Bắt Trẻ Đồng Xanh - Chương 5

Thứ bảy nào, bọn tôi cũng được cho ăn cùng một thực đơn hết như ngày vừa đặt chân tới Pencey. Khéo ai cũng tưởng đó là bữa cơm thịnh soạn lắm, bởi có món bíttết.

Tôi dám cuộc một ngàn đôla ăn một: sở dĩ bọn tôi được ăn món đó chẳng qua vì chủ nhật nào cũng có phụ huynh đến thăm trường. Và lão Thurmer chắc cũng nghĩ bụng, thế nào cũng sẽ có một bà mẹ gạn hỏi cậu quý tử tối qua trường cho ăn gì, và thằng con sẽ trả lời chẳng kịp ngẫm nghĩ, bittết. Kỳ tình, đó là một trò bịp, y hệt như mọi trò bịp khác của lão ta. Thì các bạn thử ngắm những miếng bíttết kia xem? Rắn như đế giày, đến mức dao cắt cũng không đứt. Ăn kèm với món bít-tết đó tứ thời là một bát súp thịt nấu nhuyễn với khoai tây cắt quân cờ. Còn đồ tráng miệng dọn ra luôn là bánh Brown Betty, bánh pudding rưới mật. Trừ tụi nhóc mới vào học, với những đứa như thằng Ackley thì bạ gì cũng tọng.

Ăn xong, bọn tôi ra ngoài đi dạo. Tiết trời tuyệt đẹp, trên mặt đất là một lớp tuyết mỏng chừng ba đium. Và tuyết vẫn tiếp tục rơi, như thể đang vui. Đẹp kinh khủng. Bọn tôi bắt đầu vo tròn tuyết lại thành từng nắm nhỏ, rồi ném nhau. Những trò trẻ nít, cố nhiên, nhưng đứa nào cũng thấy thích.

Tôi chẳng biết làm gì nên rủ thằng bạn trong đội đấu kiếm là Mal Brossard đáp xe buýt xuống Agerstown, ăn một đĩa thịt băm viên cho đỡ đói, rồi nếu thích, ghé luôn vào rạp chiếu bóng, xem một cuốn phim ngớ ngẩn gì đó cho đỡ buồn. Hai đứa đều không muốn ru rú suốt cả tối thứ bảy ở nhà. Tôi hỏi Mal – có sao không nếu rủ cả thằng Ackley đi? Tôi định bụng rủ nó, vì nó chẳng bao giờ chịu đi đâu ngay cả tối cuối tuần, – mà cứ ngồi lỳ ở nhà nặn mụn trứng cá. Thằng Mal bảo – chả sao cả, dĩ nhiên – tuy rằng nó chẳng thích lắm vì không ưa thằng Ackley. Thế là hai đứa liền kéo về phòng, thay áo quần, rồi vừa xỏ chân vào ủng đi tuyết, tôi vừa gọi thằng Ackley, hỏi nó có thích xem chiếu bóng thì đi cùng. Tôi biết tiếng tôi vọng qua nhà tắm sang tận bên phòng nó, nhưng nó vẫn chưa vội lên tiếng. Loại người như nó thì chẳng bao giờ chịu đáp ngay những câu người ta hỏi mình. Nhưng cuối cùng, nó cũng ló mặt sang. Nó vén tấm rèm che cửa phòng tắm, rồi vẫn đứng nguyên đó, hỏi có những đứa nào đi cùng? Tứ thời, bao giờ nó cũng phải hỏi rõ, cùng đi có những đứa nào? Nói thật chứ nó mà có bị đắm tàu và được thuyền cấp cứu tới vớt, thì chắc nó cũng phải vặn vẹo chán – đã có những ai ngồi bên trên – rồi mới chịu để người ta vớt lên. Tôi bảo, có thằng Mal Brossard. Nó nói:

– Xì, thứ vứt đi…Nhưng thôi được. Chờ tao một lát.

