Người đua diều - Chương V

Tiếng gì đó gầm lên như sấm. Mặt đất hơi rung chuyển và chúng tôi nghe thấy tiếng tặc – tặc – tặc của súng máy. “Cha ơi!” Hassan gọi to. Chúng tôi bật lên và nhào ra khỏi phòng khách. Chúng tôi thấy ông Ali đang tập tễnh vội vàng đi qua tiền sảnh.

– Cha ơi! Tiếng gì thế? – Hassan the thé kêu lên, vươn hai tay về phía ông Ali. Ông ôm chúng tôi trong hai cánh tay. Một dải sáng trắng loé lên, sáng chói trên bầu trời như bạc. Nó lại chớp loé lên và tiếp theo là chuỗi gằn nhanh của súng máy.

– Họ đang săn vịt trời đấy, – ông Ali nói bằng một giọng khàn khàn. – Họ săn vịt ban đêm, hai đứa biết đấy. Đừng sợ.

Một tiếng rít ở xa xa. Đâu đó, kính vỡ tan tành và ai đó kêu thét. Tôi nghe thấy tiếng người trên đường phố, choàng dậy, chen lấn nhau, có lẽ vẫn mặc nguyên quần áo ngủ, tóc bù xù mắt húp lên. Hassan đang khóc. Ông Ali kéo cậu sát vào người, dịu dàng ôm chặt lấy. Sau này, tôi thường tự nhủ tôi đã chẳng cảm thấy ghen với Hassan. Không chút nào hết.

Chúng tôi cứ thế rúc vào nhau cho đến sáng sớm. Tiếng bắn nhau và tiếng nổ kéo dài gần một giờ thì chấm dứt, nhưng nó làm cho chúng tôi khiếp sợ vô cùng, bởi vì không ai trong chúng tôi từng nghe thấy tiếng súng nổ trên đường phố. Đó là những âm thanh xa lạ với chúng tôi. Thế hệ trẻ con Afghan tai không nghe gì ngoài tiếng bom và tiếng súng còn chưa được sinh ra. Co rúc vào nhau trong phòng ăn và đợi cho trời sáng, không ai trong chúng tôi có bất cứ ý niệm nào rằng con đường sống đã chấm dứt. Con đường sống của chúng tôi. Nếu không phải hoàn toàn ngay lúc này, thì ít nhất cũng là bắt đầu của sự kết thúc. Sự kết thúc, sự kết thúc chính thức sẽ đến vào đầu tháng Tư năm 1978, với cuộc đảo chính của Cộng sản, rồi đến tháng Mười Hai năm 1979, khi xe tăng Nga bò vào chính những đường phố nơi Hassan và tôi đã chơi đùa, mang cái chết đến cho Afghanistan mà tôi vẫn biết, và đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên đẫm máu vẫn còn đang tiếp diễn.

Ngay trước lúc mặt trời mọc, xe hơi của Baba rẽ vào đường xe chạy vào nhà. Cửa xe đóng sầm lại và tiếng chân ông chạy huỳnh huỵch trên các bậc thang. Rồi ông hiện ra ở trước cửa và tôi thấy một nét gì đó trên mặt ông. Một nét gì mà tôi không nhận ra ngay, bởi vì trước đó tôi không hề thấy: nỗi sợ hãi.

– Amir! Hassan!

Ông kêu lên, chạy đến với chúng tôi, hai cánh tay dang rộng.

– Chúng chặn hết mọi con đường và điện thoại không hoạt động. Ta lo quá.

Chúng tôi để ông ôm trong cánh tay, và trong một khoảnh khắc điên rồ, tôi thấy vui mừng về bất kỳ chuyện gì đã xảy ra đêm đó.

Rốt cuộc, chúng không bắn vịt. Hoá ra chúng không bắn mấy vào bất cứ thứ gì, cái đêm 17 tháng Bảy năm 1973 ấy. Sáng hôm sau, Kabul thức dậy, thấy nền quân chủ đã là chuyện của quá khứ. Quốc vương Zahir Shah chạy sang Ý. Vắng mặt ông, người em họ của ông, Daoud Khan, đã kết thúc bốn mươi năm trị vì của nhà vua bằng cuộc đảo chính không đổ máu.

