Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Phần 1 – Chương 2

Trong suốt quãng thời gian đại học, việc tu học tri thức về ý nghĩa con người thường mâu thuẫn với sự thôi thúc được tôi rèn và thắt chặt các mối quan hệ con người vốn tạo ra ý nghĩa đó. Nếu một cuộc đời không-được-xem-xét là không đáng sống, vậy cuộc đời không-sống có đáng xem xét hay không? Bước vào mùa hè năm thứ hai, tôi nộp đơn cho hai công việc: một là thực tập ở Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Yerkes, và hai là đầu bếp dự bị ở trại hè Sierra, một địa điểm nghỉ lễ gia đình cho các cựu sinh viên của Stanford nằm trên hai bên bờ nguyên sơ của hồ Fallen Leaf, tiếp giáp với vẻ đẹp hoang vu của Khu bảo tồn Desolation Wildeness trong Rừng Quốc gia Eldorado. Tờ in của trại hè hứa hẹn một mùa hè đẹp nhất trong cuộc đời bạn. Tôi khá ngạc nhiên và lấy làm hãnh diện vì mình được chọn. Dù vậy, tôi mới được biết rằng khi Macaque có một dạng văn hóa sơ khai và tôi rất háo hức đến Yerkes để xem điều gì có thể là cội nguồn tự nhiên của bản thân Ý nghĩa. Nói theo một cách khác, tôi chỉ có thể nghiên cứu về Ý nghĩa, hay là trải nghiệm nó.

Sau khi trì hoãn hết mức có thể, tôi cuối cùng đã chọn trại hè. Kế đó, tôi rẽ vào văn phòng giáo sư cố vấn sinh học để thông báo tin này. Khi tôi bước vào, ông đang ngồi bên bàn làm việc, chăm chú đọc tạp chí khoa học như thường lệ. Ông là mẫu người lặng lẽ kiệm lời, thân tình với đôi mắt nặng mi, vậy nhưng khi tôi nói về kế hoạch của mình, ông dường như biến thành một người hoàn toàn khác: đôi mắt trừng to, khuôn mặt ửng đỏ, vài tia nước bọt văng ra:

“Cái gì?” ông nói. “Khi trưởng thành, cậu định làm một nhà khoa học hay là một… đầu bếp?”

Cuối cùng học kì cũng đã kết thúc và tôi ở trên con đường núi đầy gió để tới trại hè, vẫn còn một chút lo lắng rằng tôi có lẽ đã phạm một sai lầm lớn. Dù vậy, nỗi nghi ngờ của tôi rất ngắn hạn. Trại hè quả đã đưa đến những gì nó hứa hẹn, tập trung vào những khúc đồng quê của tuổi trẻ: vẻ đẹp hiển hiện trên những cái hồ, ngọn núi, con người; đậm đà trong trải nghiệm, đối thoại và tình bạn. Những đêm trăng tròn, ánh sáng ngập tràn vùng hoang dã khiến ta có thể cuốc bộ mà không cần tới đèn đeo trên trán. Chúng tôi có thể ra đến đường mòn vào lúc 2 giờ sáng, chinh phục đỉnh gần nhất Mount Tallac ngay trước khi mặt trời mọc. Đêm sao trong trẻo phản xạ xuống những hồ nước phẳng lặng trải dài bên dưới chúng tôi. Cùng nhau rúc trong các túi ngủ trên đỉnh núi cao gần 3000 mét, chúng tôi chiến thắng những cơn gió lạnh lẽo bằng cốc cà phê mà ai đó đã cẩn thận mang theo. Và sau đó, chúng tôi cùng ngồi ngắm những tia nắng đầu tiên hiện ra, một nét sáng nhẹ của màu xanh ngày mới he hé từ chân trời phía tây, dần xóa đi những ngôi sao trên trời. Bầu trời buổi sáng rồi sẽ mở rộng và cao vợi, cho tới khi những tia nắng mặt trời đầu tiên xuất hiện. Người đi làm buổi sớm dần khuấy động những con đường South Lake Tahoe phía xa. Nhưng hãy rướn cổ ra phía sau, bạn sẽ thấy màu xanh ban mai tối sẫm lại giữa bầu trời, và về phía Tây, bóng đêm hãy còn chưa bị khuất phục – một màu đen hắc ín, những ngôi sao le lói chập chờn, trăng tròn vẫn đính trên bầu trời cao. Về phía đông, ánh sáng hoàn hảo của ban ngày chiếu rọi bạn; về phía tây, màn đêm ngự trị và chưa có dấu hiệu chịu thua. Không nhà triết học nào có thể giải thích cái siêu phàm tuyệt hơn khi đứng giữa ngày và đêm. Đây như thể chính là khoảnh khắc mà Chúa đã nói: “Hãy gieo ánh sáng!” Bạn không thể nào ngừng cảm thấy sự tồn tại mong manh như hạt bụi của chính mình trước những bao la rộng lớn của núi non, của trái đất, của vũ trụ nhưng vẫn cảm giác được đôi chân bằng xương bằng thịt xác nhận sự tồn tại của chính mình giữa những uy nghiêm.

