Suối Nguồn - Chương 9

IX.

Hồi lấy vòi nước phun vào người Johny Stokes thì Ellsworth Monkton Toohey mới lên bảy tuổi.

Lúc ấy Johnny đang đi ngang qua bãi cỏ nhà Toohey, xúng xính trong bộ lễ phục dành riêng cho ngày Chủ nhật. Johnny khao khát một bộ lễ phục như thế này từ một năm rưỡi nay. Mẹ cậu ta rất nghèo. Ellsworth không chơi trò ném đá giấu tay mà hành động rất đàng hoàng, với sự tính toán cẩn thận. Cậu bé bước tới chỗ vòi nước, vặn van rồi cầm vòi đứng giữa bãi cỏ nhắm thẳng hướng Johnny mà phun – cú nhắm thật hoàn hảo vì mẹ Johnny lúc đó đang đi sau cậu ta vài bước, còn cha mẹ Ellsworth và cả ngài mục sư đang ghé thăm nhà đều nhìn được toàn bộ sự việc. Johnny là một đứa trẻ nhanh nhẹn, với hai má lúm đồng tiền và những lọn tóc quăn; mọi người thường ngoái nhìn Johnny Stokes. Không ai ngoái nhìn Ellsworth bao giờ.

Tất cả những người lớn có mặt ở đó sửng sốt và kinh ngạc đến mức trong một lúc lâu, mọi người đều đứng ngây ra thay vì chạy lại ngăn Ellsworth. Cậu bé gầy gò gồng mình chống lại cái vòi nước đang giật mạnh trong tay cậu ta, quyết không cho nó rời khỏi mục tiêu cho đến khi đã thỏa mãn. Sau đó, cậu ta để nó rơi xuống, nước văng tung tóe trên bãi cỏ. Cậu đi hai bước về hiên nhà và dừng lại chờ đợi, đầu ngẩng cao, sẵn sàng đón nhận sự trừng phạt. Sự trừng phạt lẽ ra đã đến từ Johnny nếu như mẹ cậu bé không kịp giữ chặt cậu ta lại. Ellsworth không buồn ngoái lại phía mẹ con Stoke; cậu bé ngước nhìn cha mẹ và ông mục sư, cất tiếng nói chậm rãi, rành mạch: “Johnny là đồ bắt nạt trẻ con đáng ghét. Ở trường nó đã đánh tất cả bọn con.” Chuyện này có thật.

Chuyện trừng phạt Ellsworth hay không trở thành một vấn đề đạo đức. Kể cũng khó trừng phạt Ellsworth dù bằng cách nào đi nữa: cậu bé quá gầy, sức khỏe lại yếu. Ngoài ra, có vẻ sai trái nếu đi phạt một thằng bé dũng cảm đã liều mình chống lại sự bất công, bất chấp việc nó chỉ là một đứa trẻ yếu ớt. Dù thế nào đi nữa, thằng bé cũng giống như một kẻ tử vì đạo vậy. Ellsworth không nói thế; cậu ta không hề nói gì; đấy là câu của mẹ cậu ta. Ông mục sư có vẻ đồng tình với bà. Hôm ấy Ellsworth phải đi ngủ mà không được ăn tối. Cậu bé không phàn nàn gì. Cậu ta ngồi ngoan ngoãn trong phòng, từ chối cả thức ăn mà bà mẹ giấu chồng kín đáo tuồn cho cậu lúc đêm khuya. Ông Toohey khăng khăng đòi được đền tiền bộ quần áo của Johnny. Bà Toohey rầu rĩ chấp thuận. Bà vốn không thích bà Stoke.

Cha của Ellsworth quản lý chi nhánh tại Boston của một công ty kinh doanh giày có mạng lưới cửa hàng trên khắp cả nước. Ông nhận một mức lương khiêm tốn nhưng đủ sống, có một ngôi nhà khiêm tốn nhưng chấp nhận được tại một khu ngoại ô xoàng xĩnh của Boston. Ông có một nỗi buồn mà ông luôn giấu kín; đó là việc ông không thể tự lập một doanh nghiệp riêng của chính mình. Ông là một người đàn ông trầm tính, chu đáo, và chính việc sớm lấy vợ đã dập tắt mọi hoài bão của ông.

Mẹ của Ellsworth là một người đàn bà gầy gò, trông lúc nào cũng có vẻ bồn chồn. Bà đã theo và từ bỏ năm thứ đạo khác nhau trong vòng chín năm. Bà có nét mặt khá đẹp, nhưng là một dạng vẻ đẹp chỉ bừng nở ngắn ngủi trong những năm đẹp nhất của người con gái. Ellsworth là sự sống của bà. Chị gái của Ellsworth, Helen, hơn cậu năm tuổi, là một đứa trẻ ngoan, không có gì nổi bật, không đẹp lắm nhưng cũng dễ coi và khỏe mạnh. Trong khi đấy Ellsworth sinh ra đã là một đứa trẻ ốm yếu. Bà mẹ tôn thờ cậu ta kể từ giây phút bác sĩ tuyên bố rằng cậu ta không đủ khả năng sống sót; điều đó làm cho bà cảm thấy lớn vụt lên về tinh thần – khi bà nghĩ đến cái tình yêu bao la mà bà dành cho một sinh linh không mấy hy vọng như thế. Đứa bé Ellsworth càng xanh xao và xấu xí, tình yêu của bà cho cậu bé càng lớn lên. Bà gần như thất vọng khi cậu sống sót mà không trở thành một kẻ tàn tật. Bà ít quan tâm đến Helen; yêu Helen thì có gì là cao quý. Cô bé rõ ràng là đáng yêu, đến mức dường như việc từ chối tình yêu với cô bé mới là công bằng.

Ông Toohey, vì những lý do mà ông không thể giải thích, không ưa con trai mình. Tuy vậy, Ellsworth vẫn là kẻ thống trị trong nhà, nhờ sự phục tùng tự nguyện, không tuyên bố của cha mẹ cậu bé mặc dù người cha không bao giờ hiểu nguồn gốc sự phục tùng của ông.

Vào các buổi tối, dưới ánh đèn trong phòng khách, bà Toohey thường cất tiếng bằng một giọng căng thẳng, đầy thách thức, với thái độ tức tối và thua cuộc ngay từ đầu: “Horace, em muốn có một cái xe đạp. Một cái xe đạp cho Ellsworth. Tất cả lũ trẻ tuổi nó đều có. Willie Lovett vừa mua một cái mới hôm trước xong. Horace, em muốn mua một cái xe cho Ellsworth.”

“Không phải bây giờ, Mary” – ông Toohey trả lời một cách mệt mỏi – “Có thể mùa hè tới… Bây giờ thì chúng ta không có tiền…”

Bà Toohey sẽ tranh cãi, giọng bà rít lên từng quãng, thành một tiếng gào.

“Mẹ, để làm gì chứ?” – Ellsworth nói, giọng cậu nhẹ, trầm và rõ ràng, thấp hơn giọng của cha mẹ nhưng lại cắt ngang giọng họ, oai vệ, đầy sức thuyết phục. “Có rất nhiều thứ cần thiết cho chúng ta hơn là một cái xe đạp. Ai mà thèm quan tâm đến Willie Lovett chứ. Con không thích Willie. Nó là đồ ngốc. Willie mua được xe vì bố nó có hiệu thuốc riêng. Bố nó là đồ hợm hĩnh. Con không muốn có xe đạp.”

