Người đua diều - Chương XXIV

Nếu như Peshawar là một thành phố khiến tôi nhớ tới những gì đã từng là Kabul trong quá khứ thì Islamabad là một nơi mà một ngày nào đó Kabul có thể trở thành. Đường phố rộng hơn đường phố của Peshawar, sạch hơn, hai bên đều có những hàng cây hibiscus 1 và cây hoa phượng đỏ. Những khu phố chợ được tổ chức quy củ hơn, và không có chuyện chen chúc xe kéo với người đi bộ. Kiến trúc cũng trang nhã hơn, hiện đại hơn, và tôi thấy những công viên đầy hoa hồng, hoa nhài nở dưới bóng các cây to.

Farid tìm thấy một khách sạn nhỏ bên đường phố chạy dọc theo triền đồi Margalla. Chúng tôi đi qua nhà thờ Shah Faisal nổi tiếng trên đường tới đó, nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất thế giới, với những thanh rầm bê tông khổng lồ, và những tháp giáo đường cao vút. Sohrab vui hẳn lên trước cảnh tượng nhà thờ, ngả người ra ngoài cửa xe để nhìn cho tới khi Farid ngoặt xe ở một góc phố.

Phòng khách sạn quả là cả một sự cải thiện vượt trội so với lần Farid và tôi lưu lại ở Kabul. Chăn mền sạch sẽ, thảm trải được hút bụi, và phòng tắm không một vết bẩn. Có cả dầu gội đầu, xà phòng, bàn cạo râu, một bồn tắm và khăn tắm thơm mùi chanh. Và không một vết máu trên tường. Một vật khác nữa là chiếc máy thu hình được đặt trên một tủ thấp, giữa hai giường đơn.

– Nhìn này! – Tôi nói với Sohrab. Tôi lấy tay bật lên, – không có điều khiển từ xa – và đổi số, chọn kênh. Tôi tìm được một màn trình diễn của bọn trẻ với hai con búp bê cừu óng lông tơ đang hát bằng tiếng Urdu. Sohrab ngồi lên một giường, thu hai gối vào ngực. Những hình ảnh ở tivi phản chiếu trong đôi mắt xanh của nó, trong khi nó xem, vẻ mặt bình thản, người đu đưa. Tôi nhớ đến cái lần tôi đã hứa với Hassan, tôi sẽ mua cho gia đình cậu một chiếc tivi màu, khi nào cả hai chúng tôi lớn lên.

– Tôi phải đi thôi, Amir agha, – Farid nói.

– Ở lại đây đêm nay, – tôi nói. – Đi cả một đoạn đường dài rồi. Mai hãy đi.

– Taskakor. Cảm ơn. – Anh nói. – Nhưng tôi muốn trở về nhà đêm nay. Tôi nhớ các con tôi.

Lúc đi ra khỏi phòng, anh dừng lại ở cửa, nói:

– Tạm biệt, Sohrab jan.Anh đợi lời đáp lại, nhưng Sohrab chẳng hề đề ý đến anh. Nó vẫn chỉ đu đưa người, mắt sáng lên bởi ánh bạc của những hình ảnh lung linh trên màn hình.

Ra đến ngoài, tôi trao cho anh một chiếc phong bì. Khi anh xé ra, miệng há hốc.

– Tôi không biết cảm ơn anh thế nào đây, – tôi nói. – Anh làm cho tôi quá nhiều.

– Bao nhiêu ở đây thế? – Farid nói, hơi sửng sốt.

– Hơn hai nghìn đô la một chút.

– Hai nghìn… – Anh thốt lên. Môi dưới của anh hơi rung rung.

Lát sau, khi cho xe lao khỏi hè đường, anh nhấn còi hai lần và vẫy tay. Tôi vẫy lại.

Tôi chẳng bao giờ gặp lại anh nữa.Tôi quay về phòng khách sạn và thấy Sohrab đang nằm co như con tôm ở trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, nhưng tôi không thể bảo có phải nó đang ngủ hay không. Nó đã tắt tivi. Tôi ngồi trên giường tôi, nhăn nhó vì đau đớn, lau mồ hôi lạnh ở lông mày. Tôi không biết việc đứng lên ngồi xuống và nằm lăn ra giường còn đau bao lâu nữa. Tôi không biết khi nào có thể ăn được thức ăn đặc. Tôi không biết làm gì với thằng bé bị thương đang nằm trên giường kia, dẫu một phần trong tôi hẳn đã biết rồi.

Có một bình nước đặt trên cái tủ thấp. Tôi rót một cốc và lấy ra hai viên thuốc giảm đau của Armand. Nước ấm và có vị đắng. Tôi kéo rèm, thấy dễ chịu trở lại khi ở trên giường và nằm xuống. Tôi nghĩ ngực tôi sẽ rách to ra. Khi cái đau đã giảm bớt phần nào, và tôi lại có thể thở được, tôi kẻo chăn lên ngực và đợi cho thuốc của Armand phát huy tác dụng.

Khi tôi tỉnh giấc, căn phòng đã tối hơn. Một mảnh trời hé ra giữa hai rèm cửa, ngả sang màu đỏ tía của hoàng hôn đang chuyển về đêm. Khăn trải giương ướt đẫm và đầu tôi như vỡ ra. Tôi đã lại mơ nữa, nhưng tôi không thể nhớ được mơ về cái gì. Tim tôi giật thót khi nhìn sang giường Sohrab và thấy trống không. Tôi gọi tên nó. Âm thanh giọng tôi làm tôi giật mình. Ngồi trong một phòng khách sạn tối tăm, xa nhà hàng nghìn dặm, thân thể đau nhừ, bị mất phương hướng, tôi gọi tên một thằng bé mà tôi mới chỉ gặp được mấy ngày. Tôi lại gọi tên nó nữa, và chẳng nghe thấy gì. Tôi vất vả ra khỏi giường, tìm ở buồng tắm, nhìn vào dãy hành lang hẹp bên ngoài phòng. Nó đi mất rồi.

Tôi khoá cửa lại và tập tễnh đi tới văn phòng giám đốc trong sảnh chờ, một tay bíu chặt tay vịn dọc theo lối đi để khỏi ngã. Có một cây cọ giả bụi bặm ở góc sảnh chờ và những con chim hồng hạc màu hồng trên giấy dán tường. Tôi thấy ông giám đốc đang đọc nhật báo đằng sau quầy sổ sách kế toán bằng formica. Tôi tả Sohrab cho ông và hỏi ông ta có thấy nó không. Ông ta đặt báo xuống và bỏ kính ra. Ông ta có bộ tóc mượt óng và hàng ria nhỏ thẳng băng đốm bạc. Người ông ta thoang thoảng mùi loại trái cây nhiệt đới nào đó mà tôi không thể nhận ra.

– Lũ con trai, chúng thích chạy quanh quẩn, – ông ta vừa nói vừa thở dài. – Tôi có ba thằng. Suốt ngày chúng chạy đâu đó quên cả mẹ chúng. – Ông ta lấy tờ báo phe phẩy mặt và nhìn chằm chằm vào hàm tôi.

– Tôi không nghĩ nó ra ngoài quanh quẩn, – tôi nói. – Chúng tôi có phải người ở đây đâu. Tôi sợ nó có thể bị lạc.

Ông ta lắc đầu bên này qua bên khác:

– Vậy đáng lẽ ông phải để mắt tới thằng bé chứ, thưa ông.

– Tôi biết thế, – tôi nói. – Nhưng tôi ngủ thiếp đi mất, khi tỉnh dậy thì nó đi mất rồi.

– Lũ con trai vẫn hay như thế, ông phải biết chứ.

– Vâng, – tôi nói, mạch tôi đập nhanh. Làm sao ông ta có thể vô tình đến thế trước sự lo lắng của tôi?

Ông ta chuyển tờ báo sang tay kia, quạt tiếp:

– Bây giờ, chúng thích xe đạp lắm.

– Ai cơ?

– Mấy thằng con trai tôi ấy, – ông ta nói. – Chúng bảo: Bố ơi bố, xin bố mua cho chúng con mấy chiếc xe đạp, chúng con sẽ không làm phiền bố nữa. Nào, xin bố. – Ông cười khẩy qua lỗ mũi. – Xe đạp ư. Mẹ chúng sẽ giết tôi. Tôi xin thề với ông như vậy.Tôi tưởng tượng Sohrab đang nằm trong một cái rãnh, hoặc trong một cái thùng xe, bị trói chặt và nhét giẻ vào miệng. Tôi không muốn máu nó trên hai bàn tay tôi. Không muốn cả nó nữa.

– Làm ơn… – Tôi nói, tôi liếc. Đọc tên ông in trên ve áo chiếc sơ mi cộc tay màu xanh da trời. – Ông Fayyaz, ông có thấy nó không?

– Thằng bé à?

Tôi cắn răng chịu đựng:

– Vâng, thằng bé! Thằng bé đến đây cùng tôi. Lạy Đức Allah, ông thấy nó hay không thấy nó?

Ông ta thôi quạt. Mắt ông ta nheo lại:

– Đừng có cáu kỉnh với tôi, ông bạn. Tôi không phải là người để lạc nó.

Đã đến mức không thể dừng dòng máu nóng đang giần giật bốc lên mặt tôi.

– Ông nói đúng. Tôi sai rồi. Lỗi của tôi. Nhưng ông có thấy nó không?

– Xin lỗi. – Ông ta cộc lốc. Lại đeo kính vào. Mở xoạch tờ báo ra. – Tôi chẳng thấy thằng bé nào như thế.

Tôi đứng ở quầy chừng một phút, cố gắng không gào lên. Lúc tôi ra khỏi hành lang, ông ta nói:

– Ông nghĩ, nó có thể lang thang ở đâu không?

– Không, – tôi đáp. Tôi cảm thấy mệt mỏi. Mệt và hoang mang.

– Nó có sở thích gì chăng? – Ông ta nói. Tôi thấy ông ta gấp báo lại. – Lũ con trai tôi chẳng hạn, chúng thường bắt chước mọi thứ theo những phim hành động Mỹ, nhất là cái gã Arnold Schwargenegger…

– Nhà thờ! – Tôi nói. – Nhà thờ lớn. – Tôi nhớ ra cung cách toà nhà thờ đã làm cho Sohrab sững sờ choáng váng đến thế nào khi xe chúng tôi qua đấy, và nó đã ngả người ra ngoài cửa xe để nhìn như thế nào.

