Cho tới mùa đông năm ngoái, cuộc đời tôi là cuộc đời yên lặng và cần cù học tập mà tôi đã cố vẽ lên cho cậu một hình ảnh đơn sơ. Trong những ngày đầu tháng Chạp năm 1829, tôi gặp Rastignac. Mặc dù tôi ăn mặc tiều tụy, hắn khoác tay tôi và hỏi han về cảnh ngộ của tôi với sự ân cần thật sự thân ái. Ăn phải bả cái phong cách của hắn, tôi kể vắn tắt cho hắn nghe cả về cuộc sống cũng như những ước vọng của tôi. Hắn liền cười cho tôi vừa là bậc thiên tài mà vừa là thằng ngốc. Giọng nói xứ Gascogne của hắn, kinh nghiệm xã hội thượng lưu của hắn, đã tác động đến tôi không tài nào cưỡng nổi. Hắn dọa tôi sẽ chết ở nhà thương, không ai biết tới một thằng đụt, hắn sẽ đưa đám ma tôi, ném tôi vào cái hố những kẻ nghèo. Hắn bàn đến chuyện làm trò quỷ thuật. Với cái cao hứng dễ thương làm cho hắn rất quyến rũ, hắn vạch cho tôi thấy rằng tất cả những bậc thiên tài đều là những tay làm quỷ thuật. Hắn tuyên bố rằng tôi sẽ thiếu một giác quan, do đó bị một mối nguy chí tử, nếu tôi sống cô độc ở phố Cordiers.
Theo hắn, tôi phải bước vào xã hội thượng lưu, vì mình mà khôn khéo, làm cho thiên hạ quen nói đến tên mình và tự mình lột bỏ khỏi mình cái me-xừ[1] bần tiện đi nói không xứng với một bậc vĩ nhân khi còn sống. – Bọn ngu xuẩn, – hắn la lên, – gọi cái nghề đó là mưu mô, những nhà đạo đức bài xích nó với cái tiếng sống phóng đãng, chúng ta đừng có câu nệ vì người đời, hãy hỏi xem kết quả. Cậu, cậu làm việc ấy: ấy thế là cậu chẳng bao giờ làm được trò gì. Tớ, cái gì tớ cũng mần được, mà chẳng thạo việc gì, lười như hủi[2]; ấy thế mà tớ sẽ đạt hết. Chỗ nào tớ cũng thò mặt tới, tớ xông lên, người ta né ra cho tớ một chỗ; tớ nói khoác lác, người ta tin tớ. Sự phóng đãng, bạn thân ạ, là một phương pháp chính trị. Cuộc đời của một người chuyên việc tiêu xài tài sản của mình thường trở thành một cuộc đầu cơ; họ đầu tư vốn liếng của họ bằng bạn bè, lạc thú, quan thầy, bà con quen thuộc. Một tay buôn nếu có liều đặt một triệu đồng thì trong hai mươi năm trời hắn không ngủ, không ăn uống, không chơi bời, hắn ấp ủ triệu bạc của hắn, hắn thả nó chạy khắp Âu châu, hắn buồn phiền, đâm đầu vào tất cả những trò quái quỷ mà con người đã phát minh ra; rồi một cuộc thanh toán thường để hắn không một xu dính túi, không tên tuổi, không bạn bè. Kẻ phóng đãng, hắn thì vui thú mà sống, mà phóng ngựa của hắn. Ví như, ngẫu nhiên hắn mất hết vốn kính thì hắn còn có cơ được bổ nhiệm làm tổng giám thu, được lấy vợ sộp, được làm tùy viên cho một thượng thư, cho một đại lò xo của xã hội, hắn vận dụng có lợi cho hắn. Phương pháp đó có logic không, hay tớ chỉ là một thằng điên? Phải chăng đó là đạo lý của tấn hài kịch vẫn diễn ra hàng ngày trong xã hội? Tác phẩm của cậu đã hoàn thành, – hắn nói tiếp say khi nghĩ một lúc – cậu có tài năng lớn đấy! Thế là cậu tới điểm xuất phát rồi. Bây giờ thì cậu phải tự làm nên sự thành công của cậu, như thế chắc chắn hơn. Cậu hãy đi liên kết với những đảng phái, chinh phục những kẻ tán dương. Tớ, tớ, muốn tham gia một nửa vào việc xây dựng vinh quang cho cậu; tớ sẽ là người thợ kim hoàn nạm kim cương vào chiếc miện của cậu. Để khởi đầu – hắn nói – tối mai cậu hãy tới đây. Tớ sẽ giới thiệu cậu ở một nhà mà tất cả Paris, cái Paris của chúng ta, Paris của những chàng kẻng, những tay bạc triệu, những danh nhân, nghĩa là những người nhả ngọc phun châu như Chrysostome[3]. Khi họ đã tiếp nhận một quyển sách thì quyển sách đó trở thành thời thượng, nếu nó hay thực sự thì tức là họ đã cấp cho cái chứng nhận thiên tai nào đó mà họ không biết. Nếu cậu thông minh, cậu cả ơi, cậu sẽ tự mình biến thành của cải chứng nhận thiên tai nào đó mà họ không biết. Nếu cậu thông minh, cậu cả ơi, cậu sẽ tự mình biến thành của cải tập luận văn của cậu vì cậu hiểu rõ hơn cái lý luận về của cải. Tối mai cậu sẽ gặp nữ bá tước Foedora mỹ lệ, người đàn bà thời thượng – mình chẳng nghe nói đến bao giờ, – Cậu là một thằng Mọi[4] – Rastignac vừa nói vừa cười. – Không biết Foedora! Một gái kén chồng, tay có ngót tám vạn quan thực lợi,chẳng ưng một ai hay chẳng được ai ưng. Một loại vấn đề phụ nữ, một phụ nữ Paris nửa Nga, một phụ nữ nửa Nga nửa Paris? Một người đàn bà mà trong nhà được xuất bản hết thảy những tác phẩm lãng mạn không ra mắt công chúng, người đàn bà đẹp nhất Paris, duyên dáng nhất? Cậu cũng chẳng đáng là một thằng Mọi, cậu là con vật trung gian nối người Mọi với súc vật. Thôi tạm biệt, đến mai. Hắn xoay người một vòng và biến mất không chờ tôi trả lời, không thừa nhận rằng một người đàn ông biết điều mà lại có thể không muốn được giới thiệu với Foedora.
Biết giải thích thế nào sự mê hoặc của một cái tê? Cái tên FOEDORA, theo đuổi tôi như một ác ý mà người ta tìm cách thỏa hiệp với nó. Một tiếng nói bảo tôi: cậu sẽ đến nhà Foedora. Tôi uổng công biện luận với tiếng nói đó và thét bảo nó nói láo, nó đè bẹp mọi lý luận của tôi với cái tên: Foedora. Mà cái tên đó, người đàn bà đó phải chăng là biểu hiện của mọi thèm muốn của tôi và là chủ đề của cuộc đời tôi? Cái tên thức dậy những vẻ thơ giả tạo của xã hội thượng lưu, làm lấp lánh những hội hè của lớp trẻ Paris, và những hào nhoáng của phù hoa; người đàn bà hiện ra trước tôi với tất cả mọi vấn đề dục vọng mà tôi say mê. Có lẽ chẳng phải người đàn bà cũng như cái tên, mà là tất cả mọi thói hư của tôi đã ngóc dậy trong tâm hồn tôi để lại cám dỗ tôi. Nữ bá tước Foedora, giàu có, và không tình nhân, cưỡng lại mọi quyến rũ của Paris, phải chăng đó là hiện thân những ước vọng, những ảo ảnh của tôi? Tôi đã sáng tạo cho tôi một người đàn bà, tôi vẽ nàng lên trong óc, tôi ước mơ nàng.Ban đêm tôi không ngủ, tôi trở thành tình nhân của nàng, tôi thâu tóm cả một cuộc đời, cuộc đời tình ái, vào có mấy tiếng đồng hồ; tôi thưởng thức những khoái lạc phong phú, nồng cháy của nó. Ngày hôm sau, không thể chịu được cái cực hình chờ đợi lâu cho tới chiều tối, tôi đi thuê một cuốn tiểu thuyết và đọc cả ngày để khỏi phải nghĩ ngợi và đếm thời giờ. Trong lúc đọc sách, cái tên Foedora vang lên trong con người tôi như một thanh âm vọng từ xa tới, nó không khuấy rối anh nhưng nó bắt phải nghe. May mắn, tôi còn có một chiếc áo lễ đen và một chiếc gi-lê trắng khá tươm; thêm nữa, tất cả tài sản của tôi còn lại chừng ba mươi quan mà tôi đã để rải rác trong đống quần áo, trong những ngăn kéo cốt để ngăn chặn những trò ngông của tôi mỗi khi phải mất công tìm kiếm một đồng trăm xu và trông đợi ở sự may rủi của một cuộc chu du quanh buồng. Lúc tôi mặc quần áo, tôi dõi tìm của cải tôi qua một đống giấy tờ bát ngát. Cậu có thể quan niệm được rằng khi cái ngân khoản mà hiếm hoi thì những khoản mua găng, đi xe ngốn hết bao nhiêu của cải; chúng ngón cả số tiền mua bánh ăn một tháng.
