Khi Hơi Thở Hoá Thinh Không - Lời bạt

– LUCY KALANITHI

Người thương, anh để lại cho em hai di sản,Một về tình yêuĐức Chúa Trời sẽ vô cùng mãn nguyệnNếu là Cha, người được kính dâng; Anh để lại cho em bến bờ đau khổBao la như biển cả,Giữa vĩnh hằng và thời gianGiữa tâm thức anh, và em- EMILY DicKINSON

 

 

Paul mất vào thứ Hai, ngày mùng 9 tháng Ba năm 2015, bên cạnh gia đình, trên chiếc giường bệnh chỉ cách phòng sinh đẻ nơi con gái Cady của chúng tôi chào đời tám tháng trước đó chưa đầy 200m. Trong khoảng thời gian giữa ngày sinh của Cady và ngày mất của Paul, nếu bạn bắt gặp chúng tôi đang ngồi gặm sườn nướng tại một nhà hàng BBQ địa phương và mỉm cười bên ly bia uống chung, bên cạnh là cô gái nhỏ tóc tối màu với hàng mi dài nằm trên xe đẩy, bạn sẽ không bao giờ đoán được rằng cuộc sống của Paul chỉ còn chưa đầy một năm nữa, và chúng tôi cũng không hiểu được điều đó.

Đó là dịp Giáng sinh đầu tiên của Cady, khi cô bé được năm tháng tuổi, căn bệnh ung thư của Paul bắt đầu kháng lại dòng thuốc thứ ba sau khi Tarceva và hóa trị không còn tác dụng. Bữa ăn dặm đầu tiên của Cady là vào mùa lễ. Ấm áp trong bộ pyjama sọc kẹo, cô bé nhấm nháp khoai lang nghiền khi cả gia đình chúng tôi cùng tụ tập tại ngôi nhà thuở thơ ấu của Paul ở Kingman, Arizoma. Không gian rạng ngời trong ánh nến và tiếng trò chuyện râm ran. Sức khỏe của anh ấy sụt giảm trong các tháng kế tiếp, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tận hưởng những giây phút vui vẻ ngay giữa nỗi đau buồn. Chúng tôi tổ chức các bữa tiệc tối ấm cúng, ôm nhau hằng đêm, và hạnh phúc trong đôi mắt sáng ngời của con gái cũng như thiên nhiên yên ả. Và dĩ nhiên Paul vẫn viết, khi ngả người trên chiếc ghế dựa và cuốn mình trong chiếc chăn lông cừu ấm áp. Những tháng cuối đời mình, anh chỉ tập trung vào một việc duy nhất là hoàn thành cuốn sách.

Đông qua xuân tới, khi những đóa mộc lan bên nhà hàng xóm nở hồng rực rỡ, sức khỏe của Paul giảm sút nhanh chóng. Tới cuối tháng Hai, anh cần cung cấp oxy để có thể thở được một cách dễ chịu. Bữa trưa không đụng tới ném đè trên buổi sáng, để rồi vài tiếng sau lại tiếp chồng bởi bữa tối, trong thùng rác. Anh thường thích bánh kẹp tôi làm cho bữa sáng – trứng, xúc xích và phô mai cuộn – nhưng do mất dần vị giác, chúng tôi chuyển sang trứng và bánh mì nướng, sau đó là chỉ trứng, cho đến khi ngay cả vậy thôi cũng trở nên quá sức. Thậm chí là món sinh tố yêu thích của anh, nguồn calo tôi cố làm đầy trong cốc, cũng chẳng ngon lành gì.

Giờ ngủ tới sớm hơn, giọng Paul líu nhíu từng đoạn, sau đó là những trận nôn mửa không ngừng. Bản chụp CT và MRI não bộ khẳng định lại tình trạng ung thư xấu dần ở phổi cũng như những khối u mới trên não, bao gồm cả ung thư màng não, một sự thâm nhiễm hiếm gặp và chết người mang theo sự dự đoán về vài tháng còn lại cùng với cái bóng ảm đạm của sự suy giảm thần kinh nhanh chóng. Tin này khiến Paul suy sụp. Anh nói ít, nhưng là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, anh hiểu điều gì phía trước. Cho dù Paul đã chấp nhận tuổi đời giới hạn của mình, sự suy giảm thần kinh là một dạng tàn phá mới – cái viễn cảnh về việc đánh mất Ý nghĩa và Khả năng thật khổ sở. Chúng tôi bàn bạc với bác sĩ ung thư của Paul về ưu tiên hàng đầu hiện tại: duy trì sự sắc bén của anh lâu hết mức có thể. Chúng tôi sắp xếp tham gia một cuộc thử nghiệm lâm sàng, tham vấn chuyên gia u bướu thần kinh và tới thăm nhóm chăm sóc giảm đau của ông để thảo luận về các phương án nghỉ dưỡng, tất cả chỉ để tối đa hóa chất lượng của khoảng thời gian còn lại của Paul. Dù bắt mình phải cứng rắn, trái tim tôi vẫn như vỡ tan khi mường tượng những gì anh phải chịu, lo lắng rằng biết đâu anh chỉ còn lại vài tuần. Tôi hình dung ra lễ tang của Paul khi chúng tôi nắm tay nhau. Tôi đã không hề biết Paul ra đi chỉ vài ngày sau đó.