– Shah Faisal?

– Vâng. Ông có thể đưa tôi đến đó không?

– Ông không biết đó là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới à? – Ông ta hỏi.

– Không, nhưng…

– Riêng sân thôi đã chứa đủ bốn mươi nghìn người.

– Ông có thể đưa tôi đến đó không?

– Từ đây chỉ một cây số thôi, – ông ta nói. Nhưng ông ta đã lảng ra khỏi quầy.

– Tôi sẽ trả ông tiền xe, – tôi nói.

Ông ta thở dài và lắc đầu:

– Đợi đấy. Ông ta biến vào phòng trong, quay ra đã đeo đôi kính khác, chùm chìa khoá trong tay, và cùng với một phụ nữ thấp, mập mạp, mặc áo sari màu da cam theo sau. Người này ngồi vào chiếc ghế của ông ở sau quầy.

– Tôi không lấy tiền của ông, – ông ta vừa nói vừa bước qua bên tôi. – Tôi sẽ chở ông đi, bởi vì tôi cũng là một người cha như ông.

Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải lái xe vòng quanh thành phố cho đến tận đêm. Tôi nghĩ đến chuyện phải gọi cảnh sát, miêu tả Sohrab cho họ dưới cái nhìn trách móc qua mắt kính của ông Fayyaz. Tôi nghe thấy cả giọng nói của viên sĩ quan, mệt mỏi, chẳng chút quan tâm, hỏi những câu hỏi bắt buộc. Và nấp dưới những câu hỏi chính thức là câu không chính thức: Ai quen đến một thằng bé Afghan đã chết làm cái chết tiệt gì?

Nhưng chúng tôi đã tìm thấy nó, cách nhà thờ khoảng gần trăm mét, đang ngồi trong một bãi đỗ xe rộng, trống một nửa, trên một bãi cỏ tách biệt. Fayyaz lái xe đến bãi cỏ và để tôi ra khỏi xe. Ông nói:

– Tôi phải về thôi.

– Thế là tốt lắm rồi. Chúng tôi sẽ đi bộ về, – tôi nói. – Cảm ơn ông, ông Fayyaz. Thành thật cảm ơn ông.

Ông ngả người qua chiếc ghế, trước khi tôi ra khỏi xe.

– Tôi có thể nói một điều với ông không?

– Nhất định rồi.Trong bóng tối của buổi hoàng hôn, trông mặt ông chỉ còn lại đúng cặp kính phản chiếu ánh sáng mờ nhạt.

– Một điều về những người Afghan các ông là… ờ, dân các ông hơi liều đấy.

Tôi mệt và đau. Hàm tôi giật giật. Và những vết thương chết tiệt trên ngực và bụng khiến tôi cảm thấy như có những dây thép gai ở dưới da. Nhưng dẫu sao tôi cũng bắt đầu cười.

– Tôi… Tôi đã nói gì nào… – Ông Fayyaz vẫn nói, nhưng tôi cười khùng khục xen vào, những tiếng cười tràn ra từ cái miệng tôi bị khâu lại.

– Lũ điên, – ông nói. Lốp xe rít lên khi ông phóng xe đi, đèn đuôi xe nhấp nháy đỏ trong ánh sáng mờ tối.

– Cháu làm bác sợ quá. – Tôi nói. – Tôi ngồi bên cạnh nó, nhăn mặt lại vì đau lúc cúi xuống.

Nó đang nhìn vào nhà thờ. Nhà thờ Hồi giáo Shah Faisal lúc này hình thù giống như một chiếc lều bạt khổng lồ. Xe hơi đến và đi, những người đi lễ mặc đồ trắng ùn ùn kéo vào đổ ra. Chúng tôi ngồi lặng lẽ, tôi dựa vào một thân cây. Sohrab cạnh tôi, ôm gối. Chúng tôi lắng nghe tiếng nguyện cầu, ngắm nhìn hàng trăm ngọn đèn các toà nhà chung cư bật lên, trong ánh sáng tà dương đang tắt. Nhà thờ lấp lánh như một viên kim cương trong bóng tối, làm bầu trời sáng lên, và cả khuôn mặt Sohrab nữa.

– Bác đã bao giờ đến Mazar-i-Sharif chưa? – Sohrab hỏi, cằm tựa trên đầu gối.

– Đã lâu lắm rồi. Bác không nhớ lắm nữa.

– Bố mang cháu đến đấy khi cháu còn bé. Mẹ và Sasa cũng đi cùng. Bố mua cho cháu một con khỉ ở phố chợ. Không phải con khỉ thật, mà là loại có thể thổi phồng lên. Khỉ màu nâu và có nơ cổ.

– Bác hình như cũng đã có một con như thế, khi còn bé.

– Bố mang cháu đến Nhà thờ Xanh, – Sohrab nói. – Cháu nhớ có rất nhiều chim câu ở bên ngoài masjid 2 và chúng không sợ người. Chúng đến sát chỗ chúng cháu. Sasa đưa cho cháu một miếng bánh naan và cháu cho chim ăn. Chẳng mấy chốc, bao nhiêu bồ câu đến gù khắp quanh cháu. Rất là vui.

– Chắc cháu nhớ bố mẹ cháu lắm. – tôi nói. Tôi không biết liệu nó có nhìn thấy bọn Taliban kéo lê bố mẹ nó trên đường phố không. Tôi mong là không.

– Bác có nhớ bố mẹ bác không? – Nó hỏi, cằm vẫn tựa trên đầu gối, mắt ngước nhìn tôi.

– Bác có nhớ bố mẹ không à? Ờ, bác chẳng bao giờ được gặp mẹ bác. Bố bác chết cách đây mấy năm. Nhưng có, bác có nhớ ông. Đôi khi rất nhiều.

– Bác có nhớ, ông trông như thế nào không?Tôi nghĩ đến cái cổ to bè của Baba, đôi mắt đen của ông, bộ tóc nâu rối bù của ông. Đến lúc tôi được ngồi trên đùi ông như ngồi trên hai thân cây. Tôi nói:

– Bác nhớ trông ông như thế nào chứ, nhớ cả mùi của ông thế nào nữa.

– Cháu bắt đầu quên gương mặt của họ rồi, – Sohrab nói. – Như thế có xấu không?

– Không, – tôi nói. – Thời gian làm quên đi. – Tôi nghĩ tới một cái gì đó. Tôi nhìn vào túi trước áo khoác tôi. Tìm tấm ảnh Polaroid của Hassan và Sohrab, và nói:

– Đây.Nó đưa tấm ảnh lên gần sát mặt, xoay cho ánh sáng nhà thờ chiếu lên đó. Nó nhìn tấm ảnh rất lâu. Tôi nghĩ nó sắp khóc nhưng nó không khóc. Nó chỉ giữ trong hai tay, chạm ngón tay cái lên mặt ảnh. Tôi nghĩ đến một câu tôi đã đọc ở đâu đó, cũng có thể tôi nghe ai nói thế: Có rất nhiều trẻ con ở Afghanistan, nhưng hầu như không có tuổi thơ.

Nó chìa tay trả tấm ảnh cho tôi.

– Giữ lấy, – tôi nói. – Của cháu đấy.

– Cảm ơn bác, – nó lại nhìn tấm ảnh và cẩn thận bỏ vào túi áo ngoài. Một chiếc xe ngựa kéo lọc cọc vào bãi đậu xe. Những chuông nhạc nhỏ đung đưa quanh cổ ngựa và kêu loong cong theo mỗi bước đi.

– Gần đây, cháu cứ nghĩ rất nhiều về các nhà thờ, – Sohrab nói.

– Cháu nghĩ ư? Nghĩ gì?

Nó nhún vai:

– Chỉ nghĩ về chúng thôi, – nó ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào tôi lúc này nó đang khóc, nhẹ nhàng, thầm lặng. – Cháu có thể hỏi một điều không, Amir agha?

– Tất nhiên rồi.

– Liệu thượng đế… – nó bắt đầu, nghẹn lại một chút. – Liệu Thượng đế có đày cháu xuống địa ngục vì nhưng gì cháu đã làm với con người ấy không? Tôi quàng lấy nó, nó chuồi ra. Tôi lùi lại:

– Không, tất nhiên là không rồi, – tôi nói. Tôi muốn kéo sát nó vào người tôi, ôm lấy nó, nói cho nó biết cuộc đời đã từng không nhân từ với nó, chứ không phải là ngược lại.

Mặt nó biến sắc và gượng trấn tĩnh lại:

– Bố cháu vẫn thường bảo ngay cả làm đau người xấu cũng là sai trái. Bởi vì họ không biết điều gì tốt hơn, bởi vì người xấu đôi khi cũng trở thành tốt.

– Không luôn luôn thế đâu, Sohrab.

Nó nhìn tôi một cách nghi hoặc.

– Kẻ đã làm tổn thương cháu, bác biết hắn từ nhiều năm nay rồi, – tôi nói. – Bác đoán cháu hình dung ra điều ấy, là từ cuộc nói chuyện giữa bác và hắn. Hắn… hắn đã từng một lần định làm bác bị thương khi bác ở tuổi cháu, nhưng bố cháu đã cứu bác. Bố cháu rất dũng cảm và bố cháu luôn cứu bác khỏi những khó khăn, bảo vệ bác. Vậy nên một hôm con người xấu đó đã đánh bố cháu. Nó đánh bố cháu theo lối rất tệ hại, và bác… bác đã không thể cứu bố cháu như bố cháu đã cứu bác.

– Tại sao người ta cứ muốn làm hại bố cháu? – Sohrab nói bằng một giọng bị nghẹn lại. – Bố có bao giờ ác với ai đâu.

– Cháu nói đúng. Bố cháu là một người tốt. Nhưng đó lại là điều bác đang cố nói cho cháu biết đấy, Sohrab jan. Rằng trên cuộc đời này có những người xấu và đôi khi người xấu vẫn cứ xấu mãi. Đôi khi cháu phải chống lại chúng. Những gì cháu đã làm đối với con người đó là những gì bác lẽ ra đã phải làm từ bao năm rồi. Cháu đã cho hắn điều mà hắn đáng phải chịu, và hắn còn đáng bị hơn thế nữa.

