫu thuật tài năng, nhưng thường không thể thừa nhận lỗi lầm. Một bữa nọ, tôi ngồi kế bên trong phòng chờ, anh van nài tôi cứu lấy sự nghiệp của anh.

“Tất cả những gì anh phải làm,” tôi nói, “là nhìn thẳng vào mắt tôi và nói, “Tôi xin lỗi. Những gì đã xảy ra là lỗi của tôi, và tôi sẽ không để chuyện này xảy ra nữa.”

“Nhưng chính y tá là người –”

“Không. Anh phải nói được điều đó và thực sự muốn làm vậy. Thử lại đi.”

“Nhưng –”

“Không. Nói đi.”

Cứ tiếp tục như vậy suốt một tiếng đồng hồ cho đến khi tôi biết anh ta đã bị huỷ hoại.

Stress dồn đẩy một bác sĩ nội trú khác ra khỏi nghề mãi mãi; cô đã chọn một công việc ít đòi hỏi hơn trong lĩnh vực tư vấn.

Những người khác thậm chí còn trả cái giá cao hơn nhiều.

Kỹ năng nâng lên thì trách nhiệm cũng nhiều lên. Học được cách cân nhắc cuộc đời nào có thể cứu, cuộc đời nào không và cuộc đời nào không nên làm như vậy đòi hỏi một khả năng tiên lượng phi phàm. Tôi đã phạm nhiều sai lầm. Đẩy một bệnh nhân lao tới phòng mổ để cứu một phần não chỉ đủ cho trái tim còn đập nhưng không bao giờ còn có thể nói chuyện, ăn uống qua một chiếc ống và bị ép buộc phải sống một cuộc đời không bao giờ mong muốn…Tôi dần coi đây như một thất bại nặng nề hơn cả việc để bệnh nhân ra đi. Sự tồn tại mập mờ của quá trình chuyển hoá vô thức trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng nổi, thường người bệnh bị bỏ lại tại viện chăm sóc, nơi người thân của họ, chẳng thể đạt được sự biểu quyết đối với số phận của họ, viếng thăm họ mỗi lúc một thưa dần, cho tới cái kết cục không thể tránh khỏi là cái chết do thối loét vì nằm liệt giường hoặc vì bệnh viêm phổi. Vài người sống lay lắt kiểu này và chào đón những khả năng của nó, mắt mở to. Nhưng nhiều người khác thì không, hoặc không thể như vậy, và lúc này bác sĩ phẫu thuật thần kinh phải học cách phán xử.

Tôi đã bắt đầu trong sự nghiệp này, một phần nào đó, nhằm theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt. Ngành phẫu thuật thần kinh thu hút tôi không chỉ ở sự quấn quýt của não bộ và ý thức mà còn ở sự quấn quýt của sinh và tử. Tôi đã nghĩ rằng cuộc đời nằm giữa khoảng trống giữa sự sống và cái chết có thể đem tới cho tôi không chỉ một sân khấu cho những hành động trắc ẩn mà còn là sự nâng cấp về tồn tại của chính bản thân tôi: tránh càng xa càng tốt những vật chất tầm thường, những tự cao tự đại, để mà đi tới nơi đó, trong tâm của vấn đề, những quyết định và vật lộn thực sự giữa sống-và-chết… sự siêu nghiệm hẳn sẽ được tìm thấy ở đó?

Nhưng trong quá trình nội trú, một thứ gì đó dần mở rõ. Giữa chuỗi vô tận những chấn thương đầu này, tôi bắt đầu hoài nghi việc ở quá gần gũi với thứ ánh sáng hừng hực trong những khoảnh khắc ấy chỉ khiến tôi mù loà trước tự nhiên, giống như người đang tìm hiểu thiên văn học bằng cách nhìn thẳng vào mặt trời vậy. Tôi chưa hẳn là ở bên cạnh bệnh nhân trong những khoảnh khắc then chốt, mà gần như chỉ là có mặt ở đó. Tôi đã chứng kiến rất nhiều thống khổ; tệ hơn cả, tôi trở nên chai lì với chúng. Khi chết chìm, thậm chí chìm trong máu đỏ, người ta mới học cách thích nghi, học cách tự nổi, tự bơi, thậm chí là tận hưởng cuộc sống, gắn kết với y tá, bác sĩ và những người khác cùng hội cùng thuyền, những người đang đón cùng một ngọn sóng.

