Baba yêu tư tưởng của nước Mỹ.Chính cuộc sống ở Mỹ đã khiến ông bị ung loét.
Tôi còn nhớ hai bố con tôi đi bộ qua Công viên Hồ Elizabeth ở Fremont, cách căn hộ của chúng tôi vài dãy phố, xem bọn con trai chơi bóng chày, bọn con gái nhỏ cười khúc khích trên những chiếc xích đu trong sân chơi. Baba thường giảng giải cho tôi sáng tỏ quan điểm chính trị của ông suốt những cuộc dạo bộ đó, bằng những bài bình luận vòng vèo dài dòng. Ông thường nói:
– Chỉ có ba hạng đàn ông thực thụ trên thế giới này, Amir ạ. Ông kể tên ra bằng đầu ngón tay: Người Mỹ, vị cứu tinh quá tự tin, người Anh và người Israel.
– Còn lại tất cả, – ông phẩy tay, miệng kèm theo một tiếng phừ rựt, – đều như những bà già kể chuyện.
Tư tưởng khuynh Israel thường dẫn đến sự tức giận của người Afghan ở Fremont, họ lên án ông thân Do Thái và thực tế là bài Hồi. Baba thường gặp họ để uống trà và nhấm nháp bánh ngọt rowt 1tại công viên, và làm họ phát điên với những quan điểm chính trị của ông. Sau đó ông thường bảo tôi:- Cái họ không hiểu là tôn giáo chẳng có can hệ gì đến việc này.Theo quan điểm của Baba, Israel là một hòn đảo của “những người đàn ông đích thực” trong cái biển toàn những người Ẳ rập quá bận rộn với việc béo ú lên từ dầu mỏ của họ, không buồn quan tâm đến chính bản thân họ nữa. “Israel làm điều này. Israel làm điều nọ,” – Baba thường nói nhại theo giọng Ẳ rập “Vậy hãy làm gì đó đi. Hành động đi. Các ông là người Ẳ rập, vậy hãy giúp người Palestine đi.”Ông ghét cay ghét đắng ngài Jimmy Carter 2, người mà ông gọi là “kẻ răng to đần độn.” Năm 1980, khi chúng tôi vẫn còn ở Kabul, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tẩy chạy đại hội Olympic ở Matxcơva. Baba kêu lên tởm lợm:
– Wah wah! Chà chà! Brezhnev đang tàn sát tập thể người Afghan, thế mà tất cả những gì gã ăn lạc ấy có thể nói chỉ là “Tôi sẽ không đến bơi trong cái bể bơi của anh.”
Baba tin tưởng Carter đã vô tình làm nhiều cho chủ nghĩa cộng sản hơn cả Leonid Brezhnev. “Ông ta không đủ sức điều hành đất nước này. Nó giống đặc một thằng con trai không biết đi xe đạp sau tay lái của một chiếc Cadillac kiểu mới.” Những gì nước Mỹ và thế giới cần là một người đàn ông cứng rắn. Một người đàn ông được chọn lựa, một ai đó hành động thay vì vặn vẹo hai tay lo lắng. Một ai đó theo kiểu của Ronald Reagan.Và khi Reagan lên truyền hình gọi bọn Shorawi là “Đế quốc đồi bại”, Baba ra ngoài và mua một bức ảnh tổng thống nhe răng cười giơ ngón cái lên. Ông lồng khung tấm ảnh và treo ở hành lang của chúng tôi, ngay gần bức ảnh đen trắng cũ của bản thân ông, đeo chiếc nơ cổ nhỏ, và đang bắt tay Quốc vương Zahir Shah. Phần lớn hàng xóm của chúng tôi ở Fremont là những tài xế xe buýt, cảnh sát, những nhân viên trạm bán xăng dầu, và những bà mẹ không hôn thú hưởng phúc lợi xã hội, chính xác là toàn tầng lớp dân lao động chẳng mấy chốc sẽ ngạt thở dưới cái gối kiểu Reagan ép vào mặt họ. Baba là một người cộng hoà đơn độc trong chung cư của chúng tôi.
Nhưng khói Vùng Vịnh nhức mắt ông, tiếng ồn xe cộ làm ông đau đầu, và phấn hoa làm ông ho. Qua cây không đủ ngọt, nước không sạch lắm, và đâu rồi bao nhiêu cây cối với những cánh đồng rộng lớn? Hai năm trời, tôi cố khuyên Baba ghi tên vào những lớp ESL 3 để nâng cao thứ tiếng Anh vỡ lòng của ông. Nhưng ông mỉa mai ý tưởng đó. Ông càu nhàu: “Biết đâu ta phát âm được từ “mèo” và thầy giáo lại cho ta một ngôi sao nhỏ lấp lánh 4, thế là ta có thể chạy vội về nhà khoe nó với con.”
Một Chủ nhật mùa xuân năm 1983, tôi bước vào hiệu sách nhỏ bán sách cũ bìa mềm, gần rạp chiếu phim Ấn Độ, ngay phía Tây nơi giao nhau giữa Amtrak và Đại lộ Fremont. Tôi bảo Baba chừng năm phút tôi sẽ ra và ông nhún vai. Ông đang làm việc tại trạm bán xăng ở Fremont và hôm nay là ngày nghỉ. Tôi dõi theo ông đi bừa ngang qua Đại lộ Fremont rồi vào cửa hàng tạp hoá nhỏ Fast & Easy (Nhanh và Thoải mái) của một cặp vợ chồng già người Việt Nam, ông bà Nguyễn. Họ là những người thân thiện, tóc đã hoa râm, bà bị bệnh Parkinson, ông đã bị thay xương hông. Bà luôn cười móm mém bảo tôi: “Ông ấy bây giờ nửa người nửa máy giống như Người Đàn ông Sáu Triệu Đô la.” 5 “Người Đàn ông Sáu Triệu Đô la, nhớ chưa, Amir?” Rồi ông Nguyễn thường vừa trừng mắt vừa giả vờ chạy tập tễnh như diễn viên Lee Majors 6.
