Một phán quyết. Trong đời tôi, tôi đã bao giờ phải đưa ra quyết định gì khó khăn hơn là lựa chọn giữa bánh kẹp bò nướng và bánh kẹp Reuben? Làm thế nào tôi có thể học được cách đưa ra những phán quyết như vậy và sống với nó? Tôi vẫn còn có rất nhiều bài học thực hành cần học, nhưng liệu chỉ kiến thức có là đủ khi mà sự sống và cái chết luôn cùng đặt trên bàn cân? Hiển nhiên, trí tuệ không thôi là chưa đủ mà còn cần có sự minh bạch về mặt đạo đức. Không hiểu sao, tôi buộc phải tin rằng tôi sẽ không chỉ thu được kiến thức mà cả sự thông thái nữa. Xét cho cùng, khi tôi bước vào bệnh viện một ngày trước, sinh và tử chỉ đơn thuần là một khái niệm xa xôi trừu tượng, vậy mà hiện tại, tôi đã thấy chúng thật gần. Có lẽ Pozzo của Beckerr đã đúng. Có lẽ sự sống chỉ là “chốc lát”, quá ngắn ngủi để xét đến. Nhưng sự tập trung của tôi sẽ phải dồn vào vai trò sắp tới, gắn bó mật thiết với chuyện khi-nào và thế-nào của cái chết – người đào mộ với một chiếc kẹp forcep.
Không lâu sau đó, đợt thực hành tại sản phụ khoa của tôi kết thúc. Ngay sau đó là tới giải phẫu học chuyên khoa u bướu. Mari, một người bạn học và tôi cùng chuyển phiên với nhau. Trong vài tuần, sau một đêm không ngủ, cô được phân đến hộ tá trong ca Whipple, một ca mổ phức tạp bao gồm sự tái sắp xếp các cơ quan khoang bụng để cắt bỏ ung thư tuy. Đây là dạng ca mổ mà sinh viên Y thường phải đứng yên – hoặc tốt hơn cả là lùi lại – trong 9 giờ đồng hồ liên tục. Nó được coi là một ca phẫu thuật hữu dụng nhất cho tôi nếu tôi được chọn hỗ trợ bởi tính phức tạp cực độ của nó – chỉ có bác sĩ nội trú chính mới được phép tham dự. Nó thực sự khó khăn, một bài kiểm tra tối thượng về kỹ năng của các bác sĩ ngoại tổng quát. Mười lăm phút sau khi ca mổ bắt đầu, tôi thấy Mari đang khóc trong hành lang. Bác sĩ mổ luôn bắt đầu bằng một Whipple với việc gắn vào đó một chiếc camera nhỏ qua đường rạch nhỏ xíu để theo dõi sự di căn vì ca mổ sẽ là vô ích và phải hủy bỏ nếu ung thư đã lan rộng. Khi đứng đó, chờ đợi trong phòng mổ với một ca phẫu thuật kéo dài tới 9 giờ ở phía trước, Mari đã thầm ước: con thật mệt – lạy Chúa, xin hãy tìm thấy gì đó. Quả đã thấy. Bệnh nhân bị khâu lại, cả quy trình bị hủy bỏ. Ban đầu là thở phào, sau đó là một nỗi xấu hổ sâu sắc giày vò. Mari bật khóc trong phòng mổ, cần một lời xưng tội và đã gặp tôi.
*
Năm thứ tư đại học, tôi phát hiện ra rất nhiều bạn bè cùng lớp đều lần lượt chọn chuyên khoa trong những lĩnh vực ít đòi hỏi (ví dụ như khoa X-quang, khoa da liễu) để đăng ký chương trình nội trú. Thấy kỳ lạ, tôi thu thập số liệu từ vài trường Y có tiếng và nhận thấy xu hướng tương tự: khi kết thúc đại học, hầu hết sinh viên đều nhắm tới các chuyên khoa về “lối sống” – những chuyên khoa với nhiều thời gian nhân văn hơn, lương cao hơn và ít áp lực hơn – chủ nghĩa lý tưởng trong những bài luận văn xin nhập học của họ dần chai lại hoặc mất hẳn. Khi thời điểm tốt nghiệp đến gần, theo truyền thống ở Yale, chúng tôi ngồi lại với nhau để viết lại lời thề cho lễ phát bằng. Chúng tôi cóp nhặt pha trộn lời lẽ của Hippocrates, Maimonides, Osler với vài vị thủy tổ vĩ đại khác của ngành y thuật. Mấy sinh viên tranh luận về việc cắt đi phần chúng tôi tuyên thệ phải đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên bản thân mình. (Hầu hết chúng tôi đều nhất trí không để cuộc thảo luận này kéo dài. Những từ đó được giữ lại. Đối với tôi, kiểu chủ nghĩa vị kỷ này giống như một sự phản đề và cần phải được xem như hoàn toàn có lý. Thực vậy, đây chính là cách mà chín mươi chín phần trăm con người lựa chọn công việc của họ: lương lậu, môi trường làm việc, thời gian. Nhưng vấn đề là ở chỗ. Đặt lối sống lên đầu là cách mà bạn kiếm tìm một công việc chứ không phải là tiếng gọi thôi thúc.
