Hai Số Phận - Chương 16

Phải mất đến ba tháng, Abel mới thấy được hết các vấn đề nghiêm trọng của Richmond Continental và anh hiểu tại sao khách sạn lại mất đi lắm tiền thế. Sau mười hai tuần lễ mở to mắt ra mà nhìn nhưng đồng thời lại phải cố làm cho mọi người tưởng anh lưo mơ không thấy gì, anh đã đi đến kết luận đơn giản, đó là: lợi nhuận của khách sạn đã bị đánh cắp. Tất cả bộ máy nhân viên Richmond đều ăn cánh với nhau để làm việc đó, với một quy mô mà Abel không thể ngờ tới. Và bộ máy đó không thèm đếm xỉa gì đến người phó quản lý mới, một con người đã từng ăn cắp bánh mì trong trại giam để mà sống sót được. Vấn đề đầu tiên đối với Abel bây giờ là làm thế nào để không ai biết anh đã phát hiện ra chuyện đó. Anh còn tiếp tục quan sát vào từng bộ phận nhỏ trong khách sạn đã. Chẳng bao lâu, anh đã thấy rõ mỗi bộ phận đều hoàn thiện cách riêng của nó để ăn cắp tài sản cho trôi.

Trước hết là ở quầy tiếp tân. Ở đây nếu có mười khách thì họ chỉ ghi tên tám người, còn tiền của hai người kia họ bỏ túi. Cách họ làm rất đơn giản. Nếu là ở khách sạn Plaza New York thì chỉ trong vài phút người ta có thể phát hiện ra ngay và nhân viên làm việc đó bị đuổi tức thì. Anh phụ trách quầy tiếp tân thường chọn một đôi vợ chồng già nào đó từ một bang khác đến đặt phòng và chỉ ở lại một đêm. Anh ta sẽ bí mật tìm hiểu xem đôi vợ chồng ấy có việc gì liên quan đến người khác trong thành phố hay không, nếu không thì họ chỉ việc coi như quên không ghi tên khách vào sổ. Sáng hôm sau nếu họ trả tiền mặt thì tiền đó được bỏ vào túi ngay, miễn là khách không ký vào sổ và như thế thì không có chứng cứ nào là khách đã từng ở khách sạn này. Từ lâu, Abel nghĩ rằng mọi khách sạn đều phải ghi tên từng người khách. Trước đây, ở Plaza anh đã thấy họ làm thế rồi.

Trong nhà ăn, hệ thống ăn cắp rất tế nhị. Tất nhiên những khách nào không phải người trú trong khách sạn thì ăn trưa hay ăn tối đều trả tiền mặt. Tuy nhiên, Abel dần dần phát hiện rằng giữa quầy tiếp tân với nhà ăn có liên lạc để báo cho nhau biết là với những khách nào không đăng ký trong sổ bên ngoài thì trong nhà ăn cũng không có hóa đơn. Ngoài ra thường luôn luôn có những chuyện bày ra để sửa chữa, thay thế những đồ hỏng vỡ mất mát, từ những đồ tiện nghi đến lương thực, khăn trải giường và thỉnh thoảng còn mất cả đệm nữa. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng từng bộ phận, Abel đi đến kết luận là quá nữa số nhân viên trong khách sạn Richmond đều có dính líu đến những vụ ăn cắp này. Không một bộ phận nào trong khách sạn có được bộ mặt hoàn toàn trong sạch.

Lúc mới đến Richmond, Abel lấy làm lạ tại sao Desmond Pacey, người quản lý, lại không thấy được những chuyện diễn ra trước mũi ông ta trong một thời gian dài như vậy. Anh đã cho rằng ông ta lười và không thích những chuyện kêu ca phàn nàn, thế thôi. Ngay bản thân Abel cũng không thấy ngay được chính người quản lý lười ấy là kẻ chủ mưu đứng sau tất cả những vụ ăn cắp này, và vì nó hoạt động rất khéo nên anh không nhận ra ngay được. Pacey đã làm việc cho công ty Richmond này hơn ba chục năm rồi. Ông ta đã lần lượt ở cường vị quản lý của tất cả những khách sạn của công ty. Hơn thế nữa, Desmond Pacey còn là bạn riêng của Davis Leroy. Như vậy, khách sạn Richmond ở Chicago mỗi năm mất đi hơn 30000 đôla, một tình hình mà Abel tính rằng có thể giải quyết ngay được nếu đuổi Desmond Pacey. Chuyện này sẽ thành vấn đề ngay, vì trong ba chục năm nay Davis Leroy hầu như không đuổi một nhân viên nào. Ông ta rộng lượng, và hy vọng rằng đến một lúc nào đó chẳng phải sa thải họ cũng đi. Nhưng Abel thì cho rằng những người như thế sẽ chẳng bao giờ đi, trái lại họ còn tiếp tục ăn cắp cho đến lúc khách sạn Richmond không còn gì nữa.

Abel biết rằng cách duy nhất có thể cứu vãn được khách sạn là làm một cuộc thử thách cuối cùng nữa với Davis Leroy. Để thực hiện mục đích ấy, đầu năm 1928, anh đi chuyến tàu tốc hành từ ga Illinois đến St. Louis rồi từ đó chuyện sang tàu Missourri Pacific về Dallas. Anh mang theo một bản báo cáo 200 trang mà anh đã bỏ sức tập hợp liền trong ba tháng ở căn phòng nhỏ trong khu phụ của khách sạn. Sau khi Davis Leroy đọc được xong tất cả những chứng cớ anh thu thập được, ông ta ngồi nhìn Abel bằng con mắt ngạc nhiên và thất vọng.

Ông ta gấp hồ sơ lại và nói:

– Những người này đều là bạn của tôi cả. Một số trong những người đó làm việc với tôi ba chục năm nay rồi. Tất nhiên trong cái nghề này bao giờ cũng có chút lừa dối, nhưng tôi không ngờ họ lại cướp bóc của tôi đến mức này.

– Phải nói là một số những người đó đã ăn cắp của ông suốt từ ba chục năm nay. – Abel nói.

– Bây giờ tôi biết làm thế nào đây? – Leroy nói.

– Tôi có thể chấm dứt ngay được chuyện thối nát này nếu ông loại bỏ Desmond Pacey và cho tôi toàn quyền sa thải ngay tất cả những ai có dính líu đến các vụ ăp cắp.

– Này anh Abel, tôi nghĩ có lẽ vấn đề không đơn giản như vậy được đâu.

– Vấn đề rất đơn giản, – Abel nói. – Nếu ông không cho tôi cái quyền đối xử với những thủ phạm ấy, thì tôi xin từ chức ngay từ phút này, vì tôi không có lợi ích gì trong việc làm một phần của cái khách sạn tham nhũng nhất ở nước Mỹ này.

– Hay ta giáng chức Desmond Pacey xuống làm phó quản lý? Như vậy tôi sẽ đưa anh lên làm quản lý và anh sẽ có thể kiểm soát được tình hình?

– Không được đâu, – Abel đáp. – Pacey còn hai năm nữa mới phải đi, mà ông ta thì nắm chắc tất cả nhân viên Richmond. Đến lúc tôi chấn chỉnh được ông ta lại rồi thì ông cũng không còn hoặc bị phá sản hoặc cả hai. Tôi ngờ rằng tất cả những khách sạn khác của ông đều đang được quản lý theo cách ăn cắp như thế. Nếu ông muốn xoay chuyển lại tình hình ở Chicago thì ông phải có một quyết định cứng rắn về Pacey ngay từ bây giờ, không thì sẽ nguy cho ông lắm. Tùy ông thôi.

– Những người Texas chúng tôi nổi tiếng là hay nói thẳng những điều mình nghĩ, nhưng xem ra vẫn chưa bằng anh được, Abel. Thôi được, thôi được, tôi giao quyền cho anh ngay bây giờ. Chúc mừng anh. Anh là người quản lý mới của Richmond ở Chicago. Chúc mừng anh. Chờ để tôi báo cho Al Capone (trùm mafia nổi tiếng trong lịch sử thành phố Chicago) trong biết là anh về Chicago nhé. Ông ta sẽ về đấy hưởng cái bình yên ở vùng Tây Nam này. – Leroy đứng dậy vỗ vai anh quản lý mới của mình và nói tiếp. – Abel này, anh đừng tưởng tôi là người không biết ơn đâu. Anh đã làm được một công việc rất có giá trị ở Chicago, và từ nay trở đi tôi sẽ coi anh như cánh tay phải của tôi. Thực tình mà nói, Abel ạ, tôi làm ăn với thị trường chứng khoán cũng rất khá nên tôi không để ý đến những mất má như vậy. Cảm ơn Chúa tôi lại có được một người bạn trung thực đấy. Anh ở lại và dùng bữa với tôi một chút chứ.