Chao ôi! Chúng ta không bao giờ thiếu tiền cho những thị hiếu vớ vẩn của chúng ta, chúng ta chỉ tính toán giá cả của những vật dụng hữu ích và cần thiết. Chúng ta không quản ném tiền cho gái nhảy, nhưng chúng ta cò kè mặc cả với một người thợ mà gia đình đói ăn đang chờ thanh toán một đơn trả tiền. Biết bao kẻ có bộ áo lễ một trăm quan, chiếc can đầu nạm kim cương, thế mà chi tiền ăn mỗi bữa hai mươi lăm xu! Dường như chẳng bao giờ chúng ta mua quá đắt những lạc thú phù hoa. Rastignac, y hẹn tới chỗ gặp nhau, mỉm cười và giễu cợt thấy tôi thay hình đổi dạng; nhưng, khi đi tới nhà nữ bá tước, hắn có lòng thảo dặn bảo tôi cách cư xử với nàng. Hắn mô tả nàng keo kiệt, phù phiếm và đa nghi nhưng keo kiệt mà lại phô trương, phù phiếm mà giản dị, đa nghi mà hiền lành. – Cậu biết rõ chuyện đính ước của tôi, – hắn nói với tôi, – và cậu hiểu tôi mà thay đổi tình yêu thì rất tai hại cho tôi. Khi quan sát Foedora, tôi vô tư thản nhiên, những nhận xét của tôi tất nhiên công bằng. Khi nghĩ tới việc giới thiệu cậu tới nhà nàng là tôi nghĩ đến hạnh phúc của cậu; cho nên cậu phải gìn giữ mọi điều cậu sẽ nói với nàng: nàng có một trí nhớ tai ác, nàng khôn khéo hơn cả một nhà ngoại giao, nàng biết đoán trúng lúc nào anh ta nói thật; nói riêng với cậu thôi, tôi xem hình như việc hôn nhân của nàng không được Hoàng đế chuẩn nhận, vì viên đại sứ Nga ngả ra cười khi tôi nói về nàng với hắn. Hắn không tiếp nàng và chào nàng rất hững hờ khi hắn gặp nàng ở khu rừng[5]. Tuy nhiên nàng cùng cánh với bà de Sérisy, đi lại với các bà de Nucingen và de Restaud. Ở nước Pháp thì danh tiếng nàng nguyên vẹn; bà công tước de Carigliano, cái bà thống chế lên mặt đạo mạo nhất của phái Bonaparte thường cùng với nàng qua mùa nắng ráo ở ấp của nàng; nhiều chàng trai hợm hĩnh, con trai một nguyên lão nước Pháp, đã hiến nàng một tên họ đánh đổi lấy cơ nghiệp của nàng; nàng đều lễ phép tống tiễn hết. Có lẽ nàng chỉ bắt đầu xúc động với tước vị bá tước! Phải chăng cậu là hầu tước? Hãy xông vào nếu nàng vừa lòng cậu! Đó là cái mà tớ gọi là ra huấn thị. Lời khôi hài đó làm tôi tưởng rằng Rastignac muốn đùa và gợi tính tò mò của tôi, thành ra mối nhiệt tình đột xuất của tôi lên tới tuyệt đỉnh khi chúng tôi dừng bước trước một nhà có hàng cột trước điểm hoa. Khi leo lên một cầu thang rộng rải thảm, nhận thấy ở đó tất cả những kiểu thức theo tiện nghi của nước Anh, thì tôi đánh trống ngực; tôi lấy thế làm hổ thẹn vì tôi phủ nhận lai lịch của tôi, tình cảm của tôi, sự kiêu hãnh của tôi, tôi thật xoàng đến ngốc nghếch. Chao ôi! Tôi từ một gian gác xép mà ra, sau ba năm nghèo khổ, chưa biết đặt lên trên những cái nhỏ mọn của cuộc sống những của báu đã thu hoạch được, những vốn trí thức to lớn ấy nó làm cho anh giàu lên khi quyền hành roi vào tay anh mà không đè bẹp được anh, bởi vì học tập đã rèn luyện trước cho anh đấu tranh chính trị. Tôi trông thấy một người đàn bà khoảng hai mươi hai tuổi, tầm vóc trung bình, bận đồ trắng, nằm dịu dàng trên một chiếc ghế đi-văng, tay cầm một chiếc quạt lông, một đám đàn ông xúm chung quanh. Khi thấy Rastignac vào, nàng đứng dậy bước lại đón chúng tôi, mỉm cười duyên dáng, giọng êm ái ngỏ với tôi lời chào mừng chắc hẳn là có chuẩn bị. Anh bạn đã giới thiệu tôi là một nhân vật tài năng, và sự khéo léo, cách nói khuếch đại của người xứ Gascogne ở hắn đã khiến cho tôi được chiêu đãi. Tôi được chú ý đặc biệt và đâm ra ngượng ngập; nhưng Rastignac đã khôn khéo nói rằng tôi khiêm tốn. Tôi gặp ở đó những nhà bác học, những nhà băng, cựu thượng thư, nguyên lão nước Pháp. Tôi đến được một lúc thì cuộc đàm thoại lại tiếp tục, và cảm thấy mình phải giữ gìn danh tiếng, tôi bình tâm; rồi, không nhiều lời khi được nói, tôi cố gắng tóm tắt những điều tranh luận bằng những lời ít nhiều sắc cạnh sâu xa hay ý vị. Tôi gây được phần nào xúc động: Rastignac thật là tiên tri đến lần thứ bao nhiêu rồi. Khi đã khá đông khách khiến cho ai nấy được trở lại tự do, người giới thiệu tôi khoác tay tôi và chúng tôi đi dạo các phòng.
– Cậu đừng có vẻ thán phục nàng công chúa quá, – hắn bảo tôi, – nàng lại đoán ra duyên cớ cậu tới đây.
Các phòng khách được bày biện một cách thanh nhã. Tôi thấy ở đó những bức tranh chọn lọc. Như ở nhà những người Anh giàu có, mỗi buồng có tính chất riêng của nó: bức trướng lụa, những đồ trang hoàng, hình dáng đồ đạc, dù là một chi tiết trang trí nhỏ cũng đều ăn nhịp với một ý niệm khởi đầu. Trong một tư thất kiểu gothique mà cửa ra vào được che rèm bằng thảm, những khung căng vải, chiếc đồng hồ treo, những hình vẽ trên thảm, cũng đều theo kiểu gothique: trần nhà làm bằng những súc gỗ nâu chạm trổ, trình bày như những chiếc rương rất thanh nhã và đặc sắc, những ván lát tường được gia công có nghệ thuật; chẳng có cái gì tác hại đến toàn bộ nền trang trí xinh đẹp đó, ngay cả những cửa sổ lắp kính màu quý giá. Tôi ngạc nhiên trước quang cảnh một buồng khách nhỏ hiện đại, ở đó không biết nghệ sĩ nào đã tận dụng khoa học trang trí của chúng ta, rất nhẹ, rất tươi, rất dịu, không choáng lộn, thếp vàng vừa phải. Thật là tình tứ và mơ hồ như một ca khúc Đức[6], một tĩnh thất thật sự làm cho một mối tình năm 1827, đượm hương của những hoa lạ sum suê trong những bồn trồng hoa. Sau phòng khách đó theo hàng dọc là một gian thếp vàng ở đấy được hồi phục kiểu thế kỷ vua Louis XIV nó trái ngược với những bức họa hiện tại, tạo nên một sự tương phản lạ lùng nhưng thú vị. – Cậu sẽ có nơi khá tươm, – Rastignac bảo tôi với một nụ cười lộ ra một chút mỉa mai – phải chăng là quyến rũ? – Hắn nói thêm và ngồi xuống. Đột nhiên, hắn đứng lên nắm tay tôi, dắt tôi tới buồng ngủ, mà chỉ cho tôi xem dưới một chiếc tán bằng mousseline và lụa vân trắng một chiếc giường êm ái được chiếu sáng dịu dàng, chiếc giường thật sự của một nàng tiên trẻ đính hôn với một ông thần. – Phải chăng, – hắn khẽ kêu lên, – bày ra cho chúng ta ngắm cái chỗ ngự tọa của ân ái này là một điều trơ tráo, láo xược và đ ĩ thõa quá xá? Không trao mình cho một ai, thế mà cho phép tất cả mọi người đặt thiếp vào đấy! Nếu tôi được làm theo ý mình thì tôi muốn nhìn thấy người đàn bà này bị khuất phục và khóc lóc ở cửa nhà tôi. – Thế thì cậu có thật tin về đức hạnh của nàng không? – Những bậc thầy táo bạo nhất của chúng ta, ngay cả những người khôn khéo nhất, đều thú nhận đã thất bại với nàng, nhưng vẫn yêu nàng và là bạn tận tụy của nàng. Người đàn bà đó phải chăng là một bí ẩn? Những lời đó kích thích ở tôi một thứ say mê, tôi đã đâm ghen tuông lo sợ về quá khứ.
