Trong châu thành Mỹ Tho, dọc theo bờ sông cầu quây, song vô khỏi chợ chừng một trăm thước, có một dãy phố lầu lối vài chục căn, phần nhiều mấy tiệm lớn mướn để trữ hàng hóa. Căn chót trước cửa có treo một bức sáo xanh, trong nhà chưng dọn: Bàn mặt đá, ghế tô nê, tủ cẩm lai, giường đồng đỏ hực hỡ, ấy là nhà của thầy thông Cam, làm việc tại sở Bách phần.
Lối mười một giờ rưỡi, thầy thông Cam với cô hai Phiên đương ngồi tại bàn giữa mà ăn cơm. Thình lình có một cái xe kéo ngừng ngang cửa, rồi có một người trai trên xe bước xuống, tay có ôm một cái gói nhỏ, không biết vật gì ở trỏng, mà ở ngoài thì có bao bằng một cái chăn tắm đỏ. Tuy ngoài cửa có treo bức sáo, nhưng mà cô hai Phiên thấy được người ấy, nên cô nói với chồng rằng: “Thằng Ba nó xuống nữa kia! Bữa nay thứ sáu, mà sao nó đi được”.
Thầy thông Cam ngó ra, thì cậu ba Giai vừa bước vô cửa, thầy lật đật nói rằng: “Mới xuống em Ba. Ngồi lại ăn cơm luôn thể, đi”. Cậu ba Giai lắc đầu nói rằng: “Anh chị ăn đi, em không ăn”. Cậu và nói và để cái gói dựa bệ cửa số, rồi cậu leo lên ghế xích đu mà nằm, sắc mặt buồn hiu.
Cậu ba Giai, hồi ăn cắp bạc của mẹ mà trốn, thì cậu mới mười bảy tuổi, năm nay cậu đã được hai mươi tám tuổi rồi. Vóc cậu ốm mà cao, nước da trắng mà mét mét, tóc hớt điệu ma ninh[1], mình mặc đồ tây trắng, mà chơn đi giày cũng bằng bố trắng. Trán cậu cao, miệng cậu rộng, xem tưởng bấy nhiêu đó cũng đủ biết tánh tình cậu rộng rãi, mà nết cậu thiệt thà.
Cô hai Phiên ăn cơm rồi, cô bưng tô nước trà đem để trên cái bàn nhỏ phía ngoài, rồi cô ngồi dựa bên đó cô uống nước từ hớp và hỏi cậu ba Giai rằng:
– Hổm nay em có viết thơ về cho má hôn?
– Có.
– Má trả lời hay chưa?
– Trả lời làm chi? Má đã nói với anh chị như vậy thì còn gì nữa mà trả lời.
– Bà già thiệt khó! Qua với anh Hai em nói hết sức mà má cũng giận em hoài, má quyết từ em, qua biết làm sao được bây giờ, qua chắc mấy năm nay con nhỏ đó kẻ ra kẻ vô[2] lung lắm, nên bà già mới giận dữ như vậy.
– Em viết thơ cho má hôm trước, em đã có nói em nhượng phần ăn của em cho con nhỏ đó rồi.
– Ủa! Chuyện gì mà nhượng?
– Má thương nó, thôi để hết gia tài cho nó ăn, em giành làm gì?
– Em giận lẩy, em làm cái đó mới bậy đa!
– Em buồn lắm chị Hai à! Em hết muốn sống nữa. Em xuống thăm anh chị ít bữa rồi em đi.
– Việc nhà thủng thẳng mà tính, chớ buồn cái gì. Ai làm sao mà lấy phần ăn của em được mà em sợ. Em đi đâu?
– Không buồn sao được. Phận em làm trai mà mẹ không thương, mẹ nhứt định đến chết cũng không cho thấy mặt. Bây giờ vợ em nó cũng không thương em nữa, nó đã bỏ em mà đi lấy thằng khác rồi, thân phận em như vậy, em còn sống nữa mà làm gì.
