Cây Cam Ngọt Của Tôi - Chương 3: NHỮNG NGÓN TAY GẦY GUỘC CỦA NGHÈO TÚNG

Khi tôi tâm sự với bác Edmundo về rắc rối của mình, bác đăm chiêu suy nghĩ một hồi.

“Vậy đó là chuyện khiến cháu lo lắng hả?”

“Vâng ạ. Cháu lo là khi chúng cháu chuyển nhà, Luciano sẽ không đi theo chúng cháu.”

“Cháu có nghĩ rằng con dơi đó thực sự thích cháu không?” “Tất nhiên rồi ạ.”

“Thích từ tận đáy lòng chứ?”

“Chắc chắn thế.”

“Vậy thì cháu cứ yên tâm, nó sẽ đi. Có thể nó sẽ mất một thời gian mới xuất hiện ở nhà mới được, nhưng một ngày nào đó nó sẽ tìm ra đường đến đấy thôi.”

“Cháu đã nói cho nó tên phố và số nhà rồi.”

“Ồ, vậy sẽ càng dễ hơn. Nếu không thể đến vì còn vướng bận chuyện này chuyện kia, nó sẽ gửi một người anh em họ hàng nào đấy đến thay và cháu thậm chí sẽ không bao giờ nhận ra sự khác biệt ấy chứ.”

Nhưng tôi vẫn không thấy thuyết phục cho lắm. Địa chỉ có ý nghĩa gì đâu nếu Luciano không biết đọc? Có thể nó sẽ vừa đi vừa hỏi thăm chim chóc, bọ ngựa hoặc lũ bướm.

“Đừng lo, Zezé. Dơi rất giỏi xác định phương hướng đấy.” “Xác định cái gì cơ, bác?”

Bác giải thích cho tôi “phương hướng” nghĩa là gì và tôi càng bị ấn tượng hơn trước khối kiến thức của bác.

Nhẹ bớt một nỗi lo, tôi lại đi khắp nơi để kể cho mọi người kế hoạch chúng tôi đang ấp ủ: cuộc chuyển nhà. Hầu hết người lớn đáp lại với vẻ phấn khởi, “Cháu sắp chuyển nhà sao, Zezé? Ôi tốt quá! Tuyệt vời! Thật nhẹ cả người!”

Người duy nhất tỏ ra điềm nhiên là Biriquinho.

“Tin tốt là nhà mới của cậu chỉ cách đây vài con phố. Cậu sẽ vẫn ở gần đây thôi. Thế còn chuyện tớ bảo cậu thì sao?”

“Nó diễn ra vào lúc nào ấy nhỉ?”

“Ngày mai, tám giờ, ở cửa sòng bài. Nghe đồn ông chủ nhà máy đã đặt mang đến cả một xe tải đồ chơi. Cậu đi chứ?”

“Đi. Tớ sẽ đưa Luís theo. Cậu có nghĩ tớ cũng sẽ nhận được món gì đó không?”

“Tất nhiên. Cậu cũng là một đứa nhóc như nó thôi mà. Sao thế? Cậu nghĩ là mình lớn quá rồi à?”

Nó đến gần hơn và tôi có cảm giác mình vẫn bé xíu. Bé hơn tôi nghĩ.

“Bởi vì nếu tớ đến lấy một món quà thì… Thôi, giờ tớ còn có việc. Gặp cậu ở đó nhé.”

Tôi về nhà, quanh quẩn bên Gloria.

“Có chuyện gì vậy, Zezé?”

“Ngày mai nếu chị có thể đưa chúng em đến sòng bài thì tuyệt. Có một xe tải chất đầy đồ chơi từ thành phố về.”

“Ôi Zezé. Chị có cả núi việc phải làm. Chị phải là quần áo, chị phải giúp chị Jandira chuẩn bị mọi thứ để chuyển nhà, chị phải canh mấy cái nồi trên bếp…”

“Một nhóm học viên trường sĩ quan từ vùng Realengo sẽ đến đấy.”

Ngoài việc sưu tầm tranh của nam diễn viên Rudolph Valentino, hay Rudy theo cách gọi của chị, và dán chúng vào một cuốn sổ tay, Gloria còn mê mẩn các học viên trường sĩ quan.

“Em đang đùa chị hả Zezé. Gặp các học viên trường sĩ quan vào lúc tám giờ sáng ư? Đừng hòng lừa chị! Đi chỗ khác chơi đi, Zezé.”

Nhưng tôi không dễ dàng bỏ đi như vậy.

“Chị biết mà, Gló, có phải vì em đâu. Em đã hứa với Luis là sẽ đưa nó đi. Nó còn quá nhỏ. Ở vào tuổi nó thì bọn trẻ con có nghĩ đến cái gì khác ngoài lễ Giáng sinh đâu.”

“Zezé, chị đã nói rồi, chị sẽ không đi. Và đừng có bịa chuyện: chính em mới là đứa muốn đi. Em còn cả đời để kiếm quà Giáng sinh mà.”

“Nhưng nhờ em chết thì sao? Nhỡ em chết mà không nhận được món quà Giáng sinh nào cho năm nay thì sao?”

“Em sẽ không chết sớm vậy được đâu, ông cụ non ạ. Em sẽ sống lâu gấp đôi bác Edmundo hay ông Benedito. Nào, lằng nhằng đủ rồi đấy. Đi chơi đi.”

Nhưng tôi vẫn không đi. Tôi đảm bảo rằng dù chị có đi đâu thì hình ảnh tôi cũng đập vào mắt chị. Gloria đi đến chỗ tủ com mốt để lấy thứ gì đó và thấy tôi đang ngồi trên ghế bập bênh, ngước nhìn chị với ánh mắt cầu xin. Việc nhìn Gloria bằng ánh mắt đáng thương để năn nỉ quả thật ít nhiều có tác dụng. Khi chị đi đến chỗ chậu lấy nước, tôi ngồi ở ngưỡng cửa nhìn chị. Khi chị đi đến phòng ngủ để lấy quần áo đi giặt, tôi ngồi trên giường, tay chống cằm, nhìn…

Chị không thể phớt lờ tôi được nữa.

“Đủ rồi, Zezé. Chị đã nói với em rồi, không là không. Chúa ơi, đừng thách thức sức chịu đựng của chị. Đi chơi đi.”

Nhưng tôi vẫn không đi. Có nghĩa là tôi nghĩ tôi sẽ không đi. Nhưng Gloria đã tóm lấy tôi, lôi ra cửa và ném phịch xuống sân sau. Rồi chị trở vào trong, đóng cửa bếp và cửa phòng khách lại. Tôi không bỏ cuộc. Vì bây giờ chị đang bắt đầu phủi bụi và dọn giường, tôi quyết định ngồi bên ngoài mọi ô cửa sổ chị sẽ đi qua. Chị bắt gặp tôi đang nhìn trộm, bèn đóng cửa sổ lại. Cuối cùng thành ra chị phải đóng kín cả ngôi nhà để không phải nhìn thấy tôi nữa.