Tôi nhớ, buổi sảng hôm sau đó, Hassan và tôi khom người bên ngoài phòng làm việc của cha tôi, còn Baba và chú Rahim Khan đang uống trà đen, nghe tin tức mới về cuộc đảo chính trên đài phát thanh Kabul.

– Amir agha này. – Hassan thì thào.

– Cái gì?

– Cộng hoà là cái gì?

Tôi nhún vai:

– Tôi không biết.

Trên máy thu thanh của Baba, họ đang nói cái từ “cộng hoà” ấy, nói đi nói lại mãi.

– Amir agha này.

– Cái gì?

– Có phải “cộng hoà” nghĩa là cha tôi và tôi sẽ phải rời khỏi đây không?

– Tôi không nghĩ thế, – tôi thì thào trả lời.

Hassan ngẫm nghĩ về điều đó:

– Amir agha này.

– Cái gì?

– Tôi không muốn họ đuổi tôi và cha tôi đi.

Tôi mỉm cười:

– Vớ vẩn, cậu đúng là đồ con lừa. Chẳng ai đuổi bố con cậu đâu.

– Amir agha này.

– Cái gì?

– Cậu có muốn trèo lên cái cây của chúng ta không?

Nụ cười của tôi nở rộng ra. Đó lại là một chuyện khác về Hassan. Cậu luôn luôn biết khi nào nói điều cần nói – tin tức trên radio đã trở nên nhàm chán. Hassan đi về túp lều của cậu để chuẩn bị, và tôi leo lên gác lấy một cuốn sách. Rồi tôi vào bếp nhét đầy túi những vốc tay hạt thông 1, đoạn chạy ra ngoài tìm Hassan đang đợi tôi. Chúng tôi ào qua cổng trước và đi về phía đồi.

Chúng tôi vượt qua khu dân cư, và đang vất vả cuốc bộ qua vùng đất cằn cỗi dẫn đến ngọn đồi thì bất chợt, một hòn đá đập vào lưng Hassan. Chúng tôi xoay người lại, và tim tôi muốn rụng. Assef và hai thằng bạn nó, Wali và Kamal, đang áp sát chúng tôi.

Assef là con trai một người bạn của cha tôi, ông Mahmood, phi công. Gia đình nó sống cách nhà chúng tôi vài phố về phía Nam, trong một khu nhà sang trọng kín cổng cao tường, trồng xen cọ xung quanh. Nếu bạn là một đứa trẻ trong quận Wazir Akbar Khan của Kabul, bạn hẳn biết Assef và nắm đấm bằng thép không gỉ nổi tiếng của nó, và mong không phải nếm mùi. Được sinh ra từ một người mẹ Đức và ông bố Afghan, thằng Assef tóc hung mắt xanh, cao lớn vượt hẳn những đứa trẻ khác. Nó nổi tiếng tàn bạo trên các đường phố. Được mấy đứa bạn tay chân đi kèm hai bên, nó bước đi trên vùng lân cận như một Khan 2 đi tuần du khắp lãnh thổ của mình, cùng đoàn tuỳ tùng khúm núm. Lời nói của nó là luật, và nếu cần một chút răn dạy lề luật, thì quả đấm thép ấy đủ để là một giáo cụ thích hợp. Tôi đã được nhìn một lần, nó dùng những quả đấm ấy với thằng bé ở quận Karteh-Char. Tôi sẽ không bao giờ quên nổi đôi mắt xanh của thằng Assef loé ra một tia sáng hoàn toàn điên dại ra sao, và nó nhăn nhở thế nào khi nó đấm liên hồi vào thằng bé đáng thương đã bất tỉnh. Một số đứa con trai ở quận Wazir Akbar Khan đặt cho nó cái biệt hiệu Assef Goshkhor, hay Assef “Kẻ Ăn Tai”. Tất nhiên, không đứa nào trong bọn chúng dám nói thẳng vào mặt nó trừ phi muốn chịu cùng số phận với thằng bé đáng thương, kẻ đã vô tình gợi cảm hứng cho cái biệt danh đó khi đấu và hạ chiếc diều của Assef và rơi vào tình cảnh mò tai phải của mình từ một rãnh bùn. Nhiều năm sau, tôi lục được một từ tiếng Anh chỉ một loại người như Assef, là từ “Sociopath” 3, tiếng Farsi không tồn tại một từ tương đương đúng nghĩa. Nằm trong số nhưng đứa quanh vùng thường hành hạ ông Ali, Assef còn bỏ xa những đứa nhẫn tâm nhất. Thật ra, nó là đứa đầu têu trò chế nhạo Babalu – Ngoáo ộp: Ê, Babalu, hôm nay mày ăn thịt ai rồi? Hử? Thôi nào, Babalu, cười với chúng tao một cái nào! Và vào những ngày nó cảm thấy đặc biệt có hứng, nó lại thêm đôi chút mắm muối vào trò đùa quấy: Ê, đồ Babalu Mũi Tẹt, hôm nay mày ăn thịt ai rồi? Nói cho chúng tao nghe nào, đồ con lừa mắt xếch!