Cậu ba Giai nói tới đó thì nước mắt chảy ròng ròng. Cô hai Phiên với thầy thông Cam nghe nói như vậy, hai người ngó nhau, cả hai đều chưng hửng. Thầy thông Cam kéo ghế ngồi gần cậu ba Giai rồi hỏi rằng:
– Mấy lần cậu dắt mợ xuống đây, tôi coi bộ mợ thương cậu lắm mà, sao bây giờ cậu nói cái gì lạ quá vậy?
– Em thấy thói đời, em ngán lắm, anh Hai ôi! Hồi em đụng con vợ em, em nghe nó nói nhơn nghĩa lắm, em tưởng đâu nó là đứa biết điều, nên em mới kết nghĩa vợ chồng với nó. Té ra nó thương em là thương bạc tiền, chớ không phải thương nhơn nghĩa. Nó dọ trước, nó biết em là con nhà giàu, nên nó mới lấy em. Bây giờ nó nghe má nhứt định từ em, không cho em về nhà, nó hết trông mong giựt của em được rồi, nên nó bỏ em mà đi cập với thằng khác.
– Có lý nào mà khốn nạn như vậy!
– Thiệt như vậy chớ! Em kiếm em gặp nó, em biểu nó về, nó cự với em, nó nói: “Tao tưởng mầy là con nhà giàu, nên tao lấy mầy đặng sung sướng tấm thân, té ra mầy là quân ăn mày, làm việc mỗi tháng lãnh lương có ba mươi mấy đồng bạc, không đủ cho tao mua phấn với dầu thơm, tao lấy mầy mà làm gì”.
– Ối! Nếu nó nói như vậy thì nó là đồ khốn kiếp quá, nó đi đâu thì đi cho rảnh, cậu thương tiếc làm gì.
– Em tức quá. Má không thương rồi vợ nó cũng bỏ, em tính em đi lên núi Tà Lơn, em vô trong hang đá em nằm, đặng nhịn đói mà chết cho rồi.
Cô hai Phiên châu mày đáp rằng:
– Em đừng có tính quấy như vậy, má từ em, thôi em ở đây với anh chị. Con vợ em nó bỏ em, thì để thủng thẳng chị kiếm vợ khác cho em.
– Cám ơn anh chị. Em buồn lắm, em ở đây không được đâu. Còn kiếm vợ khác làm chi, bây giờ em oán đàn bà con gái lắm, em không thèm có vợ nữa đâu.
– Đàn bà có kẻ quấy, mà cũng có người phải, chớ ai cũng quấy hết thảy hay sao mà em oán. Tại em cập thứ đồ đĩ, nó kể đồng tiền, chớ không kể chi nhơn nghĩa, nên mới ra cớ đỗi như vậy chớ. Chị kiếm đứa thiệt thà và đức hạnh chị cưới cho em, thì đâu có như vậy bao giờ.
– Thôi, chị Hai. Chị nói tới chuyện cưới vợ em càng buồn hơn nữa. Em bây giờ là đứa thất tình thất chí, em không muốn sự chi nữa hết, em nhứt định hoặc phải chết để quên hết việc nhà hoặc phải đi tu đặng tránh thế tục mà thôi.
Cậu ba Giai mới nói tới đó, bỗng nghe tiếng xe kiếng[3] ngừng trước nhà. Thầy thông Cam bước ra cửa mà dòm rồi nói rằng: “Húy! Má lên”. Cô hai Phiên lật đật chạy ra. Cậu ba Giai cũng lật đật đứng dậy lau nước mắt và gài nút áo cổ.
Thiệt quả bà Hương quản Tồn lên thăm con rể, mà bà lại dắt con Quyên đi với bà nữa.
Vợ chồng thầy thông Cam mừng mẹ lăng xăng, mà không thèm nói tới con Quyên. Còn cậu ba Giai, cậu chấp tay xá mẹ rồi đứng xó ró dựa cái tủ rượu, tay xây tròn cái ly, mặt ngó xuống đất, coi bộ buồn bực mà xẻn lẻn lắm. Trẻ ở trong nhà ra xe xách vịt, xách gà, bưng xoài, bưng mận đem vô hết rồi, bà Hương quản mới đi lại bộ ván trong mà ngồi. Bà lột khăn choàng trên đầu xuống và hỏi rằng: “Bây giờ mấy giờ?”.