Ngày thứ Bảy cuối cùng của Paul, chúng tôi ở bên gia đình trong phòng khách tại nhà, Paul ôm Cady trên chiếc ghế bành, cha anh ngồi trên ghế cho bú của tôi, mẹ anh và tôi ngồi ở sofa gần đó. Paul hát cho Cady và rung bé nhẹ nhàng trên đùi. Cô bé cười rạng rỡ, không buồn để ý tới dây truyền oxy trên mũi cha. Thế giới của anh trở nên nhỏ lại. Tôi từ chối mọi khách thăm không phải người thân trong gia đình. Paul nói với tôi: “Anh muốn tất cả mọi người biết rằng dù anh không gặp họ, anh vẫn yêu mến họ. Anh trân quý những tình bạn, và thêm một cốc Ardbeg cũng chẳng thay đổi điều này.” Paul không viết thêm gì hôm đó. Bản thảo cho cuốn sách mới chỉ hoàn thành một phần, và Paul biết rằng anh khó có khả năng kết thúc – khó có khả năng có được sức chịu đựng, sự thông tỏ, và thời gian.

Để chuẩn bị cho đợt thử nghiệm lâm sàng, Paul dừng uống các loại thuốc viên điều trị đích hằng ngày, nay đã vô tác dụng trong việc kiểm soát ung thư như trên người anh. Có một rủi ro rằng căn bệnh ung thư sẽ tiến triển nhanh chóng hoặc “bùng lên”, ngay sau khi anh dừng điều trị. Do đó, bác sĩ ung thư của Paul đã hướng dẫn tôi ghi  hình một hoạt động lập lại hằng ngày của anh để theo dõi bất kỳ một sự thiếu hụt nào trong ngôn ngữ hay dáng đi. “Tháng Tư là tháng ác nghiệt nhất,” Paul đọc to trong phòng khách vào ngày thứ Bảy mà tôi quay phim. Anh chọn bài hát Đất hoang của T.S Eliot làm bài đọc . “Lẫn  lộn ký ức và đam mê, đầy xúc động! Những  rễ vô tri cùng với mưa xuân.” Cả gia đình chúng tôi cười khúc khích khi thấy anh đặt úp cuốn sách trên đùi, khăng khăng đọc lại từ trí nhớ dù đó không phải là một bài tập bắt buộc.

“Thật đúng là nó!” mẹ nói và mỉm cười.

Ngày hôm sau, Chủ nhật, chúng tôi đã hy vọng có thêm một cuối tuần yên ả. Nếu Paul cảm thấy ổn ổn, chúng tôi sẽ tới nhà thờ, sau đó đưa Cady và chị họ cô bé tới công viên trên đồi chơi xích đu. Chúng tôi sẽ cùng nhau tiếp tục hấp thụ những tin tức đau đớn mới, chia sẻ niềm đau và nhấm nháp thời gian.

Thay vào đó, thời gian tăng tốc.

Sáng sớm Chủ nhật, tôi sờ nhẹ trán Paul và phát hiện anh sốt rừng rực, 40 độ C, dù rằng anh tương đối thoải mái và không có bất kỳ triệu chứng gì khác. Trong vài giờ kế tiếp, chúng tôi tới phòng cấp cứu và ra về, có cha của Paul và Suman ở bên. Chúng tôi trở về nhà sau một đợt kháng sinh đề phòng trường hợp viêm phổi (bản chụp X quang ngực của Paul dày đặc những khối u do đó có thể làm mờ đi tình trạng viêm nhiễm). Nhưng đây biết đâu lại là do ung thư triến triển quá nhanh? Paul thư thái nằm nghỉ chiều hôm đó, nhưng bệnh nặng lắm rồi. Ngắm nhìn anh ngủ, tôi bật khóc. Sau đó tôi lẻn ra ngoài phòng khách, hòa chung với những giọt nước mắt của cha anh. Tôi đã bắt đầu thấy nhớ anh thật nhiều.

Tối Chủ nhật, tình trạng của Paul xấu đi đột ngột. Anh ngồi ở cạnh giường, vật vã trong từng hơi thở – một sự thay đổi đến thảng thốt. Tôi gọi xe cứu thương. Khi chúng tôi quay lại phòng cấp cứu, Paul nằm trên băng ca, cha mẹ sát bên chúng tôi, anh quay về phía tôi và thì thầm. “Có lẽ mọi chuyện sẽ kết thúc thế này.”

“Em ở đây với anh,” tôi nói.

Nhân viên bệnh viện thân tình chào đón Paul như thường lệ. Nhưng họ rời đi nhanh chóng ngay khi thấy tình trạng của anh. Sau đợt kiểm tra đầu, họ đặt mặt nạ lên mũi và mồm Paul đề giúp anh thở qua ống thông khí BiPAP, một hệ thống hỗ trợ hô hấp cung cấp những luồng khí thật mạnh mỗi lần anh hít vào, thực hiện phần lớn công việc hô hấp. Dù cho vậy, BiPAP vẫn có thể gây khó khăn đối với bệnh nhân – ồn ào và mạnh mẽ, nó thổi tung môi miệng người ta trong mỗi luồng khí như thể một chú chó thò đầu ra khỏi cửa xe ô tô vậy. Tôi đứng gần, nghiêng người về cáng và tay nắm tay Paul khi những tiếng húuut.. húuut.. đều đều của chiếc máy bắt đầu.