Tôi đang lật qua một cuốn sách cũ nát, truyện trinh thám có nhân vật Mike Hammer 7, thì nghe thấy tiếng kêu thét và tiếng kính vỡ. Tôi thấy ông bà Nguyễn đằng sau quầy hàng nép vào tường, mặt xám ngắt. Hai tay ông Nguyễn ôm lấy vợ mình. Trên nền nhà, những trái cam, một giá hàng bị lật nhào, một lọ thịt bò vỡ lăn long lóc và những mảnh kính vỡ dưới chân Baba.
Hoá ra Baba không mang theo tiền mặt đề mua cam. Ông đã viết cho ông Nguyễn một tấm séc, và ông Nguyễn yêu cầu cho xem giấy chứng minh. “Lão ta muốn xem giấy phép của ta,” Baba rống lên bằng tiếng Farsi. “Gần hai năm nay chúng ta đã mua thứ hoa quả chết tiệt của lão, đút tiền vào túi lão và lão chó đẻ ấy lại muốn xem giấy phép của ta.”
– Baba, đây không phải là chuyện cá nhân, – tôi vừa nói, vừa mỉm cười với ông bà Nguyễn. – Họ được phép hỏi giấy chứng minh.
– Ta không muốn ông ở đây – ông Nguyễn vừa nói vừa bước ra đứng chắn trước bà vợ. Ông chỉ vào Baba bằng chiếc gậy chống của ông. Ông quay lại bảo tôi. – Anh là một thanh niên tốt, nhưng cha anh, ông ấy điên. Không thể hoan nghênh ông ta chút nào nữa.
– Lão ta tưởng ta là tên ăn cướp ư? – Baba to tiếng nói. Đám đông tụ tập ở bên ngoài. Họ đang nhìn chằm chằm. – Có cái đất nước nào như thế này không? Chẳng ai tin ai nữa.
– Tôi gọi cảnh sát, – bà Nguyễn ló mặt ra nói. – Ông ra đi không tôi gọi cảnh sát.
– Bà Nguyễn, xin bà đừng gọi cảnh sát. Tôi sẽ đưa ông ấy về nhà. Chỉ xin bà đừng gọi cảnh sát, được không ạ?
– Phải, anh đưa ông ấy về nhà đi. Nên thế, – ông Nguyễn nói. Đôi mắt ông, đằng sau cặp kính lão gọng thép, không rời Baba. Tôi dẫn Baba qua cửa. Ông đá vào giá hàng lúc đi ra. Sau khi tôi đã thuyết phục ông hứa không quay lại nữa, tôi trở lại cửa hàng và xin lỗi ông bà Nguyễn. Nói cho ông bà biết, cha tôi đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Tôi cho ông bà Nguyễn địa chỉ và số điện thoại của chúng tôi, và bảo bà, tôi muốn có ước tính khoản thiệt hại. “Mong gọi cho tôi càng sớm càng tốt. Tôi sẽ đền đủ mọi thứ, bà Nguyễn. Tôi thành thực xin lỗi.” Bà Nguyễn cầm mảnh giấy tôi trao và gật đầu. Tôi thấy hai tay bà run run hơn thường lệ, và làm tôi càng giận Baba, việc ông khiến một bà già phải run rẩy như thế.
– Cha tôi vẫn cần phải thích ứng dần với cuộc sống ở Mỹ, – tôi giải thích.
Tôi muốn nói cho họ biết rằng ở Kabul, chúng tôi bẻ một cành cây và sử dụng nó như một thẻ tín dụng. Hassan và tôi thường mang một chiếc que gỗ đến người làm bánh. Họ lấy dao khắc những vạch lên cây gậy của chúng tôi, một vạch là một ổ bánh naan mà họ thường kéo ra cho chúng tôi từ ngọn lửa cháy xèo xèo của lò nướng Tandoor. Vào cuối tháng, cha tôi trả tiền cho chủ tiệm theo số vạch khắc trên cây gậy. Có thế thôi. Không hỏi han gì. Không giấy chứng minh.
Nhưng tôi không nói với họ. Tôi cảm ơn ông Nguyễn đã không gọi cớm. Mang Baba về nhà. Ông dỗi và hút thuốc trên ban công, trong khi tôi nấu cơm với cổ gà hầm. Một năm rưỡi, từ khi chúng tôi bước xuống chiếc máy bay đến Peshawar, mà Baba vẫn đang thích ứng.
Tối đó chúng tôi ăn trong im lặng. Ăn được hai miếng, Baba đẩy đĩa của mình đi.
Tôi liếc nhìn ông qua bàn ăn, móng tay ông sứt mẻ đen sì dầu máy, các đốt ngón trầy xước, mùi của trạm ga – dầu, bụi, mồ hôi và dầu diesel – đầy quần áo. Baba giống như một người đàn ông goá vợ đã tái hôn mà không thể dứt bỏ hẳn người vợ quá cố. Ông thiếu vắng những đồng mía ở Jalalabad và những vườn quả ở Paghman. Ông thiếu vắng đám đông ra ra vào vào ngôi nhà của ông, nhớ nhung chuyến dạo bộ xuống những lối đi nhộn nhịp của khu phố chợ Shor, đáp lại sự chào đón của mọi người quen biết ông, biết cả ông nội của ông, cha của ông, những người cùng chung tổ tiên với ông mà quá khứ của họ đều dây mơ rễ má với quá khứ của ông.
Đối với tôi nước Mỹ là một chốn để tôi chôn vùi ký ức.
Đối với Baba, là một chốn để tiếc thương ký ức của ông.