“Đồ ích kỷ! Đồ phù thủy độc ác! Em cầu mong chị sẽ không bao giờ lấy được một học viên trường sĩ quan. Em ước chị sẽ cưới phải một gã lính trơn thậm chí chẳng đủ tiền để mà đánh bóng đôi bốt.”

Khi nhận ra mình chỉ đang phí thời gian, tôi đùng đùng lao ra đường.

Tôi tình cờ gặp Nardinho đang chơi. Nó ngồi chồm hổm, nhìn say mê một cái gì đó đến mức quên hết mọi thứ xung quanh. Tôi bước đến. Nó đã làm một cái xe kéo nhỏ bằng hộp diêm và buộc vào đó con bọ cánh cứng to nhất trần đời.

“Ối chà chà!”

“Ta nhở?”

“Muốn đổi không?”

“Sao?” “Bao nhiêu cái?” “Hai.”

“Nếu mày muốn vài cái thẻ bài…”

“Mày đùa hả. Con bọ cánh cứng lớn chừng này mà mày chỉ định đổi cho tao hai cái thẻ?”

“Có cả đống bọ cánh cứng như con của mày ở cái mương sau nhà bác Edmundo đấy.” bài.”

“Tao sẽ đổi lấy ba thẻ “Ba cái, nhưng mày không được chọn.” “Không chơi thế. Tao sẽ phải được chọn ít nhất hai cái.” “Được rồi.”

Tôi có vài cái thẻ hình nữ diễn viên Laura La Plante nên đưa cho nó một cái. Còn nó chọn một cái hình diễn viên điện ảnh Hoot Gibson và một cái khác hình

Pansy Ruth Miller. Tôi bỏ con bọ cánh cứng vào túi quần và đi tiếp.

“Nhanh lên nào Luis. Chị Gloria đi mua bánh mì rồi còn chị Jandira thì đang ngồi đọc sách trên ghế bập bênh.”

Chúng tôi bò rạp qua hành lang đến nhà vệ sinh. Tôi giúp nó đi tè.

“Cố tè cho hết đi vì ban ngày chúng ta không được phép tè trên đường phố đâu.”

Sau đó, tôi vốc nước từ trong chậu té lên mặt nó. Tôi cũng làm vậy với chính mình rồi chúng tôi trở lại phòng ngủ.

Tôi mặc quần áo cho nó mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào. Tôi đi giày cho nó. Mấy cái tất chết tiệt! Chỉ tổ vướng chân. Tôi cài khuy chiếc áo vét nhỏ màu xanh dương của nó rồi tìm lược. Nhưng tóc nó không chịu xẹp xuống. Phải làm gì đó với mái tóc này mới được. Tôi lục lọi khắp mọi ngóc ngách mà không tìm được gì hữu ích. Không sáp, không dầu. Thế là tôi vào bếp và trở lại với một ít mỡ lợn dính trên đầu ngón tay. Tôi thoa mỡ vào lòng bàn tay rồi thử ngửi.

“Không hề có mùi.”

Tôi vỗ vỗ bàn tay bôi mỡ lên tóc Luis và bắt đầu chải. Mái tóc quăn tít của nó thật đẹp. Nó trông giống Thánh John Công chú cừu non trên vai.

“Bây giờ em đứng đây nhé, đừng làm nhăn bộ cánh đấy. Anh sẽ đi mặc đồ.” Trong lúc mặc quần dài và áo sơ mi trắng vào, tôi ngắm em trai mình.

Thật là một đứa trẻ xinh xắn! Không có đứa trẻ nào Bangu dễ thương như

nó.

Tôi xỏ chân vào đôi giày thể thao, đôi giày nhất thiết phải trụ được đến khi tôi đi học. Trong lúc đó, tôi vẫn tiếp tục ngắm Luís.

Với dáng vẻ đáng yêu và gọn gàng này của thằng bé, mọi người có thể nhầm nó với Chúa Hài Đồng ấy chứ. Tôi chắc chắn nó sẽ được tặng nhiều quà. Khi mọi người nhìn thấy nó…

Tôi rùng mình. Chị Glória vừa trở về và đang đặt bánh mì lên bàn. Tôi có thể nghe thấy tiếng chiếc túi giấy sột soạt.

Chúng tôi bước vào, tay trong tay và đứng trước mặt chị.

“Trông em ấy thật đáng yêu, chị Gló nhỉ? Em đã tự sửa soạn cho em ấy đấy.”

Thay vì giận dữ, chị đứng tựa vào cánh cửa và ngước mắt lên. Khi chị cúi đầu xuống, mắt chị ngấn lệ. “Trông em cũng đáng yêu lắm. Ôi, Zezé!”

Chị quỳ xuống và ôm ghì tôi vào lòng.

“Lạy Chúa lòng lành! Sao đối với một số người cuộc sống cứ nhất thiết phải khó khăn thế?”

Chị bình tĩnh lại và bắt đầu chỉnh trang quần áo cho chúng tôi.

“Chị đã nói rồi, chị không thể đưa em đi. Chị thực sự không thể, Zezé. Chị có quá nhiều việc phải làm. Ăn sáng trước đã nhé, trong khi chị suy nghĩ một chút. Kể cả khi muốn đưa em đi, chị cũng không có đủ thời gian để chuẩn bị…”

Chị rót cà phê và cắt bánh mì cho chúng tôi. Chị vẫn tiếp tục nhìn hai đứa tôi với ánh mắt tuyệt vọng.

“Quá vất vả chỉ vì vài món đồ chơi chẳng ra gì.

Nhưng có lẽ là ngoài kia có nhiều người nghèo khổ quá nên người ta chẳng thể tặng những món đồ tốt hẳn hoi.” Chị ngừng lời một chút rồi tiếp tục. “Đây có thể là cơ hội duy nhất của em. Chị sẽ không cấm em đi. Nhưng Chúa ơi, em còn quá nhỏ…”

“Em sẽ đưa em ấy đi an toàn. Em sẽ luôn cầm tay em ấy, chị Gló. Chúng em thậm chí còn chẳng cần sang đường.”

“Kể cả thế, chuyện này vẫn rất nguy hiểm.”

“Không, nó không nguy hiểm chút nào, em rất giỏi xác định phương hướng.”

Chị cười buồn.

“Này, ai dạy em từ đó thế?”

