Tôi lên chuyến xe bus qua cổng Nam của trường, đoạn đường ấy nằm lọt thỏm giữa hai bên dãy nhà cao tầng, biển quảng cáo của các công ty tuyển dụng tại trường khoe ánh đèn lung linh trong sắc đêm. Tôi nhớ lại thời xa xưa, khi Mạc Thiệu Khiêm cắt băng khánh thành tại đây, tên công ty đó là gì, tôi cũng quên mất rồi.
Giá như anh không để ý đến tay tôi, giá như tôi không phải là con gái của bố, thì có lẽ ngày hôm nay, chúng tôi chỉ là hai kẻ xa lạ, chưa từng quen biết.
Kể từ giây phút đó, số mệnh đã sắp đặt sẵn một con đường cho cả tôi và anh.
Ngoài cổng Nam có khá nhiều xe điện đang đỗ, những loại xe này được phép đi lại và làm phương tiện giao thông chủ yếu trong khuôn viên trường, mỗi lượt chỉ tốn có hai tệ. Quãng đường từ cổng Nam đến ký túc xá là xa nhất, nhưng tôi vẫn đi bộ về.
Tôi cần vận động để ném hết những thứ đang tắc nghẽn trong đầu đi. Đi đến hai chân mỏi nhừ, tôi bèn ngồi xuống một ghế đá ven đường. Sinh viên trong trường hối hả rảo bước lướt qua tôi. Tôi nghe tiếng chuông báo mười giờ tối vẳng lại từ tòa nhà số Bốn cách đó không xa.
Trong lòng bức bối, chỉ muốn khóc, nhưng tôi không nhỏ giọt nước mắt nào, bụng làm dạ chịu, tôi lấy tư cách đâu để khóc?
Hai ngày sau, thầy giáo phụ trách bất ngờ gọi điện bảo tôi lên khoa có việc, tôi tưởng học bổng đã được phê duyệt, nào ngờ thầy đi thẳng vào vấn đề:
– Hiện tại trường mình có chương trình trao đổi du học sinh với trường Đại học C của Mỹ, xét thấy thành tích của em khá tốt nên đợt này khoa định đề cử em. Hôm nay tôi gọi em đến là muốn hỏi ý kiến của em.
Tôi ngơ ngác nhìn thầy thì thầy mỉm cười nhã nhặn nói:
– Em cứ về cân nhắc kỹ đi nhé!
Lúc ra khỏi văn phòng, tôi tự véo mình một cái, thấy đau mới thừa nhận tất cả không phải là mơ, tôi hoàn toàn tỉnh táo.
Khoa Hóa của trường C nổi tiếng lẫy lừng khắp thế giới, vụ trao đổi du học sinh này quả là miếng bánh từ trên trời rơi xuống!
Lúc Duyệt Oánh biết tin, cô ấy giật mình, cấu véo tôi:
– Dám bảo số mình đen này, số cậu thế là sướng quá rồi còn gì! Đại học C cơ đấy, hàng khủng đè chết người rồi còn gì!
Nhưng tôi chẳng thể nào vui nổi, tuy bản thân có ngờ nghệch thật, nhưng suốt dọc đường về ký túc xá, tôi đã nghĩ thông suốt suất du học này từ đâu rơi xuống.
Thành tích của tôi đúng là không tồi nhưng học chuyên ngành này còn nhiều người giỏi hơn tôi, với lại vụ trao đổi du học sinh này từ trước đến nay luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Khoa tôi không thiếu gì sinh viên xuất sắc, mà mỗi lần có chuyện gì hay ho, người ta lại đua nhau trổ tài giành giật, huống hồ là Đại học C, làm gì tới lượt tôi. Tôi biết người đứng đằng sau vụ này chính là Mộ Vịnh Phi, đây là món quà chị ta nói sẽ tặng tôi sau khi hoàn thành phần việc của mình.
Duyệt Oánh thấy tôi ỉu xìu liền hỏi:
– Cậu mừng quá nên ú ớ đấy à?
– Tớ không muốn đi.