Tất cả những lời này đều đúng và Ellsworth quả thực không muốn có xe đạp. Nhưng ông Toohey nhìn cậu bé một cách lạ lùng, tự hỏi cái gì làm cho con mình nói thế. Ông thấy hai mắt con trai mình đang nhìn mình một cách trống rỗng qua cặp kính nhỏ; hai con mắt không trìu mến, cũng không trách cứ, cũng không ác ý, chỉ trống rỗng. Ông Toohey cảm thấy ông phải biết ơn con trai ông vì đã thấu hiểu – đồng thời thầm ước giá như thằng bé không nói đến cái hiệu thuốc riêng.

Ellsworth không có được chiếc xe đạp. Nhưng cậu bé có được sự trọng vọng trong nhà – một sự quan tâm đầy kính trọng – theo kiểu nhẹ nhàng, tội lỗi của bà mẹ, và kiểu bất ổn, nghi ngại của người cha. Ông Toohey sẵn sàng làm bất cứ cái gì khác thay cho việc phải ngồi nói chuyện với Ellsworth và ông luôn đồng thời cảm thấy vừa ngu ngốc lại vừa tức giận với bản thân vì sự sợ hãi này.

“Horace, em muốn có một bộ vét mới. Một bộ mới cho Ellsworth. Hôm nay em nhìn thấy một bộ trong cửa hàng và em…”

“Mẹ, con có bốn bộ vét. Con cần thêm một bộ nữa làm gì? Con không muốn trông lố bịch như Pat Noonan; mỗi ngày nó mặc một bộ mới. Tại vì bố nó có cửa hàng kem riêng. Nó để ý đến quần áo như con gái. Con không muốn là đồ mít ướt.”

Thỉnh thoảng ông Toohey nghĩ một cách vui sướng và lo sợ rằng Ellswoth sẽ trở thành một vị thánh; cậu bé không hề quan tâm đến vật chất; không một chút nào. Điều này đúng. Ellsworth không quan tâm đến vật chất.

Cậu bé gầy gò, xanh xao, hay đau bụng và mẹ cậu phải để ý đến việc ăn kiêng cũng như bệnh lạnh đầu thường xuyên của cậu. Trong cái khổ người yếu ớt, giọng nói âm vang của cậu làm người ta kinh ngạc. Cậu hát trong ban lễ ở nhà thờ – ở đó cậu không có đối thủ. Ở trường, cậu là một học sinh gương mẫu. Cậu luôn luôn thuộc bài, sách vở ngăn nắp nhất lớp, móng tay gọn gàng, thích đi học Kinh Thánh ngày Chủ nhật và thích đọc sách hơn là các trò chơi thể thao vì cậu chẳng thể làm gì với các trò thể thao. Cậu không thực sự giỏi toán – cậu ghét toán – nhưng cậu học rất giỏi lịch sử, tiếng Anh, đạo đức, làm văn; và sau này là tâm lý và xã hội học.

Cậu học chăm chỉ và cần mẫn. Cậu không giống như Johnny Stokes – đứa trẻ không bao giờ lắng nghe trong lớp, hiếm khi mở sách ở nhà nhưng biết mọi thứ trước khi giáo viên giải thích. Việc học đến với Johnny một cách tự động, như tất cả những thứ khác – như hai nắm tay nhỏ nhưng khỏe của cậu ta, thân thể khỏe mạnh của cậu ta, vẻ đẹp trai của cậu ta, sức sống mãnh liệt ở cậu ta. Nhưng Johnny luôn làm những thứ gây sốc và không được trông đợi; còn Ellsworth làm những thứ mà người ta trông đợi – và làm tốt hơn bất cứ ai đã từng làm. Khi phải viết luận, Johnny thường làm cả lớp sửng sốt bằng một bài luận nổi loạn rất hùng hồn. Giả sử như phải viết về chủ đề “Những ngày đi học – thời kỳ đẹp đẽ nhất”, thì Johnny sẽ viết một bài luận rất hùng hồn về việc cậu ta ghét trường học thế nào và vì sao. Ellsworth viết một bài thơ về niềm vui của những ngày đi học – bài thơ được in lại trong một tờ báo địa phương.

Thêm nữa, Ellsworth luôn đánh bại Johnny trong những gì liên quan đến tên tuổi và ngày tháng. Trí nhớ của Ellsworth giống như là xi-măng lỏng; nó đóng cứng lại tất cả những gì rơi vào đó. Johnny như một vòi nước nóng phụt lên, Ellsworth như một miếng mút thấm nước.

Bọn trẻ gọi Ellsworth là “Elsie Toohey”.[84] Chúng thường để cậu bé làm theo ý mình và tránh né cậu khi có thể, thường là không công khai. Chúng không hiểu được Ellsworth. Cậu sẵn lòng giúp đỡ và tỏ ra đáng tin cậy khi có ai đó cần giúp đỡ làm bài; cậu có kiểu châm chọc nanh nọc và có thể làm bất cứ đứa trẻ nào thấy tổn thương bằng những cái tên nhạo “trúng huyệt”; cậu vẽ những hình biếm họa chết người trên các hàng rào; cậu có tất cả các đặc điểm của một đứa bé gái nhõng nhẽo, nhưng bằng cách nào đó, bọn trẻ không coi cậu là con gái; cậu quá tự tin và luôn có một kiểu cao ngạo lặng lẽ với tất cả mọi người. Cậu không sợ bất cứ cái gì.

Ellsworth có thể tiến thẳng đến cậu bé khỏe nhất, ngay giữa đường, không giận dữ – chưa ai từng nhìn thấy Ellsworth giận dữ – không lên giọng mà nói rành mạch bằng cái giọng vang xa đến vài khối nhà “Johnny Stokes có nốt ruồi ở mông. Johnny Stokes sống ở nhà thuê. Willie Lovett là một thằng đần. Pat Noonan là đồ ăn cá sống.” Johnny không bao giờ đánh Ellsworth và những thằng bé khác cũng thế; bởi vì Ellsworth đeo kính.

Cậu không thể tham gia các trận đấu bóng và là đứa trẻ duy nhất khoe khoang về điều này thay vì cảm thấy tức giận hay xấu hổ như những đứa trẻ yếu sức khác. Cậu coi thể thao là một trò thô bạo và công khai tuyên bố như vậy. Trí óc – cậu nói – mạnh hơn cơ bắp; và cậu tin như thế.

Cậu không có một người bạn thân nào. Cậu được coi là đứa trẻ vô tư và không thể bị mua chuộc. Có hai sự việc xảy ra trong thời thơ ấu của cậu mà mẹ cậu hết sức tự hào.

