Bắt Trẻ Đồng Xanh - Chương 21

Đã lâu, tôi không được may mắn như lần này. Khi về đến nhà, tôi phát hiện nhân viên gác thang máy đêm thường xuyên của chúng tôi, gã Peter, không trực. Cạnh thang máy là một gã mới, lạ hoắc, tôi hình dung nếu không đụng ngay phải bố hoặc mẹ, tôi có thể gặp em gái một lúc rồi chuồn để không ai thấy tôi về. Tôi gặp may, chả phải bàn thêm về vào đó, gã mới này rất ngờ nghệch. Tôi khinh khỉnh nói với gã rằng tôi cần lên hộ Dicksteins. Gia đình này sống cùng tầng tôi. Không bỏ mũ thợ săn ra để khỏi có bộ dạng khả nghi, tôi nhảy bổ vào thang máy, làm như có việc khẩn cấp lắm. Gã đã đóng cửa và định bấm nút, nhưng bỗng nhiên quay lại nói:

– Họ không có nhà đâu. Họ lên tầng 14 chơi.

– Không sao, – tôi nói. – Họ dặn tôi chờ, tôi là cháu họ.

Gã đờ đẫn và nghi ngờ nhìn tôi.

– Vậy thì tốt hơn cậu chờ ở dưới, ngay phòng ngoài ấy, anh bạn trẻ ạ!

– Tôi sẵn lòng thôi! Dĩ nhiên, như vậy thì hay hơn – tôi nói, – nhưng chân tôi đau, phải giữ nó ở vị trí ổn định. Tốt hơn là tôi sẽ ngồi ở ghế băng cạnh cửa nhà họ.

Hắn thậm chí chả hiểu nổi tôi nói gì, chỉ trả lời: “Vậy thì thôi!” – rồi đưa tôi lên. Không đến nỗi tồi đấy chứ. Thật nực cười, chỉ cần nói tầm bậy với ai đó một cái gì khó hiểu là hắn làm theo ý bạn ngay.

Tôi bước lên tầng nhà mình, khập khễnh như một con chó què vậy, rồi bước tiếp đến cửa nhà Dicksteins. Nhưng khi cửa thang máy vừa sập lại, tôi quay ngay về phía nhà mình. Mọi sự đều tốt đẹp. Cơn say đã biến sạch. Tôi móc lấy chìa khoá, mở cửa ra vào khẽ như chuột. Sau đó, tôi khép cửa thật thận trọng rồi vào hành lang. Tôi cũng có thể làm một tên gangster đấy chứ! Ở hành lang tối như hũ nút, mà tôi thì các bạn hiểu đấy, không được bật đèn. Phải đi thật thận trọng và không được va vào đồ đạc để khỏi gây ra tiếng động. Nhưng tôi đã cảm thấy mình đang ở nhà. Phòng ngoài nhà tôi có mùi rất riêng biệt, chẳng nơi nào có hết. Tự tôi cũng không biết mùi gì, không hẳn mùi đồ ăn, chẳng hẳn mùi nước hoa, thật khó mà hiểu nổi, nhưng cảm thấy ngay là mình ở nhà. Thoạt đầu, tôi muốn cởi bành tô, treo vào tủ, nhưng trong đó đầy những mắc áo, chúng sẽ rền rĩ lên như một lũ điên khi bạn mở cửa tủ, tôi đành mặc nguyên như cũ. Sau đó, tôi bước khẽ khàng trên đầu ngón chân, đến phòng Phoebe. Tôi biết, chị hầu phòng nhà tôi không nghe thấy, vì có lẽ chỉ có màng trống chứ không phải màng nhĩ. Thằng em trai chọc rơm thủng tai chị từ hồi còn nhỏ, chính chị đã kể cho tôi. Chị ấy thì hoàn toàn điếc đặc. Nhưng bù vào đó, bố mẹ tôi, đúng hơn là mẹ tôi lại thính tai kinh khủng. Khi qua phòng ngủ của bố mẹ, tôi cố thận trọng hết mức. Thậm chí tôi còn cố nín thở. Bố tôi thì không sao, có đụng cả ghế vào đầu ông cũng chẳng tỉnh dậy, nhưng mẹ thì dù có ho tận Xibêri, bà cũng nghe thấy. Thần kinh bà thì có trời biết được. Đêm, bà không ngủ được và cứ hút thuốc vô độ.