Mừng rơn, tôi vội vã trở lại phòng khách lúc nãy thì gặp nữ bá tước trong tư thất kiểu gothique. Nàng mỉm cười ngăn tôi lại, mời tôi ngồi xuống bên nàng, hỏi tôi về những công việc tôi làm và dường như rất quan tâm đến, nhất là khi tôi diễn tả với nàng phương pháp của tôi bằng những lời bông đùa chứ không dùng ngôn ngữ của một giáo sư để trình bày một cách đạo mạo. Nàng tỏ vẻ rất thích thú khi được biết rằng ý chí con người là một lực lượng vật chất giống như làn hơi; rằng trong thế giới tinh thần không gì có thể chống lại được sức mạnh đó khi người ta tập cho quen tập trung ý chí, vận dụng tổng lực của nó, luôn luôn hướng phóng xạ của khối chất lỏng đó vào linh hồn người khác; rằng người ta có thể tùy ý biến cải mọi vật cho tương xứng với loài người kể cả những quy luật tuyệt đối nhất của tự nhiên. Những lời bác lại của nàng cho tôi thấy trí tuệ của nàng cũng có phần sắc sảo. Tôi chiều lòng nàng một lúc, cho nàng là có lý để mơn trớn nàng, rồi tôi đập tan những lý luận đàn bà của nàng bằng một lời, gợi cho nàng chú ý tới một việc hàng ngày trong cuộc sống như giấc ngủ, sự kiện có vẻ thông thường nhưng thật ra đầy những vấn đề nan giải cho nhà bác học. Tôi tính thích tính tò mò của nàng. Nàng đến mức phải ngồi lặng im một lúc khi tôi nói với nàng rằng những tư tưởng của chúng ta là những thực thể có tổ chức, hoàn bị, tồn tại trong một giới vô hình, và ảnh hưởng tới vận mệnh chúng ta, rồi tôi kể ra làm bằng chứng những tư tưởng của Descartes, của Diderot[7], của Napoléon, đã từng dẫn dắt và vẫn còn đang dẫn dắt cả một thế kỷ. Tôi có vinh dự làm vui nàng. Nàng từ biệt tôi và mời tôi lần khác lại đến chơi; nói theo ngôn ngữ cung đình, nàng mở cửa lớn rước tôi vào. Hoặc là, theo thói quen đáng khen của tôi, tôi coi những câu khách sáo như những lời thật lòng, hoặc là nàng thấy tôi có thể nổi tiếng nay mai và muốn tăng thêm cái nhóm những nhà bác học của nàng; tôi tưởng như đã làm nàng hài lòng. Tôi đã nhớ lại tất cả những kiến thức về sinh lý học của tôi và những điều nghiên cứu trước kia của tôi về người đàn bà để trong buổi tối đó xem xét con người nàng và điệu bộ của nàng. Nấp trong một khung cửa sổ, tôi dò xét tư tưởng nàng qua thái độ của nàng, qua cách thức của một bà chủ nhà đi lại, ngồi và chuyện trò, gọi một người, hỏi họ và tựa vào một khung cửa ra vào để nghe họ. Tôi nhận thấy trong dáng đi của nàng một cử động khúc triết rất êm, chiếc áo dài nhấp nhô thật duyên dáng, nàng kích thích rất mạnh tình dục, đến nỗi tôi đâm ra rất nghi ngờ về đức hạnh của nàng. Nếu ngày nay Foedora không biết đến tình yêu, thì xưa kia chắc hẳn nàng đã rất đa tình.
Một vẻ khoái trá tinh xảo hiện ra ngay cả trong cái tư thế của nàng đứng trước người nói chuyện: nàng tựa mình vào ván lát tường một cách lả lướt, như một người sắp ngã, nhưng cũng tấp tễnh chạy trốn nếu bị con mắt sắc nào nhìn uy hiếp. Hai tay khoanh ẻo lả, dường như hít thở lời nói. lắng nghe cả bằng con mắt nhìn và có hảo ý, nàng toát ra tình cảm. Cặp môi tươi đỏ nổi lên trên nước da trắng nõn, làn tóc nâu tôn lên khá đậm màu da cam của cặp mắt nổi vân như đá hoa Florence[8], và vẻ nhìn dường như làm cho lời nói thêm sắc sảo; thân thể nàng mang những nét duyên dáng mê ly nhất. Một kẻ địch thủ có lẽ sẽ gắn cho nàng tính tàn nhẫn do hai hàng lông mày rậm như nối liền với nhau, và sẽ chê đám lông tơ nhỏ li ti tô điểm vành mặt nàng. Tôi thấy dục vọng in dấu ở khắp cả. Ân ái ghi trên những mí mắt kiểu người Ý, trên đôi vai mỹ lệ xứng với tượng Vénus của Milo[9], trong những nét mặt. Ở vành môi trên hơi dày và có chút bóng râm. Người đàn bà đó là một thiên tiểu thuyết; những bảo vật của phụ nữ ấy, toàn bộ đường nét nhịp nhàng, những hứa hẹn dục tình của cái cơ cấu phong phú ấy được hòa dịu dàng bằng một sự thận trọng thường xuyên, bằng một sự khiêm tốn lạ lùng, nó tương phản với sự biểu hiện của cả con người. Phải có một sự quan sát thật sâu sắc như tôi mới phát hiện ra được ở cái bản chất con người đó những dấu hiệu của một căn số đào hoa. Để nói rõ hơn ý nghĩa của tôi, ở nàng có hai người đàn bà có lẽ do nửa mình trên ngăn đôi: một phần thì lạnh lùng, dường như chỉ có cái đầu là tình tứ. Trước khi ngừng con mắt vào một người đàn ông. nàng chuẩn bị nhìn như có cái gì bí mật trong bản thân nàng: có thể nói có một chấn động trong cặp mắt rất mực long lanh của nàng. Tựu trung hoặc là sự hiểu biết của tôi chưa đầy đủ, và tôi còn phải biết phát hiện ra nhiều bí ẩn của thế giới tinh thần hơn nữa, hoặc là nữ bá tước có một tâm hồn thanh cao mà những tình cảm và những phát tiết đem lại cho vẻ mặt nàng cái ma lực nó khuất phục và mê hoặc chúng ta, cái uy thế hoàn toàn tinh thần và càng thêm mãnh liệt khi nó hòa nhịp với những giao cảm của sự thèm muốn.
