Oguri, ngài tổng biên tập, nhíu mày nghe Asakawa báo cáo. Ông ta đang nhớ lại hình ảnh của Asakawa hai năm về trước. Giống như một kẻ bị ma làm, gã ngồi lỳ trước máy đánh chữ từ sáng đến tối để viết về tiểu sử của Tổ sư Kageyama Shoko từ những tư liệu thu thập được. Cái vẻ bất bình thường ấy của gã khiến Oguri thực sự muốn đưa gã đến một vị bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Cái không may là sự trùng hợp về thời điểm. Hai năm trước, sự bùng nổ về những câu chuyện siêu nhiên huyền bí xưa nay chưa từng có đã nuốt chửng cả giới xuất bản, những bức ảnh ma chất dày như núi trong phòng biên tập. Hàng đống của rởm dán mác chuyện ma và ảnh ma được gửi đến tất cả các hãng xuất bản, tới mức khiến người ta phải nghĩ rằng chẳng biết thế gian này rồi sẽ ra sao.
Ngay cả Oguri, vốn vẫn tự hào về khả năng giải mã những bí ẩn của thế giới, cũng không thể nào tìm thấy câu trả lời khả dĩ cho hiện tượng đó. Số lượng người gửi bài tăng chóng mặt, theo cái cách chưa từng được ghi nhận từ trước tới nay.
Chẳng phải khoa ngôn nếu nói rằng lượng bưu phẩm gửi đến trong một ngày đủ để lấp kín cả phòng biên tập, hơn nữa lại toàn những chuyện ma quái. Không chỉ toà soạn của báo M. là nạn nhân, các hãng xuất bản trên khắp nước Nhật cũng cùng lúc bị cuốn theo cơn lốc đó, họ tối tăm mặt mũi với cái hiện tượng vượt ra ngoài tầm hiểu biết kia.
Chấp nhận mất trắng thời gian, họ tiến hành điều tra và nhận ra rằng không ai trong số những người gửi bài gửi nhiều hơn một bức thư, và đương nhiên, hầu hết là thư nặc danh. Chỉ cần làm một phép tính nhanh cũng có thể thấy rằng đã có khoảng mười triệu người cùng gửi bài tới tất cả các hãng xuất bản trong thời gian đó. Mười triệu! Một con số khiến giới xuất bản rùng mình. Nội dung những bài viết không đáng sợ đến vậy, mà chính con số kia mới làm người ta phải vã mồ hôi.
Nghĩa là, cứ mười người thì có một người gửi bài, nhưng tìm đâu cũng không ra một người như thế trong giới làm xuất bản, cũng như người thân hay bạn bè của họ. Vậy thì chuyện là thế nào? Núi thư từ kia từ đâu tới? Các biên tập viên đều bóp trán. Và mọi sự qua đi trong khi vẫn chưa tìm ra lời giải. Cứ như một giấc mơ, phòng biên tập trở lại yên ổn sau gần nửa năm sống trong bầu không khí bất thường. Rồi thì chẳng còn bức thư nào như thế được gửi tới nữa.
Là người đứng đầu tờ tuần san của toà soạn báo, Oguri buộc phải có một thái độ rõ ràng về cách xử trí với hiện tượng này. Kết luận mà ông đưa ra là bỏ qua tất cả. Rất có thể kẻ châm ngòi cho hiện tượng này là một tờ tạp chí, mà Oguri vẫn thường chê là lá cải. Và việc xảy ra sự thể bất thường ấy chẳng qua là hậu quả của lối chèo kéo độc giả gửi bài bằng cách cho đăng những bức ảnh và những câu chuyện nghe được ở đâu đó. Tất nhiên, Oguri biết rằng cách giải thích như thế chả thuyết phục được ai. Nhưng Oguri vẫn phải đưa ra một lập luận thật hợp lý để giải quyết vụ này.
Kể từ ấy, biên tập viên dưới quyền Oguri bị buộc phải mang các bưu phẩm được gửi đến, vẫn gói kín, đi hủy ở lò đốt. Đối với bên ngoài, ông ta tỏ thái độ như chưa từng có gì xảy ra, và tất nhiên, quyết định đóng cửa và làm ngơ với mọi thứ có liên quan tới chuyện thần bí. Có thể nhờ vậy mà cơn sốt gửi bài vô tiền khoáng hậu cũng dần dịu bớt. Thế mà đúng lúc ấy, Asakawa ngu xuẩn lại theo đuổi một hành vi chẳng khác nào đổ dầu vào ngọn lửa đang sắp tắt. Oguri chòng chọc nhìn vào mặt Asakawa.
… Không lẽ hắn muốn nếm lại vị đắng hai năm trước?
– Này ông.
Mỗi khi không biết phải nói gì, bao giờ Oguri cũng gọi người đối diện là “này ông”.
– Tôi thừa biết tổng biên tập đang nghĩ gì rồi.
– Sao nào? Hay thì hay đấy, nhưng rồi ai biết sẽ lòi ra chuyện quái quỷ gì. Mà này, cậu chưa quên cái vụ lần trước chứ, lại là nó nữa thì tôi đi đời.
Lần trước… Oguri vẫn tin rằng cơn sốt chuyện thần bí hai năm trước là do một kẻ nào đó cố ý gây nên. Những chuyện thần bí đã khiến Oguri vô cùng khốn đốn, vì vậy ông ta căm ghét chúng và định kiến về chúng.