Tôi mò mẫm cả tiếng đồng hồ mới đến được phòng Phoebe. Nhưng nó không có ở đó. Tôi quên đứt là nó luôn ngủ ở phòng anh D.B khi anh đến Hollywood hoặc đi đâu đó. Nó thích ngủ ở phòng anh ấy, vì đó là phòng rộng nhất nhà tôi. Và còn vì ở đó có cái bàn cũ rộng khiếp người. Anh D.B mua nó của một mụ nghiện ngập ở Philadelphia. Cả giường ở đó cũng khổng lồ, dễ đến mười dặm chiều rộng, mười rặm chiều dài. Tôi không biết, anh ấy kiếm đâu ra cái giường này. Tóm lại, Phoebe thích ngủ ở phòng anh D.B khi anh ấy không có nhà mà anh cũng chẳng phản đối. Giá bạn thấy con bé học bài bên cái bàn chết giẫm ấy, nó cũng có kích cỡ như cái giường vậy. Hầu như chả thấy Phoebe đâu, khi nó học bài ở đó. Thế mà nó lại thích cái bàn. Nó không thích phòng mình vì phòng nó chật. Nó nói, nó thích “lan toả”. Thật nực cười, nó thì lan toả gì ở đó mới được chứ, cái con nhỏ ngốc nghếch ấy?

Tôi mò thật khẽ vào phòng anh D.B, bật đèn trên bàn làm việc. Phoebe của tôi vẫn không tỉnh dậy. Tôi nhìn nó rất lâu trong ánh đèn. Nó ngủ say, làm gập cả góc gối, miệng nó hé mở. Thật kỳ quặc: nếu người lớn ngủ há miệng thì trông thật gớm ghiếc, nhưng trẻ con thì không. Với trẻ con cái gì cũng khác. Thậm chí chúng có nhỏ dãi trong mơ trông cũng chả khó chịu chút nào.

Tôi đi lại trong phòng rất nhẹ, nhìn quanh. Tự nhiên tâm trạng tôi trở nên phần khởi và thậm chí cũng không còn nghĩ đến sưng phổi nữa. Đơn giản là tôi lại thấy vui. Trên chiếc ghế gần giường có áo đầm của Phoebe. Nó thực ngăn nắp, ở lứa tuổi ấy. Bạn hiểu không, nó chả bao giờ quăng đồ bừa bãi như những đứa trẻ khác. Trên lưng ghế treo cái áo vét nâu nhạt trong bộ váy áo mẹ tôi mua cho nó ở Canada. Áo choàng nằm trên mặt ghế, còn giày với đôi tất gấp cẩn thận bên trong để ngay dưới gầm ghế. Tôi còn chưa biết đôi giày này. Nó mới được mua. Một đôi giày nâu sẫm, mềm mại, tôi cũng có một đôi như thế. Đôi giày rất hợp với bộ váy áo kia. Mẹ tôi cho nó ăn mặc rất diện, rất đẹp. Khiếu thẩm mỹ của mẹ tôi thật đáng kinh ngạc, dĩ nhiên là không phải trong mọi vấn đề. Tỉ như giày trượt băng chẳng hạn thì mẹ tôi không biết mua, nhưng trong mọi thứ còn lại, khiếu thẩm mỹ của bà thật hoàn hảo. Phoebe bao giờ cũng mặc những chiếc áo váy tuyệt vời, nhìn bà có thể chết ngất đi được! Bạn cứ thử nhìn những đứa trẻ khác mà xem, quần áo chúng thật ghê người, cho dù bố mẹ chúng giàu có thực sự đi nữa. Giá bạn được nhìn thấy Phoebe trong bộ váy áo tôi vừa nhìn, nó thật dễ chịu, nói có trời chứng giám.

Tôi ngồi xuống bàn làm việc của ông anh, nhìn xem có những gì trên bàn, Phoebe đặt sách vở, giáo trình của nó ở đó. Rất nhiều sách giáo khoa. Trên cùng có cuốn sách nhỏ với tên gọi “Số học lý thú”. Tôi mở cuốn sách ra và nhìn thấy trang đầu tiên có hàng chứ: Phoebe Weatherfield Caulfield 4B – 1 Suýt nữa thì tôi phá lên cười. Tên thứ hai của nó là Joserphine chứ không phải là Weatherfield! Nhưng nó không thích cái tên đó. Lúc nào nó cũng nghĩ ra cho mình một cái tên thứ hai mới.