Lúc này, nó đang bước lại phía chúng tôi, hai tay chống nạnh, đôi giày vải đá bật lên một đám bụi nhỏ.

– Chào buổi sáng, bọn Kunis, – Assef reo lên và vẫy tay. – Đồ đồng tính, – đấy là tiếng chửi ưa thích khác của nó.

Hassan lùi lại phía sau tôi, khi ba thằng hơn tuổi kia tiến sát lại Chúng đứng trước mặt tôi, ba thằng cao lớn mặc quần jeans và áo phông. Lừng lững hơn cả hai chúng tôi gộp lại, Assef khoanh cánh tay to mập trước ngực, đôi môi nhăn nhở một cách man rợ. Đây không phải lần đầu tiên Assef giở chứng trước mặt tôi, khùng với tôi. Cũng may Baba là cha tôi – đó là lý do độc nhất, tôi tin vậy, khiến Assef thường phải kìm chế không bức bách tôi quá.

Nó vênh mặt hỏi Hassan:

– Này, mũi tẹt, Babalu thế nào?

Hassan không nói gì và lùi thêm bước nữa về phía sau tôi.

– Chúng mày đã nghe tin rồi chứ, lũ nhóc? – Assef nói, vẫn nụ cười nhăn nhở. – Nhà vua xéo rồi. Thoát nợ. Tổng thống muôn năm! Bố tao biết Daoud Khan đấy, mày có biết không, Amir?

– Bố tao cũng biết, – tôi nói. Thật ra, tôi không biết có đúng vậy hay không.

– Bố tao cũng biết, – Assef dài giọng nhại lại tôi. Kamal và Wali hưởng ứng theo nhiệt liệt. Ước gì có Baba ở đây.

– Daoud Khan ăn tối ở nhà tao năm ngoái đấy, – Assef tiếp tục. – Mày có thích thế không, Amir?

Tôi không biết liệu có ai nghe được tiếng thét của chúng tôi ở cái khoảnh đất xa xôi này không. Nhà của Baba ít nhất cũng cách xa một kilômét. Tôi ước gì chúng tôi đang ở nhà.

– Mày có biết, lần sau Daoud Khan đến ăn tối ở nhà tao, tao sẽ nói gì với ông ấy không? – Assef nói. – Tao sẽ tán gẫu với ông ấy một chút, kiểu mard với mard 4, đàn ông với đàn ông. Kể cho ông ấy những gì tao đã kể cho mẹ tao. Về Hitler. Bây giờ có một lãnh tụ rồi. Một lãnh tụ vĩ đại. Một người có tầm nhìn. Tao sẽ bảo Daoud Khan hãy nhớ rằng nếu người ta để cho Hitler kết thúc những gì Hitler đã khởi sự, thế giới bây giờ đã là một nơi tốt đẹp hơn.