– Tôi sẽ rất sung sướng được cùng ăn với ông, thưa ông Leroy, nhưng tôi muốn ở lại đêm tại khách sạn Richmond Dallas vì có vài lý do riêng.

– Anh không để cho ai được thoát tội chứ, Abel?

– Nếu tránh được thì tôi tránh.

Tối hôm đó, Davis Leroy mời Abel ăn một bữa thịnh soạn và cho anh uống hơi nhiều rượu whisky. Ông ta bảo tục lệ ở miền Nam này đãi khách là phải như vậy. Ông ta còn nói với Abel rằng ông ta đang tính xem có ai đó quản lý cho toàn bộ hệ thống khách sạn Richmond để ông còn rảnh tay làm việc khác.

– Chắc là ông chả muốn đến cái thằng Ba Lan ngốc ngếch này chứ? – Abel nói, lúc này đã hơi líu lưỡi vì say.

– Abel, chính tôi mới là ngốc nghếch. Nếu như anh không khui được ra những thằng ăn cắp thì có lẽ tôi đến hỏng bét cả. Bây giờ biết được sự thật như thế rồi, chúng ta sẽ cho tất cả bọn nó một trận, rồi tôi sẽ cho anh có cơ hội khôi phục lại cả Công ty Richmond và làm cho trở lại nổi như trước.

Abel nâng cốc lên, tay run run.

– Tôi xin uống chúc mừng cho điều đó, và chúc cho sự cộng tác của chúng ta được lâu dài, thắng lợi.

– Làm tới đi, Abel.

Abel ngủ lại đêm ở khách sạn Richmond Dallas. Anh cho họ một cái tên giả, và bảo với quầy tiếp tân là anh chỉ ở có một đêm. Buổi sáng, anh theo dõi thấy biên lai chỉ có một bản và sau khi anh trả tiền rồi thì họ vứt luôn nó vào sọt rác, do đó những nghi ngờ của anh về các khách sạn Richmond khác càng được khẳng định. Vấn đề không phải chỉ có ở Chicago. Anh quyết định sẽ thanh toán xong ở Chicago trước đã, rồi sẽ tính đến những vụ ăn cắp của toàn công ty sau. Anh gọi điện thoại cho Davis Leroy để báo cáo cho ông biết rằng anh đã phát hiện ra chuyện ăn cắp kia ở một khách sạn nữa của công ty.

Abel trở về Chicago cũng bằng con đường đã đi. Thung lũng Mississippi trải rộng ngoài tầm mắt từ cửa sổ xe lửa nhìn ra. Cảnh lụt lội từ năm ngoái vẫn còn dấu vết. Abel nghĩ bụng về đến Richmond Chicago, anh sẽ cho họ một phen chẳng kém gì cảnh lụt lội này.

Đến nơi, anh không thấy có người phục vụ ban đêm ở khách sạn, tìm mãi mới chỉ thấy có một nhân viên trực. Abel quyết định để cho tất cả đám họ ngủ một đêm ngon lành đã, rồi sáng mai sẽ mời họ đi. Một chú nhỏ sai vặt ra mở cửa trước cho anh về căn phòng ở nhà phụ.

– Ông đi mạnh khỏe chứ ạ, ông Rosnovski. – chú bé hỏi.

– Tốt, cảm ơn chú. Ở nhà thế nào?

– Ôi, rất yên ổn.

Được, rồi đến mai chú sẽ còn thấy yên ổn hơn nữa, Abel nghĩ bụng, nhất là nhân viên còn lại sẽ chẳng còn mấy.

Abel bỏ đồ xuống rồi gọi bộ phận phục vụ phòng cho anh ăn nhẹ. Phải hơn một giờ sau họ mới đem lên. Uống cà phê xong, Abel cởi quần áo vào tắm nước lạnh, đầu nghĩ đến một kế hoạch cho ngày hôm sau. Anh đã chọn đúng lúc trong năm cho cuộc “thảm sát” này. Bây giờ mới chỉ là đầu tháng hai và khách sạn chỉ có chừng 25 phần trăm khách. Abel tin rằng chỉ với một nửa số nhân viên hiện nay là đủ cho khách sạn Richmond hoạt động. Anh trèo lên giường, vứt bỏ gối xuống sàn, rồi lăn ra ngủ say như chú bé nhân viên kia vậy.

Desmond Pacey, người mà ai ở Richmond cũng gọi ông ta là Pacey lười, nay đã ngoài sáu mươi ba tuổi. Ông ta béo quá mức, chân ngắn và đi lại rất chậm chạp. Desmond Pacey đã từng chứng kiến bảy người phó quản lý đến khách sạn này và ra đi. Một số thì quá tham và muốn nhận về phần mình nhiều hơn, số khác thì không hiểu được cái hệ thống ăn cắp kia làm ăn thế nào. Ông ta cho rằng anh chàng Ba Lan này cũng chẳng thông minh gì hơn những anh trước đây. Ông ta thủng thẳng đi đến văn phòng Abel để chuẩn bị họp vào mười giờ, miệng ti tỉ hát. Lúc này đã mười giờ mười bảy phút rồi.

– Xin lỗi để anh phải chờ, – ông quản lý nói nhưng không có vẻ xin lỗi gì hết.

Abel không nói câu nào.

– Tôi đang bận chút việc ở quầy tiếp tân, chắc anh biết là việc gì rồi.

Abel biết quá đi chứ. Anh từ từ mở ngăn kéo bàn, lấy ra để trước mặt ông ta bốn chục tờ biên lai đã nhầu nát, có tờ bị xé làm bốn năm mảnh. Đó là những biên lai anh nhặt lại từ trong sọt rác hoặc những đĩa gạt tàn thuốc lá, những biên lai đã được khách trả tiền mặt nhưng không bao giờ được ghi vào sổ. Anh nhìn ông quản lý béo lùn cầm những mảnh giấy đó lên xem mà chưa biết là gì.

Desmond Pacey không thể hiểu được thật. Mà ông ta cũng không cần hiểu làm gì. Ông chẳng có chuyện gì đáng phải lo. Nếu như anh chàng ngốc Ba Lan này định chơi vào hệ thống ăn cắp của ông ta thì hoặc là ông cho anh hưởng một chút nào đó, hoặc là anh cuốn xéo đi chỗ khác, vậy thôi. Pacey nghĩ bụng không biết mình có thể cho anh ta được bao nhiêu phần trăm.

Có lẽ lúc này cho anh ta được ở trong một căn phòng tử tế thì bịt miệng được đấy.

– Ông bị đuổi, thưa ông Pacey, và tôi yêu cầu ông đi khỏi nơi này trong vòng một giờ.

Desmond Pacey hầu như không nghe anh nói những lời ấy, vì ông ta không thể nào tin như vậy được.

– Anh vừa nói gì thế? Tôi nghe không rõ.

– Ông nghe rõ rồi, – Abel nói. – Ông bị đuổi.

– Anh không thể đuổi tôi được. Tôi là người quản lý và tôi đã làm việc với công ty Richmond trên ba mươi năm nay rồi. Nếu có chuyện phải đuổi ai thì tôi là người làm việc đó. Lạy Chúa, anh tưởng anh là ai thế?

– Tôi là người quản lý mới.

– Sao?

– Người quản lý mới. – Abel nhắc lại. – Ông Leroy vừa chỉ định tôi hôm qua, và bây giờ tôi đuổi ông đó, ông Pacey.

– Về tội gì?

– Về tội ăn cắp có quy mô. – Abel giơ những tờ biên lai đó lên để ông ta nhìn rõ hơn bằng cặp kính của mình. – Mỗi một người khách này đều trả tiền cả, nhưng không có một xu nào của họ rơi vào quỹ của Richmond. Và hóa đơn nào cũng có chữ ký của ông trong đó.

– Đến một trăm năm nữa anh cũng chả chứng minh được gì hết.

– Phải tôi biết, – Abel. – Ông tổ chức một bộ máy giỏi lắm. Nhưng ông có thể đem bộ máy ấy đi hoạt động ở chỗ khác, còn ở đây thì vận của ông đã hết rồi. Ông Pacey ạ, người Ba Lan có câu phương ngôn cổ thế này: Bình có quay thì mới xách được nước. Bây giờ quai đã gẫy rồi, và ông bị đuổi.