Số học này, địa lý này, rồi đến sách giáo khoa môn chính tả. Nó viết rất đẹp, rất đúng. Nói chung, con bé học rất khá, nhưng nó viết khá nhất. Cả một đống sổ tay nằm dưới sách dạy chính tả, có vẻ như nó có đến cả năm ngàn sổ tay, nếu không hơn. Chưa bao giờ tôi thấy đứa trẻ nào có lắm sổ như nó. Tôi mở cuốn sổ trên cùng, đọc những dòng chữ ghi chép ở trang đầu tiên. “Bernis, hãy chờ mình vào giờ nghỉ, cần nói một chuỵên cực kỳ quan trọng”. Chả còn chữ nào khác ở trang nào. Tôi lật trang sau, ở đó có ghi: “Tại sao ở đông nam Alasca lắm nhà máy đồ hộp thế? Bởi vì ở đó có nhiều cá hồi. Tại sao ở đó có gỗ quý? Bởi vì ở đó có khí hậu thích hợp. Chính phủ ta đã làm gì để cải thiện đời sống cho người Eskimo ở Alaska?

Học thuộc ngày mai. Phoebe Weartherfield Caulfield Phoebe W. Caulfield Bà Phoebe Weatherfield Caulfield Hãy chuyển cho Shirley!!! Shirley, bạn nói hành tinh của bạn là sao Thổ, nhưng đó chỉ là sao Hoả, hãy đem theo giày trượt băng khi bạn đến rủ mình”. Tôi ngồi bên bàn viết của anh D.B lần lượt đọc toàn bộ cuốn sổ ghi chép ấy. Tôi đọc xong rất nhanh. Nói chung, tôi có thể đọc những dòng gà bới của trẻ con kiểu này từ sáng đến tối, của đứa nào cũng được. Những gì chúng viết đều nực cười, cái lũ con nít ấy. Sau đó, tôi hút thuốc, điếu cuối cùng trong bao. Có lẽ tôi đã hút đến ba chục bao trong cái ngày này. Cuối cùng, tôi quyết định đánh thức Phoebe. Không thể ngồi cả đời bên bàn viết, ngoài ra, tôi còn sợ nếu nhỡ cha mẹ tôi xuất hiện, mà tôi thì chỉ muốn gặp riêng nó. Thế là tôi đánh thức nó dậy.

Nó rất dễ tính. Chả cần gào lên, chả cần lay nó. Chỉ cần ngồi xuống giường và nói: “Phoebe, dạy đi nào”! Nó đã – hấp! và tỉnh ngay.

– Holden! – Nó nhận ra tôi ngay. Rồi đưa tay ôm chặt lấy cổ tôi. Nó rất hay âu yếm. Thậm chí nhiều lúc còn quá ư âu yếm. Tôi hôn nó, nó nói: “Anh về lúc nào?”. Nó sung sướng vì tôi quá chừng. Thấy rõ ngay là vậy.

– Khẽ thôi! Anh mới về. Còn em thế nào?

– Tuyệt! Anh có nhận được thư em không? Em viết cho anh đến cả năm trang ấy.

– Có, có. Đừng làm ầm lên. Anh có nhận được. Cám ơn.

– Tôi có nhận được nhưng không kịp trả lời. Trong thư toàn nói về vở kịch ở trường mà nó tham gia. Nó viết tôi phải thu xếp chiều thứ sáu để đến xem bằng được vở đó.

– Thế kịch của bọn em ra sao? – Tôi hỏi – Anh quên tên rồi.

– “Tuồng câm lễ Giáng Sinh cho người Mỹ”, – nó nói. – Kịch bản tồi lắm, nhưng em đóng vai Benedict Arnold. Vai của em lớn nhất đấy! – Cơn buồn ngủ biến mất! Mặt nó đỏ bừng, rõ ràng là rất thích kể lể. – Anh biết không, vở kịch mở đầu với cảnh em đang hấp hối. Ngày trước lễ Giáng Sinh, vị thần đến hỏi xem em có thấy xấu hổ không, khi phản bội Tổ quốc ấy, đại loại như vậy. Anh sẽ đến chứ?

– Nó thậm chí còn nhảy lên trên giường. – Em đã viết cho anh hết rồi. Anh đến chứ?

– Dĩ nhiên rồi, anh sẽ đến!