Với tôi, tôi chọn phẫu thuật thần kinh làm chuyên khoa của mình. Vốn đã dự tính khá lâu, lựa chọn này được tôi củng cố trong một đêm ở phòng mổ sau ca phẫu thuật. Tôi đã âm thầm thành kính lắng nghe bác sĩ phẫu thuật thần kinh nhi khi ông ngồi xuống bên cha mẹ của một đứa trẻ bị khối u não lớn nhập viện trong đêm đó vì những cơn đau đầu. Ông không chỉ chia sẻ những thông tin lâm sàng mà còn đề cập tới khía cạnh con người, thừa nhận tính bi đát của tình huống hiện tại đồng thời đưa ra hướng dẫn cho họ. Trên thực tế, mẹ cậu bé là một bác sĩ chuyên khoa X-quang. Khối u trông ác tính – người mẹ đã xem kỹ những bản scan và giờ cô ngồi trên chiếc ghế nhựa, tàn tạ dưới ánh đèn huỳnh quang.
“Claire,” vị bác sĩ phẫu thuật khẽ khàng mở lời.
“Nó có tệ như vậy thật không?” người mẹ ngắt lời, “Anh có nghĩ đó là ung thư không?”
“Tôi không biết. Điều tôi biết – cô cũng biết đấy – là cuộc đời của cô sắp sửa, mà thực ra là đã bắt đầu thay đổi. Đây sẽ là một đoạn đường dài, cô hiểu chứ? Các bạn phải ở bên cạnh nhau vì nhau, nhưng cũng cần phải nghỉ ngơi nếu cần thiết. Căn bệnh kiểu này có thể mang các bạn đến bên nhau nhưng cũng có thể chia rẽ các bạn. Hơn bất kỳ lúc nào, mọi người phải ở bên nhau. Tôi không muốn bất kỳ ai trong hai người thức cả đêm bên giường bệnh hoặc không chịu rời bệnh viện lấy một chút. Được chứ?”
Ông tiếp tục mô tả quy trình phẫu thuật dự tính, những hậu quả và khả năng có thể, quyết định nào cần phải đưa ra ngay tại thời điểm này, quyết định nào nên bắt đầu tính tới dù không khẩn cấp, và kiểu quyết định nào họ chưa cần phải quá lo lắng vội. Kết thúc cuộc trò chuyện, cả gia đình không hề thấy khuây khoả nhưng họ có vẻ sẵn sàng đối diện tương lai. Tôi đã quan sát khuôn mặt của hai người – ban đầu nhợt nhạt, vô tri, gần như thuộc về một thế giới khác – giờ đây sắc bén và tập trung. Và khi tôi ngồi đó, tôi nhận ra rằng những câu hỏi đan xen giữa sự sống, cái chết và ý nghĩa, những câu hỏi mà tất cả mọi người đều phải đối mặt tại thời điểm nào đó, thường nổi lên trong một tình huống y khoa. Trong những tình huống thực khi một khi ai đó đối mặt với các câu hỏi này, nó trở thành một bài tập sinh học và triết học cần thiết. Con người là những sinh vật đều phải chịu các định luật vật lý, bao gồm cả phần nói về entropy luôn tăng. Bệnh tật là những phân tử bất tuân; điều kiện tất yếu của sự sống là sự trao đổi chất; và cái chết là sự chấm dứt.