– Có lẽ chúng ta phải quay về Peshawar. – Tôi vừa nói vừa nhìn đá lềnh bềnh trong cốc nước của tôi. Chúng tôi đã trải qua sáu tháng ở Peshawar để đợi Sở Nhập cư và Nhập quốc tịch cấp visa. Căn hộ một giường cáu bẩn của chúng tôi sực mùi như mùi tất thối và phân mèo, nhưng chúng tôi còn được quây quần với những người chúng tôi quen biết – ít nhất Baba cũng biết. Ông thường mời toàn thể những người hàng xóm cùng hành lang đến ăn tối, phần lớn bọn họ cũng là người Afghan đang đợi visa. Không tránh khỏi việc, ai đó thường mang đến một bộ trống và ai khác nữa, một cây phong cầm. Trà uống lai rai và bất kỳ ai có giọng hát một thời vang bóng thường hát cho đến khi mặt trời mọc, muỗi ngừng vo ve, tay vỗ đã sưng.
– Baba, ở đó sẽ hạnh phúc hơn, giống như ở quê hương hơn, – tôi nói.- Peshawar tốt cho ta. Nhưng không tốt cho con.
– Bố làm việc quá vất vả ở đây.
– Bây giờ không đến nỗi tệ lắm, – ông nói, ý ông là kể từ khi ông trở thành quản đốc ban ngày của trạm xăng dầu. Nhưng tôi đã thấy cách ông chau mày kỳ cọ cổ tay những ngày ẩm ướt. Cách mồ hôi ông nhễ nhại trên trán khi ông vơ lọ thuốc dạ dày sau bữa ăn.
– Vả lại ta không mang chúng ta đến đây vì ta, phải không?
Tôi vươn qua bàn đặt bàn tay tôi lên tay ông. Bàn tay học trò của tôi, sạch và mềm mại trên bàn tay lao động của ông nhem nhuốc và chai sạn. Tôi nghĩ tới mọi chiếc xe tải, những đoàn tàu và những xe đạp ông đã mua cho tôi ở Kabul. Bây giờ là nước Mỹ. Món quà cuối cùng cho Amir.
Đúng một tháng kể từ khi chúng tôi đến Hoa Kỳ, Baba tìm được công việc trên Đại lộ Washington, làm trợ lý cho một trạm bán xăng dầu mà ông chủ là một người Afghan quen biết. Ông bắt tay vào trông nom công việc ngay tuần lễ chúng tôi đến đó. Sáu ngày một tuần, mỗi ngày mười hai tiếng, Baba kiểm tra các kíp bơm ga, ghi chép sổ sách, thay dầu và rửa thanh gạt nước kính xe. Đôi khi tôi mang cơm trưa cho ông và thấy ông đang tìm một gói thuốc lá trên kệ, một khách hàng đang đợi ở bên kia máy đo dầu. Mặt Baba trông căng thẳng mệt mỏi và nhợt nhạt dưới ánh đèn huỳnh quang. Chuông điện ngoài cửa thường kính coong khi tôi bước vào, và Baba thường ngoái lại nhìn rồi mỉm cười, mắt ông nhỏ mồ hôi vì mệt mỏi.
Cùng cái ngày ông được thuê làm, Baba và tôi đến gặp nhân viên phòng phúc lợi xã hội ở San Jose, bà Dobbins. Bà là một phụ nữ da đen quá khổ, với đôi mắt lấp lánh và nụ cười má lúm đồng tiền. Bà kể với tôi một lần bà đã hát ở nhà thờ, và tôi tin bà, bà có giọng nói làm tôi nghĩ đến sữa nóng và mật ong. Baba ném đống tem thực phẩm xuống bàn làm việc của bà.
– Cảm ơn bà, tôi không muốn, – Baba nói. – Tôi luôn luôn làm việc. Ở Afghanistan tôi làm việc, ở Mỹ tôi cũng làm việc. Cảm ơn bà nhiều lắm, bà Dobbins, nhưng tôi không thích thứ miễn phí đó. Bà Dobbins chớp chớp mắt. Nhặt đám tem thực phẩm lên, hết nhìn tôi lại nhìn Baba như thể chúng tôi đang chơi trò đùa bỡn hoặc “cho bà một quả lừa”, như Hassan quen nói. Bà nói:
– Mười lăm năm tôi từng làm cái nghề này và chưa ai từng làm thế bao giờ.
Và đó là cái cách Baba đã chấm dứt những khoảnh khắc tủi nhục về tem thực phẩm tại máy thu tiền, và làm dịu bớt một trong những nỗi sợ lớn nhất của ông: Một người Afghan sẽ thấy ông mua thực phẩm bằng tiền từ thiện. Baba ra khỏi phòng phúc lợi xã hội như người được chữa lành một cái ung nhọt.
Mùa hè năm 1983, tôi tốt nghiệp trung học ở tuổi hai mươi, nhiều tuổi hơn người nhiều tuổi nhất tung chiếc mũ tú tài của mình lên sân bóng đá hôm đó. Tôi như lạc mất Baba trong đám đông các gia đình, những máy ánh loé đèn, và những áo choàng xanh. Tôi thấy ông gần hàng người đứng cách chừng hai mươi mét, hai tay thọc túi, máy ảnh lủng lẳng trước ngực. Ông biến mất rồi lại hiện ra sau những người đang đi đi lại lại giữa chúng tôi: những cô gái mặc đồ xanh láng bóng đang kêu ré, ôm chặt lấy nhau đang khóc, những chàng trai và các ông bố mình giơ cao hai ngón tay hình chữ V 8 chúc mừng nhau. Râu cằm của Baba đang lốm đốm bạc, tóc ông mỏng bớt hai bên thái dương, và ở Kabul ông chẳng đã từng cao lớn hơn thế? Ông mặc bộ đồ nâu – bộ cánh duy nhất của ông, vẫn cái bộ ông mặc đi dự đám cưới và đám tang người Afghan – và chiếc nơ đỏ mà tôi đã mua vào lần sinh nhật thứ năm mươi của ông. Rồi ông nhìn thấy tôi và vẫy tay. Mỉm cười. Ông ra hiệu cho tôi đội chiếc mũ tú tài vào rồi chụp một kiểu ảnh cho tôi, với cái tháp đồng hồ nhà trường ở hậu cảnh. Tôi mỉm cười vì ông – ngụ ý đây là ngày vui của ông hơn là ngày vui của tôi. Ông bước lại gần tôi, vòng tay ôm lấy cổ rồi, rồi hôn lên lông mày tôi chỉ một cái hôn duy nhất và nói: “Amir, ta lấy làm moftakhir 9”. Tự hào. Đôi mắt ông sáng ngời khi ông nói thế, và tôi thích được là điểm đến của cái nhìn đó.
