Chiến binh cầu vồng - Chương 44: Đoán Ý Thượng Đế

12 năm sau

Một phụ nữ trung niên đi cùng ông tên là Dahrodji tiến lại gần tôi. Lại rắc rối – chắc chắn là rắc rối rồi!

“Thưa bà, nếu muốn nổi giận, bà cứ trút hết lên đầu anh chàng cẩu thả này,” Dahrodji cấm ca cấm cảu nói.

Người phụ nữ, dù khá đứng tuổi nhưng vẫn còn khá thu hút, nhìn tôi soi mói. Bà than phiền một lúc rồi thôi. Cách bà trang điểm, cách bà phát âm chữ R và G là lạ, cách bà nhướng mày, và cách bà nhìn tôi khiến tôi có cảm tưởng bà sống ở nước ngoài đã lâu và bà đã ngán ngẩm với tính thiếu hiệu quả của đất nước này quá thể.

Hẳn là bà gặp phải một vấn đề gì nghiêm trọng lắm. Đúng thế, nó rất nghiêm trọng. Tại tôi mà lá thư hoàn thuế từ hải quan cho bức tranh bà mua bên nước ngoài đến tay bà quá trễ. Tôi đã nhầm lẫn trong lúc phân loại thư. Lẽ ra tôi nên gộp nó vào hộp Giawi nhưng chẳng biết sao lại thảy vào hộp Gunung Sundur. Đã là con người thì ai mà chẳng mắc lỗi chứ!

Tuần này tôi nhầm lẫn ba lần. Tôi đổ thừa là do việc nhiều quá. Dahrodji, trưởng bộ phận, không muốn nghe bất kỳ điều gì về những rắc rối của tôi. Tôi không thể đảm đương nổi khối lượng thư từ ngày càng lớn cũng như số lượng mã bưu điện lạ lẫm ngày càng nhiều.

Tôi bất lực nhìn ba bao thư đánh dấu Union Postale Universelle trong khi người phụ nữ kia luôn miệng phàn nàn. Lúc đó, tôi căm ghét tính cẩu thả của mình quá thể. Một trong những dấu hiệu của sự thất bại là bị khách hàng mắng trước cả khi kịp ăn bữa sáng. Tuy thế, sau một thời gian dài làm việc ở bưu điện, tôi đã tự trang bị cho mình một mánh khóe để có thể điếc đặc tạm thời. Do vậy đối với tôi, tay người phụ nữ kia chỉ như đang vung vẩy hệt Greta Garbo trong một bộ phim trắng đen không tiếng.

“Hoe waak moet ik je nog zeggen!” Bà ném vào tôi mấy lời đó rồi quày quả bỏ đi. Tôi đúng, phải không? Câu nói của bà có nghĩa là “Tôi đã kêu ca nhiều lần rồi mà cậu vẫn cứ làm sai!”

Tôi lại lơ đãng đưa mắt nhìn ba cái bao thư.

Mặc dù hơi chán vì mới bị mắng cho một vố nhưng tôi vẫn phải phân loại thư, vì lúc tám giờ sáng, ca đầu phải chuyển thư đặc biệt. Tôi là nhân viên bưu điện, người phân loại thư, làm việc trong bộ phận chuyển thư vào thời điểm nhạy cảm – ca sáng bắt đầu từ lúc subub, tờ mờ sáng.

Tôi chìm sâu trong nỗi sợ hãi về sự trêu ngươi của số phận. Kế hoạch A của tôi từ mấy năm trước là trở thành nhà văn và vận động viên cầu lông đã tan thành mây khói, mắc kẹt dưới đáy của thùng phân loại thư. Thậm chí kế hoạch B là một nhà văn viết sách về cầu lông cũng chẳng nên cơm cháo gì, mặc dù tận sâu đáy lòng mình tôi vẫn còn giữ lại những lời khích lệ ngọt ngào từ những cựu vô địch cầu lông và Bộ trưởng Giáo dục.

