– Màu yêu thích nhất?
– Màu trắng.
– Vì nó sạch sẽ?
– Không. Vì đó là màu lông của người bạn tốt nhất của tao.
Tôi thấy cặp mắt Binô đưa qua đưa lại, long lanh như hai giọt nước.
Binô hiểu tôi muốn nói gì. Nó hiểu rằng khi ta yêu ai bao giờ cũng yêu tất cả những gì thuộc về người đó, cả điều hay lẫn điều dở. Cả những điều không hay không dở. Vì vậy mà cặp mắt nó bỗng dưng ươn ướt.
Cặp mắt đó vẫn tiếp tục đong đưa. Và mũi thì khìn khịt. Binô cảm động quá, không làm sao hỏi được câu hỏi tiếp theo.
Mãi một lúc nó mới nói được, nghẹn ngào, và không có vẻ gì là câu hỏi:
– Còn tao, tao thích màu đen.
Dĩ nhiên, đen là màu lông của tôi.
Dĩ nhiên, tới lượt tôi khìn khịt.
62
Trong bản TỰ BẠCH của Binô có những điều nếu nó không nói ra thì tôi cũng biết thừa: “Đặc điểm nhận dạng: Một khối bông mà không phải là một khối bông – Sở thích: nghĩ ngợi – Điều thích nhất: Leo lên cầu thang – Điều sợ nhất: Leo xuống cầu thang – Loại người ghét nhất: Những người như lão Hiếng – Loại người thích nhất: Những người như chị Ni”.
Có một điều tuy biết thừa nhưng khi nghe chính Binô bộc bạch, lòng tôi vẫn nao nao: “Điều hài lòng nhất trong cuộc sống: Kết bạn với Bêtô”. Khi nói ra điều đó, Binô có vẻ ngượng ngùng nhưng ánh mắt nó nhìn tôi thật ấm áp.
Tình bạn là điều gì đó thật kỳ diệu. Đó là thứ tình cảm trong sáng và vô điều kiện, là món quà tặng mà khi đã trao vào tay ai số phận hiếm khi giật lại. Vì vậy mà nó bền chắc và có thể kéo dài thăm thẳm qua thời gian và sự xa cách.
Con người thường nói “Tình bạn là tình yêu không có cánh”. Tôi rất thích cách ví von đó. Bởi tôi và Binô cũng không đứa nào có cánh. Cho nên chắc chắn chúng tôi sẽ mãi mãi là bạn tốt của nhau.
63
Binô ghét nhất là câu: Chó sủa là chó không cắn. Nó bảo điều đó không hoàn toàn đúng với loài chúng tôi.
Thứ nhất, chúng tôi có thể sủa, và ngay sau đó là cắn. Gặp người lạ, những con chó đàng hoàng bao giờ cũng chọn sủa như một thái độ ưu tiên. Trong trường hợp đó, tiếng sủa có ý nghĩa thông báo cho chủ nhà, vừa như một cảnh báo đối với người lạ.
Sủa, đó là biển báo của chúng tôi – tương tự như các biển báo của loài người: KHU VỰC NGUY HIỂM CẨM LẠI GẦN, hoặc là KHÔNG PHẬN SỰ MIỄN VÀO, cũng có thể là cả hai.
Dĩ nhiên có những giống chó được con người huấn luyện để làm mỗi một chuyện là săn lùng và tấn công tội phạm, thường là trong lặng lẽ. Nhưng đó là những con chó đặc biệt, đã thông qua sự nhào nặn của con người.
Chúng là những con chó hữu ích, nhưng tính cách đó không tiêu biểu cho loài chúng tôi.
Từ bao đời nay, trong mọi tính huống, chúng tôi chuộng cách đối đầu công khai và trực diện. Như một bản năng đạo đức.
64
Nếu loài người có nhiều tộc người khác nhau. Chúng tôi cũng có nhiều giống chó khác nhau.
Chó săn như Beagie, Foxhound, Greyhound.
Chó thể thao như Pointer, Retriever, Coker Spaniel, Irish Setter.