Đó là một mùa hạ ở trại hè Sierra, có lẽ cũng không khác gì so với những trại hè khác, nhưng mỗi ngày đều tràn trề sức sống và những mối quan hệ đem đến ý nghĩa cho cuộc đời. Những đêm khác, nhóm chúng tôi ngồi trên sàn phòng ăn, nhấm nháp chút rượu whisky với phó giám đốc của trại hè, Mo, một cựu sinh viên Stanford đang nghỉ hè giữa chương trình tiến sĩ ngôn ngữ Anh, cùng bàn luận về văn học và những vấn đề có trọng lượng của quãng đời sau tuổi thanh niên. Năm sau đó, anh ta quay lại làm tiếp tiến sĩ, rồi thời gian sau, gửi cho tôi truyện ngắn đầu tay được xuất bản có kể sơ quãng thời gian chúng tôi ở cùng nhau:

“Đột nhiên, tôi biết tôi muốn gì. Tôi muốn những người phụ trách dựng lên một giàn thiêu… và thả tro cốt của tôi lẫn với cát bụi. Đánh rơi xương tôi giữa đám củi rề và răng tôi giữa đám bụi cát… Tôi không tin vào sự thông thái của con trẻ, cũng như sự thông thái của tuổi già. Có một khoảnh khắc, một điểm lùi, khi tổng hợp của tất cả trải nghiệm thu gom lại đều héo mòn đi bởi những vụn vặt đời thường. Chúng ta không bao giờ thông thái đuợc như khi chúng ta sống trong chính khoảnh khắc này.”

Quay trở lại trường học, tôi không thấy nhớ lũ khỉ chút nào. Cuộc sống trở nên phong phú và trọn vẹn. Trong suốt hai năm kế tiếp, tôi duy trì nó, tìm kiếm sự thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống của tâm trí. Tôi học văn học và triết học để hiểu được điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, học khoa học thần kinh và làm việc tại phòng thí nghiệm fMRI10 để hiểu được làm thế nào mà não bộ có thể tạo ra một cơ thể sống có khả năng tìm kiếm ý nghĩa trên thế giới này, và đồng thời làm phong phú hơn mối quan hệ của bản thân với những người bạn thân thiết qua nhiều cuộc phiêu lưu phóng túng. Chúng tôi đột kích nhà ăn trong trang phục người Mông Cổ; tạo ra một hội nhóm giả, kết thúc bằng những sự kiện nhập môn giả trong căn hộ ở chung; làm dáng chụp ảnh trong bộ đồ con khỉ đột trước cổng điện Buckingham; đột nhập Nhà thờ Tưởng niệm vào giữa đêm chỉ để nằm xuống và lắng nghe âm vọng của tiếng mình trong giáo đường… (Sau đó tôi phát hiện ra Virginia Woolf có lần lên con tàu chiến trong trang phục của hoàng thân xứ Abyssinia, và đã bị trừng trị một cách thích đáng, chúng tôi ngừng huênh hoang về mấy trò ranh mãnh của mình.)