Duyệt Oánh nhìn tôi thêm mấy giây, rồi thông cảm nói:
– Tớ biết ngay mà, mừng quá hóa đơ rồi.
– Suất du học này là do Mộ Vịnh Phi bày ra nên tớ không muốn đi.
– Mộ Vịnh Phi nào? Có phải chị của Mộ Chấn Phi không? Làm gì có chuyện chị ta tốt tính thế?
Tôi mím môi không hé lời, có rất nhiều việc tôi quyết ủ trong lòng, không muốn kể với Duyệt Oánh, đằng nào thì tôi cũng ủ rũ sẵn rồi.
– Sao lại không đi? – Duyệt Oánh sốt ruột, giơ tay cốc vào trán tôi. – Thật là! Lúc cần khí phách thì chẳng thấy đâu, lúc này lại bày đặt kiên trinh quyết liệt. Mộ Vịnh Phi bày ra thì sao nào? Cậu càng nên đi, một khi chị ta đã bày ra trò này, tức là chị ta muốn tống cổ cậu đi cho khuất mắt. Cậu đã từng đọc tiểu thuyết chưa đấy? Cách hữu hiệu nhất để trị mấy đứa lẳng lơ, chuyên đi quyến rũ chồng người khác là tống khứ nó đến một nơi nào đó xa tít tắp mù khơi, để nó không bao giờ gặp được nam chính nữa, sống chết thế nào cũng mặc nó… Mà tớ không ám chỉ cậu là loại đó đâu nhé, quả thực cậu làm tớ tức đến lú lẫn rồi đây này!
Đến lúc tắt đèn đi ngủ rồi mà Duyệt Oánh vẫn chì chiết tôi cố chấp, bảo thủ.
Nằm một mình trên chiếc giường đơn chật chội của mình, nhớ hồi đầu, tôi rất thích ở ký túc xá, cũng yêu nhất chiếc giường này, dù nó chỉ làm bằng gỗ ép cứng đờ, đệm bông thì mỏng dính, ngả lưng xuống chẳng dễ chịu chút nào. Nơi đây không có bóng dáng của Mạc Thiệu Khiêm nên tôi coi nó như một căn nhà che nắng che mưa đích thực. Mỗi lần vùi mình trên chiếc giường bé xíu này, dù mọi người trong phòng có rù rì to nhỏ đi chăng nữa, tôi vẫn có thể ngủ ngon lành.
Hôm nay là lần đầu tiên tôi trằn trọc trên chiếc giường này, tôi không muốn nhận sự bố thí của Mộ Vịnh Phi, hay nói cách khác, tôi không muốn nhận “món quà” của chị ta. Những gì đã nói với Mạc Thiệu Khiêm làm tôi thấy bức bối vô cùng, bây giờ nhận suất du học này chỉ khiến tôi thêm bứt rứt hơn mà thôi. Cứ cho là tôi muốn bỏ nơi này ra nước ngoài, muốn đến một nơi không có người quen thật đấy, cứ cho là sinh viên khoa tôi chỉ ao ước được học ở trường C, nhưng trong lòng tôi luôn có cảm giác là lạ, rằng sự chấp nhận của mình đồng nghĩa với việc phản bội lại một cái gì đó.
Mình phản bội lại cái gì chứ?
Nắng sớm khe khẽ lọt qua tấm rèm cửa sổ, ngoài hành lang đã nghe tiếng qua lại của một vài bạn nữ, cuối cùng tôi cũng gác lại mớ bòng bong ấy. Tôi sợ mình không cưỡng nổi sự hấp dẫn của Đại học C, thế nên vừa kết thúc tiết học buổi sáng, tôi đã quyết định đến văn phòng khoa.
Duyệt Oánh thấy tôi thu dọn sách vở liền đuổi theo:
– Sớm thế này đã đi ăn cơm à? Tớ đi với cậu.
– Cậu về trước đi, tớ còn có chút việc.
– Cậu định làm gì?
Tôi chẳng nói chẳng rằng, lao thẳng xuống cầu thang, Duyệt Oánh theo sát đằng sau:
– Này Đồng Tuyết, cậu đi đâu?