Chó lao động như Shepherd, Newfoundland, Terrier, St.Bernard, Husky Siberia….
Giống chó thứ ba thường giúp việc cho người mù, làm công tác cứu hộ hoặc kéo xe. Tôi vẫn mơ ước được kéo xe trượt tuyết trong tư cách một con chó lao động mặc dù tôi không thuộc giống Husky Siberia.
Nhưng dù là giống chó nào đi nữa, trước loài người chúng tôi vẫn có một ngôn ngữ chung. Đó là SỦA.
Con người cần học cách hiểu chúng tôi, vì SỦA bản thân nó là một ngôn ngữ. Với những ý nghĩa và sắc thái tình cảm đa dạng và hoàn toàn khác nhau.
Bằng tiếng sủa, chúng tôi báo động, chúng tôi giận dữ, chúng tôi mừng rỡ, chúng tôi cảm ơn. Và đôi khi, chúng tôi khóc than.
Tất nhiên, SỦA cũng là một thái độ xã hội. Một con chó sống một mình ngoài hoang đảo không cần phải sủa. Nó chỉ cần tru lên vào những đêm trăng.
Buồn thay, với những đầu óc giản đơn, SỦA chỉ là SỦA, Binô ghét câu: “Chó sủa là chó không cắn” là vì vậy. Nó bảo: Bọn họ chẳng biết cái quái gì về tụi mình hết!
“Đã vậy – Binô làu bàu – bọn họ còn dùng nhận xét trên để ám chỉ hạng người chỉ nói không làm”.
Ờ, với loài người, điều đó có thể đúng. Nhưng với chúng tôi thì sai be bét.
65
Căn cứ vào bản tự bạch của Binô thì câu thành ngữ nó thích nhất là câu: “Chó ngáp phải ruồi”. Và điều đó làm tôi bất ngờ hết sức.
Tôi nói:
– Câu đó chả có gì hay ho. Nó chỉ muốn nói đến sự may mắn.
– Nó muốn nói đến chuyện gì không quan trọng. Tao thích nó theo nghĩa đen.
– Là sao? – Tôi không hiểu.
Binô chớp mắt:
– Tao từng ngáp phải một con ruồi.
Tôi chưa từng biết có ai ngáp phải một con ruồi. Tôi cũng không bao giờ nghĩ điều đó có thể xảy ra trong thực tế. Ai cũng biết “chó ngáp phải ruồi” chỉ là một cách nói ẩn dụ.
Nhưng Binô đã ngáp phải một con ruồi.
Tôi ngẩn ngơ một lúc rồi nói:
– Mày thật là may mắn.
– Tao chỉ thấy buồn cười.
– May mắn nữa. – Tôi cãi – Câu thành ngữ này nói đến sự may mắn chứ không phải nói đến sự buồn cười.
– Không đâu, Bêtô. Một con ruồi không phải là một cái đùi gà. Một con chó ngáp phải một con ruồi chỉ thấy buồn cười thôi. Hơn nữa. “Chó ngáp phải ruồi” thực ra không phải nói về sự may mắn mà nhằm chế giễu sự may mắn.
Binô đột nhiên nghiêm trang:
– Gặp được mày, đó mới là sự may mắn của tao. Chứ không phải chuyện tao ngáp được thứ gì.
66
Tôi chẳng hiểu Binô thích tôi ở điểm nào.
Binô là một đứa bạn thú vị. Trong khi ngược lại, tôi là một đứa nhạt nhẽo. Có lẽ nó thích tôi chỉ vì tôi thích nó.
Con người chắc cũng vậy: đôi khi bạn yêu mến một ai đó đơn giản chỉ vì người đó thật lòng yêu mến bạn. Tâm hồn chúng ta được sinh ra là để chờ đáp lại niềm yêu mến đến từ một tâm hồn khác. Nó giống như chiếc ống sáo, sẵn sàng reo lên khi ngọn gió mùa hè thổi qua.
Tôi không những nhạt nhẽo, còn ưa tranh cãi.