Một lần, Willie Lovett, cậu bé giàu có và được yêu mến, tổ chức một bữa tiệc sinh nhật trùng với tiệc của Drippy Munn (Munn thò lò mũi xanh), con trai của một thợ may góa chồng. Không ai nhận thiệp mời của Drippy, trừ những đứa trẻ chưa bao giờ được mời tới bất cứ một tiệc sinh nhật nào. Ellsworth Toohey là đứa trẻ duy nhất đã từ chối Willie Lovett để đi dự tiệc của Drippy – một bữa tiệc hết sức buồn tẻ mà cậu ta chẳng hề thích thú. Kẻ thù của Willie cười nhạo Willie hàng tháng trời sau đó vì Willie đã bị từ chối và xếp sau Drippy Munn.

Một lần khác, Pat Noonan hối lộ Ellsworth một túi kẹo gôm để đổi lấy việc được chép bài thi. Ellsworth nhận túi kẹo gôm và để Pat chép bài. Một tuần sau, Ellsworth đi thẳng đến chỗ giáo viên, đặt túi kẹo còn nguyên xuống bàn và thú nhận mọi việc nhưng nhất định không chịu nói tên kẻ hối lộ. Người giáo viên cố gắng hết sức để bắt Ellsworth mở miệng nhưng cậu bé giữ im lặng và giải thích rằng kẻ hối lộ từng là một trong những học sinh giỏi nhất trường và cậu không muốn hy sinh thành tích của kẻ đó để đổi lấy sự thanh thản của chính cậu. Cậu là người duy nhất bị trừng phạt – hình phạt là ở lại trường hai tiếng sau giờ học. Sau đó, thầy giáo của cậu phải bỏ qua chuyện này và giữ nguyên điểm bài kiểm tra. Tuy thế, nghi ngờ bắt đầu xuất hiện xung quanh điểm thi của Johnny Stokes, Pat Noonan và tất cả những đứa trẻ học giỏi trong lớp, trừ Ellsworth Toohey.

Năm Ellsworth lên 11, mẹ cậu qua đời. Dì Adeline, người em gái chưa chồng của ông Toohey đến sống với họ và trông nom nhà cửa. Dì Adeline là một người phụ nữ cao, tự chủ, chất phác và có khuôn mặt dài. Bí mật buồn bã trong cuộc đời bà là bà chưa bao giờ biết đến chuyện yêu đương. Bà lập tức tỏ ra hết sức yêu mến Helen và coi Ellsworth như một con quỷ nhỏ thoát ra từ địa ngục. Nhưng Ellsworth luôn luôn tỏ ra hết sức lịch thiệp đối với dì Adeline. Cậu nhảy ra nhặt khăn mùi xoa cho bà, kéo ghế cho bà khi họ có khách – nhất là khách nam. Cậu gửi quà cho bà vào Lễ Tình Nhân – quà gồm hoa hồng, thơ tình, giấy bóng cắt hình trái tim. Cậu cao giọng hát bài Adeline nhân hậu một cách hết sức nhiệt tình. Một lần, bà nói với cậu “Mày là đồ sâu bọ, Elsie. Mày sống bằng sự đau khổ của người khác.” Cậu trả lời “Thế thì cháu sẽ không bao giờ chết đói.” Sau một thời gian, hai người đi đến tình trạng thờ ơ nhưng cảnh giác với nhau. Bà Adeline để mặc Ellsworth lớn lên theo ý cậu.

Ở trường trung học, Ellsworth trở nên nổi tiếng – cậu là ngôi sao về hùng biện. Trong nhiều năm, trường cậu thường nói đến một đứa trẻ có khả năng hùng biện bằng cụm từ “một Toohey mới”. Cậu chiến thắng trong mọi cuộc thi. Sau đó, khán giả bao giờ cũng chỉ nhớ đến “cái cậu bé đẹp đẽ” mà quên đi thân hình bé nhỏ, ốm yếu, bộ ngực lép kẹp, đôi chân kỳ quặc và đôi mắt cận của cậu; họ chỉ nhớ giọng nói. Cậu chiến thắng trong mọi cuộc tranh luận. Cậu có thể chứng minh bất cứ điều gì. Một lần, sau khi đánh bại Willie Lovett bằng bài hùng biện ủng hộ chủ đề “Ngòi bút mạnh hơn thanh kiếm”, cậu thách Willie đổi vị trí, để cậu là người phản bác lại chủ đề; và cậu đánh bại Willie lần nữa.

Cho đến tuổi mười sáu, Ellsworth mong muốn trở thành một mục sư. Cậu nghĩ rất nhiều về tôn giáo. Cậu nói chuyện về Chúa và linh hồn. Cậu đọc rất nhiều về lĩnh vực này. Cậu đọc nhiều sách về lịch sử nhà thờ hơn các sách về đức tin. Cậu làm cho các thính giả rơi nước mắt trong một cuộc hùng biện cảm động với chủ đề “Những con chiên ngoan đạo sẽ làm chủ trái đất”.

Cũng lúc này, Ellsworth bắt đầu kết bạn. Cậu thích nói về đức tin và tìm thấy những người muốn nghe về điều này. Có điều, cậu nhận ra những đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh và nhanh nhẹn trong lớp thường không bao giờ cần nghe và không hề cần đến cậu. Trái lại, những kẻ thấp cổ bé họng và ốm yếu thường vây quanh cậu. Munn thò lò mũi xanh bắt đầu đi theo cậu với một vẻ tận tụy của một con chó. Billy Wilson mất mẹ và bắt đầu lảng vảng quanh nhà Ellsworth vào các buổi tối, để ngồi trên hiên với Ellsworth, lắng nghe, thỉnh thoảng lại rùng mình, không nói gì, hai mắt mở to, khô khốc và cầu xin. Dix còm – vốn bị bại liệt bẩm sinh – thì nằm trên giường chăm chăm nhìn qua cửa sổ ra góc đường để chờ Ellsworth đến. Hazelton cáu-kỉnh bị thi trượt và thường ngồi hàng giờ khóc lóc trong lúc Ellsworth đặt tay lên vai an ủi.

Không ai biết rõ những đứa trẻ kia tìm ra Ellsworth hay Ellsworth tìm ra chúng. Mọi việc xảy ra như một quy luật của tạo hóa: như thể tạo hóa không để lọt một kẽ hở nào, do đó mà Ellsworth và sự đau khổ tìm đến với nhau. Cậu nói với những đứa trẻ kia bằng cái giọng trầm ấm:

“Đau khổ là tốt. Đừng phàn nàn. Hãy chịu đựng, cúi đầu, chấp nhận – và hãy biết ơn vì Chúa đã ban cho cậu đau khổ. Bởi vì chính đau khổ làm cậu tốt hơn những kẻ đang cười vui và hạnh phúc. Nếu cậu không hiểu điều này, cũng đừng cố mà hiểu. Tất cả những thứ tồi tệ đều đến từ cái đầu vì cái đầu hỏi quá nhiều câu hỏi. Thật phước hạnh khi được tin mà không cần hiểu. Vì vậy, nếu cậu thi trượt, hãy vui vì điều đó. Nó có nghĩa là cậu tốt hơn những đứa thông minh – chúng nghĩ quá nhiều và quá dễ dàng.”

Mọi người đều bảo, thật cảm động khi thấy lũ trẻ tìm đến với Ellsworth. Sau khi làm bạn với Ellsworth một thời gian, bọn chúng không thể rời cậu ra được. Cậu cứ như một thứ thuốc phiện.