Nồng độ CO2 trong máu Paul cao một cách trầm trọng, là dấu hiệu cho thấy việc hít thở cũng trở nên quá sức đối với anh. Các xét nghiệm máu chỉ ra một lượng CO2 dư thừa đã tích tụ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần khi căn bệnh ở phổi và sự suy nhược tăng dần. Do não bộ dần thích nghi với trạng thái CO2 cao trên mức bình thường này, Paul vẫn duy trì được sự tỉnh táo. Anh quan sát. Là một bác sĩ, anh hiểu được các kết quả tồi tệ của những xét nghiệm. Tôi cũng hiểu chúng. Tôi bước ngay sau trong lúc anh được đẩy tới phòng chăm sóc đặc biệt nơi có rất nhiều bệnh nhân của anh đã từng vật lộn trước hoặc sau các ca phẫu thuật thần kinh, gia đình họ tụ tập trên những chiếc ghế nhựa quanh giường bệnh. “Anh có cần đặt ống thở không?” Paul hỏi giữa những nhịp thở BiPAP khi chúng tôi đến nơi. “Anh có nên đặt ống thở không?”

Suốt đêm đó, Paul thảo luận về câu hỏi đó trong chuỗi hội đàm với các bác sĩ riêng, với gia đình, và sau đó là với mình tôi. Tầm giữa đêm, một bác sĩ trực ở phòng chăm sóc tích cực, người đã từng là hướng dẫn của Paul trong nhiều năm, bước tới để nói về các phương án điều trị cùng gia đình. BiPAP chỉ là giải pháp tạm thời, ông nói. Sự can thiệp duy nhất còn lại cho Paul lúc này là đặt ống thở. Đó liệu có phải là điều mà anh muốn?

Câu hỏi quan trọng nhất nhanh chóng ập đến. Chứng suy hô hấp đột ngột này liệu có thể phục hồi?

Liệu Paul có bệnh tới mức sẽ không bao giờ rời ống thở – liệu anh có đánh mất bản thân mình trong cơn mê sảng và sau đó là suy kiệt các chức năng, đầu tiên là tâm trí, kế tiếp là cơ thể trượt xa? Là các bác sĩ, chúng tôi đã chứng kiến tình huống đau đớn này nhiều lần, Paul tìm kiếm một phương án khác: Thay vì đặt ống thở, anh chọn “chăm sóc thoải mái” 33 dù biết rằng cái chết sẽ tới nhanh hơn. “Cho dù anh có thể vượt qua chuyện này đi chăng nữa,” anh nói khi nghĩ về khối u trong đầu mình, “thì anh cũng không chắc về một tương lai trong đó có quãng thời gian nào còn có ý nghĩa.” Mẹ anh xen vào: “Đừng quyết định gì tối nay hết con yêu,” bà nói. “Tất cả hãy nghỉ ngơi đi đã.” Sau khi khẳng định lại quyết định “Không hồi sức cấp cứu,” Paul đồng tình. Một y tá mang thêm chăn cho anh. Tôi tắt những bóng đèn huỳnh quang.

Paul xoay xở để ngủ một chút tới lúc bình minh, cha anh thức trông trong khi tôi chợp mắt ở phòng bên cạnh, cố gắng duy trì chút sức mạnh tinh thần khi hiểu rằng những ngày kế tiếp sẽ là thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời. Tôi quay lại phòng Paul vào 6 giờ sáng, đèn vẫn sáng nhẹ, các máy theo dõi reo lên từng hồi. Paul mở mắt. Chúng tôi lại nói về “chăm sóc thoải mái” – né tránh những nỗ lực hung bạo nhằm chặn trước sự suy sụp ở anh. Và anh tự hỏi thành tiếng liệu mình có thể về nhà hay không. Paul quá yếu, tôi sợ anh sẽ không chịu nổi và ra đi giữa đường. Dù vậy, tôi nói tôi sẽ cố gắng hết sức để đưa anh về nếu điều đó thực sự quan trọng với anh. Tôi gật đầu đồng ý, chăm sóc xoa dịu có lẽ là hướng đi mà chúng tôi tính đến. Hay liệu có cách nào dựng lại nhà của chúng tôi ngay tại đây? Anh trả lời giữa những luồng phụt BiPAP: “Cady.”

Cady được đưa đến ngay sau đó – Victoria, bạn của chúng tôi đón bé từ nhà đến. Cô bé rúc người trong khuỷu tay Paul, đầy vui thích hớn hở như thường lệ những lúc thức khuya, kéo giật tất chân, đùa nghịch với tấm chăn bệnh viện, mỉm cười và ọ ọe, chẳng mấy quan tâm đến chiếc máy BiPAP đang liên tục thổi để giữ cho Paul được sống.

Nhóm chăm sóc đến theo lịch, thảo luận cùng gia đình chúng tôi về trường hợp của Paul ở ngay ngoài phòng. Chứng suy hô hấp cấp tính của Paul có khả năng cao là do ung thư đang tiến triển nhanh chóng. Lượng CO2 tăng đều – một dấu hiệu chắc chắn về việc phải luồn ổng thở. Cả gia đình bị giằng xé: Bác sĩ ung thư của Paul đã gọi điện và hy vọng rằng vấn đề cấp tính này có thể cải thiện, các bác sĩ điều trị thì không lạc quan như vậy. Tôi khẩn nài họ cân nhắc thật kỹ cơ hội đảo ngược tình thế suy giảm này của Paul.

“Anh ấy không cần tới Hail Mary34,” tôi nói, “Nếu anh ấy không có cơ hội để có được một khoảng thời gian có ý nghĩa, anh ấy muốn bỏ mặt nạ và ôm Cady.”

Quay trở lại giường bệnh. Paul nhìn tôi, đôi mắt đen tỉnh táo bên trên sống mũi chiếc mũ chụp BiPAP. Anh nói rõ ràng, thật khẽ nhưng không hề nao núng, “Anh đã sẵn sàng.”