– Anh không có quyền đuổi tôi. – Pacey nói. Mồ hôi toát ra ướt hết cả trán ông ta. – Davis Leroy là bạn thân của tôi. Chỉ ông ta mới có quyền đuổi tôi thôi. Anh là người từ New York mới lên đây được ba tháng. Dù anh có nói với ông ta thì ông ta cũng chẳng nghe. Tôi chỉ cần gọi điện thoại một cái là có thể vứt anh ra khỏi khách sạn này.

– Ông gọi đi. – Abel nói. Anh nhấc điện thoại lên và bảo tổng đài cho nói chuyện với Davis Leroy ở Dallas. Hai người nhìn nhau và chờ. Bây giờ mồ hôi đã nhỏ giọt xuống đến đầu mũi Pacey. Abel chợt nghĩ trong bụng không biết ông chủ mình có còn kiên quyết nữa không.

– Xin chào ông Leroy. Đây là Abel Rosnovski gọi từ Chicago. Tôi vừa đuổi Desmond Pacey và ông ta muốn nói chuyện với ông một câu.

Pacey run rẩy cầm lấy điện thoại. Ông ta chỉ nghe một lát.

– Nhưng Davis, tôi… tôi biết làm thế nào? Tôi thề với ông là không phải như vậy… Hẳn có sự nhầm lẫn gì đây.

Abel nghe thấy tiếng điện thoại ngắt.

– Một giờ nữa, ông Pacey, – Abel nói. – Nếu không tôi sẽ đưa những tờ biên lai này sang cảnh sát Chicago.

– Khoan đã, anh đừng vội thế. – Pacey nói, giọng nói và cử chỉ của ông ta đã thay đổi hẳn. – Chúng tôi có thể đưa anh nhập vào hệ thống hoạt động này. Nếu chúng ta cùng quản lý khách sạn này thì anh sẽ có thu nhập rất khá. Sẽ có nhiều tiền hơn lúc anh làm phó quản lý cơ. Mà chúng ta đều biết Davis sẽ có thể chấp nhận được những mất mát…

– Tôi không còn là phó quản lý nữa, ông Pacey. Tôi là quản lý rồi. Vậy mới ông đi cho, đừng để tôi phải tống đi.

– Thằng Ba Lan khốn nạn, – ông ta nói, biết rằng mình đã chơi đến con bài cuối cùng rồi nhưng không được. – Mày liệu mà mở to mắt ra nhé, thằng Ba Lan ạ, rồi tao sẽ cho mày biết tay.

Ông ta nói rồi bỏ ra. Đến giờ ăn trưa thì một loạt những người khác cũng theo gót ông ta ra ngoài đường, từ trưởng nhà bàn, nhà bếp, nhà phòng, đến trưởng quầy tiếp tân, trực cửa cùng với mười bảy nhân viên khác của Richmond mà Abel biết rằng không thể nào tha thứ được. Đến chiều, anh triệu tập tất cả những người làm việc còn lại, giải thích cho họ nghe chi tiết những việc anh đã làm và tại sao phải làm để đảm bảo cho mọi người biết rằng công việc của họ không có gì đáng lo ngại nữa.

Nhưng Abel cũng nói:

– Nếu tôi còn tìm thấy một đôla nào, chỉ một đôla thôi, không được để vào đúng chỗ của nó thì người liên quan sẽ bị đuổi ngay tức thì, mà không cần phải lý giải gì nữa. Các anh nghe rõ cả rồi chứ?

Không ai nói gì.

Trong mấy tuần lễ sau đó, nhiều nhân viên khác của Richmond cũng bỏ đi sau khi họ thấy rằng Abel không có ý định làm như Desmond Pacey trước đây và cũng không kiếm lợi gì vào đó cho riêng mình. Nhưng họ bỏ đi thì có người khác vào thay ngay.

Vào cuối tháng ba, Abel mời bốn người của khách sạn Plaza về làm việc ở Richmond. Những người này có ba điều giống nhau: trẻ, nhiều tham vọng và lương thiện. Trong sáu tháng liền, chỉ có 37 người so với 110 người trước kia còn làm việc trong khách sạn Richmond. Vào cuối năm, Abel mở một chai sâm banh thật to để cùng với Davis Leroy chúc mừng Richmond Chicago đã làm ăn có lãi. Lợi nhuận được 3468 đôla. Số tiền lãi tuy nhỏ, nhưng là khoản lãi đầu tiên của khách sạn kể từ khi nó ra đời đến nay ba chục năm. Abel dự kiến sang năm 1929 sẽ thu lợi nhuận trên 25000 đôla.

Davis Leroy rất vui mừng. Mỗi tháng ông ta lên thăm Chicago một lần, và bắt đầu tin tưởng ở các ý kiến của Abel. Ông ta còn thừa nhận rằng cái gì đã đúng với Richmond Chicago cũng sẽ đúng với tất cả những khách sạn khác của công ty. Abel thì muốn để xem khách sạn ở Chicago có họat động trôi chảy như một xí nghiệp làm ăn đứng đắn và có lãi đã rồi mới xét đến những nơi khác. Leroy đồng ý và hứa sẽ dành cho Abel cương vị cộng tác ở các nơi khác thuộc công ty như đã làm ở Chicago.

Mỗi lần Davis đến Chicago, họ cùng chơi dã cầu và đua ngựa với nhau. Một lần, Davis thua mất 700 đôla mà không giành được tí gì trong cả sáu cuộc đua ngựa, ông ta giơ hai tay lên trời than vãn.

– Ôi, tôi cần gì phải bận tâm đến chuyện ngựa nữa, Abel nhỉ? Cứ đua với anh là đủ rồi.

Cô Melanie Leroy mỗi lần cùng đi theo bố về đây. Cô xinh đẹp nhưng lạnh lùng, người nhỏ nhắn có đôi chân hấp dẫn và thu hút sự chú ý của mọi người trong khách sạn. Đối với Abel, cô có vẻ cao ngạo khiến anh muốn nói chuyện làm thân gì với cô cũng khó. Cô ta cũng không để cho anh được gọi bằng cái tên thân mật “Melanie” mà phải gọi bằng “Cô Leroy” hẳn hoi. Mãi về sau cô ta mới biết rằng anh tốt nghiệp bằng kinh tế ở Đại học Columbia và còn hiểu biết về tiền nong hơn cô rất nhiều. Từ đó, cô ta nói năng có vẻ dịu dàng hơn và thỉnh thoảng còn đến ăn một mình trong khách sạn với Abel và nhờ anh giúp cho trước khi cô thi lấy bằng Nghệ thuật Tự do ở trường Đại học Chicago. Mỗi lúc một mạnh bạo hơn, thỉnh thoảng Abel cùng cô đi nghe hòa nhạc, xem hát, và đôi khi cũng cảm thấy hơi ghen mỗi khi cô đưa bạn trai đến ăn ở khách sạn mặc dầu mỗi lần đến cô đi với một bạn khác.

Dưới bàn tay quản lý vững chắc của Abel, nhà bếp trong khách sạn đã cải tiến được rất nhiều món ăn ngón, đến nỗi có những người đã ở Chicago ba chục năm nay nhưng chưa hề biết là có khách sạn này, bây giờ cũng gọi đến đặt chỗ ở nhà ăn vào mỗi tối thứ bảy. Abel cho trang trí lại toàn bộ khách sạn – đã hai chục năm nay bây giờ mới được trang trí – và cho các nhân viên mặc đồng phục bằng các màu xanh và vàng. Có một người khác mỗi năm thường về ở Richmond, một tuần và cứ đều như thế một chục năm nay, vừa bước vào cửa khách sạn đã lại quay, tưởng mình vào nhầm khách sạn. Khi Al Capone đặt tiệc cho mười sáu người trong một phòng riêng của khách sạn để mừng ngày sinh nhật lần thứ ba mươi của ông ta, Abel biết rằng như thế là anh đã đạt tới đỉnh cao của con đường sự nghiệp.

Trong khi thị trường chứng khoán phát triển thì tài sản riêng của Abel cũng tăng thêm. Mười tám tháng trước khi anh rời khách sạn Plaza thì vốn liếng của anh chỉ có 8000 đôla, bây giờ tài khoản của anh đã lên đến 30000 đôla. Anh tin rằng giá thị trường sẽ còn tăng lên nữa, vì vậy bao giờ anh cũng lấy tiền lợi nhuận ra tái đầu tư nữa. những yêu cầu cá nhân của anh vẫn còn rất khiêm tốn. Anh đã sắm được hai bộ quần áo mới và một đôi giày nâu mới. Ăn ở do khách sạn cung cấp, và anh cũng không có gì phải chi tiêu ngoài. Tương lai của anh xem ra là sáng sủa. Công ty Richmond vẫn có tài khoản trong ngân hàng Continental từ hơn ba chục năm nay, vì vậy khi mới đến Chicago, anh đã cho chuyển tiền của mình về ngân hàng này. Hằng ngày ra ngân hàng gửi số tiền khách sạn thu được ngày hôm trước. Vào một buổi sáng thứ sáu, anh ngạc nhiên thấy có người nhắn là giám đốc ngân hàng muốn gặp anh nói chuyện. Anh biết rằng không thể có chuyện tài khoản riêng của mình bị rút ra quá mức bao giờ, vì vậy anh đoán chắc là cuộc gặp này có cái gì đó liên quan đến Richmond. Chắc cũng không thể có chuyện tài khoản của khách sạn không đủ để trả nợ cho ngân hàng, nếu có thì ba chục năm nay bây giờ mới là lần đầu. Một nhân viên trẻ của ngân hàng dẫn Abel đi qua dãy hành lang đến trước một khung cửa gỗ rất lịch sự. Một tiếng gõ khẽ, rồi người ta đưa anh vào gặp giám đốc.