Xuống tới khu dạy học, tôi dừng bước dưới một bụi cây yên tĩnh, quay sang nói với Duyệt Oánh:
– Tớ biết cậu lại sắp kêu tớ dở hơi nhưng tớ không thể đi được, không đi là không đi. Thà tớ tự đi thi, dù chỉ được trúng tuyển vào trường loại ba, vừa học vừa làm, ít ra cũng khiến tớ thấy thanh thản trong lòng.
Duyệt Oánh run lên vì tức tối, cô ấy ném phịch cái cặp xuống đất:
– Này Đồng Tuyết, cậu tưởng làm thế thì được gọi là có liêm sỉ à? Bởi suất học bổng đó do Mộ Vịnh Phi cho, nên cậu quyết từ chối luôn cả Đại học C chứ gì? Cậu biết trong khoa có bao nhiêu người ao ước được đi không hả? Cậu bỏ ngay kiểu cố chấp, lúc nào cũng huyễn hoặc mình đi. Giờ tớ nói thẳng luôn, vụ này là do bố tớ sắp xếp đấy, ban đầu ông ấy vất vả tìm cách cho tớ đi du học, khó lắm mới chạy xong giấy tờ, giờ bỏ cũng phí, nên tớ mới bảo ông ấy nói khéo với trường, nhường suất này cho cậu. Nghĩ là cứ giấu cậu thì hay hơn nên tớ không nói thẳng ra. Tớ biết trong lòng cậu có chuyện giấu tớ, tớ biết rồi, là chuyện hợp đồng chứ gì? Đợt trước, Mộ Vịnh Phi có đến tìm bố tớ! Phải, tớ có lỗi với cậu, nhưng lúc cầm bản hợp đồng ấy, chính tớ cũng không hề biết Mộ Vịnh Phi sẽ mò đến tìm bố tớ! Từ xưa đến nay, tớ chưa hề nói dối cậu, một lần cũng chưa từng! Quả thực, bố tớ bị bệnh ung thư, tớ từng dẫn ông ấy đi khám ở bốn bệnh viện uy tín nhất, cũng chụp cả đống phim X-quang, gặp rất nhiều chuyên gia rồi. Tớ cũng chỉ mong họ chẩn đoán nhầm, hoặc ông cụ giả bệnh lừa mình! Nhưng quả thật bố tớ bị bệnh, chẳng trụ nổi mấy năm nữa đâu. Tớ không có lý do để ngăn bố mình hợp tác với Mộ Vịnh Phi, mà chung quy chuyện này cũng chẳng dính dáng gì đến cậu. Mạc Thiệu Khiêm nợ cậu, chính vì hắn nợ cậu nên tớ mới để mặc họ muốn làm gì thì làm. Tớ chẳng hiểu nổi tại sao cậu lại muốn từ chối suất học bổng này? Suốt cả ngày, cậu cứ ủ rũ bơ phờ, sao cả Đại học C cậu cũng từ chối? Trong đầu cậu đang nghĩ gì thế hả? Cậu có hiểu nổi bản thân mình đang làm gì không? Lẽ nào cậu yêu loại người đó? Chẳng nhẽ vì hắn mà cậu bỏ cả cơ hội đi Mỹ du học? Cậu định buông xuôi ngôi trường mà cả đời cậu ao ước à?
Tôi nhìn Duyệt Oánh, người bạn thân nhất của mình, từng câu nói của cô ấy như từng nhát roi quất tới tấp lên thân thể tôi.
Rốt cuộc tôi đang làm gì?
Tôi còn những gì?
Bố mẹ qua đời, cậu ruột bán rẻ mình, ngăn cách giữa tôi và Tiêu Sơn là cơ cực và khổ sở, là gian lao và vất vả. Tôi chỉ có mình Duyệt Oánh là bạn. Chỉ có mình Duyệt Oánh là chưa hề lừa tôi, chưa hề bán đứng tôi, chưa hề làm tôi tổn thương.
Cô ấy đã dành cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất, cô ấy cho tôi một tình bạn chân thật, cô ấy mang lại cho tôi một quãng đời sinh viên tuyệt vời, đồng thời cũng nhường cả cơ hội tốt nhất cho tôi.