Khi nghe Binô bảo nghề nghiệp yêu thích của nó là làm xiếc – là diễn viên xiếc, tôi không khỏi nằm vật ra sàn nhà, lăn qua lăn lại vì quá buồn cười.
– Làm xiếc không chỉ là kéo xe mà còn phải biết đi hai chân, phải biết ngồi trên đuôi mình…- Cuối cùng tôi nói, sau khi đã ngồi dậy.
– Tao làm được.
Binô đáp và nó vụt đứng lên trên hai chân sau. Tôi nhìn sững Binô, thán phục khi thấy nó đột nhiên cao lêu nghêu như một cái tháp chuông.
Nhưng nó chỉ đứng được như thế một chốc thôi, rồi lảo đảo vài bước và vội vã đặt hai chân trước xuống.
– Tao sẽ tập. Rồi tao sẽ làm được như những con chó trong rạp xiếc.
Binô nhìn tôi bằng ánh mắt mà chỉ vừa chạm vào tôi đã tin ngay.
67
Nhưng đi ai chân không phải là tiết mục khó nhất của một diễn viên xiếc.
Tôi đi lòng vòng quanh Binô, tất cả là ba vòng, rồi mới ngần ngừ cất tiếng:
– Mày còn phải biết nhảy qua vòng lửa.
– Tao làm được.
– Mày làm được thật à?
– Nhảy qua vòng lửa là điều tuyệt vời nhất mà một con cún có thể làm được. Vì vậy mà tao sẽ làm.
Tôi nói, và không hiểu sao tôi lại nói như thế về ước mơ của bạn mình, thậm chí nếu không phải là một con cún thì chắc tôi đã bĩu môi:
– Tao nghĩ một đứa không dám leo xuống cầu thang sẽ không bao giờ dám nhảy qua vòng lửa.
– Bêtô!
Binô kêu lên, giọng nó lớn đến mức có cảm tưởng tôi vừa phạm phải một sai lầm ghê gớm.
68
Có lẽ bạn cũng từng phạm những sai lầm tương tự, nhất là khi bạn còn quá trẻ.
Quá trẻ thì không hiểu được rằng ước mơ đôi khi không phải là điều nhất định phải thực hiện cho bằng được, hơn nữa có thể là điều người ta không có khả năng thực hiện trong suốt cuộc đời mình.
Gặp một chú lùn ước mơ lớn lên sẽ chơi bóng rổ hay một chú bé bị dị tật ở chân nuôi mộng sau này trở thành ngôi sao bóng đá thì đó không phải là điều mà bạn nên chế nhạo.
Một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra ý nghĩa của ước mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc của riêng bạn, trong một thế giới mà bạn có thể hoá thân một cách hồn nhiên nhất vào đấng toàn năng.
Như vậy, ước mơ không chỉ là chiếc bàn là tinh thần giúp bạn ủi thẳng những nếp nhăn của số phận mà còn là cách để bạn bắt gặp hình ảnh của Thượng đế trong bản thân mình.
69
Ba chị Ni viết “Ở đây áo ấm, trời lên Tết” nhưng tôi không thấy ông mặc áo ấm bao giờ, kể cả khi ông đi ra phố.
Nhưng tôi và thằng Binô thì được chị Ni khoác cho mỗi đứa một chiếc áo may bằng thứ vải rất dày. Đó là mảnh vải hình chữ nhật có khoét bốn lỗ để xỏ chân vào, và gài nút phía dưới bụng.
Tôi mặc chiếc áo sọc xanh, Binô mặc chiếc áo sọc vàng và hai đứa cứ đứng đực mặt ra ngắm nghía nhau như thể chúng tôi chưa quen bao giờ.
Cảm giác lạ lẫm đó thật thú vị.