Sẵn sàng, ý Paul là việc từ bỏ hỗ trợ hô hấp và bắt đầu moocphin để được chết.

Cả gia đình vây quanh. Trong suốt những giây phút quý giá sau quyết định của Paul, tất cả chúng tôi cùng thể hiện tình yêu và sự tôn trọng. Nước mắt long lanh trong mắt anh. Paul thể hiện sự biết ơn tới cha mẹ anh. Anh đề nghị chúng tôi chắc chắn rằng bản thảo sẽ được xuất bản một cách nào đó. Cuối cùng, anh nói anh yêu tôi. Bác sĩ trực xen vào động viên: “Paul, sau khi anh ra đi, gia đình anh có thể bị chia rẽ, nhưng rồi họ sẽ lại xích lại gần nhau bởi sự dũng cảm mà anh đã chứng tỏ,” Đôi mắt Jeevan dính vào Paul khi Suman nói, “Ra đi thanh thản, em của anh.” Trái tim tan nát, tôi leo lên giường bên anh lần cuối.

Tôi nghĩ tới những lần nằm bên nhau trước đây. Tám năm trước, khi còn là sinh viên Y, chúng tôi cũng nép vào nhau thế này trong chiếc giường đơn cạnh ông tôi khi ông ra đi tại nhà, cắt ngắn kế hoạch trăng mật của chúng tôi để chăm sóc ông. Chúng tôi phải thức giấc mỗi vài giờ để đưa thuốc cho ông; tình yêu của tôi với Paul trở nên sâu sắc khi nhìn anh cúi người lắng nghe từng yêu cầu ông tôi thì thào. Chúng tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra tình huống này, giường bệnh của chính Paul trong một tương lai thật gần. Hai mươi hai tháng trước, chúng tôi cùng khóc trên một giường bệnh khác trong chính bệnh viện này khi nghe về chẩn đoán của anh. Tám tháng trước, chúng tôi lại bên nhau tại đây trên giường nghỉ của tôi khi Cady chào đời, cùng ngủ trong vòng tay nhau một giấc ngủ dài đầu tiên mà tôi có được kể từ lúc chuyển dạ. Tôi nghĩ về chiếc giường ấm áp nay vắng vẻ ở nhà, nhớ về lúc mới yêu ở New Haven mười hai năm trước, tôi đã từng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra cơ thể và tay chân chúng tôi mới vừa khít nhau làm sao. Và nghĩ về việc chúng tôi luôn say ngủ mỗi lần ôm ấp nhau từ dạo đó. Bằng tất cả những gì mình có, tôi hy vọng rằng anh có thể cảm thấy bình yên như vậy ngay lúc này.

Một giờ sau, mặt nạ và máy theo dõi được tháo bỏ, moocphin truyền chảy qua tĩnh mạch của anh. Paul thở đều đặn nhưng nông, anh trông có vẻ thoải mái. Dù vậy, khi tôi hỏi anh có cần thêm moocphin, anh gật đầu và nhắm mắt lại. Mẹ anh ngồi sát cạnh; tay cha đặt trên đầu anh. Cuối cùng, anh chìm vào vô thức.

Hơn chín giờ sau, toàn bộ gia đình Paul – bố mẹ, anh em, chị dâu, con gái và tôi – cùng ngồi câu chuyện khi Paul hít từng hơi thở ngắt quãng trong vô thức. Mí mắt anh đóng chặt, khuôn mặt thư giãn. Những ngón tay dài đặt nhẹ trong bàn tay tôi. Bố mẹ Paul ôm Cady và đặt bé lại vào giường để ôm ấp, cho ti sữa và ngủ. Cả căn phòng đầy ắp yêu thương, tựa như rất nhiều kỳ nghỉ lễ và cuối tuần mà chúng tôi cùng chia sẻ trong suốt những năm qua. Tôi vuốt tóc Paul, thầm thì, “Anh chàng Paladin dũng cảm” – tên thân mật của Paul mà tôi đặt – và hát nhẹ nhàng bên tai anh bài thơ chúng tôi sáng tác những tháng trước với thông điệp “Cám ơn anh vì đã yêu em.” Một người họ hàng thân thiết và bác họ Paul đến, sau đó là mục sư của chúng tôi. Cả gia đình cùng chia sẻ các câu chuyện yêu thương và lời đùa phiếm; sau đó tất cả chuyển sang nghẹn ngào, cùng nhìn ngắm khuôn mặt Paul và trầm mình trong những giờ phút cuối đầy quý giá và đau thương.

Ánh nắng chiếu ấm áp bắt đầu xiên qua cửa sổ phía tây bắc của căn phòng khi hơi thở của Paul dần khẽ. Những nắm tay mũm mĩm của Cady dụi mắt khi giờ ngủ tới gần, một người bạn của gia đình đến đưa bé về nhà. Tôi đặt má Cady áp gần má Paul, mớ tóc đen của cả hai cha con cùng rẽ lệch tương tự, khuôn mặt anh thanh thản, khuôn mặt bé nghịch ngợm nhưng điềm tĩnh. Cô con giá yêu thương của của anh không bao giờ có thể nghĩ được đó lại là giờ phút chia tay. Tôi khẽ hát bài hát ru của Cady, hát cho bé, hát cho cả hai, và sau đó để bé về.

Khi căn phòng tối dần vào đêm, chiếc đèn tường tỏa sáng ấm áp, hơi thở Paul trở nên ngập ngừng và không đều nữa. Cơ thể anh vẫn có vẻ bình an, chân tay thả lỏng. Trước 9 giờ tối, đôi môi anh tách ra và nhắm mắt lại, Paul hít vào và thở ra hơi cuối cùng, thật sâu.