Ông dẫn tôi đến một nhà hàng thịt cừu Kabob của người Afghan ở Hayward tối đó, và gọi quá nhiều món ăn. Ông nói cho chủ nhà hàng biết con trai ông mùa này sẽ vào đại học. Tôi đã tranh luận với ông về việc đó ngay trước khi tôi tốt nghiệp trung học và bảo ông tôi muốn kiếm một việc làm. Đỡ đần ông, để dành tiền, có thể vào đại học năm sau. Nhưng ông đã hạ tôi bằng một cái nhìn nung nấu tình cha con và những lời tôi định nói đều bốc hơi hết trên miệng lưỡi.
Sau bữa ăn, Baba dẫn tôi vào một quán bar đối diện với nhà hàng, ở bên kia con phố. Một nơi nhờ nhờ sáng và mùi hăng của bia mà tôi luôn luôn không ưa ngấm cả vào tường. Những người đàn ông đội mũ bóng chày, nhóm người chơi bi-a mặc áo may ô, những đám khói thuốc lá ấp ủ loạt bàn xanh, cuộn lên trong ánh sáng huỳnh quang. Chúng tôi khiến nhiều con mắt để ý đến. Baba trong bộ lễ phục nâu và tôi trong chiếc quần phẳng nếp, áo khoác thể thao. Chúng tôi kiếm chỗ ngồi tại quầy gần một ông già, bộ mặt như da thuộc của ông thiểu não trong ánh sáng xanh từ chiếc đèn nhấp nháy trên đầu. Baba châm một điếu thuốc lá và gọi bia cho chúng tôi. “Tối nay tôi quá hạnh phúc.” Ông tuyên bố chẳng với ai cả. “Tối nay, tôi uống với con trai tôi. Và một cốc, xin mời, vì ông bạn của tôi,” ông vừa nói vừa vỗ vào vai ông già. Ông bạn già ngả mũ và mỉm cười. Ông không còn hàm răng trên.
Baba uống ba hơi hết cốc bia và gọi cốc nữa. Ông uống hết ba cốc trước khi tôi cố gượng uống hết một phần tư cốc. Tiếp đó ông mua cho ông già một ly scotch và đãi nhóm bốn người chơi bi-a một chung bia Budweiser. Mọi người bắt tay ông và vỗ vào lưng ông. Họ uống chúc mừng ông, có người châm thuốc lá cho ông. Baba nới bớt nơ cổ và đưa cho ông già một nắm đồng hai nhăm xu, ông chỉ vào máy nghe nhạc 10 rồi bảo tôi: “Bảo ông ta chơi bài hát nào ông ấy thích.” Ông già gật đầu, chào Baba. Ngay lúc đó, nhạc đồng quê nổi lên ồm ồm, và chỉ thế thôi, Baba bắt đầu một bữa tiệc. Một giờ đúng, Baba đứng dậy, nâng cốc bia lên, đố tràn xuống sàn mạt cưa và hét to: “Đù mẹ bọn Nga.” Tiếng cười của cả quán rượu, rồi những tiếng vọng nghèn nghẹn tiếp theo. Baba mua một lượt bia nữa cho khắp mọi người.
Khi chúng tôi đi khỏi, mọi người đều có vẻ buồn. Kabul, Peshawar, Hayward. Vẫn ông già Baba ấy, tôi mỉm cười nghĩ.
Tôi lái xe đưa chúng tôi về nhà trong chiếc xe cũ màu vàng đất nhãn hiệu Buick Century. Baba ngủ gật suốt dọc đường, ngáy vang như một cái búa máy. Tôi ngửi thấy mùi thuốc lá và cồn, ngọt và hăng nồng. Nhưng khi tôi đỗ xe, ông ngồi bật dậy và nói bằng giọng khàn khàn:
– Cứ cho xe chạy tiếp đến cuối dãy nhà đi.
– Tại sao, Baba?
– Cứ lái đi, – ông bắt tôi phải đỗ ở đầu phía Nam của đường phố. Ông thò tay vào túi áo khoác và trao cho tôi một chùm chìa khoá.
– Đó, – ông vừa nói vừa chỉ vào chiếc xe trước mặt chúng tôi. Đó là một chiếc Ford đời cũ dài và rộng, sẫm màu mà tôi không thể phân biệt được dưới ánh trăng, – cần phải sơn lại, và bố đã nhờ một cậu ở trạm ga siết lại những chỗ rung lắc mới, nhưng nó vẫn tốt.
Tôi cầm chùm chìa khoá, sững sờ. Tôi hết nhìn ông lại nhìn cái xe.
– Con cần nó để đi đến trường đại học, – ông nói.Tôi nắm lấy tay ông. Bóp chặt. Nước mắt tôi ứa ra và tôi mừng vì bóng tối đã che khuất mặt tôi.
– Con cảm ơn Baba.
Chúng tôi đi ra và ngồi vào trong chiếc xe Ford. Nó là một chiếc Torino lớn. Màu xanh nước biển, Baba bảo vậy. Tôi lái nó vòng quanh dây nhà, thử phanh, radio và đèn xi nhan. Tôi cho đỗ vào bãi để xe của chung cư và tắt máy. Tôi nói:
– Tashakor 11, Baba jan.
Tôi muốn nói thêm nữa, muốn bảo ông tôi cảm động biết bao vì lòng tốt của ông, tôi đánh giá cao biết mấy tất cả những gì ông đã làm vì tôi, những gì ông vẫn đang làm. Nhưng tôi biết tôi sẽ làm ông ngượng. Tôi đành nhắc lại:
– Tashakor.
