Chiến binh cầu vồng - Chương 45: Kế Hoạch C

Xe buýt đưa chúng tôi trở lại ngôi làng, đi ngang qua cửa hiệu Sinar Harapan. Cửa hiệu chẳng hề thay đổi, vẫn một mớ hỗn độn như thế. Bên cạnh mọc lên một cửa hiệu mới Sinar Perkasa – Tia sức mạnh. Anh cu li khiến tôi chú ý. Anh ta cao lớn, tóc dài chấm vai cột lại phía sau như một chiến binh samurai, tay áo xắn lên. Tôi chẳng mấy ngạc nhiên nếu tên cửa hiệu được lấy cảm hứng từ vẻ ngoài của anh cu li nọ.

Anh cu li đó trông rất dễ gần và vui vẻ làm công việc của mình. Anh vác một lượng lớn hàng đã có người mua; mỗi vai một bao gạo, cái lộp xe đạp thì tròng vào cổ, lại còn ôm cả mớ túi ni lông nữa. Anh tếu táo thách ông chủ chất thêm hàng nữa đi vì anh còn sức để vác thêm mà. Vừa cười phá lên ông chủ vừa chất thêm một bao gạo nữa lên vai anh cu li. Anh cu li biến thành một cửa hàng bách hóa di động, thật không tin nổi anh lại có thể mang được ngần ấy.

Tôi cố nén cười khi nhìn anh cu li mang cả núi hàng tiến về phía chiếc xe tải nhỏ đang chờ. Tấp tểnh đi bên cạnh anh là một phụ nữ béo núc, người mua cả đống hàng đó. Một người khác đứng trước cửa hiệu hét lên giọng lo lắng bảo anh cu li đừng có mà ôm đồm quá như thế. Anh cu li vẫn vênh mặt bước đi mặc dù bước chân của anh mỗi lúc một loạng choạng.

Tôi chuyển sang nhìn cửa hiệu Sinar Harapan và cười thầm khi nghĩ về những kỷ niệm trong quá khứ liên quan đến cửa hiệu này. Những xúc cảm đẹp đẽ vẫn nguyên vẹn, dù giờ tôi đã là một người lớn. Rõ ràng, tình yêu của tôi còn đậm sâu hơn đáy những can dầu hỏa vẫn xếp chật ních bên nhau trong cửa hiệu kia. Bên trong chiếc xe buýt lụ khụ này, trong nỗi u hoài vẫn chưa nguôi ngoai, tôi chợt cảm thấy mình thật may mắn khi ít ra cũng đã thổ lộ được lòng mình. Tôi biết chẳng phải ai cũng có được cơ hội ấy, không phải ai cũng có một trải nghiệm tình yêu đầu đời hồi hộp ly kỳ như thế. Dẫu đã mất đi tình yêu đầu đời ấy, tôi vẫn xem mình là một trong những kẻ may mắn.

Chúng ta có thể trở thành những kẻ hoài nghi, luôn nghi ngờ vì đánh lừa chỉ một lần và bởi chỉ một người. Nhưng rõ ràng chỉ cần một tình yêu chân thành cũng đủ để thay đổi toàn bộ nhận thức về tình yêu của ta. Ít ra, trong trường hợp của tôi thì đúng như thế. Mặc dù, suốt cả thời thanh niên của tôi, tình yêu thường đối xử với tôi không tử tế gì nhưng tôi vẫn tin vào nó, tất cả nhờ cô gái có bộ móng tay đẹp đến diệu kỳ ở cửa hàng Sinar Harapan. Giờ cô ở đâu? Tôi không biết, và lúc này tôi cũng không muốn biết. Bức tranh về tình yêu đó đẹp như một ao sen bừng nở, và tôi muốn nó cứ như thế. Nếu tôi không gặp lại A Ling, hình ảnh đó có thể phải mờ đi. Có thể hiện tại tay cô nổi gân xanh, da gợn sóng, bụng chảy xệ, mắt bọng. Cô đã từng là thần Vệ Nữ của biển Đông và tôi muốn nhớ về cô với hình ảnh ấy.

Tôi lấy trong túi ra cuốn sách A Ling tặng – Giá như họ có thể lên tiếng – bằng chứng tình yêu đầu đời của chúng tôi. Ngồi đây trên buýt, tôi nhận ra ngay rằng toàn bộ cuộc sống giờ đây đã rách tả tơi vì luôn được tôi mang theo bên mình. Tấm gương của Herriot, ngôi làng Edensor ông miêu tả và mối liên quan giữa cuốn sách với tình cảm tôi dành cho A Ling đã khơi nguồn cảm hứng cho tôi nắm lấy tương lai với thái độ lạc quan.