Ở một khía cạnh nào đó, Khi hơi thở hóa thinh không chưa hoàn thành và bị trật lối bởi sự suy giảm sức khỏe nhanh chóng của Paul. Nhưng đây chính là yếu tố bản chất về tính thực của nó, của hiện thực mà Paul đối mặt. Trong suốt năm cuối cuộc đời, Paul viết không ngừng nghỉ, được tiếp sức bởi mục đích và thúc đẩy bởi tiếng tích tắc của đồng hồ. Anh bắt đầu bằng sự háo hức mỗi đêm khi còn là bác sĩ nội trú về phẫu thuật thần kinh, khẽ gõ bàn phím laptop trong lúc nằm cạnh tôi trên giường. Sau đó là những buổi chiều trên chiếc ghế dựa, rồi lại viết nên từng đoạn văn trong phòng đợi bác sĩ ung thư, rồi khi hóa trị chảy vào ven tay, anh lắng nghe cuộc gọi từ người biên tập sách, anh mang theo chiếc laptop bạc tới mọi nơi anh đến. Khi đầu ngón tay anh xuất hiện các khe nứt đau nhức vì hóa trị, chúng tôi tìm được một loại găng tay viền bạc không đường nối cho phép anh sử dụng ô con trỏ và bàn phím dễ dàng hơn. Trọng tâm của các cuộc hẹn chăm sóc giảm nhẹ là các chiến lược nhằm giúp anh duy trì sự tập trung tinh thần để viết, gạt đi nỗi kiệt sức khi căn bệnh ung thư tiến triển. Paul đã rất kiên tâm để có thể tiếp tục viết.

Cuốn sách mang theo sự gấp rút của cuộc đua vượt thời gian, của những điều quan trọng muốn nói. Paul đương đầu với cái chết – nghiên cứu nó, đánh vật với nó, chấp nhận nó – trong vai trò một bác sĩ và cả một bệnh nhân. Anh ấy muốn giúp mọi người hiểu thêm về cái chết và đối mặt với tuổi đời giới hạn của họ. Thời nay, ra đi ở tuổi bốn mươi không phải là phổ biến, nhưng cái chết thì không vậy. “Một điều về ung thư phổi là nó không quá đặc biệt,” Paul viết trong một email gửi tới Robin người bạn thân nhất của anh. “Nó chỉ bi thảm vừa đủ để có thể mường tượng được. [Người đọc] có thể đặt mình vào vị trí đó, bước đi vài bước và nói, ‘Ồ hóa ra là như vậy… nhưng sớm hay muộn thì tôi cũng quay về chỗ của mình thôi.’ Mình nghĩ đó chính là điều mà mình hướng tới. Không phải là chủ nghĩa giật gân về cái chết, cũng không phải lời cổ vũ mang đến những nụ hồng, mà chỉ đơn giản là: Những gì có thể xảy đến trong đoạn đường phía trước.” Hiển nhiên Paul đã làm nhiều hơn cả việc mô tả địa hình con đường. Anh đã bước qua con đường đó đầy dũng cảm.

Quyết định không quay lưng với cái chết của Paul đã cô đọng lại một sự ngoan cường mà chúng ta chưa đủ tôn vinh trong nền văn hóa né tránh cái chết của chúng ta. Sức mạnh của anh được đặc trưng bởi lòng đam mê và nỗ lực, nhưng cũng bởi sự mềm yếu, đối ngược lại nỗi đắng cay. Anh dành phần lớn cuộc đời mình đánh vật với câu hỏi làm thế nào để sống một cuộc đời có ý nghĩa và cuốn sách của anh đã khám phá ra ranh giới cốt yếu đó. “Người chứng kiến luôn là người nói ra,” Emerson đã viết. “Theo cách nào đó, ước mơ của anh ta được kể lại; theo cách nào đó, anh ta công bố chúng bằng cả niềm vui thú khoan thai.” Viết ra cuốn sách này là một cơ hội để người quan sát dũng cảm trở thành một người truyền đạt, để dạy chúng ta cách đối mặt với cái chết một cách trọn vẹn.

Cho đến khi cuốn sách được xuất bản, hầu hết gia đình và bạn bè của chúng tôi không hề biết về những khó khăn trong hôn nhân mà Paul và tôi đã trải qua ở đoạn cuối quãng thời gian nội trú. Tôi thấy mừng là Paul đã viết về nó. Đó là một phần của sự thật, một cách định nghĩa khác, một mảnh của sự vùng vẫy, của lời cam kết giữ trọn và của Ý nghĩa của cuộc đời của tôi và Paul. Chẩn đoán về căn bệnh ung thư của anh giống như một chiếc kẹp vỏ cứng, đưa chúng tôi quay trở lại phần thịt quả mềm ngọt, nhiều dinh dưỡng của hôn nhân. Chúng tôi bám chặt vào nhau để anh sống sót về mặt thể chất và cả hai cùng sống sót về mặt tinh thần. Tình yêu của chúng tôi đã được lột trần. Chúng tôi từng nói đùa với bạn bè rằng bí kíp để cứu sống mối quan hệ đó là một trong hai người bị bệnh gần chết. Trái lại, chúng tôi tự hiểu rằng thật ra bí kíp để kiểm soát một căn bệnh thập tử nhất sinh lại chính là yêu thương –  để có thể bị tổn thương, để có lòng tử tế, để bao dung, và để biết ơn. Vài tháng sau cuộc chẩn đoán bệnh, khi đứng kề bên trong một buổi lễ nhà thờ, chúng tôi đã cùng hát bài thánh ca “Khúc Bầy Tôi.” Từng lời vang lên đầy ý nghĩa khi cả hai phải đối mặt với sự bất định và nỗi đau: “Tôi sẽ chia sẻ niềm vui và nỗi đau của bạn/ Cho tới khi chúng ta trải nghiệm hết cuộc hành trình này.”