Mẹ chị Ni có lẽ cũng thích cảm giác đó khi bà kêu ba chị Ni giúp bà kê chiếc tủ qua bên phải, dịch chiếc bàn qua bên trái, còn chiếc đi-văng thì đẩy vào sát góc nhà. Tủ ly tách năm ngoái nằm ở bậc cửa dẫn xuống nhà bếp, năm nay đã nhích dần lên gần phòng khách. Chiếc đồng hồ treo trên tường cũng không còn ở vị trí cũ: trước đây nó quay mặt về hướng Nam, bây giờ quay mặt về hướng Đông, mặc dù tôi không nghĩ sự thay đổi đó sẽ giúp nó chỉ giờ chính xác hơn.
Đồ đạc trong nhà không có thêm món gì khác, nhưng khi mọi thứ đã xê dịch, tôi và Binô có cảm tưởng vừa dọn về nhà mới. Chúng tôi dọ dẫm khắp các ngóc ngách, chui vào gầm tủ, gầm đi-văng, đánh hơi mọi thứ với vẻ nghi ngờ.
Cảm giác kỳ lạ đó lấp đầy chúng tôi suốt nhiều tuần lễ liền cho đến khi chúng tôi làm quen được với vị trí của các đồ vật.
Những gì tôi kể ra thật là nhỏ nhặt. Nhưng phải chăng quy luật của cuộc sống cũng không có gì to tát: khi bạn thay đổi một góc nhìn, bạn sẽ thấy thế giới mà bạn đang sống hiện ra dưới một thứ ánh sáng khác, và biết đâu nhờ vậy mà quan niệm của bạn về thế giới cũng khác đi!
70
Nhưng tôi chỉ được mặc áo vào ban đêm.
Những ngày đầu xuân, thời tiết trở nên khác thường. Hôm nào cũng vậy, cả nhà vừa dùng xong bữa tối, tiết trời bắt đầu se lạnh và bọn mèo hoang bắt đầu ho sù sụ trên các mái nhà.
Có nhiều đêm tôi và Binô chui vào sau kẹp tủ, cố tránh xa các cửa sổ, vừa ngủ vừa ép sát người vào nhau nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp mình run lên qua hòa âm của những tiếng rên.
Từ khi khoác thêm lớp áo dày, chúng tôi có cảm giác ái đó vừa quạt than dưới da mình. Tôi lại có dịp mơ những giấc mơ về thảo nguyên, trên cánh đồng quen thuộc đó tôi và Binô lại được nô đùa thoả thích, lại lăn lộn trên cỏ nhiều giờ liền nhưng lần này chiếc áo đã giữ cho mớ lông trắng của Binôt bớt vấy bẩn và xơ xác hơn. Trong rất nhiều ngày, giấc ngủ của tôi đã được những giấc mơ đó sưởi ấm đến tận sáng bảnh.
Khi nắng lên, chị Ni ôm từng đứa vào lòng, một tay giữ chặt không cho chúng tôi cựa quậy, tay kia lần cởi từng cúc áo.
Tôi nhìn Binô, tiếp tục thấy lạ lẫm, lần này vì chẳng thấy chiếc áo sọc vàng trên người nó đâu. Cứ như thể nó vừa bước ra khỏi giấc mơ đêm qua của tôi và trong khi vội vàng hắn đã đánh rơi chiếc áo ở chỗ nào đó ngay rìa cơn mơ. Chắc thế!
71.
Rất giống những đứa trẻ, ba chị Ni cũng có một con heo đất của riêng mình.
Ông đặt chú heo có cái bụng tròn quay lên tủ sách kế bàn làm việc. Thỉnh thoảng được vào chơi tha thẩn trong phòng, tôi nhiều lần thấy ông lặng lẽ gấp những tờ giấy bạc và cẩn thận nhét vào đường rãnh nhỏ trên lưng chú heo đất.
Tôi từng nghe người ta bảo trong cuộc sống tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cho phép mình nhìn tiền bạc với thái độ rẻ rúng.
Có những người tỏ vẻ coi khinh tiền bạc, như là coi khinh những gì thuộc về vật chất. Họ làm ra vẻ đồng tiền là thứ gì bẩn thỉu, bởi vì thực sự đó là những đồng tiền họ kiếm được bằng những cách bẩn thỉu.