Tôi ra về, lòng bị người đàn bà đó chiếm đoạt, quyến rũ, say mê vì sự xa hoa của nàng, trong trái tim có tất cả cái gì là cao quý, là hư hỏng, là tốt đẹp, là xấu xa đều bị khêu gợi. Cảm thấy mình xúc động đến thế, hoạt bát đến thế, phấn chấn đến thế, tôi mới hiểu cái sức hấp dẫn đã đưa tới đó những nghệ sĩ kia, những nhà ngoại giao kia, những kẻ quyền thế kia, những tay con buôn mình lót tôn như những két bạc của chúng. Chắc hẳn họ tới bên nàng để tìm nỗi xúc cảm mê hồn nó làm rung lên trong tôi tất cả mọi năng lượng của con người, nó làm sôi máu tôi ở khắp mọi huyết quản, nó kích thích từng dây thần kinh nhỏ nhất và nó làm chấn động cả khối óc tôi! Nàng chẳng hiến mình cho một ai để giữ tất cả mọi người. Một người đàn bà chừng nào mà không yêu thì đỏm dáng. – Vả chăng, – tôi nói với Rastignac, – có lẽ nàng đã bị gả hay bị bán cho một lão già nào đó, và nhớ lại cuộc hôn nhân đầu tiên đó nàng đâm ra khiếp sợ chuyện yêu đương. Tôi đi bộ về nhà từ phố ngoại thành Saint-Honoré, nơi Foedora ở. Giữa lầu của nàng và phố Cordiers là gần hết Paris; tôi tưởng như đường ngắn, thế mà trời thì lạnh. Rắp tâm chinh phục Foedora vào mùa đông, một mùa đông giá lạnh, khi tôi không có lấy ba mươi quan trong túi, khi mà quãng đường giữa hai người xa đến thế! Chỉ có một chàng trai nghèo mới biết một mối tình si đáng giá bao nhiêu tiền xe ngựa, găng tay, quần áo trong, quần áo ngoài… Nếu tình yêu cứ ở trong phạm vi lý tưởng hơi lâu một chút thì nó đâm ra tốn kém. Thật sự có những tay Lauzun của trường luật không thể ngấp nghé tới một mối tình nằm ở từng gác một[10]. Và làm thế nào mà tôi tranh đấu được, tôi, một kẻ yếu đuối gầy còm, ăn mặc xoàng xĩnh, xanh xao tiều tụy như một nghệ sĩ vừa khỏi ốm vì một tác phẩm, tranh đấu với những chàng trai tóc uốn cừ, xinh đẹp. thanh nhã, đeo cravat làm lác mắt cả xứ Croatia[11], giàu có, ngựa xe và ăn mặc choáng lộn? – Chà! Foedora hay là chết? – Tôi la lên ở chỗ ngoặt một chiếc cầu. Foedora, đó là hạnh phúc! Cái tư thất kiểu gothique đẹp đẽ và cái phòng khách kiểu Louis XIV diễu qua trước mắt tôi; tôi lại nhìn thấy nữ bá tước với chiếc áo dài trắng, những tay áo rộng duyên dáng, và bước đi quyến rũ của nàng, và bộ ngực khêu gợi của nàng. Khi tôi về tới gian gác xép của tôi trần trụi, lạnh lẽo, cũng luộm thuộm chải rối như bộ tóc giả của nhà bác học, tôi vẫn còn những hình ảnh cảnh sang trọng của Foedora bao vây. Cảnh trái ngược đó là một kẻ cố vấn không tốt, những tội ác phát sinh ra từ đó. Bấy giờ mình gai lên vì điên cuồng, tôi chửi rủa cái cảnh thanh bần lương thiện của tôi, cái gian gác xép phong phú làm nảy nở ra cho tôi bao nhiêu tư tưởng. Tôi chất vấn ông trời, quỷ sứ, chế độ xã hội, cha tôi, tất cả thiên hạ về số phận của tôi, về sự bất hạnh của tôi, tôi đi nằm bụng đói, mồm lẩm bẩm những lời chửi rủa nực cười, nhưng quyết tâm làm siêu lòng Foedora. Trái tim đàn bà ấy là tấm vé xổ số cuối cùng mang cả vận mệnh của tôi.
Tôi tha cho cậu không kể những cuộc viếng thăm đầu tiên của tôi ở nhà Foedora để đi mau tới tấn bi kịch. Vừa cố gắng nhằm vào tâm hồn nàng, tôi vừa cố chinh phục trí tuệ nàng làm cho nàng tự phụ vì tôi. Để được yêu chắc chắn, tôi gợi cho nàng hàng ngàn lý do để nàng tự yêu mình hơn. Không bao giờ tôi để nàng trong trạng thái bàng quan; người đàn bà thường ưa được xúc động bất kể thế nào, tôi gây cho nàng bao nhiêu cảm xúc; chẳng thà tôi làm cho nàng giận dữ còn hơn để nàng dửng dưng đối với tôi. Nếu buổi đầu với một ý chí cương quyết và lòng ao ước được nàng yêu, tôi phần nào có uy thế đối với nàng, thì chẳng bao lâu mối tình của tôi mạnh lên, tôi không còn làm chủ được mình nữa, tôi rơi vào cảnh thực, tôi bị đắm đuối và yêu nàng đến say mê. Tôi không hiểu rõ cái mà chúng ta gọi trong thơ ca hay trong chuyện trò là tình yêu nhưng cái tình cảm bỗng chốc nảy nở trong bản chất hai mặt của tôi, tôi chưa thấy được mô tả ở đâu cả: hoặc ở trong những lời văn hoa và chải chuốt của J.-J. Rousseau, mà có lẽ tôi đang ở nơi trú ngụ của ông ta, hoặc ở trong những tư tưởng lạnh lùng của hai thế kỷ vãn học của chúng ta, hoặc trong những bức họa của nước ý. Cảnh hồ Biên nơ, một số ý nhạc của Rossini, tranh Đức mẹ của Murillo[12] ở trong tay thống chế Soult[13], những bức thư của Lescombat[14], một số câu rải rác trong những tập dật sử, mà nhất là những lời cầu nguyện của những kẻ mê đạo và một số đoạn những fabliaux[15] của chúng ta, chỉ những cái đó mới đưa tôi tới những miền thần tiên của mối tình đầu của tôi. Không có gì trong ngôn ngữ loài người. không một sự diễn tả tư tưởng nào bằng màu sắc, bằng cẩm thạch, bằng tiếng nói hay thanh âm, có thể lột tả được cái sức mạnh, cái sự thật, cái hoàn hảo, cái đột nhiên của tình cảm trong tâm hồn!
Thật vậy, nói đến nghệ thuật là nói sự lừa dối. Tình yêu trải qua những biến đổi vô tận trước khi trà trộn vĩnh viễn với cuộc sống chúng ta và vĩnh viễn nhuộm nó bằng màu sắc của ngọn lửa. Cái bí ẩn của cuộc thâm nhập vô hình đó vượt ra ngoài sự phân tích của nghệ sĩ. Mối tình chân thật biểu thị bằng những tiếng la hét, những tiếng thở dài khó chịu đối với một kẻ vô tình. Phải yêu thành thực mới có thể chia sẻ được những tiếng rên la của Lovelace, khi đọc Clarisse Harlowe[16]. Tình yêu là một nguồn nước hồn nhiên, xuất phát từ đám cải xoong, hoa, đá sỏi, rồi qua sông con, qua sông lớn thay đổi bản chất và quang cảnh ở mỗi dòng, và đổ vào một đại dương bao la ở đó những đầu óc kém cỏi chỉ thấy tẻ lặng, ở đó những tâm hồn cao cả đắm đuối trong những trầm tư vĩnh cửu. Làm sao mà dám cả gan mô tả những màu sắc chuyển tiếp của tình cảm, những cái không đâu mà vô giá đó, những tiếng nói mà bao nhiêu tài sản về ngôn ngữ không lột được giọng của nó, những vẻ nhìn phong phú hơn cả những bài thơ súc tích nhất? Trong mỗi cảnh thần bí qua đó ta dần dần đi tới say mê một người đàn bà, là một vực thẳm làm chìm ngập hết mọi thơ ca loài người. Chà! Làm sao mà bằng những lời chú giải chúng ta có thể tái hiện được những chuyển động mãnh liệt và bí mật của tâm hồn, khi mà chúng ta còn thiếu ngôn ngữ để mô tả những bí ẩn hữu hình của sắc đẹp? Mê ly biết bao! Biết bao nhiêu giờ tôi đã chẳng ngẩn người ra ngắm nàng và đắm đuối trong một cơn hôn mê khôn tả đó sao? Hoan hỉ vì cái gì? Tôi chẳng biết. Những lúc đó nếu mặt nàng chan hòa ánh sáng thì không hiểu hiện tượng gì xảy ra làm cho nó trở nên huy hoàng; đám lông tơ tinh vi nhuốm vàng làn da nhỏ mịn của nàng làm nổi lên đường vành mềm mại với vẻ kiều diễm mà ta thường ngắm ở những đường chân trời xa khi ngập ánh mặt trời. Dường như ánh ngày mơn trớn nàng và hòa hợp với nàng, hay từ khuôn mặt rạng rỡ của nàng tỏa ra một ánh sáng lộng lẫy hơn cả ánh sáng; rồi một bóng tối diễu qua trên khuôn mặt dịu dàng đó tạo nên một thứ màu sắc làm cho nét mặt linh động khi thay đổi sắc mặt, thường khi một ý nghĩ dường như được ghi trên vầng trán cẩm thạch của nàng; mắt nàng như đỏ lên, mí mắt mấp máy, nét mặt nàng chập chờn, xao động vì một nụ cười; làn môi tô đỏ khéo léo như san hô xao xuyến, mở ra, khép vào; làn tóc óng ánh thế nào đó nhuốm màu nâu hai thái dương tươi thắm; qua một biến chuyển, người nàng đều bộc lộ. Mỗi chi tiết đổi thay của sắc đẹp nàng đem lại cho mắt tôi niềm hân hoan mới, để lộ ra cho trái tim tôi những vẻ kiều diễm chưa từng thấy. Tôi muốn đọc lên một tình cảm, một hy vọng, ở tất cả mọi bước biến chuyển trên khuôn mặt đó. Những lời lẽ câm lặng kia thâm nhập từ tâm hồn đến tâm hồn như một thanh âm vang dội và đem lại cho tôi những niềm vui thoáng qua để lại trong lòng những ấn tượng sâu xa. Tiếng nói của nàng làm tôi say mê khó cưỡng lại. Giống như hoàng tử xứ Lorraine nào đó, tôi có thể để trong lòng bàn tay một hòn than đỏ mà chẳng cảm thấy gì khi những ngón tay mơn trớn của nàng lùa vào tóc tôi. Đó chẳng còn là một ngưỡng vọng, một khao khát nữa mà là một say mê, một duyên phận.