Một tuần sau khi quăng bản thảo Cầu lông và kết bạn xuống sống Ciliwing, tôi đọc được bản thông báo về một học bổng thạc sĩ tại một nước thuộc Liên minh châu Âu.

Tôi liền về nhà, vớ lấy giấy bút rồi ngồi vào bàn, đặt tờ giấy ngay ngắn trước mặt và bắt đầu thảo một kế hoạch với những bước thật rõ ràng. Đây là kế hoạch C của tôi: tôi muốn học tiếp!

Tôi học như điên để chuẩn bị thi vào trường Đại học nơi Eryn đang học. Sau khi tôi thi đậu, cuộc sống của tôi dường như đã biến thành một trận chiến. Tôi làm công việc phân loại thư cả ngày lẫn đêm và làm bất kỳ công việc linh tinh nào có thể tìm được để có tiền trả học phí. Tôi chưa tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn quyết tâm giành học bổng thạc sĩ từ Liên minh châu Âu. Tập trung! Tập trung! Đó là câu thần chú của tôi.

Tôi nhanh chóng hoàn tất chương trình đại học và không bỏ phí chút thời gian nào, tôi viết đơn xin học bổng của Liên minh châu Âu.

Tôi dành toàn bộ thời gian trau giồi kiến thức để tham gia bài kiểm tra giành suất học bổng ấy. Tôi đọc sách cật lực.

Tôi đọc trong khi phân loại thư, trong khi ăn, trong khi nằm trên giường nghe những câu chuyện wayang trên radio. Tôi đọc sách trên angkol, xe tải công cộng. Tôi đọc trên becak, xe xích lô, khi ông chủ nói xách mé, và cả trong lễ chào cơ. Nếu người ta có thể đọc trong lúc đi ngủ thì tôi cũng có thể làm được như thế. Có khi tôi đọc trong lúc chơi bóng; tôi thậm chí đọc trong khi đang đọc. Mấy bức tưởng trong phòng trọ đầy rẫy những công thức tính, những bài kiểm tra GMAT, các thì động từ.

Vào tối thứ Bảy, tôi đi chợ Anyar ở Bagor. Tại một kaki lima – quầy bán hàng lưu động – tôi gặp một người Minang bán áp phích. Một khuôn mặt hiền lành với đôi kính tròn khiến tôi chú ý. Tôi biết rằng ở quãng đời này tôi cần cái gì đó khơi nguồn cảm hứng, khao khát, hoài bão. Tôi mua một tấm. Tối hôm ấy, John Lennon mỉm cười trên bức tường phòng trọ của tôi. Bên dưới tấm áp phích, tôi viết câu nói giàu ý nghĩa của ông để luôn nhắc nhở mình cần phải tích cực hơn nữa: Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn trong khi bạn đang mải mê vạch kế hoạch này nọ.

Tôi mau chóng trở thành vị khách trung thành của thư viện LIPI (Viện Khoa học Indonesia) ở Bogor. Giờ tôi luôn đòi làm ca phân loại thư subub mà trước đây tôi ghét cay ghét đắng để được về nhà sớm học bài. Khi công việc nhiều quá, tôi tóm tắt bài đọc trên những mẩu giấy nhỏ – phương pháp ghi nhớ theo mẹo mà trước đây Lintang đã dạy cho tôi. Tôi đọc những mẩu giấy nhỏ ấy trong khi đợi người giao thư đến dỡ những bao thư từ xe tải xuống.

Ở nhà tôi học tới khuya lắc khuya lơ. Lúc này căn bệnh mất ngủ kia đâm ra có ích. Tôi là người mất ngủ làm việc có năng lực dễ sợ. Bất cứ khi nào thấy mệt, tôi lại mở cuốn Giá như họ có thể lên tiếng. Herriot và tôi lại thành bạn chí cốt.

Mình phải giành được suất học bổng ấy, Không một lựa chọn nào khác. Mình phải giành được! Đó là những lời cứ vang lên trong lòng tôi mỗi khi tôi đứng trước gương. Suất học bổng đó là một tấm vé thoát khỏi cuộc sống chả có gì đáng tự hào của tôi hiện giờ.

Bài kiểm tra đầy căng thẳng đó kéo dài liên tục hàng tháng. Nó bắt đầu bằng vòng sơ khảo tại một sân bóng chật ních thí sinh. Bảy tháng sau, tôi vào đến vòng chung kết, phải trải qua một buổi phỏng vấn tại một học viện danh tiếng ở Jakarta. Ở vòng cuối này, người phỏng vấn tôi là một cựu công sứ có gương mặt ưa nhìn và thích hút thuốc. “Một thói quen gớm chết,” tôi nhớ Morgan Freeman nói thế trong một bộ phim.

Tôi đến viện và, lần đầu tiên trong đời, tôi đeo cà vạt. Cái thứ đó quả thật không muốn làm bạn với tôi.