Năm Ellsworth mười lăm tuổi, cậu làm cho giáo viên dạy Kinh Thánh ngạc nhiên khi đặt một câu hỏi kỳ quặc. Lúc đó, người thầy giáo đang giải thích câu “Một người sẽ được gì khi anh ta có cả thiên hạ nhưng lại để mất linh hồn mình?” và Ellsworth hỏi “Như vậy, để có thể thực sự giàu có, thì một người nên thu lượm linh hồn?” Người thầy giáo đang định hỏi Ellsworth xem cậu có ý quái gì nhưng rồi ông ta bình tĩnh lại và chỉ hỏi Ellsworth cậu có ý gì. Ellsworth không giải thích.

Năm mười sáu tuổi, Ellsworth không còn hứng thú tới tôn giáo nữa. Cậu phát hiện ra các lý thuyết phát triển xã hội.

Sự thay đổi này làm dì Adeline bị sốc. “Thứ nhất là nó báng bổ và ngớ ngẩn” – bà nói – “thứ hai là nó chẳng có nghĩa gì cả. Tao ngạc nhiên về mày đấy Elsie. Quan tâm đến những kẻ nghèo đức tin thì còn được, đằng này quan tâm đến kẻ nghèo – nghe chả ra làm sao. Mà thế cũng chẳng giống mày lắm. Mày không đủ khả năng làm những thứ lớn lao. Mày chỉ làm được những thứ nho nhỏ. Elsie, cái thứ điên khùng đấy ở chỗ khác. Nó không hợp với mày. Không hợp với mày tí nào cả.” Ellsworth trả lời “Thứ nhất, dì Adeline thân mến, đừng gọi cháu là Elsie. Thứ hai, dì sai rồi.”

Sự thay đổi có vẻ hợp với Ellsworth. Cậu không trở thành một kẻ cuồng tín quá khích. Cậu trở nên nhẹ nhàng hơn, ít nói hơn, khiêm tốn hơn. Cậu tỏ ra ân cần với mọi người. Cứ như thể, cái gì đó đã xoa dịu những dây thần kinh căng thẳng trong cậu và làm cậu có một sự tự tin mới. Những người xung quanh bắt đầu thích cậu. Dì Adeline thôi không còn lo lắng. Có vẻ cậu chẳng định làm gì với những thứ lý thuyết cách mạng đó cả. Cậu không tham gia bất cứ đảng phái chính trị nào. Cậu đọc rất nhiều và tham gia vài buổi họp kín, ở đó cậu có phát biểu một hai lần, không thật xuất sắc; chủ yếu cậu ngồi trong góc, nghe, quan sát và suy nghĩ.

Ellsworth vào Harvard. Mẹ cậu đã viết trong di chúc rằng tất cả các khoản tiền bảo hiểm nhân thọ phải được dùng vào mục đích này. Thành tích học tập của Ellsworth ở Harvard thật đáng nể. Cậu theo môn lịch sử. Dì Adeline đã hy vọng cậu sẽ học kinh tế và xã hội học; bà nửa lo sợ rằng cậu sẽ trở thành một người làm công tác xã hội.[85] Nhưng cậu không làm thế. Cậu chăm chú vào môn văn và các ngành nghệ thuật. Điều này làm bà hơi hoang mang; đấy là một cái mới của Ellsworth; cậu chưa bao giờ cho thấy thiên hướng về lĩnh vực nghệ thuật. “Mày không hợp với nghệ thuật đâu Elsie” – bà nói “mày không hợp.” Ellsworth trả lời: “Dì sai rồi.”

Quan hệ của Ellsworth với các bạn học là thành tựu lạ lùng nhất của cậu tại Harvard. Cậu làm cho mình được chấp nhận. Giữa những bạn bè thuộc hàng con ông cháu cha, cậu không giấu diếm thân phận khiêm tốn của mình; cậu thậm chí phóng đại nó. Cậu không nói rằng cha cậu quản lý một cửa hàng bán giày, cậu nói rằng cha cậu là người đóng giày. Cậu nói mà không hề tỏ ra giận dữ, cay đắng hay cao ngạo; cậu nói như thể đấy là một trò đùa của số phận với cậu và – nếu người ta nhìn kỹ nụ cười của cậu – cả một trò đùa với họ nữa. Cậu cư xử như thể cậu là con nhà quý tộc; không phải kiểu quý tộc hợm mình mà là một nhà quý tộc tự nhiên, vô tư, và đang cố gắng để không tỏ ra trưởng giả. Cậu lịch sự, không phải theo kiểu một người lịch sự để cầu xin ân huệ, mà là lịch sự theo kiểu một người ban phát ân huệ. Thái độ ấy của Ellsworth lan tỏa khắp nơi. Bạn bè không chất vấn sự ưu việt của cậu; họ coi sự ưu việt bẩm sinh ấy tồn tại thực. Ban đầu, việc gọi Ellsworth bằng cái tên “giáo sĩ Toohey” có vẻ là một trò đùa vui vẻ; về sau, nó trở thành một thứ biệt danh và thành mốt. Nếu đây là một chiến thắng thì Ellsworth có vẻ như không nhận thấy nó; cậu tỏ ra không quan tâm. Cậu hành xử giữa những thanh niên đang lớn này như một người đàn ông tự tin với một kế hoạch rõ ràng, một kế hoạch dài hạn đã được hoạch định từng chi tiết, như một người luôn luôn chú tâm tới mọi biến động nhỏ trên đường mình đi. Nụ cười của cậu có một vẻ bí hiểm, kín đáo – đấy là nụ cười của một chủ cửa hàng đang nhẩm tính lời lãi – mặc dù có vẻ như chẳng có gì đặc biệt đang xảy ra.

Cậu không nói về Chúa và sự cao quý của đau khổ. Cậu nói về cộng đồng. Cậu chứng minh cho thính giả trong những buổi thảo luận kéo dài đến sáng rằng tôn giáo đẻ ra sự ích kỷ bởi vì – cậu khẳng định – tôn giáo quá nhấn mạnh tầm quan trọng của linh hồn cá nhân; vì tôn giáo rao giảng về duy nhất một thứ là sự cứu rỗi với linh hồn mỗi cá thể.