Cậu bạn đồng nghiệp Jeff và tôi cùng nhau xử lý các vụ chấn thương. Mỗi khi anh gọi tôi xuống phòng chấn thương vì có một ca tổn thương vùng đầu nào đó, chúng tôi luôn rất ăn ý.  Cậu ta sẽ ước định vùng bụng sau đó hỏi tôi ý kiến về chức năng nhận thức của bệnh nhân. “Ừm, anh ta vẫn có thể làm thượng nghị sĩ”, tôi từng trả lời vậy, “nhưng chỉ ở một bang nhỏ thôi”. Jeff cười, và từ lần đó, quy mô dân số của bang trở thành thước đo của chúng tôi cho mức độ nghiêm trọng của mỗi chấn thương. “Anh này, Wyoming hay California”. Jeff thường hỏi khi phải xác định chế độ chăm sóc cần thiết ở mức độ nào. Hoặc tôi sẽ nói, “Jeff, tôi biết huyết áp bệnh nhân bất ổn, nhưng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến phòng mổ, nếu không anh ta sẽ từ Washington xuống thành Idaho mất – cậu có thể cho anh ta ổn định lại được không?”

Một hôm đang ở nhà ăn, vừa định lấy bữa ăn trưa điển hình của mình – Cocacola ăn kiêng và bánh kẹp kem – thì máy nhắn của tôi thông báo chuẩn bị có một ca chấn thương nghiêm trọng. Tôi chạy nhanh đến phòng chấn thương, vừa kịp nhét vội chiếc bánh kẹp ra sau máy tính thì người hỗ trợ y tế đã đẩy băng ca bệnh nhân đến và thuật lại chi tiết: “Nam, hai mươi hai tuổi, tai nạn xe máy, bốn mươi dặm một giờ, có thể não đã chui ra theo đường mũi…”

Tôi đi thẳng vào việc, gọi một khay ống thông khí quản, kiểm tra những chức năng sống khác của chàng trai. Khi anh ta đã được thông khí an toàn, tôi xem những thương tổn: mặt bầm tím, chỗ da xây xát do cọ trên đường, đồng tử giãn rộng. Chúng tôi bơm cho cậu ấy mannitol để giảm sưng phù não và nhanh chóng chuyển cậu ta tới máy soi cắt lớp: hộp sọ vỡ nát, xuất huyết nặng trên diện rộng. Trong đầu, tôi đã dự liệu mổ rạch qua da đầu ra sao, khoan sọ thế nào để tháo lượng máu xuất huyết. Huyết áp của cậu đột nhiên tụt. Chúng tôi vội vã đẩy ngược cậu lại phòng chấn thương, và ngay khi đội xử lý chấn thương tới, tim cậu ngừng đập. Một cơn lốc những nỗ lực vây quanh cậu: ống thông tĩnh mạch được luồn vào trong động mạch đùi, những đường ống nhét sâu trong ngực, thuốc được đẩy vào ven tĩnh mạch và đồng thời, những nắm đấm thúc mạnh vào trái tim cậu để giữ cho dòng máu chảy thông. Sau ba mươi phút, chúng tôi để cậu ra đi. Với dạng chấn thương đầu thế này, chúng tôi thầm thì nhất trí rằng cái chết là hơn cả.

Tôi lách ra khỏi phòng chấn thương ngay khi gia đình được đưa tới nhìn thân thể của cậu. Sau đó tôi nhớ ra: Cocacola ăn kiêng, bánh kẹp kem… và cả sức nóng ngột ngạt trong căn phòng đó. Nhờ sự trợ giúp của một bác sĩ nội trú cấp cứu thế thân cho tôi, tôi lại lẻn về phòng như một bóng ma để cứu lấy chiếc bánh kẹp kem ngay trước thân thể của cậu con trai mà tôi không thể cứu.