Nếu bạn phải làm việc cật lực mới kiếm được tiền, ắt bạn sẽ có một thái độ đúng đắn với những đồng tiền bạn kiếm được.
Những người lao động chân chính và lương thiện bao giờ cũng quý trọng tiền bạc, giống như những người làm vườn cần mẫn luôn yêu quý hoa trái được sinh ra dưới bàn tay chai sạn của mình.
Bọn tôi không xài tiền nhưng bọn tôi biết giá trị của đồng tiền, biết rằng đồng tiền tử tế chính là thành quả và là thước đo của lao động.
Trên đại thể, những đồng tiền đó bao giờ cũng có mùi mồ hôi.
72.
Ba chị Ni bỏ tiền vào chú heo đất với vẻ nghiêm trang như thế nào thì khi lấy ra ông cũng khoác một vẻ mặt nghiêm trang như vậy.
Ông không đập chú heo xuống sàn nhà như bọn trẻ vẫn làm để sung sướng nghe thứ âm thanh loảng xoảng vang lên, sung sướng nhìn ngắm vô số tờ giấy bạc đã được xếp gọn gàng, vuông vức bất thần nhảy ra và nằm chen chúc giữa những mảnh sành vỡ như một phép màu.
Ông dùng một con dao nhọn, loay hoay khoét một lỗ thủng dưới bụng chú heo đất rồi cặm cụi moi ra những tờ giấy bạc. Ông lôi từng tờ một, đều đặn và từ tốn, cứ như thế cho đến tờ cuối cùng.
Xong, ông cắt một mảnh nhựa cứng, lấp vào chỗ thủng và dùng băng keo dán lại.
Trông ông làm điều đó với vẻ thận trọng như y tá băng bó vết thương cho một người bệnh, tôi chợt hiểu tại sao ông không đập vỡ chú heo đất như cái cách người ta vẫn làm.
Có lẽ trong tâm tưởng của ông, chú là một sinh linh. Chú sinh ra từ đất ắt chú vẫn sống đời sống của đất.
Ông chọn cách có thể lấy được tiền mà không phải vĩnh biệt một sinh linh.
Cái đó người ta gọi là lòng chẳng nỡ.
73.
Ba chị Ni có những đứa cháu. Họ gọi ông bằng chú và sống ở một nơi rất xa. Ông nói với mẹ chị Ni bằng giọng phấn khởi “Tết này tụi nó sẽ đến thăm gia đình ta”.
Những đứa cháu họ nghèo, tôi đoán thế khi thấy ông lúi húi nhét tiền vào từng bao lì xì rồi đem cất trong ngăn tủ. Hẳn đó là số tiền ông đã lôi ra từ bụng chú heo đất.
Rồi họ đến – những đứa cháu. Tất cả là sáu người. Họ đều ăn mặc đẹp và rẻ tiền.
Họ là những người nhà quê, tôi nhận ra điều đó từ thứ mùi xa xăm tỏa ra từ cơ thể họ, trong đó trộn lẫn mùi đất ải, mùi lá mục, mùi phân bò khô và mùi củi tươi được đốt cháy, cả mùi tóc khét nắng và mùi nước mưa.
Như những người nhà quê chân chính, họ không biết cách khép kín bản thân. Họ nói rất to, bằng thứ giọng cực kỳ khó nghe, và dù cẩn thận đến mấy thỉnh thoảng họ lại bôi bẩn sàn nhà.
74.
Bọn họ có cách thể hiện tình cảm khá lạ lùng. Họ ôm lấy ba chị Ni, mẹ chị Ni và chị Ni, ôm như thế và khóc ồ ồ. Có cảm giác họ vừa nhặt được món gì đó thân thiết mà họ trót đánh mất.
Khi buông tay ra, họ bắt đầu cười, vừa cười vừa lấy ống tay áo chùi nước mắt.
Nhìn họ cười cười khóc khóc, tôi không biết lúc nào thì họ vui, lúc nào thì họ buồn.