Tôi đã viết xong cuốn sách. Không dưới 34 chương với 100.000 chữ. Để viết được ngần ấy, tôi phải nghiên cứu nhiều về liên đoàn cầu lông. Thậm chí tôi còn nghiền ngẫm văn hóa đại chúng và những khuynh hướng phát triển cá nhân để cho cuốn sách thêm phần phong phú. Ngay cả cái tên cũng rất kêu: Cầu lông và kết bạn. Indonesia chưa từng có một cuốn sách như thế. Rủi thay, vì lý do thương mại, sau khi cân nhắc, chẳng có nhà xuất bản nào chịu in cuốn sách. Họ ưa chuộng loại sách khiêu dâm đày rãy bao cao su, rồi thủ dâm, rồi nào là cực khoái bởi lẽ những loại sách như thế dễ sinh lãi hơn nhiều. Những nhà xuất bản ngớ ngẩn ấy quên béng cái nguyên tắc mens sana in corpose sano mất rồi.

Giờ nhìn tôi mà xem, không hơn gì một người ngày ngày cố trấn an mình. Và dù cố trấn an đến bao nhiêu, cố khiến mình mạnh mẽ đến thế nào đi nữa thì tôi vẫn phải ngoi ngóp dưới cái đống thất bại đang chất cao lên mãi. Trước đây, cô Mus và thầy Harfan đã dạy tôi không được cúi đầu trước dông tố, nhưng vào lúc này, định mệnh đã giáng xuống tôi một cú nốc ao kỹ thuật – một cú KO.

Thế rồi, vào một buổi sáng khó chịu, dưới cơn mưa như trút, tôi dùng dây dựa dẻo bó bốn bản sao cuốn sách của tôi cùng với sáu đĩa bản mềm của cuốn sách lại. Tôi buộc kèm một cái chặn giấy bằng thiếc nửa ký, loại thường được cột vào các bao thư. Tôi chạy về hướng cầu Sempur, Bogor, Tây Java. Rồi, trái tim tan vỡ của tôi nhói lên, tôi nhắm nghiền hai mắt và ném kế hoạch B – cuốn sách về cầu lông tôi đã hăm hở viết xuống sâu dưới đáy lòng Ciliwung. Nếu không bị mắc kẹt dưới mấy hòn đá dưới đáy, nó sẽ trôi theo dòng nước xiết thẳng tiến về Jakarta, mang theo cả những giấc mơ của tôi.

Bất cứ khi nào cảm thấy hoài nghi, tôi thường chạy đến nơi đẹp nhất mình từng biết đến – cái nơi tôi đã phát hiện ra từ hồi còn bé khi một tình yêu lớn lao rơi xuống đời tôi lần đầu tiên ấy. Đó là một ngôi làng xinh xắn với những vườn hoa có tường đá xám bao quanh và những con đường mòn trong cánh rừng rợp bóng mận. Ôi, Edensor, cõi niết bán trong trí tưởng tượng của tôi.

Ngôi làng ấy là nơi chữa lành trái tim tan vỡ của tôi. Cuộc sống càng trở nên khó khăn, tôi càng năng đọc đi đọc lại cuốn sách của Herriot. Tôi thường đến thăm Edensor trong những giấc mơ của mình. Khi tình dậy, tôi thấy ngực đau nhói vì da diết nhớ A Ling, và cuộc sống trở nên không thể nào chịu nổi.

Một ngày, sau khi phân loại thư xong, tôi tới ngồi một mình dưới tán cây bên đồng Sempur gần nhà trọ, trông ra dòng Ciliwung sóng gợn lăn tăn mà trách móc Thượng đế. “Đức Allah, chẳng phải trước đây con đã xin Người nếu có bắt con làm gì thì làm chứ đừng bắt con làm nhân viên bưu điện hay sao? Và đừng cho con làm nghề gì phải bắt đầu từ lúc subub nữa?”