“Bác Edmundo. Bác nói Luciano rất giỏi việc đó, mà Luciano thì nhỏ hơn em, nên chắc hẳn em sẽ giỏi hơn nó…”

“Chị sẽ nói với chị Jandira.”

“Sao phải làm phiền chị ấy ạ? Chị ấy sẽ đồng ý thôi. Chị ấy có làm gì ngoài đọc tiểu thuyết và mơ mộng về bạn trai của mình đâu ạ. Chị ấy chẳng quan tâm đâu.”

“Hãy làm thế này nhé: em ăn nốt bữa sáng đi và chúng ta sẽ ra cổng. Nếu có người quen nào cũng đi đường đó, chị sẽ nhờ họ đi cùng các em.”

Tôi không muốn ăn thêm một mẩu bánh mì nào nữa, vì như thế thật phí phạm thời gian. Vậy nên chúng tôi đi ra cổng.

Chẳng có ma nào đi ngang qua. Thứ duy nhất vẫn đang chảy trôi là thời gian. Nhưng cuối cùng một vị cứu tinh cũng xuất hiện. Bác Paixảo, người đưa thư, bước tới. Bác vẫy tay chào chị Gloria, bỏ mũ xuống và xung phong đi cùng chúng tôi.

Chị Gloria hôn Luis rồi quay sang hôn tôi. Chị hỏi với nụ cười đẫm lệ, “Thế chuyện về gã lính tròn và đôi bốt là sao nhỉ?”

“Không phải vậy đâu. Em không có ý đó. Chị sẽ cưới một vị tướng không quân với hàng tá sao trên cầu vai.”

“Sao em không đi với Totoca?”

“Anh ấy bảo không đi. Và bảo là anh ấy không có tâm trạng tha lỗi hành lý đi loanh quanh.”

Chúng tôi lên đường. Bác Paixảo bảo chúng tôi cứ đi đi còn bác sẽ vừa đi vừa giao thư từ cho các nhà. Mỗi lần giao thư xong bác sẽ rảo bước để bắt kịp chúng tôi. Bác cứ dừng giao thư và đuổi theo anh em tôi, rồi lại dừng giao thư sau đó đuổi theo anh em tôi. Khi chúng tôi tới đường quốc lộ, bác cười nói, “Các chàng trai, giờ ta phải tăng tốc thôi. Các cháu đang làm ta nhỡ việc rồi. Nào, hai đứa đi đường kia nhé. Không nguy hiểm gì đâu.”

Nói rồi bác tất tả rời đi với một xấp thư từ và giấy tờ kẹp nách.

Tôi giận dữ nghĩ thầm, “Đồ hèn! Dám bỏ lại hai đứa trẻ trên đường quốc lộ sau khi đã hứa với chị Gloria rằng sẽ dẫn hai anh em mình đi.”

Tôi siết chặt hơn bàn tay nhỏ xíu của Luis và tiếp tục rảo bước. Dần dần, thằng bé bắt đầu lộ vẻ mệt mỏi. Bước chân của nó cứ ngắn dần ngắn dần.

“Cố lên Luis. Chúng ta sắp tới nơi rồi. Sẽ có rất nhiều đồ chơi ở đó.” Nó cố bước nhanh hơn một chút nhưng rồi lại giảm tốc độ dần dần. “Anh Zezé, em mệt.”

“Anh sẽ cõng em một lúc, nhé?”

Nó dang tay ra và tôi cũng nó. Thằng bé nặng thế chứ, nặng như voi ấy. Tới đường Progresso, đến lượt tôi thở hổn hển.

“Bây giờ em tự đi một lúc đi.”

Chuông nhà thờ điểm tám giờ sáng.

“Ôi trời ơi, chúng ta đã dự định sẽ đến nơi lúc bảy rưỡi đấy. Nhưng không sao, có rất nhiều người và rất nhiều đồ chơi đủ để phân phát. Một xe tải lận.” “Anh Zezé

, bàn chân em bị đau.” Tôi quỳ xuống.

“Anh sẽ nới dây giày ra một chút và em sẽ thấy khá hơn thôi.”

Chúng tôi đi càng lúc càng chậm. Tưởng như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tới được khu chợ. Chúng tôi vẫn còn phải băng qua trường rồi rẽ phải ở con phố có sòng bài Bangu. Và điều tệ nhất là thời gian đang cố tình trôi nhanh.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi, mỏi nhừ cả chân. Không có ai ở đây cả. Xung quanh vắng tanh như thể chẳng có đồ chơi nào từng được phân phát trên khu đất này. Nhưng tôi biết họ đã phát đồ chơi thật, bởi trên mặt đất còn vương vãi những mảnh giấy gói nhăn nhúm. Những mảnh giấy màu bị xé tả tơi nằm lẫn lộn trong cát. Tim tôi bắt đầu đập nhanh.

Chúng tôi tới chỗ sòng bài và thấy ông Coquinho đang đóng cửa.

“Ông Coquinho ơi, tất cả đã xong rồi ạ?” tôi bối rối hỏi.

“Đúng vậy, Zezé. Cháu tới muộn quá. Lúc nãy cứ nháo nhào cả lên.” Người đàn ông khép một cánh cửa và mỉm cười hiền từ.

“Chẳng còn gì sót lại hết. Thậm chí không có gì cho các cháu trai cháu gái của ta.”

Ông Coquinho đóng nốt bên cửa còn lại và bước xuống phố. “Năm tới, các cháu nên đến sớm hơn, hai đứa ngủ nướng ạ!” “Không sao đâu thưa ông.”

Thực ra là có sao đấy. Tôi buồn rầu và thất vọng đến nỗi thà chết còn hơn chứng kiến sự thật này.

“Ngồi xuống đây cái đã. Chúng ta phải nghỉ một lúc.” “Em khát nước, anh Zezé.”

“Tí nữa đi qua cửa hàng bánh ngọt, chúng ta có thể xin anh Rozemberg một ly nước. Hôm nay chúng ta chỉ có thế thôi.”

Chỉ đến lúc này, nó mới hiểu ra bi kịch của chúng tôi. Nó chẳng nói chẳng rằng, chỉ nhìn tôi, môi dưới trề ra và nó bắt đầu rơm rớm nước mắt.

“Đừng lo, Luis. Em nhớ con ngựa nhỏ của anh không, con Vua Bạc ấy? Anh sẽ gạ anh Totoca sửa lại cái sào của nó để tặng em vào dịp Giáng sinh.” Nó khóc sụt sùi.

“Đừng, đừng khóc. Em là vua mà. Cha nói đã đặt tên em là Luís bởi vì đó là tên của một vị vua. Mà vua thì không thể khóc trên phố trước mặt người khác.”

Tôi để đầu Luís tựa vào ngực mình và vuốt ve mái tóc quăn của nó.