Ngay sau khi chẩn đoán, Paul đã nói chuyện tôi nên tái hôn nếu anh qua đời. Điều này đã minh họa cho việc anh luôn cố gắng hết sức để đảm bảo cho tương lai của tôi ngay cả khi đau ốm. Anh cam kết sẽ đem lại những điều tốt đẹp nhất cho tôi, về mặt tài chính, sự nghiệp của tôi và về việc làm mẹ có ý nghĩa thế nào. Trong khi đó, tôi cũng cố gắng hết sức để đảm bảo cho hiện tại của anh, để khiến khoảng thời gian còn lại của anh đẹp nhất có thể. Tôi theo dõi và quản lý mọi triệu chứng cũng như các khía cạnh chăm sóc y tế – đây là vai trò bác sĩ quan trọng nhất trong cuộc đời tôi – đồng thời ủng hộ niềm đam mê của anh, lắng nghe những lời thì thầm về nỗi sợ hãi khi chúng tôi ôm nhau trong căn phòng tối an toàn. Tôi đã chứng kiến, nhận thức, chấp nhận, và an ủi. Chúng tôi dính lấy nhau hệt như thời sinh viên khi còn nắm chặt tay nhau trong suốt bài giảng học đường. Giờ đây, chúng tôi nắm tay nhau trong túi áo khoác của anh khi bước ra ngoài phòng hóa trị, Paul mặc áo khoác đông và đội mũ kín ngay cả khi trời đã ấm. Anh biết rằng anh sẽ không bao giờ cô đơn, không bao giờ phải đau khổ một cách không cần thiết. Vài tuần trước khi chết, khi nằm trên giường tại nhà tôi đã hỏi anh: “Anh thở được không nếu đầu em dựa trên ngực anh thế này?” Câu trả lời của Paul là: “Đấy là cách duy nhất để biết được anh còn thở.” Việc tôi và Paul đã trở thành một phần có ý nghĩa sâu đậm trong cuộc đời của nhau chính là phước lành lớn nhất từng đến với tôi.

Cả hai chúng tôi dựa vào gia đình Paul để có được sức mạnh. Họ đã nâng đỡ giúp chúng tôi vượt qua bệnh tật và luôn ủng hộ trong việc chào đón bé Cady đến với gia đình. Mặc cho nỗi đau khôn cùng về căn bệnh của Paul, cha mẹ anh luôn là một nguồn động viên, an ủi và bao bọc không chút nề hà. Họ thuê một chung cư gần đó, ghé thăm thường xuyên, cha Paul xoa chân cho anh, mẹ anh làm món dosa Ấn Độ cùng với chutney dừa. Chân gác dựng để giảm bớt các cơn đau lưng, Paul, Jeevan và Suman cùng nằm dài trên ghế, bàn luận về những “phép tắc” trong các trận đấu bóng. Vợ Jeevan – Emily – và tôi cười lớn ngay cạnh trong lúc Cady và em họ Eve cùng James đang say ngủ. Những buổi chiều như thế, phòng khách của chúng tôi cảm giác như một ngôi làng nhỏ an toàn. Ngay tại đó chỉ sau một chút, tôi sẽ chụp vài tấm ảnh khi Paul ngồi ôm Cady trên ghế, đọc to các tác phẩm của Robert Frost, T.S. Eliot và Wittgenstein. Những khoảnh khắc đơn giản đó đầy ắp sự thanh nhã và vẻ đẹp, thậm chí là cả may mắn, nếu khái niệm đó có thể cho là tồn tại. Và quả là chúng tôi cảm thấy may mắn và biết ơn – đối với gia đình, với cộng đồng, với những cơ hội, với con gái của chúng tôi và đối với việc chúng tôi đã ở bên nhau tại thời điểm đòi hỏi sự tin tưởng và chấp nhận tuyệt đối. Những năm qua dù rằng khổ sở và khó khăn – đôi khi tưởng chừng như là không thể – thì chúng vẫn là những năm tháng đẹp đẽ và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Chúng đòi hỏi việc nắm giữ sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau một cách cân bằng, đồng thời khám phá ra những chiều sâu mới của lòng biết ơn và tình yêu thương.

Dựa vào sức mạnh của chính bản thân mình cùng sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng, Paul đối mặt với từng giai đoạn bệnh tật một cách đầy bao dung. Không phải nhờ sự hiên ngang can đảm, hay thứ niềm tin lạc lối rằng anh có thể “vượt qua” hoặc “chiến thắng” bệnh tật, mà nhờ vào sự xác thực cho phép anh đau đớn về một tương lai đánh mất, để rồi xây dựng nên một tương lai mới. Paul đã khóc vào ngày nghe chẩn đoán. Anh cũng khóc khi trông thấy bức tranh trong tủ gương phòng tắm có ghi: “Anh muốn dành khoảng thời gian còn lại với em.” Anh khóc vào ngày cuối cùng ở phòng phẫu thuật. Paul cho phép mình mở lòng và yếu ớt, cho phép bản thân được ủi an. Ngay cả khi bệnh thập tử nhất sinh, Paul vẫn sống một cách trọn vẹn. Bất kể sự sụp đổ về thể chất, anh duy trì tính sôi nổi, cởi mở và lòng đầy hy vọng, không phải vào khả năng cứu chữa hiếm hoi mà vào những ngày tràn đầy mục đích sống và ý nghĩa.

