Nhớ Ai Đó Đến Kiệt Quệ - Chương 62

-“Ôi dào, chắc trùng tên thôi, chứ cậu đang xẻ gỗ dưới xưởng mộc cơ mà.”

Phú bà chẹp miệng cảm thán, tên lính tiu nghỉu kêu tiếc quá, giá mà thật thì nhà có người đỗ cao kể cũng vinh hạnh. Phú ông nhấp ngụm nước chè, đoạn xua xua tay phản bác.

-“Cậu hai nhà này thì đúng là vạm vỡ, nhưng dốt lắm, năm ngoái thi Hương còn trượt vẽ đâu ra chuyện đỗ thi Hội. Chỉ có cậu cả giỏi thôi, bu nó nhỉ? Bu nó giỏi đẻ ra cậu cũng giỏi, còn trẻ tuổi như vậy là hoành tráng lắm rồi. Mấy năm nữa thi lại, bu nó không việc gì phải buồn!”

-“Nhỡ…nhỡ vẫn rớt thì sao?”

-“Rớt là do tôi. Này nhé, cậu đỗ là giống bu nó, bu nó tài năng, còn cứ trượt là do tôi, tại cái đầu tôi dốt nên ảnh hưởng tới cậu.”

Ông thì cũng đâu có phải con quan, chỉ gọi là biết chữ, giỏi tính tiền tính lãi làm ăn thôi chứ ba cái vụ bình thơ luận văn ông mù tịt, thế nên ông mê bà mười phần thì phải nể bà bảy tám phần, kể có cái luật cho nữ dự thi không khéo bà đỗ đầu bảng.

Ông lấy vạt áo lau nước mắt cho bà, ra sức dỗ dành, giọng ông còn ngọt hơn cả lũ trai mười tám đôi mươi, sến sến cơ mà bà thích, bà làm bộ đập lưng, lườm nguýt ông, nhưng miệng lại tủm tỉm cười.

Vú Năm thấy ông bà tình nồng ý đượm chắc chẳng có gì sai bảo nên lén ra ngoài chỗ mợ Trâm đang thập thò. Lâu lắm mới gặp mợ, tại đợt vừa rồi dì Chín sinh ba vất vả nên vú xin bà cả đi chăm.

-“Mợ Trâm, dì Chín gửi cho cậu mợ ít thịt chua lá ổi đó, mà giấu giấu đi chớ bà hai nhìn thấy khéo bà nốc hết.”

Mợ rối rít cảm ơn. Dì Chín, nhân vật mợ chỉ nghe kể qua lời vú Năm chứ chưa từng được gặp mặt, nôm na rằng khi xưa dì chính là người đỡ đẻ cho bu Phúc và bu Yến, xong qua đó mấy tháng thì dì đi lấy chồng xa quê luôn, chẳng về nữa, nhưng lần nào có dịp cũng gửi quà cho cậu hai, hỏi thăm cậu hai, phải chăng cậu hồi còn đỏ hỏn đã rất đáng yêu nên dì có ấn tượng mạnh?

-“Tình hình cậu làm mộc ở mãi huyện nào, có khá khẩm hơn không mà sao chẳng thấy về mấy?”

-“Ơ cậu mới về tuần trước nhưng xong lại đi luôn đó vú.”

-“Khổ, thôi cậu mợ cố gắng, còn trẻ còn phấn đấu, sau già ắt hưởng lộc.”

Nói dối vú mợ hơi áy náy, nhưng kệ đi, tại vú thật thà chất phác, sợ không giữ được chuyện. Thấy vú bảo mợ Chi không có nhà nên mợ cầm thịt chua về đưa luôn bu Phúc, tại lòng mợ bồn chồn chẳng nuốt nổi, nếu không phải trùng tên nghĩa là cậu đậu rất cao còn gì, thế thì tốt quá. Nhưng nếu trùng tên thì sao? Nhỡ đâu mừng hụt?

Đêm đến mợ cũng nào có ngủ được mấy, chập chà chập chờn, nghe tiếng gà gáy lại giật mình tỉnh giấc, lại chạy ra đầu ngõ ngóng mợ Chi. Cậu Hưng từ lúc biết kết quả tâm trạng bất ổn định, mợ bận dỗ cậu, mượn ngựa phú ông đưa cậu đi đây đi đó giải khuây, mãi nửa tháng sau mới về. Thấy mợ Trâm đợi mợ mới giật mình sực nhớ ra cái bọc cậu hai gửi, ba chân bốn cẳng lao qua phòng lấy rồi rủ mợ hai ra bụi chuối tâm sự.

Cái người tên Lâm đó chính xác là cậu hai, thi văn lọt danh sách ba mươi người, đứng thứ hai mươi bảy, thi võ thì cao hơn, đậu Phó bảng. Cậu xin thầy nói giùm một tiếng với quan lớn không gửi kết quả về làng, đợi năm sau thi Đình thì báo một thể. Mợ Chi đọc thư xong quay sang thở dài.

-“Đợt này cậu hai bị thầy quở trách nhiều lắm đó!”

-“Ơ lạ chửa? Trách gì chớ? Mà sao mợ biết, cậu đâu có viết trong thư đâu?”