Ông mỉm cười ngả người tựa đầu vào gối nghỉ, trán ông gần như chạm trần xe. Chúng tôi không nói gì. Chỉ ngồi trong bóng tối, lắng nghe tiếng tinh tinh của động cơ đã mát, tiếng còi ủ ở xa xa. Rồi Baba ngả đầu về phía tôi và nói:
– Bố chỉ mong Hassan ở đây cùng với chúng ta, hôm nay.
Đôi bàn tay thép bóp chặt quanh khí quản của tôi khi nghe thấy tên Hassan. Tôi ngả người ra ngoài cửa xe. Đợi cho tới khi những cái tay sắt nới lỏng không xiết chặt nữa.
Tôi sẽ ghi tên vào các lớp dự bị Đại học vào mùa thu này, tôi bảo với Baba sau ngày tốt nghiệp như thế. Ông đang uống trà đen và nhai hạt bạch đậu khấu, thử thuốc giải độc của riêng ông và ông tin nó chữa được đau đầu.
– Con nghĩ con sẽ mạnh về tiếng Anh, – tôi nói, nén lòng chờ ông trả lời.
– Tiếng Anh?
– Làm nghề sáng tác văn chương.Ông cân nhắc việc đó. Nhấp trà.
– Ý con nói là viết truyện. Con sẽ viết truyện, – tôi nhìn xuống chân.
– Viết truyện, người ta trả tiền cho việc viết truyện à?
– Nếu anh viết hay, và nếu anh được phát hiện, – tôi nói.
– Được phát hiện, có chắc không?
– Ngẫu nhiên thôi, – tôi đáp.
Ông gật đầu:
– Và con sẽ làm gì trong khi con chờ viết được hay và được phát hiện? Con sẽ kiếm tiền thế nào? Nếu con lấy vợ, con sẽ giúp đỡ khanum 12của con thế nào?
Tôi không thể ngước mắt lên gặp mắt ông:
– Con sẽ… tìm một nghề.
– Ồ, – ông nói. – Chà chà! Vậy, nếu theo ta hiểu, con sẽ học vài năm đề kiếm một cái bằng, rồi con sẽ kiếm một nghề, cực nhọc chatti 13như nghề của ta, một nghề mà hôm nay con có thể kiếm dễ như bỡn, còn với một cơ may nhỏ nhoi là cái bằng của con một ngày nào đó sẽ giúp con được… phát hiện.
Ông thở một hơi sâu và uống trà. Lầm bầm gì đó về trường y, trường luật, và “công việc thực tế.”Má tôi nóng bừng và tội lỗi như chảy khắp trong người, cái tội chiều theo bản tính của mình với cái giá là bệnh loét dạ dày của ông, những ngón tay đen của ông và cổ tay ông đau nhức. Nhưng tôi sẽ giữ vững lập trường của tôi, tôi quyết thế. Tôi không muốn hy sinh cho Baba thêm chút nào nữa. Lần cuối cùng tôi làm như thế, tôi đã nguyền rủa bản thân.
Baba thở dài, và lần này ông hất cả một vốc bạch đậu khấu vào miệng.
Đôi khi tôi ngồi sau tay lái chiếc Ford, kéo cửa kính xuống, và lái hàng mấy giờ liền tử Vịnh Đông cho tới Vịnh Nam, lên Bán đảo rồi quay trở lại. Tôi lái xe giữa những hàng rào lưới sắt của những đường phố có hàng cây bông gạo trong quận Fremont của chúng tôi, nơi người dân không bao giờ bắt tay những ông vua sống trong dãy nhà mái bằng một tầng tồi tàn cửa sổ trần trụi nơi loại xe cũ như của tôi rớt dầu trên đường xe rải nhựa. Những hàng rào mắt cáo xám chì rào kín mọi sân sau trong quận của chúng tôi. Những đồ chơi, lốp mòn, những vỏ chai bia đã bóc nhãn vứt rải lác trên các bãi cỏ luộm thuộm trước nhà. Tôi lái xe qua ba công viên um tùm bóng mát sực mùi vỏ cây qua những dải thị tứ đủ rộng để tổ chức được đồng thời năm cuộc đua ngựa Buzkashi. Tôi lái chiếc Torino lên các dãy đồi của Los Altos, chạy chầm chậm qua những cơ ngơi có cửa sổ rộng kính liền với đôi sư tử bằng bạc gác cổng sắt hoa, những toà nhà có đài phun nước hình thiên sứ dọc theo lối đi bộ được cắt tỉa cần thận và không có chiếc xe Ford Torino nào trên lối vào. Những toà nhà khiến ngôi nhà của Baba ở quận Wazir Akbar Khan trông giống như túp lều của đày tớ.
Một vài sáng Chủ nhật tôi dậy từ sớm và lái xe về phía Nam theo xa lộ 17, cho chiếc Ford leo lên con đường quanh co qua những triền núi đến Santa Cruz. Tôi thường đỗ xe ở ngôi nhà hải đăng cổ, đợi mặt trời mọc, ngồi trong xe và ngắm sương mù bồng bềnh trên mặt biền. Ở Afghanistan, tôi chỉ nhìn thấy đại dương ở rạp chiếu phim. Ngồi trong bóng tối, cạnh Hassan, tôi luôn luôn thắc mắc liệu có đúng như tôi đọc, không khí ở biển có mùi muối không. Tôi thường bảo Hassan rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ dạo bộ dọc dải bờ biển rải rác rong tảo, thọc đôi chân vào trong cát và ngắm nước biển rút khỏi gót chân. Lần đầu tiên nhìn thấy Thái Bình Dương, tôi suýt kêu to lên. Nó mênh mông và xanh biếc như trên những màn hình phim ảnh tuổi thơ tôi.
Đôi khi trong những buổi chiều sớm, tôi đỗ xe và đi bộ lên một chiếc cầu vượt xa lộ. Mặt tôi áp vào hàng rào, tôi cố đếm những đèn hậu đỏ lừ nhấp nháy nối đuôi nhau, kéo dài mãi, chừng nào mắt tôi còn có thể trông thấy. Những chiếc BMW, những chiếc Saab, những chiếc Porsche. Những chiếc xe chưa bao giờ tôi trông thấy ở Kabul, nơi phần lớn đều lái những chiếc Volga Nga, Opel cũ, hoặc Paikan của Iran.