“Để đạt tới đức hạnh trong ý nghĩa tuyệt đối của nó” – Ellsworth nói – “một người phải sẵn sàng mắc những tội ác ghê tởm nhất trong tâm hồn anh ta vì lợi ích của đồng loại. Hy sinh xương máu không là gì cả. Hy sinh linh hồn mới là hành động đức hạnh duy nhất. Các cậu nghĩ rằng mình yêu thương đám đông nhân loại ư? Các cậu chẳng biết gì về tình yêu thương cả. Các cậu đóng 2 đô la cho quỹ đình công và các cậu nghĩ là các cậu đã hoàn thành bổn phận ư? Các cậu thật ngốc! Chẳng có thứ quà tặng nào đáng giá trừ khi nó là thứ quý giá nhất mà ta có. Hãy dâng hiến linh hồn các cậu. Vì một sự nghiệp dối trá ư? Phải, nếu những người khác tin sự nghiệp đó. Vì sự lừa lọc ư? Phải, nếu người khác cần sự lừa lọc ấy. Vì sự phản bội, bất lương, tội ác ư? Phải! Vì bất cứ cái gì mà các cậu vẫn cho là xấu xa và thấp kém nhất. Chỉ khi các cậu có thể coi thường cái tôi nhỏ mọn của các cậu, thì các cậu mới vươn tới được sự thật, tới sự thanh thản lớn lao của lòng vị tha, tới việc hòa trộn tâm hồn mình với tâm hồn chung bao la của nhân loại. Không có chỗ cho tình yêu với người khác khi chúng ta vẫn chăm chăm giữ lấy cái tôi nhỏ mọn của mình. Phải có chỗ trống thì mới có thể được lấp đầy. “Kẻ nào yêu cuộc sống của mình, kẻ đó sẽ mất cuộc sống ấy; kẻ nào căm ghét cuộc sống của mình trong thế giới này, kẻ đó sẽ có cuộc sống đời đời”.[86] Những kẻ rao giảng Kinh Thánh trong nhà thờ đã nói đúng, có điều họ không biết họ đúng ở chỗ nào. Hy sinh bản thân ư? Phải, các bạn của tôi, hãy hy sinh bản thân. Nhưng người ta không thể hy sinh bản thân bằng cách giữ bản thân mình thanh sạch và tự hào về sự thanh sạch của nó. Hy sinh nghĩa là phải hủy diệt cả tâm hồn của chính mình – à, nhưng mà tôi đang nói cái gì thế này. Điều này chỉ có những người cao cả mới hiểu được và đạt được.”

Cậu không thành công lắm với những người bạn nghèo khổ phải tự làm việc kiếm tiền trong lúc đi học. Cậu có một lượng tín đồ khá lớn trong số những kẻ con nhà, những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ hai hay thứ ba của các triệu phú. Cậu giới thiệu cho họ một thứ mục đích mà họ cảm thấy họ có thể đạt được.

Ellsworth tốt nghiệp loại ưu. Khi anh đến New York, anh đã có sẵn một danh tiếng nho nhỏ; một vài lời đồn đại đã lan truyền từ Harvard về một chàng trai khác thường có tên Ellsworth Toohey; một vài người trong số những người đặc biệt có học và đặt biệt giàu có đã nghe thấy những lời đồn đại này và lập tức quên những lời ấy nhưng họ nhớ cái tên; nó đọng lại trong trí óc họ với những âm hưởng mơ hồ về sự thông minh, lòng dũng cảm, và lý tưởng.

Người ta bắt đầu tìm đến Ellsworth Toohey – những loại người nhất định, những người nhanh chóng tìm thấy ở Ellsworth một thủ lĩnh tinh thần. Có những loại người không đến – hình như phải có một thứ bản năng nhất định để có thể đến với Ellsworth. Khi một ai đó nhận xét về sự trung thành của các tín đồ với Toohey – anh không có tước hiệu, không có chương trình hay tổ chức, nhưng bằng cách nào đó những người xung quanh anh được gọi là tín đồ – một đối thủ của Toohey đã nói: “Toohey hấp dẫn những loại gì có tính dính. Các vị biết có hai thứ dính nhất trên đời: bùn và hồ.” Toohey nghe được chuyện này; anh nhún vai, mỉm cười và nói “Ôi dào, còn nhiều loại nữa chứ: vữa, đỉa, kẹo kéo, tất ướt, mủ cao su, kẹo cao su, và pút-đinh sắn.” Và anh bỏ đi, không quên nói vọng qua vai, mặt lạnh tanh: “Và xi-măng.”

Anh lấy bằng thạc sĩ từ một trường đại học ở New York và viết luận văn tốt nghiệp với đề tài “Nhưng đặc điểm chung của kiến trúc các thành phố trong thế kỷ 19”. Anh kiếm sống theo một lối bận rộn, đa dạng, và đứt đoạn: không ai có thể theo dõi được các hoạt động của anh. Anh giữ một chức tư vấn nghề nghiệp ở trường đại học; anh viết bài phê bình sách, kịch, triển lãm; anh viết các bài báo, và thỉnh thoảng phát biểu ở các cuộc hội họp nhỏ, hơi khác thường. Khi viết bài phê bình, anh có xu hướng chọn các tiểu thuyết về nông thôn hơn là về thành phố, về những người người bình thường hơn là về các vĩ nhân, về những người ốm hơn là người khỏe mạnh; có một vẻ đặc biệt trong cách viết của anh khi anh nói đến những câu chuyện về “những con người bé nhỏ”; “có tính người” là vị ngữ yêu thích của anh; anh thích nhân vật suy nghĩ hơn là nhân vật hành động và thích việc mô tả nhân vật hơn là việc nghiên cứu nhân vật; anh ưa các tiểu thuyết không có cốt truyện và hơn cả là tiểu thuyết không có nhân vật anh hùng.

Anh được coi là người tư vấn nghề nghiệp xuất sắc. Văn phòng nhỏ của anh ở trường đại học trở thành một phòng xưng tội không chính thức để sinh viên mang các vấn đề – cả trong học hành lẫn đời riêng – đến xưng tội. Anh sẵn lòng thảo luận – với cùng một mối quan tâm dịu dàng và cảm thông – về việc chọn lớp học, về các mối tình, hay về việc chọn lựa nghề nghiệp tương lai (cái cuối cùng này là sở trường của anh).

Khi tư vấn về các mối tình, Toohey thường khuyên sinh viên theo đuổi những mối tình lãng mạn với một cô nàng hay anh chàng dễ dãi – kiểu một mối tình chỉ kéo dài qua vài bữa tiệc say xỉn. “Hãy sống hiện đại một chút” – anh khuyên. Nhưng khi đó là một tình yêu sâu sắc, đầy lửa, thì anh thường khuyên sinh viên từ bỏ. “Hãy suy nghĩ như người lớn nào” – anh nói. Khi một cậu bé đến thú nhận cảm giác xấu hổ sau một kinh nghiệm tình dục không mấy thú vị, Toohey bảo cậu bé hãy từ bỏ suy nghĩ ấy đi: “Thế là tốt lắm rồi đấy. Có hai thứ chúng ta phải sớm từ bỏ trong cuộc sống: thứ nhất là cảm giác mình ưu việt hơn người khác và thứ hai là việc coi trọng tình dục một cách quá mức.”