“Khi nào lớn, anh sẽ mua một chiếc xe thật ngầu như xe của Manuel Valadares. Em nhớ không, ông người Bồ Đào Nha có lần đã đi qua chỗ chúng ta

ở ga tàu khi chúng ta đang vẫy chào tàu Mangaratiba ấy. Chà, anh sẽ mua một chiếc xe đẹp như thế và chất đầy quà cho riêng em… Nhưng đừng khóc, vì vua thì đâu có khóc.”

Nỗi buồn căng đầy trong lồng ngực tôi.

“Anh thề anh sẽ mua một cái. Kể cả khi anh phải giết người cướp của…” Giọng đang cất lên không phải của chú chim bé nhỏ bên trong tôi. Đó chắc

hẳn phải là tiếng nói trái tim tôi.

Đó là cách duy nhất. Tại sao Chúa không yêu tôi? Đến cả con bò con lừa trong máng cỏ còn được Ngài yêu quý. Nhưng tôi thì lại không. Ngài đang trừng phạt tôi bởi vì tôi là con trai của quỷ. Ngài đang trừng phạt tôi bằng cách không tặng quà cho em trai tôi. Nhưng điều này không công bằng với Luis, nó là một thiên thần. Không một thiên thần nào trên thiên đường có thể tuyệt vời hơn nó…

Nước mắt bắt đầu rơi lã chã trên mặt tôi. “Anh Zezé, anh đang khóc kia…”

“Anh sẽ nín ngay thôi. Với cả anh không phải vua như em. Anh chẳng có gì tốt cả. Một thằng bé hư, hư thật sự… Chỉ thế thôi.”

“Anh Totoca, gần đây anh có đến nhà mới không?” “Không, còn em?”

“Cứ lúc nào được là em lại tạt vào đó.” “Để làm gì?” “Em muốn xem Pinkie thế nào.” ”

“Pinkie là kẻ chết tiệt nào mới được chứ?

“Nó là cây cam của em.”

“Em tìm được một cái tên hợp với nó thật đấy. Em đúng là giỏi tìm kiếm.” Anh cười lớn và tiếp tục đẽo đẽo gọt gọt thân hình mới của Con Vua Bạc. “Thế nó sao rồi?”

“Nó chẳng lớn thêm chút nào cả.”

“Nếu em cứ tiếp tục ngắm nghía nó như thế thì nó sẽ không lớn được đâu. Em đang nghĩ gì thế? Em muốn cái sào thành như thế này phải không?”

“Vâng. Anh Totoca, sao cái gì anh cũng biết làm vậy? Anh có thể làm lồng chim, làm chuồng gà, làm phòng cho em bé, làm rào, làm cổng và cả tỉ thứ khác nữa…”

“Bởi vì không phải ai cũng sinh ra để trở thành một nhà thơ thắt nơ trên cổ. Nhưng nếu em thật lòng muốn thành người như vậy, em có thể học.”

“Em không nghĩ thế. Người ta cần phải có thiên hướng thì mới làm được những việc đó.”

Anh dừng lại một lát và nhìn tôi, nửa như buồn cười nửa như chê bôi cái từ mới mà có lẽ bác Edmundo đã nhồi nhét vào đầu tôi.

Bà vừa mới sang và đang ở trong bếp làm món bánh mì Pháp ngâm rượu vang cho bữa tối Giáng sinh. Đó là tất cả những gì chúng tôi có trong bếp.

Tôi nói với Totoca,“Và một số người thậm chí còn không được như thế này. Bác Edmundo đã cho chúng ta tiền mua rượu và mua nguyên liệu làm món xa lát hoa quả cho bữa trưa ngày mai.”

Anh Totoca đang làm một cái nào mới mà không đòi đổi cái gì sau khi nghe chuyện xảy ra ở sòng bài Bangu. Ít nhất Luis cũng có món gì đó. Một món đồ cũ dùng lại của người khác, nhưng rất đẹp, và tôi rất thích.

“Anh Totoca?” “Gì?”

“Anh có nghĩ là chúng ta sẽ chẳng được ông già Noel tặng gì không?” “Anh không nghĩ vậy.”

“Anh nói thật đi. Anh có nghĩ em là đứa trẻ hư đốn, xấu xa như mọi người nói không?”

“Không phải xấu theo kiểu xấu xa. Chỉ là trong máu em có quỷ thôi.”

“Khi Giáng sinh đến, em sẽ thật tâm mong ước mình không phải người như thế! Em ước gì dẫu chỉ một lần trong đời, trước khi em chết, Chúa Hài Đồng sẽ được sinh ra trong trái tim em, thay vì một con quỷ ranh.”

“Có thể năm tới… Sao em không học theo anh và làm như anh nhỉ?” “Anh làm gì cơ?”

“Anh không mong chờ bất cứ điều gì cả. Như thế anh sẽ không phải thất vọng. Chúa không tốt đẹp như mọi người vẫn nói đâu. Bởi vì cha xứ bảo rằng dù sách giáo lý nói…”

Anh ngừng lại, không chắc có nên nói tiếp hay không.

“Dù sách giáo lý nói gì cơ?”

“Ờ, hãy cứ cho rằng em hư thật và không xứng đáng được nhận quà đi. Thế còn Luís thì sao?”

“Em ấy là một thiên thần.”

“Còn Gloria?”

“Chị ấy cũng thế.”

“Thế còn anh?”

“Ừm, thi thoảng anh… anh… dùng đồ của em, nhưng anh là người tốt.” “Còn Lala?”

“Chị ấy đánh đau lắm, nhưng chị ấy cũng là người tốt. Một ngày nào đó chị sẽ khâu cho em một cái nơi.” “Còn Jandira?”

“Jandira là Jandira, nhưng chị ấy không phải người xấu.” “Thế còn mẹ?”

“Mẹ thật tuyệt vời, mẹ luôn cảm thấy có lỗi khi đánh em, và mẹ đánh rất nhẹ.”

“Cha thì sao?”

“Hừùm. Em không chắc về cha. Cha không bao giờ gặp may mắn. Em đoán cha cũng như em, thành viên xấu xa của gia đình.”

“Chà, vậy đấy. Mọi người trong gia đình ta đều là người tốt cả. Vậy thì tại sao Chúa không đối xử tử tế với chúng ta chứ? Cứ thử đến nhà bác sĩ Faulhaber mà xem bàn ăn nhà ông ấy to CỠ nào, đồ ăn chất cao ra sao.

