Người đua diều - Chương XVII

Rahim Khan chậm rãi gỡ đôi chân bắt chéo ra và tựa mình vào bức tường trơ trụi, theo một cách thận trọng, nhẹ nhàng của một người mà mỗi cử động đều gây đau đớn. Ngoài nhà, một con lừa đang kêu be be và ai đó đang quát tháo bằng tiếng Urdu. Mặt trời đang bắt đầu ngả bóng, xiên nắng đỏ qua những kẽ nứt của toà nhà ọp ẹp.

Sự độc ác của những gì tôi đã làm mùa đông năm ấy và mùa hè năm sau lại giáng vào tôi. Những cái tên reo vang trong đầu tôi: Hassan, Sohrab, Ali, Farzana và Sanaubar. Nghe Rahim Khan nói đến cái tên của ông Ali, tựa như tìm thấy một cái máy hát cũ kỹ, bụi bặm đã nhiều năm không mở, giai điệu ngay lập tức bắt đầu: Hôm nay mày ăn thịt ai rồi, Balabu? Mày ăn thịt ai rồi, Balabu mắt xếch? Tôi cố hình dung vẻ mặt lạnh tanh bất động của ông Ali, để thực sự nhìn thấy đôi mắt bình thản của ông, nhưng thời gian dễ là một kẻ tham lam – đôi khi nó ăn cắp hết mọi chi tiết cho bản thân nó.

– Bây giờ Hassan vẫn còn trong ngôi nhà đó chứ? – Tôi hỏi.

Rahim Khan nâng tách trà lên đôi môi khô nẻ và uống một ngụm. Rồi ông moi một chiếc phong bì từ túi ngực áo vest của ông và trao nó cho tôi:

– Của cháu đấy.

Tôi xé niêm phong chiếc phong bì. Bên trong tôi thấy một tấm ảnh chụp từ máy Polaroid và một bức thư gấp lại. Tôi chăm chú nhìn vào tấm ảnh chừng một phút.Một người đàn ông cao lớn quấn chiếc khăn tu-ban trắng, mặc một chiếc áo chapan màu xanh lục hẹp và dài đứng cùng một đứa trẻ trước cổng sắt hoa. Ánh nắng mặt trời chiếu xiên từ phía trái làm tối một nửa khuôn mặt bầu bĩnh. Người đó đang nheo mắt và mỉm cười nhìn vào máy anh để lộ ra hai chiếc răng cửa bị khuyết. Ngay cả trong tấm ảnh Polaroid mờ mờ đó, người đàn ông trong chiếc áo chapan vẫn toát ra một vẻ quả quyết thoải mái. Nó thể hiện trong dáng đứng của anh ta, hai chân hơi doãi ra, hai cánh tay đàng hoàng khoanh trước ngực, đầu hơi nghiêng một chút về phía mặt trời. Nhất là trong nụ cười của anh ta. Nhìn vào tấm ảnh, người ta có thể kết luận đó là một người đàn ông tin tưởng cuộc đời đã tốt đẹp với anh ta biết mấy. Rahim Khan nói đúng: Có lẽ tôi sẽ nhận ra cậu ấy, nếu tôi đâm sầm vào cậu trên đường phố. Đứa con trai đứng chân trần, một cánh tay ôm đùi người đàn ông, cái đầu cạo trọc của nó ngả vào hông cha. Nó cũng nhăn răng cười và nheo mắt.

Tôi mở bức thư. Thư viết bằng tiếng Farsi. Không có dấu chấm phẩy nào bị bỏ, không gạch ngang nào bị quên, không có chữ nào bị lẫn vào nhau – thứ chữ viết tay giống chữ trẻ con nắn nót. Tôi bắt đầu đọc:

Nhân danh Đức Allah, Đấng quảng đại,Đấng nhân từ nhất,Amir agha, với lòng kính trọng sâu sắc nhất của tôi,Farzana jan, Sohrab, và tôi cầu mong bức thư mới nhất này biết cậu được mạnh khoẻ và trong ánh sáng những ân huệ của Đức Allah. Làm ơn chuyển những lời cảm ơn nồng ấm nhất cho chú Rahim Khan sahib vì đã chuyển bức thư này tới cậu. Tôi rất hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được cầm một trong những bức thư của cậu trong tay và đọc về đời sống của cậu ở Mỹ. Có lẽ một bức ảnh của cậu cũng sẽ đem lại niềm vui cho con mắt của chúng tôi. Tôi kể rất nhiều về cậu cho Farzana jan và Sohrab, về chuyện chúng ta lớn lên cùng nhau, chơi các trò chơi và đuổi nhau trên đường phố. Hai mẹ con vẫn cười trước những chuyện về mọi điều phiền toái cậu và tôi thường gây ra!Amir agha,Than ôi, đất nước Afghanistan của tuổi trẻ chúng ta đã chết lâu rồi. Lòng nhân từ đã rời khỏi mảnh đất này và người ta không thể trốn thoát khỏi những chuyện bắn giết. Luôn luôn bắn giết. Ở Kabul, sợ hãi ở khắp nơi, trên đường phố, trong sân vận động, ngoài chợ, đó là một phần của cuộc sống của chúng tôi ở đây, Amir agha. Những kẻ man rợ cai trị lớp watan của chúng ta không quan tâm đến đạo lý làm người. Một hôm, tôi đi kèm Fazana jan ra khu chợ mua một ít khoai tây và bánh naan. Cô ấy hỏi người bán hàng khoai tây giá bao nhiêu, nhưng người ấy không nghe thấy cô ấy hỏi, tôi nghĩ ông ta điếc. Thế là cô ấy phải hỏi to hơn và bất ngờ một thằng Taliban trẻ chạy ngay tới nện cô ấy vào hai bên đùi bằng chiếc dùi cui gỗ. Nó đánh cô ấy mạnh đến nỗi cô ấy ngã xuống. Nó hét vào mặt cô ấy, chửi và bảo, Bộ Đạo đức và Tội lỗi không cho phép phụ nữ nói to. Cô ấy bị một vết thâm tím lớn trong nhiều ngày, nhưng tôi có thể làm gì được ngoài việc đứng nhìn vợ mình bị đánh? Nếu tôi đánh trả, con chó ấy chắc chắn sẽ nã ngay một phát đạn vào người tôi, một cách sung sướng! Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với thằng bé Sohrab của tôi? Đường phố đã đầy những trẻ mồ côi đói khát và ngày nào tôi cũng cảm ơn Đức Allah rằng tôi vẫn còn sống sót, không phải bởi tôi sợ chết, mà bởi tại vợ tôi có một người chồng và con trai tôi không phải là một đứa trẻ mồ côi.Tôi mong cậu có thể gặp Sohrab. Nó là thằng bé rất ngoan. Chú Rahim Khan sahib và tôi đã dạy nó đọc và viết, để nó khỏi lớn lên ngu đần như cha nó. Và, nó cũng có thể bắn bằng chiếc súng cao su đó! Thỉnh thoảng tôi đem Sohrab đi quanh quẩn và mua kẹo cho nó. Vẫn còn một người diễn trò khỉ ở Shar-e-Nau, và nếu chúng tôi tình cờ gặp hắn, tôi trả tiền để hắn múa trò khỉ cho Sohrab xem. Giá cậu được thấy nó cười như thế nào nhỉ! Cả hai bố con tôi thường trèo lên nghĩa địa trên đồi. Cậu có nhớ chúng ta vẫn quen ngồi dưới gốc lựu ở đó và đọc truyện Shahnamah? Hạn hán đã làm khô trụi đồi và cây lựu nhiều năm không kết trái, nhưng Sohrab và tôi vẫn ngồi dưới bóng cây và tôi đọc cho nó nghe truyện Shahnamah. Không cần kể chắc cậu cũng biết, phần nó thích nhất là phần có nhắc đến tên nó, Rostam và Sohrab. Chẳng bao lâu nó sẽ tự mình đọc được cuốn sách. Tôi là một người cha rất tự hào và rất hạnh phúc.Amir agha,Chú Rahim Khan ốm lắm rồi. Chú ho suốt ngày và tôi thấy máu trên ống tay áo chú khi chú lau miệng. Chú giảm cân rất nhiều và tôi mong chú sẽ ăn một chút Shorwa với cơm mà Farzana jan nấu cho chú. Nhưng chú ăn có một hai miếng và tôi nghĩ chỉ để làm vừa lòng Farzana jan. Tôi rất lo cho con người yêu quý ấy đến nỗi ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho chú. Chú đang rời sang Pakistan ít ngày để tham khảo ý kiến mấy ông bác sĩ ở đó và Inshallah, mong ông sẽ trở về với những tin tốt đẹp. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn sợ cho chú. Farzana jan và tôi đã bảo Sohrab là chú Rahim Khan sahib sắp khỏi. Chúng tôi còn có thể làm gì? Nó mới mười tuổi và nó tôn thờ Rahim Khan sahib. Hai ông cháu càng ngày càng gắn bó với nhau. Chú Rahim Khan thường mang nó ra phố chợ mua bóng bay và bánh bích quy cho nó, nhưng bây giờ thì chú quá yếu, không làm thế được nữa.Sau đó tôi đã mơ rất nhiều, Amir agha. Một số là ác mộng như những xác người bị treo cổ thối rữa trên những sàn bóng đá, với máu loang trên cỏ. Tỉnh khỏi những cơn ác mộng đó, người tôi vã mồ hôi và thở dồn dập. Tuy vậy phần nhiều tôi mơ thấy những điều tốt đẹp, và ngợi ca Thánh Allah vì những điều đó. Tôi mơ thấy chú Rahim Khan khỏi bệnh. Tôi mơ thấy con trai tôi sẽ lớn lên trở thành một người tốt, một người tự do, và một người quan trọng. Tôi mơ thấy những bông hoa lawla sẽ lại nở trên các đường phố Kabul, và nhạc rubab lại sẽ vang lên trong những phòng trà, những cánh diều sẽ lại bay trên bầu trời. Và tôi mơ một ngày nào đó cậu sẽ trở về Kabul thăm lại mảnh đất thời thơ ấu của chúng ta.