Người ta nhận thấy Toohey hiếm khi khuyên một sinh viên theo đuổi nghề nghiệp mà cậu ta đã lựa chọn. “Không, tôi sẽ không theo ngành luật nếu tôi là cậu. Cậu quá căng thẳng và say mê nó. Nếu người ta tận tụy quá mức với sự nghiệp thì người ta không thể nào hạnh phúc hay thành công được. Sẽ có lý hơn nhiều nếu cậu chọn một nghề nào mà cậu có thể suy nghĩ bình tĩnh, khách quan và thực tế về nó. Phải, kể cả nếu cậu ghét nó. Như thế mới là thực tế.” “Không, tôi sẽ không khuyên cậu tiếp tục học nhạc. Việc cậu chơi nhạc dễ dàng như thế chứng tỏ rằng tài năng của cậu rất hạn chế. Đấy chính là vấn đề – cậu say mê nó. Cậu không nghĩ rằng lý do đấy nghe rất trẻ con sao? Hãy từ bỏ đi. Phải, kể cả nếu như điều đó rất khó khăn.” “Không, tôi xin lỗi, tôi rất muốn có thể nói là tôi đồng tình, nhưng mà tôi lại không. Khi cậu nghĩ đến kiến trúc, đấy là một lựa chọn hoàn toàn ích kỷ, phải không? Cậu có nghĩ đến cái gì khác ngoài sự thỏa mãn của bản thân cậu không? Hãy nhớ rằng nghề nghiệp của một người có liên quan đến toàn xã hội. Đầu tiên, cậu phải đặt câu hỏi cậu có thể làm gì có ích nhất cho đồng bào của mình. Không nên hỏi cậu sẽ lấy gì được của xã hội, mà phải hỏi cậu sẽ mang lại gì cho xã hội. Và khi nghĩ đến chuyện phục vụ xã hội, thì chẳng có nghề gì có thể so được với nghề bác sĩ phẫu thuật. Hãy nghĩ kỹ đi.”

Sau khi rời trường, một số sinh viên của anh thành công, một số khác thất bại. Chỉ có một người tự tử. Người ta nói rằng Ellsworth đã có một ảnh hưởng lớn tới họ – bởi vì họ không bao giờ quên anh; họ tìm đến anh để được tư vấn về rất nhiều thứ; nhiều năm sau, họ vẫn viết thư cho anh, bám lấy anh. Họ như những cỗ máy không có nút tự khởi động mà phải được ai đó khởi động hộ từ bên ngoài. Ellsworth lại luôn dành thời gian cho họ.

Cuộc sống của anh bận rộn, công khai và ít riêng tư như là một quảng trường thành phố. Người nào làm việc vì người khác thì không thể có những người bạn riêng tư được. Người ta tìm đến anh; anh không tiến đến gần với bất cứ ai. Anh tiếp nhận tất cả. Tình yêu mến của anh như vàng ròng, êm ái và công bằng, như một bãi cát trải dài, không có ngọn gió nào làm xuất hiện đụn cao đụn thấp, chỉ có cát phẳng lặng và mặt trời rực rỡ trên cao.

Anh dùng thu nhập ít ỏi của mình để đóng góp từ thiện cho rất nhiều tổ chức. Anh không bao giờ cho bất cứ ai vay một đồng nào. Anh không bao giờ yêu cầu những người bạn giàu có của anh trực tiếp giúp đỡ những người đang thiếu thốn; nhưng anh lấy từ họ những khoản tiền lớn để đưa cho các tổ chức từ thiện: các nhà tế bần, các trung tâm phục hồi sức khỏe, nhà phục hồi nhân phẩm cho phụ nữ, trường học cho trẻ tàn tật. Anh có chân trong hội đồng quản lý của nhiều tổ chức – mà không nhận lương. Rất nhiều các hoạt động từ thiện và các sách báo có tư tưởng cách tân khác nhau đều có chung một mắt xích giữa chúng, một mẫu số chung: cái tên Ellsworth Toohey trên các giấy tờ hành chính. Anh là kiểu người quản lý công ty kinh doanh lòng từ thiện.

Phụ nữ không có vai trò trong cuộc sống của anh. Tình dục chưa bao giờ hấp dẫn anh. Những thôi thúc thất thường, lén lút của anh thường hướng về các cô gái trẻ, mảnh dẻ, ngực và mông lớn, nhưng ít học – kiểu như những cô phục vụ hay cười khúc khích, những cô thợ sơn sửa móng tay thơn thớt nói cười, những cô nàng đánh máy thuê chậm chạm; cái kiểu phụ nữ mặc váy màu hồng hoặc tím, đội những cái mũ nhỏ ở phía sau đầu trong khi phía trước để xòa những lọn tóc vàng. Anh thờ ơ với những phụ nữ có học.

Anh cho rằng gia đình là một tổ chức tư sản nhưng anh không công khai phản đối nó và cũng không đấu tranh đòi hỏi tình yêu vô điều kiện trong gia đình. Chủ đề tình dục làm anh buồn chán. Anh cho rằng người ta ồn ào một cách quá đáng về cái thứ chết tiệt ấy; nó không có gì quan trọng; chẳng có vấn đề gì là quá quan trọng trên thế giới này.

Năm tháng trôi qua; mỗi ngày bận rộn của Toohey như một đồng xu nhỏ bỏ một cách nhẫn nại vào trong một cái máy đếm xu khổng lồ mà không thèm liếc nhìn số tiền tổng cộng, cũng không cần rút ra. Dần dần, một trong số các hoạt động của ông bắt đầu nổi bật lên so với các hoạt động khác; ông được biết đến như nhà phê bình nổi tiếng về kiến trúc. Ông viết về kiến trúc cho ba tạp chí vốn nổi lên ồn ào trong vài năm rồi lần lượt thất bại: tờ Những tiếng nói mới, tờ Những con đường mới, và tờ Những chân trời mới. Tờ thứ tư, Những mặt trận mới, sống sót. Ellsworth Toohey là người duy nhất không chết chìm trong những vụ đắm tàu trước đó. Phê bình kiến trúc là một lĩnh vực chẳng mấy người quan tâm; chỉ một vài người viết và càng ít người hơn đọc nó. Toohey nhờ thế có được tiếng tăm và gần như một sự độc quyền. Những tạp chí lớn hơn bắt đầu gọi điện cho ông mỗi khi họ cần đến cái gì có liên quan tới kiến trúc.

Năm 1921, cuộc sống riêng của Toohey có một thay đổi nhỏ: cháu gái ông, Catherine Hasley, con gái của chị Helen, đến sống với ông. Cha ông mất đã lâu và dì Adeline đã biến mất vào trong đói nghèo ở một thị trấn nhỏ nào đó. Sau cái chết của cha mẹ Catherine, không có ai chăm sóc cô bé. Toohey đã không định nuôi cô bé ở nhà mình. Nhưng khi Catherine bước xuống khỏi tàu hỏa ở New York, khuôn mặt nhỏ nhắn của cô trong một khoảnh khắc trông thật đẹp đẽ, cứ như thể cả một tương lai đang mở rộng trước mặt cô và ánh sáng của nó đã phủ lên trán cô, cứ như thể cô háo hức, tự hào và sẵn sàng gặp nó. Đấy là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà một con người bình thường đột ngột nhận ra mình là trung tâm thế giới và cái nhận thức đó làm cho họ trở nên đẹp đẽ; và thế giới – trong mắt những người nhìn thấy họ – trông tốt đẹp hơn vì có cái trung tâm như vậy. Ellsworth Toohey nhìn thấy điều này và quyết định rằng Catherine phải sống cùng ông.

Năm 1925, cuốn Những lời răn trên đá xuất bản – và đi kèm với nó là sự nổi tiếng.