Thầy thông Cam đáp rằng:
– Thưa, một giờ.
– Còn sớm há. Chiếc tàu nầy chạy giỏi quá, mấy lần trước tao đi hai giờ nó mới tới.
– Má đi ngã Nước Xoáy hay là ngã Trà Vinh vậy má?
– Tao đi xuống Trà Vinh tao đi. Đi ngã Nước Xoáy phải sang đò qua tàu, khó lòng lắm, ai đi cho được.
– Sao má không đánh dây thép cho con hay trước, đặng con đi rước má?
– Rước làm gì. Tao có con nhỏ nầy, thì có sao đâu mà lo.
– Thầy thông Cam ngó cậu ba Giai và cười chúm chím. Cô hai Phiên chạy ra sau, hối trẻ ở đi mua đồ về dọn cơm. Bà Hương quản ngồi uống nước rồi ăn trầu, bà không thèm ngó mà cũng không quở trách tới cậu ba Giai.
Cơm dọn lên rồi, cô hai Phiên mời mẹ đi ăn. Ba Hương quản biểu con Quyên ngồi ăn với bà. Con Quyên nói không đói bà rầy om, nên nó phải ngồi mà ăn. Cô hai Phiên ngồi một bên mẹ mà nói chuyện, còn thầy thông Cam với cậu ba Giai ngồi tại bộ ghế ngoài, cậu ba Giai chống tay lên trán mà ngó ra đường, coi bộ cậu buồn nghiến.
Thình lình bà Hương quản day mặt ra ngoài mà hỏi rằng: “Thằng Giai làm giống gì mà ở đây?”.
Cậu ba Giai lật đật đứng dậy thưa rằng: “Thưa má con ở trên Sài Gòn con mới xuống”.
Bà Hương quản nín thinh một hồi, rồi bà lại hỏi rằng:
– Mầy gởi thơ cho tao bữa hổm chi vậy? Mầy thách đố coi tao dám từ mầy hay không phải hôn?
– Thưa má, con đâu dám thách đố. Con gởi thơ cho má đặng tỏ bụng con cho má hiểu, và xin má tha tội cho con. Má thương thì con nhờ, bằng má không thương thì con chịu, chớ con có dám nói tiếng chi dâu.
– Mầy không nên thân, tao ghét tao bỏ mầy. Sao mầy không biết lỗi, mầy trở lại mầy oán con Quyên, mầy nói nó òn ỷ nói vô nói ra cho tao ghét mầy đặng nó ăn của? Cái óc mầy xấu, rồi mầy tưởng con Quyên nó cũng như mầy vậy sao?
Cậu ba Giai và vợ chồng thầy thông Cam nín khe, không ai dám nói tiếng chi hết. Bà Hương quản ăn ít miếng cơm rồi nói nữa rằng:
– Tao nói cho mầy biết, con Quyên là con nhà nghèo, tao thương tao nuôi, mà tao coi tánh ý nó cao hơn chị em mầy hết thảy. Từ hồi nó khôn lớn cho tới bây giờ, tuy nó không biết mặt mầy, mà thường thường nó hay năn nỉ với tao, nó xin tao kiếm mà đem mầy về. Nó nhỏ mà nó ở như vậy, sao mầy lại oán nó hử? Hôm mầy gởi thơ mầy nói bậy đó, nó tức nó khóc gần ráo nước mắt. Nó cứ theo năn nỉ xin tao tha tội cho mầy, nó nói nhiều tiếng trúng đạo nghĩa lắm, nó làm tao động lòng nên tao mới đi đây. Mầy nhờ nó lắm, phải mang ơn nó, chớ đừng có nghi bậy như vậy nữa.
Vợ chồng thầy thông Cam với cậu ba Giai đều chưng hửng, cứ ngó nhau rồi ngó con Quyên.
Hồi mới vô nhà, con Quyên không biết người bận đồ tây trắng đó là ai. Chừng nó nghe bà Hương quản nói, nó mới biết người ấy là cậu ba Giai, nó tức tưởi trong lòng, nên ngồi lặng thinh ăn cơm mà nước mắt chảy ròng ròng.