Nó làm như thể đang ban cho bạn một đặc ân to tát không bằng. Nó sửa soạn chừng năm phút. Trong khi chờ nó, tôi đến bên cửa sổ, mở toang hai cánh, lấy tay vo tròn một nắm tuyết. Tuyết dẻo lạ. Nhưng làm xong, tôi lại chẳng biết vất đi đâu, tuy rằng định vo nó để ném chơi cho khoái. Lúc đầu, tôi định ném xuống chiếc xe đang đỗ phía bên kia đường, nghĩ lại thấy nó sạch bong, trắng toát, nên không nỡ. Tiếp đến, tôi tính vất vào cái ống dẫn nước ở rìa tường, nhưng cái ống dẫn đó cũng sạch sẽ, trắng muốt, y hệt chiếc xe kia. Thế là tôi thôi, chẳng ném cục tuyết nữa. Tôi đóng cửa lại, rồi bắt đầu vê tròn cục tuyết trên tay cho nó rắn thêm chút nữa. Tôi cứ giữ nó trong tay thế cho tới lúc cả bọn lên xe. Người bán vé mở cửa xe, bảo tôi vất nó đi. Tôi bảo không định ném ai, nhưng ông ta không chịu tin. Người lớn họ chẳng bao giờ chịu tin bạn, thật đấy.

Cả Brossard lẫn Ackley đều đã xem cuốn phim ấy, nên chén xong ba đĩa thịt băm viên nóng sốt, bọn tôi đưa nhau vào chơi mấy ván rulét trên máy tự động, rồi quay về. Tôi chẳng tiếc là không được xem phim. Vì chắc đó chỉ là cuốn phim quay lại từ một vở hài kịch vớ vẩn gì đó thôi, do Cary Grant đóng. Vả lại, có lần tôi đã cùng Ackley và Brossard đi xem phim rồi. Hai đứa cứ nhe răng ra cười, ngay cả những đoạn chẳng có gì đáng. Ngồi bên chúng, tôi chán kinh khủng.

Chưa đầy mười lăm phút sau, bọn tôi đã về tới ký túc. Brossard thích đánh bridge, nên chạy đi tìm bạn chơi. Thằng Ackley thì mò sang phòng tôi, cố nhiên. Có điều bây giờ nó không ngồi lên tay vịn chiếc salon của thằng Stradlater, mà nằm sấp trên giường tôi, dụi mặt xuống gối. Vừa nằm xuống, nó đã lên ngay dây cót, cất giọng đều đều tẻ ngắt lải nhải khoe về một con bé mà nó nhăng nhít từ hè năm ngoái, trong khi hai tay vẫn nặn mụn trứng cá liên hồi. Tôi nói xa nói gần đến cả trăm lần với nó, nhưng vẫn chẳng ăn thua. Nó cứ lè nhè suốt về con bé ấy bằng cái giọng tẻ ngắt, mà tôi đã nghe đến cả trăm lượt, mỗi lần nó kể một khác. Lần thì nó quần con bé ấy trong thùng chiếc xe tải nhỏ của ông anh họ. Lần thì kể là dưới gậm cầu thang. Cố nhiên, đều bốc phét tất. Tôi độp thẳng vào mặt nó rằng nó chưa bao giờ động được đến đứa nào. Rồi tôi đành phải nói toẹt vào mặt nó, là muốn làm giúp thằng Stradlater bài luận, để nó cuốn xéo đi cho tôi nhờ, kẻo tôi không thể dồn hết tâm trí lúc đang viết. Rốt cục, nó đành phải chuồn về phòng, dĩ nhiên, phải mất một lúc khá lâu. Khiếp, tôi chưa thấy ai lề mề như nó. Nó vừa đi khỏi là tôi choàng cả véttông lẫn áo ngủ vào cho ấm, chụp chiếc mũ đi săn ngộ nghĩnh lên đầu, và ngồi vào bàn, làm bài luận cho Stradlater.