Ellsworth Toohey trở thành một thứ mốt. Những chủ nhà trí thức tranh nhau mời ông. Một vài người không thích ông và cười nhạo ông. Nhưng nhìn chung, người ta chẳng cảm thấy thỏa mãn nhiều khi cười nhạo Ellsworth Toohey bởi vì ông luôn là người đưa ra những nhận xét báng bổ nhất về bản thân mình. Một lần, ở một bữa tiệc, một thương gia tự mãn và quê mùa lắng nghe Toohey trình bày các quan điểm xã hội một lúc rồi nói một cách cao ngạo “Dào, tôi chẳng biết mấy về những thứ học thức này nọ. Tôi đầu cơ chứng khoán.” Toohey đáp lại “Tôi đầu cơ tâm hồn. Và tôi thường bán tháo.”

Hệ quả quan trọng nhất của cuốn Những lời răn trên đá là việc Toohey ký hợp đồng phụ trách một cột báo hàng ngày cho tờ Ngọn cờ New York của Gail Wynand.

Hợp đồng này làm cho những tín đồ của cả Toohey lẫn tờ Ngọn cờ đều ngạc nhiên và ban đầu thì làm cho tất cả mọi người nổi giận. Toohey đã thường xuyên nhắc đến Wynand và thường chẳng mấy kính trọng; trong khi đó, các tờ báo của tập đoàn Wynand đã gọi Toohey bằng đủ mọi thứ tên mà người ta có thể được phép in lên mặt báo. Nhưng tập đoàn Wynand không có nguyên tắc nào ngoài việc phản ảnh những gì mà nhiều người tin nhất, và điều này khiến nó liên tục thay đổi hướng đi mặc dù, tựu chung lại, người ta vẫn có thể thấy cái đích chung của nó: hướng tới những độc giả ít chính kiến, thiếu trách nhiệm, sáo rỗng và ủy mị. Các tờ báo của tập đoàn Wynand chống lại những người có đặc quyền và ủng hộ quần chúng bình dân, nhưng theo một cách kỳ quặc: chúng vạch trần các tập đoàn độc quyền, chúng ủng hộ đình công và nhiều thứ khác – nhưng chỉ khi chúng muốn thế. Chúng lên án Phố Wall, lên án chủ nghĩa xã hội và hò hét đòi có những bộ phim sạch sẽ – tất cả đều nhiệt tình như nhau. Chúng the thé và om sòm – và về bản chất – hầu như ôn hòa một cách buồn tẻ. Ellsworth Toohey là một người quá cực đoan để có thể phù hợp với tờ Ngọn cờ.

Tuy thế, các nhân viên của tờ Ngọn cờ cũng dễ dãi như chính sách của tờ báo. Nhân viên ở đây gồm tất cả những ai biết cách chiều lòng công chúng hoặc một phần lớn công chúng. Người ta đã nói “Gail Wynand không phải là con lợn. Ông ta ăn tạp.” Ellsworth Toohey thì nổi tiếng, công chúng thì đột nhiên quan tâm đến kiến trúc; mà tờ Ngọn cờ thì chưa có tiếng nói về phần kiến trúc nên tờ Ngọn cờ phải mua Ellsworth Toohey. Đây chỉ là một lô-gíc đơn giản.

Và như thế, mục Một tiếng nói nhỏ ra đời.

Tờ Ngọn cờ giải thích sự xuất hiện của mục này bằng cách tuyên bố: “Vào thứ Hai, tờ Ngọn cờ sẽ giới thiệu với quý vị một người bạn mới – Ellsworth M. Toohey, người mà các bạn đã đọc và yêu thích quyển sách Những lời răn trên đá của ông. Cái tên Toohey đồng nghĩa với ngành kiến trúc vĩ đại. Ông sẽ giúp các bạn hiểu tất cả những gì các bạn muốn biết về sự kỳ diệu của các công trình hiện đại. Hãy theo dõi mục Một tiếng nói nhỏ vào ngày thứ Hai. Chỉ xuất hiện duy nhất trên tờ Ngọn cờ của thành phố New York.” Người ta không đả động chuyện cái tên Toohey còn đồng nghĩa với cái gì.

Ellsworth Toohey không tuyên bố cũng không giải thích với bất cứ ai. Ông không đếm xỉa đến những người bạn khóc lóc với ông rằng ông đã bán rẻ bản thân. Ông cứ thế đi làm. Mỗi tháng một lần, ông dành mục Một tiếng nói nhỏ để bàn về kiến trúc. Thời gian còn lại, ông viết về bất cứ cái gì ông muốn – miễn có tác dụng lôi kéo hàng triệu người.

Toohey là nhân viên duy nhất trong tập đoàn Wynand được phép viết bất cứ thứ gì ông muốn. Ông đã kiên quyết yêu cầu điều này. Tất cả mọi người đều coi đó là một chiến thắng lớn, trừ Ellsworth. Ông nhận ra nó có thể có một trong hai nghĩa: hoặc Wynand đã tự nguyện cúi mình trước uy tín của ông, hoặc Wynand coi thường ông đến mức để mặc ông muốn làm gì thì làm.

Một tiếng nói nhỏ dường như không bao giờ phát biểu điều gì nguy hiểm, cách mạng và hiếm khi bàn chuyện chính trị. Nó chỉ rao giảng những vấn đề đạo lý mà hầu hết mọi người đều đồng tình, như chuyện lòng ích kỷ, tình bằng hữu, sự công bằng. “Tôi muốn tốt bụng hơn là muốn đúng.” “Lòng trắc ẩn đứng cao hơn công lý; lòng tốt đơn giản đứng cao hơn lòng tốt duy lý.” “Đứng về mặt giải phẫu – và có lẽ cả về các mặt khác – thì trái tim là bộ phận quan trọng nhất của chúng ta. Bộ não là một cơ quan lừa dối.” “Trong các vấn đề tâm linh, có một bài kiểm tra nhỏ và chính xác: tất cả những gì xuất phát từ cái tôi đều là xấu xa, tất cả những gì xuất phát từ tình yêu với người khác đều là tốt đẹp.” “Phụng sự là dấu hiệu duy nhất của sự cao quý. Tôi không thấy có gì xúc phạm trong việc lấy phân bón làm biểu tượng cao nhất cho số phận con người: chính phân bón làm ra lúa mì và hoa hồng.” “Nếu một người anh dũng hơn những người khác, anh ta đang lăng mạ những người kia. Chúng ta không nên mong muốn những phẩm chất mà người khác không thể chia sẻ.” “Tôi chưa từng thấy một thiên tài hay anh hùng nào mà, nếu phải cầm một que diêm cháy, lại cảm thấy ít đau hơn những người anh em vô danh khác của họ.” “Thiên tài là một sự phóng đại tầm vóc. Chứng phù thũng cũng như vậy. Cả hai có thể chỉ là một loại bệnh.” “Lột bỏ làn da, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau và tôi sẽ sẵn sàng lột da nhân loại để chứng minh điều đó một lần.”

Trong các văn phòng của tờ Ngọn cờ, Ellsworth Toohey được đối xử một cách tôn trọng và được mặc kệ. Người ta thì thào rằng Gail Wynand không ưa Toohey – bởi vì Wynand luôn luôn lịch sự với ông ta. Alvah Scarret cố uốn mình đến mức độ thân mật nhưng vẫn giữ một khoảng cách thận trọng. Có một thế cân bằng không lời và cảnh giác giữa Toohey và Scarret: họ hiểu lẫn nhau.