Sự nghi ngờ cho con Quyên kẻ vạch gốc đó tại cô hai Phiên mà ra, bởi vậy chừng cô nghe mẹ cắt nghĩa rõ ràng rồi thì cô ăn năn, nên cô đỡ cho em mà thưa với mẹ rằng:
– Nó buồn rầu quá, nên viết thơ nói bậy bạ má chấp nó làm chi?
– Ai làm cho nó buồn? Không phải tại nó hay sao?
– Tại nó chớ tại ai, bởi vậy bây giờ nó biết lỗi, nó ăn năn quá. Nó xuống đây nãy giờ nó khóc mà nói với vợ chồng con để nó tự vận hoặc đi tu cho rồi. Con mới rầy nó đó.
– Hôm trước mầy nói nó có vợ mà. Nó bỏ vợ cho ai mà đi tu?
– Vợ nó bỏ nó rồi.
– Sao vậy?
Cô hai Phiên muốn để cho cậu ba Giai thuật chuyện lại cho mẹ nghe, mà cậu ngồi khóc rấm rức, không nói chi hết, túng thế cô phải tỏ sự bất nghĩa của vợ cậu lại cho mẹ hiểu. Bà Hương quản nghe rồi, bà cười ngất và nói rằng: “Hôm trước tao nói hay hôn hử? Tao nói nó cặp thứ đồ đĩ chớ vợ con gì”.
Con Quyên tánh ý chơn chất thiệt thà, bởi vậy nó nghe có đàn bà vô tình bất nghĩa dường ấy, thì nó lấy làm bất bình, tuy nó không dám chen vô mà nói, song nó ngó cậu ba Giai, coi bộ nó tội nghiệp cho phận của cậu lắm.
Ăn cơm rồi, bà Hương quản kêu cậu ba Giai lại đứng một bên mà nói rằng: “Nè, tao nói cho mà biết; hôm trước anh Hai với chị Hai mầy xuống nói với tao mà xin lỗi cho mày, rồi hổm nay con Quyên nó cứ theo khóc mà năn nỉ hoài nữa. Tao thấy mấy đứa nó than thỉ quá, mà tao nghĩ tao cũng thương phận của cha mầy, nên tao tha tội cho mầy. Thôi sửa soạn đi theo tao mà về dưới nhà. Mà về nhà thì phải lo làm ăn, chớ không được chơi bời nữa đa, nghe hôn? Nếu mầy không nghe lời tao, mầy còn làm trái với ý tao nữa, thì đừng trách số. Mầy cũng phải thương con Quyên như em ruột mầy vậy; nhờ nó nên tao tha lỗi cho mầy; đừng có bè hè bặc hặc với nó, phải bỏ cái thói nghi bậy đó đi”.
Cậu ba Giai tủi trong lòng quá, không nói tiếng chi được hết, chỉ có khóc và cúi đầu lạy tạ ơn mẹ mà thôi.
Bà Hương quản ở tại nhà thầy thông Cam chơi hai bữa rồi bà dắt cậu ba Giai với con Quyên trở về Phú Tiên.
Cậu ba Giai được mẹ tha lỗi rồi, cậu về nhà hết lòng kính trọng mẹ, cậu lo dọn dẹp trong nhà cho sạch sẽ khoảng khoát rồi cậu lại coi cho bạn giẫy cỏ trước sân, vét mương sau vườn. Bà Hương quản thấy tánh ý con khác xưa thì bà mừng thầm, nên bà tính riêng trong bụng để thủng thẳng bà kiếm chỗ tử tế mà cưới vợ cho con.
Tuy cậu ba Giai không đi chơi, song đêm nào cậu cũng thơ thẩn ngoài sân một mình cho đến canh hai canh ba cậu mới chịu vô đóng cửa mà ngủ. Con Quyên dòm coi tánh ý cậu, thì nó biết cậu còn buồn về nỗi vợ bất nghĩa lắm. Mỗi ngày hễ có dịp ngồi nói chuyện với cậu, thì nó thường an ủi cậu chẳng nên kể tới thứ đàn bà bạc tình bất nghĩa mà làm chi, nó chỉ đường chánh nẻo tà, nó dẫn điều hư sự thiệt, nó nói nhiều lời thâm thúy, thuở nay cậu chưa nghe lần nào hết.