Giây phút đó tôi đã vươn tay ôm cô ấy vào lòng, có lẽ làm thế hơi kỳ cục nhưng ngoại trừ ôm ra, tôi không biết cách bày tỏ tình cảm nào khác. Tôi ôm Duyệt Oánh và nghĩ mình vẫn còn bạn bè cơ mà, mình còn Duyệt Oánh cơ mà. Tôi chẳng có gì, nhưng tôi có người bạn thân đích thực này.
Duyệt Oánh đấm thùm thụp vào lưng tôi:
– Mau đi gặp thầy và bảo cậu đồng ý sang Mỹ đi!
Cô ấy đẩy tôi ra, rơm rớm nói:
– Cậu thường tự trách số mình đen đủi đủ đường, mỗi lần nghe cậu nói thế, tớ thấy bứt rứt lắm. Tớ chỉ mong bạn mình hạnh phúc nên tớ phải nói để cậu biết rằng, không phải số cậu tệ bạc, chỉ là chưa đến lúc thôi, nhất định cậu sẽ hạnh phúc, nhất định đấy. Có lẽ kiếp này, tớ không có duyên với ngành Hóa rồi, cậu qua Mỹ trước đi, năm sau tớ sẽ sang, tớ học Kinh tế, cậu học Hóa, đến lúc đó, chúng mình lại cặp kè với nhau bên Mỹ!
Kể từ lúc bố mẹ qua đời, tôi sống một cuộc đời vất vưởng, có được người bạn như Duyệt Oánh đã là một niềm hạnh phúc lớn nhất đời rồi.
Vì thời gian có phần gấp rút nên tôi bận túi bụi với quá trình làm thủ tục. Trước hôm làm visa, tôi mới gọi điện thoại cho Tiêu Sơn, tôi cũng không biết phải nói thế nào với anh. Mối tình trong sáng, thuần khiết của tuổi dậy thì vẫn hằng ấp ủ bao năm, nhưng giờ đây người vẫn còn đó mà tình đã biến đâu mất, tôi và anh không thể trở về bên nhau như ngày xưa nữa. Chúng tôi bị ngăn cách bởi quá nhiều người, quá nhiều sự việc, tôi và anh đã vắt kiệt sức lực, vậy mà vẫn không bơi qua được dòng đời thênh thang này.
Tôi hỏi anh:
– Lâm Tư Nhàn vẫn ổn chứ ạ?
Anh nói:
– Tâm trạng ổn định nhiều rồi. Hơn nữa, bệnh đến vậy thôi chứ không phát tác, anh thường xuyên động viên, khích lệ nên giờ cô ấy cũng nghĩ thoáng hơn rồi.
Tôi trầm ngâm một lúc lâu, rồi nói:
– Trường em với Đại học C có chương trình trao đổi lưu học sinh, bên khoa đề cử em.
Anh nói:
– Trường C thì nhất rồi, em lại đang học Hóa, đúng cơ hội tuyệt vời. Sau này, em sẽ được ưu tiên nếu muốn đăng ký học thạc sỹ ở bên đó.
Tôi không biết mình đang chờ đợi điều gì, nếu anh nói, hãy ở lại, đừng đi… Liệu tôi có ở lại không?
Tôi không dám tưởng tượng bởi Tiêu Sơn không hề khuyên tôi ở lại.
Dạo này, tôi không lên mạng cập nhật tin tức, hôm nay, nghe mấy đứa con gái trong lớp bàn tán, bọn họ biết tôi tốt nghiệp trường Trung học trực thuộc nên lân la hỏi:
– Hồi xưa câu học trường Trung học trực thuộc, có biết ai là Lâm Tư Nhàn không?
Tôi giật mình, hỏi vặn lại:
– Có chuyện gì à?
– Có người đăng bài lên diễn đàn trường bên đó, nói nó sống trác táng lắm nên giờ mắc bệnh không chữa được!