Dù mọi bác sĩ đều chữa bệnh, bác sĩ phẫu thuật thần kinh thì lại làm việc trong một lò tôi luyện nhân cách: như một điều tất yếu, mỗi ca mổ não là một sự thao tác trên cái thực thể của bản thể chúng ta và mỗi cuộc đối thoại với bệnh nhân trải qua phẫu thuật não đều phải đối diện với thực tế này. Thêm vào đó, đối với bệnh nhân và gia đình, phẫu thuật não là sự kiện bi thảm nhất mà họ từng phải đối mặt và nó có tác động như bất kỳ một biến cố lớn lao trong đời. Trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống. Liệu bạn có đánh đổi khả năng nói chuyện của bạn – hay của mẹ bạn – chỉ để sống thêm vài tháng câm lặng? Hay mở rộng điểm mù thị giác, đổi lại khả năng nhỏ về việc mắc xuất huyết não gây chết người có thể được loại trừ? Mất chức năng cánh tay phải để ngưng động kinh? Bạn sẽ chấp nhận để con mình gánh chịu bao nhiêu đau đớn về thần kinh trước khi thừa nhận cái chết là tốt hơn cả? Bởi vì, bộ não dàn xếp mọi trải nghiệm của chúng ta về thế giới, bất kỳ một vấn đề về phẫu thuật thần kinh nào cũng buộc bệnh nhân và gia đình, lý tưởng nhất là với sự dẫn dắt của bác sĩ, phải trả lời câu hỏi: Điều gì khiến cuộc đời đủ ý nghĩa để sống tiếp?
Tôi bị thúc ép bởi phẫu thuật thần kinh và đòi hỏi không khoan dung của nó đối với sự hoàn hảo; giống như ‘arete’ một khái niệm Hy Lạp cổ, tôi nghĩ, đức hạnh yêu cầu sự vượt trội cả về đạo đức, cảm xúc, tâm trí lẫn thể chất. Phẫu thuật thần kinh dường như mang đến sự đối diện trực tiếp và thử thách nhất với ý nghĩa, nhân diện và cái chết. Đi kèm với trách nhiệm khổng lồ mà họ phải gánh vác, những bác sĩ phẫu thuật thần kinh cũng là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác: phẫu thuật thần kinh, đơn vị chăm sóc đặc biệt, thần kinh học, X-quang học. Tôi nhận ra tôi sẽ không chỉ phải rèn luyện trí não và đôi bàn tay, tôi còn phải rèn luyện cặp mắt và có lẽ là các bộ phận cơ thể khác nữa. Ý nghĩ này lấn át và làm tôi si mê: có lẽ cả tôi nữa, tôi cũng có thể tham gia vào hàng ngũ những người đa năng, những người đã sải bước vào những bụi bờ dày đặc nhất của các vấn đề tinh thần, khoa học và cảm xúc, để tìm thấy hoặc chạm khắc ra một lối thoát.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Lucy và tôi, một cặp mới cưới tiến thẳng tới California để bắt đầu chương trình nội trú. Tôi ở Stanford, Lucy thì vẫn thẳng tiến trên con đường tại UCSF. Trường Y đã chính thức ở lại sau lưng chúng tôi – giờ thì những trách nhiệm thực đang đợi. Rất nhanh tôi kết thân với vài người bạn ở bệnh viện, đặc biệt là Victoria, đồng nội trú với tôi và Jeff, một bác sĩ nội trú về giải phẫu tổng quát có thâm niên hơn chúng tôi vài năm. Trong suốt bảy năm đào tạo kế tiếp, chúng tôi sẽ trưởng thành từ những chứng nhân của các bi kịch y học để trở thành nhân vật chính trong đó.
Một thực tập sinh trong năm đầu nội trú chỉ hơn nhân viên bàn giấy ở cái phông nền về sự sống và cái chết một chút. Dù vậy, khối lượng công việc vẫn vô cùng lớn. Ngày đầu tiên ở bệnh viện, bác sĩ trưởng nội trú nói với tôi, “Bác sĩ nội trú về phẫu thuật thần kinh không chỉ là những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất – chúng ta là những bác sĩ giỏi nhất của bệnh viện. Đó là mục tiêu của anh. Hãy khiến chúng tôi tự hào.” Ông chủ tịch, vọng qua phòng bệnh: “Lúc nào cũng ăn bằng tay trái. Anh cần phải học cách thuận cả hai tay.” Một trong những bác sĩ nội trú lâu năm: “Nhắc nhỏ cho cậu biết nhé – sếp vừa mới li dị, giai đoạn này ông ấy thực sự quăng mình vào công việc. Đừng có tán gẫu gì cả.” Một thực tập cũ thay vì hướng dẫn thì lại ném cho tôi một danh sách bốn mươi ba bệnh nhân: “Điều duy nhất tôi có thể nói cho cậu là: họ luôn có thể làm tổn thương cậu hơn nữa, nhưng họ không thể dừng thời gian lại được.” Rồi anh bỏ đi.