Thường khi về đến nhà tôi còn mường tượng thấy Foedora ở nhà nàng và mơ hồ tham dự vào cuộc sống của nàng. Tôi đau khổ khi nàng đau khổ, và bữa sau tôi nói với nàng? – Nàng đã đau khổ. Biết bao lần nàng đã chẳng tới trong giữa đêm khuya yên lặng, do cơn hôn mê mãnh liệt của tôi kêu gọi nàng đó sao? Có lúc, đột ngột như một tia sáng lóe ra, nàng hạ bút tôi xuống, nàng làm cho khoa học và nghiên cứu cũng hoảng hồn và bi đát trốn chạy; nàng lại lấy cái tư thế quyến rũ mà tôi đã từng thấy để bắt tôi ngưỡng vọng. Có khi tự tôi đi tới trước nàng trong thế giới ảo hiện, tôi đón chào nàng như một niềm hy vọng và xin nàng cho nghe giọng trong như bạc của nàng. Và rồi tôi tỉnh dậy mắt đẫm lệ. Một bữa, sau khi đã hứa đi xem hát với tôi, bỗng nhiên nàng oái oăm từ chối không đi nữa, và yêu cầu tôi để cho nàng được ngồi một mình. Thất vọng về một điều trái ý nó đã làm tôi mất một ngày làm việc, và có nên nói không? – Đồng écu cuối cùng của tôi, tôi đi tới nơi đáng lẽ nàng đến để xem vở kịch mà nàng đã muốn xem. Tôi vừa ngồi xuống thì tim bỗng như bị điện giật. Một tiếng nói bảo tôi: – Nàng ngồi kia? Tôi ngoảnh lại tôi nhận ra nữ bá tước ngồi tận trong cùng lô của mình, nấp trong bóng tối ở tầng dưới. Mắt tôi không ngập ngừng mà thoạt cái đã tìm thấy ngay nàng một cách rõ ràng kỳ lạ, tâm hồn tôi bay tới cuộc sống của nàng như một con bướm bay tới hoa của nó. Cái gì đã loan báo giác quan tôi? Có những cái rùng mình thầm kín đó có thể làm cho kẻ nông nổi ngạc nhiên, nhưng những tác động của bản chất bên trong chúng ta cũng giản dị như những hiện tượng quen thuộc đối với nhãn quan bên ngoài; vì vậy tôi không ngạc nhiên, mà lại bực mình. Công trình nghiên cứu của tôi về năng lực tinh thần chúng ta, mà ít người biết đến, ít ra đã giúp tôi bắt gặp trong một dục vọng của tôi một số chứng cớ sinh động về luận thuyết của tôi. Sự kết hợp giữa nhà bác học với gã si tình, giữa lòng sùng bái chân tình với mối tình khoa học đó, có cái gì thật lạ lùng. Khoa học thường khi hài lòng vì cái đã làm cho kẻ tình nhân thất vọng, và khi kẻ tình nhân tưởng mình thắng lợi thì hắn đã sung sướng đuổi xa khoa học. Foedora trông thấy tôi và trở nên nghiêm nghị: tôi đã làm phiền nàng. Vào giờ nghỉ đầu, tôi tới thăm nàng, nàng có một mình, tôi ngồi lại. Tuy chưa bao giờ ngỏ chuyện yêu đương với nhau, tôi linh cảm trước một cuộc phân trần. Tôi chưa ngỏ với nàng tâm sự của tôi, nhưng giữa chúng tôi có một thứ giao ước: nàng thường bày tỏ với tôi những dự tính vui chơi của nàng, và thường từ hôm trước hỏi tôi với một mối lo lắng thân tình xem hôm sau tôi có tới không; khi nói được một lời ý vị nàng thường liếc mắt dò tôi, dường như nàng muốn làm cho riêng tôi vui lòng; khi tôi hờn dỗi, nàng trở nên ngọt ngào, khi nàng làm mặt giận dữ, tôi dường như có quyền hỏi nàng; nếu tôi có lỗi với nàng, trước khi tha lỗi nàng để cho tôi phải van nài thật lâu. Những cuộc cãi lộn mà chúng tôi đâm ra ưa thích tràn đầy niềm yêu đương. Nàng phô bày ra đó biết bao duyên dáng và lả lơi, còn tôi thì tìm thấy ở đó biết bao hạnh phúc. Lúc này thì niềm thân ái giữa chúng tôi hoàn toàn đình lại. và chúng tôi ngồi bên nhau như những người dưng. Nữ bá tước thật là giá lạnh; và tôi thì e ngại một điều bất hạnh. Khi vở hát chấm dứt, nàng bảo tôi: – Anh đi với tôi!
Thời tiết bỗng thay đổi một cách đột ngột. Khi chúng tôi ra thì trời vừa mưa vừa có tuyết xuống. Xe của Foedora không tới được tận cửa nhà hát. Thấy một bà ăn mặc sang trọng phải đi qua đường, một gã phục dịch kiếm tiền giơ ngay ô của hắn lên che cho chúng tôi và xin tiền khi chúng tôi bước lên xe. Tôi không có một đồng nào; lúc đó tôi có thể gán mười tuổi đời tôi lấy hai xu. Tất cả cái gì làm nên con người và hàng nghìn điều tự ái của nó bị một nỗi đau đớn thảm hại nghiến nát trong tôi. Mấy tiếng: – Tôi không có tiền lẻ, anh bạn ạ! Tôi nói bằng một giọng tàn nhẫn dường như do mối tình bị trái ý của tôi mà ra, những tiếng nói ở tôi là người anh em với gã đó, vì bản thân tôi đã từng rõ cảnh nghèo! Bản thân tôi xưa kia đã từng đem cho bảy mươi vạn quan một cách dễ dàng! Gã đi hầu đẩy người phục dịch kia ra và những con ngựa phóng đi như bay…Về tới nhà, Foedora, lơ đãng, hay giả tảng đang lo nghĩ chuyện gì, khinh khỉnh trả lời nhát gừng những câu tôi hỏi. Tôi im lặng. Giây phút thật khủng khiếp. Vào tới buồng nàng, chúng tôi ngồi xuống trước lò sưởi. Khi gã hầu buồng khêu lửa xong và rút lui, nữ bá tước quay lại phía tôi với một vẻ khó hiểu và nói với tôi một cách trịnh trọng đặc biệt: – Từ ngày tôi trở về nước Pháp; tài sản của tôi đã cám dỗ một số chàng trai; tôi đã nhận được những lời tỏ tình có lẽ làm thỏa mãn được lòng kiêu hãnh của tôi, tôi đã gặp những người đàn ông có mối tình quyến luyến rất chân thành và rất sâu xa đến mức họ có thể lấy tôi ngay cả khi họ thấy tôi chỉ là một gái nghèo như xưa kia. Nghĩa là ông nên biết rằng, ông de Valentin ạ, người ta đã hiến tôi những tài sản mới và những tước hiệu mới; nhưng ông cũng nên rõ rằng tôi không bao giờ nhìn lại mặt những người đã nói chuyện yêu đương với tôi một cách vô duyên. Nếu lòng mến yêu của tôi đối với ông chỉ nhẹ nhàng, tôi đã không nói với ông một lời can khuyên trong đó có nhiều tình thân hơn là sự ngạo mạn. Người đàn bà sẽ tự chuốc lấy sự xỉ vả khi, tưởng mình được yêu, họ đi bước trước sự cự tuyệt một tình cảm thường xuyên mơn trớn họ. Tôi đã biết những cảnh của Arsinoé, của Araminte[17], như vậy tôi đã làm quen với những lời đáp mà tôi có thể được nghe trong trường hợp đó; nhưng hôm nay, tôi hy vọng rằng không bị một bậc siêu nhân phê phán sai vì đã thật tình bày tỏ tâm hồn của mình. Nàng nói một cách thản nhiên như một tay luật sư, một tay quản khế trình bày với khách hàng những thủ đoạn của một vụ kiện cáo hoặc những điều khoản của một bản hợp đồng. Giọng nói sang sảng và hấp dẫn của nàng không tỏ ra có chút xúc động nào; duy trong bộ mặt và tư thái của nàng, vẫn cao nhã và lịch sự tôi tưởng như có một vẻ lạnh lùng, một sự vô tình của nhà ngoại giao. Chắc hẳn nàng đã nghiền ngẫm những lời nói đó và đã trù tính cái cảnh đó.