Rõ ràng Thượng đế đã ban tặng cho tôi những gì trái ngược với lời cầu xin của tôi. Thì ra đó là cách làm của Người. Nếu ta xem những lời cầu nguyện và những điều Thượng đế ban tặng là các biến trên hàm tuyến tính của Người, thì chúng không khác gì mùa mưa. Ta chỉ biết đoán mà thôi. Để tôi kể cho bạn nghe chuyện này, bạn tôi à, hành động của Thượng đế rất lạ. Ngài, Thượng đế ấy, không theo một nguyên tắc hay định đề nào cả.

Vậy nên giờ tôi mới ra thế này đây. Có khi nhân viên cục thống kê chính phủ sẽ nói về kiểu người như tôi là những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ công cộng, tiêu thụ 2.100 calo mỗi ngày, và cận nghèo.

Cái nghèo, người bạn chí cốt không rời. Chúng tôi đã là bạn chí thân từ lúc tôi còn nằm trong bụng mẹ cơ. Tôi là một em bé nghèo, một đứa trẻ nghèo, một thiếu niên nghèo và giờ là một người nghèo. Tôi quen với cái nghèo như thể làm quen với việc tắm gội hằng ngày vậy.

Sống một thân một mình, không ai đoái hoài, làm việc mười tiếng đồng hồ mỗi ngày, và nằm ở độ tuổi 20-30, đó là đặc điểm theo nhân khẩu học của tôi. Nhưng đặc điểm tâm thần học của tôi là: một người cô độc đang khát khao tột độ được ai đó để mắt đến. Những người tiếp thị sẽ xem tôi như một khách hàng tiềm ẩn cho các sản phầm làm bóng tóc, thuốc tăng chiều cao, sản phẩm ngăn rụng tóc, thắt lưng, thuốc khử mùi, hay bất kỳ sản phẩm nào có thể làm tăng sự tự tin. Thế giới không ngó ngàng gì đến tôi và đất nước này chỉ biết tôi qua số sổ lao động có chín con số ở công ty bưu đuện nhà nước: 967275337.

Công việc phân loại thư chẳng có gì vui. Công việc này không được học sinh trường PN biểu diễn trong tiết mục nghề nghiệp tại buổi lễ hóa trang. Mỗi ngày, tôi ngập đầu trong hàng chục cái bao đựng thư từ từ những đất nước mà ngay cả cáu tên tôi cũng chưa hề biết đến. Mồ hôi bê bết với bụi bặm. Tương lai dành cho tôi là về hưu trong nghèo túng, thường xuyên đến những trạm xá tình thương nhờ vào tiền bảo hiểm của chính phủ, và rồi chết trong tủi sầu không một ai bên cạnh.

Sau khi xong việc, tôi mệt quá nên chẳng thể giao du gì với ai, và có lẽ bởi vì quá mệt mỏi và chán nản với những giấc mơ không thành, tôi bắt đầu lâm vào một chứng bệnh điển hình của những người chịu áp lực: mất ngủ. Mỗi đêm, nửa tỉnh nửa mê, tôi lơ mơ nghe những câu chuyện wayang trên radio. Hết câu chuyện rồi mà tôi vẫn không ngủ được, và tôi bắt đầu nằm nghe đài cho đến sáng. Bệnh thần kinh rõ ràng đang dần dần nảy mầm trong người tôi.

Sau một đêm khổ sở như thế, sáng sớm – rất sớm, trong khi người Belitong vẫn còn rúc trong chăn ấm đệm êm thì tôi phải lục tục dậy sửa soạn đi làm. Tôi bò ra khỏi giường trong tiết trời giá lạnh và gò người trên con đường dọc theo sông Ciliwing vẫn còn đang phủ mờ sương sớm, xe đến bưu điện để phân loại hàng ngàn lá thư. Khi người Belitong thức dậy, vươn vai ngáp dài rồi rúc lại vào chăn như sâu bướm hay thảnh thơi vừa đọc báo vừa nhâm nhi cốc trà nóng kèm bánh mì nướng, thì tôi cũng dùng bữa sáng của mình – những lời kêu ca từ quý bà người Hà Lan nọ.