– Người ta còn đăng cả ảnh của nó lên rồi mọi người thi nhau tìm kiếm, có cả ảnh từ thời mẫu giáo đến tiểu học, trung học, lên tận đại học cũng bị lôi ra, cậu cùng khóa với nó ở trường Trung học trực thuộc hả? Hồi đó cậu có cùng lớp với nó không?
Bấy giờ, trong lòng tôi chỉ nghĩ được rằng, lẽ ra bệnh viện nên bảo mật thông tin bệnh nhân mới phải, những chuyện thế này mà lan truyền trên mạng thì khác nào dồn Lâm Tư Nhàn vào chỗ chết?
Tôi hỏi mấy đứa bạn:
– Bài viết ấy đăng ở đâu thế?
– Bị quản trị mạng xóa lâu rồi, họ lấy lý do có liên quan đến đời tư của người khác. Đấy, nghĩ cũng tội… Tuy xóa rồi nhưng cả thế giới đều biết nó mắc bệnh…
Tôi không nhớ lúc đó mình đã nói gì, hình như tôi khuyên bọn họ đừng truyền chuyện này ra ngoài, sau đó, tôi gọi cho Tiêu Sơn, bảo anh đến thăm Lâm Tư Nhàn ngay lập tức nhưng vừa móc điện thoại ra thì chuông đổ réo rắt.
Mộ Vịnh Phi gọi điện hỏi tôi:
– Sao rồi, cô thấy hài lòng với món quà tôi tặng chứ?
Tôi không thể ngờ được đó lại là trò của chị ta, những chuyện táng tận lương tâm này mà chị ta cũng bày ra được! Tôi run lên vì tức giận:
– Chính chị tung tin của Lâm Tư Nhàn lên mạng?
Nghe giọng điệu chị ta vô cùng sảng khoái.
– Chắc cô ta lại đi tự sát thêm lần nữa cho mà xen, lần này cho cô ta chết luôn, mà có thế thì cô và Tiêu Sơn mới về được với nhau, tôi nghĩ cho cô cũng chu đáo đó chứ? Hai người yêu nhau rồi, tôi cũng đỡ lo. Ai bảo cô ta dám phản bội tôi, lúc nhận ảnh, cô ta còn thề thốt sẽ không phản bội. Giờ ra nông nỗi này cũng đáng đời.
– Chị không sợ có báo ứng ư?
Đầu dây bên kia, Mộ Vịnh Phi bật cười giòn tan, đầy hứng khởi:
– Báo ứng ư? Tôi chẳng sợ, giờ đến lượt cô, tôi khuyên cô nên biết điều một chút, khôn hồn thì đừng chống đối tôi, bằng không kết cục của cô còn thảm hơn Lâm Tư Nhàn nhiều đấy!
Chị ta cúp máy, tôi nghĩ sao trên đời lại có loại người như thế? Ba năm nay, tôi luôn tự nhủ Mạc Thiệu Khiêm là loài cầm thú trong lớp áo người, giờ mới biết, thì ra vẫn có loại người còn không bằng cầm thú.
Chị ta kiếm chuyện với tôi bởi tôi có quan hệ với Mạc Thiệu Khiêm. Nhưng Lâm Tư Nhàn từng giúp chị ta, giờ chị ta đối xử với Lâm Tư Nhàn như thế, khác nào nghiền chết một con kiến.
Cuối cùng tôi đã hiểu nguyên nhân vì sao Mạc Thiệu Khiêm không thể yêu chị ta, chị ta đẹp mấy thì cũng chỉ là một con rắn độc mà thôi.
Tôi lặn lội sang trường Lâm Tư Nhàn thì được biết cô ấy đã làm đơn xin nghỉ học tạm thời để về nhà, tôi lấy điện thoại, nhắn tin cho cô ấy, nhưng cứ gõ được một chữ lại xóa đi ngay, sửa tới sửa lui, rốt cuộc chỉ gửi có một câu: “Tôi hy vọng mình mãi mãi là bạn cậu.”
Lâm Tư Nhàn không trả lời tin nhắn, điện thoại của Tiêu Sơn cũng chuyển sang chế độ hộp thư thoại khiến tôi có cảm giác chùn lòng.