– Baba bảo Hitler điên, nên mới ra lệnh giết hại bao nhiêu người vô tội, – tôi nghe thấy chính mình nói trước khi kịp lấy tay bịt chặt miệng lại.

Assef cười gằn:

– Nó nói cứ như mẹ tao ấy, và bà ấy là người Đức. Bà ấy phải biết hơn chứ. Nhưng vậy, chúng muốn mày tin thế phải không? Chúng không muốn mày biết sự thật.

Tôi không biết “chúng” đây là ai, và sự thật nào chúng đang che giấu, và cũng không muốn tìm ra. Uớc gì tôi đừng nói gì cả. Tôi lại ước tôi ngước nhìn lên và thấy Baba hiện ra trên đồi.

– Nhưng mày phải đọc những cuốn sách mà người ta không phát ở trường. Tao đã đọc và mắt tao được mở to ra. Giờ đây tao có một tầm nhìn, và tao định chia sẻ tầm nhìn của tao với tổng thống mới của chúng ta. Mày có biết thế là gì không?

Tôi lắc đầu. Nó vẫn nói với tôi. Assef vẫn luôn tự trả lời những câu hỏi của chính nó.

Đôi mắt xanh của nó liếc sang Hassan:

– Afghanistan là đất nước của người Pashtun. Nó luôn luôn như thế, sẽ mãi như thế. Chúng ta là người Afghan thực sự, người Afghan thuần khiết, không có đồ Mũi Tẹt này ở đây. Dân nó làm ô uế quê hương chúng ta, watan 5của chúng ta. Chúng làm bẩn dòng máu của chúng ta. – Nó giật bàn tay làm điệu bộ, quét một đường theo kiểu đại quy mô. – Afghanistan là của người Pashtun, tao tuyên bố vậy. Đó là quan điểm của tao.

Assef lại chuyển cái nhìn trừng trừng của nó sang tôi. Nó trông như kẻ vừa ra khỏi giấc mơ đẹp.

Nó nói:

– Quá muộn đối với Hitler. Nhưng không phải với chúng tao.

Nó lấy một cái gì đó từ túi sau quần jeans:

– Tao sẽ yêu cầu tổng thống làm những gì nhà vua không có quwat 6để làm, giải thoát Afghanistan khỏi bọn Kassef 7Hazara.

– Thôi để chúng tao đi, Assef, – tôi nói mà căm ghét cái giọng tôi run run. – Chúng tao có làm gì mày đâu.

– Ồ, chúng mày đang làm phiền tao đấy, – Assef nói.

Và tôi nhìn, tim như lịm đi, xem nó đang moi cái gì khỏi túi. Tất nhiên rồi. Hai quả đấm thép không gỉ lạnh tanh lấp lánh dưới mặt trời. – Chúng mày đang làm phiền tao lắm lắm. Thật ra, mày còn làm phiền tao hơn cái thằng Hazara này. Làm sao mày lại có thể chuyện trò với nó, chơi đùa với nó, để nó chạm vào mày? – Nó nói, giọng đầy vẻ khinh thị. Wali và Kamal gật gật đầu và ụt ịt tỏ vẻ đồng tình. Assef nheo mắt lại. Lắc lắc đầu. Khi nó nói tiếp, nó có vẻ thăm dò. – Làm sao mày có thể gọi nó là “bạn” mày?

Nhưng nó không phải là bạn tao! – Tôi suýt buột miệng – Nó là đày tớ của tao. Có phải tôi đã thực sự nghĩ thế không? Đương nhiên là không phải. Tôi không nghĩ thế. Tôi đối xử với Hassan như một người bạn, thậm chí còn hơn, như một đứa em mình. Nhưng nếu như vậy, thì tại sao khi bạn bè của Baba đến chơi cùng với con cái họ, tôi không bao giờ lôi Hassan tham gia những trò của chúng tôi? Tại sao tôi chỉ chơi đùa với Hassan khi quanh tôi không có một ai khác?