Ba mươi phút trong tủ lạnh đã cứu sống chiếc bánh. Khá ngon miệng, tôi nghĩ, đồng thời cạy mẩu sôcôla ra khỏi kẽ răng trong lúc gia đình nạn nhân đang nói lời tạm biệt cuối cùng. Tôi tự nhủ, trong khoảng thời gian ngắn ngủi là một bác sĩ, tôi có lẽ đã sa ngã nhiều hơn là tiến bộ về mặt đạo đức.

Vài ngày sau, tôi nghe tin Laurie, một người cùng trường Y đã bị ô tô đâm và một bác sĩ phẫu thuật thần kinh đã tiến hành ca mổ để cứu sống cô. Cô rơi vào trạng thái ngưng tim – hô hấp, được hồi sức và ra đi vào hôm sau. Tôi không muốn biết thêm gì nữa. Những ngày mà ai đó đơn giản là bị “chết trong một tai nạn ô tô” đã xa rồi. Giờ đây, những lời này mở ra trong tôi “một hộp Pandora” với đủ thứ hình ảnh tuôn ra từ đó: chiếc xe đẩy bệnh nhân lăn vội, máu trong căn phòng chấn thương, đường ống nhét sâu xuống họng và những cú nện trên ngực cô. Tôi có thể thấy được những bàn tay, đôi tay tôi, đang cạo sạch da đầu Laurie, con dao mổ rạch mở đầu cô, có thể nghe thấy sự điên cuồng của chiếc máy khoan, ngửi thấy mùi xương cháy khét, bụi của nó xoáy lên, và cả khe nứt khi tôi cố cạy một phần sọ ra. Cô chẳng còn gì giống cô của mọi khi, trong mắt bạn bè và gia đình đã trở thành một người xa lạ. Có lẽ đã có những ống luồn sâu trong ngực, và một chân đang được kéo dãn liên tục . . .

Tôi không hỏi chi tiết. Tôi đã có quá nhiều chi tiết rồi.

Khoảnh khắc đó, tất cả những lần tôi thất bại trong khả năng thấu cảm đột ngột quay ngược trở lại: trước sức ép của những đòi hỏi khác. Những con người đang thống khổ mà tôi đã trông thấy, ghi chú và gói ghém cẩn thận trong phiếu chẩn đoán, cái ý nghĩa trong đó mà tôi không thể nhận ra – chúng đều quay trở lại, mong báo thù, đầy tức giận và không gì có thể lay chuyển.

Tôi sợ rằng tôi đang trên con đường trở thành một bác sĩ kiểu Tolstoy, luôn bận tâm với thứ chủ nghĩa hình thức rỗng tuếch, chú tâm nhớ vẹt mấy phương thức chữa bệnh và hoàn toàn để lỡ điều quan trọng lớn lao hơn của con người. (“Các bác sĩ bước vào thăm khám cho cô, lần lượt trao đổi ý kiến với nhau. Họ nói nhiều bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và Latin, đổ lỗi cho nhau, kể ra cả đống thuốc cho tất cả những loại bệnh mà họ biết, vậy mà điều đơn giản chưa từng lướt qua óc họ, đó là thứ bệnh Natasha đang chịu đựng là điều họ không thể biết.”)18. Một người mẹ vừa mới bị chẩn đoán ung thư não đến chỗ tôi. Chị bị bối rối, sợ hãi và mất tinh thần bởi những điều không rõ. Tôi thì kiệt sức, rời rã. Lướt nhanh qua những câu hỏi của chị, tôi khẳng định ca mổ sẽ thành công, và cũng tự an ủi chính bản thân mình rằng chẳng lấy đâu ra thời gian để trả lời những thắc mắc của cô một cách thỏa đáng. Nhưng tại sao tôi không dành ra chút thời gian cơ chứ? Một cựu chiến binh hung hăng từ chối mọi lời khuyên và dỗ dành của các y bác sĩ cùng các nhà vật lý trị liệu trong nhiều tuần lễ; kết quả là vết thương ở lưng ông ta vỡ ra ngay khi chúng tôi vừa cảnh báo. Được gọi tới phòng mổ, tôi khâu vết thương nứt mẻ trong khi ông ta gào lên vì đau đớn, tôi tự nhủ với bản thân mình rằng ông ta xứng đáng bị vậy.