Nếu cậu trở về, cậu sẽ thấy một người bạn cũ trung thành đang mong đợi cậu.

Cầu mong Thánh Allah luôn luôn bên cậu.
Hassan.

Tôi đọc bức thư hai lần. Tôi gấp thư lại và nhìn vào tấm ảnh thêm một lúc nữa. rồi cho vào túi. Tôi hỏi:

– Cậu ấy thế nào?

– Bức thư đó viết cách đây sáu tháng rồi, vài ngày trước khi chú rời sang Peshawar. – Rahim Khan nói. – Chú chụp bức ảnh bằng máy Polaroid hôm trước khi chú đi. Một tháng sau khi chú đến Peshawar, chú nhận được cú điện thoại từ một người hàng xóm ở Kabul. Ông ta kể cho chú nghe chuyện này: Ít lâu sau khi chú đi, một tin đồn lan khắp rằng một gia đình Hazara đang sống một mình trong toà nhà lớn ở quận Wazir Akbar-Khan, hoặc bọn Taliban khẳng định như thế. Hai thằng quan chức Taliban đến điều tra và thẩm vấn Hassan. Chúng buộc tội Hassan dối trá khi khai với chúng là sống với chú cho dù nhiều người hàng xóm, kể cả người gọi điện cho chú, ủng hộ lời khai của Hassan. Bọn Taliban nói Hassan là một tên dối trá và là một thằng trộm cắp như mọi tên Hazara và lệnh cho gia đình nó phải ra khỏi ngôi nhà lúc chiều xuống. Hassan phản đối. Nhưng người hàng xóm của chú nói bọn Taliban đang nhòm ngó toà nhà lớn như – ông ta nói thế nào nhỉ! – À, như đàn sói nhòm vào bầy cừu. Chúng bảo với Hassan, chúng sẽ chuyển vào ở coi như để giữ nó an toàn cho đến khi chú trở về. Hassan lại phản đối. Thế là chúng lôi nó ra ngoài đường phố.

