TRONG MỘT CUỐN SÁCH, tôi thấy ông cưỡi ngựa, cúi rạp xuống ôm lấy bụng nó như Kublai Khan. Mắt ông sáng quắc lên như thể ông đã bị một ngọn giáo đâm xuyên vào tim. Tôi thấy máu trong người nóng lên khi đọc đến đoạn ông lén lút bò về phía con nai đực sừng tấm Bắc Mỹ. Tôi không thể chịu nổi khi phải lật đến trang cuối, khi ông nói ông sẽ không chấp nhận tình yêu của những người đàn bà mang hai dòng máu Tutuni và Chimakuan. Tất cả là vì ông muốn gìn giữ dòng máu thổ dân Pequot chảy trong huyết quản mình – và điều đáng buồn nhất là ông là người duy nhất còn sót lại của bộ lạc mình.
Và vậy nên ông lang thang khắp những đồng cỏ mênh mông của vùng Yellowstone, một mình cưỡi trên con ngựa không yên. Khi ông hú lên cả ngày và nhảy múa để thách thức mặt trời, thị lực của ông bắt đầu yếu dần. Ông bò xung quanh, khấn nguyện để một người vợ thuộc bộ lạc của ông xuất hiện giữa đám sói đồng cỏ Bắc Mỹ, đúng y như cách các vị thần đã sản sinh ra phụ nữ Suquamish. Nhưng rồi thời gian chỉ mang lại cơn gió và phản bội ông không chút thương tiếc. Ông trở nên già nua. Và khi thần Chết thực nhiệm vụ của mình, ông lìa trần khi vẫn còn trai tân. Sáng hôm ấy, bầu trời chào đón dòng máu thuần chất Pequot với vòng tay rộng mở.
Ấy là một câu chuyện đầy mê hoặc. Tôi không bao giờ thấy chán, cho dù đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Không hiểu sao cách thể hiện câu chuyện khiến tôi cảm thấy như mình có mặt trong đó, tôi thấy mình ở giữa thảo nguyên bát ngát Yellowstone, cho dù thậm chí tôi còn chẳng biết nơi ấy là đâu.
“Ấy là sức mạnh của văn chương,” bác đưa thư bảo.
Văn chương, tôi tự hỏi, là thứ gì?
Suốt những kỳ nghỉ hè, chúng tôi thường đến giúp bác đưa thư nơi ngôi làng nghèo khổ của chúng tôi. Bác làm việc một mình, bắt đầu sau buổi cầu kinh subuh lúc rạng sáng, quản lý bưu điện và hàng ngàn lá thư. Buổi chiều bác nhận thư, bưu phẩm và phiếu chuyển tiền. Buổi tối, bác mở cửa bưu điện và phân loại thư từ; rồi bác lên xe đạp giao thư khắp làng. Đôi lúc công việc này kéo dài cho đến đêm khuya. Công việc của một người đưa thư thật mệt nhọc.
Tôi thấy tim mình trĩu nặng khi mường tượng đến sự vất vả của công việc ấy. Tôi cố dậy lúc nửa đêm để nguyện cầu thật tha thiết. Tôi nhắm nghiền mắt lại:
Thượng đế ơi, con chưa biết đặt mục tiêu gì cho tương lai. Nhưng khi con lớn lên, xin Thượng đế rủ lòng thương, đừng cho con phải làm công việc một người đưa thư nhé, và đừng phải làm bất cứ việc gì phải bắt đầu vào lúc rạng sáng. Con hứa với Người, con sẽ không bao giờ treo xe đạp của thầy giáo dạy kinh Koran lên cây bantan nữa.
Sau lần cầu nguyện như thế, Kucai, Mahar và Samson chẳng hiểu mô tê gì khi tôi không chịu tham gia cái trò treo xe đạp của thầy Taikong – thầy giáo dạy kinh Koran – ở thánh đường al-Hikmah nữa.
Bác đưa thư cho chúng tôi ít tiền để trả công vác bao thư và cho chúng tôi đọc những câu chuyện về thổ dân Yellowstone. Những cuốn truyện hẳn là của các học sinh trường PN đã trở về Java hay nơi nào đó. Những cuốn truyện không người nhận được bưu điện giữ lại.
Làm việc tại bưu điện là hoạt động hè của chúng tôi. Buổi tối, chúng tôi ngủ lại thánh đường al-Hikmah. Ở thánh đường, chúng tôi kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện. Chúng tôi không bao giờ thấy chán khi kể đi kể lại câu chuyện về cái ngày chúng tôi đi tìm con nhỏ Flo ở núi và mẩu tin chính xác của Tuk Bayan Tula. Đó là lần đầu tiên Mahar biểu diễn một động tác mà sau này trở thành dấu hiệu đặc trưng của nó, động tác nó thường làm mỗi khi nó cảm thấy mình đúng: nó vừa nhướng mày, vừa nhún vai vừa gục gặc đầu, giống như chim cánh cụt. Thật dễ ghét.
Một ngày, khi đang giúp bác đưa thư cho thư vào bao, tôi kinh ngạc khi trông thấy có một lá thư đề địa chỉ của tôi và tên người nhận là tôi: Ikal.
Tôi lẩn ra đằng sau bưu điện, ngồi dưới tán cây rambu-tan và mở lá thư ra. Tim tôi đập rộn ràng. Một bài thơ:
Mong đợi
Tình yêu thực sự khiến lòng em run rẩy
Giây phút anh đưa mắt về hướng em đang đứng
Tại buổi lễ giật đồ vào ngày định mệnh ấy
Khiến em không ngủ được
Vì khuôn mặt anh luôn ẩn hiện khắp căn phòng
Anh là ai
Người em mộng tưởng suốt ngày?
Anh chỉ đơn thuần là một chàng trai phiền toái
Nhưng, dẫu có là thế, chính anh
Là người em đợi mong
Njoo Xian Ling (A Ling)
Mắt tôi nhìn như chọc thủng trang giấy ấy. Tay tôi run lên bần bật. Tôi đọc lại lần nữa và một linh cảm đắng cay len vào tim tôi. Tôi vừa hạnh phúc nhưng lại vừa buồn bã ghê gớm – như thể có điều gì đó kinh khủng sắp sửa xảy đến với tôi. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Tôi trông thấy hàng rào bưu điện dần dần biến thành những cái chân kẹp chặt vào nhau. Ở khoảng giữa hai cái chân có một người đàn ông ngồi xổm bên xác một con cá sấu mất đuôi. Ông nhìn tôi. Nước mắt giàn giụa trên má đầy rỗ hoa.
Chính lúc đó, tôi đã hiểu nỗi đau đến nhói lòng từng tấn công pháp sư cá sấu Bodenga khi tôi chứng kiến ông trên sân bóng chày của trường quốc gia cách đây nhiều năm; một sự kiện đau buồn đã ăn sâu vào tâm trí non nớt của tôi. Đó là một chuyện buồn luôn trở lại trong tôi mỗi khi tôi thấy trong người khó ở. Và buổi chiều hôm ấy, sau nhiều năm, lần đầu tiên, hình ảnh Bodenga hiện về trong tâm trí tôi.