Assef lồng hai quả đấm thép vào tay. Nhìn tôi lạnh như băng:

– Mày là một phần của vấn đề, Amir. Nếu lũ ngốc như mày và bố mày không rước đám người ấy vào nhà, ngay lúc này, chúng tao đã được giải thoát khỏi chúng. Tất cả bọn ấy đã cút về thối rữa ở Hazarajat, quê hương của chúng rồi. Mày là một sự nhục nhã cho Afghanistan.

Tôi nhìn vào đôi mắt điên khùng của nó và thấy quả nó điên. Nó định đánh tôi thực sự.Assef giơ quả đấm lên, tiến đến trước tôi.

Có một động tác nhanh, ào như cơn gió sau lưng tôi. Lạ mắt nhìn sang bên cạnh, tôi thấy Hassan cúi xuống và đứng lên rất nhanh. Đôi mắt của Assef chuyển sang một thứ gì đó phía sau tôi, và sửng sốt trợn trừng. Tôi thấy cái nhìn sửng sốt ấy cả trên mặt Kamal lẫn Wali lúc chúng nhận ra chuyện gì phía sau tôi.

Tôi quay lại, đối mặt với chiếc súng cao su của Hassan. Hassan đã kéo giãn rộng hết mức dây cao su về phía sau. Trong miếng da là một viên đá bằng cỡ quả óc chó. Hassan chĩa sung cao su thẳng vào mặt Assef. Tay cậu ta rung rung theo sức căng của dây cao su giãn ra và những hạt mồ hôi lấm tấm đầy trên trán.

– Xin Agha để chúng tôi yên, – Hassan nói bằng một giọng bình thường, vẫn nhớ gọi Assef là “agha”, và ngay lúc đó tôi lấy làm lạ sao người ta cứ phải sống với một quan niệm thâm căn cố đế về vị trí của mình theo thứ bậc xã hội như thế.

Assef nghiến răng ken két:

– Bỏ xuống, thằng Hazara không mẹ.

– Xin Agha để chúng tôi yên, – Hassan nói.

Assef mỉm cười:

– Có thể mày không chú ý đấy, nhưng chúng tao có ba và chúng mày chỉ có hai.

Hassan nhún vai. Với người ngoài, trông cậu có vẻ không hoảng sợ. Nhưng vẻ mặt của Hassan là ký ức đầu tiên của tôi, tôi nhận ra mọi sắc thái tinh vi của nó, biết từng co giật biến đổi từng gợn lên trên đó. Và tôi thấy cậu cũng hoảng sợ. Cậu hoảng sợ lắm.

– Agha nói đúng. Nhưng có lẽ, Agha cũng không để ý, tôi là người đang giữ súng cao su. Agha chỉ nhúc nhích thôi là mọi người sẽ phải đổi cái biệt hiệu “Kẻ Ăn Tai” của Agha thành “Assef Một mắt” ngay, bởi vì tôi đang có viên đá này nhằm vào mắt trái Agha.

Cậu nói quá thản nhiên, đến nỗi tôi phải căng tai ra nghe nỗi sợ mà tôi biết được giấu kín dưới cái giọng bình tĩnh ấy.

Miệng của Assef giật giật. Wali và Kamal quan sát sự biến đổi này với vẻ gì đó gần như một sự thích thú. Ai đó dám thách thức Thượng đế của chúng. Hạ nhục ông ta. Và, tệ hại hơn cả kẻ đó lại là một Hazara gầy trơ xương. Assef nhìn từ viên đá tới Hassan. Nó soi mói vẻ mặt của Hassan. Những gì nó thấy trên vẻ mặt đó hẳn đã thuyết phục nó về những ý đồ nghiêm túc của Hassan, bởi nó hạ nắm đấm xuống.

– Thằng Hazara, mày nên biết điều này, – Assef nghiêm nghị nói. – Tao là một con người rất kiên nhẫn. Việc này chưa xong hôm nay đâu, tin tao đi. – Nó quay về phía tôi. – Cũng chưa xong với mày đâu, Amir ạ. Một ngày nào đó, tao sẽ làm cho mày phải đối mặt với tao, một chọi một.