– Không. – Tôi thở.

-… và ra lệnh cho nó quỳ xuống…

– Không, lạy chúa, không.

-… và bắn vào sau gáy nó.

– Không.

– Farzana đến thét lên xông vào đánh chúng…

– Không.

-… bắn nốt cô ấy. Tự vệ. Sau đó chúng tuyên bố thế…Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm được chỉ là thì thào “Không, không, không,” mãi không ngừng.

Tôi vẫn nghĩ về cái ngày năm 1974, trong phòng bệnh, ngay sau ca phẫu thuật môi cho Hassan. Baba, chú Rahim Khan, ông Ali và tôi đã xúm lạiquanh giường của Hassan xem cậu quan sát đôi môi mới của mình trong cái gương cầm tay. Nay mọi người trong căn phòng ấy đều đã chết và sắp chết. Ngoại trừ tôi.

Rồi tôi lại thấy một cái gì khác: tên đàn ông mặc chiếc áo rằn ri đang dí họng khẩu Kalashnikov của nó vào gáy Hassan. Tiếng nổ vang vọng suốt đường phố ngôi nhà cha tôi. Hassan đổ phịch xuống mặt đường. Cuộc đời trung thành đơn phương của cậu ấy lìa bỏ cậu, như những chiếc diều bị gió thổi dạt đi mà cậu từng săn đuổi.

– Bọn Taliban chuyển vào ngôi nhà. – Rahim Khan nói, – mượn cớ chúng đã trục xuất một kẻ xâm phạm tài sản. Những kẻ giết Hassan và Fartana bị sa thải, coi như một trường hợp tự vệ. Không ai dám nói một lời về chuyện này. Phần lớn vì sợ bọn Taliban, chú nghĩ thế. Nhưng cũng không ai lại dại dột đi liều mạng vì một cặp đày tớ người Hazara làm gì.

– Rồi chúng làm gì với Sohrab? – Tôi hỏi. Tôi cảm thấy mệt mỏi, bị vắt kiệt. Một cơn ho làm Rahim Khan co quắp người lại và tiếp tục như thế một lúc lâu. Cuối cùng khi nhìn lên, mặt ông đỏ ửng và mắt ông vằn đỏ.

– Chú nghe nói, nó ở trong một trại mồ côi ở Karteh – Seh, Amir jan ạ.Thế rồi ông lại ho. Khi dừng ho trông ông già hơn mấy phút trước đó, như thể mỗi cơn ho lại làm ông già thêm.

– Amir jan, chú gọi cháu về đây, bởi vì chú muốn được gặp cháu trước khi chết, nhưng không phải chỉ có thế.Tôi không nói gì. Tôi nghĩ tôi đã biết những gì Rahim Khan sắp nói.

– Chú muốn cháu đi Kabul. Chú muốn cháu đem Sohrab sang đây, – ông nói.

Tôi cố tìm những lời lẽ thích hợp. Tôi hầu như chưa có thời gian cho cái thực tế rằng Hassan đã chết.

– Xin hãy nghe chú nói. Chú biết một cặp vợ chồng người Mỹ ở Peshawar, ông Thomas và bà Betty Caldwell. Họ là những người Cơ đốc giáo và họ quản lý một tổ chức từ thiện nhỏ hoạt động bằng những khoản hiến tặng riêng tư. Chủ yếu họ xây nhà và nuôi trẻ con Afghan bị mất cha mẹ. Chú đã đến thăm nơi đó. Một nơi sạch sẽ và an toàn, trẻ con được chăm sóc tốt, ông và bà Caldwell là những người nhân hậu. Ông bà ấy đã bảo chú rằng Sohrab sẽ được hoan nghênh tại nhà ông bà ấy và…

– Rahim Khan, chú không nghiêm túc rồi.

