Ít ngày sau chuyện thanh tra của ông Samadikun, đơn hàng biểu tượng quốc gia của chúng tôi mới đến nơi. Chúng tôi treo những biểu tượng ấy vào đúng những vị trí trang trọng theo quy định. Lý Tiểu Long và John Lennon không muốn gây chiến nữa. Hai người chấp nhận cuộc đảo chính đó trong hòa bình.
Chẳng được bao lâu. Ba ngày sau, có vài đốc công PN vào lớp xin phép cô Mus cho dỡ mấy tấm ảnh biểu tượng quốc gia xuống. Rõ ràng họ không muốn mấy cái máy xúc giật đổ các biểu tượng quốc gia để rồi bị dính líu vào kiện tụng. Họ biết rằng luật pháp bảo vệ những biểu tượng ấy; trong khi đó, chúng tôi – mười một học sinh, những cư dân bản địa Belitong, công dân Indonesia – và ngôi trường làng nghèo một trăm năm tuổi dường như chẳng là gì cả. Chẳng có luật nào phạt PN nếu họ giật đổ trường và cướp đi quyền học hành của bọn trẻ chúng tôi, và chẳng có luật pháp nào bảo vệ chúng tôi.
Ngày càng nhiều máy móc khai thác được đưa đến, hết cái này đến cái khác. Những cái máy xúc đang đến gần. Những cái máy khổng lồ, to cỡ sân bóng và cao bằng dứa, hướng những cái xúc về phía trường chúng tôi. Ngôi trường ngồi thụp xuống như con thỏ tê liệt cả thân mình khi bị một bầy linh cẩu bao quanh.
Suốt gần hai năm trời, chúng tôi luôn nơm nớp dưới áp lực từ phía ông Samadikun. Cuối cùng chúng tôi cũng thuyết phục được ông. Nhưng PN không phải thứ có thể chống lại được. Hàng trăm năm nay, không ai có thể ngáng đường họ trong việc khai thác thiếc. Nếu phải đền bù thì túi tiền của họ vô hạn. Đối với những cái máy xúc, việc đào xới vườn tược, chợ quán, nhà cửa, thậm chí cơ quan chính quyền cũng là chuyện bình thường. Một ngôi trường nghèo xiêu vẹo chỉ là chuyện vặt, chẳng hơn gì một hạt bụi dưới móng tay của PN.
Mặc dù rất mong được giữ lại ngôi trường, nhung chúng tôi cũng phải thực tế. Chúng tôi chẳng thể địch lại PN. Và vì thầy Harfan đã qua đời, tinh thần cô Mus không còn quật cường được như trước. Cô đâm ra thường xuyên hỏi chúng tôi liệu cô có thể thôi dạy chúng tôi được không. Chuyện này từ trước tới giờ chưa từng xảy ra.
Cứ đến giờ nghỉ giải lao, chúng tôi lại ngồi ủ ê nhìn một nửa sân trường đã bị phá nát. Đây là thử thách lớn nhất mà chúng tôi từng đối mặt, mỗi ngày trôi qua nỗi thất vọng trong chúng tôi lại lớn dần lên. Cô Mus nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô vọng. Có một điều khiến cô còn sợ hơn cả chuyện ngôi trường bị những cái máy xúc giật đổ, và thầy Harfan quá cố cũng có cùng nỗi sợ ấy. Và rốt cuộc, điều mà hai người sợ nhất đã đến.
Hôm nay là ngày thứ tư không thấy Kucai vác cái đầu to tướng của nó đến lớp. Lớp chúng tôi hỗn loạn cả lên vì thiếu chàng lớp trưởng huyền thoại. Cô Mus hỏi cha Kucai về chuyện đó, thì ông cho biết sáng nào nó cũng đến trường. Cả lớp xôn xao.
Sau khi hỏi thăm nhiều người, hóa ra Kucai theo mấy đứa làng bên cạnh đi hái tiêu thuê.