Nó lấy ống tay áo lau mặt. Mũi dãi chảy trên môi nó. Nó lấy hai tay ôm mặt khóc một lúc lâu nữa trước khi nói tiếp:

– Cháu cũng nhớ bố và mẹ, nhớ cả Sasa và ông Rahim Khan nữa. Nhưng đôi lúc cháu cũng lấy làm mừng là họ không… họ không còn ở đây chút nào nữa.

– Tại sao?

– Bởi vì… – nó nói, thổn thức nấc lên, miệng há hốc ra, – bởi vì cháu không muốn họ thấy cháu… cháu bẩn thỉu đến thế, – nó nuốt hơi rồi thở ra thành một tiếng khóc dài, thút thít. – Cháu quá bẩn thỉu và đầy tội lỗi.

– Cháu không bẩn thỉu, Sohrab. – Tôi nói.

– Mấy người đó…

– Cháu không bẩn thỉu chút nào hết.

-… họ đã làm những chuyện… con người xấu xa đó và cả hai thằng kia nữa… chúng đã làm những chuyện… đã làm những chuyện với cháu.

– Cháu không bẩn thỉu, không đầy tội lỗi, – tôi chạm vào cánh tay nó, nhưng nó rút ra. Tôi lại nắm lấy, dịu dàng, và kéo nó vào người tôi:

– Bác không làm tổn thương cháu đâu, – tôi thì thào. – Bác hứa đấy. – Nó chống lại một chút. Thôi dần. Để mặc tôi kéo nó vào người và ngả đầu vào ngực tôi. Tấm thân nhỏ bé co giật trong cánh tay tôi mỗi lần nó nấc lên thổn thức.

Tình máu mủ tồn tại giữa những con người cùng được nuôi dưỡng từ một bầu sữa mẹ. Giờ đây, khi nỗi đau của thằng bé thấm qua cả áo tôi, tôi thấy tình máu mủ cũng đã bén rễ giữa hai chúng tôi. Những gì đã xảy ra với Assef trong căn phòng đó đã gắn bó chúng tôi lại không gì thay đổi được. Tôi vẫn đang tìm lúc thích hợp, thời điểm thích hợp để hỏi một câu đang ong ong trong đầu tôi, làm tôi thao thức suốt đêm. Tôi quyết định giờ phút ấy là lúc này, ngay ở đây, ngay bây giờ, với ánh sáng rực rỡ của ngôi nhà của Thượng đế soi sáng chúng tôi:

– Cháu muốn đến sống ở Mỹ với bác và vợ bác không?

Nó không trả lời. Nó khóc nức nở vào áo tôi, và tôi để nó nức nở.

Suốt một tuần, không ai trong chúng tôi nhắc đến chuyện tôi đã hỏi nó, như thể câu hỏi chưa từng được đặt ra. Thế rồi một hôm, Sohrab và tôi thuê một chiếc ta xi đi tới quan sát điểm Daman-e-Kole – còn được gọi là “mép núi”. Xây dựng trên lưng chừng Dãy đồi Margalla, quan sát điểmnày cho ta cái nhìn toàn cảnh Islamabad với những dãy đại lộ sạch sẽ, hai bên là hàng cây và những ngôi nhà màu trắng. Người lái xe bảo chúng tôi lên trên đó chúng tôi có thể trông thấy dinh tổng thống. Ông ta nói: “Nếu trời mới mưa xong và không khí quang đãng, ông có thể nhìn quá cả Rawalpindi.” Tôi thấy đôi mắt ông ta ở gương chiếu hậu, hết nhìn Sohrab lại chuyển sang nhìn tôi, đảo qua đảo lại, đảo qua đảo lại. Tôi cũng nhìn thấy mặt của chính tôi nữa. Nó không còn sưng to như trước, nhưng mang một màu vàng sạm từ những mảng bị thâm tím đã nhạt đi.

Chúng tôi ngồi trên một băng ghế dài ở khu picnic, dưới bóng một cây keo. Một ngày ấm áp, mặt trời chót vót cao trên bầu trời xanh màu ngọc bích. Ở những băng ghế cạnh đó, mấy gia đình ăn qua loa món bánh samosas và mướp đắng pakoras. Đâu đó radio đang mở bài hát Hindi tôi nghĩ mình nhớ trong một bộ phim cũ, có thể là Pakeeza. Lũ con trai, nhiều đứa trong bọn chúng trạc tuổi Sohrab, đang săn đuổi những trái bóng đá, khúc khích cười và hét toáng lên. Tôi nghĩ tới trại mồ côi ở Karteh-Seh, nghĩ tới những con chuột cống cuống quýt chạy giữa hai chân tôi ở văn phòng của ông Zaman. Ngực tôi thắt lại vì một cơn giận dữ bất ngờ dâng lên trước cung cách những người đồng bào của tôi đang huỷ diệt đất nước của chính mình.

– Gì vậy ạ? – Sohrab hỏi.

Tôi cố tạo ra một nụ cười và bảo nó không có chuyện gì quan trọng.Chúng tôi trải một trong những chiếc khăn tắm của khách sạn lên bàn ăn picnic và chơi bài panjpar trên đó. Tôi cảm thấy rất dễ chịu ở đó, cùng với con trai người em khác mẹ, chơi bài, hơi ấm mặt trời phả vào gáy tôi. Bài hát kết thúc và một bài hát khác lại bắt đầu, nhưng tôi không biết bài này.

– Nhìn kìa, – Sohrab nói. Nó chỉ lên bầu trời bằng mấy con bài. Tôi ngước lên, thấy một con diều hâu đang lượn vòng trong bầu trời bao la không một gợn mây.

– Bác không biết lại có diều hâu ở Islamabad đấy, – tôi nói.

– Cháu cũng vậy, – nó nói, mắt nó nhìn theo vòng lượn của con chim. – Nơi bác sống có diều hâu không?

– San Francisco ấy à? Bác đoán là có. – Dẫu sao tôi cũng không thể nói tôi đã trông thấy nhiều rồi.

– Ồ…

Tôi đang mong nó sẽ hỏi thêm, nhưng nó lại trỏ tay kia ý hỏi liệu chúng tôi có thể ăn chưa. Tôi mở túi giấy và đưa cho nó bánh sandwich thịt viên. Bữa trưa của tôi còn có thêm một ca chuối trộn cam nữa – Tôi đã thuê chiếc máy xay sinh tố của bà Fayyaz suốt cả tuần. Tôi hút qua ống hút và miệng tôi đầy nước trái cây trộn ngọt ngào. Một ít rớt ra khỏi mép tôi. Sohrab đưa cho tôi chiếc khăn ăn và nhìn tôi chấm chấm khẽ vào môi. Tôi mỉm cười và nó cũng mỉm cười đáp lại.

– Bố cháu và bác là hai anh em, – tôi nói. Lời lẽ cứ tự nhiên buột ra. Tôi đã muốn nói với nó từ cái đêm chúng tôi ngồi bên nhà thờ, nhưng tôi đã không nói. Nhưng nó có quyền được biết, tôi không muốn giấu nó bất cứ điều gì nữa. – Anh em cùng cha khác mẹ, thực đấy. Hai người có cùng một ông bố.

Sohrab ngừng nhai. Đặt chiếc bánh xuống:

– Bố cháu không bao giờ nói ông có một người anh em.

– Bởi vì bố cháu không biết.

– Tại sao bố cháu không biết?

– Không ai nói cho bố cháu biết, – tôi nói. – Cũng không ai nói cho bác biết. Gần đây bác mới phát hiện ra thôi.

Sohrab chớp chớp mắt. Như đang nhìn tôi, và chính là lần đầu tiên nó thực sự nhìn tôi:

– Nhưng tại sao mọi người lại giấu bố cháu và bác chuyện đó?

– Cháu biết đấy, có hôm bác cũng tự hỏi mình câu hỏi đó. Cũng có câu trả lời, nhưng không phải câu trả lời hay ho. Thôi chúng ta hãy cứ nói là họ không bảo cho chúng ta biết, bởi vì bố cháu và bác… không được coi như là anh em.

– Vì bố là người Hazara?

Tôi cương quyết không rời mắt khỏi nó:

– Đúng thế.

– Thế bố bác… – nó hỏi, mắt nhìn miếng bánh của nó. – Bố bác có yêu bác và bố cháu bằng nhau không?

Tôi nghĩ tới một ngày cách đây đã lâu tại hồ Gargha, Baba cho phép mình vỗ vào lưng Hassan khi viên đá của Hassan thia lia vượt trội tôi. Tôi hình dung Baba trong phòng bệnh, mặt rạng rỡ khi họ tháo băng ở môi Hassan ra:

– Bác nghĩ ông yêu hai người ngang nhau nhưng khác nhau.

– Ông xấu hố vì bố cháu à?

– Không, – tôi nói. – Bác nghĩ ông tự hổ thẹn vì bản thân.

Nó nhặt bánh lên và lặng lẽ nhấm nháp chiếc bánh.

Chúng tôi rời về lúc chiều muộn, mệt vì nóng, nhưng mệt một cách vui thích. Suốt trên đường về, tôi cảm thấy Sohrab đang quan sát tôi. Tôi bảongười lái xe ghé vào một cửa hàng bán thẻ gọi. Tôi đưa cho ông ta tiền và một chút tiền boa để ông chạy vào mua cho tôi một thẻ gọi.

Đêm đó, chúng tôi nằm trên giường của chúng tôi xem một chương trình trò chuyện trên tivi. Hai giáo sĩ râu dài lốm đốm bạc, chít khăn tu-ban trắng đang nhận các cuộc gọi của tín đồ trên khắp thế giới. Một người gọi từ Phần Lan, một ông tên Ayub hỏi liệu con trai tuổi dưới hai mươi của ông ta có thể bị đày xuống địa ngục vì mặc quần thụng quá trễ khiến đồ lót bên trong hở ra không.