– Bố không đến được. Bố phải bay đến California. – Mới chưa đầy một phút mà nó đã hoàn toàn tỉnh như sáo! Nó nhỏm dậy, quỳ đầu gối, giữ tay tôi. – Anh nghe này, – nó nói, – mẹ bảo anh đến thứ tư mới về. Đúng thế, thứ tư!

– Họ cho về sớm hơn. Đừng có ầm lên thế. Em làm tất cả thức giấc bây giờ.

– Mấy giờ rồi? Mẹ bảo, bố mẹ sẽ về rất muộn. Bố mẹ đến Norwalk, Connecticut chơi. Anh đoán xem em làm gì hôm nay nào? Anh biết em xem phim gì không?

– Anh không biết. Em nghe này, thế bố mẹ không nói, lúc nào…

– “Đốc tờ”, – một bộ phim đặc biệt. Đang chiếu ở hội Lister. Chỉ một ngày thôi, chỉ một ngày, anh hiểu không? Phim nói về một đốc tờ từ Kentucky, ông ấy phủ chăn lên mặt một cô bé, cô bé bị tàn tật, không đi được. Ông ta bị tống giam vào tù, đại loại như vậy. Phim rất hay!

– Gượm đã nào! Bố mẹ không nói, bao giờ…

– Vậy mà ông đốc tờ này lại thương cô bé kinh khủng. Vì vậy mà ông ấy phủ chăn lên mặt để giúp cô bé chết ngạt. Ông ấy bị tù chung thân, nhưng cô bé ấy thì luôn luôn hiện về trong mơ cám ơn ông ta. Hoá ra, đó là lòng nhân từ chứ chả phải vụ sát nhân. Nhưng dẫu sao ông ấy cũng biết là mình đáng bị đi tù vì con người không được quyền làm những việc gì thuộc quyền Chúa. Bọn em được mẹ Alice Homborg cùng lớp dẫn đi. Nó là bạn gái tốt nhất của em đấy. Cả lớp chỉ có mình nó biết làm…

– Khoan nào, em có nghe thấy không? Anh đang hỏi em, bố mẹ có nói sẽ về nhà lúc mấy giờ không?

– Không, không nói, mẹ chỉ bảo về rất muộn. Bố lấy xe hơi đi để khỏi phải vội vàng ra tàu. Xe hơi nhà mình có radio đấy. Chỉ có điều mẹ nói là không được bật khi đang chạy tốc độ lớn.

Tôi cảm thấy bình tĩnh. Không còn lo bị bắt quả tang ở nhà nữa. Mà nói chung, tôi nghĩ nếu có bị bắt quả tang thì cũng mặc!

Giá bạn thấy Phoebe của tôi bây giờ, tuyệt thật. Nó mặc áo ngủ màu xanh nước biển, quanh cổ có những con voi đỏ nhỏ xíu. Nó thích voi mê mệt.

– Có nghĩa là phim hay phải không? – Tôi hỏi.

– Tuyệt vời, chỉ có điều Alice bị sổ mũi, mẹ nó ám nó suốt buổi, sợ nó lên cơn sốt. Phim đang chiếu mà bà ấy cứ hỏi hoài. Vừa mới bắt đầu cảnh hay nhất, bà cứ cúi qua cả em mà hỏi: “Con có sốt không?” khiến em bực cả mình. Bỗng tôi nhớ đến cái đĩa hát.

– Em biết không, anh đã mua cho em cái đĩa hát hay lắm nhưng lại đánh vỡ dọc đường. – Tôi lôi những mảnh vụn từ túi áo ra cho nó xem. – Lúc đó anh say rượu.

– Cho em những mảnh ấy đi, – nó nói. – Em sưu tập chúng. – Nó cầm những mảnh vụn rồi giấu ngay xuống bàn ngủ. Thật buồn cười!

– Anh D.B có về dự Giáng Sinh không? – Tôi hỏi.

– Mẹ nói, có thể có mà cũng có thể không. Còn phụ thuộc vào công việc. Có thể, anh ấy buộc phải ở lại Hollywood viết kịch bản về Annapolis.

– Lạy Chúa, tại sao lại về Annapolis?

– Về cả tình yêu, và về tất cả. Anh đoán xem, ai sẽ đóng phim ấy? Minh tinh màn bạc nào? Đấy, anh không đoán nổi đâu!