Hôm thứ Tư thằng Kukai nhận tiền công. Tối hôm đó, sau buổi học kinh Koran ở thánh đường al-Hikmah, Kucai lôi ra một nắm tiền giấu bên trong xà rông. Nó vừa liếm đầu ngón tay vừa đếm đi đếm lại chỗ tiền đó, hệt nhân viên thu ngân cửa hàng cầm đồ. Nó chả biết thừa số tiền ấy là bao nhiêu rồi. Không một lời nào thốt ra từ cái miệng tinh quái của nó. Ấy quả thật là một sự lôi kéo chết người. Lôi kéo hóa ra là biệt tài tiềm ẩn của Kucai.
Ngày hôm sau, đến lượt Samson.
Việc Samson vắng học vào ngày thứ Năm quả thật là bất thường – vì hôm nay có môn Thể dục và Sức khỏe, môn học nó yêu thích.
Chúng tôi chẳng thấy tăm hơi nó đâu trong suốt một tuần. Tối thứ Tư tuần sau đó nó đến lớp học kinh Koran với cơ thể đen trùi trũi và cơ bắp cuồn cuộn, hơn cả trước đây nữa. Nó đi làm cu li cùi dừa khô. Nó lôi từ trong xà rông ra một cái chai.
“Dầu mọc tóc mới nhất, sản xuất tại Pakistan đây!” nó nói giọng tự hào.
“Đắt lắm đấy nhé,” nó tuyên bố chắc nịch, vuốt vuốt hình một người đàn ông có râu quai nón trên chai.
“Dầu này làm bằng mồ hôi của thằn lằn đấy! Rất hiệu quả! Thậm chí tụi bay bôi lên trán thì chỗ đó cũng mọc ra tóc được đấy,” nó vừa nói vừa chà chà trán tôi.
Rồi nó mở cúc áo ra. Ôi trời ơi, quả thật là thế rồi! Ngực Samson mọc đầy lông. Hai cánh mũi nó phập phồng sung sướng khi trông thấy tôi trố mắt ra ngạc nhiên đến vậy. Nó cài cúc áo lại, khiến chúng tôi có thể thấy được môt sự thật hết sức ấn tượng rằng học sáu năm ở trường chẳng thể mua được một thứ gì, trong khi chỉ vỏn vẹn sáu ngày vác cùi dừa khô nó đã có thể mua được một thứ thuốc đặc biệt sản xuất tại Pakistan!
Ngày hôm sau, Mahar biến mất.
Rõ ràng là nó dành thêm thời gian cho công việc mài dừa của nó. Lúc đầu nó làm việc này ngoài giờ học – làm nửa thời gian, nhưng giờ thì toàn thời gian luôn. Chuyển công việc từ bán thời gian sang toàn thời gian như vậy chỉ có nghĩa là: trường ơi, từ giã nhé. Ba ngày sau, thừa lúc thầy giáo dạy kinh Koran không để ý, nó lôi thứ gì đó ra khỏi xà rông: một cái côn nhị khúc! Vũ khí tối thượng của Lý Tiểu Long! Thằng Mahar vô cùng hãnh diện. Nó đã muốn mua một cái côn nhị khúc như thế này từ lâu lắm rồi, giờ ước mơ ấy mới trở thành hiện thực.
Thật không may, bất kỳ điều gì thằng Mahar làm, ắt hẳn đồ đệ trung thành của nó – thằng A Kiong – cũng nối gót theo sau.
Một buổi sáng thứ Hai, không thấy cái chóp mũi nhòn nhọn và cái đầu hình hộp của thằng A Kiong đâu cả.
Thằng A Kiong không muốn làm xa chỗ sư phụ Mahar của nó. Nó chọn nghề bán bánh. Nó đội thau bánh trên đầu rao bán khắp chợ trong khi thằng Mahar mài dừa tại một cửa hàng của người Hoa.
Thằng A Kiong nói với tôi rằng đội mấy cái bánh ướt trên đầu thực sự có vẻ là một công việc có triển vọng.
“Mày nên làm việc này hơn là lặn xuống nước lấy mấy trái banh golf Ikal à. Bán bánh không nhọc mấy mà lại dễ kiếm, hơn nữa mày không phải đụng độ với lũ cá sấu nữa.”
