Chiến binh cầu vồng - Chương 27: Edensor

NGÀY HÔM SAU tôi có thể đi học lại, và tôi biết đó là nhờ viên thuốc APC của cô Mus.

Nhác thấy tôi, thằng A Kiong chạy như bay tới nắm lấy tay thằng Mahar lắc lấy lắc để. Thằng Mahar nhướng mày lên, so vai và gật đầu lia lịa. Thằng A Kiong càng cuồng tín thằng Mahar hơn.

Tôi chỉ khỏi bệnh về thể xác thôi, còn tâm bệnh vẫn chưa.

Tôi sống khép mình trong nhiều ngày. Tôi cảm thấy trống trải thất thường. Thật chẳng dễ gì quên được A Ling. Cõi lòng trống rỗng, và nỗi nhớ nhung khiến tim tôi như ai bóp chặt. Trước đây, khi tìm thấy tình yêu đầu đời của mình, tôi trở thành một người lạ lùng. Giờ vuột mất tình yêu ấy, tôi trở thành một người khác. Trước đây, khi tìm thấy tình yêu, lòng tôi lâng lâng một niềm hạnh phúc vụng về, một cảm giác tôi chưa từng nếm trải. Giờ đây khi tình yêu bỏ ra đi, tôi cảm thấy một nỗi u sầu cũng chưa nếm trải bao giờ. Một nỗi u sầu khiến các khớp xương đau nhói. Vậy nên tôi tìm đến pháp sư Mahar nhờ giải đáp thắc mắc.

“Boi, trận ốm tao vừa trải qua ấy là gì?”

Thật là một câu hỏi có thể khiến thằng Mahar bực mình. Thật lòng, tôi biết chuyện gì xảy đến với mình – tôi đang đau khổ vì người yêu bỏ ra đi. Tuy thế, một đứa lập dị như thằng Mahar mới có thể có một câu trả lời ma mị khiến cho tình cảnh của tôi mang một dáng dấp khác. Như hầu hết những người mang trong lòng mối tình tan vỡ, tôi đang bắt đầu suy nghĩ thiếu lý trí.

Mahar nhìn tôi chằm chằm, hơi bực bội, bảo, “Tao bảo mày thế nào hả? Coi chừng chỗ mày đi tiểu ấy!” Nó quay người bỏ đi mất.

Sau khi A Ling đi được hai tuần, trong một lần nghỉ giải lao, tôi – vẫn chán chường thế, dĩ nhiên rồi – đưa Lintang xem cái hộp cô nhờ cha cô trao lại cho tôi. Có ảnh một cái tháp trên hộp.

“Lintang, ảnh này là cái gì thế?”

Lintang ngắm nghía cái hộp.

“Tháp Eiffel đấy, Ikal. Ở Paris, thủ đô nước Pháp,” Lintang nói, giọng có chút ngạc nhiên. “Paris là thành phố của những người tài giỏi; họa sĩ và học giả sống cả ở đấy- Người ta nói đây là thành phố phồn hoa. Nhiều người mơ được sống ở đấy.”

Khi đi học về, tôi nằm lờ đờ trên giường, săm soi cái hộp. Rồi tôi mở nó ra. Trong đó có một cuốn nhật ký và một cuốn sách có bìa màu xanh da trời.

Tôi mở nhật ký ra và thật ngạc nhiên biết bao, khắp trên các trang giấy là tất cả những bài thơ tôi đã gởi cho A Ling. Những bài thơ được chép lại, từng bài một, vào nhật ký. Giờ tôi mới hiểu tại sao cô luôn trả lại tôi không sót bài thơ nào. Rồi tôi lấy cuốn sách bìa màu xanh xa trời ra.

Cuốn sách có tên Giá như họ có thể lên tiếng, tên tác giả tôi chưa hề nghe tới lần nào: James Herriot. Tôi không biết tại sao A Ling lại tặng tôi cuốn sách này, nhưng tôi muốn đọc thử xem sao. Tôi nhủ thầm trong bụng nếu đọc hết trang đầu tiên mà chẳng thấy có gì hấp dẫn thì tôi sẽ úp cuốn sách lên mặt ngủ luôn vì giờ tôi cũng buồn ngủ rồi.