Một phụ nữ mời tôi vào một căn phòng. Quý ông ưa thuốc lá đó đã an tọa với điếu thuốc gắn trên môi.

Ông ta bảo tôi ngồi trước mặt ông và ông quan sát tôi thật lỹ. Hẳn là ông ta nghĩ anh thanh niên nhà quê này chắc chắn sẽ khiến những kiều bào Indonesia ngượng chết đi mất. Rồi ông đọc lá thư trình bày động cơ của tôi – lá thư mà mỗi người tham gia đều phải viết để trình bày lý do họ cảm thấy mình xứng đáng được nhận học bổng.

Vị cựu công sứ rít một hơi thuốc thật sâu và rồi, như một trò ảo thuật, không thấy một chút khói nào nhả ra cả, như thể ông nuốt trọn khói vào trong và để nó nguyên trong ngực một lúc. Mắt ông lim dim, chậm rãi chớp vài cái khi ông tận hưởng chất độc nicotine đang được đưa vào người. Rồi, bằng một nụ cười thỏa mãn đến rợn người, ông nhả khói ra và nó trôi thoảng qua trước mặt tôi.

Mắt tôi cay sè và tôi cố chống lại cơn ho cùng cảm giác buồn nôn, nhưng tôi có thể làm gì chứ? Người đàn ông ngồi trước tôi đây đang nắm giữ tấm vé tối quan trọng cho tương lai của tôi. Mặc dù cơn nôn mửa gần như không kiềm chế được nữa, tôi vẫn cố ngồi thật ngay ngắn và đáp lại ông ta bằng nụ cười gượng gạo như kiểu của mấy cô tiếp viên hàng không.

“Hừm, tôi thích là thư trình bày động cơ của anh đấy. Những lý do anh đưa ra và cách anh diễn đạt bằng tiếng Anh rất ấn tượng.” ông ta nói.

Tôi lại cười, lần này giống nụ cười của một nhân viên bán bảo hiểm.

Ông ta chưa biết đàn ông Mã Lai vốn khéo ăn nói hay sao, tôi thầm nghĩ.

Rồi, vị cựu công sứ xem đến đề xuất nghiên cứu của tôi, trong đó có lĩnh vực tôi tập trung nghiên cứu, tài liệu nghiên cứu và tên đề tài tôi sẽ nghiên cứu nếu tôi nhận được suất học bổng đó.

“Ái chà, cái này cũng khá thú vị đấy!”

Ông muốn nói tiếp, nhưng điếu thuốc thân yêu của ông dường như quan trọng hơn. Ông ta lại rít thuốc. Tôi dám cá rằng nếu ngực ông ta được chụp X-quang, chắc chắn nó chỉ toàn một màu đen. Người đàn ông này thông minh nổi tiếng, không chỉ trên đất nước này mà còn trên khắp thế giới nữa. Những đóng góp của ông cho đất nước này không phải là ít, vậy sao ông có thể chẳng hiểu gì về khói thuốc?

“Ừm, ừm… chủ đề này đáng được nghiên cứu thêm đấy, rất thử thách. Ai hướng dẫn anh viết cái này đây?” Ông mở rộng miệng cười, thong thả nhả khói.

Tôi biết đây là một câu hỏi tu từ không cần câu trả lời. Tôi chỉ cười. Trường Muhammadiyah, cô Mus, thầy Harfan, Lintang và đội Chiến binh Cầu vồng chứ ai nữa, tôi thầm trả lời.

“Tội đợi rất lâu rồi mới có một đề xuất nghiên cứu như thế này đấy. Rồi nó cũng đến, và lại từ một nhân viên bưu điện! Anh đã ở đâu ngần ấy thời gian, anh bạn trẻ?”

Lại là một câu hỏi tu từ nữa, tôi cười, và nghĩ, Edensor chứ đâu.

Đề xuất của tôi là nghiên cứu sâu hơn về phương thức định giá chuyển giao. Tôi đưa ra phương thức này chuyên để giải quyết vấn đề giá cả trong dịch vụ lẫn viễn thông, và nó cũng có thể được sử dụng như một phương thức tham khảo để giải quyết những cuộc tranh chấp kết nối giữa những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tôi phát triển phương thức đó sử dụng phương trình nhiều biến, nguyên lý trước đây Lintang đã dạy tôi.

Không lâu sau đó, tôi bắt đầu đi học tại một ngôi trường đại học ở châu Âu. Hiện giờ tôi nhìn cuộc sống của tôi từ một góc độ khác. Hơn thế nữa, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trả được món nợ ân tình cho trường Muhammadiyah, cho cô Mus, cho thầy Harfan, và cho đội Chiến binh Cầu vồng.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