Tôi không rời bệnh viện trong hai ngày đầu tiên. Nhưng thời gian chỉ như một giờ làm việc khi đứng trước đống giấy tờ dài lê thê, giết thời gian và tưởng như bất khả thi. Tuy vậy, khi bạn làm việc tại bệnh viện, những giấy tờ bạn sắp xếp không chỉ là giấy tờ, chúng là những mảnh ghép của các câu chuyện tràn đầy mạo hiểm cùng chiến thắng. Như cậu bé Matthew tám tuổi, nhập viện vì những cơn đau đầu để rồi phát hiện ra cậu đã bị một khối u tiếp giáp khối dưới đồi. Vùng dưới đồi điều tiết những nhu cầu cơ bản của chúng ta: ngủ, đói, khát, ham muốn tình dục. Bất kỳ một khối u nào sót lại cũng có thể bắt Matthew phải chịu đựng một cuộc đời phụ thuộc vào phóng xạ, phẫu thuật hay ống thông não… tóm lại, nó sẽ ăn trọn tuổi thơ cậu. Loại bỏ hoàn toàn khối u có thể ngăn chặn điều đó, nhưng nguy cơ là phá huỷ vùng dưới đồi của cậu, biến cậu thành nô lệ của những thèm khát. Bác sĩ phẫu thuật phải làm việc, lồng một đèn nội soi nhỏ qua mũi Matthew và khoan thủng đáy sọ cậu. Khi đã vào trong, ông thấy được một mặt phẳng rõ và cắt bỏ khối u. Vài ngày sau, Matthew nhảy nhót quanh phòng bệnh, ăn trộm kẹo từ những y tá và sẵn sàng để về nhà. Tối hôm đó, tôi vui vẻ điền vào những trang dài bất tận trong hồ sơ ra viện của cậu.
Tôi để mất bệnh nhân đầu tiên vào thứ Ba.
Đó là một cụ bà tám mươi hai tuổi, nhỏ nhắn và thanh mảnh, khoẻ mạnh nhất ở khu Ngoại tổng quát nơi tôi thực tập một tháng. (Khi khám nghiệm tử thi, nhà nghiên cứu bệnh học đã phải choáng váng khi biết tuổi cụ: “Bà ấy có những bộ phận cơ thể của một người năm mươi tuổi!” Bà nhập viện vì bị táo bón do chứng tắc ruột nhẹ. Sau sáu ngày hy vọng đường ruột có thể tự gỡ rối, chúng tôi thực hiện một cuộc tiểu phẫu để xử lý. Khoảng 8 giờ tối thứ Hai, tôi rẽ qua để kiểm tra, và bà vẫn tỉnh táo, mọi việc đều ổn. Khi chúng tôi nói chuyện, tôi lôi từ trong túi ra một danh sách những công việc phải làm trong ngày và gạch đi dòng cuối cùng (theo dõi sau mổ, bà Harvey). Đã đến lúc về nhà và nghỉ ngơi.
Chừng quá nửa đêm, điện thoại reo. Bệnh nhân gặp sự cố. Thế là cảm giác thoả mãn về công việc mang tính thủ tục đột nhiên tan biến, tôi ngồi dậy và đưa ra chỉ thị: “Một lít LR, EKG truyền nhanh, X-quang ngực, ảnh tĩnh điện – tôi đang đến.” Tôi gọi cho bác sĩ chính, cô bảo tôi thêm vào các xét nghiệm và gọi lại khi nắm rõ tình hình hơn. Tôi tăng tốc tới bệnh viện và bắt gặp bà Harvey đang vật lộn để thở, nhịp tim tăng mạnh, truỵ huyết áp. Cho dù tôi có làm gì bà cũng không thể khá hơn; và vì tôi là thực tập khu ngoại tổng quát duy nhất có mặt, máy nhắn tin của tôi reo liên hồi với những cú tôi có thể xử lý (bệnh nhân cần thêm thuốc ngủ) và những cú tôi không thể (đứt vỡ phình động mạnh chủ trong phòng cấp cứu). Tôi đang chới với, giằng xé theo hàng ngàn hướng, mọi thứ vượt tầm kiểm soát và bà Harvey vẫn không có tiến triển. Tôi sắp xếp chuyển bà sang phòng chăm sóc đặc biệt, tại đó, chúng tôi bơm vào người bà đủ thứ thuốc và chất lỏng để giữ bà khỏi bàn tay tử thần. Suốt mấy tiếng sau đó, tôi chạy qua chạy lại giữa bệnh nhân đang doạ từ bỏ mạng sống ở phòng cấp cứu, và bệnh nhân đang có dấu hiệu chết dần trong phòng chăm sóc đặc biệt. Năm giờ bốn mươi lăm phút sáng, khi một bệnh nhân từ phòng cấp cứu được chuyển đến phòng mổ, bà Harvey vẫn khá ổn định. Bà cần tới mười hai lít dịch, hai đơn vị máu, một máy thở và ba máy tăng áp để có thể duy trì mạng sống.