Cả nhà Villas-Boas. Và nhà của bác sĩ Adaucto Luz nữa, chán chả buồn nói…”

Lần đầu tiên tôi thấy anh Totoca gần như phát khóc. “Đó là lý do anh nghĩ Chúa Jesus muốn sinh ra nghèo khổ chỉ để thể hiện mà thôi. Sau đó Ngài nhận ra chỉ giàu mới tốt… Nhưng thôi đừng nói về điều này nữa. Những gì anh vừa nói có thể là trọng tội đấy.”

Anh phiền não đến mức không hề ngước mắt lên mà chỉ nhìn đăm đăm vào thân con ngựa anh đang đẽo gọt.

Bữa tối Giáng sinh ấy buồn đến mức tối thậm chí không muốn nghĩ về nó. Mọi người ăn trong im lặng và cha chỉ nếm một ít bánh mì Pháp. Cha thậm chí không cạo râu hay sửa soạn gì. Không ai đi lễ nhà thờ. Tệ nhất là không ai nói với ai câu nào. Bữa tối giống lễ tang của Chúa Hài Đồng hơn là lễ mừng ngày sinh của Người.

Cha lấy mũ và đi ra ngoài. Cha đi dép quai hậu, bỏ đi mà không chào tạm biệt cũng chẳng chúc ai Giáng sinh vui vẻ. Bà lôi khăn tay ra chấm chấm đôi mắt rồi bảo bác Edmundo đưa bà về. Bác Edmundo đặt vào tay tôi và Totoca mỗi đứa năm xu. Có lẽ bác muốn cho chúng tôi nhiều hơn nhưng lại không đủ tiền. Có lẽ, bác ước gì có thể tặng món quà đó cho những đứa con của bác ở thành phố, thay vì cho chúng tôi. Thế nên tôi ôm bác. Tôi nghĩ đó là cái ôm duy nhất trong suốt buổi tối hôm đó. Không ai ôm ai cũng chẳng ai nói lời ấm áp nào. Mẹ đi về phòng. Tôi chắc mẹ làm thế để có thể khóc một mình không ai hay biết. Mọi người có vẻ cũng muốn làm điều tương tự. Chị Lalá đi ra cổng để tiễn bác Edmundo và bà, và trong lúc hai người ấy chậm chạp đi xa dần, chị nói, “Cứ như thể bà và bác đã quá già cho cuộc đời này và quá mệt mỏi vì mọi thứ rồi.”

Lúc buồn nhất là khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên, lấp đầy buổi đêm bằng những âm thanh vui mừng. Vài quả pháo thăng thiên bay vụt lên bầu trời như để Chúa thấy con người hạnh phúc biết nhường nào.

Khi chúng tôi trở vào trong, Gloria và Jandira đang rửa bát đĩa và mắt Gloria đỏ hoe như thể chị đã khóc hết nước mắt.

Chị cố gắng che giấu điều đó và nói với tôi cùng Totoca,“Đến lúc trẻ con phải đi ngủ rồi.”

Chị vừa nói vừa nhìn chúng tôi. Chị biết rằng ở đây không còn đứa trẻ nào cả. Chúng tôi đều đã lớn – khôn lớn và rầu rĩ, đang nhấm nháp chung một nỗi buồn vụn vỡ.

Có lẽ tất cả là do ánh đèn dầu lay lắt ảm đạm đã thay thế cho ánh đèn điện bị công ty điện lực cắt mất. Có lẽ vậy.

Người duy nhất hạnh phúc là vị vua nhỏ, kẻ đang ngậm ngón tay cái trong miệng mà chìm vào giấc ngủ. Tôi đặt con ngựa nhỏ đứng cạnh giường nó. Không thể cưỡng lại, tôi âu yếm vuốt ve mái tóc nó. Giọng tôi như một dòng sông mênh mông tràn ngập sự dịu dàng. “Nhóc con.”

Khi căn nhà đã chìm trong bóng tối, tôi nói khẽ, “Bánh mì Pháp ngon nhỉ, anh Totoca?”

“Anh không biết. Anh có ăn chút nào đâu.” “Sao vậy ạ?”

“Có cái gì đó mắc trong cổ anh, mãi không trôi xuống… Ngủ đi. Giấc ngủ sẽ giúp em quên đi mọi thứ.” Tôi bắt đầu ngồi dậy và anh Totoca có thể nghe thấy tiếng tôi di chuyển trên giường.

“Em đi đâu thế, Zezé?”

“Em sẽ đặt đôi giày ngoài cửa.”

“Thôi. Tốt nhất là đừng làm thế.”

“Em sẽ làm thế. Anh làm sao mà biết được, có khi một phép mầu sẽ xuất hiện thì sao. Anh biết đấy, Totoca, em muốn có quà. Chỉ một món quà thôi. Nhưng là món gì đó mới, dành riêng cho em…”

Totoca lật người nằm sấp xuống và vùi đầu dưới gối.

Tôi gọi Totoca ngay khi vừa tỉnh giấc.

“Ra xem đi!! Em nói sẽ có gì đó đấy.”

“Anh không quan tâm.”

“Được thôi, em quan tâm.”

Tôi mở cửa phòng ngủ, và trong nỗi thất vọng tràn trề của tôi, đôi giày trống không. Totoca bước từ phía sau tới, dụi mắt.

“Anh đã nói với em rồi mà, thấy chưa?”

Những cảm xúc hỗn độn trào lên trong lòng tôi. Tôi oán ghét, giận dữ và buồn bã. Không kìm nổi lòng, tôi buột miệng,“Thật kinh khủng khi có một người cha nghèo!”

Ánh mắt tôi chuyển từ đôi giày của tôi đến đôi dép quai hậu vừa dừng lại trước mặt. Cha đang đứng đó nhìn chúng tôi. Đôi mắt ông mở to đầy buồn bã. Tôi có cảm tưởng mắt cha đã trở nên quá to – to đến mức nó có thể choán hết cả màn hình của rạp chiếu bóng Bangu. Đôi mắt ông chất chứa quá nhiều sự tổn thương, đến nỗi dù muốn ông cũng không thể khóc. Cha đứng đó nhìn chúng tôi suốt một phút tưởng như dài vô tận, rồi lặng lẽ bước qua. Chúng tôi đứng đó, cứng đờ, không thể thốt lên một lời nào. Cha lấy chiếc mũ ở tủ com mốt rồi lại rời khỏi nhà. Mãi đến lúc đó, Totoca mới chạm vào cánh tay tôi.

“Em thật ích kỷ,Zezé. Ích kỷ như một con rắn. Đó là lý do…”

Anh ngập ngừng rồi dừng lại.

“Em không nhìn thấy cha ở đó.”

“Ích kỷ. Nhẫn tâm. Em biết cha đã thất nghiệp lâu rồi. Bởi vậy nên tối hôm qua anh mới không thể nuốt nổi khi nhìn mặt cha. Một ngày nào đó khi em cũng làm cha, em sẽ hiểu những lúc như thế này, cha tổn thương đến mức nào.”