Tôi kể chuyện này với Duyệt Oánh rồi dặn dò:
– Cậu phải nhắc bố cậu nhớ cẩn thận kẻo mắc lừa mụ đàn bà này, chị ta quả thật quá đáng sợ.
Duyệt Oánh nghe xong cũng nghẹn họng, chỉ nói:
– Cứ tưởng gần đây, mấy kiểu lừa lọc tớ gặp trên thương trường đã đủ dã man rồi, không ngờ chị ta còn độc địa đến thế. Mà cậu cũng phải cẩn thận, có khi chị ta lại bày trò gì với cậu cũng nên, cứ nhanh chóng hoàn tất thủ tục xuất ngoại đi, đừng nhùng nhằng với chị ta nữa.
Trong lòng tôi luôn có cảm giác thấp thỏm không yên, nhưng toàn bộ quá trình làm thủ tục diễn ra hết sức thuận lợi. Chỉ có điều, đêm nào tôi cũng mất ngủ. Trước kia, tôi ăn ngủ rất điều độ, giờ lại trằn trọc những mấy đêm liền. Đầu óc chẳng nghĩ ngợi chuyện gì mà mắt thì cứ mở thao láo, nhìn đăm đăm lên trần nhà, rồi thức luôn tới sáng. Hôm nào tôi cũng bật dậy trong tình trạng váng đầu hoa mắt, gắng gượng lắm mới đi học được, Duyệt Oánh sốt sắng hỏi:
– Cậu làm chuyện gì áy náy lương tâm để mất ngủ thế?
Tôi biết phải trả lời cô ấy thế nào đây? Tôi không làm chuyện gì trái với lương tâm nhưng lúc nào cũng cảm thấy có áp lực nào đó khiến tôi ngột ngạt.
Thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới Mạc Thiệu Khiêm, quãng thời gian ở bờ biển, anh cũng thường xuyên mất ngủ thế này, mỗi lần tôi giật mình tỉnh giấc lại thấy anh chong mắt nhìn trần nhà, dường như luôn trong tình trạng tỉnh táo. Giờ tôi mới nghiệm ra, mất ngủ khổ sở nhường nào, đầu tôi như sắp nổ tung đến nơi, ngồi trên lớp nhưng không nghe lọt tai câu nào trong nội dung giảng bài của thầy, ngày nào đầu óc tôi cũng váng vất, dọc đường thì ngủ gà ngủ gật. Nhưng hễ đặt lưng xuống giường là lại trằn trọc, người chưa từng mất ngủ không thể hiểu được sự giày vò này. Liên tục mấy đêm liền tôi chỉ nằm ngắm trần nhà, cảm tưởng mình sắp phát điên.
Hôm hẹn phỏng vấn ở đại sứ quán, tôi vác theo hai bọng mắt thâm quầng, lúc trả lời cũng bối rối, suýt thì chẳng nói được gì, không ngờ vẫn được cấp visa.
Đại sứ quán nằm trên một con đường khá vắng lặng và rợp bóng mát, thoạt đầu tôi đoán đây là cây sơn tra[1], sau nhìn kỹ mới nhận ra đó là cây hồng.
[1]. Sơn tra: còn có tên là cây chua chát, cây gan hay táo mèo, được dùng làm thuốc ở cả phương Đông và phương Tây hàng chục thế kỷ qua. Hiện nó được dùng rộng rãi tại nhiều nước châu Âu để trị bệnh tim mạch. Còn ở Việt Nam, Trung Quốc, sơn tra là thuốc chữa các chứng về đường tiêu hóa.
Lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy cây hồng ra hoa, bốn cánh hoa núp mình dưới tán lá, hóa ra chỉ nhỏ vậy thôi sao?
Tôi ngửa mặt, ngắm nhìn một lúc rất lâu, cho đến khi nghe thấy có tiếng người gọi sau lưng: “Đồng Tuyết!”
Giọng nói rất quen, ngoảnh đầu lại mới biết thì ra là Lâm Tư Nhàn.
Cô ấy mặc váy trắng, đứng dưới bóng mát của cây hồng, tóc búi cao, để lộ khuôn mặt mịn màng xinh xắn, không son phấn mà vẫn toát lên nét đẹp yêu kiều, hút hồn.