Nhà hiền triết Binô cọ mõm lên má tôi, thì thầm:
– Họ vui đấy.
– Họ khóc cơ mà?
Binô nhìn tôi bằng ánh mắt như thể tôi là một con chó bằng đá:
– Khóc, đôi khi là một kiểu cười. Và ngược lại.
75.
Những người cháu chỉ ở chơi nhà tôi có một ngày, sau đó họ còn đi thăm nhiều người khác và nhiều nơi khác.
Nhưng đó là một ngày thật đặc biệt: không ai chịu để cho cái miệng và tay chân ở yên. Đi lên đi xuống, nấu nướng và ăn uống. Rồi nói, cười, khóc, xì mũi, rồi ôm lấy nhau đập đập, vỗ vỗ, rồi lại nói, cười, khóc và xì mũi.
Buổi tối, khi những người cháu đứng dậy cáo từ, ba chị Ni giúi vào tay mỗi người một bao lì xì ông nhét sẵn trong túi áo.
– Chú ơi, chú cho tụi cháu nhiều quá!
Đứa cháu nhỏ nhất mở bao, nhìn vào và la lớn.
Ba chị Ni kín đáo liếc mẹ chị Ni qua khóe mắt, giọng khỏa lấp:
– Chỉ là quà đầu năm cho các cháu thôi. Có đáng bao nhiêu đâu.
– Năm trăm ngàn trong này, chú ơi. Vậy là nhiều lắm.
Tôi thấy ba chị Ni thoắt lộ vẻ ngẩn ngơ, trông mặt ông như thể trái đất đột ngột ngừng quay mất một giây. Lần này ông xoay hẳn người về phía mẹ chị Ni nhưng bà đã không còn ở đó.
Có thể ông không mô tả được chính xác cảm xúc của mình trong lúc đó nhưng chắc ông đã kịp đoán ra ai là người đã bí mật nhét thêm những tờ giấy bạc vào các phong bì của ông.
Bạn cũng thế thôi, có những chuyện bạn đinh ninh chỉ có một mình bạn biết nhưng sự thực thì bạn không phải là người duy nhất nắm giữ chìa khóa bí mật của cuộc sống.
76.
Những ngày lễ Tết đã chấm dứt nhưng mùa hè còn lâu lắm mới bắt đầu. Trời không chịu ấm lên và nửa khuya gió vẫn miệt mài luồn qua các khe cửa. Những ngày này nhiệt độ xuống thấp một cách bất thường và chúng tôi không còn những giấc ngủ bình yên như tuần lễ trước đó.
Trong nhiều đêm liền, rúc trong áo ấm và rúc vào nhau, tôi và Binô vẫn cảm nhận được những ngón tay lạnh lẽo của sương giá trườn vào nhà và không ngừng mơn man da thịt hai đứa từ nửa đêm cho đến lúc mặt trời nhô lên khỏi đầu tường của căn hộ đối diện.
Bây giờ, sáng nào tôi và Binô cũng bò dậy ngắm nhau, thích thú và sợ hãi khi thấy bạn mình tự nhiên thở ra những làn khói trắng.
Trong thời gian đó, chị Ni bắt hai đứa tôi khoác áo cả ban ngày.
Ban đêm, tôi và Binô được ngủ trên tấm thảm dày, bên trên còn đắp thêm một tấm chăn dạ.
Trông chúng tôi như được ủ trong một đống tro xám xịt.
77.
Một hôm, cả nhà nghe tiếng ho khúc khắc của Binô vẳng ra từ dưới lớp chăn.
Đêm hôm trước tôi đã nghe nó thở khò khè khó nhọc như thể đang có một cái ống bơm bị nghẹt trong cổ.
Binô lập tức được bế ra giữa nhà. Ba chị Ni, mẹ chị Ni và chị Ni quỳ lom khom thành một vòng tròn quanh Binô, cẩn thận dùng mắt mân mê khắp người nó, chốc chốc áp sát tai vào mớ lông trắng, nghe ngóng.