Cuộc sống của tôi bây giờ là thế đấy. Tương lai của tôi không sáng sủa và tôi không có bất cứ ý niệm gì về những điều mình sẽ đạt được trong cuộc sống này. Mọi thứ đều thiếu chắc chắn. Chỉ có một điều không trật vào đâu được là tôi là một kẻ thất bại. Tôi rủa xả bản thân mỗi lần phải đứng trên sân bưu điệm vào ngày 17 hằng tháng trong buổi lễ chào cờ của Liên đoàn Nhân công Chính phủ Indonesia.

Nếu vẫn còn có gì gọi là tốt đẹp trong cuộc đời tôi thì đó là Eryn Resvaldya Novella. Con bé lanh lợi, ngoan đạo, xinh đẹp và nhận hậu. Hai mươi mốt tuổi. Tôi gọi con bé là người lĩnh thưởng bởi vì nó vừa được nhận phần thưởng dành cho sinh viên xuất sắc nhất tại một trường đại học danh giá nhất Indonesia, nơi nó học ngành tâm lý học. Cha của Eryn là anh tôi, mới bị PN sa thải nên tôi gánh trách nhiệm chu cấp chi phí học hành của đứa cháu gái.

Cứ trông thấy Eryn và niềm say mê học tập của nó, thái độ tích cực của nó và sự thông minh ánh lên trông đôi mắt nó là những mệt mỏi sau ngày làm việc của tôi chợt tan biến đâu mất. Tôi sẵn sàng làm thêm những công việc linh tinh khác như dịch tiếng Anh, đánh máy, hay phô tô ngoài giờ làm. Tôi hy sinh tất cả, kể cả phải bán đi chiếc máy cát xét, tài sản có giá trị nhất của tôi, để có tiền cho Eryn ăn học.

Trải nghiệm cay đắng với Lintang thật đau buồn. Có lúc tôi làm việc thật cật lực cho Eryn có tiền ăn học để nguôi ngoai cái mặc cảm tội lỗi vì trước đây không thể giúp đỡ Lintang. Eryn đã mang đến cái cảm giác rằng dù cuộc sống của tôi có khốn khổ đến mấy, có thất bại như thế nào đi chăng nữa thì ít ra tôi vẫn còn có ích phần nào cho thế giới này. Cuộc đời tôi chả có gì để cho tôi tự hào nhưng tôi muốn cống hiến đời mình cho một điều quan trọng nào đó. Eryn là điều có ý nghĩa duy nhất trong cuộc sống của tôi.

Eryn đang lâm vào tình trạng hoảng loạn. Đề cương luận văn của nó hết lần này đến lần khác bị thầy hướng dẫn từ chối. Chắc cũng đến mấy chục lần rồi. Nó đã học xong và giờ còn năm tháng nữa để tìm một đề tài phù hợp cho luận văn tốt nghiệp. Cùng với lá thư từ chối gần đây nhất, thầy hướng dẫn của nó đính kèm mười lăm trang liệt kê đề tài của những sinh viên khác đã chọn. Tôi xem tất cả những tên đề tài đó. Đúng là gần ba mươi sinh viên chọn nghiên cứu về sự rối loạn nhân cách, hàng chục đứa khác chọn viết về sự thỏa mãn nghề nghiệp, hội chứng Down và dạy trẻ. Vô số sinh viên khác viết về bệnh tự kỷ.

Thầy hướng dẫn của Eryn yêu cầu nó nghiên cứu về một điều gì đó mới mẻ, khác lạ, điều gì đó sẽ mang đến đột phá mang tính khoa học vì nó là sinh viên đạt giải thưởng. Tôi cũng đồng ý với thầy.

Thật ra, Eryn đã nghĩ đến một chủ đề chưa sinh viên nào nghiên cứu. Nó hăng hái nói với tôi nó sẽ nghiên cứu một tình trạng tâm lý theo đó một cá nhân hoàn toàn bị phụ thuộc vào một cá nhân khác đến mức không thể làm bất cứ điều gì nếu thiếu người mà anh/ cô ta bị phụ thuộc. Nó đã trình bày ý tưởng với thầy hướng dẫn và ông đã đồng ý.