– Một lần cháu đã thấy một bức hình của San Francisco đấy.

– Thật à?

– Có một cây cầu đỏ và một toà nhà mái nhọn.

– Cháu nên thấy các đường phố nữa, – tôi nói.

– Đường phố thế nào? – Lúc này nó nhìn sang tôi. Trên màn hình tivi, hai ông giáo sĩ đang tham khảo ý kiến nhau.

– Chúng rất là dốc, khi cháu lái xe lên dốc tất cả những gì cháu thấy chỉ là mui xe và bầu trời thôi. – tôi nói.

– Nghe có vẻ sợ nhỉ, – nó nói và xoay nghiêng người, quay mặt sang bên tôi, lưng về phía tivi.

– Chỉ ít lần đầu thôi, – tôi nói. – Nhưng rồi cháu sẽ quen đi.

– Ở đấy có tuyết không?

– Không, nhưng chúng ta sẽ gặp rất nhiều sương mù. Cháu biết chiếc cầu đỏ cháu đã nhìn thấy chứ?

– Vâng.

– Đôi khi sương mù dày đặc suốt buổi sáng, tất cả những gì cháu nhìn thấy chỉ là đỉnh của hai ngọn tháp nhô lên.

– Ồ! – Có chút ngạc nhiên và thán phục trong nụ cười của nó.

– Sohrab này?

– Dạ.

– Cháu đã nghĩ chút nào đến điều bác hỏi cháu lúc trước chưa?

Nụ cười của nó tắt ngấm. Nó nằm ngửa ra. Gối đầu lên hai bàn tay. Hai giáo sĩ khẳng định con trai của Ayub rốt cuộc sẽ phải xuống địa ngục vì mặc quần kiểu đó. Họ tuyên bố tội đó có nêu trong Haddith 3.

– Cháu đã nghĩ, – Sohrab nói.

– Và?

– Cháu sợ.

– Bác biết, cũng hơi sợ một tí, – tôi nói, chộp lấy tia hy vọng hé lộ ra đó. – Nhưng cháu sẽ học được tiếng Anh rất nhanh, và cháu sẽ quen dần với…

– Ý cháu không phải như vậy. Điều đó cũng làm cháu sợ, nhưng…

– Nhưng gì nữa?

Nó lại lăn về phía tôi. Co hai đầu gối lên:

– Ngộ nhỡ bác chán cháu thì sao? Ngộ nhỡ vợ bác không thích cháu?

Tôi cố lê ra khỏi giường và vượt qua khoảng cách giữa chúng tôi, đến ngồi bên nó, rồi nói:

– Sohrab, bác sẽ không bao giờ chán cháu. Không bao giờ. Lời hứa đấy. Cháu là cháu của bác, cháu nhớ chứ? Và Sohrab jan, bác gái là một phụ nữ rất nhân từ. Hãy tin bác, bác gái sẽ yêu cháu. Bác cũng hứa như thế nữa.Tôi đánh liều. Cúi xuống và cầm lấy tay nó. Nó rụt lại một chút nhưng để tôi cầm.

– Cháu không muốn đến một trại mồ côi khác, – nó nói.

– Bác sẽ không bao giờ để xảy ra chuyện đó. Bác hứa với cháu thế. – Tôi ôm lấy bàn tay nó trong cả hai tay tôi. – Về nhà với bác.

Nước mắt nó tràn ra đầm đìa chiếc gối. Nó không nói gì một lúc lâu. Rồi tay nó xoắn chặt lấy tay tôi. Và nó gật đầu. Nó gật đầu.

Gọi thử đến lần thứ tư mới nối được máy. Chuông reo ba hồi trước khi nàng nhấc máy lên:

– Hello?

Lúc đó là 7 giờ 30 tối ở Islamabad, khoảng cùng giờ vào buổi sáng ở California. Có nghĩa Soraya đã dậy được một giờ rồi và chuẩn bị đến trường.

– Anh đây, – tôi nói. Tôi đang ngồi trên giường tôi, ngắm Sohrab ngủ.

– Amir! – Nàng hầu như reo lên. – Anh có khoẻ không? Anh đang ở đâu?

– Anh đang ở Pakistan.

– Sao không gọi cho em sớm hơn? Em phát ốm vì tashweesh 4 đấy! Mẹ em ngày nào cũng cầu nguyện cho anh và làm lễ nazr cho anh.

– Anh xin lỗi đã không gọi. Bây giờ anh khoẻ rồi. – Tôi đã nói với nàng tôi sẽ chỉ đi mất một tuần, nhiều nhất là hai. Thế mà tôi đã đi gần một tháng. Tôi mỉm cười. – Và bảo Khala Jamila đừng có giết cừu đấy.

– Anh nói “khoẻ rồi” là ý thế nào? Mà giọng nói của anh làm sao vậy?

– Bây giờ đừng lo đến chuyện đó nữa. Anh khoẻ rồi. Thật đấy, Soraya. Anh có một chuyện phải nói với em, một chuyện đáng lẽ phải nói với em từ lâu rồi, nhưng trước hết anh cần nói với em điều này.

– Điều gì vậy? – Giọng nàng hạ xuống, thận trọng hơn.

– Anh không trở về nhà một mình. Anh sẽ đem theo về một thằng bé. – Tôi ngừng lại. – Anh muốn chúng ta nhận nuôi nó.

– Cái gì?

Tôi xem đồng hồ:

– Anh còn năm mươi bảy phút trên cái thẻ gọi vớ vẩn này và anh có rất nhiều điều phải nói với em. Em ngồi tạm xuống đâu đi.

Tôi nghe thấy tiếng chân ghế kéo vội trên sàn gỗ.

– Nói tiếp đi, – nàng bảo.

Thế là tôi đã làm cái việc mà tôi không làm trong mười lăm năm chung sống. Tôi kể hết cho vợ tôi mọi chuyện. Mọi chuyện. Tôi đã hình dung ra khoảnh khắc này rất nhiều lần, đã sợ đến chết được, nhưng khi tôi nói ra, tôi cảm thấy như nhẹ cả lồng ngực. Tôi mường tượng Soraya cũng đã trải qua điều gì đó rất giống như thế, vào cái đêm khastegari của chúng tôi, khi nàng kể hết cho tôi quá khứ của nàng.

Khi tôi nói xong, nàng khóc.

– Em nghĩ thế nào? – Tôi hỏi.

– Amir, em chẳng biết nghĩ sao nữa. Anh đã kể cho em quá nhiều chuyện, cùng một lúc thế này.

– Anh cũng nhận thấy thế.Tôi nghe thấy tiếng nàng sụt sịt mũi:

– Nhưng em hiểu điều này lắm. Anh phải mang nó về. Em muốn anh làm thế.

– Em có chắc không? – Tôi vừa hỏi vừa nhắm mắt lại, mỉm cười.

– Em có chắc không ư? – Nàng nói. – Amir, nó là gaom 5 của anh, gia đình của anh, vậy nó cũng là gaom của em. Tất nhiên là em chắc rồi. Anh không thể để nó lang thang đường phố, – dừng một lúc. – Trông nó thế nào?

Tôi nhìn sang Sohrab đang ngủ trên giường:

– Nó trông đáng yêu, theo kiểu nghiêm nghị.

– Ai có thể quở trách nó nào? – Nàng nói. – Amir, em muốn gặp nó. Em muốn thật đấy.

– Soraya?

– Vâng.

-Dostet darum. Anh yêu em.

– Em cũng yêu anh. – nàng nói. Tôi như nghe thấy cả tiếng cười trong những lời nói của nàng. – Và anh hãy bảo trọng.

– Anh sẽ thế. Còn một điều nữa. Đừng nói với bố mẹ em thằng bé là ai. Nếu họ cần biết, việc đó phải để anh nói.

– Được rồi.

Chúng tôi gác máy.

Bãi cỏ bên ngoài toà Đại sứ Mỹ ở Islamabad được xén rất gọn ghẽ, điểm những khóm hoa hình tròn bao quanh bằng nhưng hàng rào cây cắt tỉa thẳng hàng. Bản thân toà nhà giống như nhiều toà nhà khác ở Islamabad, mái bằng và màu trắng. Chúng tôi phải qua vài trạm kiểm soát dọc đường để đến đó và ba nhân viên an ninh đảm bảo việc khám xét người tôi sau khi dây thép bó hàm tôi làm phát tín hiệu ở máy dò kim loại. Cuối cùng khi chúng tôi từ cái nóng bên ngoài bước vào trong, không khí của máy điều hoà nhiệt độ ập vào mặt tôi như bị hắt nước đá. Bà thư ký ở sảnh tiếp tân, một phụ nữ tóc hung chừng năm mươi tuổi, khuôn mặt nhỏ nhắn, mỉm cười khi tôi nói cho bà tên tôi. Bà mặc một chiếc áo khoác màu nâu nhạt và một quần âu đen, người phụ nữ đầu tiên tôi trông thấy suốt trong mấy tuần lễ, mặc thứ gì khác chiếc burqa hoặc shalwar-kameez. Bà ngước dò tôi trong danh sách các cuộc hẹn, gõ gõ cái.đầu tẩy bút chì lên bàn. Bà tìm thấy tên tôi và bảo tôi ngồi xuống.

– Ông có muốn uống một cốc nước chanh không?

– Cảm ơn bà, tôi không dùng gì.

– Thế còn con trai ông?

– Tôi xin lỗi?

– Cậu bé xinh trai kia ấy, – bà vừa nói vừa mỉm cười với Sohrab.

– Ồ. Bà tử tế quá, cảm ơn bà.

Tôi và Sohrab ngồi trên một chiếc ghế sofa bọc da đen ngay bên bàn tiếp khách, cạnh một lá cờ Mỹ to. Sohrab cầm một cuốn tạp chí từ chiếc bàn cà phê trên lót kính. Nó lật trang, không thật sự nhìn vào tranh ảnh bên trong.

– Gì đấy ạ? – Sohrab hỏi.

– Hả?

– Bác đang mỉm cười.

– Bác đang nghĩ về cháu, – tôi nói.

Nó mỉm cười bẽn lẽn, nhặt thêm một cuốn tạp chí khác và lật mở khoảng nửa phút.