Nếu anh Totoca mà nói thêm gì nữa, tôi sẽ khóc mất. “Nhưng em không nhìn thấy cha, anh Totoca, em không nhìn thấy…”

“Tránh xa tao ra. Mày thực sự chẳng có gì tốt cả. Đi đi!”

Tôi muốn lao ra phố, bám lấy chân cha mà khóc. Muốn nói với ông rằng tôi thật ích kỷ – thực sự, thực sự ích kỷ. Nhưng tôi chỉ đứng như trời trồng, không biết phải làm gì. Tôi ngồi xuống giường. Và từ trên giường, tôi nhìn chằm chằm đôi giày của mình, vẫn nằm ở góc đó, trống rỗng đến mức không thể trống rỗng hơn đưỢC nữa. Trống rỗng như trái tim tôi – đang đập loạn xạ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Ôi Chúa lòng lành, tại sao con làm thế? Lại còn là hôm nay chứ không phải ngày nào khác. Tại sao tôi lại càng trở nên ích kỷ hơn, trong khi mọi chuyện vốn đã quá buồn rồi? Làm sao tôi có thể nhìn cha trong bữa trưa đây? Tôi thậm chí sẽ không thể nuốt trôi món xa lát hoa quả.

Và trong tâm trí tôi, đôi mắt mở lớn của ông, to như cái màn chiếu bóng, đang dán chặt vào tôi, chằm chằm. Tôi nhắm mắt lại nhưng vẫn nhìn thấy đôi mắt mở to của cha tôi…

Tôi gõ gõ gót chân vào cái hộp đồ nghề đánh giày và chợt nảy ra một ý tưởng. Có lẽ tôi có thể khiến cha tha thứ cho sự ích kỷ của mình.

Tôi mở hộp của anh Totoca và mượn một hộp xi đánh giày đen bởi vì hộp của tôi đã hết sạch. Tôi không nói với ai một lời. Tôi buồn bã đi xuống phố, không hề cảm thấy sức nặng của cái hộp mình đang mang. Cứ như thể tôi đang bước trên đôi mắt cha. Làm đau bên trong mắt cha.

Lúc đó, trời mới tờ mờ sáng và người lớn có lẽ vẫn đang ngủ say vì buổi lễ và bữa tối Giáng sinh đêm hôm trước. Đường phố đông nghịt bọn trẻ con đang khoe khoang và so đo các món đồ chơi. Cảnh tượng ấy càng làm tôi cảm thấy tệ hơn. Chúng đều là những đứa trẻ ngoan. Sẽ không đứa nào trong số chúng làm cái điều mà tôi đã làm.

Tôi dừng lại gần quán Đói Khổ, hy vọng có thể kiếm được một khách hàng. Quán rượu mở cửa cả vào ngày Giáng sinh. Không phải tự nhiên nó lại có cái tên đó. Những người đến đó mặc đồ ngủ, đi dép lê, dép quai hậu – nhưng chưa từng xuất hiện một đôi giày hẳn hoi nào.

Tôi chưa ăn sáng nhưng không hề cảm thấy đói. Com đói chẳng thấm tháp gì so với nỗi buồn khổ của tôi. Tôi đi đến đường Progresso. Tôi vòng qua chợ. Tôi ngồi trên vệ đường ngoài tiệm bánh của anh Rozemberg và… không có gì cả.

Giờ này qua giờ khác, ấy vậy mà tôi vẫn không kiếm nổi một xu. Nhưng tôi phải kiếm được gì đó. Tôi phải làm được.

Trời càng lúc càng nóng và quai hộp ghì lên làm đau vai tôi, vậy nên thỉnh thoảng tôi lại phải thay đổi tư thế. Tôi thấy khát, bèn đi uống nước ở vòi nước trong khu chợ.

Tôi ngồi trên bậc lên xuống của trường học, nơi có lẽ tôi sẽ sớm bước vào. Tôi đặt cái hộp xuống, chán nản. Ngả đầu trên đầu gối như một con rối, tôi cứ thế ngồi đó, uể oải bơ phờ. Rồi tôi gục đầu xuống giữa hai đầu gối, giấu mặt dưới hai cánh tay. Thà chết còn hơn về nhà tay không.

Một chiếc giày gõ lên cái hộp của tôi và tôi nghe thấy một giọng nói thân thiện, quen thuộc.

“Này, cậu bé đánh giày, ngủ gật là không kiếm được tiền đâu.”

Tôi ngước lên, không thể tin vào mắt mình. Đó là ông Coquinho, bảo vệ của sòng bài. Ông đặt một chiếc giày lên hộp, trước tiên tôi lấy giẻ lau cho sạch sau đó làm ướt giày, rồi lại lau khô. Xong xuôi tôi bắt đầu cẩn thận lấy xi đánh cho bóng giày.

“Ông kéo ống quần lên một chút được

Ông làm như tôi đề nghị. không ạ?”

“Hôm nay cháu làm việc hả Zezé?”

“Cháu chưa bao giờ cần làm việc như bây giờ.”

“Giáng sinh thế nào?”

“Cũng được ạ.”

Tôi gõ bàn chải lên hộp và ông đổi chân. Tôi lặp lại những bước vừa làm rồi bắt đầu đánh bóng. Khi xong việc, tôi gõ vào hộp và ông nhấc giày xuống.

“Bao nhiêu, Zezé?”

“Hai xu ạ.

“Chỉ hai xu thôi hả? Những người khác đều lấy bốn đấy.”

“Chỉ khi nào thành thợ đánh giày lành nghề thì cháu mới có thể đòi từng đó. Chứ bây giờ thì chưa được đâu ạ.”

Ông đặt vào tay tôi năm xu.

“Giữ lấy tiền thừa làm quà Giáng sinh nhé. Gặp lại cháu sau.” “Chúc Giáng sinh vui vẻ, ông Coquinho.”

Có lẽ ông đến chỗ tôi đánh giày vì chuyện xảy ra ba ngày trước.

Những đồng tiền trong túi làm tinh thần tôi phấn chấn hơn một chút, nhưng cảm giác đó không kéo dài. Đã hơn hai giờ chiều, người người đi lại tấp nập nhưng vẫn chẳng có gì hết. Không có một vị khách nào, thậm chí chẳng ai thèm bỏ ra một xu để lau giày cho sạch bụi.

Tôi đứng gần cột đèn trên đường quốc lộ và thỉnh thoảng lại cao giọng gọi vang lên,“Đánh giày không, thưa

ông? Đánh giày không, thưa ngài? Ai đánh giày không, xin hãy giúp đỡ người nghèo trong ngày Giáng sinh!”