Tôi lật trang bìa ra. Bằng phông chữ đều tăm tắp, bố cục không mấy hấp dẫn, nhan đề, tên tác giả và tên nhà xuất bản lần lượt xuất hiện. Tôi lật sang trang đầu tiên của chương một và bắt đầu đọc.

Như một bài hát, Herriot bắt đầu bằng một khúc dạo đầu bất thường nhưng cuốn hút.

Thoạt đầu, ông kể về chuyện ông đỡ đẻ cho một con bò. Ông không mặc áo, mà chuồng bò thì chẳng cửa nẻo gì. Gió thổi điên cuồng khiến từng đợt tuyết thốc mạnh vào nhà kho trút túi bụi xuống lưng ông. Ông nói rằng chưa có ai đem những chuyện thế này viết thành sách.

Sau những dòng ấy, tôi tiếp tục đọc đến dòng tiếp theo rồi tiếp theo nữa; rồi hết đoạn này đến đoạn khác. Có thể lật những trang sách như thế chỉ là một phản xạ thôi bởi vì tôi không hề nhận biết rằng mình đã đọc đến trang ba.

Tôi đọc ngấu nghiến hết trang này đến trang khác không ngừng lấy một giây. Có lúc thậm chí tôi còn đọc đi đọc lại mãi một đoạn. Chẳng mấy chốc, tôi đã đọc đến trang mười mà vẫn nằm nguyên trên giường đứng tại vị trí cũ, không hề nhúc nhích. Mọi hy vọng và nước mắt nhớ nhung A Ling tan biến theo từng trang sách.

Cuốn sách thần kỳ đó kể về những khó khăn của một chàng bác sĩ thú y trẻ tuổi trong thời kỳ suy thoái kinh tế hồi thập niên 1930. Chàng bác sĩ trẻ ấy, cũng chính là Herriot, làm việc tại một ngôi làng xa xôi hẻo lánh tên là Edensor ở mãi nước Anh.

Tôi cảm thấy, với mỗi câu viết của Herriot, một luồng sinh khí mới len vào tâm hồn tôi. Tôi há hốc miệng, nín thở mỗi khi đọc đến đoạn miêu tả ngôi làng Edensor. Những ngọn đồi nằm rải rác như những đợt sóng nhấp nhô. Tôi hình dung ra những đỉnh núi cao nơi có những con dốc thả mình xuống những ngọn đồi xanh mướt hòa vào thung lũng bao la. Tôi hình dung thấy những con sông vặn mình theo chân thung lũng giữa rừng liễu và những ngôi nhà nông dân dựng bằng sỏi.

Tôi như mê đi với ngôi làng nhỏ Edensor ấy và nhận ngay ra rằng trên thế gian này ngoài tình yêu ra vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ khác. Nghệ thuật miêu tả giàu sức lay động của Herriot chinh phục tôi hoàn toàn đến nỗi khi ông kể về con đường làng nhỏ rải sỏi trưóc ngôi nhà nơi chàng bác sĩ thực tập, tôi có thể ngửi thấy mùi cistuarias loang theo hàng rào chuồng gia súc tỏa xuống đường. Khi ông miêu tả những đồng cỏ trải rộng ngút ngàn trên những ngọn đồi Derbyshire bao quanh Edensor, tôi chỉ muốn đến ngay đó dưỡng thương, để những ngọn gió làng hiu hiu mơn man lên mặt.

Tối hôm ấy, tôi đọc xong cuốn truyện của Herriot và ngay lập tức xem nó như A Ling của tôi và tình cảm tôi dành cho nó không khác nào tình cảm tôi dành cho A Ling. Giờ tôi mới hiểu tại sao cô tặng cho tôi cuốn sách này.

Thật diệu kỳ, tôi bỗng nhiên khỏi bệnh. Tôi đã tìm thấy được một tình yêu mới nằm ngay bên trong chiếc cặp cũ kỹ của mình. Tình yêu đó là Edensor. Sau 480 giờ, 37 phút và 12 giây khóc than vì sự ra đi của A Ling, tôi quyết định thôi than thân trách phận và thôi ám ảnh bởi mối tình đầu.