Bệnh thiếu ngủ trầm trọng khiến tôi lờ đờ nên lúc thấy cô ấy, tôi cứ nghệt mặt ra. Chớm hạ, nắng chiều rót qua những tán lá, thêu hoa lên chiếc váy trắng tinh khôi của cô ấy, đậu xuống vầng trán cao đầy đặn, sáng sủa. Ánh nắng khiến Lâm Tư Nhàn chẳng khác nào một cánh bướm rực rỡ, dường như chú bướm ấy có thể cất cánh bay đi bất cứ lúc nào.
Tôi cười, cất giọng nói:
– Sao cậu lại ở đây?
Cô ấy cũng nhoẻn miệng cười:
– Bố mẹ tôi định đưa tôi ra nước ngoài cho thoải mái, hôm nay tôi đến lấy visa.
Hai chúng tôi sóng vai, dạo bước trên con đường thưa thớt xe cộ, tầm này có lẽ cũng đã gần đến giờ nghỉ trưa. Cô ấy nói:
– Ra ngoài đi dạo đúng là tuyệt thật, nhất là con đường này lại vô cùng yên tĩnh. – Rồi cô ấy hỏi tôi. – Cậu cũng đến lấy visa à?
Tôi trả lời:
– Tôi vừa phỏng vấn xong, trường đề cử tôi tham gia chương trình trao đổi du học sinh một năm.
Cô ấy cười nói:
– Thế là tốt rồi. Cậu đúng là có duyên với học hành thật đấy. Tôi vẫn nhớ hồi cấp ba, trong giờ thí nghiệm Hóa, cậu luôn là người hoàn thành nhanh nhất, giỏi nhất. Nói chính ra, điểm thi tốt nghiệp của cậu còn cao hơn tôi những một trăm điểm cơ đấy.
Tôi không biết Lâm Tư Nhàn thi tốt nghiệp được bao nhiêu điểm, đến cả điểm tốt nghiệp của tôi mà cô ấy cũng nhớ. Cô ấy nghiêng đầu nhìn tôi, trên khuôn mặt hiện lên nụ cười cởi mở y như hồi cấp ba:
– Cậu không biết đâu, hồi đấy, mỗi lần thấy cậu và Tiêu Sơn được thầy gọi lên bảng làm bài là tôi lại sinh lòng ngưỡng mộ, nhưng khổ nỗi tôi học kém môn Toán.
Đã bao lâu rồi nhỉ? Tôi và Tiêu Sơn sánh vai đứng trước bảng đen, nghe nét phấn dưới tay mình cọ vào bảng đen ken két, khóe mắt liếc đối phương viết từng dòng tính, sắp cho ra kết quả… Đã bao lâu rồi nhỉ?
Xa xôi lắm rồi, dường như đã thuộc về kiếp trước.
Lâm Tư Nhàn kể:
– Mỗi lần thấy cậu và Tiêu Sơn đứng cạnh nhau trên bục giảng là tôi lại nghĩ, hai người các cậu hẳn phải là cặp đôi hạnh phúc nhất trên đời. Học giỏi như nhau, sở thích như nhau, thậm chí còn chung chí hướng.
Chưa bao giờ tôi nghĩ Lâm Tư Nhàn sẽ ngưỡng mộ mình, trong khi tôi vẫn luôn ngưỡng mộ cô ấy.
Cô ấy hỏi:
– Cậu giận tôi không?
Tôi lắc đầu nói:
– Thực ra tôi và Tiêu Sơn đã trắc trở ngay từ đầu rồi, lúc đó, chúng tôi trẻ con quá, chưa hiểu thế nào là yêu nên những trục trặc của sau này đâu phải tại cậu.
Cô ấy lại cười:
– Chẳng biết cậu nói thật hay không, nhưng tôi vẫn thấy mừng vì cậu không giận tôi.