– Đừng sợ, – tôi vừa nói vừa đụng vào cánh tay nó. – Những người ở đây đều thân thiện cả. Yên tâm. – Lẽ ra tôi có thể dặn dò nó trước mới phải. Tôi vẫn bồn chồn trên ghế, hết cởi lại buộc dây giày. Bà thư ký đặt một cốc to nước chanh đá lên bàn cà phê.

– Cháu uống đi.

Sohrab mỉm cười bẽn lẽn: Cảm ơn bà nhiều lắm, – nó nói bằng tiếng Anh. Nhưng lại nghe như: “Cảm ơn bà niều lám.” Đó là câu tiếng Anh duy nhất nó biết, nó bảo tôi thế, và câu “Chúc một ngày tốt lành.”

Bà cười:

– Không có gì đâu.

Bà bước trở lại bàn làm việc của mình, gót giày cao gõ lên sàn.

– Chúc một ngày tốt lành. – Sohrab nói.

Raymond Andrews là một người đàn ông thấp bé, hai bàn tay nhỏ, móng tay cắt giũa rất cẩn thận, ngón tay đeo nhẫn cưới. Ông ta bắt tay tôi lấy lệ, có cảm giác như bắt tay một con chim sẻ. Đó lại là những bàn tay nắm số phận chúng tôi.

Tôi nghĩ thế, trong khi Sohrab và tôi tự ngồi xuống trước bàn giấy của ông ta. Một bức tranh quảng cáo phim Những người khốn khổ được đóng đinh trên tường phía sau ông ta, gần bản đồ địa chính nước Mỹ. Một chậu cà chua dãi nắng trên bệ cửa sổ.

– Ông hút thuốc không? – Ông hỏi bằng một giọng nam trung khá trầm, không hợp chút nào với dáng vẻ nhẹ nhõm của ông.

– Không, cảm ơn, – tôi nói, không chút quan tâm đến cách ông ta hầu như không thèm liếc nhìn Sohrab, hoặc cách ông ta nói mà không nhìn tôi.

Ông ta lôi ngăn kéo bàn làm việc ra, và châm một điếu ở bao thuốc vơi một nửa. Ông ta cũng lôi ra một lọ nước thơm ở cùng ngăn kéo ấy. Vừa nhìn mấy cây cà chua vừa chà xát nước thơm vào hai tay, điếu thuốc phập phèo bên mép. Rồi ông ta đóng ngăn kéo, tì hai khuỷu tay lên bàn làm việc và thở phào:

– Nào, – ông ta nói, vừa nheo mắt trước khói thuốc. – Kể cho tôi chuyện của ông đi.

Tôi cảm thấy mình như Giăng van Giăng ngồi trước Giave. Tôi nhắc nhở mình rằng lúc này tôi đang trên đất Mỹ, rằng cái gã này đang đứng về phía mình, rằng hắn được trả lương để giúp những người như tôi.

– Tôi muốn nhận nuôi thằng bé này, mang nó theo về Hợp chủng quốc cùng với tôi. – Tôi nói.

– Nói cho tôi biết chuyện của ông, – ông ta nhắc lại, dùng ngón trỏ dụi tàn thuốc lên chiếc bàn sắp xếp rất ngăn nắp, đoạn búng nó vào sọt rác.Tôi kể cho ông ta hết những gì tôi đã suy nghĩ kỹ trong đầu, từ lúc gác máy với Soraya. Tôi đã vào Afghanistan để mang về đứa con trai của người em cùng cha khác mẹ của tôi. Tôi đã tìm thấy thằng bé trong hoàn cảnh nghèo khổ tồi tàn, còm cõi vì đau ốm trong một trại mồ côi. Tôi đã trả một số tiền cho ông giám đốc trại mồ côi, và lôi được thằng bé ra. Rồi tôi mang nó tới Pakistan.

– Ông là bác nửa huyết thống của thằng bé?

– Vâng.

Ông ta xem đồng hồ. Ngả người ra và xoay chậu cà chua trên bậu cửa sổ.

– Ông biết ai có thể chứng thực điều đó chứ?

– Có, nhưng tôi không biết hiện giờ ông ấy ở đâu.

Ông ta quay lại phía tôi và gật đầu. Tôi cố đọc nét mặt của ông ta mà không đọc nổi. Tôi không biết liệu đã bao giờ ông ta thử chơi bài poke hay chưa. Ông ta nói:

– Tôi cho rằng hai hàm ông bị bó dây thép thế kia không phải là lời trình bày hợp lý cuối cùng của ông.

Sohrab và tôi, chúng tôi gặp rắc rối, và thế là tôi biết rồi. Tôi bảo ông ta tôi bị cướp ở Peshawar.

– Dĩ nhiên, – ông ta nói. Rồi hắng giọng. – Ông là tín đồ Hồi giáo chứ?

– Vâng.

– Ngoan đạo?

– Vâng.

Thực ra, tôi không còn nhớ lần cuối cùng tôi rập trán xuống đất để cầu nguyện là bao giờ nữa. Rồi tôi lại nhớ đến cái ngày mà bác sĩ Amani chẩn đoán bệnh cho Baba. Tôi đã quỳ xuống chiếc thảm cầu nguyện, chỉ nhớ được mấy khổ thơ tôi đã học ở trường.

– Điều đó giúp cho trường hợp của ông một chút, nhưng không nhiều, – ông ta vừa nói vừa gãi gãi trên đám tóc rất mượt của bộ tóc màu hung đỏ.

– Ông định nói sao? – Tôi hỏi. Tôi với lấy bàn tay Sohrab, ngoắc ngón tay tôi vào ngón tay nó. Sohrab băn khoăn hết nhìn tôi lại nhìn Andrews.

– Sẽ là một câu trả lời dài dòng và tôi tin chắc tôi rút cục cũng phải nói ra. Ông có muốn câu trả lời vắn tắt trước không?

– Cứ cho là như thế đi.

Andrews dụi điếu thuốc, hai môi mím lại:

– Bỏ chuyện này đi.

– Tôi xin lỗi?

– Việc xin nhận nuôi thằng bé này. Bỏ đi. Đó là lời khuyên của tôi.

– Đã rõ, – tôi nói. – Giờ, có lẽ ông cho tôi biết tại sao chứ.

– Có nghĩa là ông muốn câu trả lời dài, – ông ta nói, giọng bình thản, không hề phản ứng lại giọng nói cộc lốc của tôi. Ông ta ép hai lòng bàn tay lại như thể đang quỳ trước Đức mẹ đồng trinh. – Ta cứ cho là chuyện ông kể cho tôi là thực đi, dẫu tôi dám chắc với ông tiền lương hưu của tôi, phần lớn chuyện đó là thêu dệt và cắt xén. Ông hãy lưu ý, không phải là tôi nhiều chuyện đâu. Ông đây, nó đây, tất cả vấn đề là ở đó. Ngay cả thế nữa, đơn thỉnh cầu của ông cũng gặp phải những trở ngại quan trọng, không kể cái tối thiểu ấy là thằng bé này không mồ côi.

– Đương nhiên nó là trẻ mồ côi rồi.

– Nhưng lại không, về mặt pháp lý.

– Bố mẹ nó bị xử bắn trên đường phố. Những người hàng xóm đều thấy chuyện đó. – tôi nói, và lấy làm mừng vì chúng tôi nói bằng tiếng Anh.

– Ông có những giấy khai tử không?

– Giấy khai tử? Chúng ta đang nói về Afghanistan. Phần lớn dân ở đó không có giấy khai sinh.

Đôi mắt vô cảm của ông ta không hề chớp:

– Tôi không làm ra luật, thưa ông. Dù bất kể ông giận dữ thế nào, ông vẫn cần chứng minh bố mẹ nó đã qua đời. Thằng bé phải được công nhận là một đứa trẻ mồ côi hợp pháp.

– Nhưng…

– Ông muốn một câu trả lời dài dòng, và tôi đang trả lời cho ông. Vấn đề tới của ông là ông cần sự hợp tác của nơi quê gốc của đứa trẻ. Mà, trong hoàn cảnh khả quan nhất, việc đó cũng rất khó, xin trích lời ông, chúng ta đang nói về Afghanistan. Chúng ta không có sứ quán Mỹ ở Kabul. Việc đó làm cho mọi điều càng cực kỳ phức tạp. Gần như là bất khả.

– Theo như ông nói, tôi nên ném nó trở lại đường phố? – Tôi hỏi.

– Tôi không nói thế.

– Nó đã bị lạm dụng tình dục, – tôi vừa nói vừa nghĩ tới những chuông nhạc đeo xung quanh cổ chân, chất mascara trên mắt nó.

– Tôi rất tiếc khi nghe chuyện đó, – miệng Andrews nói. Nhưng với cung cách ông ta nhìn tôi, như thể chúng tôi đang nói chuyện về thời tiết. – Nhưng cái đó cũng sẽ không buộc Cục Nhập cư cấp visa cho thằng bé được.

– Ông đang nói gì vậy?

– Tôi đang nói, nếu ông muốn giúp đỡ, hãy gửi tiền cho một tổ chức cứu trợ có uy tín. Tình nguyện vào trong một trại tị nạn. Nhưng ở thời điểm này, chúng ta cực lực ngăn công dân Mỹ nhận trẻ con Afghan làm con nuôi.Tôi đứng dậy:

– Thôi nào, Sohrab, – tôi nói bằng tiếng Farsi. Sohrab luồn đến bên tôi, đầu ngả vào hông tôi. Tôi lại nhớ đến tấm ảnh Polaroid chụp nó và Hassan cũng đứng với nhau như thế. – Tôi có thể hỏi ông một điều không, ông Andrews?

– Được.

– Ông có con không?

Lần đầu tiên, ông ta chớp mắt.

– Thế nào, ông có không? Một câu hỏi đơn giản thôi mà.

Ông ta im lặng.

– Tôi nghĩ thế này, – tôi vừa nói vừa nắm lấy tay Sohrab. Người ta phải đặt một người biết thế nào là muốn có một đứa con vào cái ghế của ông mới đúng.Tôi quay lưng, bước ra. Sohrab bám theo tôi.

– Tôi có thể hỏi ông một câu không? – Andrews gọi với.