Vào năm cuối đại học, trong một trong những buổi học cuối cùng về Khoa học thần kinh và Đạo đức, chúng tôi đã đến thăm viện chăm sóc những người bị tổn thương não bộ nặng nề. Bước vào đại sảnh tiếp tân, chào đón chúng tôi là những tiếng rền rỉ thê lương. Người hướng dẫn chúng tôi, một phụ nữ thân thiện trạc ba mươi tuổi đang tự giới thiệu với nhóm, nhưng ánh mắt tôi vẫn không ngừng tìm kiếm nguồn cơn của tiếng động đó. Phía sau bàn tiếp tân là một chiếc tivi lớn đang chiếu chương trình truyền hình dài tập được đặt chế độ tắt tiếng. Trên màn hình tràn ngập hình ảnh một người phụ nữ da ngăm đen có mái tóc chải chuốt, đầu rung nhẹ vì xúc động, choán cả màn hình khi cô van nài ai đó đằng sau ống kính. Zoom về xa hơn chút, và hẳn là anh người tình hàm vuông, giọng thô ráp của cô, họ ôm nhau thắm thiết. Tiếng rền rĩ vút cao. Tôi bước gần hơn để nhòm vào quầy tiếp tân, và ở đó, trên tấm thảm màu lam ngay trước màn hình tivi là một phụ nữ trẻ trong bộ váy hoa đơn giản, có vẻ chừng hai mươi. Đôi bàn tay nắm chặt, ấn mạnh vào mắt, lắc mạnh từ trước ra sau, rền rĩ, và rền rĩ. Khi cô lắc lư, tôi thoáng thấy phía sau đầu ở khoảnh tóc rụng là một mảng da lớn lợt lạt.

Tôi lùi lại hòa vào nhóm bạn đang chuẩn bị đi dạo quanh viện. Nói chuyện với người hướng dẫn, tôi được biết rằng rất nhiều người trú tại đây đã suýt chết đuối khi còn nhỏ. Nhìn xung quanh, tôi không nhận thấy có vị khách ghé thăm nào ngoài chúng tôi. Điều này có phổ biến không? Tôi hỏi.

Người hướng dẫn cho biết ban đầu người nhà sẽ tới thăm thường xuyên, hàng ngày hoặc thậm chí hai lần một ngày. Sau đó có lẽ là hai ngày một lần. Rồi chỉ vào cuối tuần. Sau vài tháng hoặc vài năm, những cuộc thăm viếng dần biến mất cho đến khi chỉ còn rút lại vào các dịp sinh nhật và Giáng sinh. Cuối cùng, đa số gia đình đều chuyển nhà đi, càng xa càng tốt.

“Tôi không trách họ,” cô nói. “Rất khó để có thể quan tâm đến lũ trẻ.”

Cơn thịnh nộ nổi sóng trong tôi. Khó? Đương nhiên là khó khăn, nhưng làm sao mà cha mẹ có thể bỏ rơi những đứa trẻ này? Trong một căn phòng, bệnh nhân nằm trong cũi gần như bất động, thành những hàng thẳng tắp hệt như quân lính trong trại. Tôi bước xuống một hàng cho tới khi mắt chạm mắt với ai đó. Cô bé tầm mười chín đôi mươi với mái tóc rối đen. Tôi dừng lại và cố mỉm cười với cô bé thể hiện sự quan tâm. Tôi nắm một tay cô bé; mềm rũ. Nhưng cô phát ra âm thanh khùng khục, nhìn thẳng vào tôi, và mỉm cười.

“Tôi nghĩ cô bé đang cười,” tôi nói với người chăm sóc.

“Có thể,” bà nói. “Nhưng đôi khi rất khó nói.”

Tôi chắc chắn là vậy. Có bé đã mỉm cười. Khi chúng tôi quay trở lại trường, tôi là người cuối cùng rời phòng cùng với giáo sư. “Cậu thấy sao?” ông hỏi.

Tôi bộc lộ thẳng thắn rằng mình không thể tin được việc cha mẹ lại có thể bỏ rơi những đứa trẻ đáng thương này và chuyện một đứa trẻ trong số đó thậm chí đã cười với tôi.

Giáo sư là một người thầy thông thái, một người có suy nghĩ sâu sắc về điểm giao nhau giữa khoa học và đạo đức. Tôi hy vọng ông đồng ý với mình.

“Đúng,” ông nói. “Tốt. Nhưng đôi khi, cậu biết đấy, tôi nghĩ giá kể họ chết đi sẽ tốt hơn.”

Tôi chộp lấy túi xách và bỏ đi.

Chẳng phải cô bé đã cười hay sao?

 

Chỉ đến sau này tôi mới nhận ra chuyến đi đó đã bổ sung một phương chiều mới cho hiểu biết của tôi về thực tế rằng não bộ đưa đến cho chúng ta khả năng tạo dựng các mối quan hệ và khiến cuộc sống có ý nghĩa. Đôi khi, chúng cũng phá vỡ nó.