Chao ôi! Bạn thân ạ, khi một số người đàn bà nào thấy thích thú vò nát trái tim ta, khi họ đã định thọc vào đó một lưỡi dao găm và khoét sâu vết thương, thì những người đàn bà đó thật đáng mến yêu, họ yêu và họ muốn được yêu! Một ngày kia họ sẽ đền bù cho những nỗi đau đớn của ta, cũng như ông Trời, theo người ta nói, phải tưởng lệ những việc thiện của chúng ta; họ sẽ trả cho ta những lạc thú gấp trăm lần điều đau khổ mà họ tất nhiên đã ước lượng được sức tàn bạo; sự tàn nhẫn của họ phải chăng là đầy nhiệt tình? Nhưng bị một người đàn bà hành hạ giết ta một cách dửng dưng, phải chăng đó là một hình phạt tàn khốc? Lúc này Foedora đang vô tình giày xéo lên hết mọi niềm ước vọng của tôi, làm tan nát cuộc đời tôi và phá hoại tương lai tôi một cách vô tâm lạnh lùng và độc ác vô tội như đứa trẻ tò mò xé nát những cánh bướm. Foedora nói thêm: – Sau này, tôi mong thế, ông sẽ nhận rõ rằng mối tình thân mến của tôi đối với những người bạn là bền chặt. Ông sẽ thấy tôi bao giờ cũng hiền hậu và tận tâm đối với họ. Tôi biết cống hiến cuộc đời tôi cho họ, nhược bằng tôi tiếp thu mối tình của họ mà không chia sẻ với họ thì ông sẽ khinh bỉ tôi. Tôi nói thế là hết, ông là người duy nhất mà tôi nói thêm mấy lời cuối cùng đó. Thoạt tiên tôi không biết nói năng thế nào cả, và tôi chật vật lắm mới dẹp được cơn dông tố nổi lên trong tôi; chẳng bao lâu tôi dồn ép những cảm xúc của tôi vào tận đáy lòng, và mỉm cười đáp: – Nếu tôi nói rằng tôi yêu bà thì bà tống khứ tôi đi; nếu tôi tự khép vào tội lãnh đạm thì bà sẽ trừng phạt tôi: các giáo sĩ, quan tòa và phụ nữ không bao giờ lột hết áo chùng của họ ra. Sự im lặng không đẻ ra dự kiến gì; thưa bà, bà hãy coi việc im lặng của tôi là phải. Khi bà đã khuyên can tôi một cách thân tình như vậy chắc hẳn bà đã sợ tôi đi mất, và ý nghĩa đó có thể thỏa mãn lòng kiêu hãnh của tôi. Nhưng chúng ta hãy đẩy xa cái cá nhân của chúng ta. Có lẽ bà là người phụ nữ duy nhất mà tôi có thể cùng tranh luận kiểu triết gia một quyết định trái với quy luật tự nhiên đến thế. So với những đơn vị khác cùng chủng loại với bà, bà là một hiện tượng. Thế thì, chúng ta hãy thành tâm cùng nhau tìm ra nguyên nhân của sự bất bình thường về tâm lý đó. Phải chăng ở bà, cũng như ở nhiều người đàn bà kiêu hãnh về mình, nâng niu những ưu điểm của mình, có một lòng vị kỷ tinh vi làm cho bà kinh sợ khi nghĩ rằng mình thuộc về một người đàn ông, mình từ bỏ sự tùy ý của mình và phải phục tùng kẻ bề trên theo ước lệ nó xúc phạm tới bà? Theo tôi bà còn cao quý gấp nghìn lần hơn thế. Có lẽ bà đã bị hành hạ một lần đầu tiên về tình yêu chăng? Có lẽ việc bà đánh giá cao cái thân hình cao nhã của bà, cái bộ ngực tuyệt diệu của bà làm cho bà sợ những phá phách của việc đẻ con: phải chăng đó là một trong những lý do vững chãi âm thầm khiến bà không muốn được yêu quá nồng thắm? Hay bà có những nhược điểm khiến bà phải miễn cưỡng mà giữ gìn đức hạnh? Xin bà đừng giận, tôi tranh luận, tôi nghiên cứu, tôi đứng xa dục tình hàng nghìn dặm. Tạo hóa đã sinh ra những kẻ mù từ lúc lọt lòng thì cũng có thể tạo ra những người đàn bà câm, điếc và đui mù về tình yêu. Thật sự bà là một đề tài quý báu để quan sát về y lý! Bà không biết hết được giá trị của con người bà. Bà có thể rất chính đáng ghê tởm bọn đàn ông; tôi tán thành bà, đối với tôi hết thảy họ đều xấu xa và khả ố. Bà quả thật có lý, – tôi vừa nói thêm vừa cảm thấy lòng đầy lên – bà khinh chúng tôi là phải: chẳng có người đàn ông nào xứng đáng với bà đâu.
Tôi không nói hết với cậu những lời cay chua mà tôi vừa nói với nàng vừa cười: Thế nhưng lời nói sắc nhọn nhất. điều mỉa mai cay độc nhất không làm cho nàng có một cử động. một cử chỉ hờn giận. Nàng vừa nghe tôi nói vừa giữ trên môi, trong con mắt, cái nụ cười quen thuộc của nàng, nụ cười nó như chiếc quần áo nàng khoác lên mình, và vẫn nụ cười đó đối với bạn thân, đối với những người chỉ quen biết, đối với khách lạ. – Tôi để cho người ta oặt thân mình trên một giảng đường như vậy chẳng là hiền lành lắm hay sao? – Nàng nói nhân lúc tôi đang im lặng nhìn nàng. – Ấy đấy, ông xem? – nàng vừa cười vừa tiếp tục, đã là bạn thì tôi chẳng có những cái mếch lòng ngu ngốc! Nhiều người đàn bà sẽ cấm cửa ông để trừng phạt điều xấc xược của ông đấy. – Bà có thể tống khứ tôi ra khỏi nhà bà mà chẳng cần phải nói lý do sự nghiêm khắc của bà. Khi nói điều đó, tôi tự cảm thấy sẵn sàng giết nàng nếu nàng đuổi tôi đi. – Ông điên mất rồi, – nàng mỉm cười la lên. – Có bao giờ bà đã nghĩ tới, – tôi nói, – những tác động của một tình yêu say đắm hay chưa? Một người đàn ông thất tình thường khi đã mưu sát tình nương. – Chẳng thà chết còn hơn chịu khổ. – nàng lạnh lùng đáp. – Một người tình như thế một ngày kia sẽ bỏ rơi vợ và mặc cho chị ta xơ xác sau khi đã ngốn hết tài sản của chị ta. Các bài tính đó làm cho tôi bàng hoàng. Tôi trông thấy rõ một vực sâu giữa người đàn bà đó và tôi. Không bao giờ chúng tôi có thể hiểu nhau được. – Xin vĩnh biệt. – tôi lạnh lùng chào. – Vĩnh biệt – nàng đáp. đầu cúi xuống vẻ thân thiện. – Xin hẹn đến mai. Tôi nhìn nàng một lát, chòng chọc dồn cả vào nàng tất cả mối tình mà tôi từ bỏ… Nàng đứng đó, mỉm cười với tôi cái nụ cười vô vị của nàng, nụ cười đáng ghét của một pho tượng đá hoa, khô khan và lễ phép, tưởng như biểu thị tình yêu, nhưng lạnh lùng. Cậu có hiểu thấu hết không, bạn thân mến. bao nỗi đau lòng xâu xé tôi khi trở về nhà trong mưa và tuyết, chân xéo lên lớp giá đóng trên đường bờ sông, gài một dặm đường, lòng tan vỡ?