– Cậu đừng nghĩ ngợi nhiều, lúc còn trẻ, nhiều khi tôi cũng hay cả nghĩ. Nhưng tôi có một người bạn tốt vô cùng, cô ấy tên là Duyệt Oánh, chính cô ấy luôn khích lệ tôi đừng bó hẹp suy nghĩ của bản thân mình nữa, cô ấy giúp tôi rất nhiều và cũng giúp tôi hiểu ra tình bạn chân chính là gì. Thế nên, tôi hy vọng, rất hy vọng mình có thể trở thành bạn của cậu. Hồi học phổ thông, tôi ngưỡng mộ cậu nhiều lắm, tính cậu hoạt bát, cởi mở, ai gặp cũng quý, trong khi tôi chẳng bao giờ làm được điều đó.
Tôi nói một lèo những gì mình ấp ủ trong lòng, tôi sợ sau này không còn đủ dũng khí để nói, dù nghe có vẻ rất xót xa, nhưng tất cả đều xuất phát từ tận đáy lòng.
Lâm Tư Nhàn lại bật cười:
– Lúc còn trẻ cái gì, cậu bằng tuổi tôi đấy, cậu còn nhỏ hơn tôi mấy tháng, năm nay mới có hai mươi mốt chứ mấy…
– Nhưng tôi cứ có cảm giác mình đã già lắm rồi.
Lâm Tư Nhàn ngẩn ra một lúc rồi khẽ thở dài:
– Trái tim bọn mình đã già cỗi mất rồi.
Giả sử cuộc nói chuyện này của chúng tôi mà bị tung lên mạng, thế nào cũng bị đả kích ghê lắm. Nhưng càng trải qua tuổi trẻ càng thấy nó xa dần, ngay cả ánh mắt cũng bị mài cùn, nhiều khi tôi hốt hoảng nghĩ, cuộc đời mình đã trôi qua thật rồi, quãng thời gian còn lại cũng chỉ sống lay lắt cho qua ngày mà thôi.
Bỗng dưng, Lâm Tư Nhàn dừng bước, cất giọng hỏi tôi đầy nghiêm túc:
– Đồng Tuyết này, có chuyện này cậu phải nói thật với tôi, cậu biết ai đã tung tin tôi mắc bệnh lên mạng không?
Tôi sững người.
Cô ấy nói:
– Tôi biết không phải cậu, càng không phải Tiêu Sơn, trong khi chỉ có hai người biết bệnh tình của tôi mà thôi, chẳng qua tôi muốn biết xem ai hận tôi đến nỗi phải dồn tôi vào đường cùng thế này.
Tôi lưỡng lự vài giây rồi kể với cô ấy:
– Phải, là Mộ Vịnh Phi.
Lâm Tư Nhàn không tỏ ra gay gắt như tôi tưởng tượng, thậm chí cô ấy còn nhoẻn miệng cười:
– Đấy, tôi biết ngay mà, mụ ta diễn trò này một lần rồi, lần ấy chính tôi đã lú lẫn giúp mụ ta tung tin lên mạng, nói cậu là bồ nhí.
Tôi thấy buồn, nhất là lúc cô ấy cười với tôi. Tôi nói:
– Nghe nói thế thôi, mọi chuyện đã qua rồi.
Lâm Tư Nhàn “ừm” một tiếng, chúng tôi ra đến đường chính. Nắng như đổ lửa lên da thịt, đột nhiên khiến tôi thấy ran rát khó chịu. Cô ấy nói:
– Tôi phải về đây, hôm nay tôi rất vui vì được tâm sự với cậu.
Tôi nói:
– Tôi cũng rất vui, thật đấy!
Cô ấy mỉm cười, đoạn rảo bước, nhưng rồi bỗng dưng quay phắt lại, vẫy tay với tôi:
– Tạm biệt!
– Tạm biệt!
Tôi nhớ mãi không quên, dưới ánh nắng chớm hè rực rỡ, rạng ngời đó, nụ cười tươi tắn của Lâm Tư Nhàn gợi người ta liên tưởng đến những con búp bê bằng sứ xinh xắn. Nắng choàng lên người cô một lớp ánh kim óng ả, nhất là chiếc váy trắng tinh thuần khiết, không một tì vết, hệt như nụ cười tươi tắn kia.