Oan Hồn Người Vợ Trẻ - Chương 3

Sau bữa tiệc, bà Phấn đã đợi khá lâu rồi mới chịu về, sau khi nhắn lại với Thiện:

– Có thể cậu ấy già rồi mà còn uống rượu nhiều nên đi đâu đó rồi bị lạc. Nếu cậu có về con nhờ người đưa cậu qua nhà giùm má.

Thiện không thể nào hiểu nổi con người kỳ lạ này, nên anh quả quyết với vợ:

– Anh chắc chắn ông cậu này có điều gì đó không bình thường!

Diệu Hương vẫn dửng dưng:

– Thì mặc cậu ấy. Bây giờ mình lo chuyện mình. Em muốn đi ngủ thật sớm và anh nhớ dặn má và người nhà không dược đánh thức mình dậy trước chín giờ sáng hôm sau!

Thiện ngơ ngác:

– Ngủ tới giờ đó bộ em muốn má chửi cho sao? Con dâu mới về nhà chồng phải dậy sớm chứ!

Diệu Hương vẫn tỉnh bơ:

– Con dâu này khác!

Nói xong, cô đi ngay vào phòng mặc cho tiệc tùng còn đang diễn ra. Bà Năm nhìn thấy, nhưng thương con nên bà cười bảo Thiện:

– Nó mệt, để cho nó nghỉ ngơi. Má hiểu…

Bà còn nói thêm:

– Qua vụ hồi sáng thông qua, má biết nó chưa khỏe hẳn đâu, vậy mà vẫn cố gắng, tội nghiệp con nhỏ.

Thiện thì không nghĩ vậy anh lặng lẽ bước theo vợ vào phòng. Chỉ sau Diệu Hương có nửa phút, vậy mà khi Thiện vào tới nơi thì cô nàng đã nằm yên trên giường ngủ say. Thử gọi và lay nhưng Hương vẫn chẳng hề hay biết. Đêm tân hôn của Thiện sẽ trọn vẹn nếu vào nửa đêm hôm đó anh không chợt nghe có tiếng thì thầm bên tai:

– Hưởng rồi bây giờ chán, không thèm nữa phải không?

Giật mình, toan bật dậy thì Thiện đã bị vợ kéo lại:

– Muốn trốn trách nhiệm phải không!

Nghe giọng nói quen quen nhưng khác với giọng của Diệu Hương, Thiện hốt hoảng:

– Cô là…

– Người đã hiến thân cho anh rồi, nay anh tính phủ nhận để chiếm đoạt thêm người nữa phải không?

Tới lúc này thì Thiện không còn lầm lẫn nữa, anh kêu khẽ:

– Yến Vỹ!

– Không phải Yến Vỹ nào cả. Là hồn ma được cô ấy nhờ về đây đòi nợ! Vay gì phải trả nấy!

Thiện định vùng dậy thì nàng ta quát:

– Yên nào!

Thiện lo lắng:

– Diệu Hương đâu?

Giọng bên tai anh đanh lại:

– Anh mà còn nhắc tới tên cô nàng lần nữa thì đừng có trách!

Trong đêm tân hôn mà biết mình đang ngủ với một hồn ma thì còn cảm giác nào rùng rợn hơn! Bởi vậy Thiện nằm xuống mà người cứng đờ, hầu như không có một cử động nào của một người chồng… Nhưng điều đó là về phần anh, chớ cô nàng thì đâu chịu như vậy. Cô ta chủ động hết mọi việc, đưa Thiện trở về với cảm giác bị mất máu như đêm ở Dambri, đến nỗi sau cùng Thiện chỉ còn biết nằm thở dốc, thân thể rả rời…

Sáng sớm hôm sau…

Mãi tới hơn chín giờ thì bà Phấn mới cho người vào gọi vợ chồng Thiện dậy. Nhưng gọi mãi mà vẫn không nghe ai trả lời. Phải đích thân bà Phấn gọi lớn:

– Dậy đi chứ tụi bay?