Đã gần hai năm kể từ khi tôi đến Hoa Kỳ, và tôi vẫn còn kinh ngạc trước tầm cỡ của đất nước này, sự mênh mông của nó. Ra khỏi xa lộ này lại có xa lộ khác, ra khỏi mỗi thành phố lại là thành phố khác, đồi qua núi, núi qua đồi và ra khỏi đồi núi lại nhiều thành phố hơn, nhiều cư dân hơn.
Từ lâu trước ngày quân Roussi rầm rộ tiến vào Afghanistan, từ lâu trước khi làng mạc bị đốt cháy, trường học bị phá huỷ, từ lâu trước ngày mìn được gài lại như hạt giống của chết chóc và trẻ con bị chôn trong những ngôi mộ vùi đá, Kabul đã trở thành một thành phố của những bóng ma đối với tôi. Một thành phố của những bóng ma.
Nước Mỹ khác hẳn. Nước Mỹ là một con sông gầm réo suốt dọc dòng chảy, không bận tâm đến quá khứ. Tôi có thể lội trong con sông ấy, để tội lỗi của tôi chìm tận đáy, để nước mang tôi tới một nơi thật xa. Một nơi không còn bóng ma, không còn ký ức, không còn tội lỗi.
Nếu không vì cái gì khác, tôi ôm hôn nước Mỹ vì điều đó.
Mùa hè năm sau, mùa hè năm 1984 – mùa hè tôi đã hai mốt tuổi – Baba bán chiếc Buick của ông và mua một chiếc xe buýt Volkswagen xộc xệch với giá 550 đô la từ một ông già Afghan quen biết, từng là giáo viên khoa học của một trường trung học ở Kabul. Những người hàng xóm nhức óc mỗi buổi chiều khi chiếc xe đó phì phò lao lên đường phố và nổ bùm bụp trên lối đi qua bãi đỗ xe của chúng tôi. Baba tắt máy để xe lăn lặng lẽ tới điểm đỗ xe đã được chỉ định. Chúng tôi ngồi lún xuống trong ghế của mình, cười cho đến khi nước mắt vãi ra lăn xuống má, và quan trọng hơn, là cho đến lúc chúng tôi tin chắc những người hàng xóm không còn chú ý tới nữa. Chiếc xe buýt là một cái xác buồn của sắt gỉ, của cửa kính vỡ tan được thay bằng bao bì đen phế thải, lớp mòn bóng và đệm ghế thì rách nát xuống tận lò xo. Nhưng ông giáo già đã cam đoan lần nữa với Baba rằng máy móc và bộ phận truyền động còn tốt, và về khoản ấy ông không nói dối.
Vào những ngày thứ Bảy, Baba đánh thức tôi dậy từ lúc bình minh. Trong lúc ông mặc quần áo, tôi xem qua mục thông tin quảng cáo trong những tờ nhật báo địa phương và khoanh lại những quảng cáo giữa bản đồ cũ. Chúng tôi vạch lộ trình trên bản đồ – Fremont, Union City, Newark, và trước hết là Hayward, rồi San Jose, Milpitas, Sunnyvale, và Campbell nếu thời gian cho phép. Baba lái chiếc xe buýt, nhấp trà nóng trong phích, còn tôi chỉ đường. Chúng tôi dừng lại ở những gara bán đồ cũ và mua mọi thứ lặt vặt mà người ta không còn chuộng nữa. Chúng tôi kỳ kèo mặc cả những cái máy khâu cũ, những on búp bê Barbie một mắt, vợt tennis gỗ, đàn ghita mất dây, và những máy giặt Electrolux cũ. Đến giữa trưa chúng tôi đã chất đầy thùng chiếc xe buýt VW toàn đồ cũ. Rồi những sáng sớm Chủ nhật, chúng tôi lái xe đến chợ trời San Jose quá Berryessa, thuê một chỗ bán đống đồ tạp nham ấy, lấy chút ít lời lãi: Một chiếc đĩa hát Chicago chúng tôi mua hai nhăm xu hôm trước, có thể bán được một đô, hoặc bốn đô một bộ năm chiếc, một máy khâu Singer ọp ẹp mua mười đô, sau khi mặc cả có thể lên tới hai mươi lăm đô.
Tới mùa hè năm đó, các gia đình Afghan chiếm toàn bộ một khu của chợ trời San Jose. Nhạc Afghan chơi ở lối đi giữa hai dãy của khu Đồ Cũ. Có một bộ luật không thành văn về việc ứng xử giữa những người Afghan với nhau ở chợ trời: Anh chào đón một anh chàng qua lối đi, anh mời hắn một miếng bánh bolani 14hoặc một chút qabuli, và anh tán chuyện. Anh tỏ lời tassali 15trước cái chết của một bậc sinh thành, chúc mừng trẻ con chào đời, và lắc đầu buồn bã khi câu chuyện tất yếu chuyển sang Afghanistan và bọn Roussi. Nhưng anh phải tránh chủ đề hôm thứ Bảy. Bởi vì hoá ra, cái gã đi ngang qua hai dãy hàng lại là anh chàng đã suýt bất ngờ bị anh nện, ở lối ra xa lộ hôm trước để nhắc nhở việc bán hàng đồ cũ đã hứa hẹn.Điều duy nhất rôm rả hơn trà ở giữa hai dãy hàng là chuyện ngồi lê của người Afghan. Chợ trời là nơi mà bạn nhấp trà xanh với kolchas 16hạnh nhân và biết được con gái của ai đã phá hôn ước và chạy theo bạn trai Mỹ của mình, ai vốn là Parchami, một người cộng sản, ở Kabul, ai đã mua một ngôi nhà bằng tiền phi pháp, trong khi vẫn hưởng trợ cấp xã hội. Trà, chính trị, bê bối, những thành phần của ngày Chủ nhật Afghan ở chợ trời.Đôi khi tôi đứng quầy, trong khi Baba thong thả xuống lối đi hai tay kính cẩn ép vào ngực chào mọi người ông quen biết từ khi còn ở Kabul: Những thương nhân và những thợ may bán áo khoác len hàng mặc thừa và những mũ xe đạp trầy xước, bên những ông cựu đại sứ, nhà giải phẫu thất nghiệp và giáo sư đại học thất nghiệp.