Không ai xứng đáng bị vậy.

Tôi có được chút an ủi sơ sài khi biết rằng William, Carlos William và Richard Selzer đã tự thú còn làm nhiều điều tệ hơn vậy, và tôi đã thề là sẽ làm tốt hơn. Giữa những bi kịch và thất bại, tôi sợ rằng mình đã mất dần tầm quan trọng phi thường trong mối quan hệ con người, không phải giữa bệnh nhân và người thân của họ mà là giữa bác sĩ và bệnh nhân. Kỹ thuật xuất sắc chưa đủ. Là một bác sĩ nội trú, lý tưởng cao nhất của tôi không phải là cứu lấy mạng sống – ai rồi cũng sẽ phải chết – mà là dẫn dắt để người thân và gia đình họ có được sự thấu hiểu về cái chết hoặc bệnh tật. Khi một bệnh nhân được chuyển tới trong tình trạng chảy máu đe dọa đến tính mạng, mẩu đối thoại đầu tiên với bác sĩ phẫu thuật sẽ mãi mãi tô màu cho kí ức của người thân về cái chết, từ việc thanh thản ra đi. (“Có lẽ đã đến lúc anh ấy ra đi rồi” ) cho tới nỗi đau đớn vì tiếc nuối (“Những bác sĩ đó không chịu lắng nghe! Họ thậm chí còn không buồn cứu anh ấy!”) Khi không có chỗ cho con dao mổ thì lời nói chính là công cụ duy nhất của các bác sĩ phẫu thuật.

Bởi trong nỗi thống khổ độc nhất vô nhị gây ra do tổn thương não bộ nghiêm trọng – nỗi thống khổ mà gia đình thường cảm nhận rõ nét hơn là chính nạn nhân – các bác sĩ không chỉ là người duy nhất nhìn rõ ý nghĩa trọn vẹn đó. Khi gia đình đứng quanh người thân yêu của họ – người thân yêu với cái đầu xén cạo chứa bộ não méo mó – chính họ cũng thường không nhận ra ý nghĩa trọn vẹn. Họ thấy quá khứ, những ký ức chất dồn, tình yêu mới nhen, tất cả đều được đại diện bởi cơ thể trước mặt. Còn tôi nhìn thấy những khả năng trong tương lai, máy thở gắn vào người thông qua một vết cắt mở trên cổ, thứ dung dịch sền sệt nhỏ qua một lỗ ở trên bụng, tiềm năng hồi phục đau đớn, kéo dài và chỉ phần nào đó – hoặc đôi khi rất có thể, sẽ không có sự trở lại của con người họ hằng nhớ. Trong những khoảnh khắc này, tôi thường hành động không phải như một đối thủ của cái chết – như tôi vẫn thường thế – mà như một đại sứ của nó. Tôi phải giúp những gia đình đó hiểu rằng, con người mà họ đã biết – con người độc lập, đầy sự sống đó – giờ chỉ còn trong quá khứ, và rằng, tôi cần họ đưa ra thông tin để tôi hiểu được anh ấy/chị ấy muốn một kiểu tương lai như thế nào: một cái chết nhẹ nhàng hay một tương lai bị chằng buộc giữa những túi dung dịch đi vào đi ra trong cơ thể, để bám trụ cuộc sống ngay cả khi đã mất khả năng chiến đấu.

Giá mà tôi mộ đạo hơn chút khi còn trẻ, có lẽ tôi đã trở thành một mục sư bởi vai trò của một mục sư vốn là cái tôi kiếm tìm.