Lúc mới về tuy cậu không nghi bụng nó nữa, song cậu cũng không để ý đến nó chút nào. Chừng cậu gần nó được một tháng rồi, cậu nghe nó nói chuyện, cậu xem kỷ nhan sắc của nó, chẳng hiểu cậu có động tình hay không, mà coi cậu quyến luyến với nó lắm.
Một bữa nọ, bà Hương quản đi ăn đám giỗ trên Vũng Liêm, con Quyên ở nhà, đến trưa nó đem rổ may ra để trên bộ ván ngồi dựa cửa sổ mà may. Cậu ba Giai nằm tại bộ ván bên nầy, cậu ngó nó một hồi, rồi cậu mon men đi lại gần mà hỏi rằng:
– Em may giống gì đó, em?
– Tôi may cái áo gối cho bà.
Cậu ba Giai kéo ghế ngồi vấn thuốc mà hút. Cậu ngó tay con Quyên cầm kim rút chỉ, ngó bàn tay rồi ngó tới trên mặt: Gò má trắng mà lại no tròn, hàm răng đều mà lại khít rịt, mái tóc đen thui mà lại láng lẫy, chơn mày không vẽ mà lại cong vòng. Tuy không trang điểm chút nào, song gương mặt có cái vẻ thiện chơn, trai thấy tự nhiên phải bàng hoàng mà lại phải cung kính.
Cậu ba Giai ngó mà ngơ ngẩn một hồi rồi cậu hỏi rằng: “Em năm nay mấy tuổi vậy em?”. Con Quyên day lại ngó cậu mà cười rồi đáp rằng:
– Thưa, em mười bảy tuổi.
Cậu ba Giai châu mày mà nói một cách buồn thảm rằng: “Qua có lưu lạc hơn mười năm rồi qua mới biết con gái quê mùa ở trong làng, có cái vẻ thiên nhiên, coi đẹp hơn mà lại có đức hơn con gái ở thành thị. Mà bây giờ qua biết thì đã muộn rồi”. Cậu nói mà cậu ngó chừng con Quyên. Con nọ thiệt thà, không hiểu ý cậu, nên nó cũng ngó cậu trân trân. Cậu ngồi bợ ngợ, bộ muốn hỏi chuyện chi nữa, mà rồi cậu dụ dự không chịu nói. Cậu đứng dậy bước ra hàng ba rồi chấp tay sau đít đi qua đi lại hoài, dường như trong trí đương lo tính việc chi quan hệ lắm vậy.
Từ ấy về sau, cậu ba Giai với con Quyên thường hay nói chuyện với nhau, song mỗi người đều giữ cử chỉ nghiêm chánh, lời nói chẳng hề có chút lả lơi, giọng cười chẳng hề có chút trái lễ.
Bà Hương quản tính kiếm vợ cho con, mà bà chưa ưng bụng nơi nào, kế bà dòm thấy hai trẻ quyến luyến nhau, thì bà hiểu ý, nên bữa nọ bà thừa dịp con Quyên về Giồng Ké thăm ông ngoại với anh nó, bà mới nói với cậu ba Giai rằng: “Từ hôm mầy về đến nay tao có ý muốn kiếm vợ cho mầy, mà tao coi con gái ở xứ nầy không đứa nào được hết. Tao nuôi con Quyên từ hồi nó còn nhỏ cho tới bây giờ, tao tập tánh ý nó, tao dạy nó đủ nữ công nữ hạnh, nên ngày nay nó khôn lớn rồi, tao coi nó hơn con gái nhà giàu nhiều lắm. Nội một điều nó khóc lóc năn nỉ xin tao tha lỗi cho mầy đó, thì đủ biết nó là đứa có nghĩa. Thôi tao muốn mầy cưới nó một cái cho xong, để gả cho họ uổng lắm. Mầy chịu hôn?”.