Chao ôi! Biết rằng nàng cũng chẳng nghĩ đến cảnh nghèo của tôi và tưởng tôi, cũng như nàng, giàu có và ngồi xe êm ấm! Tan nát và tuyệt vọng! Vấn đề chẳng còn là tiền bạc, mà là mọi của cải về tâm hồn của tôi. Tôi đi vơ vẩn, tự tranh cãi với mình những lời lẽ trong cuộc chuyện trò lạ lùng kia, tôi lạc lối trong những luật giải của mình đến mức tôi đâm nghi ngờ cái giá trị về danh từ của những lời nói và ý kiến! Và tôi vẫn yêu, tôi yêu người đàn bà lạnh lùng đó mà trái tim lúc nào cũng muốn được chinh phục, và nàng luôn luôn xóa bỏ những hứa hẹn hôm trước để xuất hiện hôm sau như một người tình nương mới. Khi đi vòng qua chỗ cửa xép của Học viện, tôi bỗng phát sốt. Bấy giờ tôi mới nhớ ra là tôi đã nhịn đói. Tôi không còn lấy một xu. Khổ đến cùng cực là chiếc mũ tôi bị mưa làm méo mó. Từ nay làm thế nào mà tiếp xúc với một người đàn bà lịch sự, mà bước vào một phòng khách nếu không có một chiếc mũ tươm tất. Nhờ bao nhiêu sự chăm nom hết sức, trong lòng luôn luôn chửi rủa cái thời thượng xuẩn ngốc nó bắt chúng ta luôn luôn cầm mũ ở tay để phô trương lần vải lót mũ, cho tới hôm đó tôi đã cố giữ chiếc mũ của tới ở một trạng thái lập lờ. Không hẳn là mới toanh hay cũ rích, trụi nhẵn lông hay thật là mượt, nó có thể được coi như chiếc mũ đại khái của một người cẩn thận, nhưng cái số kiếp giả tạo của nó đã tới lúc hết thời: nó bị tổn thương, oằn oèo, cùng mạt thật sự như mảnh tã đại diện xứng đáng cho chủ nó. Thiếu ba mươi xu, tôi lỗ vốn cái lịch sự kỹ xảo của tôi. Chà! Từ ba tháng nay tới đã chịu bao nhiêu hy sinh âm thầm vì Foedora.
Thường khi tôi dùng số tiền mua bánh ăn cả tuần để tới thăm nàng một lúc. Bỏ bê công việc và nhịn đói là chuyện thường. Nhưng đi qua các phố Paris mà không để vấy bùn, chạy để tránh mưa, tới nhà nàng quần áo cũng tươm tất như những chàng hợm vây quanh nàng, chà! Đối với một thi sĩ mê gái lơ đãng, công việc đó khó khăn vô cùng. Hạnh phúc của tôi tình yêu của tôi lệ thuộc vào một vết bùn trên chiếc gilet trắng duy nhất của tôi! Đành phải từ bỏ việc đi thăm nàng nếu tôi bị lấm bùn, nếu tôi bị mưa ướt. Không có lấy năm xu để thuê một người đánh giày lau vết bùn nhỏ nhất trên ủng của tôi. Mối tình của tôi tăng thêm vì bao nhiêu những bực bội nhỏ nhặt âm thầm đó, mà là to lớn đối với một người nóng tính. Kẻ nghèo khổ có những việc hy sinh mà họ không được phép nói với những người đàn bà sống trong cảnh sang trọng và lịch sự; các bà này nhìn thiên hạ qua một chiếc lăng kính nhuộm người và vật một màu vàng. Lạc quan vì ích kỷ, độc ác vì đài các, những người đàn bà đó nhân danh những hưởng thụ của mình mà tự miễn cho mình việc suy nghĩ, và họ tự xá cho mình tội lãnh đạm trước cảnh đau khổ bằng sự cám dỗ của lạc thú. Đối với họ một đồng xu không bao giờ là một triệu, mà chính là triệu bạc đối với họ chỉ như một xu. Nếu tình yêu phải biện hộ cho mình bằng những hy sinh to lớn, thì nó cũng phải che phủ những cái đó một cách khéo léo dưới một tấm màn chôn vùi chúng trong sự im lặng; nhưng những kẻ giàu có khi họ vung phí tiền của và đời sống của họ, khi họ hy sinh, thì họ lợi dụng những định kiến của xã hội thượng lưu vẫn thường làm cho phần nào rực rỡ những chuyện điên rồ vì tình của họ. Đối với họ sự im lặng nói lên và tấm màn kia là một vẻ duyên dáng, còn như cảnh nghèo khổ bi đát của tới bắt tôi chịu những nỗi đau đớn kinh khủng mà không cho phép tôi được nói lên: Tôi yêu! Hay: Tôi chết mất! Rút cục phải chăng đó là hy sinh? Phải chăng tôi đã được đền bù đầy đủ bằng niềm vui sướng của tôi được cống hiến tất cả vì nàng? Nữ bá tước đã mang lại những giá trị tột bực, những lạc thú tràn trề cho những biến cố tầm thường nhất của cuộc đời tôi. Xưa kia dửng dưng vì chuyện ăn mặc, bây giờ tôi tôn trọng chiếc áo lễ của tôi như bản thân thứ hai của tôi. Tôi sẽ không lưỡng lự giữa một vết thương đâm vào thân tôi với một đường rách trên tấm áo của tôi! Như vậy cậu phải thông cảm hoàn cảnh của tôi và hiểu những tư tưởng điên cuồng, mối phẫn khích nổi dậy đang khuấy động tôi trên bước đi, và có lẽ bước đi còn kích thích thêm lên. Tôi cảm thấy không biết cái niềm vui quỷ quái gì khi thấy mình ở đỉnh cao của bất hạnh. Tôi muốn xem như một điềm hạnh phúc ở cơn bão tố cuối cùng này; nhưng việc dữ có những của cải vô tận. Cửa khách sạn tôi ở hé mở. Qua những lỗ hình quả tim gục trên cánh cửa, tôi thấy một làn ánh sáng chiếu ra ngoài phố. Pauline và bà mẹ đang chuyện trò để chờ tôi. Tôi thoáng thấy nói đến tên tôi, tôi lắng tai nghe. – Ông Raphaël, – Pauline nói, – hơn hẳn cái anh sinh viên ở buồng số bảy. Màu tóc hung vàng của ông ấy thật là đẹp! Mẹ có thấy trong giọng nói ấy có cái gì không biết nó xúc động lòng người ta không? Thêm nữa, mặc dầu ông ấy có vẻ hơi kiêu hãnh, ông ấy rất tốt, phong thái thật là cao nhã? Chao! Quả thật là ông ấy rất dễ thương! Con chắc mọi người đàn bà đều phải say mê ông ấy. – Con nói như con đã phải lòng cậu ấy rồi đấy. – bà Gaudin trả lời. Con yêu ông ấy như một người anh, – nàng cười đáp lại. Nếu con không mến ông ấy thì con thật vô ơn! Ông ấy chẳng đã dạy con âm nhạc, vẽ, văn phạm, nghĩa là đủ mọi thứ đó sao? Mẹ chẳng chú ý nhiều đến những tiến bộ của con đấy, mẹ hiền của con ạ, mà con bây giờ giỏi đến mức ít lâu nữa con đủ sức dạy học được, lúc đó thì nhà ta có thể nuôi được một người ở gái đấy. Tôi nhẹ nhàng rút lui; và, sau khi làm cho có tiếng động, tôi vào gian buồng để lấy ngọn đèn của tôi mà Pauline định thắp.