Assef lùi lại một bước. Đệ tử của nó lùi theo.

Nó nói:

– Amir, hôm nay thằng Hazara của mày đã mắc một sai lầm lớn.

Rồi bọn chúng quay lưng bỏ đi. Tôi đòi theo chúng bước xuống phía chân đồi và khuất sau một bức tường.

Hassan đang cố nhét lại chiếc súng cao su vào thắt lưng bằng đôi tay run run. Môi cậu ta cong lên như thể buộc phải nở một nụ cười trấn tĩnh. Phải mất đến năm lần mới thắt được dải quần. Không đứa nào trong chúng tôi nói nhiều về bất cứ điều gì lúc đi bộ về nhà trong lo sợ, tin chắc Assef và lũ bạn sẽ phục kích chúng tôi mỗi lần bọn tôi rẽ theo góc phố. Chúng không phục kích, và điều đó nhẽ ra đã làm chúng tôi an tâm một chút. Nhưng không phải như thế. Không một chút nào.

Trong hai năm sau đó, những từ phát triển kinh tế và cải cách rộn ràng trên môi nhiều người dân Kabul. Chế độ quân chủ lập hiến đã bị bãi bỏ, thay thế bằng một nền cộng hoà lãnh đạo bởi tổng thống của nước cộng hoà. Trong ít lâu, một tinh thần trẻ trung và quyết tâm lan tràn khắp đất nước. Nhân dân nói về quyền của phụ nữ và công nghệ hiện đại.

Và đối với phần lớn các thành phần xã hội, mặc dù một nhà lãnh đạo mới đã vào ở trong Arg – cung điện hoàng gia tại Kabul – cuộc sống vẫn tiếp tục như trước. Người dân đi làm thứ Bảy tới đến thứ Năm và tụ tập lại để ăn uống, picnic vào những ngày thứ Sáu ở các công viên, trên bờ hồ Ghargha, trong những vườn cây của Paghman. Những xe buýt đủ sắc màu sặc sỡ và những xe tải đầy hành khách lăn bánh qua mọi đường phố chật hẹp của Kabul, được điều khiển bởi tiếng quát tháo không ngừng của đám phụ xe ngồi dạng chân trên bệ chắn đuôi xe và hét to chỉ đường cho bác tài bằng cái giọng Kabul nằng nặng. Vào ngày lễ Eid, lễ ba ngày sau tháng lễ Ramadan, dân Kabul mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất và đi thăm thân quyến. Mọi người ôm chầm lấy nhau, hôn nhau, chúc mừng nhau “Eid Mubarak”, Chúc lễ Eid Hạnh phúc. Trẻ con mở những hộp quà và chơi nghịch nhưng quả trứng luộc nhuộm màu.

Vào khoảng đầu mùa đông sau đó, năm 1974, Hassan và tôi một hôm đang chơi ngoài sân trò xây pháo đài tuyết thì Ali gọi cậu ta vào:

– Hassan, Agha sahib muốn nói chuyện với con.

Ông đang đứng trước cửa, mặc đồ trắng, hai tay luồn hai bên nách, miệng thở ra những làn hơi.

Hassan và tôi mỉm cười nhìn nhau. Cả ngày hôm ấy chúng tôi vẫn đang chờ ông gọi. Đó là ngày sinh nhật của Hassan.

– Chuyện gì vậy, cha, cha có biết không? Nói cho chúng con biết được không?

Hassan nói. Mắt sáng lên.

Ông Ali nhún vai:

– Agha sahib không thảo luận việc đó với cha.

– Thôi nào, ông Ali, kể cho chúng cháu nghe đi, – tôi ép. – Có phải một cuốn sách tranh không? Có thể một khẩu súng mới chăng?

Giống như Hassan, ông Ali không thể nói dối. Năm nào ông cũng vờ như không biết Baba đã mua thứ gì cho Hassan hoặc cho tôi, vào ngày sinh của chúng tôi. Và năm nào, đôi mắt ông cũng phản lại ông và chúng tôi cũng thuyết phục để moi được tin ở ông. Lần này, tuy vậy hình như ông nói thực.