Một buổi chiều sớm, Chủ nhật tháng Bảy năm 1984, trong khi Baba đứng đó, tôi mua hai tách cà phê giảm giá và quay lại, thấy Baba đang nói chuyện với một người đàn ông già hơn trông có vẻ danh giá. Tôi đặt hai tách cà phê trên cái chắn hậu của chiếc xe buýt, gần một cái khẩu hiệu: ỦNG HỘ REAGAN / BUSH khoá 84.
– Amir. – Baba vừa nói vừa vẫy tôi qua, – đây là tướng quân Sahib, ngài Iqbal Taheri. Ông là một vị tướng được huân chương ở Kabul. Ông làm việc ở Bộ Quốc phòng.
Taheri. Tại sao cái tên nghe có vẻ quen thế?
Ông tướng cười như một người đã quen dự những bữa tiệc linh đình, nơi ông từng cười lấy lòng trước những câu đùa nhạt nhẽo nhất của các nhân vật quan trọng. Ông có những món tóc xám như bạc chải hất từ cái trán bóng mượt và sạm nắng ra đằng sau, cùng những túm lông trắng trên đôi mày rậm. Người ông sực mùi nước hoa Cologne trong bộ com lê xẻ tà màu xám sắt, bóng nhẫy vì là quá kỹ, một dây đeo bằng vàng của chiếc đồng hồ bỏ túi lủng lẳng trên áo vest của ông.
– Giới thiệu nhau trịnh trọng khiếp chưa! – Ông nói, giọng ông trầm và có vẻ học thức. – Salaam, bachem 17.
– Salaam, tướng quân Sahib – Tôi vừa nói vừa bắt tay ông. Bàn tay thon thả của ông bắt chặt, dễ làm người ta hiểu lầm, như thể có thép giấu dưới vẻ bề ngoài của làn da ẩm mát.
– Amir định trở thành một nhà văn lớn đấy. – Baba nói. Và tôi phải hiểu điều đó theo hai nghĩa. – Nó đã học xong năm thứ nhất đại học và đạt điểm A ở tất cả các môn.
– Mới là dự bị đại học thôi. – Tôi chữa lại.
– Mashallah! Hoan hô! – Tướng Taheri nói, – có lẽ cháu sẽ viết về lịch sử đất nước chúng ta? Hay kinh tế học?
– Cháu viết truyện, – tôi nói, vừa nghĩ tới một tá truyện cực ngắn tôi đã viết trong cuốn sổ tay bìa bọc da mà chú Rahim Khan đã tặng tôi, vừa tự hỏi tại sao lại đột nhiên ngượng ngập vì chúng trước mặt người đàn ông này.
– À, một người kể chuyện, – ông tướng nói. – Tốt lắm, mọi người đang cần những chuyện kể để giải khuây vào thời buổi khó khăn này. – Ông đặt tay lên vai Baba rồi quay lại tôi. – Lại nói về những câu chuyện, cha cháu và bác đã cùng đi săn vui thích với nhau một ngày hè ở Jalalabad. Một thời kỳ tuyệt diệu. Nếu bác nhớ không nhầm, mắt cha cháu tỏ ra rất tinh trong săn bắn cũng như việc kinh doanh.
Baba lấy gót ủng đá vào chiếc vợt tennis cán gỗ trên tấm vải bạt trải ra:
– Kinh doanh thế đấy.Tướng Taheri nở một nụ cười vừa buồn vừa lịch sự, buông một tiếng thở dài, và tế nhị vô vào vai Baba:
– Zendagi Migzara 18! – Ông nói. Mắt ông quay sang tôi. – Những người Afghan chúng ta đang có khuynh hướng cường điệu ghê gớm, bachem ạ, và bác đã được nghe nói nhiều người gán cho mình cái nhân vĩ đại một cách ngu xuẩn. Nhưng cha cháu có cái ưu điểm thuộc một số ít người thực sự xứng đáng với danh tiếng của mình.
Với tôi câu nói ngắn gọn ấy nghe thật giống bộ đồ của ông, cũ rồi nhưng bóng bẩy phi thường.
– Ông đang tâng bốc tôi đấy, – Baba nói.
– Không đâu, – ông tướng vừa nói vừa ngả đầu về một bên và ép bàn tay vào ngực, tỏ ý khiêm nhường:
– Lũ con trai và con gái phải biết tài sản của cha chúng để lại ông quay lại tôi. – Cháu có đánh giá cao cha cháu không, bachem? Cháu có thực sự đánh giá cao cha cháu không?
– Balay, thưa tướng quân Sahib, cháu có ạ. – Tôi vừa nói vừa mong ông đừng gọi tôi là “con trai ta”.
– Vậy, xin chúc mừng, cháu đã trưởng thành được một nửa rồi. – Ông nói, không có dấu hiệu gì là hài hước, châm biếm, lời chúc mừng của ngạo mạn không chủ đích.
– Padar 19 jan, bố quên trà của bố rồi, – giọng của một phụ nữ trẻ.
Cô đứng đằng sau chúng tôi, một người đẹp eo hông thon thả, tóc đen nhánh như nhung, một phích nước và một tách nhựa mỏng trên tay. Tôi chớp mắt, tim tôi đập rộn. Cô có đôi mày đen, rậm gần giao nhau ở giữa, trông như đôi cánh cong của một con chim đang bay, và sống mũi hơi cong duyên dáng của một quận chúa từ nước Ba Tư cổ – có thể là mũi của Tabmineh, vợ vua Rostam và mẹ của Sohrab trong truyện Shahnamah. Đôi mắt cô, màu nâu quả óc chó rợp bóng hàng lông mi hiu hiu như quạt, gặp đôi mắt của tôi. Khựng lại một lúc. Rồi bay mất.