Khốn nỗi, tôi không tài nào bịa ra được một căn phòng hoặc một nếp nhà, rồi ba hoa đủ thứ như thằng Stradlater dặn. Nói chung, tôi chẳng mấy thích thú với chuyện tả mấy thứ vớ vẩn đó. Vì thế, tôi đành miêu tả lại chiếc găng chơi bóng chày của thằng Allie, em trai tôi. Chiếc găng đẹp kinh khủng. Thằng em tôi vốn thuận tay trái, nên đó là găng bên trái. Nó đẹp vì trên chiếc găng ấy, Allie chép đầy thơ. Cả mặt bên này, lẫn mặt bên kia bằng mực xanh lục. Nó chép thế để ngâm nga những lúc không phải bắt bóng và những lúc chẳng biết làm gì trên bãi. Nó chết lâu rồi, bị bệnh máu trắng hôm 18 tháng Bảy năm 1946, hồi cả nhà còn ở dưới bang Maine. Trông Allie chắc bạn phải mê ngay. Nó kém tôi hai tuổi, nhưng thông minh hơn tôi gấp năm chục lần. Thông minh kinh khủng. Thầy cô nào của Allie cũng viết thư khen mẹ, bảo là được dạy dỗ một học trò như nó thật chẳng gì thích bằng. Họ không nói dối, nghĩ thế nào, viết thế ấy. Nhưng Allie không chỉ thông minh nhất nhà. Nó còn là đứa ngoan nhất nhà, về mọi phương diện. Nó không bao giờ nổi cáu, chẳng bao giờ phát khùng. Tóc nó màu hung. Theo lời thiên hạ, người tóc hung thường cục tính, thế nhưng Allie lại không bao giờ nổi cáu. Tôi kể các bạn nghe xem tóc Allie hung đến mức nào. Tôi bắt đầu học đánh golf lúc lên chín. Một lần, vào mùa xuân, hồi đó tôi mười một, tôi đang mải mê đuổi theo quả bóng nhưng lúc nào cũng có cảm giác ngoái cổ lại là nhìn thấy Allie. Tôi thử ngoảnh lại, quả nhiên thấy nó đang ngồi trên chiếc xe đạp, bên kia là cái bờ rào quanh sân golf, cách tôi một trăm năm chục bước, xem tôi đánh. Đấy, tóc nó hung đến mức ấy đấy! Nó cũng nhộn kinh khủng. Thỉnh thoảng, đang ngồi bên bàn học, nó vụt nảy ra một ý nghĩ gì đó và thế là thình lình phá lên cười, cười lăn cười lóc đến mức suýt ngã xuống đất. Hồi tôi mười ba tuổi, bố mẹ đã tính cho tôi đến khám nhà một ông bác sĩ tâm thần, vì tôi đã đạp vỡ hết sạch sành sanh tất cả cửa kính trong nhà để xe, vào đêm Allie chết. Bằng tay không, cũng chẳng biết làm thế để làm gì. Thậm chí tôi còn muốn đập cả cửa kính chiếc xe tải không mui mà mùa hè năm đó nhà tôi vừa sắm. Nhưng vì tay đã bị mảnh kính cứa đứt mấy chỗ nên tôi không thể đập tiếp. Tôi biết làm thế là ngốc ngếch nhưng tôi hoàn toàn chẳng ý thức được mình đang làm gì. Ngay cả bầy giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy đau tay, nhất là những hôm trời chuyển mưa, đến nỗi không thể co duỗi mấy ngón tay. Nhưng đó là chuyện vớ vẩn. Vì đằng nào thì tôi cũng chẳng định làm bác sĩ phẫu thuật, nghệ sĩ vĩ cầm hoặc nói chung bất cứ một danh nhân nào.

Bài luận tôi làm giúp thằng Stradlater đại để là thế. Về chiếc bao tay của bé Allie đang nằm dưới đáy chiếc vali tôi xách theo. Tôi lôi nó ra, chép lại tất cả những câu thơ ghi trên đó vào bài luận. Tôi chỉ đổi họ của bé đi chút ít, để không ai đoán ra nó là em tôi, thay vì em thằng Stradlater. Tôi không thích thú gì chuyện đổi họ tên nhưng chẳng nghĩ được một cách nào cả. Vả lại, tôi thích tả lại chuyện đó. Tôi ngồi đến cả tiếng đồng hồ bên máy đánh chữ cũ rích của thằng Stradlater, nó cứ nuốt chữ suốt mỗi khi muốn đánh nhanh. Còn chiếc máy của tôi, tôi lại cho một thằng ở đầu hồi đằng kia mượn mất.

Tôi kết thúc bài luận vào lúc gần mười rưỡi nhưng chẳng thấy mệt gì lắm nên đến bên cửa sổ ngắm cảnh vật bên ngoài. Tuyết đã ngừng rơi, xa xa vọng lại tiếng động cơ ọc ạch của một chiếc xe pan. Nghe rõ cả tiếng ngáy của thằng Ackley thổ tả bên phòng nó. Khiếp, cửa phòng tắm đã đóng kín mít thế mà vẫn nghe rõ mồn một những âm thanh khó chịu của nó. Thằng nỡm ấy thôi thì đủ mọi chứng viêm xoang, mụn trứng cá, sâu răng, cả hơi, móng tay sứt sẹo. Đến nỗi tôi phải mủi lòng thương hại nó, cái thằng ngốc khó xơi ấy.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