Toohey không hề cố gắng tiếp cận Wynand. Toohey dường như thờ ơ với tất cả những người coi tờ Ngọn cờ là quan trọng. Ông tập trung vào những người khác.

Toohey tổ chức một câu lạc bộ cho những nhân viên của Wynand. Đấy không phải là một công đoàn, chỉ là một câu lạc bộ. Họ họp một tháng một lần trong một thư viện của tờ Ngọn cờ. Họ không bàn những chuyện lương bổng, số giờ làm việc hay tình trạng làm việc; họ không có chương trình cụ thể nào cả. Mọi người chỉ làm quen, nói chuyện và nghe các thuyết trình. Ellsworth Toohey là người thuyết trình chính. Ông nói về những chân trời mới và về báo chí như tiếng nói của quần chúng. Gail Wynand xuất hiện một lần tại cuộc họp; ông bước vào đột ngột ngay giữa buổi họp. Toohey mỉm cười và mời ông tham gia câu lạc bộ; Toohey tuyên bố rằng Wynand có đủ tư cách tham gia. Wynand không tham gia. Ông ngồi nghe chừng nửa giờ, rồi ngáp, đứng dậy và bỏ đi trước khi cuộc họp kết thúc.

Alvah Scarret đánh giá cao việc Toohey đã không xen vào công việc của mình, nhất là trong lĩnh vực chính sách của tờ báo. Để đáp lại điều này, Scarret để Toohey được giới thiệu nhân viên mới mỗi khi có một vị trí khuyết người, đặc biệt là nếu như vị trí đó chẳng mấy quan trọng; về cơ bản, Scarret không quan tâm trong khi Toohey rất coi trọng chuyện này, ngay cả khi đấy chỉ là một vị trí đọc bản thảo để soát lỗi chính tả. Những người Toohey giới thiệu luôn được nhận. Hầu hết họ là những người trẻ, ngạo mạn, tài giỏi, có đôi mắt gian giảo và bắt tay rất lỏng lẻo. Họ còn có những đặc điểm tương đồng khác nữa ngoài những thứ hiển hiện nói trên.

Có một vài cuộc họp hàng tháng mà Toohey tham dự thường xuyên: cuộc họp của Hiệp hội những Nhà Xây dựng Hoa Kỳ, cuộc họp của Hội Nhà văn Hoa Kỳ và cuộc họp của Hiệp hội Họa sĩ Hoa Kỳ. Ông là người tổ chức những cuộc họp này.

Lois Cook là chủ tịch Hội Nhà văn Hoa Kỳ. Hội này họp trong phòng khách nhà chị ở khu Bowery. Chị là người nổi tiếng duy nhất của hội. Số còn lại gồm một người đàn bà chưa từng viết chữ in trong các sách của bà ta, một người đàn ông không bao giờ dùng dấu phẩy; một thanh niên đã viết một cuốn tiểu thuyết dày một ngàn trang mà không có một chữ o; một người khác đã viết những vần thơ không hề có vần hay điệu; một người đàn ông để râu quai nón, được tiếng là trí tuệ, và đã chứng minh điều đó bằng cách cứ mười trang viết lại có một trang in tất cả những từ bậy bạ trên bản thảo; một cô gái bắt chước Lois Cook, có điều phong cách của cô ta ít nổi bật hơn; khi người ta yêu cầu giải thích, cô ta nói rằng đấy là cách mà cô ta nhìn thấy cuộc sống qua các lăng kính vô thức của cô ta – “Các vị biết lăng kính sẽ làm gì với ánh sáng, phải không?” – cô ta hỏi. Có một thanh niên trẻ luôn được gọi là thiên tài Ike, mặc dù không ai biết anh ta đã làm gì, ngoài việc anh ta nói rất nhiều về chuyện yêu thích mọi thứ trong cuộc sống.

Hội Nhà văn ký một tuyên bố chung, rằng các nhà văn là người phục vụ của công chúng nghèo khổ – dĩ nhiên, bản tuyên bố không được viết đơn giản như vậy; nó dài dòng và nhiệt huyết hơn nhiều. Bản tuyên bố được gửi cho mọi tờ báo trong cả nước. Nó không bao giờ được in, trừ trên trang 32 của tờ Những mặt trận mới.

Chủ tịch của Hội Họa sĩ Hoa Kỳ là một thanh niên nhợt nhạt chuyên vẽ những gì anh ta nhìn thấy trong những giấc mơ hàng đêm. Một thành viên nam của hội không bao giờ dùng vải vẽ mà làm gì đó với những cái lồng chim và máy hát; một người khác thì phát hiện ra một kỹ thuật vẽ mới: anh ta bôi đen cả trang giấy và sau đó vẽ bằng tẩy. Có một phụ nữ trung tuổi, cao to, luôn vẽ trong trạng thái vô thức – chị ta tuyên bố rằng mình không bao giờ nhìn vào tay trong lúc vẽ và hoàn toàn không biết tay mình đang vẽ gì; tay tôi – chị ta nói – được dẫn dắt bởi linh hồn của người tình trong mộng mà tôi chưa bao giờ gặp. Trong các buổi họp của hội, họ không nói nhiều về quần chúng nghèo khổ mà chỉ lên tiếng kêu gào chống lại sự bạo ngược của thực tại và những thứ khách quan.

Một vài người bạn nói với Ellsworth Toohey rằng ông đã không nhất quán; họ nói ông đã phản đối sâu sắc chủ nghĩa cá nhân, thế mà rồi tất cả những nhà văn và họa sĩ của ông – tất cả bọn họ đều là những kẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Toohey mỉm cười dịu dàng và trả lời: “Anh thực sự nghĩ thế à?”

Không ai coi những hội đồng này là nghiêm túc. Mọi người bàn tán về chúng, bởi vì chúng là đề tài thú vị cho các cuộc chuyện phiếm; mọi người đều nghĩ chúng vô thưởng vô phạt nên chúng chẳng có hại gì. “Các vị nghĩ thế thật sao?” – Toohey nói.

Ellsworth Toohey năm nay 41 tuổi. Ông sống trong một căn hộ sang trọng nhưng quá khiêm tốn so với mức thu nhập mà ông có thể có nếu ông mong muốn. Ông thích dùng từ “bảo thủ” để nói về một khía cạnh của mình: gu ăn mặc bảo thủ. Chưa một ai nhìn thấy ông nổi giận. Phong cách của ông không bao giờ biến đổi; nó như nhau ở một buổi tiếp tân, trong một cuộc họp công đoàn, trên bục giảng, trong nhà tắm hay trong lúc quan hệ tình dục: luôn luôn bình tĩnh, tự chủ, hài hước, và hơi kẻ cả.

Mọi người ngưỡng mộ khiếu hài hước của ông. Họ nói ông là người có khả năng tự giễu bản thân. “Tôi là một người nguy hiểm. Ai đó nên cảnh báo với các vị về tôi” – ông nói với mọi người như thế, bằng giọng điệu của người đang tuyên bố một điều lố bịch nhất trên đời.

Trong rất nhiều danh hiệu mà người ta phong cho ông, ông ưa nhất danh hiệu: Ellsworth Toohey, người theo chủ nghĩa vị nhân sinh.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