Chiếc xe hơi của một quý ông giàu có đỗ lại gần đó. Tôi chóp lấy cơ hội cất giọng chào mời một lần nữa, nhưng chẳng dám trông mong gì.

“Xin hãy giúp một tay, thưa ông? Xin hãy giúp người nghèo vào lễ Giáng sinh.”

Một phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ cùng mấy đứa trẻ ngồi ghế sau chăm chăm nhìn tôi. Người phụ nữ tỏ lòng thương xót tôi.

“Đứa bé tội nghiệp, còn nhỏ xíu mà nghèo khổ quá. Hãy cho nó thứ gì đó đi, anh Artur.”

Nhưng người đàn ông nhìn tôi đầy ngờ vực.

“Thằng này là một tên tội phạm nhãi ranh và xảo trá lắm. Nó đang lợi dụng chuyện nó chỉ là đứa bé và hôm nay là Giáng sinh đấy.”

“Ôi, dù sao em cũng sẽ cho nó chút gì đó. Lại đây nào, con trai.” Người phụ nữ mở túi xách rồi vươn tay ra ngoài cửa sổ xe.

“Không, cảm ơn bà. Cháu không nói dối. Người ta sẽ chỉ làm việc vào Giáng sinh nếu thực sự cần phải làm thế mà thôi.”

Tôi nhấc hộp đồ nghề khoác lên vai và chậm chạp lê bước. Tôi chẳng còn hơi sức đâu để mà tức giận.

Nhưng cửa xe bật mở và một thằng bé chạy theo tôi.

“Này, cầm lấy đi. Mẹ nhờ tớ nói lại với cậu là mẹ không nghĩ cậu nói dối.” Nó nhét năm xu vào túi tôi rồi chạy biến đi, thậm chí không đợi cảm ơn…

Tôi chỉ nghe thấy tiếng chiếc xe chạy xa dần.

Bốn tiếng đồng hồ đã trôi qua và đôi mắt của cha vẫn đang dằn vặt tôi.

Tôi bắt đầu quay trở về nhà. Mười xu vẫn chưa đủ, nhưng có thể quán Đói Khổ sẽ đồng ý giảm giá hoặc cho phép tôi trả sau.

Một thứ gì đó ở góc hàng rào khiến tôi chú ý. Đó là một chiếc tất nữ rách màu đen. Tôi cúi xuống nhặt nó lên. Tôi kéo căng cái tất và vải dãn ra mỏng dính. Tôi bỏ nó vào hộp, ngẫm nghĩ, “Cái này có thể làm thành một con rắn ra trò đây.” Nhưng tôi đấu tranh với chính mình. “Để hôm khác. Không phải hôm nay, tuyệt đối không…”

Tôi về tới nhà của gia đình Villas-Boas. Nó có sân trước rộng lát xi măng. Serginho đang cưỡi chiếc xe đạp tuyệt đẹp, đạp vòng vòng quanh những luống hoa. Tôi gí sát mặt vào hàng rào để quan sát.

Chiếc xe đạp màu đỏ sọc vàng xanh. Lớp kim loại sáng lấp lánh. Serginho thấy tôi đang nhìn bèn bắt đầu thể hiện. Anh đạp nhanh hơn, tăng tốc qua các khúc rẽ và thắng gấp đến nỗi bánh xe rít lên. Rồi anh lượn tới chỗ tôi.

“Thích không?”

“Nó là chiếc xe đạp đẹp nhất thế giới.” “Đến chỗ Cổng đi, em sẽ thấy rõ hơn.”

Serginho bằng tuổi anh Totoca và học cùng lớp anh ấy.

Tôi xấu hổ vì bàn chân trần của mình trong khi Serginho thì giày bóng lộn, tất trắng và dây giày màu đỏ. Giày của anh sáng bóng đến mức phản chiếu mọi thứ. Thậm chí đến đôi mắt cha cũng bắt đầu chăm chăm nhìn tôi từ cái ánh sáng bóng loáng đó. Tôi nuốt khan.

“Sao thế,Zezé? Em cư xử lạ quá.”

“Không có gì đâu ạ. Nhìn gần trông nó còn tuyệt hơn. Quà Giáng sinh của anh ạ?” “Ù

.”

Anh leo xuống khỏi xe đạp để nói chuyện và mở cổng. “Anh được tặng cả núi quà. Một cái máy hát, ba bộ vét, một đống sách truyện, một hộp lớn bút chì màu. Một hộp đầy đồ chơi, một cái máy bay gắn cánh quạt quay được. Hai cái thuyền với cánh buồm trắng…”

Tôi cúi đầu và nhớ về Chúa Hài Đồng, vốn chỉ thích người giàu có, y như anh Totoca đã nói.

“Em sao thế, Zezé?” “Em thì sao?… Em có nhiều quà không?” Tôi lắc đầu, không thể hé môi trả lời. “Không có gì à? Không một món quà nào sao?”

“Không có gì ạ.”

“Năm nay, gia đình em không được Chúa ghé thăm. Cha vẫn đang thất nghiệp.”

“Không thể nào. Em không có hạt khô và rượu à?” “Chỉ có bánh mì Pháp bà làm thôi ạ, và cà phê nữa.” Serginho có vẻ trầm tư.

“Zezé, em sẽ chấp nhận lời mời của anh chứ?” Tôi biết chắc anh định mời gì. Nhưng kể cả khi dạ dày rỗng tuếch, tôi vẫn không muốn nhận lời mời đó.

“Vào trong đi. Mẹ anh sẽ chuẩn bị cho em một đĩa thức ăn. Có nhiều đồ ăn lắm, nhiều kẹo lắm…”

Tôi không muốn mạo hiểm. Dạo gần đây, tôi đã có nhiều trải nghiệm cay đắng rồi. Không chỉ một lần, tôi đã nghe người ta nói,“Ta đã bảo con rồi, đừng có dẫn trẻ lang thang vào nhà.”

“Không cần đâu ạ, cảm ơn anh.”

“Được rồi. Vậy để anh nhờ mẹ chuẩn bị một túi hạt khô và đồ ăn để em mang về cho em trai của em nhé – em sẽ nhận chứ?”

“Em không thể. Em phải làm nốt việc đã.”

Đến lúc này Serginho mới để ý thấy chiếc hộp đánh giày tôi đang ngồi lên. “Nhưng chẳng ai cần đánh giày vào Giáng sinh cả…” “Em đã làm việc cả ngày và chỉ kiếm được mười xu, mà một nửa trong số đó là của bố thí. Em vẫn

phải kiếm thêm hai xu nữa.”

“Để làm gì, Zezé?”