– Tên tôi là Curtis Fenton, – người đứng sau bàn giấy tự giới thiệu và đưa tay ra bắt tay Abel, mời anh ngồi xuống chiếc ghế da màu xanh lá cây. Trông người ông ta tròn trĩnh, gọn gàng đeo đôi mắt kính bán nguyệt, cổ sơ mi trắng bong với chiếc ca vát đen, đi với bộ đồ ba mảnh của ông chủ ngân hàng.

– Cảm ơn ông, – Abel bứt rứt nói. Không khí lúc này khiến anh nhớ lại cuộc gặp gỡ trước đây, nỗi lo ngại là không biết rồi cái gì sẽ xảy ra.

– Lẽ ra tôi mời ông cùng ăn trưa để nói chuyện thì tốt hơn, thưa ông Rosnovski,… nhưng…

Abel sững người. Anh quá biết rằng những ông chủ ngân hàng này chẳng dễ gì mời ai ăn không mất tiền nếu như họ không có những điều phiền toái muốn nói cho anh nghe.

– … nhưng có một vấn đề vừa xảy ra cần phải được giải quyết nên tôi muốn được bàn với ông ngay. Tôi xin đi thẳng vào vấn đề, thưa ông Rosnovski. Một trong những vị khách hàng đáng kính nhất của chúng tôi, bà Amy Leroy…

Abel nghe nói đến tên đó ngồi thẳng lên.

– … bà ta nắm trong tay mươi lăm phần trăm cổ phiếu của Công ty Richmond. Trước đây bà ta đã nhiều lần muốn chuyển những cổ phiếu đó sang tay ông em là Davis Leroy, nhưng ông ấy hoàn toàn không quan tâm gì đến việc mua lại những cổ phiếu của bà Amy hết. Tôi có thể hiểu được những lý do của ông Leroy. Ông ấy vốn đã có bảy mươi phần trăm cổ phiếu của công ty rồi, chả cần phải bận tâm gì đến chỗ hai mươi lăm phần trăm còn lại kia nữa. Tài sản này là do các cụ để lại cho hai người. Nhưng bà Amy thì cứ muốn là đem bán những cổ phiếu ấy đi vì cứ để như thế nó sẽ chẳng bao giờ sinh lại được.

Abel nghe chuyện đó không lấy làm ngạc nhiên chút nào.

– Ông Leroy cho biết là ông không phản đối việc bà Amy muốn đem bán nhưng cổ phiếu ấy. Bà ta thì nghĩ rằng ở cái tuổi già nua hiện nay, thà có ít tiền để chi trước mắt còn hơn là cứ ngồi đó chờ cho đến khi công ty làm ăn có lãi thì không biết bao giờ. Do đó, thưa ông Rosnovski, tôi sẽ rất hoan nghênh nếu như ông biết có người nào quan tâm đến việc mua bán khách sạn và từ đó quan tâm đến việc mua những cổ phiếu này chăng?

– Bà Leroy định bán những cổ phiếu ấy với giá bao nhiêu? – Abel hỏi.

– Ồ, tôi nghĩ bà ấy chỉ cần bán lấy sáu mươi lăm ngàn đôla thôi.

– Sáu mươi lăm ngàn thì hơi cao đối với loại chứng khoán không đem lại chút lời lãi nào, – Abel nói. Anh nói thêm, – Và trong những năm tới nó cũng chẳng có hy vọng gì hơn.

– A, nhưng ông nên nhớ rằng người ta còn tính đến giá trị của cả mười một khách sạn kia nữa, – Curtis Fenton nói.

– Nhưng việc kiểm soát công ty vẫn là ở trong tay ông Leroy, như vậy thì hai mươi lăm phần trăm cổ phiếu của bà Leroy kia chẳng qua chỉ là những mẩu giấy thôi, không có nghĩa gì.

– Thôi thôi, ông Rosnovski ơi, hai mươi lăm phần trăm cổ phiếu của mười một khách sạn là cổ phiếu rất có giá trị, vậy mà chỉ có sáu mươi lăm ngàn đôla thôi đấy.

– Không có giá trị gì chừng nào ông Davis Leroy vẫn nắm quyền kiểm soát toàn bộ. Ông nói với bà Leroy là chỉ nên bán lấy bốn chục nghìn đôla thôi, ông Fenton ạ, như thế thì may ra tôi kiếm được người nào đó quan tâm đến chuyện này cho ông.

– Ông không thể nghĩ là người đó có khả năng trả được cao hơn một chút nào sao? – Ông Fenton nhướn đôi lông mày khi ông nói đến chữ “cao hơn”.

– Hơn một xu nữa cũng chả có đâu, ông Fenton.

Ông chủ ngân hàng chụm đầu ngón tay vào nhau, tỏ vẻ đánh giá Abel không phải vừa.

– Vậy để tôi hỏi lại bà Amy xem ý kiến bà ấy thế nào. Tôi sẽ liên hệ và báo cho ông biết ngay nhé.

Rời văn phòng Curtis Fenton bước ra, tim Abel cũng đập rộn lên như lúc anh bước vào vậy. Anh vội quay về khách sạn kiểm tra vốn liếng của mình. Tài khoản của anh hiện nay đang là 33112 đôla với tiền riêng ở ngoài là 3008 đôla. Kiểm tra xong, Abel định tiếp tục làm việc như mọi ngày thường, nhưng đầu óc anh khó tập trung, không biết rằng cái bà Amy Leroy kia sẽ phản ứng với cái giá anh trả ra sao, anh nghĩ bụng không biết nếu mình nắm trong tay 25 phần trăm lãi suất của công ty Richmond thì tình hình sẽ ra thế nào.

Anh ngập ngừng mãi rồi mới báo cho Davis Leroy biết chuyện này, vì anh sợ rằng ông bạn Texas rất khôn ngoan kia có thể cho những tham vọng của anh là một thứ đe dọa gì chăng. Sau vài ngày suy nghĩ kỹ, anh cho rằng cứ nên đàng hoàng gọi cho Davis và báo cho ông ta biết những ý muốn của anh.

– Tôi muốn nói để ông biết tại sao tôi làm điều này, Davis. Tôi tin rằng tương lai công ty Richmond sẽ có một tương lai sáng sủa, và ông có thể tin chắc rằng do có tiền của tôi nằm trong đó thì tôi sẽ càng làm việc cật lực hơn. – Anh ngừng lại, rồi nói tiếp. – Nhưng nếu ông muốn nhận cả hai mươi lăm phần trăm đó về thì tôi cũng thông cảm.

– Thế này nhé, Abel. Nếu anh tin tưởng ở công ty thì anh cứ việc mua chỗ cổ phiếu đó của Amy đi. Tôi sẽ lấy làm tự hào có anh làm người cùng chung vốn. Thế là được rồi đấy. Nhân đây, tôi cũng báo cho anh biết là tuần sau tôi sẽ mua thêm nhà chơi của Hội Sư Tử Đỏ. Thế nhé.

Abel vui mừng hết sức.

– Xin cảm ơn ông, Davis. Ông sẽ không bao giờ phải ân hận về quyết định này của ông.

– Tôi cũng tin như vậy. Anh bạn chung vốn ạ.

Một tuần sau, Abel trở lại ngân hàng. Lần này, chính anh là người xin gặp ông giám đốc. Lại một lần nữa, anh ngồi xuống chiếc ghế da màu xanh lá cây và chờ ông Fenton nói.

– Tôi rất ngạc nhiên thấy rằng – Curtis Fenton bắt đầu nói nhưng không có vẻ gì ngạc nhiên. – Bà Leroy chấp nhận số tiền bốn chục ngàn đôla để bán hai mươi lăm phần trăm cổ phiếu của bà ta trong công ty Richmond. – Ông ta ngừng một lát rồi nhìn lên Abel. – Bây giờ đã được bà ta đồng ý như vậy rồi, tôi xin hỏi ông có thể cho tôi biết ai là người mua những cổ phiếu ấy được không?