Khi tôi rời bệnh viện vào lúc 5 giờ chiều tối thứ Ba, bà Harvey vẫn không khá lên – nhưng cũng không tệ đi. Lúc 7 giờ, chuông điện thoại reo: bà bị ngưng tim phổi và đội chăm sóc đặc biệt đang cố gắng thực hiện hồi sức tim phổi cho bà. Tôi lao đến bệnh viện và một lần nữa, bà vượt qua. Vừa vặn thoát chết. Lần này thay vì tạt về nhà, tôi ăn tạm bữa tối gần bệnh viện để đề phòng.
Vào 8 giờ, điện thoại lại reo: Bà Harvey đã chết.
Tôi về nhà để ngủ.
Tôi cảm thấy mình ở đâu đó giữa tức giận và buồn bã. Vì bất kỳ lý do gì, thì bà Harvey đã vượt qua được những mớ giấy tờ kia để trở thành bệnh nhân của tôi chứ không ai khác. Ngày sau đó, tôi tham dự quá trình khám nghiệm tử thi, quan sát các nhà bệnh lý học làm giải phẫu và cắt bỏ các bộ phận của bà. Tôi tự mình kiểm tra chúng, sờ vào chúng, kiểm tra những nút thắt tôi đã thắt trong ruột bà. Từ thời điểm đó, tôi đã quyết định đối xử với tất cả công việc giấy tờ của mình như những bệnh nhân thực thụ chứ không phải ngược lại.
Năm đầu tiên đó, tôi có thể thấy được phần của mình trong những cái chết. Đôi khi thấy nó khi lén nhìn đâu đó ngóc ngách, đôi khi bẽ bàng khi thấy nó ở ngay trong cùng phòng. Đây là một vài người mà tôi đã thấy họ ra đi:
Một ông nghiện rượu, mất khả năng đông máu, bị chảy máu tới chết ở những khớp xương và dưới da. Mỗi ngày, những vết bầm tím lan rộng. Trước khi hôn mê, ông ngước nhìn tôi và nói, “Thật không công bằng – tôi toàn pha rượu với nước cơ mà.”Một nhà nghiên cứu bệnh học, chết vì viêm phổi, khò khè từng hơi thở hấp hối trước khi được đưa đi khám nghiệm tử thi – chuyến đi cuối cùng của cô tới phòng bệnh lý học, nơi cô đã dành rất nhiều năm trong cuộc đời mình ở đó.Một người đàn ông làm tiểu phẫu thần kinh để trị chứng đau dây thần kinh trên mặt: một giọt nhỏ xi măng dạng lỏng được nhỏ dây thần kinh để giữ cho mạch máu khỏi tạo áp lực lên nó. Một tuần sau, ông bắt đầu đau dữ đội. Hầu như mọi xét nghiệm đã được thực hiện nhưng không có chẩn đoán nào được đưa ra.Hàng tá các trường hợp chấn thương đầu khác: tự tử, bị bắn súng, đánh nhau, tai nạn xe máy, đâm ô tô. Có cả một vụ bị nai sừng tấn công.Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồm ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đến ngạt thở. Đôi khi ở bệnh viện, tôi cảm thấy như mắc kẹt trong một mùa hè ở chốn rừng hoang vô tận, người sũng mồ hôi, những cơn mưa nước mắt của các gia đình có người thân bỏ mạng đang ào ào rơi xuống.