– Ông hỏi đi.

– Ông đã hứa với đứa trẻ là ông sẽ đem nó theo ông?

– Nếu tôi hứa thì sao?

Ông ta lúc đầu:

– Hứa với trẻ con là một việc nguy hiểm.

Ông ta thở dài và lại mở ngăn kéo bàn làm việc ra:

– Ông định theo đuổi việc này? – Vừa nói ông vừa lục lọi các giấy tờ.

– Tôi định theo đuổi đấy.

Ông rút ra một tấm danh thiếp.

– Vậy, tôi khuyên ông gặp một luật sư giỏi về nhập cư. Ông Omar Faisal làm việc ngay ở Islamabad. Ông có thể nói với ông ấy là tôi gửi ông đến.

Tôi cầm danh thiếp từ tay ông ta, ấp úng:

– Cảm ơn.

– Chúc may mắn, – ông ta nói.

Lúc chúng tôi ra khỏi phòng, tôi ngoái nhìn lại. Andews đang đứng thẳng góc với ánh sáng mặt trời, lơ đãng nhìn qua cửa sổ, hai tay xoay chậu cà chua về phía mặt trời, nâng niu âu yếm.

– Bảo trọng, – bà thư ký nói khi chúng tôi đi qua bàn làm việc của bà.

– Sếp của bà cư xử thật lạ lùng, – tôi nói. Tôi hy vọng bà sẽ trợn mắt lên, có thể gật đầu hưởng ứng: “Tôi biết, mọi người đều nói thế,” đại khái như vậy. Thay vì thế, bà hạ giọng: “Khổ thân ông Ray, ông ấy không còn là mình nữa từ khi con gái ông ấy chết.” Tôi nhướn mày lên.

– Tự tử, – bà thì thào.

° ° °

Trên taxi trở về khách sạn, Sohrab dựa đầu vào cửa xe, vẫn chăm chú nhìn các toà nhà lướt qua, những hàng cây keo. Hơi thở của nó làm mờ cửa kính, nó lau sạch, rồi lại làm mờ. Tôi đợi nó hỏi tôi về cuộc gặp gỡ, nhưng nó không hỏi.

Bên trong cửa phòng tắm đóng kín, nước đang chảy. Kể từ ngày chúng tôi thuê phòng khách sạn này, Sohrab đêm nào cũng tắm khá lâu trước khi đi ngủ. Ở Kabul, nước máy nóng cũng giống như các ông bố: một món hàng quý hiếm. Bây giờ mỗi đêm Sohrab tắm gần một tiếng, đầm mình trong nước sữa tắm, kỳ cọ. Ngồi ở đầu giường, tôi gọi cho Soraya. Tôi liếc nhìn khe sáng nhỏ dưới phòng tắm. Sohrab, cháu cảm thấy sạch chưa?

Tôi kể lại cho Soraya những gì Raymond Andrews đã nói tôi và hỏi:

– Vậy em nghĩ sao?

– Chúng ta phải nghĩ rằng ông ấy nhầm. – Nàng bảo tôi nàng đã gọi cho vài tổ chức thu xếp việc nhận con nuôi quốc tế. Nàng chưa tìm được nơi nào muốn xem xét việc tiến hành nhận con nuôi Afghan, nhưng nàng vẫn đang tìm.

– Bố mẹ em nghe tin ấy với thái độ thế nào?

– Madar sung sướng cho chúng ta. Anh biết bà nghĩ thế nào về anh mà, Amir, trong con mắt bà anh không thể làm điều gì sai. Pakar… ồ, vẫn luôn luôn như thế, hơi khó hiểu. Ông không nói gì nhiều.

– Còn em? Em hạnh phúc chứ?

Tôi nghe thấy nàng chuyển máy sang tay kia:

– Em nghĩ chúng ta sẽ là tốt cho cháu anh, nhưng biết đâu thằng bé là đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

– Anh cũng đang nghĩ như thế.

– Em biết, có vẻ hơi điên, nhưng em thấy mình cứ thắc mắc không biết món quarma nào thằng bé thích, hoặc nó thích học môn gì nhất. Em tưởng tượng sẽ giúp nó những bài làm về nhà… – nàng cười.

Trong phòng tắm, nước ngừng chảy. Tôi nghe thấy Sohrab trong đó, tháo nước ở bồn vì nước đã tràn ra ngoài.

– Em sẽ vui lắm đấy, – tôi nói.

– Ồ suýt em quên! Em đã gọi cho Kaka Sharif.

Tôi nhớ ông đã ngâm một bài thơ viết từ mảnh giấy văn phòng khách sạn, tại lễ nika của chúng tôi. Con trai ông đã nâng cuốn kinh Koran trên đầu chúng tôi khi Soraya và tôi bước lên bục, mỉm cười trước các máy ảnh loé đèn.

– Ông ấy bảo thế nào?

– Ồ, bác ấy đang vận động ủng hộ chúng ta. Bác ấy sẽ gọi cho vài người bạn thân của bác ấy ở Sở Nhập cư.

– Đấy mới thực sự là tin quan trọng, – tôi nói. – Anh nóng lòng cho em gặp Sohrab quá.

– Em cũng nóng ruột mong gặp anh, – nàng nói.

Tôi gác máy, mỉm cười.

Sohrab, mấy phút sau, từ buồng tắm hiện ra. Nó hầu như không nói lấy mươi lời từ khi gặp ông Raymond Andrews và những nỗ lực gợi chuyện của tôi chỉ nhận được một cái gật đầu hoặc một lời đáp có hay không. Nó leo lên giường, kéo chăn đắp đến cằm. Trong vòng vài phút đã ngáy.

Tôi lau tấm gương mờ hơi nước thành một vòng tròn và cạo mặt bằng bàn dao cạo cổ lỗ của khách sạn, loại mở ra và đặt lưỡi vào. Rồi tôi cũng tắm, nằm ở đó cho đến khi nước nóng đã nguội đi và da tôi săn lại. Tôi nằm đó, đầu óc trôi giạt, băn khoăn, tưởng tượng…

Omar Faisal mập mạp, ngăm đen, má lúm đồng tiền, mắt đen tròn, và có nụ cười khuyết răng đáng mến. Bộ tóc mỏng đốm bạc của ông buộc kiểu đuôi ngựa ra phía sau. Ông mặc một bộ đồ nhung kẻ màu nâu, khuỷu tay đệm da và mang theo một chiếc cặp cũ nhồi đầy giấy tờ. Quai cặp bị mất, vì vậy ông phải ôm cặp vào ngực. Ông là người bao giờ cũng bắt đầu bằng việc cười với câu xin lỗi không cần thiết, như: Tôi xin lỗi, tôi sẽ ở đó lúc năm giờ. Cười. Khi tôi gọi cho ông, ông đã một mực không đến gặp chúng tôi. “Tôi xin lỗi, bọn tài xế taxi trong thành phố này như lũ cá mập ấy.” Ông nói bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo, không một dấu hiệu thổ ngữ nào. “Đánh hơi thấy mùi nước ngoài, là giã gấp ba tiền cước.”

Ông đẩy cửa đi vào, tươi cười và xin lỗi tíu tít, mồ hôi nhễ nhại và thở hổn hển. Ông lấy khăn tay lau mồ hôi trên lông mày và mở cặp, lục lọi lấy ra một kẹp giấy ghi chép, và xin lỗi vì đã bày bừa giấy tờ ra giường. Ngồi khoanh chân trên giường, Sohrab mắt vừa vẫn theo dõi màn hình tivi đã tắt tiếng vừa nhìn ông luật sư phiền toái. Tôi đã dặn nó từ lúc sáng rằng ông Faisal có lẽ sẽ đến đây, và nó đã gật đầu, hầu như chẳng hỏi điều gì mà chỉ tiếp tục xem cảnh bầy thú trò chuyện với nhau.

– Vậy là chúng ta đã gặp nhau. – ông Faisal vừa nói vừa bật mở kẹp giấy tờ pháp lý màu vàng. – Tôi mong lũ trẻ nhà tôi trông nom mẹ chúng khi có công việc. Tôi xin lỗi, có lẽ không phải những điều ông muốn nghe từ một luật sư tương lai, hả? – Ông cười.

– Ồ, ông Raymond Andrews đánh giá cao về ông.

– Ngài Andrews à. Vâng, vâng. Ông bạn đứng đắn. Thực ra ông ấy cũng đã gọi cho tôi và nói với tôi về ông.

– Ông ấy đã làm thế?

– Ồ vâng.

– Vậy ông đã rõ cảnh ngộ của tôi.

Ông Faisal thấm thấm những giọt mồ hôi phía trên môi:

– Tôi đã rõ chuyện ông kể lại cảnh ngộ của ông với ông Andrews. – ông nói.

Hai má ông lúm một nụ cười bẽn lẽn. Ông quay lại phía Sohrab và nói bằng tiếng Farsi. – Đây chắc hẳn là anh bạn trẻ đang gây ra rắc rối.

– Đấy là Sohrab, – tôi nói. – Sohrab, đây là ông Faisal, bác đã nói với cháu.

Sohrab tụt xuống giường và bắt tay ông Omar Faisal, chào khẽ:

– Salaam alaykum.

– Alaykum salaam, Sohrab. – Ông Faisal nói. – Cháu có biết cháu được đặt tên theo một chiến binh vĩ đại không?

Sohrab gật đầu. Lại trèo lên giường và nằm nghiêng xem tivi.

– Tôi không biết ông lại nói tiếng Farsi giỏi thế, – tôi nói bằng tiếng Anh. – Ông lớn lên ở Kabul à?

– Không, tôi sinh ra ở Karachi. Nhưng tôi đã sống ở Kabul nhiều năm, quận Shar-e-Nau gần nhà thờ Haji Yaghoub. Thật ra, tôi lớn lên ở Berkeley. Cha tôi mở một cửa hàng chuyên về âm nhạc ở đó vào những năm cuối thập kỷ sáu mươi. Tự do tình dục, băng buộc đầu, sơ mi nhuộm loang, như ông có thể hình dung ấy. – Ông ngả người về phía trước. – Tôi đã từng ở quận Woodstock.