– Vâng, – Abel đáp một cách tin tưởng. – Tôi sẽ là người mua chính.

– À vâng, thưa ông Rosnovski, – giọng ông ta vẫn không tỏ ra ngạc nhiên. – Tôi xin phép hỏi ông làm thế nào có được bốn chục ngàn đôla?

– Tôi sẽ thanh toán những cổ phiếu của tôi và rút tiền trong tài khoản riền, tất cả cộng lại chỉ còn thiếu chừng bốn ngàn đôla nữa. Tôi hy vọng ông sẽ có thể cho tôi vay tạm số tiền đó vì ông cũng rất tin rằng những cổ phiếu của Công ty Richmond chưa được đánh giá hết mức của nó. Vả lại, số tiền bốn ngàn đôla ấy chẳng qua chỉ bằng tiền hoa hồng của ngân hàng mà thôi.

Curtis Fenton chớp mắt và nhăn mặt. Những người lịch sự có ai nói trắng trợn như vậy trong ngân hàng của ông bao giờ đâu. Điều làm cho ông bực hơn nữa là Abel lại chỉ có đúng bấy nhiêu tiền thôi.

– Xin ông cho tôi chút thời gian để suy nghĩ về đề nghị của ông nhé, ông Rosnovski. Rồi tôi sẽ báo lại để ông biết.

– Nếu để chờ lâu nữa thì tôi sẽ không cần phải vay tiền, – Abel nói. – Với tình hình thị trường xoay chuyển như bây giờ thì các khoản đầu tư khách của tôi cũng sẽ đạt tới đủ bốn chục nghìn.

Abel phải chờ thêm một tuần nữa thì được ngân hàng Continental báo cho anh biết họ sẵn sàng ủng hộ anh. Anh lập tức thanh toán các tài khoản và vay thêm gần 4000 đôla nữa để bù vào cho đủ bốn chục ngàn.

Trong sáu tháng, Abel đã trả được món nợ 4000 đôla bằng cách mua vào bán ra cổ phiếu từ tháng ba đến tháng tám năm 1929, đó là những ngày làm ăn tốt nhất của thị trường chứng khoán.

Đến tháng chín, các tài khỏan chung và riêng của anh đều có nhích lên hơn. Anh có thêm khá tiền để mua cho mình chiếc xe Buick mới và lúc này coi như anh đã làm chủ 25 phần trăm hệ thống khách sạn của công ty Richmond. Abel lấy làm sung sướng đã bám được rất chắc vào giang sơn của Davis Leroy. Bây giờ thì anh càng tin tưởng có thể theo đuổi cô con gái của ông ta và 75 phần trăm còn lại kia nữa.

Đầu tháng Mười, anh mời Melanie đi nghe chương trình nhạc Mozart biểu diễn tại nhà hát Chicago. Diện bộ quần áo đẹp nhất vào người để tỏ ra anh đã béo tốt hơn trước, đeo chiếc ca vát lụa đầu tiên và ngắm nhìn trong gương, anh tin rằng buổi tối nay anh sẽ thành công với người đẹp. Nghe hòa nhạc xong, Abel tránh không về Richmond mặc dầu thức ăn ở đó nay đã rất ngon, anh đưa Melanie đến ăn nhà hàng Loop. Anh cẩn thận, chỉ nói đến những chuyện kinh tế, chính trị, hai chủ đề mà cô ta biết là anh thông thạo. Cuối cùng, anh mời cô về phòng mình uống rượu. Cũng là lần đầu tiên cô ta được thấy những trang trí rất đẹp như thế.

Abel rót Coca-Cola theo yêu cầu của cô, bỏ vào cốc vài viên đá nhỏ, đưa cốc cho cô và trong lòng càng tin tưởng thấy cô nhìn anh mỉm cười. Anh không khỏi liếc mắt nhìn vào đôi chân thon của cô bắt tréo lại với nhau.

– Cảm ơn anh, Abel, về buổi tối rất thú vị.

Anh ngồi xuống bên cạnh cô, xoay xoay cốc rượu trong tay nghĩ ngợi.

– Trong rất nhiều năm tôi không được nghe âm nhạc. Đến lúc nghe thấy nhạc của Mozart đi sâu vào tâm hồn mình hơn bất cứ nhà soạn nhạc nào khác.

– Đôi khi trông anh rất là Trung Âu, Abel ạ. – Cô kéo tà áo lụa bị Abel ngồi phải. – Ai mà ngờ được rằng ông quản lý khách sạn lại thèm chú ý đến Mozart như vậy chứ?

– Một trong những ông cha tôi, vị Nam tước Rosnovski đầu tiên, – Abel nói, – đã có một lần được gặp nhà thiên tài đó và ông ta trở thành bạn thân của gia đình, do đó tôi vẫn thường nghĩ rằng Mozart là một phần của đời tôi.

Nụ cười của Melanie rất khó khăn, không biết cô thật sự nghĩ gì. Abel nghiêng đầu hôn vào má cô ở trên tai một chút, nơi có mấy sợi tóc vàng lòa xòa xuống mặt. Cô ta vẫn tiếp tục nói chuyện như không để ý gì đến hàng động này của anh.

– Frederick Stock biểu diễn chương ba hết sức sống động, anh có thấy thế không?

Abel lại định hôn nữa. Lần này cô xoay mặt về phía anh để cho anh được hôn lên môi. Rồi cô lùi lại.

– Có lẽ tôi phải về trường đây.

– Nhưng cô vừa mới đến nhà, – Abel vội vã nói.

– Vâng, tôi biết thế, nhưng sáng mai tôi phải dậy sớm. Chương trình ngày mai nặng lắm.

Abel lại hôn cô nữa. Cô ngả người ra ghế và Abel dần dần đưa tay lên ngực cô. Cô bỗng vùng đẩy anh ra.

– Tôi phải đi đây, Abel, – cô nói.

– Thôi đừng, cô đừng đi vội, – anh nói rồi lại định hôn cô nữa.

Lần này cô chặn đứng anh lại và kiên quyết đẩy anh ra.

– Abel, anh làm gì thế? Anh tưởng mời tôi đi dự hòa nhạc và cho tôi ăn một bữa là có quyền mó vào người tôi đấy sao?

– Nhưng chúng ta đã đi với nhau như thế hàng tháng nay rồi, – Abel nói. – Tôi nghĩ là cô không lấy thế làm phiền chứ.

– Có phải chúng ta đi với nhau hàng tháng đâu, Abel. Chỉ thỉnh thoảng tôi ăn với anh trong phòng ăn của cha tôi, anh tưởng như vậy có nghĩa là chúng ta đã đi với nhau hàng tháng sao?

– Tôi xin lỗi, – Abel nói. – Tôi không hề có ý muốn làm gì cô, chỉ là muốn sờ vào người cô thế thôi.

– Tôi không bao giờ cho phép người đàn ông nào sờ vào người tôi, – cô nói. – Trừ phi tôi sẽ lấy người đó.

– Nhưng tôi muốn lấy cô, – Abel chậm rãi nói.

Melanie phá lên cười.

– Có gì lạ đâu mà cười? – Abel đỏ mặt lên hỏi.

– Anh đừng ngớ ngẩn, Abel, tôi không bao giờ có thể lấy anh được.

– Tại sao không? – Abel hỏi, rất lạ với cái giọng kiên quyết đó của cô ta.

– Sẽ chẳng bao giờ có thể có chuyện một người có dòng dõi ở miền Nam mà đi lấy một người Ba Lan mới nhập cư đâu, – cô ta đáp và ngồi thẳng dậy vuốt lại tà áo.

– Nhưng tôi là một Nam tước, – Abel nói với giọng kiêu hãnh.

Melanie lại phá lên cười.

– Chắc anh không nghĩ là có người tin điều đó chứ, Abel? Anh không thấy là mỗi khi anh nhắc đến cái danh tước ấy thì cả đám nhân viên khách sạn đều cười sau lưng anh đó sao?

Anh sững người, cảm thấy quái lạ, mặt lúc đỏ lúc tái.

– Họ cười sau lưng tôi à? – anh dằn giọng hỏi.

– Phải, – cô đáp. – Hẳn anh biết rằng trong khách sạn người ta đã đặt cho anh cái tên là Nam tước Chicago chứ?

Abel lặng người không nói được.

– Thôi anh đừng có ngốc nghếch và bận tâm về chuyện đó làm gì nữa. Tôi nghĩ anh đã làm được một việc rất tốt cho bố tôi và bố tôi rất khâm phục anh đấy, nhưng tôi thì chả bao giờ có thể lấy anh được.