– Nếu chú nghĩ thế, chú đã không yêu cầu cháu đến đây.Tôi mân mê chiếc nhẫn cưới của tôi:

– Chú đã luôn luôn đánh giá quá cao về cháu đấy, chú Rahim Khan…- Và cháu đã lại luôn luôn quá khắc nghiệt đối với bản thân, – ông ngập ngừng. – Nhưng có một chuyện khác. Một chuyện khác cháu không biết.

– Làm ơn, chú Rahim Khan.

– Sanaubar không phải là người vợ đầu tiên của ông Ali.

Bấy giờ tôi mới ngước nhìn lên.

– Trước đó, ông ấy đã cưới một phụ nữ Hazara thuộc vùng Jahori. Chuyện đó có lâu trước khi cháu ra đời. Họ lấy nhau được ba năm.

– Chuyện này thì có dính dáng gì?

– Sau ba năm không có con cái cô ta bỏ ông ấy và lấy một người đàn ông ở Khost. Cô ta đẻ cho ông này ba đứa con gái. Đó là những gì chú đang cố nói cho cháu biết.

Tôi bắt đầu hiểu ông đang định đi đến đâu. Nhưng tôi không muốn nghe phần còn lại của câu chuyện. Tôi có một đời sống tốt đẹp ở California, một ngôi nhà kiểu Victoria xinh đẹp với cái mái nhọn, một cuộc hôn nhân tốt đẹp, một nghề viết văn đầy hứa hẹn, bố mẹ vợ yêu quý tôi. Tôi cóc cần bất kỳ cái gì của câu chuyện vớ vẩn ấy.

– Ông Ali vô sinh, – Rahim Khan nói.

– Không, ông ấy không thể. Ông ấy và bà Sanaubar đã đẻ ra Hassan, phải không nào? Họ đã có Hassan.

– Không, họ không có, – Rahim Khan nói.

– Có, họ có.

– Không, Amir, họ không có.

– Vậy ai?

– Chú nghĩ cháu biết ai.

Tôi cảm thấy như người đang tuột xuống một vách đá dựng đứng, cố níu chặt lấy những bụi rậm, với nhưng cây gai rối rắm và cuối cùng trắng tay. Căn phòng như đang hạ xuống dâng lên, lắc lư bên này qua bên khác.

– Hassan có biết không? – Tôi nói qua đôi môi tưởng như không phải môi tôi nữa. Rahim Khan nhắm mắt lại. Lắc đầu.

– Các người, đồ ác độc, – tôi lẩm bẩm. Đứng lên. – Các người, đồ ác độc chết tiệt. – Tôi hét lên. – Tất cả lũ các người, một chuỗi lừa lọc ác độc chết tiệt!

– Xin cháu ngồi xuống. – Rahim Khan nói.

– Tại sao chú lại phải giấu tôi? Giấu nó? – Tôi rống lên.

– Amir jan, xin cháu nghĩ lại. Đó là một tình thế nhục nhã. Người ta sẽ bàn tán. Tất cả những gì một con người đã có trước đó, tất cả những giá trị của anh ta, là danh dự, tên tuổi và nếu người ta bàn tán… Chúng ta không thể nói cho bất kỳ ai biết, chắc rằng cháu có thề hiểu được điều ấy. Ông túm lấy tôi. Nhưng tôi gỡ tay ông ra. Đi thẳng ra cửa.

– Amir jan, xin cháu đừng bỏ đi.

Tôi mở cửa và quay lại phía ông:

– Tại sao? Chú còn có thế nói gì với cháu nào? Cháu đã ba mươi tám tuổi rồi, và cháu chỉ thấy hoá ra toàn bộ cuộc đời cháu, mẹ kiếp, chỉ là một sự đại dối trá! Chú có thể nói gì để làm cho mọi việc tốt đẹp hơn nào? Không gì hết. Không một điều chết tiệt nào hết! Nói thế rồi tôi sầm sầm bước ra khỏi căn hộ.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