Cậu ba Giai đáp rằng:
– Con về đây vài tháng nay, con thấy tánh nết nó con ưng bụng lắm. Ngặt vì con cưới nó thì coi kỳ quá.
– Kỳ cái gì? Mầy chê thân tộc nó không xứng đáng, phải hôn?
– Thưa không. Con không cần cái đó, bởi vì thà con cưới vợ trong nhà hàn vi mà vợ con nên thì quí hơn là vợ trâm anh mà không ra gì. Con ngại là ngại má nuôi nó thuở nay, bây giờ con cưới nó sợ e thiên hạ họ dị nghị chớ.
– Ôi! Cần gì cái đó! Tao nuôi nó thì tao nuôi, chớ phải nó bà con gì với mình hay sao mà ngại.
– Như má liệu được thì con vưng lời, con đâu dám cãi. Con làm như vậy đặng trả ơn cho nó luôn thể.
– Phải. Mầy nói như vậy thì phải nghĩa lắm. Thuở nay hai chị em mầy bỏ tao lưu dóng ở nhà, nhờ có nó hủ hỉ lo cơm nước cho tao, nên tao mới bớt buồn. Sau đây nó lại còn khuyên giải cho tao hết giận mầy nữa. Mầy phải cưới nó đặng đền ơn cho nó.
– Dạ.
Tối lại con Quyên về, bà Hương quản nói với nó rằng: “Bữa nay thằng Giai ở nhà nó thỏ thẻ với tao rằng nó mang ơn mầy lắm, nên nó xin tao cưới mầy cho nó đặng nó trả ơn. Mầy chịu hôn?”.
Con Quyên nghe nói chưng hửng, nó ngó bà trân trân không biết sao mà trả lời. Bà Hương quản nói tiếp rằng: “Mầy đừng có ngại chi hết. Nó tính như vậy thì phải lắm. Tuy nó lớn tuổi hơn mầy, song việc đó nghĩ không hại cho mấy. Tao có một mình nó là con trai. Sự nghiệp của tao phần nhiều về nó hưởng. Nó có cái tánh ham chơi, tuy bây giờ thấy nó biết ăn năn, song chừng tao chết rồi, biết đâu nó có khỏi trở lại thói cũ hay không. Vậy nó phải có vợ con biết giữ gìn, biết khuyên lơn nó mới được. Vậy thôi mầy ưng nó đi, đặng gìn giữ của tiền ruộng đất của tao đó mà hưởng với nhau. Mầy ưng nó là mầy trả ơn cho tao đó”.
Con Quyên nghe bà nói mấy lời thì cảm xúc quá, nên nó rưng rưng nước mắt mà không nói được. Bà ngó nó rồi hỏi rằng:
– Sao? Mầy chịu như vậy hôn?
– Bẩm bà, sự cậu Ba muốn đó là cái phước lớn của con, có lẽ nào con không chịu. Nhưng mà con nghĩ phận con đê hèn quá, ông bà cha mẹ không ra gì, con sợ bây giờ cậu Ba muốn cậu nói như vậy rồi sau thấy con nhà sang trọng cậu ăn năn chớ.
– Không. Nó đã nhứt định rồi. Tao có nói sự ấy với nó, thì nó nói nó thấy tánh ý mầy nó kính phục lắm. Tao dám chắc không có con nhà ai hơn mầy được đâu mà sợ nó ăn năn.
Con Quyên lặng thinh, không nói chi hết. Bà Hương quản hiểu ý nó đã chịu rồi, nên sáng bữa sau, bà biểu cậu ba Giai viết thơ cho thầy thông Cam mà dặn bữa kị cơm cho ông Hương quản, thì vợ chồng thầy phải xin phép mà về cho đủ đặng tính việc nhà.
Vợ chồng thầy thông Cam vưng lời mẹ, nên đến ngày kị cơm cha, dắt nhau về một lượt. Bà Hương quản sai trẻ lên Giồng Ké kêu Hương thị Tào với thằng Tý xuống cho bà biểu. Ông cháu thằng Tý nghe bà kêu thì lật đật đi xuống liền.