“Em không thể nói được. Nhưng em thật sự cần món tiền đó.”

Anh mỉm cười và nảy ra một ý tưởng hào phóng. “Muốn đánh giày cho anh không? Anh sẽ trả em murời xu.”

“Em cũng không làm thế được. Em không lấy tiền của bạn bè.”

“Chà, thế để anh cho em, ý anh là, cho em mượn hai xu, được không?” “Anh có thể cho em nợ ít lâu được không?”

“Sao cũng được. Em có thể trả anh bằng bi.” “Thế thì được ạ.”

Anh xọc tay vào túi quần và đưa tiền cho tôi.

“Đừng lo, mọi người cho anh rất nhiều tiền. Con lợn tiết kiệm của anh đầy ắc rồi.”

Tôi vuốt ve bánh xe đạp. “Nó đẹp thật đấy.”

“Khi nào em lớn và biết đạp xe, anh sẽ cho em mượn đạp một vòng, nhé?” “Vâng ạ.”

Tôi chạy về quán Đói Khổ, hộp đồ nghề lóc xóc theo bước chân. Tôi lao vào quán như một cơn bão, sợ rằng đã đến giờ đóng cửa. “Ông vẫn còn thứ thuốc lá đắt tiền kia chứ ạ?”

Nhìn thấy tiền trong tay tôi, chủ quán bèn lấy hai gói thuốc lá xuống.

“Thứ này không phải cho cháu, phải không Zezé?” Một giọng nói cất lên phía sau ông, “Ông điên à? Một đứa trẻ nhỏ xíu như thế!”

Ông đáp mà không quay người lại, “Bà không biết vị khách này rồi. Đứa trẻ này có thể làm mọi thứ đấy.” “Đây là cho cha cháu ạ.”

Tôi cảm thấy hạnh phúc tột độ khi lật đi lật lại hai gói thuốc lá trong tay.

“Bao này hay bao này ạ?”

“Tùy cháu.”

“Cháu đã làm việc cả ngày để mua cho cha món quà Giáng sinh này.”

“Ra là thế hả, Zezé? Vậy ông ấy tặng gì cho cháu?” “Không có gì cả, tội nghiệp cha. Cha cháu vẫn đang thất nghiệp, ông biết đấy.”

Ông xúc động. Mọi người trong quán đều im lặng. “Nếu là ông, ông sẽ chọn gói nào ạ?”

“Cả hai đều ngon cả. Và bất cứ người cha nào cũng sẽ thích một món quà như thế.”

“Vậy ông gói cái này hộ cháu với ạ, thưa ông.”

Ông gói nó lại, nhưng ông có vẻ là lạ khi đặt món quà vào tay tôi, cứ như thể ông muốn nói gì đó nhưng không thể. Tôi trả tiền và mỉm cười.

“Cảm ơn, Zezé.”

“Chúc ông Giáng sinh vui vẻ.”

Tôi chạy về nhà.

Màn đêm đã buông xuống. Chỉ còn chiếc đèn xách trong phòng bếp là đang sáng. Mọi người đều đã rời khỏi bếp, chỉ còn cha ngồi bên bàn, tì cằm lên tay, chống khuỷu tay lên bàn, thất thần nhìn đăm đăm vào bức tường.

“Cha oi?”

“Sao vậy con trai?” Giọng ông không có chút oán giận nào. “Con đã ở đâu cả ngày hôm nay thế?”

Tôi chùa cái hộp đánh giày ra. Rồi tôi đặt nó xuống sàn và rút bao thuốc ra khỏi túi quần.

“Cha nhìn này, con đã mua cho cha một thứ hay họ này.”

Cha mỉm cười, biết rõ món quà này đáng giá bao nhiêu. “Cha thích nó không? Đây là loại ngon nhất ở cửa hàng đấy.”

Cha mở gói thuốc và hít hà mùi thuốc lá, nhưng không thể thốt nên lời. “Hút một điếu đi cha.”

Tôi đến bên bếp lò lấy diêm. Tôi quẹt lửa rồi đưa lại gần điếu thuốc trên miệng cha.

Tôi lùi lại, ngắm cha rít hơi thuốc đầu tiên. Và một cái gì đó bắt đầu cuộn trào trong tôi. Tôi ném que diêm cháy xuống sàn, cảm thấy mình đang nổ tung. Cảm thấy ngọn lửa đang trào lên trong tôi. Cảm thấy nỗi đau đớn tột cùng vẫn chực chờ phun trào cả ngày hôm nay.

Tôi nhìn cha. Khuôn mặt râu ria lởm chởm của ông, đôi mắt ông.

“Cha ơi… Cha ơi…” Đó là tất cả những gì tôi có thể thốt lên trước khi nước mắt và tiếng nức nở lấn át giọng tôi.

Cha dang rộng vòng tay ôm tôi dịu dàng.

“Đừng khóc, con trai. Nếu con cứ dễ xúc động như thế này thì trong cuộc đời con sẽ còn phải khóc nhiều lắm đấy.”

“Con không có ý đó đâu, cha ơi… Con không cố tình nói… như thế.”

“Cha biết, cho biết. Cha không buồn đâu, vì trong thâm tâm, con đã đúng.” Ông ôm tôi trong lòng, đu đưa vỗ về thêm một lúc nữa. Rồi ông nâng cằm

tôi lên và lau mặt cho tôi bằng chiếc khăn lau chén tách nằm gần đó. “Giờ thì khá hơn rồi.”

Tôi giơ tay vuốt ve khuôn mặt cha. Tay tôi lướt nhẹ trên đôi mắt cha, cố đẩy nó trở lại nơi nó thuộc về, tránh xa khỏi cái màn chiếu bóng CỠ lớn. Tôi sợ rằng nếu tôi không làm thế, đôi mắt ấy sẽ theo tôi đến hết phần đời còn lại.

“Cha sắp hút hết điếu thuốc rồi.”

Vẫn còn nghẹn ngào, tôi lắp bắp, “Cha ơi, khi cha muốn đánh con, con sẽ không bao giờ phàn nàn nữa. Cha cứ đánh con đi…”

“Này này,Zezé.”

Cha ấn cả tôi lẫn cơn nức nở còn sót lại của tôi xuống ghế rồi lấy từ trong chọn ra một cái đĩa.

“Chị Glória để phần con một chút xa lát hoa quả này.” Tôi không nuốt nổi.

Cha ngồi xuống bón cho tôi từng thìa nhỏ.

“Bây giờ khá hơn rồi phải không, con trai?”

Tôi gật đầu, nhưng những thìa đầu tiên đều mặn chát. Đó là mấy giọt nước mắt cuối cùng của tôi, phải mất một lúc lâu mới ngừng rơi.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