Binô ngước nhìn mọi người bằng ánh mắt như muốn nói không có gì nghiêm trọng nhưng rồi nó hấp tấp cúi đầu xuống, lưng cong lên và trong tư thế kỳ cục đó nó thở dốc từng cơn.
Mặc dù đứng tuốt đằng xa tôi vẫn nghe thấy chuỗi âm thanh ro ro chạy đi chạy lại trong cổ Binô, tưởng như nó đang đánh nhau với một con quái vật vô hình nấp trong người và ý nghĩ đó khiến tôi cụp đuôi xuống một lúc.
Chị Ni vuốt ve Binô:
– Binô nhà ta bị cảm lạnh rồi, ba ơi.
Mẹ chị Ni lo lắng:
– Không khéo nó bị viêm phổi.
78.
Ông bác sĩ thú y xuất hiện vào buổi trưa. Ông không khoác áo choàng như những ông bác sĩ tôi từng nhìn thấy.
Ông đeo túi xách trên vai, tay ôm kè kè một chiếc hộp đựng dụng cụ và thuốc men, trông ông như những người chào hàng thường gõ cửa nhà tôi.
Tôi nấp trong kẹt cửa tò mò ngò ra, thấy chị Ni ẵm Binô trên tay, còn ông bác sĩ đeo ống nghe vô tai và bắt đầu khám bệnh bằng cách áp đầu kia của ống nghe vô người nó.
Ông bác sĩ loay hoay mất một hồi vì thằng Binô không chịu nằm yên. Đến khi ông chích mũi kim tiêm vô mông nó thì Binô quay phắt lại, rít lên và nhe nanh ra khiến chị Ni phải ôm ghịt đầu nó vào lòng, tay kia không ngừng ve vuốt bộ lông mềm mại của nó:
– Ngoan nào, Binô!
Binô dừng ngay phản ứng, từ từ quay đầu lại và ngoan ngoãn mọp người xuống.
Tôi không rõ nó nghe lời chị Ni hay vì nó chợt nhận ra rằng thà chịu nỗi đau nhỏ để khỏi phải nhận lãnh một nỗi đau lớn hơn mới đúng là cách ứng xử thông minh.
79.
Ông bác sĩ còn trở lại nhiều lần nữa.
Những lần sau, Binô không nhúc nhích gì khi mũi kim tiêm lầm lũi đi qua da nó. Binô nằm im trong tay chị Ni, nếu nó không rên lên khe khẽ có thể nghĩ nó là một con cún nhồi bông.
– Chú cún này nhát quá. Tôi cứ tưởng tôi đang chữa bệnh cho một con thỏ.
Ông bác sĩ rút mũi kim tiêm ra khỏi mông Binô, khôi hài nhận xét.
– Không phải thế! Ông ta chả biết gì! – Từ bên kia cánh cửa ngăn, Binô hậm hực nói với tôi khi ông bác sĩ đã ra về.
Nó nói như thể nó mới là bác sĩ, còn ông bác sĩ kia chỉ là một kẻ giả vờ.
80.
Cánh cửa ngăn ghép từ những thanh gỗ mỏng được dựng lên cũng từ ý kiến của ông bác sĩ.
Ông bảo, ngay từ hôm đầu tiên:
– Phải tách hai chú cún này ra. Nếu không, đứa này sẽ lây bệnh cho đứa kia.
Chiều hôm đó, ba chị Ni lôi ra từ không nhà kho những thanh gỗ xỉn màu và đầy bụi bặm, hì hục đóng đóng gõ gõ trước ánh mắt hiếu kỳ của hai đứa tôi.
Nửa tiếng đồng hồ sau, một cái gì đó giống như một thứ cửa rào mọc lên ngăn đôi hành lang thông nhà trước và nhà sau.
Dĩ nhiên Binô một bên và tôi ở một bên.
Tôi lại gần, ngửi ngửi cánh cửa một lát rồi ịn mõm vào khe hở nhỏ xíu giữa hai thanh gỗ, buồn bã nói:
– Thế là hai đứa mình không được chơi chung.