Abel ngồi yên lặng, lẩm bẩm nhắc lại câu cô ta vừa nói.

– Tất nhiên thế rồi. Bố tôi rất quý anh, nhưng ông sẽ chẳng bao giờ đồng ý cho anh làm con rể ông ấy được đâu.

– Tôi xin lỗi đã xúc phạm đến cô, – Abel nói.

– Không đâu, Abel. Trái lại tôi cho như thế là mình được quý chuộng. Thôi, chúng ta hãy quên đi đừng nói đến chuyện ấy nữa. Có lẽ anh vẫn đồng ý đưa tôi về nhà chứ?

Cô đứng dậy đi ra cửa trong khi Abel vẫn còn ngồi sững người. Anh chậm chạp đứng dậy và khoác áo ngoài vào cho Melanie. Đi trong hành lang, anh chợt nhớ ra mình hơi bị thọt chân. Họ cùng vào thang máy, rồi anh gọi xe đưa cô về. Trong khi xe taxi đợi ở ngoài, anh tiễn cô vào đến tận cổng ký túc xá của nhà trường. Anh hôn tay cô.

– Tôi mong rằng điều này không có nghĩa là chúng ta không còn là bạn của nhau nữa, – Melanie nói.

– Tất nhiên rồi, – anh cố đáp.

– Cảm ơn anh đã mời tôi dự buổi hòa nhạc, Abel. Tôi tin chắc anh muốn tìm một cô gái Ba Lan đẹp để lấy cô ta sẽ chẳng khó khăn gì đâu. Chúc anh ngủ ngon nhé.

– Chào cô, – Abel nói.

Abel nghĩ là sẽ không có khó khăn gì lắm với thị trường chứng khoán New York, nhưng một hôm có người khách hỏi anh xem có thể thanh toán tiền khách sạn bằng cổ phiếu được không, anh mới ngớ ra. Bản thân Abel chỉ giữ một số ít cổ phiếu vì bây giờ hầu hết tiền nong của anh đã gắn với công ty Richmond rồi. Tuy nhiên anh cũng nghe lời khuyên của đại lý và bán hết những cổ phiếu còn lại của anh dù chịu thiệt một ít nhưng tài sản còn lại vững vàng hơn. Giá như vốn liếng của anh vẫn còn ngoài thị trường thì có lẽ anh đã không để ý đến những hoạt động lên xuống hàng ngày của chỉ số Down Jones.

Quãng nửa năm đầu, khách sạn làm ăn khá. Abel tính với đà này anh sẽ thực hiện được lợi nhuận như dự kiến là 25000 đôla cho năm 1929, và anh thường xuyên báo cho Davis Leroy về những tiến bộ đã đạt được.

Nhưng đến tháng mười thì diễn ra vụ suy thoái và khách sạn chỉ còn nửa số khách đến thuê. Vào ngày Thứ Ba Đen Tối, Abel gọi điện xuống cho Davis Leroy. Ông chủ người Texas thường vẫn rất vui tính này bây giờ có vẻ chán chường, lo nghĩ, và không muốn dính đến những chuyện sa thải người làm việc của khách sạn nữa, điều mà Abel thấy đang rất cấp bách.

– Cứ chờ đấy đã, Abel, – ông chủ nói. – Tuần sau tôi sẽ lên rồi ta cùng giải quyết, hoặc là tìm cách giải quyết.

Abel nghe ông ta nói câu sau mà chột dạ.

– Có vấn đề gì đấy, Davis? Có gì ông cần đến tôi không?

– Lúc này thì chưa.

Abel phân vân không hiểu.

– Tại sao ông không giao quyền cho tôi giải quyết ngay bây giờ rồi tuần sau ông lên đây tôi sẽ báo cáo lại, có được không?

– Không dễ dàng thế đâu, Abel. Tôi không muốn bàn những vấn đề này trên điện thoại, nhưng ngân hàng họ đang gây rắc rói với tôi về chuyện thua thiệt, trên thị trường chứng khoán, họ dọa nếu tôi không thu đủ tiền trả nợ thì sẽ buộc tôi phải bán hết khách sạn đi.

Abel lạnh người.

– Nhưng anh không có gì phải lo đâu, – Davis nói tiếp một cách yếu ớt. – Tuần sau lên Chicago tôi sẽ nói chi tiết cho anh biết. Từ nay đến đo, tôi tin rằng sẽ thu xếp được ổn thỏa thôi.

Điện thoại ngắt. Anh toát mồ hôi đầy người. Điều đầu tiên anh nghĩ là phải làm thế nào để giúp cho Davis. Anh gọi sang cho Curtis Fenton để hỏi tên người chủ ngân hàng kiểm soát công ty Richmond là ai. Anh cảm thấy nếu mình gặp được người đó thì có thể đỡ được cho Davis lắm.

Mấy ngày sau đó Abel liên tục gọi cho Davis nhiều lắm để nói với ông ta rằng tình hình đang mỗi lúc một tồi tệ hơn, vì vậy phải có quyết định gấp. Nhưng Davis lại càng tỏ ra lúng túng chưa biết phải quyết định như thế nào. Đến lúc tình hình không còn kiểm soát được nữa, Abel tự mình quyết định. Anh bảo cô thư ký gọi điện thoại để anh nói chuyện với chủ ngân hàng nắm công ty Richmond trong tay.

– Thưa, ông gọi ai, ông Rosnovski? – Tiếng một người đàn bà trịnh trọng hỏi.

Abel nhìn xuống tên viết trên mảnh giấy để trước mặt và cũng trả lời lại bằng một giọng trịnh trọng.

– Tôi xin chuyển cho ông.

– Kính chào, – một giọng oai vệ ở đầu dây đàng kia nói. Tôi giúp gì được ông đây?

– Tôi hy vọng như vậy, thưa ông. Tên tôi là Abel Rosnovski, – Abel hồi hộp nói. – Tôi là người quản lý khách sạn Richmond Chicago, và tôi muốn được gặp ông để bàn về tương lai của công ty Richmond.

– Tôi không có quyền bàn bạc với ai trừ ông Davis Leroy, – giọng dứt khoát trên dây đáp.

– Nhưng tôi là chủ của 25 phần trăm tài sản công ty Richmond kia mà, – Abel nói.

– Như vậy cần có người giải thích cho ông biết rằng trừ phi ông làm chủ 51 phần trăm tài sản, không thì ông không có cương vị gì bàn bạc với ngân hàng được, hoặc trừ phi ông được Davis Leroy ủy quyền.

– Nhưng ông ấy là bạn thân của tôi…

– Hẳn là thế rồi, thưa ông Rosnovski.

– … và tôi muốn giúp.

– Ông Leroy có giao cho ông quyền đại diện không?

– Không, nhưng…

– Vậy thì rất tiếc. Về mặt nghề nghiệp, tôi sẽ không thể tiếp tục câu chuyện này với ông được.

– Sao ông nhẫn tâm vậy? – Abel nói nhưng liền đó lấy làm ân hận ngay.

– Đó là ông nghĩ vậy thôi, ông Rosnovski. Xin chào ông.

Ôi, đồ chết tiệt. Abel nghĩ bụng và dập máy xuống. Anh lo rằng mình làm như vậy còn có hại hơn là giúp ích cho Davis. Bây giờ anh không còn biết làm gì nữa. Nhưng anh không phải chờ lâu.

Tối hôm sau Abel thoáng thấy Melanie ở nàh ăn trong khách sạn. Cô ta không còn có vẻ tươi tỉnh và tự tin như mọi khi, mà có dáng mệt mỏi, lo âu.

Anh đã định đến hỏi cô ta xem có chuyện gì không, nhưng rồi lại thôi. Anh trở về phòng làm việc và chợt thấy Davis Leroy đang đứng một mình trước nhà sảnh. Ông ta mặc chiếc áo kẻ sọc đúng như ngày đầu ông đã gặp nói chuyện với Abel ở khách sạn Plaza.

– Có Melanie trong phòng ăn không?

– Có, cô ấy đang ở đó, – Abel nói. – Tôi không biết hôm nay ông lên đây. Để tôi báo thu xếp hòng đặc biệt cho ông ngay.

– Chỉ một đêm thôi, Abel, rồi chốc nữa tôi gặp riêng anh một tí.

– Vâng.

Abel không thích nghe nói đến “gặp riêng”. Hay là Melanie đã mách bố về chuyện hôm trước? Có phải vì thế mà mấy hôm vừa rồi anh không sao yêu cầu Davis quyết định được gì hết?