Vẫn im lặng. Sau ba lần gọi nửa, bà Phấn bắt đầu lo, đẩy mạnh cửa vào và…

Trong phòng không thấy Diệu Hương, chỉ có Thiện nằm nửa người trên giường, còn nửa người thòng xuống sàn, sắc mặt tái xanh!

– Con!

Bà Phấn kêu to rồi lao tới chạm vào Thiện. Toàn thân anh lạnh như băng và hầu như không còn chút sinh lực nào.

– Con ơi!

Thiện được đưa ra ngoài để cấp cứu. Trong khi những người khác thì chạy đi tìm Diệu Hương. Đến chiều hôm đó thì người ta chỉ tìm thấy một đôi guốc của Hương nằm bờ sông gần nhà. Ai cũng nghĩ là Diệu Hương đã bị chết đuối, nên ra sức tìm khắp đoạn sông gần đó. Tuy nhiên tìm cả buổi vẫn chẳng có kết quả.

Thiện được cấp cứu đã tỉnh, nhưng trong trạng thái như người mất hồn…

Đến giữa trưa ngày hôm sau thì bên nhà bà Phấn có người qua báo tin là người ta đã tìm thấy xác của Diệu Hương nằm chết ở gốc cây cổ thụ, cạnh miếu cổ, nơi Thiện đã tìm được chiếc khăn tay bữa trước!

Đang kiệt sức, nhưng vừa nghe điều đó Thiện đã bật dậy đòi đi. Khi sang tới chỗ, Thiện đã bật khóc khi thấy xác vợ được mang về nằm ở nhà mà sắc diện vẫn còn nguyên như khi sống. Bà Phấn vừa khóc vừa kể lại:

– Má đang ngủ thì nghe có tiếng gọi và khóc ở ngoài, má ra mở cửa thì chỉ thấy một cái bóng vụt chạy nhanh. Nhìn cái bóng đó tự dưng má nghĩ tới con Diệu Hương! Má chạy theo và cuối cùng tới chỗ miếu cô hồn, và… đã thấy xác nó nằm ở đó.

Bà khóc hết nước mắt, trong lúc Thiện thẫn thờ, anh lẩm bẩm:

– Người ta đã hại em rồi.

Bà Phấn nghe loáng thoáng không rõ nên hỏi lại:

– Ai hại ai?

Thiện không đáp, anh lặng im bước ra ngoài rồi âm thầm đi về hướng miếu cô hồn. Có điều gì uẩn khúc khiến cho Thiện nghĩ anh có thể tìm ra ở đây…

Đang lúc còn đang nhìn ngắm, chợt Thiện giật mình khi phát hiện trên vách phía trong tòa miếu cô hồn có hai dòng chữ viết bằng thứ máu đỏ mà lâu ngày đã trở thành màu nâu sẫm. Vừa thấy dòng chữ Thiện đã tái mặt, bởi nó giống y như hai câu thơ trên vách đá ở thác Dambri:

“Một thuở yêu người, ngàn năm không hết nhớ,

Nửa tuần trăng mật, suốt kiếp khó phôi pha…”

– Yến Vỹ!

Thiện chết điếng. Như vậy mà anh đã không thoát được nàng ấy. Vậy mà khi đè chết ông lão hôm có, chính ông lão cho biết là anh đã thoát được sự báo oán, bởi chính ông đã hy sinh để cứu mạng cho anh, sao bây giờ vẫn còn cuộc tầm thù này?

– Tại sao giữa chốn quê này và Dambri xa xôi lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên này? Không lẽ nơi này là quê hương của Yến Vỹ mà ngôi miếu này là để thờ nàng?

Đầu óc Thiện càng lúc càng thêm hoang mang. Anh đứng tần ngần đọc đi đọc lại hai câu thơ mà không để ý có người đang quan sát mình rất lâu, đến khi người đó cất tiếng hỏi:

– Cậu tìm gì ở đó vậy?