-“Tại lão thầy kỳ vọng vào cậu nhiều mà, giờ lại đậu có Phó bảng. Cậu bị lão nhốt riêng một chỗ rồi, trước còn sáng học chiều trồng rau bổ củi cho trường chứ giờ sáng chiều tối đều phải luyện tập. Lão nghiêm khắc ghê lắm, tội cậu. Nhưng tui thấy đợt này thi võ đề cũng kiểu lấy thịt đè người, thầy tui bảo cái tên vật nhau với cậu hai nặng hơn một tạ, chưa vào trận nó đã sồn sồn lên như một con bò tót, cậu không bị đè chết là may rồi.”

Mợ Trâm nghe kể thôi mà run cầm cập, mợ Chi nắm tay mợ động viên, mợ cũng quay sang hỏi han mợ ấy.

-“Nè, mợ có ghen không? Ghen tỵ ý, tại cậu nhà tui đỗ cao, mà cậu nhà mợ trượt mất tiêu rồi.”

-“Xi, thèm vào. Nói mợ nghe, tại là tại cái người chấm văn đầu óc ngu muội không cảm nhận được tinh hoa trong thơ của cậu Hưng thôi, chớ cậu nhà tui giỏi mà. Trắng trẻo mập mạp, như cục bột nhỏ nhìn thích hết cả mắt, còn cái ngữ đen thui thui như cậu nhà mợ, có cho tui cũng chẳng thèm.”

-“Ừ, nhưng mợ buồn không?”

-“Tui không, mỗi tội dân làng này, họ ác miệng quá mợ ạ.”

Chẳng phải dân làng này đâu, dân làng nào chả thế. Ở đâu cũng có người này người kia, lúc đỗ cao thì họ tâng tận mây xanh, chẳng may rớt một cái, tha hồ mà xuống địa ngục. Dè bỉu, miệt thị, xỉa xói, mợ quen rồi, cậu hai lại càng quen, còn cậu cả mợ cả chắc phải thích nghi dần dần.

Hai mợ thủ thỉ gần hết buổi chiều, lúc ngồi ngoài vườn sợ mợ Chi nghĩ ngợi nên mợ Trâm chẳng dám tỏ thái độ gì chứ về tới buồng một cái mợ đóng kín cửa, phấn khích nhảy múa tưng bừng. Trong cái bọc của cậu có rất nhiều bạc, toàn bộ bạc được thưởng cậu gửi mợ tất, còn mua thêm cho mợ tấm vải đỏ tươi đẹp mê hồn, tấm này may yếm là nhất rồi.

Mợ cười khúc khích, cẩn thận mở thư đặt lên chiếc ghế đẩu, mợ thì ngồi bệt xuống nền gỗ, tay rờ rờ từng chữ một, mơ màng hồi tưởng lại những gì mợ Chi vừa đọc. Cậu dặn mợ đừng đi làm thuê nhiều nữa, phải ăn nhiều vào, mợ béo mợ khoẻ thì cậu mới gửi được cu tí chứ?

Eo, cái cậu này nói đi đâu vậy? Hai tai mợ đỏ rừng rực luôn, cũng phải, cu tí nhà mợ thoát kiếp hèn rồi còn gì? Gớm cu tí có cha đỗ thi Hội hẳn hoi, nhất cu tí nhé!

Cơ mà năm sau mãi tháng chạp mới thi Đình. Cậu xa nhà cũng ngót nghét một năm rồi, mợ lẩm nhẩm tính toán, giờ mợ mười tám tuổi rưỡi, ra giêng mười chín, vậy thì ra giêng năm sau, cái lúc có kết quả ý, mợ hai mươi xừ nó rồi à? Cậu lại mới chỉ có mười tám thôi, trai mười tám trẻ măng măng, gái hai mươi già đau già đớn, ôi chao ôi, chắc từ giờ phải chú ý giữ gìn chứ không xấu quá cậu về cậu lại chẳng nhận ra thì toi.

-“Trâm…mợ Trâm ơi…có trong đó không mợ? Mau…mau…mợ Chi xảy ra chuyện rồi…”

Vú Năm gọi ngắt quãng, mợ Trâm nghe ban đầu còn tưởng đùa, vừa lúc chiều hai đứa còn rôm rôm rả rả luyên thuyên đủ thứ, thế nào mà ngoảnh đi ngoảnh lại chưa đầy một canh giờ mặt mợ ấy đã trắng bệch, váy áo tóc tai ướt nhẹp. Con Chanh, bà cả, phú ông, ngay cả cậu Hưng lay mãi mợ vẫn cứ im lìm không nhúc nhích.

-“Cậu cả nghĩ quẩn nhảy thác tự vẫn, mợ cả lao xuống vớt, lôi được cậu lên thì mợ xỉu mất.”

Vú thì thụt kể lể, mợ Trâm ức chế lườm cậu Hưng, thi rớt thì sau thi lại, người làng nói mặc người ta, họ có tai, họ nói xong họ nghe, thanh niên trai tráng gì mà hèn, thật chỉ muốn xông vào đập cho nhừ tử. Khổ nỗi chuyện nhà trên đâu đến lượt mợ quản, mợ bây giờ cũng đang xem lén ngoài cửa sổ thôi, mợ thấy thầy lang lắc đầu, giọng trầm trầm.

-“Thường ngày mợ cả có luyện võ nên sức khoẻ tốt, chắc sẽ sớm tỉnh…chỉ buồn cho đứa nhỏ…đứa nhỏ…không giữ được rồi.”

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