– Con ngoan quá, con yêu quý, – tướng Taheri nói. Ông cầm chiếc tách từ tay cô. Trước khi cô quay đi, tôi nhìn thấy cô có một vết chàm nâu hình lưỡi liềm trên làn da mịn đúng ở mép hàm trái. Cô bước đến một chiếc xe chở hàng màu xám nhờ, và để cái phích vào trong. Tóc cô chảyxuống một bên, khi cô quỳ xuống giữa những hộp đĩa hát cũ và sách bìa thường.
– Con gái ta, Soraya jan. – Tướng Taheri nói. Ông hít một hơi thật sâu như một người đang rất muốn đổi chủ đề chuyện và kiểm tra chiếc đồng hồ vàng bỏ túi.
– Ồ đến giờ đi bán hàng rồi.
Ông và Baba hôn nhau lên má và ông bắt tay tôi bằng cả hai tay:
– Chúc việc viết văn gặp may mắn nhất.
Ông vừa nói vừa nhìn vào mắt tôi. Đôi mắt màu lơ nhạt của ông chẳng để lộ ra một chút gì những ý nghĩ ẩn phía sau.
Suốt từ lúc ấy cho đến hết ngày, tôi luôn phải chống lại khao khát được nhìn về phía chiếc xe chở hàng màu xám.Tôi sực nhớ ra trên đường về nhà, Taheri. Tôi biết trước đây tôi đã được nghe nói tới cái tên ấy.
– Không có chuyện đồn thổi gì đó xung quanh cô con gái ông Taheri chứ? – Tôi cố làm ra vẻ tình cờ hỏi Baba.
– Con biết ta rồi đấy, – Baba vừa nói vừa cho chiếc xe buýt nhích sát vào hàng xe nối đuôi nhau ở lối ra của chợ trời. – Chuyện trò mà chuyển thành chuyện ngồi lê là ta bỏ đi ngay.
– Nhưng có chuyện đó, phải không bố? – Tôi hỏi.
– Tại sao con lại hỏi? – Ông rụt rè nhìn tôi.
Tôi nhún vai và đáp trả ông bằng một nụ cười:
– Tò mò thôi mà Baba.
– Thật ư? Chỉ có thế thôi ư? – Ông hỏi, mắt ông bỡn cợt, không rời khỏi mắt tôi. – Nó để lại ấn tượng với con ư?
Tôi đảo mắt nói:
– Xin Baba đi.Ông mỉm cười, cho chiếc xe chồm ra khỏi chợ trời. Chúng tôi tiến về xa lộ 680 và im lặng trên xe được một lúc.
– Tất cả những gì bố được nghe là từng có một người đàn ông và mọi chuyện… không suôn sẻ, – ông nói một cách nghiêm trọng như thể tiết lộ với tôi rằng cô gái ấy bị ung thư phổi.
– Ô.
– Bố nghe nói con bé là một cô gái đoan trang, chịu khó và rất tốt. Nhưng chẳng có khastegars 20nào, từ đó tới gõ cửa nhà ông tướng, – Baba thở dài. – Có thể là thành kiến, nhưng những gì xảy ra trong một vài ngày, đôi khi có thể chỉ một ngày, cũng dễ làm đổi thay hướng đi của cả đời người, Amir ạ.
Nằm thao thức trên giường đêm đó, tôi nghĩ đến vết chàm hình lưỡi liềm, đến cái mũi trang nhã của Soraya Taheri và cái cách đôi mắt ngời sáng của cô không buông tha mắt tôi trong khoảnh khắc. Tim tôi đập một cách khó khăn khi nghĩ tới cô. Soraya Taheri. Nữ Quận chúa Tao ngộ của tôi.
——————————–
1 Rowt: Cũng có nghĩa là bánh ngọt.
2 Tổng thống Mỹ lúc đó.
3 ESL: Là từ viết tắt của English as Second Language, lớp dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho người nhập cư.
4 Ý nói như một bé ngoan ở lớp mẫu giáo.
5 Six Million Dollar Man: Tên một bộ phim nhiều tập của truyền hình Mỹ về một nhân vật huyễn tưởng nửa người nửa máy làm việc cho một tổ chức bí mật của nước Mỹ, dựa theo tiểu thuyết Cyborg (người nửa máy) của M.E.Brooks.
6 Lee Majors: Diễn viên Mỹ, thủ vai Steve Austin, nguyên là một nhà thiên vãn với chân tay được điều khiển theo kỹ thuật sinh học, trong bộ phim Người đàn ông Sáu triệu đô la.
7 Mike Hammer: Nhân vật nhà thám lử trong tác phẩm I, the Fury của nhà văn Mỹ Mickey Spilane, xuất bản năm 1947. Sau này nhiều bộ phim và chương trình phát thanh truyền hình lấy ý tưởng từ nhân vật này.
8 V: Viết tắt chữ Victory nghĩa là chiến thắng.
9 Moftakhir: Có nghĩa tự hào.
10 Jukebox: Máy nghe nhạc thường để trong các quán rượu, bia, bỏ tiền xu vào máy, máy sẽ tự động chơi nhạc.
11 Cảm ơn.
12 Kharum: Nghĩa là vợ.
13 Chatti: Có nghĩa là chiến binh, ở đây hàm ý nghề
cực nhọc, vất vả…
14 Bolani, qabuli: Những loại bánh truyền thống của Afghanistan.
15 Chia buồn.
16 Kolchas: Kẹo.
17 Salaam bachem: Xin chào con trai.
18 Zendagi Migzara cũng có nghĩa cuộc sống vẫn tiếp tục, đời cứ trôi.
19 Padar: Tiếng gọi bố thân mật.
20 Khastegars: Những người cầu hôn.