Ngẩng lên thấy một bà cụ, Thiện vội nói:

– Thưa bà, cháu thấy lạ vì trong miếu có mấy câu thơ…

Bà già hình như am hiểu về ngôi miếu hoang:

– Chuyện chỉ liên quan tới người ta, cậu việc gì phải tò mò…

Câu nói đó làm cho Thiện càng tò ngò thêm:

– Bà nói liên quan tới ai?

– Tại sao cậu muốn biết?

– Dạ, xin bà cho biết, cháu muốn…

Bà già vừa quay bước vừa nói:

– Lâu rồi ta không nói với ai chuyện này, nhưng mấy hôm nay ta cảm thấy trong người gần như không còn sức nữa, ta hiểu rằng cũng nên nói cho ai đó biết chuyện của ngôi miếu này, kẻo rồi chẳng còn ai biết mà kể…

Thiện bước theo, anh năn nỉ:

– Bà kể cho cháu nghe đi, cháu cần biết…

Ra dấu cho Thiện theo mình về một ngôi nhà ngói cũ gần đó, khi về đến nơi bà mới nói tiếp:

– Cậu là người đầu tiên nghe tôi nói chuyện này, cậu vào nhà đi.

Thiện ngoan ngoãn bước theo vào. Vào bên trong rồi anh chưa kịp hỏi gì thì đã nghe bà già lên tiếng:

– Cậu là người xứ nào tới?

– Dạ… cháu ở xã bên kia sông, cháu tới đây để làm rể nhà Hai Phấn.

Vừa nghe nói bà già đã trố mắt:

– Nhà có đứa con gái vừa mới chết?

– Dạ.

– Chết bởi dính tới nhà họ Đoàn?

Thiện hốt hoảng:

– Bà biết chuyện đó?

Không nhìn thiện, bà lão đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, giọng trầm buồn:

– Chuyện này tưởng đã trôi qua rồi, sao bây giờ lại tái diễn nữa, oan oan tương báo đây mà…

Thiện cố ý lắng nghe, nhưng bà già ngừng nói khá lâu rồi mới tiếp:

– Tưởng nhà họ Đoàn đó bỏ đi thì hết chuyện, nào ngờ khi cái miếu âm hồn còn đó thì vẫn còn chuyện oán thù…

– Nhà họ Đoàn ở xứ này sao?

Chỉ tay ra phía ngôi miếu âm hồn, bà nói:

– Chính chỗ cây đa cổ thụ đó ngày xưa là cổng nhà của họ. Chính ngôi miếu đó là nguyên nhân khiến họ bỏ nhà đi biệt cho đến nay không nghe tin tức gì!

– Ai bỏ đi vậy bà?

– Thì nhà họ Đoàn! Trước kia, khoảng hơn hai mươi năm họ là một bá hộ trong vùng này, có ngôi nhà lớn nhất làng, ngoài ra nghe nói còn vài ngôi nhà nghỉ mát ở những nơi xa xôi nữa… bởi ông chủ họ Đoàn là người làm nghề khai thác gỗ rừng ở vùng cao nguyên, giàu có lớn lắm!

Thiện thêm tò mò:

– Giữa chuyện bỏ xứ ra đi của họ Đoàn đó có liên quan gì tới ngôi miếu âm hồn đó vậy bà?

– Có chứ. Cái miếu đó là do chính họ Đoàn lập nên trước khi trốn đi!

Rồi không đợi Thiện hỏi, bà nói tiếp:

– Họ lập miếu vì bị oan hồn phá dữ quá! Nghe nói họ gây tội ác gì đó với một cô trinh nữ ở đâu đó trên miệt rừng, rồi khi trở về đây oan hồn theo về. Hồi đó ở đây đã từng nghe chuyện cả hai đứa con do vợ ông chủ họ Đoàn vừa sinh ra đã bị chết một cách đầy bí ẩn, khiến cho bà vợ sợ quá phải đem đứa con thứ ba vừa sinh ở thành phố gửi đi biệt luôn, chẳng biết là đi đâu, cho đến khi họ rời khỏi làng này. Thiên hạ nói sau đó nhà họ Đoàn chẳng những trốn đi xứ khác mà còn thay họ đổi tên nữa! Có lẽ nhờ vậy mà từ đó nơi này không còn chuyện đêm đêm hồn ra một cô gái hiện về ở miếu âm hồn để kêu khóc, đòi mạng nữa. Vậy mà nay lại xảy ra chuyện con gái Hai Phấn bị hại, xác lại ở ngay miếu đó. Chẳng lẽ…

Bà già chợt nhìn sững vào Thiện:

– Cậu có liên quan gì tới họ Đoàn không?