Với trọng tâm mới, sự đồng thuận có hiểu biết – một thủ tục khi bệnh nhân ký vào tờ giấy chấp nhận phẫu thuật – không còn là hoạt động pháp lý nhằm liệt kê càng nhanh càng tốt những rủi ro có thể xảy đến, giống như giọng thuyết minh cho một quảng cáo thuốc mới, mà là một cơ hội để xây dựng hiệp ước với người đồng xứ khổ đau : Chúng ta bên nhau và đây là những lối ra – bằng mọi giá, tôi nguyện sẽ dẫn dắt anh tới bờ bên kia.

Tại thời điểm này trong kỳ nội trú, tôi đã có năng lực và kinh nghiệm hơn. Cuối cùng tôi đã có thể thở một chút, không còn phải gắng sức cầm cự cho cuộc sống của riêng mình. Giờ đây tôi chấp nhận mọi trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Tôi nghĩ về cha tôi. Là một sinh viên Y, Lucy và tôi đã chứng kiến những cuộc thăm bệnh của ông ở Kingman, quan sát khi ông mang tới sự dễ chịu và hài hước cho bệnh nhân của mình. Với một phụ nữ vừa hồi sức sau một liệu pháp tim: “Cô có đói không? Tôi mang gì cho cô ăn nhé?”.

“Gì cũng được”, cô nói. “Tôi chết đói mất.”

“À, tôm hùm và bít tết thì sao?” Ông nhấc điện thoại và gọi xuống trạm điều dưỡng. “Bệnh nhân của tôi cần tôm hùm và bít tết – ngay lập tức!” Quay trở lại cô, ông nói, kèm theo nụ cười: “Đang trên đường đến, nhưng nó có thể trông giống một cái bánh kẹp gà tây hơn đấy”.

Sự kết nối dễ dàng giữa người với người mà ông tạo ra, niềm tin ông truyền dẫn vào bệnh nhân là nguồn cảm hứng đối với tôi.

Một bệnh nhân ba mươi lăm tuổi ngồi trên giường bệnh phòng chăm sóc đặc biệt, tia hoảng hốt ánh trên mặt cô. Cô đang đi mua quà sinh nhật cho em gái thì lên cơn động kinh. Bản scan cho thấy một khối u lành trên não đang tạo áp lực lên thùy trán phải. Nói theo rủi ro phòng mổ thì đây là dạng khối u lành nhất, ở vị trí lý tưởng nhất; và một ca phẫu thuật chắc chắn có thể loại bỏ những cơn động kinh của cô. Một khả năng khác là cả đời sẽ phải gắn bó với thứ thuốc chống động kinh đầy độc tính. Nhưng tôi có thể thấy ý nghĩ về ca phẫu thuật não đang khiến cô khiếp đảm. Cô cô đơn trong chốn xa lạ, bị cuốn phăng đi khỏi những huyên náo quen thuộc nơi trung tâm mua sắm để tới phòng chăm sóc đặc biệt với những tiếng bíp và chuông reo kỳ quái cùng mùi thuốc khử trùng. Rất có khả năng cô sẽ từ chối phẫu thuật nếu tôi bắt đầu một bài diễn văn xa cách liệt kê tất cả những rủi ro và biến chứng. Tôi có thể làm vậy, nhập lại sự chối từ của cô vào bảng, coi như trách nhiệm của tôi đã hết và chuyển tới nhiệm vụ tiếp theo. Thay vì đó, với sự cho phép của cô, tôi mời gia đình cô đến và chúng tôi cùng nhau bình tĩnh thảo luận về những lựa chọn. Khi nói chuyện, tôi có thể thấy sự khủng khiếp về lựa chọn mà cô phải đối mặt đã thu nhỏ lại thành một quyết định khó khăn nhưng có thể chấp nhận được. Tôi đã gặp cô trong khoảng không gian mà cô là một con người chứ không phải một vấn đề cần giải quyết. Cô đã chọn phẫu thuật. Ca mổ tiến hành tốt đẹp. Cô về nhà ngay hai hôm sau và không bao giờ lên cơn động kinh nữa.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