Davis Leroy đi vội vào phòng ăn trong khi Abel ra quầy tiếp tân kiểm tra lại xem phòng đặc biệt trên tầng mười bảy có khách sạn nào ở không. Đến nửa số phòng khách sạn không có khách, vì vậy phòng đặc biệt không có ai ở cũng là tự nhiên. Abel ghi tên cho ông chủ vào phòng đó rồi anh đứng ở quầy tiếp tân chờ đến hơn một tiếng đồng hồ. Anh trông thấy Melanie bỏ ra, mặt mũi sưng xỉa như cô ta vừa mới khóc vậy. Vài phút sau, bố cô theo ra.

– Anh kiếm lấy chai buốc-bông, Abel, rồi lên phòng tôi nhé.

Abel lấy hai chai buốc-bông ở tủ riêng của anh rồi lên tầng mười bảy và đến phòng ông, trong bụng lo nghĩ không biết Melanie có nói gì với bố không.

– Anh mở chai, và tự rót cho anh một cố lớn đi, Abel, – Davis Leroy nói.

Một lần nữa, Abel cảm thấy sợ chưa biết là sẽ có chuyện gì. Lòng bàn tay anh bắt đầu toát mồ hôi. Chả có lý vì anh muốn lấy con gái ông chủ mà bị đuổi? Leroy với anh đã là bạn gần gũi với nhau từ hơn một năm nay rồi. Chuyện gì rồi anh cũng sẽ biết ngay đâu thôi.

– Uống cạn cốc rượu của anh đi.

Abel nốc một hơi hết cốc rượu, Davis Leroy cũng vậy.

– Abel, tôi hoàn toàn phá sản rồi. – Leroy ngừng lại một chút và lại rót rượu cho cả hai người. – Một nửa nước Mỹ cũng phá sản rồi, anh thử nghĩ coi.

Abel không nói gì, phần vì anh không nghĩ ra điều gì để nói. Hai người ngồi nhìn nhau rồi lại uống tiếp một cốc nữa. Abel cố thốt lên:

– Nhưng ông vẫn còn làm chủ mười một khách sạn.

– Đó là trước đây, – Davis Leroy nói. – Phải nói đó là quá khứ, Abel ạ. Tôi không còn làm chủ một khách sạn nào nữa. Ngân hàng đã thu về cho họ từ thứ năm trước rồi.

– Nhưng nó thuộc về ông kia mà. Nó thuộc về gia đình ông từ hai đời nay rồi kia mà, – Abel nói.

– Trước kia thì thế, bây giờ nó thuộc về ngân hàng. Không có lý gì anh không biết tất cả sự thật đó, Abel. Hầu như mọi người ở Mỹ lúc này đều gặp tình trạng ấy. Khoảng mười năm trước đây, tôi vay hai triệu đôla và lấy những khách sạn đó ra ký quỹ. Tôi đem tiền đó ra kinh doanh cổ phiếu, gửi nó vào những công ty rất vững chắc. Tôi đã xây dựng vốn lên đến gần năm triệu, và cũng vì thế tôi không quan tâm gì đến những khách sạn nữa, vả lại nó vẫn luôn luôn được giảm thuế tính vào lợi nhuận tôi kiếm được trên thị trường. Đến bây giờ thì những cổ phiếu ấy không còn giá trị gì nữa, chỉ có đem làm giấy vệ sinh mà thôi. Trong ba tuần qua, tôi cố sức bán đi nhưng không có ai mua.

Thế là thứ năm vừa rồi, ngân hàng đã khóa sổ đối với tôi rồi. – Abel nhớ là anh nói chuyện với chủ ngân hàng đúng vào hôm thứ năm. – Hầu hết những người nào là nạn nhân của cuộc phá sản lần này chỉ còn có mấy mẩu giấy để đảm bảo cho những khoản vay của họ, nhưng với trường hợp của tôi thì ngân hàng họ đã có giấy tờ đem ký quỹ khách sạn từ trước rồi nên chả làm thế nào được. Vì thế đến khi tôi phá sản thì họ đã lập tức chiếm hữu các khách sạn. Bọn họ có cho tôi biết là sẽ bán công ty này đi, càng nhanh càng tốt.

– Thế là điên rồ. Họ sẽ chả thu về được gì vào lúc này, còn nếu họ ủng hộ chúng ta qua được cơn khó khăn này, chúng ta sẽ cho họ thấy đầu tư có lãi cho mà coi.

– Tôi biết anh làm được, Abel. Nhưng họ đã có kinh nghiệm với tôi trong quá khứ rồi nên không chịu. Tôi đã đến gặp họ, giới thiệu về anh, và còn bảo họ tôi sẽ tập trung sức vào công ty này nếu được họ ủng hộ. Nhưng họ không thèm quan tâm nữa. Họ chỉ còn coi tôi như một loại ngớ ngẩn mới vào nghề chẳng biết làm ăn gì nữa và cũng không còn vốn liếng gì. Trời ơi, tôi mà có cơ hội quay lại được, tôi sẽ cho cái thằng chủ ngân hàng ranh con ấy một trận rồi chiếm luôn cả ngân hàng của nó nữa. Bây giờ đây, điều tốt nhất chúng ta có thể làm được là uống cho say điò. Vì tôi hết rồi, không còn xu nào nữa, phá sản rồi.

– Thế là tôi cũng hết, – Abel chậm rãi nói.

– Không, anh bạn ơi, anh còn cả một tương lai trước mặt. Bất cứ ai tiếp quản công ty này cũng không thể làm gì được nếu không có anh.

– Ông quên rằng tôi có 25 phần trăm tài sản công ty.

Davis Leroy trừng trừng nhìn anh. Rõ ràng là ông ta đã quên đi điều đó.

– Ôi, lạy Chúa! Tôi có biết đâu anh đã bỏ hết tiền vào cơ nghiệp của tôi như thế, Abel? – Giọng ông ta cảm động.

– Bỏ hết, không còn giữ xu nào, – Abel nói. – Nhưng tôi không tiếc đâu, Davis. Thà mất cho một người khôn ngoan còn hơn được với một anh ngốc.

Anh lại rót rượu vào cốc mình.

Davis Leroy long lanh nước mắt.

– Anh biết không, Abel, anh là người bạn tốt nhất người ta có thể có được trên đời này. Anh chấn chỉnh lại khách sạn này, anh lại bỏ tiền của anh vào đó. Bây giờ tôi làm cho anh sạt nghiệp mà anh không hề phàn nàn một lời nào. Rồi lại còn con gái tôi nó không chịu lấy anh nữa chứ.

– Ông không lấy làm phiền lòng việc tôi hỏi cô ấy sao? – Abel nói. Mặc dầu đã có rượu vào người rồi, anh vẫn cứ không tin rằng ông ta không trách anh về chuyện đó.

– Cái con bé ngu ngốc ấy nó chả biết phân biệt tốt xấu thế nào. Nó muốn lấy một anh chàng chủ ngựa nào đó ở miền Nam mà trong gia phả đã có ba đời làm tướng cơ. Còn nếu lấy một anh nào ở miền Bắc thì cụ kỵ anh ta đã từng phải là người đầu tiên đến đất này bằng chiếc thuyền Manflower (chiếc thuyền đưa những người Anh đầu tiên sang Mỹ năm 1620) mới được. Nếu có anh nào khoe rằng mình có bà con họ hàng đã từng đi trên chiếc thuyền ấy, thì loại thuyền như vậy cũng đã chìm đến một nghìn lần trước khi sang đến đất này rồi. Rất tiếc tôi không có đứa con gái nào khác để gả cho anh Abel. Chưa từng có ai phục vụ tôi trung thành hơn anh được. Có anh là một thành viên trong gia đình thì tôi cũng tự hào. Anh với tôi cùng cộng tác với nhau thì thành một cánh rất mạnh đấy, tuy nhiên tôi nghĩ một mình anh cũng đủ đánh bại cả đám họ rồi. Anh còn trẻ, phía trước anh còn đủ mọi thứ.

Mới hai mươi ba tuổi mà Abel bỗng cảm thấy mình rất già.

– Cám ơn ông đã tin cậy tôi và tâm sự như thế, Davis, – anh đáp. – Vả lại ai cần quái gì đến cái thị trường chứng khoán ấy? Ông biết không, ông là người bạn tốt nhất chưa từng có đấy. (Rượu đã bắt đầu nói.)

Abel rót cho mình một cốc buốc-bông nữa và nốc cạn. Đến gần sáng thì hai người đã làm hết cả hai chai rượu. Lúc Davis ngủ thiếp đi ở ghế thì Abel cố gượng dậy đi xuống tầng mười, cởi quần áo rồi lăn ra giường. Anh đang ngủ say thì có tiếng đập cửa thình thình. Đầu anh quay cuồng nhưng tiếng đập cửa vẫn tiếp tục, mỗi lúc một to hơn. Anh lật đật đứng dậy được và lê bước ra cửa. Đó là chú nhỏ sai vặt của khách sạn.