– Anh chả quan tâm đến. Em thử nghĩ xem, anh ấy thì biết gì về Annapolis, lạy Chúa! Cái đó thì có liên quan gì đến chuyện ngắn của anh ấy cơ chứ? – Phì, đến mụ cả người vì những trò nhảm nhí của Hollywood chết giẫm! – Mà tay em làm sao đấy? – Tôi thấy ở khuỷu tay nó dán băng dính. Áo ngủ nó không tay nên tôi nhìn thấy.

– Một thằng ở lớp em, Curtis Weintraub va phải khi em chạy trên cầu thang ở công viên. Anh muốn không, em cho xem? – Rồi nó bắt đầu bóc băng dính ra.

– Đừng động đến! Thế sao nó lại va phải em?

– Em không biết. Hình như nó rất ghét em, – Phoebe nói. Em cùng với một đứa nữa, Selma Etterbery ấy mà đã bôi mực lên khắp áo nó.

– Không tốt đâu.

– Nhưng lúc nào nó cũng đi theo em. Em vừa vào công viên, nó đã ở đằng sau rồi. Nó làm em phát cáu.

– Thế ngộ nhỡ nó thích em. Không nên bôi mực lên áo người ta chỉ vì chuyện đó.

– Em không muốn nó thích em, – nó nói. Rồi bỗng nhiên nó nhìn tôi nghi hoặc – Holden, anh nghe này! Sao anh lại về trước thứ tư?

– Gì cơ?

Đúng, phải cảnh giác với nó. Nếu bạn nghĩ rằng nó là một con ngốc, thì có lẽ bạn điên.

– Sao anh lại về trước thứ tư? – Nó lặp lại- Chắc anh lại bị đuổi chứ gì?

– Anh đã giải thích cho em rồi mà. Họ cho bọn anh về sớm hơn. Cả lớp…

– Không, anh vừa bị đuổi học! Bị đuổi học! – Nó nhắc lại, lấy hết sức đấm vào đầu gối tôi. Nó đánh nhau rất khiếp, nếu bị ai gây sự. – Bị đuổi học. Ôi, Holden!- Nó đưa tay lên bịt miệng mình có vẻ phiền muộn kinh khủng.

– Ai nói với em là vậy? Không ai…

– Không, anh bị đuổi! Anh bị đuổi! – Và nó lại đấm vào đầu gối tôi. Nếu bạn nghĩ là tôi không đau thì bạn nhầm to. – Bố sẽ giết anh! – Rồi bỗng nhiên nó ngã đánh uỵch, sấp mặt xuống giường rồi rúc đầu xuống gối. Nó thường làm như vậy. Đơn giản là phát điên lên được, thật đấy.

– Thây kệ! – Tôi nói. – Chả ai giết anh cả, thậm chí là động tay vào anh… thôi nào, im đi, Phoebe, bỏ cái gối chết giẫm kia ra. Chả ai có ý định đánh anh đâu.

Nhưng nó vẫn không bỏ gối ra. Chả ai đủ sức chống chọi với cái tính bướng như bò của nó. Nó nằm và khẳng định.

– Bố sẽ giết anh, bố sẽ giết anh, – giọng nó từ dưới gối vọng lên khe khẽ.

– Chả ai làm thế hết. Đừng có tưởng tượng ra. Thứ nhất, anh sẽ bỏ đi. Em có biết anh sẽ làm gì không? Anh sẽ kiếm việc ở một trại chăn nuôi gia súc nào đó, dù chỉ tạm thời thôi. Anh quen một thằng, ông nó có trại như thế ở Colorado. Có thể, ở đó họ sẽ cho anh làm việc. Anh sẽ viết cho em ngay từ nơi đó, nếu anh đi. Nào, thôi đi! Bỏ cái gối quái quỷ kia ra! Nghe thấy không, Phoebe, anh xin em! Thây kệ nó, em nghe thấy không?

Nhưng nó vẫn giữ cái gối. Tôi muốn kéo ra, nhưng con bé khoẻ như quỷ. Đánh nhau với nó sẽ mệt đấy. Một khi đã úp gối lên đầu thì đừng có hòng nó chịu bỏ ra.

– Nào, Phoebe, anh xin mà. Em ra đi, nghe thấy không? – Tôi cầu xin. – Này, Weatherfield, chui ra đi, lẹ lên!

Không, nó không muốn. Chả bao giờ có thể thoả thuận được với nó. Cuối cùng tôi đứng dậy, bỏ sang phòng khách, lấy thuốc lá trong ống trên bàn nhét vào túi. Tôi mệt bở hơi tai.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