– Không, tôi không định đề cập đến tính thần bí. Tôi chỉ muốn nói rằng trên đời này không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế mà thôi.
– Ngẫu nhiên…
Oguri chống tay lên má và một lần nữa sắp xếp lại câu chuyện.
… Oishi Tomoko, cháu gái gọi vợ Asakawa bằng dì, chết tại nhà riêng ở Honmonku lúc mười một giờ đêm ngày mùng 5 tháng Chín. Nguyên nhân được xác định là do suy tim cấp tính. Trong khi cô bé mới mười bảy tuổi và là học sinh năm thứ ba trung học. Cùng giờ đó, ngày đó, ở trước cửa ga JR Shinagawa, một cậu học sinh trường dự bị, mười chín tuổi, cũng chết do nhồi máu cơ tim trong lúc đang ngồi trên môtô chờ đèn đỏ.
– Tôi thì chỉ thấy đây đơn giản là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chẳng qua vì cậu vô tình nhớ lại cái chết của cô cháu vợ lúc nghe câu chuyện của tay tài xế taxi kia thôi.
– Thưa tổng biên tập. – Asakawa gây sự chú ý của Oguri. – Tôi chỉ muốn lưu ý rằng cậu thanh niên đi trên chiếc môtô trước lúc chết đã cố vật lộn để gỡ cái mũ đó ra.
– Thế thì sao?
– Lúc phát hiện ra xác Tomoko, người ta thấy trên các ngón tay của nó quấn đầy tóc, hẳn là nó đã tự vò bứt đầu mình.
Asakawa có gặp Tomoko một vài lần. Cô bé thật đúng là nữ sinh trung học, lúc nào cũng chăm chút cho mái tóc và chưa bao giờ quên gội đầu vào buổi sáng. Một cô gái như thế có lẽ nào lại tự dứt ngần ấy những lọn tóc quý giá của mình đi? Gã không biết chân tướng của cái đã khiến cô bé phải làm như vậy. Mỗi lần nghĩ tới cảnh tượng Tomoko đang gắng hết sức để rứt đứt những sợi tóc của mình, Asakawa lại hình dung ra cái bóng của một thứ không thể nhìn thấy.
– Chả biết ra sao nữa. Mà này ông tướng, có thể ông suy diễn quá rồi đấy. Nếu cố lục tìm thì vụ án nào chả có những tình tiết giống nhau. Hai nạn nhân đều chết vì bệnh tim kịch phát phải không nào? Vậy thì đương nhiên là đau đớn rồi. Nên hành động vò đầu hay cố gắng cởi mũ bảo hiểm ra, tưởng là lạ, nhưng lại rất hợp lẽ thường.
Mặc cho trong bụng thừa nhận là có khả năng đó, Asakawa vẫn lắc đầu. Gã không thể để bị thuyết phục dễ dàng như vậy.
– Nhưng thưa tổng biên tập, nếu là tim thì sẽ đau ở ngực, tại sao lại vò đầu?
– Thế cậu đã bị trụy tim cấp bao giờ chưa?
– Dạ chưa…
– Thế đã hỏi bác sĩ chưa?
– Hỏi gì cơ ạ?
– Hỏi xem những người bị trụy tim cấp có vò đầu không.
Asakawa đành im lặng. Thực ra gã đã hỏi. Và gã được trả lời rằng: “Cũng có thể có những hiện tượng như vậy. Còn trường hợp ngược lại thì nhiều, nghĩa là khi người ta bị đau đầu do xuất huyết dưới màng nhện hoặc xuất huyết não, người ta đồng thời cũng thấy khó chịu ở vùng bụng.” Một câu trả lời nước đôi.
– Tóm lại là mỗi người sẽ phản ứng khác nhau trước cùng một sự việc. Khi không giải được một bài toán, có người sẽ vò đầu, còn người khác sẽ hút thuốc. Chưa biết chừng có kẻ còn ôm bụng.
Oguri vừa nói vừa xoay tròn chiếc ghế đang ngồi.
– Thôi, tóm lại là chưa thể kết luận gì vào lúc này. Không có chỗ cho bài của cậu đâu đấy. Rõ chưa nào? Cậu chưa quên bài học hai năm trước chứ. Dính dáng vào những chuyện kiểu ấy không thể bất cẩn được. Cậu muốn viết thì cứ việc mà viết thôi.
Rất có thể là như vậy. Rất có thể đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên đúng như lời của tổng biên tập. Nhưng lý giải sao cái nghiêng đầu nghĩ ngợi của vị bác sĩ vào lúc cuối? Đáp lại câu hỏi của gã rằng, người ta có rứt tóc mình một tiếng không rõ ràng. Nét mặt ấy nói lên rằng, ít nhất thì trong các bệnh nhân mà ông ta đã từng khám chưa có ca nào như thế.
– Tôi hiểu.
Lúc này, gã chỉ còn cách ngoan ngoãn thu binh. Khó mà có thể thuyết phục nổi tổng biên tập nếu không tìm thấy mối liên hệ khách quan giữa hai vụ tai nạn. Nếu không tìm ra, chừng ấy ta sẽ im lặng rút lui, Asakawa quyết định như thế.