Cô bé tội nghiệp vừa rịt lên những vết thương của tôi một lá thuốc êm dịu. Lời khen ngây thơ về con người tôi đó trả lại cho tôi một chút can đảm. Tôi đang cần tin ở bản thân tôi, và được nghe một lời phê phán vô tư về giá trị thật sự những ưu điểm của tôi. Những hy vọng của tôi, được hồi phục lại như vậy, có lẽ được phản ánh lên trên những vật tới nhìn thấy. Mà có lẽ trước đó tôi cũng chưa bao giờ ngắm xem một cách nghiêm chỉnh cái cảnh hai người đàn bà ở giữa gian buồng đó thường vẫn bày ra trước mắt tôi; nhưng bấy giờ thì tôi thường ngắm trong thực tại bức tranh kỳ thú nhất và cảnh sinh hoạt mộc mạc mà các họa sĩ xứ flamand thường họa một cách rất chân thật. Bà mẹ ngồi bên lò sưởi đã gần tàn đan bít tất, và để thoáng trên môi một nụ cười hiền hậu. Pauline tô màu những chiếc bình phong; những thuốc màu, những bút sơn của nàng, bày trên một chiếc bàn nhỏ, gây cho con mắt những cảm giác thú vị; nhưng khi rời bỏ chỗ và đứng lên để châm đèn cho tôi thì khuôn mặt trắng trẻo của nàng chan hòa ánh sáng ngọn đèn. Phải bị một dục vọng thật ghê gớm ngự trị thì mới không trìu mến những bàn tay trong suốt và hồng hồng của nàng, cái đầu lý tưởng và tư thái trinh thuần của nàng? Đêm hôm và yên lặng tô thêm vẻ kỳ thú cho cái cảnh thức đêm cần cù, cái cảnh gia đình yên vui đó. Lao động liên tục và đảm đương một cách vui vẻ chứng tỏ một sự nhẫn nhục thiêng liêng đầy những tình cảm cao quý. Ở đây có sự hài hòa khôn tả giữa người và vật. Ở nhà Foedora, sự sang trọng là khô cằn, nó gợi ở tôi những ý nghĩ xấu xa; còn như cái cảnh nghèo khiêm tốn này và cái hồn nhiên hiền hậu này làm tươi mát tâm hồn tôi. Có lẽ tôi đã bị hạ mình trước cảnh sang trọng; gần hai người đàn bà này, ở giữa gian buồng màu nâu này mà cuộc sống đơn giản hóa dường như ẩn náu trong những xúc động của cõi lòng, có lẽ tôi hòa giải với bản thân tôi khi tìm thấy chỗ để thực hành sự che chở nó là điều mà người đàn ông rất muốn phô bày. Khi tôi tới gần Pauline, nàng đưa mắt nhìn tôi âu yếm gần như một người mẹ, và, tay run run đặt mạnh chiếc đèn xuống, nàng thét lên:
– Trời! Mặt ông tái nhợt đi! À ông bị ướt hết! Để mẹ em lau cho ông.
– Ông Raphaël ạ, – nàng nói tiếp sau khi ngừng lại một phút, – ông thích uống sữa: tối nay nhà em có kem, đây này, ông nếm thử nhé? – Nàng như một chú mèo con vồ lấy một bát đầy sữa, và xoắn xuýt đưa cho tôi, đưa tận sát miệng tôi một cách đáng yêu, làm tôi ngập ngừng.
– Ông từ chối em à? – Nàng nói lạc giọng đi.
Hai con người kiêu hãnh hiểu nhau; Pauline dường như khổ tâm vì cảnh nghèo của mình, và như trách tôi làm cao. Tôi cảm động. Bát kem đó có lẽ để cho nàng ăn điểm tâm hôm sau, mặc dầu thế tôi nhận. Cô gái tội nghiệp định giấu niềm vui của mình, nhưng nó long lanh trong đáy mắt nàng.
– Tôi đang cần uống, – tôi nói với nàng và ngồi xuống. – (Một vẻ lo lắng thoáng qua trên trán nàng), Pauline, cô có nhớ đoạn văn nào Bossuet tả Thượng đế đền bù vì một cốc nước nhiều hơn là vì một chiến thắng không?
– Có, – nàng đáp. Và ngực nàng phập phòng như ngực một con chim sâu trong tay một đứa trẻ.
– Thế thì, vì chúng ta sắp chia tay, – tôi nói tiếp bằng một giọng không quả quyết, – để cho tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với tất cả mọi sự săn sóc của cô và bà nhà đối với tôi.
– Ồ! Chúng ta chẳng tính toán làm gì, – nàng vừa cười vừa nói. Nụ cười của nàng che giấu một mối xúc động làm tôi ái ngại.
– Chiếc dương cầm của tôi, – tôi tiếp tục giả tảng như không nghe tiếng nàng nói, – là một trong những nhạc cụ tốt nhất của nhà Erard: cô nhận lấy. Cô đừng thắc mắc vì tôi thật sự chẳng thể mang nó đi theo được trong cuộc hành trình mà tôi dự định.
Có lẽ do giọng nói buồn bã của tôi mách bảo, hai người đàn bà dường như hiểu tôi và nhìn tôi, giữa những miền băng giá của xã hội thượng lưu, thì ra lại ở đây, chân thực, không phô trương, nhưng thấm thía và có lẽ bền vững.
– Đừng có băn khoăn nhiều như thế, – bà mẹ bảo tôi. – Cậu cứ ở đây. Nhà tôi lúc này đang ở trên đường về rồi, – bà nói tiếp. – Tối nay tôi đã đọc kinh Phúc âm của thánh Jean, còn Pauline thì đeo lủng lẳng giữa những ngón tay chiếc chìa khóa của chúng tôi vẫn buộc vào một quyển Thánh kinh, chiếc chìa khóa đã quay. Điềm đó báo tin rằng ông Gaudin nhà tôi mạnh khỏe và khá giả. Pauline lại bói cho cậu và cho anh thanh niên ở phòng số bảy; nhưng chiếc chìa khóa chỉ quay cho cậu thôi. Tất cả chúng ta sẽ giàu có, ông Gaudin sẽ trở về với bạc triệu. Tôi nằm mê thì ông ấy ở trên một chiếc tàu đầy rắn; may là nước lại đục, như thế nghĩa là có vàng và châu báu ở hải ngoại.
Chú thích:
[1] Nguyên văn là monsieur đọc là mơxiơ (ông), ngày xưa ta nôm na phiên âm là me-xừ, có ý khôi hài, ở đây dịch theo tinh thần khôi hài của tác giả.
[2] Nguyên văn: Lười như con tôm hùm (homard).
[3] Chrysostome hay Bouche d’or (Miệng vàng): Một Đức cha của nhà thờ Thiên Chúa giáo ( thế kỷ IV, V), có tài hùng biện.
[4] Nguyên văn là Caffre là dân xứ Cafferie, một miền ở Đông Nam châu Phi.
[5] Rừng Boulogne là nơi đi dạo của xã hội thượng lưu Paris.
[6] Nguyên văn là ballade: Một loại thơ đề tài huyền hoặc dị thường.
[7] Diderot (1713 – 1784) triết gia kiêm nhà văn Pháp, một đại biểu xuất sắc của phong trào ánh sáng, có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng đương thời.
[8] Đá hoa tỉnh Florence nước Ý, đặc biệt màu xanh xanh vàng vàng có vân.
[9] Vénus de Milo: Bức tượng thần Venus đẹp của Hy Lạp xưa tìm thấy ở đảo Milo.
[10] Lauzun: người hầu cận của vua Louis XIV nổi tiếng vì những chuyện trăng gió với các bà ở xã hội thượng lưu. Câu này ý nói chàng sinh viên luật nghèo không thể ngấp nghé yêu các bà ở tầng gác một (gác một thê đắt nhất) nghĩa là ở xã hội thượng lưu.
[11] Croatia: Lính kỵ mã xứ Croatia xưa (thế kỷ XVII, XVIII) thắt nơ đẹp ở cổ, từ đó có danh từ cravat (cravate), do tiếng Croate nói chệch đi.
[12] Murillo (1617 – 1682): Họa sĩ Tây Ban Nha.
[13] Soult (1762 – 1751): Thống chế Pháp quyết định chiến thắng Austerlitz, ngoại trưởng của Louis – Philippe.
[14] Lescombat: Nữ nhân vật trong một vụ án hình sự gây chấn động dư luận.
[15] Fabliaux: Truyện thơ ngắn dân gian Pháp thế kỷ XII, XIII.
[16] Clarisse Harlowe: Tiểu thuyết của nhà văn Anh Richardson (1689 – 1764): Lovelace, quý tộc đồi trụy, làm nhục Clarisse.
[17] Arsinoé và Araminte là những điển hình văn học của những con người giả mạo đỏm dáng. Acsinoé là nhân vật hài kịch Chàng ghét đời của Molière, và Araminte là nhân vật hài kich Chàng trai già của Congreve, tác giả Anh (1670 – 1729