Thiện hốt hoảng:

– Dạ không! Cháu họ Dương.

– Kỳ lạ…

Bà già ông câu nói rồi im lặng. Hình như bà đang suy nghĩ điều gì đó…

Hồi lâu, bà chợt hỏi:

– Sao cậu biết gia đình bà Hai Phấn mà cưới con gái bà ấy?

– Dạ, do má cháu quen biết. Trước đây nghe nói má cháu có ở xứ này.

– Má cậu tên gì?

– Dạ… người ta hay gọi là bà Năm.

– Phải Năm Hường không?

Nghe bà hỏi Thiện giật mình, bởi cái tên Hường là tên tục của mẹ mà lâu lắm rồi ít nghe ai gọi. Anh lúng túng:

– Bà… bà biết má cháu?

Bà già sừng sốt nhìn Thiện:

– Chẳng lẽ cậu là…là…

Bà không nói hết câu đã đứng vụt dậy. Đột ngột hỏi:

– Cậu là con trai của Đoàn Trung?

Thiện lắc đầu:

– Dạ không. Cha cháu là Dương Hòa.

Sau câu trả lời của Thiện, bà già mới bớt căng thẳng:

– Vậy là không phải rồi, nhưng cậu về hỏi bà mẹ cậu xem bà có biết ông Đoàn Trung không? Và bà có phải là Năm Hường ngày xưa là con của nghiệp chủ Lợi ở Cần Thơ không?

Tuy bớt căng thẳng, nhưng bà cụ vẫn không thôi nhìn Thiện với đôi mắt tò tò:

– Sao mẹ cậu lại là Năm Hường?

Thiện lắc đầu:

– Cháu cũng không biết.

Bà già lẩm bẩm một mình:

– Chuyện này không lẽ…

Rồi có lẽ do đã ngồi nhiều, nói nhiều nãy giờ, nên bà già nhẹ lắc đầu bảo Thiện:

– Thôi, cậu biết bao nhiêu đó đủ rồi. Nếu không phải là người của họ Đoàn thì tôi khuyên cậu không nên tò mò ở cái miếu đó làm gì. Đã có biết bao nhiêu rắc rối xung quanh nó rồi, mà làng này cũng không còn muốn xảy ra thêm những cái chết oan uổng nữa! Thôi, cậu về đi. Nói tôi gửi lời chia buồn với bà Hai Phấn.

Bà ta nói xong thì lặng lẽ đi vào nhà trong để lại Thiện với những thắc mắc trong lòng…

Chôn cất vợ xong thì Thiện trở về nhà ngay. Và việc đầu tiên là anh hỏi ngay mẹ mình:

– Có phải trước đây má ở Cần Thơ không? Ông ngoại con là nghiệp chủ Lợi?

Tuy có ngạc nhiên, nhưng mà Năm vẫn nhẹ nhàng đáp:

– Phải. Con hỏi chi vậy?

– Tại vì lâu nay con ít có dịp hỏi chuyện dòng họ mình.

– Cũng bởi ngay từ nhỏ con đã xa nhà, sống tận bên Pháp, nên đâu có dịp nào…

Thiện chợt hỏi:

– Sao con phải xa nhà từ lúc con nhỏ xíu vậy má?

Câu hỏi đó khiến bà Năm phải nhìn sững và con trai, rồi lát sau bà mới đáp:

– Anh em con thuộc dạng khó nuôi, cho nên bà má phải gửi con cho chú Sáu ở bên Pháp nuôi.

– Má nói con khó nuôi là sao? Bộ hồi mới sinh ra con bệnh hoạn dữ lắm sao?

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