Trong Khi hơi thở hóa thinh không, chất giọng Paul mạnh mẽ và đặc biệt, nhưng cũng có phần cô đơn ở một khía cạnh nào đó. Song song cùng với câu chuyện này là tình yêu, sự ấm áp, tính rộng rãi và sự chấp nhận tuyệt đối quanh Paul. Ở đây anh là một bác sĩ, một bệnh nhân và nằm trọn trong mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân. Anh viết bằng một chất giọng mạch lạc, chất giọng của một ai đó bị giới hạn bởi thời gian, một người phấn đấu không ngừng nghỉ dù rằng có cả những bản thể khác nữa. Tính hài hước của anh là một trong những điều không được thể hiện đầy đủ trong những trang sách này – anh ấy vui tính một cách tinh quái – và còn có sự ngọt ngào cùng mềm mỏng, những giá trị anh luôn gìn giữ trong các mối quan hệ với bạn bè và gia đình. Nhưng đây là cuốn sách anh viết; đây là chất giọng của anh trong khoảng thời gian này; đây là thông điệp hiện tại, đây là những gì anh viết khi anh cần phải viết. Thật lòng, phiên bản Paul mà tôi nhớ nhất, thậm chí còn hơn cả phiên bản mạnh mẽ rạng ngời thời mới yêu, đó chính là người đàn ông đầy tập trung trong năm vừa qua, phiên bản Paul lúc viết cuốn sách này – mong manh nhưng không bao giờ yếu đuối.

Paul tự hào về cuốn sách này. Bởi đó là cực điểm của tình yêu đối với văn học trong anh – anh từng nói rằng đối với anh thơ văn còn là nguồn an ủi hơn cả Kinh thánh – và khả năng nhào nặn từ cuộc đời ra một câu chuyện đầy sức thuyết phục và có sức mạnh về việc sống cùng cái chết. Khi viết email cho người bạn thân nhất vào tháng Năm năm 2013 để thông báo về căn bệnh ung thư của mình, anh viết, “Tin vui là tớ đã sống lâu hơn cả Brontes, Keats và Stephen Crane. Tin buồn là tớ vẫn chưa viết được cái gì cả.” Chặng đường sau đó là một trong những biến đổi – từ một nghề nghiệp đầy đam mê này sang một nghề nghiệp khác, từ một người chồng sang một người cha và cuối cùng, dĩ nhiên là từ sự sống đến cái chết, sự biến đổi tận cùng mà chúng ta ai cũng phải đối diện. Tôi tự hào vì mình là người đồng hành của anh, ngay cả khi anh viết cuốn sách này, một hành động cho phép anh sống cùng hy vọng, với thứ thuật giả kim tinh tế về khả năng và cơ hội mà anh đã viết thật hùng hồn. Cho đến cuối con đường.

Paul được chôn cất trong một chiếc quan tài đan từ cây liễu tại rìa cánh đồng ở dãy núi Santa Cruz, nhìn xuống Thái Bình Dương và một bờ biển rải đầy kỷ niệm – những cuộc dạo đường dài, tiệc hải sản, cocktail sinh nhật. Hai tháng trước đó trong một cuối tuần ấm áp vào tháng Giêng, chúng tôi đã nhúng bàn chân mũm mỉm của Cady xuống làn nước mặn ở bãi biển ngay bên dưới. Anh đã tách rời khỏi định mệnh cơ thể mình sau khi chết và anh để chúng tôi tự đưa ra quyết định với nó. Tôi tin rằng chúng tôi đã lựa chọn đúng. Mộ của Paul nhìn về phương Tây, qua năm dặm đồi tới biển. Xung quanh anh là những ngọn đồi bao phủ bởi cỏ dại, những cây tùng bách và cây đại kích vàng. Khi bạn ngồi xuống, bạn có thể nghe thấy tiếng gió, tiếng chim hót và tiếng ẩu đả của lũ sóc chuột. Paul ở đây theo đúng ước nguyện của mình. Nơi chôn cất anh mang đầy cảm giác rắn rỏi và tôn trọng, nơi anh xứng đáng được ở – một nơi mà tất cả chúng ta đều xứng đáng. Tôi nhớ đến câu kinh mà ông tôi thích: “Chúng ta sẽ lãnh đạm mà đứng lên, và leo tới đỉnh của những ngọn đồi vĩnh diệt, nơi gió thật mát và khung cảnh thật lộng lẫy.”

Và đây cũng không phải là một nơi luôn dễ dàng. Thời tiết khó đoán định. Bởi vì Paul được chôn ở mặt gió của dãy núi, tôi đã từng tới thăm anh trong ánh mặt trời rực rỡ, trong mây mù phủ kín và trong cả mưa lạnh đầy nhức nhối. Nó có thể rất khó chịu cũng như đầy bình an, vừa thuận hoà lại vừa cô độc – giống như cái chết, như sự đau thương – nhưng luôn có nét đẹp trong tất cả mọi điều đó và tôi nghĩ rằng điều này vừa tốt vừa đúng.