Baba không bao giờ quên sinh nhật của Hassan. Ông thường hỏi Hassan muốn thứ gì, nhưng lại thôi ngay, bởi vì Hassan luôn luôn quá rụt rè, không dám đề nghị một món quà. Vì vậy mùa đông nào Baba cũng tự mình đoán được. Năm này, ông mua cho cậu ấy chiếc xe tải đồ chơi của Nhật, năm khác một đầu tàu chạy điện và cả đoàn tàu. Năm trước, Baba làm cho Hassan ngạc nhiên bằng chiếc mũ cao bồi bằng da, giống hệt chiếc mà Clint Eastwood đội trong phim Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại 8, đã đánh bại phim Bảy anh chàng cừ khôi trở thành bộ phim cao bồi ưa thích của chúng tôi. Cả mùa đông ấy, Hassan và tôi thay nhau đội chiếc mũ và hát to theo đoạn nhạc hay nhất của bộ phim, trong khi trèo lên các ụ tuyết và đòm chết nhau.

Chúng tôi tháo găng tay và cởi bỏ những đôi ủng bám đầy tuyết ở trước cửa. Khi chúng tôi bước vào tiền sảnh, thì thấy Baba đang ngồi cạnh chiếc lò sưởi gang đốt củi than cùng một người đàn ông Ấn Độ vừa hói vừa thấp mặc một bộ đồ nâu, đeo cravát đỏ.

– Hassan, – Baba nói, mỉm cười bẽn lẽn. – Đón quà sinh nhật của cháu đi.Hassan và tôi ngây ra nhìn nhau. Chẳng thấy hộp quà nào hết. Không túi. Không đồ chơi. Chỉ có mỗi ông Ali ở sau chúng tôi và Baba cùng với ông bạn Ấn Độ thanh mảnh, trông hơi giống một thầy dạy toán. Người đàn ông mặc bộ đồ nâu mỉm cười chìa tay ra cho Hassan, và nói:

– Tôi là bác sĩ Kumar. Rất vui được gặp cháu.

Ông nói tiếng Farsi bằng một giọng nằng nặng và uốn lưỡi.

– Salaam alaykum 9 – Hassan chào gượng gạo. Cậu khẽ nghiêng đầu lễ phép, nhưng mắt lại thăm dò cha mình đang đứng ở phía sau. Ông Ali bước lại gần, đặt tay lên vai Hassan.

Baba bắt gặp ánh mắt dè chừng và bối rối của Hassan.

– Ta đã mời Bác sĩ Kumar ở New Delhi tới. Bác sĩ Kumar là một nhà phẫu thuật tạo hình.

– Cháu có biết thế nghĩa là gì không? – Ông Ấn Độ – bác sĩ Kumar hỏi.

Hassan lắc đầu. Cậu ta nhìn tôi ra ý hỏi, nhưng tôi nhún vai. Tất cả những gì tôi biết, là bạn đến một nhà phẫu thuật để chữa bệnh, khi bạn bị viêm ruột thừa. Tôi biết điều này vì một trong những bạn học cùng lớp với tôi đã chết vì bệnh ấy năm trước, và thầy giáo đã bảo với chúng tôi họ đợi lâu quá mới đem cậu ấy đến một nhà phẫu thuật. Cả hai chúng tôi đều nhìn ông Ali, nhưng tất nhiên bạn chẳng bao giờ có thể khẳng định được điều gì. Nét mặt ông vẫn thản nhiên như mọi khi, dù một cái gì đó có vẻ điềm tĩnh đã tan ra trong đôi mắt ông.

– À, – Bác sĩ Kumar nói, – nghề của bác là chữa các tật trên cơ thể con người. Đôi khi mặt họ nữa.

– Ồ, Hassan nói. Cậu ấy nhìn từ bác sĩ Kumar sang Baba, rồi sang ông Ali, tay sờ lên môi trên. lại tiếp – ồ.