Cái khó ở đây là loại tình trạng đấy rất hiếm thấy. Đã từng có một vài trường hợp sống phụ thuộc, nhưng ở mức độ thấp nên không cần điều trị đặc biệt. Eryn đang tìm kiếm một trường hợp phụ thuộc ở mức độ cao. Khi tiến hành tìm kiếm đối tượng cho bài nghiên cứu của mình, nó đã liên hệ với nhiều nhà tâm lý học, giáo sư đại học, bệnh viện thần kinh, các bác sĩ làm việc ở bệnh viện thần kinh trên khắp Indonesia. Gần bốn tháng ròng rã mà Eryn vẫn không tìm thấy một trường hợp nào. Nó dần trở nên nản lòng.

Nhưng, hôm nay, vận may đã mỉm cười với Eryn. Nó nhận được một lá thư từ giám đốc bệnh viện thần kinh Sungai Liat ở Bangka cho biết họ đang điều trị một trường hợp mà Eryn đang tìm kiếm.

Chúng tôi thấy phấn khởi ghê gớm vì đảo Bangka nằm cạnh đảo Belitong. Hai hòn đảo này thuộc cùng một tỉnh, Bangka – Belitong. Vậy nên khi Eryn bảo tôi đi cùng nó, tôi ngay lập tức xin nghỉ việc. Chúng tôi cũng định về thăm quê nhà ở Belitong.

Bệnh viện tâm thầm Sungai Liat cũ lắm rồi. Nó được người Hà Lan cho xây và người Belitong gọi nó là Zaal Batu hay phòng đá, vì những bức tường phòng khám được làm toàn bằng đá. Vì không có bệnh viện tâm thần nào khác tại Belitong – đến giờ này vẫn y như thế – nên người dân nơi đây khi mắc chứng thần kinh trầm trọng thường được chuyển bằng đường thủy đến bệnh viện thần kinh ở Bangka. Vì lý do đó mà trong suy nghĩ của người Belitong, Zaal Batu luôn mang một ý nghĩa đau đớn, tuyệt vọng và tăm tối.

Khi chúng tôi đến nơi, tiếng cầu kinh râm ran từ khắp các nhà thờ xung quanh Zaal Batu. Chúng tôi bước vào tòa nhà màu trắng cũ kỹ có những cái cột cao ngất ngưởng ấy.

Ngoài mấy cái cột đó còn có những cánh cửa sắt với ổ khóa to cộ, những phòng thuốc đầy chai lọ thấp, những cái bàn khám có thể đẩy đi được, nhân viên đồng phục trắng, những bệnh nhân nói chuyện một mình hay nhìn bâng quơ bằng ánh mắt dài dại. Ở đó tỏa ra mùi bệnh viện.

Một y tá nam lại gần chúng tôi. Anh ta biết chúng tôi đã có hẹn, nên mở cửa ngay. Chúng tôi bước vào một hành lang dài giữa hai dãy phòng bệnh. Tôi nhìn vào mặt mấy bệnh nhên đằng sau những chấn song thép. Tôi cảm thấy những chấn song đó dần biến thành mấy chục cái chân người, và nơi khoảng trống giữa những cái chân đó, tôi trông thấy một khuôn mặt rỗ quen thuộc. Nỗi buồn tỏa ra từ bệnh viện tâm thần lại mở ra căn phòng tối trong đầu tôi – nơi Bodenga ẩn náu.

Người y tá đưa chúng tôi đến phòng giáo sư Yan, giám đốc bệnh viện, người đã viết thư cho Eryn. Vị giáo sư ấy có khuôn mặt điềm tĩnh, và ông liên tục lần tasbih – tràng hạt.

“Đây là một trường hợp luyến mẫu nghiêm trọng.” ông nói với giọng nặng nề.

“Anh thanh niên này không rời khỏi mẹ mình lấy một phút. Nếu tỉnh giấc mà không thấy mẹ thì anh ta lập tức thét lên cuồng loạn. Tình trạng phụ thuộc kinh niên này cuối cùng khiến bà mẹ cũng phát điên theo. Cả hai đã ở đây gần sáu năm nay.”