Tôi đã quay ngoắt 180 độ.

Thay vì cứ hồi tưởng lại mãi cái cửa hàng xập xệ hôi hám Sinar Harrapan và cái khoảnh khắc tim tôi tan nát ở đấy, giờ tôi thường xuyên đến đọc sách ở thư viện Tanjong Pandan. Ở đấy, tôi toàn đọc những cuốn sách về bí quyết thành công, làm thế nào để giao tiếp tốt, những bước để trở nên quyến rũ và một loạt sách khác về phát triển cá nhân.

Tôi tập trung học tập và thôi những dự định vô lý, kỳ quặc. Tôi may mắn tìm thấy phương châm cuộc sống mới của mình trong một tờ báo cũ ở thư viện. Có một bài phỏng vấn giữa một phóng viên Mỹ kỳ cựu và ca sĩ John Lennon quá cố. Huyền thoại Rock ‘n’ Roll ấy bộc bạch, Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn khi bạn đang mải mê vạch ra những kế hoạch này nọ!

Tôi lùng sục hết mấy cửa hàng bên đường ở Tanjong Pandan cho đến khi tìm thấy một tấm áp phích thật lớn in chân dung ca sĩ này. Ngày hôm sau, tôi đến xin cô Mus cho treo trên lớp.

“Này trò,” cô giáo tôi nói, cau mày, nhăn trán, “nói thật với cô đi, em đã làm được điều gì xứng đáng để có quyền treo tấm áp phích này ở đây?”

Cô Mus đưa mắt qua Lý Tiểu Long, Lý Tiểu Long liếc nhìn Mahar, Mahar nhìn tôi ngạo mạn.

Tôi giải thích cho cô rằng mấy năm qua tôi đã tự nguyện lãnh nhiệm vụ mua phấn mà chẳng được thưởng công gì. Cô nghiêng nghiêng đầu.

“Thế hả, em nói không được thưởng công gì hả? Em nghĩ hai tai cô điếc hết à? Em nghĩ chuyện người ta kháo nhau ở chợ cá không đến tai cô hay sao, em nghĩ cô không biết rằng em chịu cực nhọc mỗi thứ Hai như thế là để được gặp con gái của ông chủ cửa hàng A Miauw hay sao?”

A, bắt tại trận rồi nhé!

“Em nghĩ rằng cô không biết vào các ngày thứ Sáu em giẫm nát hết chỗ phấn còn lại để được gặp cô gái đó hay sao?”

Tôi sửng sốt đen choáng váng; hóa ra cô Mus biết cả. Cô tường tận nhất cử nhất động của tôi suốt thời gian qua. Tôi thấy xấu hổ quá thể.

Tôi đứng đực ra đó. Tôi xin cô Mus tha lỗi. Tôi hôn tay cô, hứa rằng tôi sẽ trả lại cho lớp chỗ phấn đã chôn giấu gần gốc cây filicium. Rồi, tôi cố chuyển đề tài.

“Điều chúng ta cần nhất trong lớp, thưa cô, chính là nguồn cảm hứng!”

Tôi tiếp tục liên hệ tới lời khuyên khơi nguồn cảm hứng của John Lennon.

Dù chỉ là cô giáo làng thôi nhưng cô Mus có nhưng quan điểm tiến bộ. Có thể cô cũng ấn tượng bởi lời thành khẩn của tôi. Sau một hồi phân tích, tôi được phép treo tấm áp phích đó lên.

Như vậy, thật tuyệt, trong lớp tôi giờ đây có những ba tấm áp phích và một biểu tượng vẻ vang.

Rhoma Irama: Hujan duit (Cơn mưa tiền).

John Lennon: Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn khi bạn đang mải mê vạch ra những kế hoạch này nọ!

Lý Tiểu Long: Thế võ rồng – chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Biểu tượng của Muhammadiyah: Hãy làm điều tốt, tránh làm điều xấu.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