Tôi tới thăm mộ anh thường xuyên, cầm theo một chai nhỏ Madeira, loại rượu trong tuần trăng mật của chúng tôi. Mỗi lần, tôi rót xuống cỏ một ít cho Paul. Khi cha mẹ và anh em trai Paul ở bên, chúng tôi cùng trò chuyện, và tôi xoa tay vào đám cỏ như thể đó là tóc của anh vậy. Cady tới thăm mộ Paul trước giờ ngủ, nằm trên một tắm chăn, nhìn lên những đám mây bay ngang trời và nghịch các đoá hoa cỏ ngay cạnh. Buổi tối trước lễ truy điệu của Paul, anh chị em và khoảng hai mươi ngưởi bạn cũ thân thiết nhất cùng ở bên nhau. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi có làm hỏng cả đám cỏ khi rót xuống nhiều rượu whisky tới vậy.

Đôi khi tôi quay lại và phát hiện ra rất nhiều hoa – tulip, lily, cẩm chướng – đã bị nai ăn mất. Dù sao thì đây cũng là một công dụng tốt của những đoá hoa, Paul có lẽ sẽ thích điều này. Đất đai sớm bị xắn lên bởi lũ giun trùng, chu trình biến hoá tự nhiên tiếp diễn. Điều này gợi nhắc đến những gì Paul đã thấy và giờ khắc sâu trong xương tuỷ tôi: Sự xoắn xuýt đồng hành của sinh và tử, cùng khả năng đối mặt, khả năng tìm kiếm ý nghĩa của chúng ta – bất kể điều này, hay vì chính điều này. Những gì xảy đến với Paul thật đau đớn, nhưng bản thân anh ấy không phải là một bi kịch.

Tôi đã nghĩ mình sẽ chỉ cảm thấy trống rỗng và tan vỡ sau khi Paul chết. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng hoá ra tình yêu dành cho một người có thể không suy suyển ngay cả khi họ đã ra đi và tôi vẫn cảm thấy tình yêu đó, cũng như sự biết ơn bên cạnh những nỗi đau khôn cùng. Sự thống khổ đôi khi qua nặng nề tới mức tôi run rẩy và rền rĩ dưới sức nặng của nó. Paul đã ra đi và tôi nhớ anh ấy gần như trong mọi khoảnh khắc, nhưng đôi khi tôi cảm thấy như thể mình vẫn là một phần trong cuộc sống mà cả hai chúng tôi cùng xây dựng lên. C.S. Lewis đã từng viết: “Sự mất mát không cắt cụt tình yêu hôn nhân mà nó chỉ là một giai đoạn thông thường – giống như tuần trăng mật. Điều chúng ta muốn đó là duy trì cuộc sống lứa đôi qua giai đoạn đó thật tốt đẹp và chân thành.” Thông qua việc chăm sóc con gái chúng tôi, gìn giữ mối quan hệ với người thân trong gia đình, xuất bản cuốn sách này, theo đuổi những công việc có ý nghĩa, tới thăm mộ Paul, thương khóc và tôn vinh anh, kiên trì bền bỉ,… tình yêu của tôi vẫn tiếp tục – vẫn sống tiếp – theo cách mà tôi chưa từng nghĩ đến.

Mỗi khi nhìn thấy bệnh viện nơi Paul đã sống và chết đi trong vai trò của một bác sĩ và một bệnh nhân, tôi hiểu rằng anh đã thực sự sống, anh đã đóng góp rất nhiều khi là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và một nhà thần kinh học. Anh có lẽ đã giúp vô số bệnh nhân và gia đình họ vượt qua những khoảnh khắc khó khăn nhất trong cuộc đời, nhiệm vụ đã đưa anh đến với phẫu thuật thần kinh trước kia. Anh đã, và sẽ tiếp tục, là một người tốt cũng như một người suy nghĩ sâu sắc. Cuốn sách này là một cách khác để anh giúp đỡ mọi người, một sự cống hiến mà anh có thể làm. Điều này không giúp cho sự ra đi của anh, những mất mát của chúng tôi, giảm bớt đau thương. Nhưng anh tìm thấy Ý nghĩa trong sự phấn đấu. Ở trang cuối phần I của cuốn sách anh đã viết: “Bạn không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới.” Đó là một công việc đầy gian khổ cùng với những tổn thương, nhưng Paul chưa từng dao động. Đây là cuộc sống anh được ban tặng, và đây là những gì anh tạo ra. Khi hơi thở hóa thinh không đã hoàn thành, theo cách của chính nó.

Hai ngày sau khi Paul mất, tôi viết một trang nhật ký gửi tới Cady: “Khi một ai đó ra đi, mọi người thường có xu hướng nói những điều tốt đẹp về người đó. Con hãy nhớ rằng tất cả những gì tuyệt vời mà mọi người đang nói về cha con là thực. Cha con thật sự tốt đẹp và dũng cảm.” Khi nghĩ về mục đích sống của Paul, tôi thường nghĩ về ca từ của một bản thánh ca trích trong Trên Đường Hành Hương35: “Người nhìn thấy dũng khí thực sự,/ Hãy đến đây…/ Những viển vông sẽ bay đi,/ Ngươi sẽ không còn sợ những gì người đời nói,/ Ngươi sẽ gắng sức cả đêm lẫn ngày,/ Để trở thành một kẻ hành hương.” Quyết định nhìn thẳng vào cái chết của Paul không chỉ là một minh chứng cho con người anh trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mà là chính anh như trước đây vẫn vậy. Phần lớn cuộc đời của mình, Paul luôn băn khoăn về cái chết – và liệu anh có thể đối mặt với nó một cách trọn vẹn tâm hồn mình hay không. Kết thúc, câu trả lời là “Có”.

Tôi là vợ anh và là một nhân chứng.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