*

Khi lễ tốt nghiệp dần đến, tôi có một cảm giác rầy rà rằng vẫn còn quá nhiều thứ chưa thể giải quyết được, rằng tôi vẫn chưa học xong. Tôi đăng kí học chương trình Thạc sĩ Văn học Anh ở Stanford và được nhận. Tôi đã dần coi ngôn ngữ như một năng lực gần như siêu nhiên tồn tại giữa người với người, mang bộ não được bọc kín trong vỏ sọ dày cả centimet của chúng ta đi tới chỗ giao tiếp được. Một từ ngữ nào đó, chỉ có nghĩa giữa con người với nhau, và ý nghĩa của cuộc sống, đức hạnh của nó, luôn là gì đó liên quan đến chiều sâu của các mối quan hệ chúng ta kết thành. Chính khía cạnh quan hệ của con người – nghĩa là “tính chất quan hệ giữa người với người” – đã củng cố cho Ý nghĩa. Nhưng đôi khi, quá trình này tồn tại trong não bộ và cơ thể, làm theo các mệnh lệnh sinh lý của riêng chúng, dễ suy kiệt và thất bại. Tôi nghĩ, hẳn ngôn ngữ của cuộc sống như đã trải nghiệm – về đam mê, về ham muốn, về tình yêu – có liên quan nào đó, dù bện xoắn cỡ nào – với ngôn ngữ của nơron thần kinh, đường tiêu hóa và nhịp đập tim.

Tại Stanford, tôi rất may mắn được học cùng Richard Rorty, người mà có khi là nhà triết học vĩ đại nhất thời ông. Dưới sự chỉ bảo của thầy, tôi bắt đầu coi tất cả các bộ môn giống như việc sáng tạo ra vốn từ vựng, một tập hợp những công cụ nhằm tìm hiểu cuộc sống con người theo một cách riêng nào đó. Những tác phẩm văn học vĩ đại mang đến tập hợp công cụ của riêng chúng, thúc ép người đọc phải sử dụng vốn từ đó. Để làm đồ án tốt nghiệp, tôi nghiên cứu tác phẩm của Walt Whitman – nhà thơ mà một thế kỉ trước đau đáu với cùng những câu hỏi hiện đang ám ảnh tôi, người đã muốn tìm ra cách để hiểu và mô tả cái ông gọi là “Con người Sinh lý-Tinh thần.”

Sau khi hoàn thành đồ án, tôi chỉ có thể kết luận rằng Whitman không hề may mắn hơn tất cả chúng ta trong việc xây dựng một vốn từ “sinh lý-tinh thần” mạch lạc, nhưng ít nhất cái cách mà ông thất bại thật rạng rỡ. Tôi cũng ngày càng chắc chắn rằng mình còn rất ít hứng thú để tiếp tục nghiên cứu văn học nơi tôi bắt đầu có ấn tượng rằng những trọng tâm của nó có quá nhiều tính chính trị và thường chống đối khoa học. Một trong những thầy hướng dẫn luận văn đã nhận xét rằng để tìm được một cộng đồng cho riêng tôi trong giới văn học có thể sẽ rất khó khăn, bởi vì đa số tiến sĩ Anh ngữ đều phản ứng với khoa học, theo cách mà ông nói thì, “như khỉ thấy lửa vậy, hoàn toàn sợ hãi.” Tôi không chắc cuộc đời mình sẽ đi đến đâu. Luận văn của tôi – “Whitman và sự Y khoa hóa Tính cách” – được ủng hộ nhiệt thành, nhưng nó không chính thống vì trong nội dung của nó, hàm lượng lịch sử tâm thần học và khoa học thần kinh cũng ngang bằng với hàm lượng phê bình văn học. Nó không phù hợp lắm với khoa Anh ngữ. Tôi không phù hợp lắm với khoa Anh ngữ.