– Cực kỳ thời thượng, – tôi nói, và ông Faisal cười đến vã mồ hôi ra lần nữa. – Dẫu sao, – tôi tiếp tục, – những gì tôi đã nói với ông Andrews là gần như đầy đủ trừ một hai điều. Có thể là ba điều. Tôi sẽ kể hết với ông, không giấu giếm gì.

Ông liếm ngón tay, mở tới một trang giấy trắng và tháo nắp bút:

– Tôi hoan nghênh việc đó, Amir. Và tại sao chúng ta lại không giữ kín, nói bằng tiếng Anh từ đầu đến cuối nhỉ?

– Rất hay.Tôi nói với ông mọi chuyện đã xảy ra. Kể lại với ông việc gặp chú Rahim Khan, hành trình cam go tới Kabul, trại mồ côi, việc ném đá ở Sân vận động Ghazi.

– Chúa ơi! – Ông thì thào. – Tôi rất tiếc, tôi có những kỷ niệm thật êm đềm về Kabul. Không thể tin được đấy lại là nơi ông đang kể cho tôi.

– Gần đây ông có ở đó hay không?

– Ơn Chúa, không.

– Tôi có thể nói với ông, đó không phải là Berkeley.

– Ông tiếp tục đi.

Tôi kể nốt cho ông, cuộc gặp Assef, đánh nhau, Sohrab và chiếc súng cao su của nó, cuộc chạy trốn của chúng tôi về Pakistan.

Khi tôi kể xong, ông ghi nguệch ngoạc mấy dòng, thở dài sườn sượt, và nghiêm nghị nhìn tôi:

– Chà, ông còn có một trận chiến gay go trước mắt.

– Trận mà tôi có thể thắng?

Ông đóng nắp bút:

– Dù có liều làm thử như ông Andrews, cũng không có gì là chắc chắn. Không phải bất khả, nhưng hầu như không chắc chắn gì cả. – Cái nhìn vui đùa trong con mắt và nụ cười trìu mến của ông không còn nữa.

– Nhưng vấn đề là những đứa trẻ như Sohrab cần một mái nhà ấm áp hơn tất cả. – Tôi nói. – Những luật lệ và quy tắc này chẳng có ý nghĩa gì với tôi.

– Ông đang thuyết giáo cho ban đồng ca đấ 6, Amir, – ông nói. – Nhưng sự thật là, xét đến những luật nhập cư gần đây, những chính sách của sở nhận con nuôi và bối cảnh chính trị ở Afghanistan, thì mọi chuyện đều chống lại ông.

– Tôi không hiểu, – tôi nói. Tôi muốn đấm vào một cái cái gì đó. – Ý tôi muốn nói, tôi hiểu mà cũng không hiểu điều đó.

Omar gật đầu, cau mày lại:

– Ờ, đại khái như thế này. Với hậu quả của một thảm hoạ, dù là tự nhiên hay do con người gây ra – và Taliban là một thảm hoạ, Amir, hãy tin tôi – vẫn luôn khó để xác định một đứa trẻ là trẻ mồ côi. Trẻ con được đưa vào trại tị nạn, hoặc bố mẹ chúng bỏ rơi chỉ vì không chăm sóc nổi chúng. Luôn luôn xảy ra như vậy. Vì vậy Sở Nhập cư không thể cấp visa, trừ phi đứa trẻ rõ ràng được xác định là một trẻ mồ côi đủ tư cách pháp nhân. Tôi xin lỗi, tôi biết nói thế này có vẻ buồn cười, nhưng ông cần những giấy chứng tử.

– Ông đã từng ở Afghanistan, – tôi nói. – Ông biết điều đó là không thể được.

– Tôi biết, – ông nói. – Nhưng ta hãy giả thiết là đứa trẻ rõ ràng không còn bố mẹ sống sót. Ngay cả như thế, Sở Nhập cư sẽ nghĩ, việc nhận con nuôi thực tế sẽ tốt hơn khi giao đứa trẻ vào tay ai đó ngay trên chính đất nước nó, như vậy việc thừa kế của nó có thể được bảo đảm.

– Thừa kế nào? – Tôi nói. – Bọn Taliban đã phá huỷ tất cả những gì người dân Afghan được thừa kế. Ông biết là chúng đã làm gì với pho tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan rồi đấy.

– Tôi xin lỗi, tôi đang nói với ông Sở Nhập cư sẽ làm như thế nào, Amir. – Omar nói, vừa chạm vào cánh tay tôi. Ông liếc nhìn Sohrab và mỉm cười. Quay lại phía tôi, ông tiếp. – Giờ, vì một đứa trẻ phải được nuôi hợp pháp theo luật lệ và quy chế của đất nước của chính nó. Nhưng với một đất nước đang rối loạn, giả sử một đất nước như Afghanistan, các cơ quan chính phủ đang bộn bề những công việc khẩn cấp, thì soạn thảo những luật lệ về việc nhận con nuôi không phải là vấn đề tối ưu tiên.

Tôi thở dài và dụi mắt. Ngay sau đó, đầu tôi nhức như búa bổ.

– Nhưng ta hãy giả thiết, vì lý do nào đó Afghanistan thống nhất được cái đạo luật ấy. – Omar nói, vừa khoanh hai cánh tay lên cái bụng phệ của ông. – Vẫn chưa thể cho phép việc nhận con nuôi này. Thực tế là, ngay cả những quốc gia Hồi giáo ôn hoà vẫn còn phân vân về việc nhận con nuôi bởi vì trong phần lớn những quốc gia đó, luật Hồi giáo, Shari’a, không thừa nhận con nuôi.

– Ông đang bảo tôi từ bỏ chuyện này? – Tôi vừa hỏi vừa ép tay lên trán.

– Amir, tôi lớn lên ở Hoa Kỳ. Nếu nước Mỹ có dạy tôi điều gì thì đó là trút bỏ, có nghĩa trở lại đúng như ban đầu và đái vào cái bình nước giải khát của tổ chức Girl-Scout 7. Nhưng là luật sư của ông, tôi phải nói hết sự thật với ông, – ông nói tiếp. – Cuối cùng, các sở phụ trách việc nhận con nuôi, theo thông lệ, sẽ gửi nhân viên của mình tới đánh giá hoàn cảnh của đứa trẻ, và không có một sở tương đối khôn ngoan nào lại đi gửi phái viên của mình tới Afghanistan.Tôi nhìn Sohrab đang ngồi trên giường xem tivi, theo dõi chúng tôi. Nó ngồi đúng như kiểu bố nó vẫn quen ngồi, chống cằm trên đầu gối.

– Tôi là bác cùng cha khác mẹ với bố nó, cái đó có nghĩa gì không?

– Cũng được xem xét nếu ông chứng minh được điều đó. Tôi xin lỗi, ông có một thứ giấy tờ nào không, hoặc ai đó có thể xác nhận giúp ông?

– Chẳng có giấy tờ gì cả, – tôi nói bằng một giọng mệt mỏi. – Chẳng ai biết về điều đó. Sohrab cũng chẳng biết, cho đến khi tôi nói với nó, và bản thân tôi, tôi cũng mới phát hiện ra điều đó gần đây thôi. Người khác duy nhất biết chuyện thì đã đi rồi, có thể đã chết.

– Hừm.

– Tôi phải lựa chọn thế nào đây, ông Omar?

– Tôi sẽ nói thẳng. Ông không có nhiều sự lựa chọn đâu.

– Ôi, Chúa ơi, vậy tôi có thể làm gì?

Omar hít vào một hơi dài, gõ gõ chiếc bút vào cằm, chờ đến khi thở ra mới nói:

– Ông vẫn có thể gửi một đơn thỉnh cầu nuôi trẻ mồ côi, hy vọng may ra có thể thành công. Ông cũng có thể nhận con nuôi độc lập, có nghĩa là ông phải ở ngay Pakistan cùng với Sohrab, ngày qua ngày lại, chờ vài năm sau. Ông có thể tìm một nơi tị nạn cho nó. Đó là cả một tiến trình lâu dài và ông sẽ phải chịu sự phiền toái về chính trị. Rồi ông có thể xin cấp một visa nhân đạo. Việc đó lại cần đến sự sáng suốt của ông Tổng Biện lý và cũng chẳng phải là điều dễ dàng. – Ông dừng lại. – Có một sự lựa chọn khác, có lẽ là cách tốt nhất cho ông.

– Cách gì? – Tôi vừa nhoài người về phía trước vừa hỏi.

– Ông có thể trao nó lại cho một trại mồ côi ở đây, rồi gửi đơn thỉnh cầu xin một trẻ mồ côi. Bắt đầu bằng thủ tục I-600 cùng với việc tìm hiểu gia đình ông trong khi nó đã ở một nơi an toàn.

– Những thứ đó là gì?

– Tôi xin lỗi, I-600 là thủ tục của Sở Nhập cư. Việc tìm hiểu gia đình được tiến hành bởi một hãng phụ trách việc nhận con nuôi tuỳ ông chọn. Đó là, ông biết đấy, để xem có chắc chắn ông và bà nhà không bị điên.

– Tôi không muốn làm như thế, – tôi đáp, vừa nhìn lại Sohrab. – Tôi đã hứa với nó, tôi sẽ không gửi nó trở lại một trại mồ côi.

– Như tôi đã nói, đó có lẽ là cách lựa chọn tốt nhất.

Chúng tôi nói thêm với nhau một lúc nữa. Rồi tôi tiễn chân ông ấy ra tận xe, một con Rệp V.W. cổ lỗ. Lúc đó mặt trời đang xế trên Islamabad, một khối đỏ rực như lửa ở phía Tây. Tôi chứng kiến chiếc xe nghiêng hẳn đi, dưới sức nặng của ông trong khi ông loay hoay để luồn vào sau tay lái. Ông kéo kính xuống:

– Ông Amir này.

– Sao ạ?

– Tôi đã định nói ngay trong đó, về những gì ông đang cố làm ấy mà. Tôi cho việc đó là hơi vĩ đại đấy.

Ông vẫy tay, đoạn phóng xe đi. Đứng ngoài khách sạn vẫy lại ông, tôi mong Soraya có thể ở đây với tôi.