Câu chuyện thật quá đau lòng.

Giáo sư Yan dẫn chúng tôi đến một căn phòng biệt lập. Tôi không dám hình dung những gì mình có thể sẽ trông thấy ngay sau đó. Tôi có đủ dũng khí để chứng kiến sự đau đớn khủng khiếp đến nhường ấy hay không? Tôi có nên đợi ở ngoài không? Nhưng đã quá muộn – giáo sư Yan đã mở cửa căn phòng ấy mất rồi.

Chúng tôi đứng ngay bậc cửa. Căn phòng rộng và im lặng đến ghê người. Ánh sáng duy nhất tỏa ra từ một bóng đèn thấp lè tè không đủ chiếu sáng lên trần. Chẳng có đồ đạc gì ngoài một băng ghế hẹp dài ở tít góc phòng.

Và ở ngay trên chiếc ghế dài đó, cách chúng tôi khoảng mười lăm bước chân, hai con người đáng thương ấy ngồi sát vào nhau, một mẹ một con. Nét mặt họ lo lắng, như thể họ đang van xin được cứu vớt.

Người con trai gầy trơ xương ngồi thẳng lưng, mái tóc dài phủ hết mặt. Tóc mai, lông mày, cả râu quai nón rậm và rối bù. Da xám xịt.

Người mẹ thì yếu ớt mảnh dẻ. Mắt bà ẩn chứa nỗi sợ hãi cùng cực. Bà mang đôi dép tông quá khổ. Nét mặt bà chất chứa nỗi chịu đựng căng thẳng.

Hai con người đó nhìn chúng tôi lần lượt từng người một nhưng đầu vẫn không ngẩng lên. Người con trai bám lấy tay bà mẹ. Khi chúng tôi vào phòng, anh ta nép sát hơn vào mẹ. Tôi xin phép ra khỏi căn phòng đau đớn đó; cảnh tượng đó ập lên người tôi như thể một tấn gạch vậy.

Giáo sư Yan giúp Eryn phỏng vấn hai bệnh nhân. Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, cuộc phỏng vấn kết thúc.

Eryn ra dấu cho tôi vào chào hai mẹ con bệnh nhân ấy. Tôi trở vào căn phòng và cố mỉm cười mặc dù tim tôi như vỡ ra khi hình dung nỗi đau mà họ phải chịu đựng.

Ba chúng tôi ra khỏi phòng. Eryn và giáo sư Yan đi trước tôi. Tôi ra cuối cùng nên quay người lại đóng cánh cửa. Và ngay lúc ấy, tôi giật bắn mình – có tiếng người gọi.

“Ikal…”

Eryn và giáo sư Yan cũng sửng sốt không kém. Chúng tôi nhất loạt quay người lại. Không có ai khác trong phòng ngoài chúng tôi và hai con người đáng thương kia. Tiếng gọi đó rõ ràng là phát ra từ căn phòng mà chúng tôi vừa mới ra khỏi. Tôi do dự định đến mở cửa phòng.

“Ikal,” giọng nói ấy lại vang lên.

Đúng là một trong hai bệnh nhân đó gọi tên tôi.

Tôi xoay nắm cửa và vội bước vào. Tôi cẩn trọng tiến về phía hai con người đó, rồi dừng lại cách họ chừng ba mét. Cả hai đứng lên. Tôi quan sát họ thật kỹ. Người mẹ gục đầu xuống còn người con trai thì đang khóc. Môi anh ta run lên khi liên tục thốt gọi tên tôi như thể anh đã đợi tôi từ mấy năm nay. Anh vẫy tôi đến gần. Vẫn chưa hết bàng hoàng, tôi bước tới đằng trước để nhìn họ rõ hơn. Người thanh niên vén tóc để lộ khuôn mặt, và tôi lặng người đi vì kinh ngạc. Tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi như muốn hét lên. Tôi biết người thanh niên đó – Trapani.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