Chiến binh cầu vồng - Chương 25: Đá Billitonite

MỘT BUỔI SÁNG THỨ HAI đẹp trời. Một bài thơ được bọc trong giấy gói màu tím in hình pháo hoa. Một bó hoa hái được từ đỉnh núi Selumar, cột bằng dây ruy băng màu xanh da trời nhạt. Sắc hoa vẫn còn tươi lắm vì được cắm trong bình gốm cả đêm hôm qua.

Bó hoa và bài thơ diệu kỳ này là chất liệu làm nên tiểu thuyết diễm tình của tôi, và thiên tiểu thuyết ấy sẽ diễn ra vào sáng hôm nay. Kịch bản nằm trong đầu tôi suốt mấy tuần qua, và nó như thế này:

Khi A Ling đẩy hộp phấn ra, tôi sẽ đặt bó hoa và bài thơ lên tay cô. Không cần nói lời nào. Hãy cứ để cô thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa trên đỉnh núi ấy. Hãy cứ để cô đọc bài thơ tôi viết và cảm nhận được một phong vị gì đó thậm chí còn tuyệt hơn cả bánh vào dịp Tết Nguyên đán của người Hoa nữa.

Nghe A Miauw gọi, tôi vội chạy đến nơi ô cửa nhỏ đó. Nhưng khi chỉ còn hai bước nữa là đến, tôi đứng chết trân tại chỗ, bàng hoàng khi trông thấy bàn tay chai sần thò ra từ ô cửa – không phải bàn tay của A Ling!

Bàn tay rất kỳ dị, cứ như một lưỡi hái tử thần bằng đồng: gân guốc, cáu bẩn, đen đúa và lem luốc dầu.

Một vòng tay san hô màu đen cuộn ba vòng xung quanh lưỡi hái đó. Những đầu rắn độc pinang barik chực tấn công được chạm khắc nơi cuối chiếc vòng. Dưới cùi chỏ được thít một vòng bạc, kiểu vòng những gã khổng lồ hung bạo trong các câu chuyện wayang thường đeo. Hai đầu của cái vòng này mang hình một chìa khóa có nhiều khía, loại bọn trộm thường dùng để đột nhập vào nhà người khác thó của. Không có vết xăm nào, điều cấm kỵ trong tín ngưỡng Mã Lai, nhưng những ngón tay bị bóp nghẹt bởi ba chiếc nhẫn to vật vã.

Chiếc nhẫn trên ngón tay trỏ có đính viên đá satam lớn chưa từng thấy.

Satam là loại đá quý mới chỉ được phát hiện tại một nơi duy nhất trên thế giới: Belitong. Ngoài ra không còn nơi nào khác. Nó có màu đen bóng bởi thành phần cấu tạo nên nó gồm acid carbonic và magnesium. Nó có tỷ trọng nặng hơn thép và không thể gọt đẽo.

Đá satam nằm sâu trong những hố thiếc cũ và rất khó tìm thấy – chỉ may mắn lắm mới vớ được nó ở mãi sâu trong tâm quả đất. Năm 1922, người Hà Lan đặt tên cho satam là billitonite. Đấy là lý do hòn đảo này có tên Belitong. Theo tiếng địa phương, ấy là một tên gọi thiêng liêng, kuake.Sau này – tôi không biết tại sao, có thể để nó nghe không quá quê mùa, hay có thể vì người Mã Lai nhà quê hiếm khi dùng chữ “U” – bọn người đáng ghét nằm trong chính quyền Trật Tự Mới đổi tên mới đổi tên đó thành Belitung, đúng là hành động hết sức thô tục và tùy tiện.

Chẳng có khiếu thẩm mỹ gì cả, chủ nhân của cái bàn tay như lưỡi hái ấy lại gắn vật thiêng đó lên chiếc nhẫn bằng đồng thau rẻ tiền. Thế nhưng nó được đeo hết sức ngạo nghễ, như thể người đeo nó là chúa tể thế giới này vậy.

Ngón áp út đeo một chiếc nhẫn gắn đá akik, mới nhìn trông như thạch anh tím quý giá của Kalimantan. Nhưng tôi đâu có mù mờ đến thế. Viên đá ấy chỉ được làm từ nhựa tổng hợp và pha chế nấu nhiệt độ cao. Người đeo nó là một kẻ bịp bợm và chẳng bịp được ai ngoài chính ông ta.

Và cuối cùng, trên ngón giữa là chúa tể của tất cả những chiếc nhẫn đáng sợ nhất, thể hiện chủ nhân là một người hay làm chuyện lén lút mờ ám: một đầu lâu người to đùng ngoác cái mồm rộng hoác quái đản với hai hố mắt sâu hoắm. Chiếc nhẫn này được làm từ mẩu thép không gỉ lấy được nhờ thông đồng với đám công nhân rửa máy PN.

Quy trình biến mẩu thép không gỉ ấy sang một chiếc nhẫn khiến ai nghe cũng phải rùng mình. Sau khi giũa sơ qua bằng máy tiện cho có hình thù chiếc nhẫn, mẩu thép không thể vỡ ấy được giũa bằng tay hàng mấy tuần liền. Những lao động của PN ở cấp cu li thường làm loại nhẫn ấy. Đây là một kiểu văn hóa phản kháng bí mật đối với PN: Chiếc nhẫn đó thể hiện sự áp bức của con người. Hàng bao nhiêu tuần làm việc vụng trộm ấy không làm ra được cái gì ngoài một chiếc nhẫn sáng lóa gớm guốc. Nhưng vào chính ngày hôm nay thì những công đoạn làm ra chiếc nhẫn ấy chẳng có bất kỳ ý nghĩa nào đối với tôi cả. Còn mấy móng tay nữa chứ, eo ôi! Trời đất quỷ thần ơi, hình thù của chúng cứ như bị nguyền rủa ấy. Sự khác nhau giữa móng tay của A Ling – những móng tay mà nhiều năm qua tôi đem lòng mê mẩn quá đỗi ấy – với những móng tay này đúng là khác nhau như thiên đàng, và địa ngục. Chúng dày thô, dơ dáy, dài ngoằng không cắt tỉa gọn gàng. Mấy đầu móng tay thì lởm chởm. Trông chẳng khác nào vảy cá sấu.