Sohrab đã tắt tivi khi tôi trở lại phòng.Tôi ngồi ở đầu giường mình, yêu cầu nó đến ngồi bên tôi. Tôi bảo nó:

– Ông Faisal nghĩ có một cách để bác có thể mang theo cháu tới Mỹ.

– Ông ấy nói thế à? – Sohrab vừa nói vừa mỉm cười một cách mơ hồ lần đầu tiên trong mấy ngày liền. – Khi nào bác cháu mình có thể đi?

– Ồ, đó mới là vấn đề. Có thể phải mất một ít lâu. Nhưng ông ấy nói có thể sẽ xong và ông ấy sẽ giúp chúng ta.Tôi đặt tay trái tôi lên gáy nó. Bên ngoài, tiếng gọi cầu kinh om sòm khắp các đường phố.

– Bao lâu? – Sohrab hỏi.

– Bác không biết. Một thời gian.

Sohrab nhún vai và mỉm cười, lần này miệng rộng hơn:

– Cháu chẳng cần. Cháu có thể đợi. Giống như những trái táo chua ấy?

– Táo chua ư?

– Một lần, khi cháu còn rất bé ấy, cháu trèo lên cây ăn những quả táo xanh, chua. Bụng cháu phình lên và cứng như một cái trống, rất đau. Mẹ bảo, nếu cháu chỉ cần đợi cho nó chín, chắc hẳn cháu sẽ không bị đau. Vì thế bây giờ, bất cứ khi nào, dù cháu muốn một thứ gì lắm, cháu cũng cố nhớ tới lời mẹ dặn về những trái táo.

– Táo chua, – tôi nói. – Mashallah, cháu đúng là một đứa trẻ tinh khôn bác chưa bao giờ gặp đấy, Sohrab jan.

Tai nó đỏ ửng lên.

– Bác sẽ đem cháu tới chiếc cầu đỏ chứ? Chiếc cầu trong sương mù ấy? – Nó hỏi.

– Nhất định rồi, – tôi nói. – Nhất định rồi.

– Và chúng ta sẽ lái xe leo lên những đường phố đó, những đường phố mà trên đó bác chỉ thấy nóc xe và bầu trời ấy?- Sẽ đi trên từng con đường một. – tôi nói. Nước mắt tôi cay cay và tôi phải chớp chớp cho đỡ đi.

– Tiếng Anh có khó học không?

– Bác đảm bảo trong vòng một năm cháu sẽ nói thạo như nói tiếng Farsi.

– Thật không?

– Thật, – tôi đặt một ngón tay dưới cằm nó, nâng cầm nó lên, cho mặt nó nhìn vào mặt tôi. – Còn có một việc khác nữa, Sohrab.

– Việc gì ạ?

– À, ông Faisal nghĩ rằng sẽ thực sự giúp được chúng ta, nếu chúng ta sẽ… nếu chúng ta có thể yêu cầu cháu ở tạm trong một ngôi nhà cho trẻ con, trong một khoảng thời gian.

– Nhà cho trẻ con hả? – Nó nói, nụ cười vụt tắt. – Ý bác nói một trại mồ côi?

– Chỉ trong một thời gian ngắn thôi mà.

– Không, – nó nói. – Không, xin bác.

– Sohrab, chỉ trong một thời gian ngắn thôi, bác hứa mà.

– Bác đã hứa bác sẽ không bao giờ cho cháu vào một trong những nơi ấy nữa, Amir Agha. – Nó nói. Giọng nó như vỡ ra, nước mắt tràn đầy mắt nó. Tôi cảm thấy đau nhói trong lòng.

– Việc này khác. Sẽ ở ngay đây. Ở Islamabad, chứ không phải ở Kabul. Và bác sẽ luôn luôn tới thăm cháu, cho tới khi có thể mang cháu ra và đưa cháu sang Mỹ.

– Không, cháu xin bác, không! – Nó kêu toáng lên. – Cháu sợ nơi ấy lắm rồi. Chúng sẽ hại cháu! Cháu không muốn đến đấy.

– Không ai hại cháu nữa đâu. Không bao giờ nữa.

– Có, họ sẽ hại cháu. Họ luôn luôn nói họ sẽ không thế nhưng họ nói dối. Họ nói dối! Thượng đế ơi, xin Người! Tôi lấy ngón tay cái chùi nước mắt nhỏ xuống hai má nó.

– Táo chua, cháu nhớ chứ? Nó chỉ như những trái táo chua thôi mà, – tôi dịu dàng nói. – Không, không phải thế. Không phải chỗ đó. Thượng đế, ôi Thượng đế, xin Người, không! – Nó run lên. Nước mắt và mũi dãi hoà lẫn nhau trên mặt nó.

– Thôi thôi! – Tôi kéo nó sát vào người tôi, vòng hai cánh tay ôm lấy tấm thân nhỏ bé đang run rẩy của nó. – Thôi thôi. Thôi được rồi. Chúng ta sẽ cùng về nhà. Rồi cháu thấy, mọi việc sẽ ổn thôi.

Giọng nó bị nghẹt vì bị ấp chặt vào ngực tôi, nhưng tôi nghe thấy sự hoang mang trong đó:

– Xin bác hứa, bác sẽ không làm thế! Ôi Thượng đế, Amir Agha! Xin bác hứa, bác sẽ không làm thế đi! Tôi có thể hứa thế nào đây? Tôi ôm nó sát vào người tôi, ghì thật chặt, và đu đưa như ru. Nó khóc vào áo sơ mi của tôi cho đến khi khô nước mắt, đến khi cơn run rẩy của nó ngừng lại, và những lời van xin cuống quýt của nó nhỏ dần, thành những tiếng lầm bầm không rõ nói gì nữa. Tôi đợi, ru nó cho đến khi hơi thở nó chậm dần, và người nó chùng lại. Tôi nhớ một câu tôi đã đọc ở đâu đó lâu lắm rồi: Trẻ con luôn đối diện với sợ hãi như thế đấy. Chúng ngủ thiếp đi.

Tôi bế nó về giường của nó, đặt nó xuống. Rồi tôi về giường tôi nằm, nhìn ra ngoài cửa sổ vào bầu trời màu đỏ tía bao trùm Islamabad.

Bầu trời đã tối sẫm khi chuông điện thoại reo khiến tôi choàng tỉnh dậy. Tôi giụi mắt và bật đèn ngủ lên. Hơn mười giờ rưỡi đêm một chút. Tôi đã ngủ được gần ba tiếng đồng hồ. Tôi nhấc máy lên:

– Allô!

– Gọi từ Mỹ đây, – tiếng ông Fayyaz hờ hững.

– Cảm ơn ông, – tôi nói. Đèn buồng tắm vẫn sáng. Sohrab đang tắm đêm. Hai tiếng lách cách, rồi tiếng Soraya:

– Salaam, – nàng chào có vẻ phấn khích.

– Chào em.

– Việc gặp luật sư diễn biến thế nào rồi? Tôi kể lại cho nàng những gì ông Omar Faisal đã đề xuất.

– Thôi, anh có thể quên chuyện đó đi. – Nàng nói. – Chúng ta sẽ không phải làm thế nữa.

Tôi ngồi bật dậy.

– Sao, xảy ra chuyện gì vậy?

– Em được nghe lại từ Kaka Sharif. Ông nói chủ yếu là phải đưa Sohrab sang Mỹ. Một khi nó đã ở đây rồi, sẽ có nhiều cách để giữ nó lại. Vì vậy bác ấy đã gọi cho vài người bạn của bác ấy ở Sở Nhập cư. Tối nay bác ấy gọi lại cho em và bảo bác ấy hầu như chắc chắn có thể lấy cho Sohrab một visa nhân đạo.

– Không đùa đấy chứ? – Tôi nói. – Ôi, tạ ơn Thượng đế. Tốt thay, Sharif jan!

– Em biết mà. Dẫu thế nào, chúng ta cũng sẽ là những người bảo trợ. Việc này chắc sẽ rất nhanh thôi. Bác ấy bảo visa sẽ có hiệu lực khoảng một năm, tha hồ đủ thời gian để tiến hành xin nhận con nuôi.

– Thực sự sẽ diễn ra như thế chứ Soraya?

– Có vẻ là như thế, – nàng nói. Nàng có vẻ sung sướng. Tôi bảo nàng tôi yêu nàng, và nàng nói nàng cũng yêu tôi. Tôi gác máy.

– Sohrab! – Tôi gọi và bật dậy khỏi giường. – Bác có tin vui đây – Tôi gõ cửa buồng tắm. – Sohrab, Soraya jan vừa gọi từ California. Hai bác sẽ không phải đưa cháu vào trại mồ côi nữa, Sohrab. Bác và cháu, chúng ta sẽ sang Mỹ. Có nghe bác nói không? Chúng ta sẽ sang Mỹ! Tôi đẩy cửa mở ra. Bước vào phòng tắm.

Chợt tôi khuỵu gối xuống, kêu thét lên. Nghiến răng lại mà kêu lên. Kêu lên cho tới khi họng tôi muốn vỡ ra và ngực tôi nổ tung.

Sau này, họ nói tôi vẫn còn kêu khi xe cấp cứu tới.

——————————–

1 Hibiscus: Một loại cây miền nhiệt đới có hoa đỏ, màu sắc rực rỡ. Có từ điển dịch là cây dâm bụt.

2 Masjid: Toà nhà thờ.

3 Haddith: Những bộ sách được coi là công cụ quan trọng để xác định lối sống theo đạo Hồi, được soạn bởi những trường luật Hồi giáo truyền thống.

4 Tashweesh: Lo lắng.

5 Gaom: Cháu.

6 Tiếng Anh “You are preaching to the choir”. Ý nói, nói những điều không cần thiết, vì ban đồng ca luôn luôn được dự những buổi giảng kinh rồi.

7 Girl-Scouts: Tổ chức tương tự như tổ chức Hướng đạo sinh (Scouts) huấn luyện thiếu nữ những kỹ năng thực hành và thực hiện nhiều hoạt động cùng những kỹ năng thực hành đó. Ví dụ cắm trại. Ý nói: gỡ bỏ hết, trở lại ban đầu, đừng hối tiếc, băn khoăn gì hết.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