– Đây là món quà lạ, ta biết, – Baba nói. – Va có thể không phải như cháu nghĩ đâu, nhưng món quà này sẽ mãi mãi còn lại với cháu.

– Ô, – Hassan nói. Cậu liếm môi. Hắng giọng. – Agha sahib, sẽ… sẽ…

– Không làm sao hết, – Bác sĩ Kumar nói chen vào, miệng cười thân mật. – Sẽ không làm đau cháu chút nào đâu. Thật ra, ta sẽ cho cháu uống một liều thuốc, và cháu sẽ chẳng nhớ được điều gì nữa.

– Ô, – Hassan nói. Cậu mỉm cười đáp lại, vẻ nhẹ nhõm. Dẫu sao cũng hơi nhẹ nhõm. – Cháu không sợ đâu, Agha sahib, cháu chỉ…

Hassan có thể bị lừa nhưng tôi thì không. Tôi hiểu khi các bác sĩ nói sẽ không đau đâu, đó là khi bạn biết bạn đang rắc rối to. Tôi khiếp hãi nhớ lại lễ cắt bao quy đầu của tôi năm ngoái. Bác sĩ cũng nói với tôi như thế, cam đoan với tôi sẽ không làm đau tôi tí nào. Nhưng khuya đêm đó khi thuốc tê đã tan đi, cảm giác như ai đó đang ấn một cục than hồng vào hai bên háng tôi. Tại sao Baba phải chờ đến khi tôi mười tuổi mới bắt tôi cắt bao quy đầu, tôi không hiểu nổi, và đó là một trong những điều tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông.

Tôi ước tôi cũng có một loại sẹo nào đó để gây được sự thương cảm ở Baba. Thế là không công bằng. Hassan chẳng làm trò gì cũng chiếm được tình cảm của Baba, cậu ấy chỉ có mỗi việc bị đẻ ra với cái môi hẻ vớ vẩn đó.

Việc phẫu thuật tiến hành tốt đẹp. Chúng tôi hơi choáng khi lúc đầu họ tháo băng, nhưng rồi lại cười ngay đúng như những gì bác sĩ Kumar đã dặn. Thật cũng không dễ dàng, bởi vì môi trên của Hassan giờ là một cục thịt mọng sưng phồng kỳ cục. Tôi mong Hassan kêu lên khiếp hãi khi y tá đưa cho cậu cái gương. Ông Ali giữ tay cậu trong khi Hassan nhìn đăm chiêu khá lâu vào trong gương. Cậu lẩm bẩm một điều gì đó tôi không hiểu. Tôi ghé tai vào miệng cậu. Cậu lại thì thào:

– Tashakor. – Cảm ơn cậu.Rồi môi cậu xoắn lại và ngay lúc đó, tôi hiểu chính xác là cậu đang làm gì. Cậu đang mỉm cười. Đúng như cậu đã từng cười, khi đang tòi ra từ bụng mẹ.

Chỗ sưng phồng xẹp xuống, và vết thương lành dần. Chẳng mấy chốc, nó chỉ còn là một vệt màu hồng không đều nói trên môi. Đến mùa đông năm sau, nó chỉ còn là một vết sẹo mờ. Thế mới mỉa mai. Bởi vì đó là cái mùa đông mà Hassan thôi mỉm cười.

——————————–

1 Pine-nut: loại hạt thông ăn được.

2 Khan: Một tước hiệu quan chức ở Afghanistan và một số nước khác ở châu Á, Trung Đông.

3 Sociopath: Chỉ một hạng người bị bệnh tâm thần, xử sự với người khác một cách hiếu chiến và nguy hiểm. Sociopath hợp thành từ tiền tố Socio: xã hội và path: con đường, hướng đi.

4 Mard: Nghĩa đàn ông. Mard với mard nghĩa là đàn ông với nhau.

5 Watan: Lớp trẻ, thanh niên.

6 Quwant: Sức mạnh, quyền lực.

7 Kasseef: Bẩn thỉu.

8 The good, the bad, the ugly.

9 Salaam alaykum: Xin chào, chúc được bình yên.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