Tôi đang trong trạng thái kinh ngạc tột đỉnh đó thì nghe một tiếng đập mạnh. Bàn tay đó hối thúc tôi lấy hộp phấn được chìa ra từ nãy giờ. Rồi tôi nghe thấy một tiếng càu nhàu thiếu thiện cảm. Tiếng đập ngày một lớn hơn khiến tôi đâm ra cáu. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy bực bội nhất là mình không gặp được A Ling. Cô đã đi đâu?

“Chuyện gì thế?” Syahdan hỏi khi trông thấy cái điều đã giữ tôi lại lâu đến thế. “Bàn tay ai đấy?”

Tôi nghẹn nào không nói được lời nào.

Bàn tay đó không lạ lẫm gì với tôi cả. Không của ai khác ngoài Bang Arsyad, cu li của A Miauw. Tôi nhớ lúc anh khắc đầu rắn pinang barik lên cái vòng san hô được người Sarong cho. Anh ta bảo tôi rằng phải mất ba tuần mới mài được chỗ san hô dài lấy được từ đáy biển ấy thành chiếc vòng tay ba vòng đó. Chỗ san hô, thoạt đầu dài và cứng, bị chinh phục bằng cách bôi dầu luyn và kiên nhẫn hun khói trên bếp lò.

Tiếng vỗ ngày một lớn hơn. Bang Arsyad đúng thật là vô cảm. Anh ta biết tôi đang hoang mang vì không thấy A Ling, một thói quen kéo dài đã mấy năm nay.

Syahdan lấy hộp phấn. Bang Arsyad thụt tay vào. Cái tay biến mất như một con vật lủi nhanh vào ổ.

A Miauw, nãy giờ chứng kiến cảnh đó từ đầu chí cuối, lại gần tôi. Ông ta đứng bên cạnh tôi và hít một hơi thật sâu.

“A Ling sắp đi Jakarta rồi,” ông ta chậm rãi nói. “Nó sẽ đáp chuyến bay chín giờ. Nó đến sống cùng bà cô neo đơn. Nó có thể được học hành tốt ở đấy…”

Tôi mụ người đi. Tôi không tin được tai mình nữa. Cảm giác khi hồi tưởng về Bodenga, đã thành sự thật. Lòng tôi như bị ai giày xéo, quặn thắt.

“Nếu đủ duyên, hai đứa mày sẽ gặp lại nhau ngày nào đó,” A Miauw vỗ vỗ vai tôi.

Tôi cúi đầu xuống như đang mặc niệm. Tay tôi nắm chặt bó hoa dại trên đỉnh núi và bài thơ của mình.

“Nó nhờ tao gởi lời chào đến mày và muốn đưa cho mày cái này…”

A Miauw đưa tôi một cái vòng ngọc. Tôi đã trông thấy A Ling đeo nó mấy năm nay. Mang sui là từ được chạm trên miếng ngọc, Định mệnh. Rồi A Miauw còn đưa tôi một chiếc hộp gói giấy tím in hình pháo hoa, giống y cái hộp đựng bài thơ của tôi. Một sự trùng hợp gần như không thể. Tôi biết mà! Từ đầu, ông Trời đã biết hết mối tình đẹp lạ thường này rồi.

Tôi đón lấy chiếc hộp, và vào khoảnh khắc đó tôi cảm thấy như tất cả hàng hóa trong cửa hàng đổ sập cả lên tôi. Tôi muốn nói cảm ơn và hỏi A Miauw nhiều điều nhưng lưỡi tôi như bị khóa chặt.

Ngực tôi thắt lại. Tôi nhìn quanh và một ý nghĩa đột nhiên lóe lên, tôi túm lấy Syahdan chạy ào ra ngoài.

Tôi guồng hết sức đạp xe từ Sinar Harpan về trường. Hàng mấy chục cây số, hết con dốc này đến con dốc nọ, tôi vẫn không giảm tốc độ. Tôi không được kiệt sức; tôi phải nhanh về trường mới được.

8:50 sáng.

Chúng tôi về đến trường. Syahdan vào lớp, tôi chạy băng qua sân trường về phía cây filicium. Tôi leo lên cây và ngồi trên cái nhánh tôi thường ngồi mỗi khi xem cầu vồng.

Mắt tôi không chớp khi ngước lên bầu trời trong veo, trống rỗng như trái tim tôi lúc này.

9:05 sáng.

Rồi một chiếc Fokker 28 xuất hiện. Bay từ Tangjong đến Jakarta. Tôi biết A Ling đang ngồi trong chiếc máy bay đó. Mắt tôi dán chặt vào cái vật mang người yêu của tôi lên cao đến tận những dải mây không với tới được. Máy bay bay mỗi lúc một xa khỏi tầm nhìn, xa bao nhiêu tim tôi nhói lên bấy nhiêu. Tôi càng nhìn, máy bay càng mờ đi, không phải do khoảng cách mà vì mắt tôi đầy ậng nước. Rồi nó mất hút. Người yêu đã bỏ ra đi, để lại tôi với cõi lòng tan nát. Bầu trời lại trống trơn như cũ. Tạm biệt nhé, mối tình đầu.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