Tôi nghĩ về những việc chúng tôi thường làm để kiếm tiền, lặn để lấy lên những trái golf bị đám người mới phất, nhân viên PN và những người mới tập tành chơi golf đánh rơi xuống hồ mà họ thì không thể tự mình xuống đó lấy lên được. Rồi chúng tôi bán đám banh đó cho mấy người phục dịch hội đánh golf.
A Kiong vỗ vỗ vào mấy đồng xu nơi cái túi phông phồng, từ đó phát ra tiếng kêu xủng xoẻng. Tiếng kêu đó mê hoặc tôi.
Thứ Hai tuần kế đó, tôi – Ikal – bỏ học ra chợ bán bánh.
Kể từ ngày đầu tiến đặt chân đến ngôi trường này, chúng tôi không ngớt đau buồn bởi sự trớ trêu. Sự trớ trêu mới nhất là Kucai: Lớp trưởng, người mà chúng tôi nghĩ là có thể lên tinh thần cho chúng tôi, đã bỏ học và rồi sau đó kéo theo phản ứng dây chuyền, cái phản ứng có thể khiến trường tôi không còn một đứa học sinh nào. Như tôi vẫn luôn nói bạn rồi đấy, bạn tôi ơi, đó là bản chất cơ hội của chủ nghĩa của một chính trị gia bẩm sinh.
Chỉ còn lại Sahara, Flo, Trapani, Harun, Syahdan và Lintang trong lớp. Thực ra, thằng Syahdan cũng muốn tiếp tục bám trụ, nhưng cô Mus lúc nào cũng than vãn về chuyện ra đi của thầy Harfan khiến không khí trong lớp bao trùm một màu bi quan. Chỉ với một cái huých tay của thằng Kucai, Syahdan lỉnh khỏi lớp để đi làm công việc thợ xảm thuyền.
Một đứa vẫn còn ham học, dù lốp xe mòn vẹt, dù xích xe được buộc chặt bằng dây bện nhựa, và hai lượt đi về thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị cá sấu tấn công – đó là Lintang. Nó không mảy may để ý đến mấy đứa trong lớp thi nhau trốn học và cả chuyện mấy cái máy xúc nữa. Nó vẫn cố đến lớp sớm nhất và về nhà cuối cùng.
“Tao sẽ tiếp tục học cho đến khi cây cột thiêng chống đỡ ngôi trường này đổ,” nó nói với tôi giọng chắc nịch.
Cây cột thiêng ấy là một di vật của thầy Harfan, và Lintang luôn xem nó như biểu tượng cho những nỗ lực của trường chúng tôi.Vì cô Mus không thường xuyên đến lớp nữa nên Lintang đảm nhận luôn công việc của cô. Nó dạy tất cả các môn, từ Toán cho đến Lịch sử Hồi giáo, giống như cô Mus. Học trò của nó là Sahara, Flo, Trapani và Harun. Cả năm đứa học sinh trung thành đó kiên quyết tiếp tục học.
Cô Mus vô cùng ngạc nhiên khi nghe Muji bảo cô rằng, nhìn xa, trông cứ như trường chúng tôi vẫn có học sinh đến học ấy. Cô tự hỏi, Những học sinh ấy có thể là ai được nhỉ? Chẳng phải ngôi trường bây giờ phải bỏ trống để cái máy xúc đến làm việc hay sao?
Cô nhảy lên xe đạp, đạp hết tốc lực về phía ngôi trường.
Đến sân trường, cô tựa xe vào cây filicium. Cô nghe thấy lõm bõm tiếng được tiếng mất từ lớp học. Cô hồi hộp lại gần và ghé mắt nhìn qua khe nứt trên tường. Người cô run lên khi thấy Lintang đang kể cho Sahara, Flo, Trapani và Harun nghe câu chuyện tổng thống đầu tiên của Indonesia – Soekarno – cố gắng tiếp tục học tập vì nền độc lập của Indonesia ngay cả khi ông bị quân Hà Lan bỏ tù ở Bandung.
Nước mắt tuôn trào trên mặt cô Mus. Cô đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ấy để thắp lên ngọn lửa quyết tâm trong lòng chúng tôi, để nhắc nhở chúng tôi rằng dù thế nào đi nữa cũng phải cố gắng bám trường bám lớp.