Vài người bạn đại học thân nhất của tôi đã chuyển đến New York để theo đuổi cuộc đời nghệ thuật – một số tham gia hài kịch, số khác theo báo chí và truyền hình – và tôi thoáng tính tới việc tham gia cùng họ, bắt đầu lại từ đầu. Nhưng tôi vẫn không thể buông mình ra khỏi câu hỏi: Sinh học, đạo đức, văn học và triết học giao nhau ở đâu? Trở về nhà sau một trận bóng bầu dục chiều nọ, gió thu nhè nhẹ thổi, tôi để mặc cho trí óc lang thang. Tiếng Augustine trong vườn ra lệnh, “Lấy sách và đọc đi,” nhưng thứ mệnh lệnh rơi vào tai tôi thì ngược lại: “Dẹp đống sách đó và học y đi.” Đột nhiên, mọi thứ trở nên rõ ràng. Dù rằng – mà có lẽ là chính bởi vì – cha tôi, bác tôi và anh trai đều là bác sĩ, cho nên đối với tôi, y học chưa từng được coi như sự lựa chọn nghiêm túc. Nhưng chẳng phải chính Whitman đã từng viết rằng chỉ có những bác sĩ mới thực sự hiểu được “Con người Sinh lý-Tinh thần” đó sao?

Ngày kế tiếp, tôi tới tham khảo ý kiến một thầy hướng dẫn ngành y với mục đích xem xét khả năng này. Để sẵn sàng cho trường Y cần tới một năm học lý thuyết với cường độ cao, cộng thêm thời gian đăng kí xin học sẽ mất thêm mười tám tháng nữa. Điều đó có nghĩa là để mặc bạn bè tôi tới New York thắt chặt thêm những mối quan hệ mà không có tôi. Điều đó cũng có nghĩa là dẹp Văn học sang một bên. Nhưng nó mang tới cho tôi một cơ hội để tìm thấy câu trả lời không có trong sách vở, để tìm được một hình thức cao siêu khác, để rèn giũa mối quan hệ với những người thống khổ, và để tiếp tục theo đuổi câu hỏi về điều gì khiến cuộc đời có ý nghĩa, thậm chí ngay cả khi đối mặt với cái chết và ruỗng mục.

Tôi bắt đầu lặn lội qua những khóa học cần thiết để chuẩn bị cho trường Y, thu nhập các tài liệu hóa học và vật lý. Không muốn làm công việc bán thời gian – vì nó làm chậm tiến độ học hành của tôi – mà lại cũng không có đủ tiền để thuê nhà ở Palo Alto, tôi tìm thấy một ô cửa sổ không khóa ở một ký túc không người và trèo vào. Sau vài tuần chiếm dụng, tôi bị người quản lý bắt quả tang, mà người này hóa ra lại là một người bạn của tôi. Cô cho tôi chìa khóa vào phòng kèm theo mấy lời cảnh báo hữu ích, ví dụ như khi nào trại hè của đội cổ vũ nữ của một trường cấp ba sẽ tới. Nghĩ rằng tốt hơn là nên tránh việc bị coi là kẻ lạm dụng tình dục (căn cứ theo đăng kí tạm trú), tôi gói ghém một chiếc lều, vài quyển sách và hộp ngũ cốc, đi thẳng tới Tohoe cho tới thời điểm an toàn để quay lại.

Bởi vì quy trình tuyển sinh vào trường Y mất khoảng mười tám tháng, cho nên khi kết thúc mọi chương trình học, tôi có một năm tự do. Vài giáo sư gợi ý tôi học lấy bằng lịch sử và triết học khoa học y học trước khi quyết định rời hẳn khỏi môi trường hàn lâm. Do vậy tôi nộp hồ sơ vào chương trình Lịch sử và Triết học Khoa học của Cambridge và được nhận. Cả năm kế tiếp tôi tham gia các lớp học vùng ngoại ô nước Anh, và ở đó, tôi thấy mình không ngừng tranh luận rằng những trải nghiệm trực tiếp đối với các câu hỏi về cuộc-đời-và-cái-chết là rất cần thiết để đưa ra được những ý kiến đạo đức có giá trị về chúng. Lời nói bắt đầu có cảm giác vô trọng lượng giống như hơi thở đang mang chúng. Lùi lại vài bước, tôi nhận ra rằng, mình mới chỉ đang khẳng định lại những gì vốn đã biết: tôi muốn có được trải nghiệm trực tiếp đó. Chỉ làm việc trong ngành Y tôi mới có thể theo đuổi triết sinh học một cách nghiêm túc. Những suy xét đạo đức mới thật bé nhỏ làm sao khi so với các hành động đạo đức. Tôi kết thúc văn bằng và tiến thẳng về Mỹ. Tôi đến Yale để học Y khoa.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