– Mau lên, ông Abel, ông xuống mau lên, – chú bé vừa nói vừa chạy xuống hành lang.

Abel khoác vội chiếc áo ngủ lên người, xỏ chân vào đôi dép rồi lảo đảo chạy theo chú bé đang giữ cửa thang máy cho anh bước vào.

– Mau lên, ông Abel, – chú bé lại nói.

– Đi đâu vội thế? – Abel hỏi. Đầu óc anh vẫn còn quay cuồng. Thang máy từ từ đi xuống. Anh chợt nhớ ra cuộc nói chuyện hồi đêm. Có lẽ bây giờ ngân hàng dến tịch thu khách sạn đây.

– Có một người khách nhảy ra ngoài cửa sổ.

– Khách à? – Abel tỉnh ngay người.

– Vâng, có lẽ thế, – chú bé nói. – Nhưng tôi không chắc lắm.

Thang máy xuống đến tầng cuối. Abel vội đẩy cửa sắt và chạy ra đường. Cảnh sát đang có mặt ở đây. Giá không trông thấy chiếc áo kẻ sọc sặc sỡ kia thì anh không nhận ra người đó là ai. Một nhân viên cảnh sát đang lấy những chi tiết của vụ tai nạn. Một người mặc thường phục bước đến chỗ Abel.

– Ông là quản lý?

– Vâng, chính tôi.

– Ông có thể biết được người này là ai không?

– Tôi biết, – Abel đáp, lưỡi hơi líu. – Tên ông ta là Davis Leroy.

– Ông có biết ông ta ở đâu đến và chúng tôi làm thế nào liên lạc với người thân của ông ta được?

Abel ngoảnh đi không dám nhìn vào thân thể ông ta đã bị dập nát hết. Anh ta trả lời như chiếc máy.

– Ông ta ở Dallas, có cô Milanie Leroy là con gái ông ta. Cô ấy là sinh viên đang sống trong khu học xá của đại học Chicago.

– Được. Chúng tôi sẽ cho người đến gặp cô ta ngay.

– Không, ông đừng làm thế. Để tôi đích thân đi gặp cô ấy. – Abel nói.

– Cảm ơn ông. Không phải do người lạ báo tin thì như vậy tốt hơn.

– Thật là một điều khủng khiếp, mà không cần thiết phải làm thế này,- Abel nói và liếc nhìn lại thân thể người bạn.

– Ngày hôm nay, đây là vụ thứ bảy ở Chicago đấy, – viên sĩ quan nói và gập cuốn sổ nhỏ lại. – Chúng tôi sẽ còn phải kiểm tra lại căn phòng ông ta nữa. Ông đừng cho ai thuê căn phòng ấy nếu chúng tôi chưa có lệnh nhé.

– Vâng, tùy ông.

Viên cảnh sát bước ra chiếc xe cứu thương.

Abel nhìn mấy người khiêng cáng đem cái xác của Davis Leroy ở vỉa hè lên. Anh thấy lạnh run người, khuỵu đầu gối xuống và trong bụng đau dội lên. Lại một lần nữa anh mất đi một người bạn gần gũi nhất. Có lẽ, nếu mình uống ít đi và suy nghĩ thêm một chút thì đã cứu sống được ông ấy rồi. Anh gượng đứng dậy trở về phòng, tắm nước lạnh thật lâu rồi lóng ngóng mặc quần áo vào. Anh gọi mang đến cốc cà phế đen. Uống xong, anh miễn cưỡng bước lên phòng đặc biệt rồi mở cửa. Ngoài hai chai rượu buốc-bông đã uống cạn, trong phòng không có một tí dấu hiệu gì nói lên cái thảm cảnh đã diễn ra trước đây ít phút. Rồi anh thấy trên chiếc bàn ở đầu giường có mấy bức thư. Giường vẫn còn để nguyên, chưa ai nằm. Một bức thư gửi cho Melanie. Bức thư hai gửi cho một luật sư ở Dallas. Và bức thứ ba gửi Abel. Anh xé thư ra xem nhưng hầu như không dám đọc những lời nói cuối cùng của Davis Leroy. Thư viết:

Abel thân mến,

Sau khi ngân hàng quyết định như vậy, tôi chỉ còn một cách này thôi. Tôi không còn gì để sống. Làm lại từ đầu thì tôi đã quá già rồi. Tôi muốn anh biết là tôi tin rằng anh là người duy nhất có thể làm được điều gì đó thoát khỏi tình trạng rắc rối ghê gớm này.

Tôi đã viết lại một chúc thư trong đó để lại cho anh cả 75 phần trăm chứng khoán của công ty Richmond. Tôi biết cái đó bây giờ vô dụng, nhưng nó đảm bảo cho anh với cương vị là người chủ hợp pháp của công ty. Anh đã có can đảm mua 25 phần trăm cổ phiếu bằng tiền của anh, thì anh có quyền xem xét sẽ mặc cả với ngân hàng như thế nào. Tôi để tất cả những gì còn lại cho Melanie, kể cả ngôi nhà. Chỉ có anh là người báo tin cho nó biết thôi. Đừng để cảnh sát nói. Tôi sẽ rất tự hào nếu có anh là con rể đấy.

Bạn anh, Davis.

Abel đọc đi đọc lại bức thư rồi gấp lại cẩn thận cất vào ví.

Vào cuối buổi sáng hôm đó, anh đến học xá tìm cách báo tin một cách nhẹ nhàng cho Melanie biết. Anh ngồi trên ghế mà lúng túng mãi không biết nói gì thêm sau khi báo tin ấy. Nhưng cô nghe tin ấy với vẻ rất bình tĩnh, dường như cô đã biết trước chuyện sẽ xảy ra mặc dầu cô không che dấu được nỗi xúc động. Cô không khóc trước mặt Abel, có lẽ để anh về rồi cô sẽ khóc.

Lần đầu tiên trong đời, anh cảm thấy thương xót cho cô.

Abel trở về khách sạn. Anh quyết định không ăn bữa trưa và bảo người phục vụ chỉ đem lên cho anh một cốc nước cà chua trong khi anh mở xem các thư gửi đến. Có một lá thư của Curtis Fenton thuộc ngân hàng Continental. Anh chắc ngày hôm nay sẽ có nhiều thư lắm. Fenton có nhận được lời khuyên của một ngân hàng ở Boston tên là Kane và Cabot, và họ sẵn sàng nhận trách nhiệm về tài chính đối với công ty Richmond. Lúc này, công việc kinh doanh vẫn cứ nên tiếp tục như thường, chờ đến khi nào có thể họp với ông Davis Leroy để bàn về số phận các khách sạn trong công ty đã. Abel ngồi nhìn những chữ trong lá thư ấy, rồi sau khi uống hết cốc nước cà chua nữa, anh thảo một bức thư cho chủ tịch ngân hàng Kane và Cabot, ông Alan Lloyd. Năm ngày sau, anh nhận được thư trả lời yêu cầu anh đến dự một cuộc họp ở Boston vào ngày 4 tháng Giêng để thảo luận việc thanh toán công ty với một ông giám đốc chuyên lo về những vụ phá sản. Trong khi chờ đợi, ngân hàng sẽ có thể tìm hiểu thêm được về cái chết bất ngờ và bi thảm của ông Leroy.

– Cái chết bất ngờ và bi thảm ư? Vậy ai gây ra cái chết ấy? – Abel bỗng thốt lên rất to. Anh nhớ lại câu nói của Davis Leroy trước khi chết: “Tôi mà có cơ hội quay lại được, tôi sẽ cho cái thằng chủ ngân hàng ranh con ấy một trận rồi chiếm luôn cả ngân hàng của nó cho mà coi”.

– Ông đừng lo, Davis. Tôi sẽ làm việc đó cho ông. – Abel nói.

Trong những tuần cuối năm đó, Abel điều khiển các hoạt động của khách sạn công ty Richmond Continental một cách rất chặt chẽ, từ nhân viên đến giá cả, và cố làm sao không cho bị chìm thêm nữa. Anh không thể không nghĩ đến mười khách sạn kia trong công ty bây giờ tình hình ra sao. Nhưng dù nghĩ đến anh cũng không có thì giờ tìm hiểu. Vả lại cũng không phải là trách nhiệm của anh nữa.

Thư Mục Truyện

TRUYỆN MỚI

TRUYỆN ĐỀ CỬ